Chương 11. "Chủ tịch. Lúc anh ở bên Mĩ... có nghĩ đến tôi không?"

'Hóa ra mạng của cô chỉ đáng giá bằng một cái lẩu vịt'. Tôi nhớ rất rõ cái tin nhắn này nên vẫn còn tức óc ách. Nguyễn Lang Ninh đúng là độc mồm độc miệng, tấm lòng của người khác qua miệng anh ta rồi thì đổi nghĩa hẳn.

"Anh có cao kiến gì không? Đắc một chút cũng không sao? Đều là tấm lòng của tôi cả." Dù gì tiền thưởng lĩnh được cũng không ít.

Nguyễn Lang Ninh cầm theo áo vest bước ra, tôi nhanh chân chạy theo. Anh ta không xuống nhà xe mà đi thẳng ra cửa:

"Chủ tịch, tay anh lành rồi sao không chạy xe?"

"Quán lẩu vịt ở gần như vậy, sẵn tiện ăn xong đi bộ về cho mau xuống cơm."

Vậy là anh ta đã quyết định ăn lẩu vịt. Tôi không ngờ là Nguyễn Lang Ninh lại còn chịu đến đó lần thứ hai.

"Vậy khi ăn xong anh đừng có nhắn 'Hóa ra tấm lòng của cô chỉ đáng giá bằng một cái lẩu vịt' nữa nhé.

Nguyễn Lang Ninh bật cười gõ đầu tôi một cái, không nói gì.

Lần này anh ta tự mình gọi món, còn dặn trước không cần chuẩn bị nĩa. Xem ra là đã có kinh nghiệm rồi. Tôi cảm thấy rất buồn cười:

"Anh không cần dặn dò như vậy đâu, không ai nhớ lần trước anh đã đến đây đâu."

"Cô nghĩ ai cũng như cô à?"

"..."

Quả nhiên là vậy. Chủ quán từ bên trong đi ra, vui vẻ vỗ vai tôi:

"An An, hôm nay lại dẫn bạn trai làm chủ của con đến ăn à?"

"Dì ơi, con nói rồi, đây đúng là chủ, nhưng không phải bạn trai."

Chủ quán cười rất to, còn vỗ vai tôi thêm hai cái đi ra ngoài cửa. Nguyễn Lang Ninh cũng cười nhẹ.

"Anh cười gì thế?"

Anh ta lắc đầu, không trả lời tôi.

Xong bữa ăn, tôi còn hào phóng muốn mời Nguyễn Lang Ninh đi uống cà phê, nhưng anh ta từ chối, bảo tôi tiết kiệm số tiền dùng cho hết tháng, đừng vì túng thiếu đến mức đem trang sức đi bán. Tôi chẳng biết đây là đang có ý tốt hay là mỉa mai sự nghèo khổ của tôi nữa.

"Chủ tịch, xin lỗi anh. Lần nào cũng để anh bị hiểu lầm."

"Không sao."

Anh ta im lặng, đi chậm lại. Tôi đi đến trước mặt anh ta rồi quay người lại:

"Sao hôm đó anh không giải thích với chủ tịch Trần?"

"Không cần thiết."

Sao lại không cần thiết? Tôi lo lắng do danh dự của anh, anh lại nói là không cần thiết? Chẳng phải chỉ cần hai chữ 'không phải' của anh là giải quyết được rồi sao? Anh lại làm khó tôi phải ra mặt giải thích từ người này đến người khác. Tôi thật sự không hiểu nỗi Nguyễn Lang Ninh.

Hai tuần sau, chủ tịch Trần đã cử người sang Mĩ công tác, ký hợp đồng trung gian với công ty bên Mĩ. Sau khi đã hoàn tất thủ tục thì đề nghị công ty S sang để giải quyết những vấn đề rắc rối vừa qua. Cụ thể là họ bị thiếu hụt hàng do công ty S bị điều tra, phải tạm ngưng xuất khẩu, không thể cung cấp kịp thời theo hợp đồng, họ phải được bồi thường tổn thất. Công ty bên Mĩ vì có ý định chấm dứt hợp đồng và muốn liên đới với công ty H, chính vì lẽ đó nên Nguyễn Lang Ninh cần phải hợp tác với tập đoàn Trần thị. Chỉ có tập đoàn Trần thị mới đủ sức ngăn cản công ty H tiến sang thị trường bên Mĩ.

Hôm nay, Nguyễn Lang Ninh đã cùng trợ lý Lưu sang Mĩ, chuyến công tác này của họ kéo dài khoảng hơn một tuần. Tôi vẫn đến công ty làm việc bình thường, chỉ là có một chút cảm giác trống vắng. Tôi được biết Khưu Lộc và trợ lý của anh ta cũng cùng đi chuyến này, bởi vì bây giờ họ là quan hệ hợp tác liên đới cùng công ty bên Mĩ, bọn họ có rất nhiều vấn đề cần giải quyết.

Nguyễn Lang Ninh không ở đây, không ai sai bảo tôi làm việc, tôi chỉ có thể ngồi đọc sách đến hết ngày. Anh ta căn dặn tôi không được đi mua cơm trưa, chỉ có thể gọi về phòng làm việc ăn. Tôi cũng rất nghe lời, vì tôi đỡ phải chạy lên chạy xuống mấy lầu mỗi ngày.

Đến chiều, vừa ra về tôi đã bắt gặp bác sĩ Minh cùng Tam Nương đang đi đến, tôi rất vui vẻ vẫy tay với họ. Thì ra bọn họ đang đi dạo, tình cờ đi ngang qua công ty. Cũng đã lâu không gặp, nên tôi cùng họ đi ăn tối.

"Đại ca không ở công ty, hay là em cứ ở nhà đi."

"Không được, em đang trả nợ, vẫn nên đi làm thì hơn."

Tam Nương cười cười nhìn tôi: "Em đến công ty cũng đâu gặp được đại ca."

"Em đâu phải đến công ty để gặp anh ta. Em đi làm."

Tam Nương và bác sĩ Minh cười lớn. Tôi không hiểu buồn cười chỗ nào, hay là họ còn có ý khác. Tôi im lặng tiếp tục ăn. Lát sau bác sĩ Minh bỗng nói đến bộ phim dạo gần đây đang chiếu trên ti vi, giọng điệu rất tức giận:

"Dạo này mọi người có xem phim 'Yêu anh không sai' không?"

Tam Nương lắc đầu: "Tôi không có thời gian, nhưng cũng có nghe nói là phim này đang rất nổi tiếng."

"Đúng rồi đó. Nhưng mà tôi không hiểu tư duy của biên kịch kiểu gì cả."

Tôi nghe tên thì thấy quen quen, lục soát ký ức một hồi thì nhớ ra đây chẳng phải là bộ phim do Cát Tường viết kịch bản sao? Tôi ho lên vài tiếng thu hút sự chú ý của cả hai người. Nhưng họ vẫn tiếp tục nói chuyện. Bác sĩ Minh tựa hồ rất bức xúc:

"Nghĩ sao lại để nam chính bị chuốc thuốc kích dục trong lúc tỉnh táo mà không phân biệt được người mình đang làm tình là ai. Xong chuyện còn đổ tội cho nữ chính. Cái loại tư duy này thật không hiểu nổi."

Tôi thầm nghĩ, nếu như Cát Tường nghe được những lời này, có lẽ sẽ ngay lập tức bốc khói.

"Thêm nữa, tôi quá tức cái cảnh nam chính bỏ vợ con chạy theo nữ phụ, tại sao có thể máu chó đến như vậy chứ."

Tôi không nhịn được lên tiếng: "Dù sao cũng chỉ là một bộ phim, cậu tức thế làm gì?"

Bác sĩ Minh không nguôi giận mà còn nói hăng say hơn: "Tại sao không thể giận? Bộ phim này có diễn viên mà tôi thích."

Hóa ra là vậy. Chắc đây là lý do khiến anh ta nổi cơn nộ, trách móc biên kịch sao lại viết ra bộ phim máu chó như thế. Tam Nương cười nhạo anh ta:

"Vậy thì đừng xem nữa. Bác như cậu nên xem 'Người thầy y đức' sẽ hợp hơn."

Tôi không nhịn được cười, cố kìm nén lại thành phụt ra một cái. "Bảo anh ta xem 'Người thấy y đức' chi bằng để anh ta xem 'Qùa tặng cuộc sống' sẽ tốt hơn."

"Cô im đi."

"Bác sĩ Minh, nếu cậu gặp được biên kịch, cậu sẽ nói gì?"

"Phê phán tư duy lệch lạc."

Tôi điềm tĩnh nhìn vào mắt bác sĩ Minh: "Biên kịch phim đó là bạn của tôi."

Anh ta không ngạc nhiên, ngược lại cười nhạo tôi: "Cô đang nói mớ hả. Dù gì biên kịch đó cũng là người nổi tiếng. Cỡ như cô quen được người như thế có cho tiền tôi cũng nghĩ cô đang lừa gạt."

Tôi giận đỏ tai, trực tiếp bốc điện thoại ra, tìm ảnh chụp cùng Cát Tường trong buổi lễ ra khai máy bộ phim đó. Lần nào Cát Tường cũng kéo tôi đến đoàn phim dự các buổi lễ khai máy mấy bộ phim mà cô ấy viết. Bác sĩ Minh nhìn ảnh rất lâu rồi mới tin. Còn rất chân thành xin lỗi vì đã xem thường tôi.

"Quay đi ngoảnh lại hóa ra cô là bạn của người nổi tiếng."

Tôi chỉ cười mà không nói gì. Thật ra đây là lần đầu tiên tôi thừa nhận với người khác mình là bạn của Cát Tường, một nhà biên kịch nổi tiếng.

"Có thể cho tôi số điện thoại của cô ấy không?"

Tôi suy nghĩ không biết có nên cho hay không, nhỡ Cát Tường không hài lòng, sẽ mắng tôi bán đứng bạn bè. Thấy bộ dạng tôi khó xử, bác sĩ Minh lại nói: "Yên tâm đi, tôi sẽ không gọi điện thoại mắng cô ấy đâu. Tôi chỉ muốn thảo luận về phim ảnh thôi."

Tôi nghĩ bác sĩ Minh cũng không phải là người xấu, lại còn là bác sĩ riêng của Nguyễn Lang Ninh, nên đã viết số điện thoại của Cát Tường cho anh ta.

Những ngày sau đó, tôi thường xuyên gặp họ trước cửa công ty, thường cùng nhau đi ăn tối nói chuyện phiếm. Cho đến khi tôi không thể nhịn được mà phải hỏi:

"Sao hai người dạo gần đây hay đi ngang công ty thế?"

Tam Nương cười giã lã với tôi: "Dạo này chị béo lên, nên rủ Minh cùng chị đi tập thể dục."

"Hai người cứ thay phiên đi theo em về đến nhà thế à? Em nhớ hai người không ai thuận đường với em mà."

"Là vì chị thấy đã trễ rồi, nên mới tiện thể đưa em về."

Tôi ồ một tiếng, lại nghĩ đến chuyện khác:

"Chị Tam Nương, chị làm việc cho chủ tịch đúng không? Sao em không thấy chị đến công ty."

Bác sĩ Minh bật cười: "Chị ấy mà làm được gì ở công ty. Chỉ giỏi đánh nhau."

Tam Nương đưa tay đánh anh ta một cái rõ đau. Sau đó họ nói chuyện khác, dường như có ý không muốn để tôi hỏi thêm câu gì. Tôi cũng biết mình không nên hỏi tiếp. Vì có hỏi họ cũng không muốn trả lời.

Buổi tối ngày thứ tư sau khi Nguyễn Lang Ninh đi công tác, tôi vừa đọc sách vừa nghĩ đến anh ta. Đã bốn ngày rồi không gặp, tôi cứ nghĩ đến Nguyễn Lang Ninh luôn miệng gọi tôi 'Năm mươi nghìn', dạo này không nghe gọi cũng cảm thấy trống vắng. Bận suy nghĩ một lúc thì anh ta đã gọi điện thoại cho tôi, không cần nhắc, chỉ cần nghĩ mà Tào Tháo cũng đến điểm danh:

"Ngủ chưa?" Giọng Nguyễn Lang Ninh trầm ấm.

"Chưa. Chủ tịch cũng chưa ngủ hả?"

"Ở đây đang là buổi trưa."

"..."

"Mai không cần đến công ty."

"Vì sao?"

"Không có việc cho cô."

Tôi ồ một tiếng, không biết nói gì thêm. Trong lòng bỗng nhiên rất vui, cứ như bắt được vàng vậy. Trong đầu suy nghĩ chẳng biết nên hỏi gì.

"Cúp máy đây."

"Chủ tịch."

"Có chuyện gì?"

"Công việc thế nào rồi? Có ổn không? Đàm phán xong chưa?"

"Rất thuận lợi."

Tôi rất muốn hỏi khi nào anh ta quay về, nhưng lại sợ Nguyễn Lang Ninh nghĩ tôi mong chờ anh ta, nên chẳng thể mở miệng. Nguyễn Lang Ninh lại như nghe được suy nghĩ của tôi:

"Ba ngày sau tôi về."

Đôi môi tôi bất giác cong lên, trong lòng như vừa có ngọn gió xuân thổi qua, vừa dịu dàng vừa mát mẻ.

"Vâng, chủ tịch. Tôi sẽ đến đón anh."

"Không cần. Tôi về thẳng công ty."

"Vâng."

"Ngủ ngon."

Đây là lần thứ hai Nguyễn Lang Ninh chúc tôi ngủ ngon, mà lần này là gọi điện thoại, giọng nói dịu dàng trầm ấm, làm cho tôi thêm vui vẻ.

Tôi định tắt máy thì anh ta lại bồi thêm: "Cứ ở nhà cho đến khi tôi trở về."

Tôi đáp lời một cách ngoan ngoãn rồi cúp máy. Đột nhiên vui vẻ lạ thường, trên môi cứ vắt mãi một nụ cười. Cát Tường từ trong phòng ngủ đi ra:

"Này, cậu trúng gió hả?"

Tôi tắt hẳn nụ cười, không muốn nói rằng mình vui vì chủ tịch vừa gọi điện thoại chúc ngủ ngon, nếu không Cát Tường sẽ lại than phiền về thái độ của tôi dành cho Nguyễn Lang Ninh. Cô ấy nhìn tôi bằng ánh mắt dò xét, sau đó còn dùng hai tay ra hiệu luôn dùng hai mắt dõi theo tôi, tôi bất giác rùng mình một cái. Tôi sợ Cát Tường lại đoán ra tâm tư của tôi. Nhà biên kịch đại tài này rất là nguy hiểm.

Mấy ngày tiếp theo tôi ở nhà đọc sách, tiếp tục nghiên cứu thêm về ngành Quản trị kinh doanh. Tuy Cát Tường luôn miệng phản đối, nhưng vẫn giúp tôi tìm thêm thông tin để học hỏi. Từ hai bữa nay, Cát Tường luôn bận rộn ra ngoài, trước khi đi còn sửa soạn trang điểm rất kỹ, tôi đoán chắc là đi đến đoàn phim. Tôi cũng chỉ tiện miệng hỏi vài ba câu, cô ấy cũng trả lời qua loa rồi làm ra vẻ bận rộn, có lẽ tôi đã đoán đúng rồi.

Sau cuộc điện thoại đó, Nguyễn Lang Ninh không gọi thêm cuộc gọi nào, chỉ có Khưu Lộc là thường xuyên hỏi thăm tôi. Tôi cũng thấy anh ta ngày càng thu liễm cái sự phóng đãng đó, mà quan tâm tôi như một người em gái. Tôi rất vui mừng vì điều đó.

Ba ngày sau, tôi muốn đến đón Nguyễn Lang Ninh, nhưng lại không biết anh ta sẽ về lúc nào. Suy đi tính lại, tôi quyết định đi đến công ty từ sớm để chờ đợi anh ta về. Tôi chờ đợi đến cuối ngày, cũng không thấy Nguyễn Lang Ninh trở về, tôi đành mang bộ mặt thất vọng đi về nhà. Từ xa xa tôi thấy có một chiếc xe đỗ trước nhà mình, là chiếc Audi của Nguyễn Lang Ninh. Tôi chạy đến thì thấy anh ta đang đứng tựa người vào cửa xe, trên người mặc áo sơ mi đen, quần tây âu cùng áo khoác dạ cùng màu:

"Chủ tịch. Anh... sao lại ở đây?"

"Cô đi đâu thế? Điện thoại không gọi được."

Tôi nhanh tay móc điện thoại ra, hóa ra là đã hết pin.

"Anh... về khi nào vậy?"

"Một tiếng trước."

"Anh đến nhà tìm tôi hả? Bộ có chuyện gì sao?"

Nguyễn Lang Ninh lắc đầu, nhìn đồng hồ:

"Ăn cơm chưa?"

Tôi lắc đầu. Cả ngày nay mang theo tâm trạng chờ đợi, nên chẳng ăn gì vô cả.

"Cất xe đi. Rồi cùng đi ăn."

"Anh mời?"

Nguyễn Lang Ninh gõ đầu tôi, không nói gì thêm. Tôi nhanh chóng đi cất xe máy, tung tăng đi ra xe. Anh ta tự lái xe đến mà không có tài xế, tôi không biết nên ngồi đâu mới đúng. Tôi đến mở cửa xe sau, đã bị gọi bằng cái tên quen thuộc với chất giọng khó chịu:

"Năm mươi nghìn. Không ngồi ở đó."

Tôi đã hiểu nên đi đến mở cửa ghế phụ, bước vào trong. Vì trời rất lạnh nên mũi tôi cũng đỏ lên, tuy xe có điều hòa nhưng nhất thời không hết lạnh ngay được. Tôi thắt dây an toàn, vui vẻ cười với Nguyễn Lang Ninh:

"Chúng ta ăn gì thế chủ tịch?"

"Lẩu vịt."

"Lại là lẩu vịt?"

"Không phải cô thích ăn sao?"

Tôi kiềm chế cơ mặt, không dám bày ra vẻ mặt không hài lòng. Tuy tôi thích ăn, nhưng hôm qua vừa ăn xong, hôm nay lại ăn, tôi cũng biết là ngán. Lần nào đi ăn cùng nhau cũng là lẩu vịt, chẳng lẽ Nguyễn Lang Ninh đã bị lây sở thích của tôi rồi sao? Biết vậy lần đó tôi đã mời anh ta ăn món khác.

Nguyễn Lang Ninh cởi áo khoác quăng cho tôi: "Cầm hộ tôi."

Tôi lập tức ôm lấy, trên áo vẫn còn hơi ấm, tôi ôm vào thấy ấm áp hơn nhiều, mũi cũng dần bớt đỏ.

"Áo của anh ấm thật."

"Khoác vào đi."

Tôi nhận ra rằng đi theo Nguyễn Lang Ninh dần lâu tôi đã hình thành một thói quen. Đó là khi anh ta nói gì tôi cũng sẽ răm rắp làm theo như được lập trình sẵn, dù não tôi vẫn chưa kịp xử lý dữ liệu.

Khi chúng tôi đến quán, hôm nay trời lạnh nên mọi người đều kéo nhau đi ăn lẩu. Quán lẩu vịt thường ngày đã đông, hôm nay lại càng đông hơn. Tôi là khách hàng quen mặt, vừa đến cửa đã được chủ quán dặn dò sắp xếp sẵn bàn trống.

Nguyễn Lang Ninh gọi món, vẫn là món lẩu vịt xiêm.

"Chủ tịch, anh có muốn uống chút rượu cho ấm người không?"

"Tôi lái xe."

"..."

Khó lắm mới nghĩ ra chuyện để nói, lại thành ra quê mặt. Tôi bĩu môi:

"Anh không uống thì tôi uống."

Nguyễn Lang Ninh không nói gì, nên tôi đã gọi một chai rượu nhỏ. Đồ ăn được đem ra đầy đủ, anh ta vẫn theo thói quen không nói chuyện mà chỉ tập trung ăn. Vì tôi đã quen rồi, nên cũng không cảm thấy khó chịu. Người ta nói đúng thật, khi trời lạnh, uống một chút rượu vừa vui vẻ lại ấm người. Tôi uống được ba ly đã bắt đầu thấy ấm áp và hưng phấn hẳn.

Khách dần tan, chúng tôi cũng đã ăn xong, nhưng Nguyễn Lang Ninh lại không có ý sẽ về. Anh ta bình thản ngồi uống nước, một lúc còn ngồi sắp xếp lại xương vịt cho ngay ngắn.

"Chủ tịch, chúng ta về được chưa?"

"Cô uống rượu rồi. Ngồi một lúc cho tỉnh đi."

Tôi bật cười phản bác: "Tôi không có say."

"Không ai say mà tự nhận mình say cả."

Tôi tắt hẳn nụ cười. Chúng tôi ngồi lại một lúc lâu, tôi tiện thể hỏi chuyện công ty, Nguyễn Lang Ninh đã cho tôi biết mọi việc đang tiến hành rất thuận lợi. Công ty bên Mĩ cũng không gây sức ép về việc bồi thường tổn thất. Tôi nghe vậy cũng rất vui, sắp tới Nguyễn Lang Ninh cũng không cần bận rộn trong ngoài xuyên suốt nữa rồi.

"Anh vừa về là đến tìm tôi sao?"

Nguyễn Lang Ninh không trả lời, tôi lại nói thêm:

"Hôm nay tôi đến công ty."

"Tôi dặn cô ở nhà cho đến khi tôi về rồi mà."

"Tôi nghe anh nói khi về sẽ đến thẳng công ty, nên tôi muốn làm anh bất ngờ."

Nguyễn Lang Ninh dùng giọng điệu ba phần thật bảy phần giỡn: "Tôi vừa bất ngờ rồi."

"..."

Khi khách chỉ còn lại hai ba bàn, chủ quán từ trong đi ra, vẫn là câu nói cũ:

"An An, lâu rồi mới thấy cháu dắt theo bạn trai đến ăn nữa đó. Hổm nay đều đi với Cát Tường thôi. Cãi nhau mới làm lành hả?"

"Dì ơi, dì cố chấp lắm luôn. Con đã nói với dì đây là chủ của con, làm ở công ty đằng kia kìa. Không phải bạn trai." Tôi vừa cười vừa bày bộ mặt khó xử.

"Áo khoác người ta cháu cũng mặc rồi. Còn nói không phải?"

"Không phải đâu dì."

Chủ quán vẫn cười to, nhìn Nguyễn Lang Ninh nháy mắt một cái rồi đi ra ngoài. Lúc này anh ta cũng đứng dậy, đi đến quầy tính tiền. Cuối cùng cũng chịu về, tôi thở dài rồi nhanh chân chạy theo. Lần nào đến đây cũng bị hiểu lầm, tôi giải thích đến mệt mỏi luôn.

Trên đường về, Nguyễn Lang Ninh không nói gì nhiều. Chỉ hỏi tôi đã đọc hết sách chưa, có chỗ nào không hiểu hay không. Tôi rất trung thực trả lời rằng có lúc lười nên chưa đọc xong. Có vài chỗ tôi tra trên mạng vẫn không hiểu. Nhân lúc rảnh rỗi tôi hỏi anh ta luôn, Nguyễn Lang Ninh cũng rất vui lòng giải thích cho tôi. Tôi sợ sẽ quên, thấy trong xe có giấy bút nên tiện tay lấy rồi ghi chép lại. Cứ như vậy suốt cả đoạn đường, chẳng mấy chốc đã về đến nhà.

Tôi bước xuống xe, Nguyễn Lang Ninh cũng bước xuống, tôi trả anh ta áo khoác, và không quên cảm ơn.

Nguyễn Lang Ninh gật đầu, không nói thêm gì. Tôi quay người muốn bước đi lên nhà, nhưng trong lòng lại có gì đó như muốn níu tôi ở lại. Không biết điều gì đã thôi thúc tôi hỏi anh ta một câu:

"Chủ tịch. Lúc anh ở bên Mĩ... có nghĩ đến tôi không?"

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro