Chương 14. Vì sao lại khóc?

Nguyễn Lang Ninh không trả lời, anh ta không đồng ý cũng không phản đối, tôi không biết anh ta rốt cục đang nghĩ gì. Bây giờ anh ta không thể dùng máy trợ thính, người khác chỉ có thể dùng thủ ngữ để nói chuyện, nếu anh ta không học làm sao mà hiểu được. Tôi cố gắn giải thích để Nguyễn Lang Ninh hiểu, bây giờ đó chỉ là biện pháp tạm thời, vì bác sĩ Minh có nói, anh ta cần có thời gian làm quen với việc mất đi thính lực, đồng thời cũng cần thời gian để não bộ hồi phục tổn thương, mới có thể tiến hành điều trị.

Đáp lại tôi là sự im lặng, Nguyễn Lang Ninh thậm chí còn không đủ kiên nhẫn đọc hết những dòng chữ mà tôi viết. Anh ta quay người, phủ chăn kín toàn thân, như muốn đuổi tôi ra khỏi phòng. Tôi hụt hẫng, đặt sổ tay xuống bàn, đứng nhìn anh ta một lúc rồi quay trở về phòng bên cạnh. Nhưng tôi sẽ không từ bỏ. Nguyễn Lang Ninh không học thì tôi sẽ học, sau đó dạy lại cho anh ta.

Tôi về phòng, thu dọn đồ đạc rồi gọi điện thoại cho Cát Tường. Cô ấy vừa bắt máy lên đã nói giọng bất mãn:

"Cuối cùng cậu cũng nhớ ra còn có một người bạn như mình à?"

"Chanh chua quá. Chẳng qua là vì..."

"Mình đã nói với cậu rồi, cậu và chủ tịch của cậu là tình trong như đã mặt ngoài còn e. Bây giờ hắn ra nông nỗi như vậy, cậu đã nhận ra tình cảm của mình rồi đúng không?"

Tôi im lặng, không biết nên nói sao cho đúng. Cát Tường quả thật đã nói rất đúng, cô ấy đã nhìn thấy được tình cảm của tôi dành cho Nguyễn Lang Ninh, chỉ là tôi từ đầu trốn tránh không chịu thừa nhận.

Cát Tường không nghe tôi nói gì thì nói tiếp:

"Thật ra mà nói, mình vẫn rất phản đối việc cậu ở bên hắn. Bây giờ hắn tự mình chuốc lấy nguy hiểm, sau này có khi sẽ kéo theo cả cậu."

"Cậu đừng nói nữa. Mình gọi cậu để cho cậu hay mai mình sẽ về nhà."

"Không ở đó xem chừng hắn nữa à?"

Bỗng nhiên tôi ứa nước mắt: "Anh ấy không cần mình nữa rồi."

Cát Tường rất hiểu tôi, cô ấy biết có lẽ tôi đang rất buồn, liền luôn miệng an ủi tôi, bảo ngày mai sẽ đến đón tôi, cùng tôi dọn đồ về nhà.

Sáng sớm, tôi cùng chú Lâm chuẩn bị đồ ăn sáng cho Nguyễn Lang Ninh, Tam Nương và bác sĩ Minh cùng nhau đến, vui vẻ chào hỏi nhau. Từ khi Nguyễn Lang Ninh tỉnh dậy, mọi người đều đã vui vẻ hơn rất nhiều. Từ sáng tôi đã đem hết đồ đạc của mình xuống hành lang hướng đi ra cửa để sẵn, đợi Cát Tường đến là có thể đi ngay.

Tam Nương nhìn thấy hành lý của tôi, không khỏi ngạc nhiên:

"An An, em định về nhà hả?"

"Dạ, hôm nay em sẽ về. Chủ tịch cũng đã lành hẳn, em cũng không nên ở lại đây làm phiền."

Bác sĩ Minh cầm cốc cà phê đi đến: "Chủ tịch bảo cô về hả?"

"Không có. Chỉ là tôi thấy vẫn nên về nhà mình tốt hơn. Khi rảnh rỗi vẫn sẽ đến đây mà."

Thật ra là tôi không muốn bị thái độ cố chấp của Nguyễn Lang Ninh làm cho đau lòng. Tuy tôi không muốn đi, nhưng vẫn quyết định đi, để tìm cách khác chống lại sự cố chấp của anh ta. Tôi đã nói với chú Lâm từ sớm, chú cũng khuyên tôi nên ở lại, chỉ có tôi mới có thể nói chuyện với Nguyễn Lang Ninh, bọn họ thì không thể, nhưng chính vì như thế mà tôi càng phải đi. Tôi không muốn Nguyễn Lang Ninh vì chuyện mất đi thính giác mà từ chối tất cả mọi người, từ chối những người thân thiết bên cạnh quan tâm tới mình.

Khi Cát Tường đến, tôi thấy bác sĩ Minh ngay lập tức chạy ra đón, tôi còn chưa kịp phản ứng thì bác sĩ Minh đã dắt Cát Tường vào bên trong. Chúng tôi đều nhìn họ bằng thái độ dò xét, Cát Tường liền thấy không ổn, một tay kéo tôi đi.

Trước khi đi, tôi đem đồ ăn sáng lên phòng cho Nguyễn Lang Ninh, anh ta đang đứng ở ban công, nhìn ra ngoài, hướng phía xa xa có một trang trại lớn. Anh ta không nghe được, nên không biết tôi đã vào phòng. Tôi viết một mảnh giấy để lại trên bàn: 'Hôm nay tôi về nhà. Chủ tịch hãy nghỉ ngơi, nhớ ăn uống đầy đủ. Khi rảnh tôi sẽ đến thăm anh.'

Khi tôi rời đi, mọi người đều rất tiếc nuối. Chú Lâm quả thật không cam tâm để tôi đi, luôn miệng tìm ra đủ lý do để tôi ở lại, nhưng khi tôi đã quyết, thì dù cho có nói thế nào tôi cũng không ở lại. Tam Nương muốn đưa tôi về, tôi lập tức từ chối. Tôi và Cát Tường cùng về nên sẽ không xảy ra chuyện gì, tôi không muốn làm phiền đến cô ấy. Vậy mà khi chúng tôi về, vẫn thấy Tam Nương lái xe đi theo ở phía sau.

Về đến nhà, Cát Tường không hỏi tôi thêm chuyện gì, trực tiếp đi vào nhà bếp pha cho tôi một ly trà gừng nóng. Mùa xuân đang đến nên hôm nay trời rất lạnh, trong lòng tôi càng cảm thấy lạnh hơn. Vừa không nhìn thấy Nguyễn Lang Ninh một chút, tôi đã cảm thấy một khoảng trống to trong tim mình. Cát Tường đi đến bên cạnh tôi, ngồi xuống, tôi tiện miệng hỏi vài câu:

"Cậu và bác sĩ Minh quen nhau hả?"

Cát Tường không mấy vui vẻ trả lời: "Cũng tính là quen biết."

"Sao thế? Anh ta làm gì cậu à?"

"Cái tên đó, ban đầu làm quen với mình qua mạng xã hội, mình còn đang ngạc nhiên không biết ai đã cho anh ta số điện thoại nữa."

Tôi chột dạ, uống một ngụm trà gừng: "Sau đó thì sao?"

"Anh ta nói là tình cờ nhập số một người bạn nhưng chắc có nhầm lẫn nên thành số của mình. Rồi sẵn tiện làm quen. Gặp nhau rồi mới biết mình và anh từng tình cờ gặp nhau rồi."

"Sao giọng điệu của cậu giống như đang hờn dỗi thế?"

"Còn không phải cái tên đó nói dối mình sao. Nói là bác sĩ khoa nhi, làm ở bệnh viện nhi đồng, khoa nhi của anh ta là cậu bé chủ tịch của cậu đó."

Tôi bật cười, bác sĩ Minh này đúng là giỏi bịa chuyện, lại gặp ngay nhà biên kịch đại tài Cát Tường, đúng là rất hợp nhau. Cát Tường chuyện gì cũng dựa vào phán đoán của mình mà quyết định, xem ra lần này phán đoán của cô ấy đã bị bác sĩ Minh làm cho sai bét hết rồi.

Buổi tối, tôi cùng Cát Tường đi đến quán lẩu vịt, vì đã lâu chưa ăn, cộng thêm dạo gần đây tôi vì chuyện của Nguyễn Lang Ninh mà ăn không ngon miệng, nên cô ấy đã đề nghị cùng đi ăn lẩu vịt, muốn kéo tâm trạng đang ở dưới đáy của tôi lên.

Vừa bước vào, tôi lại nhớ đến những lần cũng Nguyễn Lang Ninh đến đây, mỗi lần đến đều bị chủ quán hiểu lầm là một đôi, tôi luôn phải giải thích. Nhưng bây giờ, tôi không đến cùng anh ta, đột nhiên cảm thấy thiếu thốn.

Cát Tường nói, trên mặt tôi vác theo một nỗi buồn, nhìn thấy thì cô ấy ăn không ngon chút nào. Tôi chỉ biết gượng cười, nhưng trong lòng thật sự rất buồn. Cát Tường nhìn tôi một hồi thì không nhịn được, liền nói:

"Nếu cậu buồn thì cứ khóc đi. Dù sao để trong lòng cũng không hết được. Cậu thay bằng nước mắt mà trút ra hết đi."

Sự khó chịu trong lòng tôi đã đầy, lời nói của Cát Tường lại như giọt nước tràn ly, tôi cứ thế bật khóc.

Ngày hôm sau, tôi đến công ty làm việc sau một thời gian dài chăm sóc Nguyễn Lang Ninh. Người trong công ty truyền tai nhau rất nhiều chuyện về chúng tôi, nhưng không có chuyện gì là đúng cả. Khi nhìn thấy tôi, tôi còn nghe loáng thoáng được họ nói cứ tưởng tôi đã bị đuổi việc, không ngờ hôm nay còn đến công ty khiến họ thất vọng một phen. Đám nữ tú này, đúng là tới bây giờ vẫn không ngừng nuôi hi vọng với Nguyễn Lang Ninh.

Tôi vào phòng chủ tịch, thấy Khưu Lộc đang ngồi ở vị trí của Nguyễn Lang Ninh, tôi nhất thời bị lệch một nhịp, cứ tưởng đó là Nguyễn Lang Ninh. Khưu Lộc thấy tôi thì rất vui vẻ đứng dậy chào đón:

"Yo, em gái An An, sao hôm nay lại đến đây? Ninh Ninh khỏe rồi à?"

"Tôi đến đây làm việc trả nợ, sao có thể vắng lâu được."

"Ninh Ninh không thể đến, anh còn tưởng em sẽ không đến luôn."

"Chủ tịch không đến cũng không bị trừ lương, tôi thì có."

Khưu Lộc cười lớn, đi đến ghế sofa ngồi xuống, còn tôi đi đến kệ sách bên phải tìm sách đọc. Có lẽ là thói quen mới đã được hình thành, điều đầu tiên khi đến công ty là tìm một sẵn một cuốn sách để đọc. Tìm được cuốn sách nên đọc, tôi đi đến sofa, ngồi ở ghế trong cùng, đối diện với Khưu Lộc.

"Ngày chủ tịch bị nạn, anh có ở đó không?"

"Không, anh lúc đó đang ở nhà. Sao thế?"

"Tôi thấy nghi ngờ chủ tịch là bị người ta hãm hại."

Khưu Lộc nhếch môi nhẹ, cuối cùng cũng thay đổi sắc mặt, nghiêm túc nói chuyện với tôi.

"Anh nghĩ bản thân Ninh Ninh cũng tự nhận ra được. Nhưng chưa tìm ra được bằng chứng, nên mới án binh bất động."

Tôi muốn biết sự việc ngày hôm đó, Khưu Lộc cũng không giấu giếm mà kể lại cho tôi những gì mà anh ta biết. Đêm đó có một cuộc gọi từ công xưởng, bảo rằng đã tìm ra được một phương pháp sản xuất mới cho dây chuyền sản phẩm mới vào năm sau. Nguyễn Lang Ninh vội vã dắt theo trợ lý Lưu đến ngay. Khi đến nơi, nhân viên đã về gần hết, chỉ còn lại một nhóm người nghiên cứu đang cùng nhau ăn tối. Nguyễn Lang Ninh không muốn chờ đợi thêm, trực tiếp đi vào phòng nghiên cứu mà không gọi theo người của công xưởng. Anh ta vào phòng được khoảng ba mươi phút thì xảy ra vụ nổ. Cho đến thời điểm hiện tại, không ai biết sự việc cụ thể trong phòng nghiên cứu ba mươi phút đó. Nguyễn Lang Ninh không nói gì với ai. Công xưởng này trước kia là kho xuất hàng của công ty con bây giờ, sau khi Nguyễn Lang Ninh thu mua lại thì biến nó thành công xưởng để nghiên cứu các phương pháp sản xuất mới.

Từ sau khi hay tin, Khưu Lộc đã tự mình đi điều tra, nhưng lại không có kết quả gì. Thứ anh ta thu được hoàn toàn không đủ thỏa mãn sự nghi ngờ của tất cả chúng tôi. Tôi muốn Khưu Lộc đưa tôi đến nơi đó, tôi muốn tận mắt chứng kiến nơi đã xảy ra vụ nổ, biết đâu tôi có thể phát hiện ra được gì đó. Khưu Lộc không phản đối mà lập tức lái xe đưa tôi đến công xưởng, nó nằm ở khu công nghiệp của thành phố.

Vụ nổ phòng nghiên cứu đã làm hỏng nặng kiến trúc của công xưởng, vì chưa tìm được manh mối nên bọn họ quyết định không tu sửa lại mà dời địa điểm nghiên cứu sang một công xưởng khác. Bên cạnh đó cũng cho người canh giữ cẩn thận, không để người khác đến xóa manh mối.

Tôi đi vào bên trong. Mọi thứ dường như đã bị lửa thiêu đốt rất dữ dội, hoàn toàn trở thành đống sắt vụn. Khưu Lộc chỉ tôi nguồn điện, nơi được cho là nguyên nhân của vụ nổ, cảnh sát cũng đưa ra kết luận đây là hậu quả của việc chất dẫn điện bị quá tải làm nguồn điện phát nổ. Nhưng với người từng làm việc ở văn phòng luật sư, xem qua rất nhiều vụ án, tôi cũng một phần hiểu được, đây hoàn toàn chỉ là kết luận vội vàng.

"Phòng nghiên cứu là nơi được sử dụng các loại máy móc tiên tiến nhất, sao lại có chất dẫn điện quá tải?"

Khưu Lộc nhìn theo hướng nguồn điện, cũng gật đầu đồng tình với tôi: "Anh cũng nghĩ vậy."

"Anh nghĩ, chủ tịch trong ba mươi phút đó đã làm gì?"

"Em không hỏi hắn à?"

"Nếu chủ tịch đã nói thì tôi còn cùng anh ở đây suy đoán điều tra làm gì nữa?"

"..."

Trong đống đổ nát điêu tàn này, nơi đã gây tổn thương cho Nguyễn Lang Ninh, trong lòng tôi tràn lên một nỗi giận dữ, tôi rất muốn tìm ra người đã hại anh ta. Nhưng chẳng có một manh mối nào, mọi thứ được thực hiện gọn gàng sạch sẽ, bây giờ ngoài điều tra đám người của công xưởng ra thì không thể làm gì. Tôi bảo Khưu Lộc liên hệ với Tam Nương, đưa hết những người còn ở lại công xưởng vào đêm đó vào tầm kiểm soát. Họ cũng rất đồng tình, làm theo lời tôi đã nói.

Sau khi xem xét một hồi, Khưu Lộc đưa tôi về lại công ty. Trợ lý Lưu và trợ lý của Khưu Lộc là trợ lý Phúc đúng lúc cũng vừa đến, thông báo cho Khưu Lộc biết tình hình công việc hiện tại.

Công ty S và công ty K đã xử lý xong toàn bộ hồ sơ hạn ngạch xuất khẩu, bây giờ có thể tiến hành bước tiếp theo là tổng kết hạn ngạch cả năm, nhưng việc này dù Khưu Lộc được ủy nhiệm giải quyết việc của công ty S thay Nguyễn Lang Ninh cũng không thể thay anh ta ký tên vào bảng tổng kết này.

Khưu Lộc sau khi đóng dấu vào bản xuất khẩu hàng hóa của công ty K để chuyển cho công ty S thì quăng mớ giấy tờ riêng của công ty S lại cho trợ lý Lưu. Trợ lý Lưu làm vẻ mặt nan giải nhìn tôi, rồi dùng hai tay dâng lên cho tôi:

"An An nương nương, việc này phải làm phiền cô rồi."

Cũng phải thôi, từ khi Nguyễn Lang Ninh bị thương tỉnh lại, chẳng muốn gặp ai, kể cả trợ lý Lưu. Tôi lại là người duy nhất đóng vai trò là phương tiện liên lạc cho bọn họ.

Trợ lý Lưu đưa tôi đến nhà Nguyễn Lang Ninh, chú Lâm nói từ khi tôi rời đi, Nguyễn Lang Ninh không ra khỏi phòng, cũng không đến phòng đọc sách, chỉ ở lì trong phòng. Tôi nghe vậy thì vừa giận vừa lo lắng, trực tiếp chạy lên phòng Nguyễn Lang Ninh.

Anh ta vẫn đứng ở ngoài ban công như lúc tôi rời đi, nhìn ra hướng trang trại phía xa, đôi mắt đăm chiêu. Lúc trước đã ít nói, khó gần, bây giờ thì thậm chí còn không thèm mở miệng, cứ nhốt mình ở trong phòng. Tôi đi đến vỗ vai anh ta, Nguyễn Lang Ninh giật mình, nhìn thấy tôi thì cơ mặt giãn ra:

"Đến rồi à?"

"Chủ tịch đang chờ tôi sao?"

Nguyễn Lang Ninh nhìn tôi bằng ánh mắt khó hiểu xen lẫn một nét buồn bã, tôi chợt nhớ ra liền chạy vào trong lấy cuốn sổ tay, viết lại điều tôi vừa nói. Nguyễn Lang Ninh đọc xong lại nhìn xa xăm, một lúc sau mới trả lời bằng giọng hờn dỗi:

"Ai thèm chờ cô."

Tôi nghe cái giọng giận dỗi như trẻ con thế này từ miệng Nguyễn Lang Ninh phát ra thì cảm thấy vô cùng buồn cười. Tôi bật cười thành tiếng, anh ta cũng không nhìn thấy. Tôi viết thêm một dòng:

'Tôi không còn là chân sai vặt của riêng chủ tịch nữa. Bây giờ tôi là một cái máy truyền tin.'

Nguyễn Lang Ninh đọc xong thì nhìn vào mắt tôi, như đã hiểu điều tôi muốn nói, anh ta thở dài:

"Có chuyện gì?"

'Công ty có việc cần chủ tịch. Khưu Lộc và trợ lý Lưu không giải quyết được.'

Nguyễn Lang Ninh đi vào phòng, ngồi xuống cái ghế dài, tôi cũng đi theo ngồi ở bên cạnh, đưa cho anh ta xem giấy tờ cần xử lý của công ty. Anh ta xem xét một lúc, đột nhiên đứng dậy, đi vào phòng để quần áo. Tôi đoán là anh ta muốn đến công ty, trực tiếp giải quyết vấn đề.

Như tôi đã đoán, trợ lý Lưu đưa chúng tôi đến công ty, Nguyễn Lang Ninh trưng bày một bộ mặt đầy sát khí, đi thẳng vào văn phòng làm việc. Người của công ty ai nấy đều không dám nhìn anh ta quá một giây, tất cả đều tìm cách trốn khỏi tầm mắt của anh ta.

Các ban giám đốc và các phòng khác bình thường sẽ thay nhau nộp hồ sơ kiểm toán hay giấy tờ tổng hợp, bây giờ chẳng ai dám bước đến cửa phòng chủ tịch, tất cả việc này đều đến tay tôi.

Tôi lần lượt mang hết giấy tờ từ phòng này tới ban khác đến bàn chủ tịch, Nguyễn Lang Ninh im lặng làm việc, tuyệt nhiên không lên tiếng, sắc mặt là từ đầu đến cuối đều không thay đổi.

Tôi bây giờ đã không còn sợ hãi cái nét mặt này của anh ta nữa, cũng không còn chán ghét, mà chỉ cảm nhận được sự thống khổ trong lòng của Nguyễn Lang Ninh. Một người cao lãnh, luôn cao cao tại thượng bây giờ lại mất đi thính lực, chuyện này bị đồn ra ngoài, anh ta sẽ trở thành trò cười trong giới thương trường. Đổi lại là tôi, có lẽ cũng là một đả kích lớn.

Nguyễn Lang Ninh làm việc nửa ngày, trời đã bắt đầu khuất sau đỉnh đồi. Tôi thấy anh ta không có dấu hiệu dừng lại, chắc bởi vì nghỉ ngơi quá lâu, quay trở lại giống như làm việc bù vậy. Tôi đợi anh ta đến chín giờ, cuối cùng anh ta cũng đã làm xong, mang giấy tờ để lên kệ bên trái. Tôi nhanh chân đi đến, để một tờ giấy lên bàn: 'Cùng đi ăn tối nhé, chủ tịch?'

Nguyễn Lang Ninh vẫn chưa thu lại dáng vẻ hờn dỗi của mình:

"Tôi không đói."

'Nhưng tôi đói.'

"Tự mình ăn đi."

'Anh không ăn, tôi cũng không ăn.'

Nguyễn Lang Ninh chịu thua, hỏi tôi muốn ăn gì. Đương nhiên tôi sẽ không chọn đi ăn lẩu vịt, nhưng anh ta lại nói:

"Không ăn lẩu vịt nữa à?"

Tôi bất mãn lắm, nhưng vẫn phải viết ra giấy:

'Nếu anh thích thì chúng ta đến đó.'

Và thế là Nguyễn Lang Ninh dắt tôi đến quán lẩu vịt thật. Nếu tôi đoán không sai thì Nguyễn Lang Ninh đã bị lây sở thích của tôi rồi. Bây giờ anh ta một là lẩu vịt, hai cũng là lẩu vịt. Tôi không ngờ Nguyễn Lang Ninh lại thích ăn lẩu vịt đến thế. Hôm qua tôi vừa ăn xong, hôm nay lại ăn. Tuy lẩu vịt rất ngon, nhưng đâu nhất thiết lần nào đi ăn cùng nhau cũng là lẩu vịt.

Tôi và Nguyễn Lang Ninh đi bộ đến quán, giờ này cũng đã thưa người, tôi từ xa đi đến đã thấy chủ quán vẫy tay với tôi. Lần này tôi không sợ chủ quán nói gì nữa, bởi vì dì ấy có nói, Nguyễn Lang Ninh cũng không nghe được nữa, tôi cũng không cần giải thích. Vẫn như tôi nghĩ, tôi vừa đến chủ quán đã nói:

"Lâu quá không thấy con với bạn trai đến đây. Hôm qua khóc một trận, còn tưởng con chia tay bạn trai, hôm nay đã dắt bạn trai đến rồi. Làm lành rồi đúng không?"

Lần này tôi chỉ cười giã lã, bịa bừa một lý do mà không buồn giải thích về mối quan hệ của chúng tôi nữa.

Vào bên trong, tôi gọi món cũ, kèm theo một chai rượu nhỏ. Khi đồ ăn được mang ra đầy đủ, Nguyễn Lang Ninh hỏi tôi:

"Ban nãy chủ quán nói gì?"

Tôi thầm nghĩ, còn nói gì được nữa, vẫn là câu nói cũ. Tôi vừa nghĩ vừa lục tìm sổ tay và bút trong túi, nhưng lại không thấy. Tôi tìm trong túi xách cũng không có, lẽ nào đã bỏ quên trong công ty. Tôi không biết làm sao, sau cùng đi tìm nhân viên mượn một vài tờ giấy và một cây bút.

'Vẫn là câu nói cũ. Anh không cần để ý.'

Nguyễn Lang Ninh đọc xong thì bất mãn nhìn tôi: "Ghi rõ cả câu nói ra đi."

Tôi không hiểu anh ta muốn gì, nhưng vẫn chiều lòng anh ta. Tôi chỉ ghi ngắn gọn: 'Dì ấy nói lâu quá không thấy tôi dẫn bạn trai đến'. Nguyễn Lang Ninh xem xong thì bật cười, trên mặt đã không còn sát khí như lúc chiều, mà đã được thay thế bằng một nét cười nhẹ nhàng.

"Tôi nhìn thấy chủ quán nói rất nhiều, không chỉ một câu thế này."

'Chủ tịch, đây là ý đại khái.'

"Ghi rõ từng câu từng chữ."

Tôi bày ra vẻ mặt bất mãn, nhưng vẫn ghi rõ từng chữ. Tôi không muốn Nguyễn Lang Ninh hoài nghi nhân sinh, không muốn để anh ta nghĩ bản thân mất đi thính lực thì người bên cạnh muốn nói gì thì nói.

Nguyễn Lang Ninh xem xong thì nhìn tôi:

"Vì sao lại khóc?"

Tôi ghi sang một tờ giấy mới, vỏn vẹn hai chữ:

'Vì anh.'

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro