Chương 31. Tình cảm gia đình

Sáng mùng Một tết, cả gia đình tôi tập trung lại vào trước sân chụp một tấm hình đầy đủ các mặt thành viên. Đây là truyền thống mỗi năm của gia đình tôi, như để chứng mình năm tháng trôi qua, chỉ có gia đình là còn mãi. Năm nay còn có sự có mặt của Nguyễn Lang Ninh, ai nấy cũng đều rất vui vẻ.

Từ sáng sớm, ba tôi và các cậu đã đi đón ông bà ngoại và ông bà nội đến chơi, mọi người sum vầy ở sân nhà cậu hai cậu hai chúc tết nhau, chụp đủ các kiểu ảnh rồi lần lượt đến từng nhà cậu tư, cậu út và nhà tôi thắp hương cho các vị tổ tiên. Các bác và chú của tôi ở một vùng khác, cũng rất muốn đón ông bà nội đến, nhưng vì ưu tiên cho tôi lần đầu dắt bạn trai về chơi, nên ông bà đã từ chối các bác của tôi một năm.

Nguyễn Lang Ninh không biết từ khi nào đã chuẩn bị sẵn một túi bao lì xì khá nặng, mang ra kính cẩn dâng lên cho ông bà, ba mẹ tôi, các cậu các mợ, xem như là chút lòng thành và lời chúc mừng năm mới. Mọi người cũng vui vẻ, một lát sau anh ta cũng nhận lại một xấp bao lì xì từ mọi người. Em gái tôi dĩ nhiên không thiếu phần, mà còn là một cái bao rất dày, tôi lân lê lại hỏi:

"Được nhiêu thế?"

"Khá nhiều."

"Tao biết là nhiều."

"Biết thế được rồi."

"..."

Khi mọi người bắt đầu tản ra, tôi kéo Nguyễn Lang Ninh lại hỏi:

"Lì xì của em đâu?"

Anh ta bắt đầu giở giọng lưu manh: "Đêm qua anh lì xì cho em rồi."

Mặt tôi lập tức đỏ như búp bông mai, bày ra vẻ mặt uất hận, liếc anh ta một cái thật bén. Nguyễn Lang Ninh thu lại dáng vẻ lưu manh, chìa ra cho tôi một cái bao lì xì nhỏ xíu bằng lòng bàn tay.

"Sao của em nhỏ thế? Bạn gái anh còn không bằng em gái em à?"

Nguyễn Lang Ninh không nói gì, trực tiếp dí bao lì xì vào tay tôi. Tôi bĩu môi cầm lấy, cảm giác ngộ lạ, liền mở ra xem, bên trong là một cái thẻ ngân hàng. Nguyễn Lang Ninh vậy mà lì xì tôi một cái thẻ ngân hàng.

"Trong đây... mấy con số thế?"

"Anh không biết."

"..."

"Tiền lãi từ việc làm ăn của một xưởng gỗ nhỏ của Trà Tây Hồ trực tiếp chuyển vào đây."

"..." Tôi trố mắt nhìn cái thẻ màu xanh viền màu vàng kim bên góc trái bên dưới trước cái tên Nguyễn Lang Ninh có chữ VIP trong tay, bỗng chốc cảm thấy nó trở nên nặng trĩu. Tiền, đây là tiền, là rất nhiều tiền đó. Chưa bao giờ tôi thấy làm bạn gái chủ tịch lại đúng đắn đến thế.

Thật ra tôi cũng không thiếu tiền, năm nào cũng vậy, tuy thuộc nhóm trẻ lớn tuổi nhất họ, nhưng tiền lì xì mọi năm đều nhiều nhất. Các cậu tôi yêu thương tôi như con đẻ, vừa quà vừa tiền, tết năm nào cũng đầy túi, làm các anh chị em khác ganh tị không thôi. Biết làm sao được, ai bảo tôi được sinh ra sớm nhất.

Sau đó anh ta đem túi bao lì xì ra phát cho tất cả anh chị em bà con của tôi, không sót một ai, thấy trong túi cũng còn nhiều nên anh ta bảo Yên Yên kêu gọi mấy đứa trẻ trong xóm lại phát cho hết. Đúng là người có tiền, hào phóng quá sức tưởng tượng, trình độ này tôi không lĩnh hội được.

Mùng Hai, người lớn tập trung uống rượu, thanh niên thì chơi bài, một số thì chơi lô tô. Tôi ghi danh vào nhóm chơi lô tô, Nguyễn Lang Ninh ban đầu ở nhóm người lớn, nhưng nhận được sự yêu thích của nhóm các bạn trẻ, nên bị họ lôi sang nhóm chơi bài. Nghĩ lại thì Nguyễn Lang Ninh ở tỉnh B và Nguyễn Lang Ninh ở thành phố Tân Minh giống như hai người khác nhau vậy. Ở đây anh ta luôn vui vẻ, không khó chịu với ai, không từ chối ai, mấy đứa trẻ cũng không khiến anh ta cảm thấy ồn ào bực bội.

Nhìn Nguyễn Lang Ninh vui vẻ chơi đùa cùng anh chị em tôi và mấy đứa trẻ trong xóm, tôi cũng thấy vui lây. Dường như người Rạch Tàu chúng tôi đã đánh vỡ lớp vỏ bọc của Nguyễn Lang Ninh, giúp anh ta mở lòng mà sống như một người bình thường, có thêm niềm vui, hào hứng, phấn khởi, những thứ mà một Nguyễn Lang Ninh ở Tân Minh chưa bao giờ có được. Nguyễn Lang Ninh bắt lấy ánh mắt của tôi, ánh nhìn của anh ta ngọt ngào như viên kẹo đường ngày tết, sâu bên trong đó là hạnh phúc. Tôi mỉm cười, dùng thủ ngữ nói: 'Em rất thích anh'.

Nguyễn Lang Ninh cũng đáp lại bằng một nụ cười, tiếp tục giả vờ thua để cho tiền tụi nhỏ.

Đêm mùng Năm, tôi soạn đồ đạc của mình và Nguyễn Lang Ninh để sáng mai lên đường về lại thành phố Tân Minh, còn Nguyễn Lang Ninh đã ngồi ở ngoài sân hầu chuyện với ba mẹ và các cậu của tôi. Chủ yếu là mọi người muốn trò chuyện để chia tay thôi. Khi tôi sắp xếp xong đồ đạc, thì liền chạy ra góp vui.

Cậu hai tôi nói: "Ninh à, đứa cháu này của cậu tuy không phải giỏi giang nhất, nhưng nó là đứa thông minh lanh lợi nhất nhà."

Nguyễn Lang Ninh cười nhẹ, kính cẩn tiếp lời: "Dạ con cũng thấy vậy."

Cậu tư tôi cũng lên tiếng: "Từ trước tới nay không nghe nó yêu đương gì, chị họ của nó nhỏ hơn nó một tuổi cũng đã có em bé, nhà cậu còn lo lắng nó vẫn còn ham chơi, chưa chịu suy nghĩ chính chắn."

Tôi chỉ biết thở dài mà thôi.

Ba tôi ngồi nghe mọi người nói về con gái mình một hồi cũng lên tiếng: "Theo trực giác của bác, lần đầu gặp con đã cảm thấy con là một người rất đáng tin tưởng, nên bác cũng rất ủng hộ hai đứa. Bác chỉ mong con sau này chăm lo cho nó, thương nó là được rồi."

Cậu út tôi nghe đến đây thì chen vào: "Con cứ yêu con bé như cách bác trai con yêu bác gái là được rồi."

Tôi búng ngón cái lên tặng cho cậu út, bởi vì cậu út tôi nói quá đúng. Ba tôi là mẫu người đàn ông cuồng vợ điển hình, từ trước đến nay luôn đặt mẹ tôi lên hàng đầu, yêu thương chiều chuộng, các cậu tôi không ai có cơ hội bênh vực mẹ tôi.

"Cậu út, cậu kể con nghe ngày xưa làm sao ba con cưới được mẹ đi. Ba con còn không biết uống rượu mà."

Các cậu nhìn nhau rồi nhìn ba tôi, chỉ thấy ba tôi cười bẽn lẽn rồi ngó sang mẹ tôi đang biểu cảm rất chột dạ.

Cậu hai tôi hít một hơi, rồi thả ra từng chữ: "Nhờ con hết."

Mọi người òa lên cười, tôi cảm thấy ở đây có ẩn tình, ngay cả Nguyễn Lang Ninh cũng không nhịn được mà cười.

Tôi suy nghĩ kĩ lại, tôi năm nay hai lăm tuổi, ba mẹ tôi kết hôn hai mươi lăm năm trước. Ừ nhỉ? Hai mươi lăm năm? Vậy thời gian mang thai tôi? Vậy có nghĩa là lý do ông bà ngoại chấp nhận gả mẹ tôi cho ba là vì lúc đó ba tôi đã tiền trảm hậu tấu. Vậy mà bấy lâu nay tôi cũng không biết. Đúng là hạ sách mà.

Nói chuyện nhà một lúc thì cậu hai tôi hỏi đến gia đình của Nguyễn Lang Ninh, tôi nhìn anh ta, đúng là một lời khó nói hết. Tôi đoán Nguyễn Lang Ninh sẽ nói mò cho qua chuyện.

"Ba con đã mất chín năm trước, mẹ con sống ở một thành phố khác, ít khi liên lạc gặp mặt. Ngoài ra con còn có vài đứa em, cũng đã trưởng thành."

Trong lời nói hàm súc không có bất kỳ biểu cảm gì. Hóa ra mẹ của Nguyễn Lang Ninh sống trong nước, tôi còn tưởng là đang ở nước ngoài, lại hiếm lắm mới nghe anh ta nhắc về mẹ, đây là lần đầu tiên. Và còn, anh ta không chỉ có một em trai là Nguyễn Hữu Ninh, mà còn có vài người, xem ra quan hệ gia đình không tốt đẹp lắm nên mới không nhắc tới.

Sau khi mọi người về hết, Nguyễn Lang Ninh và ba tôi vẫn còn ngồi ngoài sân uống trà, mẹ tôi dắt tôi ra nhà sau nói chuyện.

"An An, gia đình mình chỉ là một nhà bình thường, không được giàu có như bạn trai con, mẹ chấp nhận thằng Ninh vì mẹ tin người con đã chọn lựa, mẹ tin nó như con tin nó. Mẹ chỉ mong con đừng vì tham tiền mới chấp nhận yêu người ta."

"Mẹ, tuy con mê tiền thật, nhưng không tới mức đánh đổi vậy đâu."

Bỗng dưng mẹ tôi nắm lấy tay tôi, đôi mắt mẹ chất chứa một nỗi niềm sâu thẳm: "Kể ra thì, từ lần đầu tiên gặp, tuy vẻ ngoài của thằng Ninh có chút xa cách, nhưng ánh mắt nó nhìn con, cái cách nó quan tâm con... giống như ba con năm xưa dành cho mẹ..." Mẹ có chút nghẹn ngào. "Cho nên... mẹ tin rằng nó sẽ giống như ba con, sẽ yêu thương và mang lại hạnh phúc cho con."

Tôi không kìm lòng được với những lời từ sâu đáy lòng này của mẹ. Không phải tôi chưa từng nhìn thấy được tấm chân tình của ba dành cho mẹ, chỉ là khi mẹ nói những lời này, tôi phần nào hiểu thêm về tình cảm của mẹ dành cho ba. Đó là trân trọng, là tình thương sâu sắc, không còn là tình yêu bình thường nữa, mà đó là tình thân gia đình. Và tôi cũng có thể thêm tin vào lựa chọn của mình. Tình yêu của tôi đối với Nguyễn Lang Ninh vừa tự nhiên vừa chóng vánh, nhưng dường như lại rất sâu sắc.

Mẹ đưa tay vuốt ve mái tóc mềm của tôi, và mỉm cười, nụ cười của mẹ hiền hòa, dịu mát như dòng suối: "Mẹ chưa từng mong con được gả vào hào môn, cũng chưa từng mong chồng tương lai của con giàu có. Từ khi con lọt lòng, mẹ chỉ ước con được khỏe mạnh, sống vui vẻ mà thôi." Đôi mắt mẹ ngấn lệ, nhưng nụ cười vẫn còn đọng lại trên môi: "Hai đứa yêu nhau, mẹ không biết hai con đã nghĩ đến chuyện dài lâu hay chưa? Mẹ thấy thằng Ninh về đây mấy ngày, chưa ngày nào là nó không cười. Mẹ nhìn bề ngoài là biết nó có vẻ ít nói, nghiêm túc, nhưng ở bên cạnh con nó luôn vui vẻ, còn con thì hai mắt lúc nào cũng dõi theo nó, rất giống ba mẹ năm xưa. Năm xưa mẹ vì điểm đó của ba con mà lựa chọn ông ấy. Mẹ tin mẹ đã lựa chọn đúng, và lựa chọn của con cũng đúng."

Tôi chăm chú lắng nghe mẹ nói, nước mắt cũng không tự chủ mà thấm ướt cả gương mặt. Mẹ tôi là người sống tình cảm, nhưng lại ít khi nói ra những lời này, có lẽ Nguyễn Lang Ninh đã thực sự thuyết phục được mẹ tôi. Tôi chưa từng nghe mẹ kể về chuyện của mẹ và ba, nhưng bình thường ở nhà có thể thấy được ba luôn yêu chiều mẹ, nương theo mẹ, bao dung cho tật xấu của mẹ, luôn chịu thua mẹ bằng mọi cách, tất cả đều là để mẹ được vui. Đối với ba, mẹ tôi là ba dùng trăm phương ngàn kế mới cầu được, nên ba luôn trân trọng mẹ. Ba từng nói, mẹ là tình đầu của ba.

"Con sợ vì ba mẹ luôn kỳ vọng vào con, sợ hai người sẽ không chấp nhận Lang Ninh nên mới không dám nói sớm hơn."

Mẹ nắm lấy tay tôi rồi nói: "Con cũng biết ba mẹ không khắc khe với con chuyện gì, cũng không khó khăn với con chuyện yêu đương. Ba mẹ luôn tôn trọng ý kiến của con. Con yêu ai là do con lựa chọn. Năm xưa, khi mẹ bị ông bà ngoại ngăn cản không cho gặp mặt ba con, mẹ đã khóc rất nhiều, mẹ cũng đau khổ rất nhiều. Cho nên mẹ không muốn điều đó lặp lại ở con gái của mẹ. Với con là vậy, sau này với Yên Yên cũng vậy. Nếu các con chọn lựa sai, ba mẹ sẵn sàng đứng ra bảo vệ con, đón con trở về nhà. Nhà mình không giàu có, nhưng ít ra vẫn yêu thương con, che chở cho con bất cứ lúc nào."

Tôi chẳng biết nói gì, bởi vì tình yêu thương của ba mẹ quá lớn, tôi không thể diễn tả bằng lời. Tôi ôm lấy mẹ, thay cho lời cảm ơn tận sâu trong lòng mình, cảm ơn sự bao dung của ba mẹ dành cho đứa con gái nhỏ này.

Mẹ tôi thay đổi giọng điệu đột ngột: "Hai đứa đã quen nhau bao lâu rồi?"

"Dạ... hai tháng."

"Mới hai tháng?"

"Thật ra... con làm thư ký cho anh ấy được hai tháng thì yêu nhau."

"Hai đứa mày phóng tên lửa hả?"

"..."

"Mẹ còn tưởng hai đứa yêu nhau lâu rồi, mày còn vì nó mà nhảy việc nữa chứ."

"..."

Xem ra mẹ tôi đánh giá quá cao tình yêu của chúng tôi rồi.

Trò chuyện đến đêm muộn, quay trở về phòng, tôi tò mò ôm tay Nguyễn Lang Ninh:

"Ba em nói gì với anh mà lâu thế?"

Nguyễn Lang Ninh lại giả vờ ngủ, nhưng môi lại cứ cong lên, dạo này cười nhiều quá thành quen hay sao ấy.

"Anh đừng có giả vờ ngủ, kể em nghe đi."

"Em ngủ đi, mai còn khởi hành sớm."

Tôi bĩu môi, giả vờ hờn dỗi buông tay anh ta ra, nằm sát vào vách. Nguyễn Lang Ninh nhận thấy bất thường, cố ý lăn theo tôi, vòng tay ôm choàng lấy tôi từ phía sau, thì thầm:

"Ba em nói, nếu anh dám ức hiếp em, ba sẽ mang anh đi nhổ sạch lông như nhổ lông vịt."

"..." Cái cách uy hiếp này có hơi... ừm ba chấm.

"Ba còn nói, nếu anh dám làm gì em, ba sẽ làm gỏi anh."

"..."

"Còn nữa..."

"Vẫn còn?"

Nguyễn Lang Ninh nói rõ từng chữ, ẩn chứa bên trong là sự cảm phục:

"Ba nói, ba chưa từng làm mẹ em buồn, nên ba hi vọng anh sẽ như ông ấy."

Tôi mỉm cười, quay người lại, chui vào ngực Nguyễn Lang Ninh khóc nức nở, đến khi chìm vào trong giấc ngủ từ lúc nào chẳng hay.

Sáng sớm mọi người đã tập trung ở sân nhà tôi, mang cho chúng tôi đủ loại đồ ăn dân dã, nào là gà, nào là rau, nào là trái cây, tôm cá, các món đặc sản, tất cả đều có đủ. Còn có các loại bánh thôn quê mà bà nội tôi làm nữa. Dĩ nhiên không thiếu mấy chai rượu quý ủ lâu năm của ông bà ngoại. Năm nào tôi cũng được tặng để đem lên thành phố, nhưng năm nay có Nguyễn Lang Ninh, mọi người tặng món nào cũng gấp mấy lần, đáp trả lại tấm thịnh tình cả xe quà của anh ta. Bây giờ tôi hối hận vì đã đuổi chiếc xe tải về lại thành phố, cả một đống đồ thế này, một chiếc xe của Nguyễn Lang Ninh không cách nào chứa hết.

Vất vả một buổi cuối cùng cũng sắp xếp đồ lên xe thành công, đến tám giờ hơn chúng tôi mới có thể rời khỏi tỉnh B. Đường vẫn ùn tắt như ngày chúng tôi về quê, nên thời gian trở lại thành phố Tân Minh cũng tương đương lần rồi. Nghĩ lại những ngày tháng vui vẻ ở tỉnh B, rồi nghĩ đến chiến trường của Nguyễn Lang Ninh ở Tân Minh, tôi ngán ngẩm thở dài. Ước gì anh ta chỉ là một người bình thường, có thể sống như những người bình thường giống tôi thì hay biết mấy.

Chín giờ tối về đến nhà, tôi mệt mỏi rũ rượi, vào đến phòng khách đã nhảy lên ghế sofa, nằm dài ườn ra. Chú Lâm trở lại sớm hơn chúng tôi, nên vừa thấy chúng tôi về, chú đã pha sẵn cà phê cho Nguyễn Lang Ninh và trà gừng cho tôi.

"Chủ tịch, ban đêm anh cũng uống cà phê hả?"

Nguyễn Lang Ninh mang vali đồ vào, ngồi xuống bên cạnh tôi, cầm tách cà phê lên ừ một tiếng.

"Không mất ngủ hả?"

Chú Lâm đi đến, nói thay anh ta: "Cậu hai uống cà phê thành thói quen, sẽ không mất ngủ mà trái lại sẽ ngủ ngon hơn."

Tôi như được biết thêm một điều về Nguyễn Lang Ninh, sau này mỗi buổi tối nhất định sẽ pha cho anh ta một ly cà phê, tôi một ly trà gừng, để ngủ ngon hơn.

"Chú Lâm, chú về quê có vui không?"

Chú ấy không giấu được vui vẻ:

"Rất vui, cô cậu có vui không?"

Tôi cũng cười rất tươi, bảo với chú là rất thú vị. Sau đó chúng tôi nói chuyện phiếm thêm một hồi. Tôi kể cho chú ấy nghe về Nguyễn Lang Ninh đã làm gì ở quê tôi, và còn cả việc đi sửa chuồng vịt nữa. Chú Lâm ngó lên lầu lúc Nguyễn Lang Ninh đã về phòng như không tin vào mắt mình, tôi phải khẳng định chắc nịch tám lần đó là sự thật. Và còn kể việc anh ta cùng với mấy anh chị em đánh bài, chơi lô tô, ... anh ta bị mấy đứa nhỏ quay như chong chóng cũng không phản khán hay khó chịu.

"Cậu hai đúng thật là thay đổi rồi, ngày xưa cậu ấy không được hòa đồng như vậy đâu."

"Chú Lâm, chú là vú em cho chủ tịch từ lúc nào vậy?"

Chú Lâm bất giác trầm ngâm, như đang nhớ lại chuyện cũ, có lẽ là một câu chuyện không vui: "Từ khi cha của cậu hai tiếp quản sự nghiệp của Trà Tây Hồ, tôi đã đi theo ông ấy. Tôi chứng kiến cậu hai lớn lên, đến khi ông chủ mất thì tôi đi theo cậu ấy, thay ông chủ chăm sóc cho cậu hai."

"Còn mẹ của anh ấy? Con hiếm khi nghe anh ấy nhắc tới."

"Thật ra..." Chú Lâm đan hai bàn tay vào nhau, ngó lên lầu rồi cúi đầu xuống buồn bã. "Ông chủ lúc trước có hai người vợ. Cậu hai là con vợ cả, vì không chấp nhận việc ông ấy có người khác nên bà ấy mới quyết định li dị rồi bỏ đi. Cậu hai đi theo cha, em trai đi theo mẹ, sau đó thì sang nước ngoài."

"Vậy... anh ấy có giận mẹ mình không?"

Giọng chú ấy trầm buồn hơn: "Tôi không biết. Khi cha cậu hai mất, cậu ấy có đi tìm bà ấy, nhưng không tìm được. Bà ấy đổi chỗ ở liên tục."

"Vậy còn... mẹ kế của anh ấy?"

"Cô An An, trước mặt cậu hai tuyệt đối đừng nhắc đến người phụ nữ này."

"Dạ."

"Sau khi li hôn với vợ cả, một năm sau thì ông chủ tái giá với người phụ nữ đó, nên trong gia phả, bà ấy vẫn được tính là vợ chính thức."

"Họ có với nhau mấy người con?"

"Ba người, hai nữ một nam. Nam là trai trưởng của họ."

Đây đúng là sóng gió gia tộc trong truyền thuyết.

"Bây giờ họ ở đâu?"

"Ở nhà cũ của gia đình ông chủ ngày trước, nằm ở thành phố Đồng Hưng."

Là thành phố đầu tiên của miền Nam, giáp với thành phố Tân Minh. Có điều căn cứ ở Tân Minh, nhà họ lại ở Đồng Hưng, khá xa đó.

"Chú Lâm, ở căn cứ đều là người trong nhà hay sao?"

Chú Lâm lắc đầu: "Đó là nơi làm ăn. Trước đó rất lâu, có lẽ tính từ mấy đời trước, đó là nơi ở của các gia đình trong thân tộc, nhưng sau đó dần dần lại trở thành nơi chỉ để làm việc của tổ chức. Đó cũng là nơi thờ cúng tổ tiên nhiều đời. Có một gian nhà lớn nằm ở phía sau gian nhà chính, gọi là nhà thờ. Mỗi năm đến ngày giỗ của các vị gia chủ những đời trước thì mọi người sẽ tập trung lại đó."

Chuyện về Nguyễn Lang Ninh cùng sự tích về gia tộc của anh ta tôi càng nghe càng hứng thú: "Con thấy những người ở đó, không mấy thiện cảm với Nguyễn Lang Ninh."

Chú Lâm cười có chút chua xót: "Bây giờ họ thể hiện ra mặt vậy sao? Cũng đúng thôi, vị trí của cậu hai bao nhiêu người dòm ngó. Hơn nữa ý kiến của cậu ấy không bao giờ giống bọn họ. Cậu ấy lại luôn rất vững vàng, lời nói ra không gì thay đổi được."

"Chú Lâm, vậy thì khi chủ tịch đảm nhận vị trí đó, những người khác có phản đối không?"

"Có chứ. Hơn nữa, lúc ông chủ mất cũng không để lại di chúc, chỉ có một quy định từ những đời trước bắt buộc phải làm theo, là con trai trưởng sẽ kế nghiệp, cả công ty lẫn tổ chức. Ông ấy lại có đến hai người trai trưởng, nên cũng có chút rắc rối. Rất may là trong gia phả, cậu hai mới được tính là con trai trưởng chính thức được vợ cả thân sinh, nên đã thuận lợi bước lên vị trí đó."

"Trong gia đình bình thường, dù có hai vợ thì ai sinh trước thì là con cả, không phải sao? Huống hồ anh ấy là con vợ cả, còn gì phải tranh cãi?"

Chú ấy cười tôi nông cạn, giải thích cho tôi rõ: "Cô An An, nếu gia đình họ bình thường thì có thể tính như vậy."

Tôi à một tiếng, cảm thấy sinh ra trong một gia đình tuy giàu có nhưng phức tạp như vậy cũng chẳng có gì hay ho cả. Không bằng gia đình tôi vui vẻ từ trên xuống dưới, từ già đến trẻ. Cũng phải thôi, đây là một gia tộc có tính chất tranh giành lợi ích và quyền lực, nên bằng mọi cách họ phải suy tính cho bản thân để có thể giành lấy.

"Có lẽ cậu hai đã thật sự tin tưởng cô, mới cho phép tôi nói với tôi những chuyện này."

"Anh ấy cho phép lúc nào? Con còn tưởng đây không phải bí mật chứ?"

Chú ấy lại cười tôi rồi đứng dậy: "Cô An An, cậu hai đã có lại thính giác, chúng ta nói chuyện cậu ấy nghe rất rõ."

À, ra là anh ta cố ý để chú Lâm kể cho tôi nghe về lịch sử gia tộc, để tôi có thể hiểu hơn về anh ta. Nếu tôi hỏi Nguyễn Lang Ninh, anh ta nhất định sẽ khó mà xuất khẩu thành lời, nên chỉ có thể để chú Lâm thay anh ta nói cho tôi biết. 

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro