• Từ ấy
A. MỞ BÀI
Với một hành trình dài hơn 60 năm hoạt động cách mạng và sáng tạo thơ ca, Tố Hữu – cánh chim đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam, đã để lại một di sản văn chương vô giá. Ngay từ khi mới xuất hiện trên thi đàn, Tố Hữu đã được đánh giá là "nhà thơ cách mệnh có tài", "nhà thơ của tương lai". Những bài thơ đầu tiên của Tố Hữu được viết trong "máu lửa", gông cùm, "xiềng xích" của nhà tù thực dân đế quốc đã đem đến một tiếng nói mới, một không khí mới cho đời sống tư tưởng và văn học của xã hội đương thời. Một trong những tập thơ tiêu biểu đánh dấu sự nghiệp sáng tác và phong cách thơ trữ tình – chính trị của Tố Hữu là tập thơ "Từ ấy" (tập thơ gồm ba phần: "Máu lửa", "Xiềng xích", "Giải phóng") với linh hồn là bài thơ cùng tên được rút từ phần "Máu lửa". Đặc biệt là trích đoạn [...] bởi qua đó, ta thấy rõ niềm say mê mãnh liệt của Tố Hữu trong buổi đầu gặp gỡ lí tưởng cộng sản và tác dụng kì diệu của lí tưởng với cuộc đời nhà thơ.
B. THÂN BÀI
· Nhan đề thơ:
- Phiếm chỉ, không nói rõ là khi nào nhưng người đọc đều biết đó là sự kiện Tố Hữu kết nạp Đảng, nhắc đến bước ngoặt quan trọng trong tư tưởng, tình cảm của Tố Hữu.
- Là cảm xúc chủ đạo của bài thơ, là tiếng lòng reo vui, rộn rã, tràn ngập tin yêu của một người thanh niên khi được đứng trong hàng ngũ cao quý của Đảng.
· Phân tích:
a) Khổ 1 – Niềm say mê, vui vướng khi gặp lý tưởng Cộng sản
Khổ một của bài thơ tập trung diễn tả niềm vui sướng, say mê của tác giả khi bắt gặp lí tưởng của Đảng Cộng Sản. Ở khổ thơ đầu có sự kết hợp hài hoà giữa hai bút pháp Tự sự và trữ tình. Hai câu thơ đầu được tác giả viết theo bút pháp tự sự. Lời thơ như một lời kể về một kỉ niệm không thể nào quên trong cuộc đời của người chiến sĩ cách mạng trẻ:
"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim"
"Từ ấy" là mốc thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc đời cách mạng Tố Hữu. Khi đó nhà thơ mới mười tám tuổi, đang hoạt động sôi nổi trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Huế, được giác ngộ lí tưởng cộng sản, được kết nạp vào Đảng. Trong bài "Nhớ đồng":
"Rồi một hôm nào, tôi thấy tôi
Nhẹ nhàng như con chim cà lơi
Say đồng hương nắng vui ca hát
Trên chín tầng cao bát ngát trời..."
Quả thật, vui sướng là khi có đường để đi. Như một nhà triết lí đã nói: "Đau khổ nhất là không có đường để đi".
- Bằng những hình ảnh ẩn dụ "nắng hạ", "mặt trời chân lí", "chói qua tim", Tố Hữu diễn tả niềm vui sướng say mê khi gặp lí tưởng Đảng: khẳng định lí tưởng Cộng sản như một nguồn sáng mới làm bừng sáng tâm hồn nhà thơ.
→ Nguồn sáng đó không phải là anh thu vàng nhẹ hay ánh xuân dịu dàng, mà là ánh sáng rực rỡ của một ngày "nắng hạ". Hơn thế, nguồn sáng ấy còn là mặt trời, và là mặt trời khác thường – "mặt trời chân lí":
"Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng."
Hay:
"Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ."
→ Nghĩa chung: gợi ra sự sống của nhân loại. Em là nguồn sống của mẹ, Bác là nguồn sống của dân tộc Việt Nam.
Nếu mặt trời của đời thường tỏa ánh sáng, hơi ấm và sự sống thì Đảng cũng là mặt trời chân lí, nguồn sáng kì diệu tỏa ra những tư tưởng đúng đắn, hợp lẽ phải. Cách gọi lí tưởng là "mặt trời chân lý" như thế thể hiện thái độ thành kính, ân tình của nhà thơ.
→ Liên kết mới mẻ sáng tạo: lí tưởng cách mạng là nguồn sáng mới thức tỉnh lí trí, mang đến cho bản thân nhà thơ một sức mạnh diệu kì.
- Thêm nữa, những động từ "bừng" – chỉ ánh sáng phát ra mạnh, đột ngột, "chói" – sự lan tỏa xuyên thấu của nguồn ánh sáng mạnh, đột ngột à Không chỉ tác động đến thị giác mà còn tác động đến cả trái tim → Ánh sáng của lí tưởng đã hoàn toàn xua tan màn sương mù của ý thức tiểu tư sản và mở ra trong tâm hồn một chân trời mới của nhận thức, tư tưởng và tình cảm.
Hai câu thơ sau tác giả viết bằng bút pháp trữ tình lãng mạn cùng với những hình ảnh so sánh rất sinh động, giàu hình tượng để diễn tả niềm vui sướng vô hạn của buổi đầu tiếp xúc với lí tưởng cộng sản:
"Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim..."
- "Vườn hoa lá": khi đón nhận ánh sáng của mặt trời thì vườn hoa đậm hương rộn tiếng chim, tràn trề hương sắc, vườn hoa lá như một bàn tiệc được bày ra thịnh soạn với hương, màu và thanh.
- Còn tâm hồn Tố Hữu: đón nhận ánh sáng lí tưởng Đảng với tâm thế tràn trề hạnh phúc, cuộc sống ý nghĩa như nhà thơ Thanh Hải từng viết:
"Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến."
→ Dâng tặng những gì đẹp nhất cho cuộc đời. Nhà thơ thấy tâm hồn mình như một thế giới tràn đầy sức sống với hương sắc của các loài hoa, vẻ tươi xanh của cây lá, âm thanh rộn rã của tiếng chim ca hót. Đối với vườn hoa lá ấy thì còn gì đáng quý hơn ánh sáng mặt trời? Đối với tâm hồn người thanh niên đang "băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời" thì còn gì đáng quý hơn khi có một lí tưởng cao đẹp soi sáng, dẫn dắt. Tóm lại, Tố Hữu sung sướng đón nhận lí tưởng như cỏ cây hoa lá đón ánh ánh sáng mặt trời. Chính lí tưởng cộng sản đã làm tâm hồn nhà thơ tràn đầy sức sống, niềm yêu đời, làm cho cuộc đời có ý nghĩa hơn.
- Bên cạnh biện pháp so sánh thì ta thấy tác giả còn sử dụng lối thơ vắt dòng (thơ Mới hay sử dụng) câu thơ không hoàn thiện ý một dòng mà nó phải tràn ra dòng tiếp theo. Vậy ở đây tác giả muôn nói: niềm hạnh phúc ấy lớn lao quá, tràn trề quá, vô cùng nên không thể nào diễn tả nổi trong khuôn khổ chật hẹp của một câu thơ bình thường nên phải vắt xuống dòng tiếp theo mới diễn tả hết niềm hạnh phúc vô bờ ấy.
b) Khổ 2 – Biểu hiện những nhận thức mới về lẽ sống
Và khi giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu đã khẳng định quan niệm mới về lẽ sống ở khổ hai của bài thơ. Đó là sự gắn bó hài hoà giữa cái tôi cá nhân và cái ta chung của mọi người:
"Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời."
Ta bắt gặp từ "tôi": ta đã bắt gặp cái "tôi" này trong phong trào thơ Mới là cái tôi bơ vơ lạc lõng cô đơn như Hoài Thanh từng nói: "Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh". Nhưng cái tôi trong bài "Từ ấy" là cái tôi của người Đảng viên mới, đã nhận thức sâu sắc mỗi một cá nhân cần hòa với tập thể với cộng đồng là cái tôi nằm trong cái ta chung chứ không phải là cái tôi tồn tại riêng rẽ trong thơ Mới. Cụ thể:
- Động từ "buộc": nghĩa đen của từ buộc là sự kết nối, không thể tách rời những vật thể riêng rẽ còn trong câu thơ này có ý nghĩa là tinh thần tự nguyện của người Đảng viên trẻ tuổi đã chủ động gắn kết cuộc đời mình với mọi người xung quanh - tất cả giai cấp. Tầng lớp không có sự kì thị, tác giả vượt lên rào cản giai cấp.
- Với từ "trang trải": sự vươn xa phủ khắp theo chiều rộng không cùng, còn ở đây tác giả muốn trao gửi tình cảm tha thiết tình cảm của mình đến "trăm nơi" - là con số ước lệ, nói lên đích đến không giới hạn mà tình cảm nhà thơ muốn gửi trao đến mọi miền.
- "Gần gũi nhau" giữa tôi với bao hồn khổ: nếu động từ trang trải là sự gửi trao tình cảm ở bề rộng thì từ gần gũi lại là sự gắn kết ở bề sâu và ta thấy nếu từ "buộc", "trang trải" một phía chủ động từ cá nhân nhà thơ thì đến từ "gần gũi nhau" ta thấy nó không còn là tình cảm một chiều nữa mà sau bao nhiêu sự cố gắng chủ động gắn kết, trao yêu thương thì người Đảng viên trẻ ấy đã được đón nhận yêu thương từ nhân dân, được chính thức đón nhận trong đại gia đình nhân dân.
→ Hai câu thơ sau cho thấy tình yêu thương con người của Tố Hữu không phải là thứ tình thương chung chung mà là tình cảm hữu ái giai cấp. Cậu ba khẳng định trong mối liên hệ với mọi người nói chung, nhà thơ đặc biệt quan tâm đến quần chúng lao khổ.
Ở câu bốn, "thêm mạnh khối đời" là một ẩn dụ chỉ một khối người đông đảo cùng chung cảnh ngộ, đoàn kết chặt chẽ với nhau cùng phấn đấu vì một mục tiêu chung. Có thể hiểu: khi "cái tôi" chan hòa trong "cái ta", khi cá nhân hòa mình vào một tập thể cùng lí tưởng thì sức mạnh sẽ nhân lên gấp bội "mạnh khối đời". Tóm lại, Tố Hữu đã đặt mình giữa dòng đời và trong môi trường rộng lớn của quần chúng lao khổ, ở đấy nhà thơ đã tìm thấy niềm vui và sức mạnh mới.
c) Khổ 3 – Sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của Tố Hữu
Bài thơ khép lại với sự chuyển biến của tình cảm trong nhà thơ Tố Hữu. Ở khổ ba đã thể hiện sự thay đổi về nhận thức dẫn đến sự thay đổi về tình cảm:
"Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ..."
Trước khi được giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu là một thanh niên tiểu tư sản. Lí tưởng cộng sản không chỉ giúp nhà thơ có được lẽ sống mới mà còn vượt qua tình cảm ích kỷ, hẹp hòi của giai cấp tiểu tư sản để có được tình hữu ái giai cấp với quần chúng lao khổ. Hơn thế, đó còn là tình cảm thân yêu ruột thịt.
Những điệp từ "là" nhấn mạnh, khẳng định sự chắc chắn vững vàng trong nhận thức và trong tình cảm của Tố Hữu sau khi được giác ngộ lí tưởng.
- Sử dụng lối tự xưng "con, em, anh" à sự gắn bó như ruột thịt khi hòa nhập với đại gia đình quần chúng. Ngoài ra nó còn diễn tả trách nhiệm lớn lao; làm thế nào để cứu vớt các cuộc đời khỏi kiếp phôi phơ, khỏi kiếp cù bất cù bơ.
- Đại gia đình đó là "vạn nhà": không phân biệt giai cấp trong đó dành tình cảm cho vạn "kiếp phôi pha" – chỉ những người lao động vất vả, thường xuyên dãi nắng dầm mưa để kiếm sống; là "vạn đầu em nhỏ, không áo cơm cù bất cù bơ" – chỉ những em bé không nơi nương tựa, phải sống lang thang vất vưởng nay đây mai đó, đã cho thấy tấm lòng đồng cảm, xót thương chân thành của nhà thơ, đồng thời cũng thấy được lòng căm giận của nhà thơ trước bao bất công, ngang trái của cuộc đời cũ.
Chính vì những kiếp người "phôi pha", những em bé "không áo cơm cù bất cù bơ" ấy mà Tố Hữu sẽ hăng say hoạt động cách mạng. Họ cũng chính là đối tượng sáng tác của nhà thơ.
- Ngoài ra còn dùng số từ: "vạn" chỉ con số không cùng không giới hạn, tình cảm tác giả dành tặng cho tất cả mọi người mọi nhà, cho mọi kiếp đời.
Tác giả còn gọi tên những kiếp sống lầm than: không chỉ là biểu hiện của sự xót thương mà còn nói lên sự căm giận của tác giả sẽ là động lực để tác gải hành động. Ngắt nhịp linh hoạt tạo nên tính nhạc - Cách gieo vần chân (các âm mở" như hạ, lá" tạo nên sự ngân vang lan tỏa cảm xúc: náo nức say mê
· Nghệ thuật & nội dung:
- Bài thơ giàu tính nhạc, ngắt nhịp thay đổi liên tục linh hoạt theo cảm xúc.
- Giọng thơ ngọt ngào, tâm tình mà đậm chất trữ tình chính trị.
- Với những ẩn dụ, so sánh độc đáo, những hình ảnh thơ tươi sáng, giàu ý nghĩa tượng trưng: ngữ gợi cảm bài thơ đã thể hiện thành công niềm vui sướng, say mê rạo rực của người thanh nhà yêu nước Tố Hữu trong buổi đầu bắt gặp lí tưởng cộng sản. Từ "từ ấy" trở đi, Tố Hữu sẽ đấu tranh hết mình cho giai cấp cần lao.
- Niềm vui lớn, lẽ sống lớn, tình cảm lớn trong buổi đầu gặp gỡ lí tưởng cộng sản.
- Luôn là một người có đóng góp cả cuộc đời cho nhân dân.
· Đánh giá:
Bài thơ "Từ ấy" tiêu biểu cho bút pháp lãng mạn cách mạng trong giai đoạn sáng tác đầu tiên của Tố Hữu. "Cái tôi trữ tình" lắng đọng trong từng ý thơ, từng hình ảnh, lúc bay bổng, lúc lắng đọng, lúc là lời bộc bạch trực tiếp, chân thành những ước vọng, tâm tư khi tìm thấy lí tưởng. "Từ ấy" là tiếng hát yêu thương, tin tưởng, là tiếng lòng tha thiết của một thanh niên bắt đầu giác ngộ lí tưởng, tự nguyện dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai, gian khổ, hi sinh của toàn dân tộc. Vượt thời gian, sau hơn nửa thế kỉ ra đời, "Từ ấy" vẫn tươi xanh chất trữ tình cách mạng. Bài thơ đã tạo được sự đồng cảm, mến mộ của nhiều thế hệ yêu thích thơ Tố Hữu.
C. KẾT BÀI
Có thể nói, ngay từ trước cách mạng thơ Tố Hữu đã có sức thu hút và cuốn hút, giục giã, khích lệ công chúng đến với cách mạng, cho đến những vần thơ cuối cùng trước khi giã biệt cuộc đời, khép lại một hành trình sáng tạo, bền bỉ, dẻo dai hơn sáu thập niên:
"Tạm biệt đời ta yêu quý nhất,
Còn mấy dòng thơ, một nắm tro.
Thơ gửi bạn đường. Tro bón đất,
Sống là cho. Chết cũng là cho."
Tố Hữu đã làm xúc động hàng triệu trái tim công chúng về một tấm gương sống trọn vẹn dâng hiến, hướng mọi người đến một cách sống tốt đẹp. Trước sau thơ Tố Hữu vẫn luôn có sức vẫy gọi, thuyết phục sâu sắc và hiệu quả.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro