Chương 1: Xăm mình là người xấu
"Cô ơi, mẹ con nói xăm mình là người xấu đấy ạ!"
"Ba con cũng bảo thế!"
"Coi chừng chú ấy muốn bắt cóc bạn Bông đó cô ơi!"
Tụi con nít vừa ôm dính lấy chân Tú Uyên vừa ríu ra ríu rít không cho nàng đi, vài đứa nữa thì đứng tít một góc ở đằng xa như có vẻ sợ hãi "chú xăm mình" lắm. Lại thêm nhóc Bông cứ bám chặt lấy nàng không rời nửa bước, khiến nàng cũng không dám chắc rằng chàng trai trước mặt có phải là người nhà của cục bột nhỏ này hay không.
Nếu không phải mẹ cô bé đã gọi điện thông báo từ trước, đánh tiếng rằng cậu em này của mình nom có hơi "hổ báo cáo chồn" với quả lông đầu dài tới gáy, hay diện nguyên cây đen và đôi ba hình xăm trông hệt như chú sói vấp té vào vũng mực thì Tú Uyên đã sớm gọi bảo vệ tới đuổi người rồi.
Cơ mà nàng cũng chẳng dám lơ là chút nào, vẫn phải hỏi những câu đã soạn sẵn để xác nhận thông tin. Nàng nhờ Thu Thảo trông hộ đám trẻ, sau đó mới nhìn thanh niên lấc cấc hết chỗ nói kia và cất giọng:
"Chào anh, tôi là Uyên, cô giáo giữ trẻ. Thường thì ngoài ba mẹ, người lạ đến đón các bé phải báo tên mình và tên bé, họ hàng như thế nào với gia đình bé, lý do tới đây và số điện thoại của phụ huynh hoặc gọi điện trực tiếp để đảm bảo an toàn của bé ạ."
Cậu trai gật nhẹ đầu chào hỏi, đoạn đáp:
"Chào chị, em là Kiệt, cậu của bé Bông. Chị Quỳnh vướng ca trực đột xuất ở viện nên nhờ em đến, số của chị ấy là…"
Uyên thấy cậu trả lời trôi chảy như thế cũng thở phào trong bụng, dù sao thì nàng cũng ngại phải đối mặt với mấy gã côn đồ dở chứng lắm. Chưa kể ở đây lại chỉ toàn phụ nữ và trẻ em, có chuyện gì xảy ra thì cũng là bên mình chịu thiệt.
Cơ mà gượm đã?
Nàng xưng tôi gọi anh là vì phép lịch sự, nhưng còn người này xưng em gọi chị có phải hơi… kì cục không?
Cậu trai này có lẽ bằng tuổi hoặc lớn tuổi hơn nàng, chứ không thể nào nhỏ hơn mà lại gọi nàng như thế kia được. Mà kể cả là trường hợp nằm ngoài dự đoán thì sao không tinh tế lên chút đi chứ, tuổi tác chính là kẻ thù không đội trời chung của con gái đó!
Chẳng lẽ là do trông nàng tơi tả quá hay sao…
Ngoài mặt Tú Uyên tươi cười sửa soạn cho Bông chuẩn bị ra về, nhưng trong lòng thì đã ấm ức khóc lụt bờ đê. Chị Thảo đứng bên còn cứ che miệng cười khúc khích miết không thôi, khiến nàng cũng dần hoài nghi rằng có phải dạo này mình lười chăm sóc bản thân quá rồi không, chứ sao lại lão hóa nhanh đến mức này được.
"Kệ đi, sắc đẹp đánh bại thời gian, người đẹp không phân già trẻ." Nàng tự động viên bản thân một ngàn lần.
Đợi Bông xỏ xong đôi hài màu hồng cô bé yêu thích, nàng bồng bé lên chuyền sang tay Kiệt, cười trêu:
"Chả hiểu sao mà dạo này Bông lười đi lắm, cứ đòi các cô ẵm suốt thôi, anh về nhắn chị Quỳnh nói lại với Bông nhé. Chứ kiểu này khéo các cô ghiền hơi Bông, không nỡ để Bông đi là chị Quỳnh có đến đòi cách mấy các cô cũng không chịu trả đâu."
Uyên véo nhẹ má Bông làm cô bé cười rộ lên lộ hai chiếc răng sữa đáng yêu, nói tiếp:
" À, dạo này Bông cũng ăn giỏi hơn rồi, ngủ cũng ngoan nữa, không còn nhớ mẹ như hồi mới vào nên gia đình cứ yên tâm nhé!"
Vừa dặn dò, nàng vừa dụi má vào cục bột tròn ủm trắng trắng mềm mềm tên Bông. Vì thương con nít mà ngày trước nàng mới chọn Sư phạm Mầm non, giờ ra trường ngày nào cũng được vây quanh bởi con nít nên Uyên mê tít cả mắt.
Chỉ tại ngại làm lỡ thời gian của Tuấn Kiệt nên nàng mới không ôm hôn tạm biệt, chứ không là nàng sẽ hít mấy đứa nhỏ như mèo hít cỏ luôn. Nàng khoái em bé như khoái tiền vậy đó.
Kiệt nhìn cô gái còn giống mẹ của Bông hơn cả bà chị mình mà có thiện cảm hơn hẳn, cậu vuốt lại mấy cọng tóc lòa xòa trước mặt Bông, cười đáp:
"Vâng, em sẽ nói lại với chị Quỳnh. Cảm ơn các cô nhiều vì đã vất vả chăm sóc Bông."
"Thưa cô em về!" Ngay sau câu chào của cậu là tiếng Bông hét lớn, cô nhóc còn không quên nháy mắt và mi gió nữa.
Nàng và Thảo dõi theo Bông giây lát rồi lại quay vào trông đám trẻ. Nhớ đến mấy lời ngây ngô vừa rồi của chúng, nàng ôm tụi trẻ vào lòng, tỉ tê:
"Các con không được nhìn mặt mà bắt hình dong như thế, đâu phải cứ xăm mình là người xấu đâu. Người vừa nãy là cậu của Bông đó, mặt mày sáng sủa, ăn nói cũng lịch sự nữa. Nên là đâu phải ai xăm trổ cũng là hư đâu, đúng không nè?"
Thu Thảo sợ đám trẻ không hiểu, cô tiếp lời:
"Ý cô Uyên là mấy đứa đừng chỉ nhìn vẻ bề ngoài mà vội đánh giá người khác. Ví dụ như người ngoài tưởng cô với cô Uyên hiền lành vậy chứ làm sao biết được hai cô hung dữ cỡ nào khi mấy đứa quậy phá, đúng không?"
"Đúng ạ!"
Tụi nhỏ đồng thanh hô lớn, lát sau lại cười to tí ta tí tởn mà giỡn hớt, mè nheo đòi cái này muốn cái kia. Các cô chịu thua ngay tắp lự trước chiêu trò nhõng nhẽo trăm trận trăm thắng của bọn nhóc răng sữa, đành trìu mến nhìn nhau rồi bày trò nghịch ngợm dỗ dành chúng.
Cứ thế, chốc chốc lại có phụ huynh đến đón con, quanh đi quẩn lại tới tận hơn sáu giờ. Khi các bé đã về hết, bọn nàng mới được nghỉ ngơi. Hôm nay là ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, mấy chị em tâm sự chốc lát rồi lại đứng dậy nai lưng ra dọn "bãi chiến trường" đồ chơi mà tụi nhỏ để lại, sau đó mới thoải mái ra về.
Đương lúc nàng còn mải bận bịu với sắp nhỏ thì Tuấn Kiệt đã lái con mô-tô phân khối lớn chở Bông lượn được nửa vòng thành phố. Thực ra cậu thích chạy xe số hơn cơ, khổ nỗi người chị thân yêu vừa dỗi chồng vô cớ nên không thể nhờ người ta đưa đi làm, bèn viện cớ bác sĩ mà chạy mấy chiếc hầm hố bố đời thì không hợp, thế là suy nghĩ vô cùng thấu đáo mà ép buộc cậu vác chiếc xe này đi với lí do "Đã phố rồi thì phải phố cho trót".
Cũng lâu rồi không chạy con chiến mã từ thời trẻ trâu xưa xửa xừa xưa, thành ra cậu đã biểu diễn mấy pha bóp nhầm phanh phải suýt thì thành diễn xiếc báo hoa quay vòng vòng cho người đi đường thưởng thức. Bông ngồi đằng sau ôm cứng ngắt chẳng dám buông tay, chỉ sợ lơ là một chút thôi là bánh bao xá xíu sẽ thành bánh tro chấm mật ngay, tới lúc đó cô Uyên sẽ không còn cưng nựng chiếc má xinh yêu này của cô nhóc nữa.
Nhóc bột ứa gan cậu mình lắm, cố nghiến mấy chiếc răng sữa chưa thay hết, tức giận bảo:
"Cậu có thù oán gì với mẹ cháu thì đợi về nhà rồi xử, mắc gì cứ chạy xe cắm đầu hoài vậy? Rồi còn đi cái đường vừa xa vừa bụi, một hồi cháu bệnh mẹ lại nói là do cháu không chịu ăn nữa đó!"
"Cứ bảo là do bà ấy cứ bắt cậu phải vác con xe này đi, cậu không quen tay nên thế đó. Hơn nữa cô của cháu cũng khen cháu ăn giỏi ngủ ngoan, đố bà ấy dám làm gì cậu cháu mình đấy!"
Giọng điệu Kiệt đầy khiêu khích khi nhắc tới chị mình, nghĩ thầm đợi đến lúc anh rể gần xuống nước năn nỉ vợ, cậu lại châm thêm vài ba câu đổ dầu vào lửa, chọc vợ chồng bà ấy tức chơi. Còn Bông được bảo kê như thế thì mừng hết lớn, làm gì rỗi hơi đâu mà để ý người cậu khờ khạo đang âm thầm bày mưu tính kế mẹ mình.
Dù sự thật mất lòng rằng cậu chưa bao giờ bẫy chị mình thành công kể từ năm lên sáu tuổi, nhưng dường như lại có niềm tin bất diệt vào thực lực của mình lắm cơ. Nói dễ nghe thì là năng lực có thể thiếu chứ tự tin phải có thừa, còn khó nghe hơn chút thì là vừa ngu ngốc lại còn cố chấp. Người như Tuấn Kiệt thì dĩ nhiên sẽ thôi miên bản thân bằng cách đặt châm ngôn sống là vế đầu tiên rồi.
Lúc gần tới nhà, không biết chợt nhớ ra gì đó, cậu chọt chọt cục bột ú na ú nần sắp ngủ gục sau lưng mình, vờ như bâng quơ nhắc tới:
"Cái cô hồi nãy bế cháu tên gì ta, Quyên hay Nguyên?"
"Cô tên là Uyên! Ngô Tú Uyên! Có vậy cậu cũng không nhớ nữa, cô chỉ nói cho cháu mấy lần thôi mà cháu đã nhớ rồi đó."
"Ừ ừ cái đồ mê gái, cô Uyên thì cô Uyên. Mà coi bộ cô đó cưng cháu ghê, hơn bà Quỳnh nữa."
"Cậu không được nói vậy nha, mẹ với cô ai cũng thương cháu hết."
Cô nhóc ngỡ cậu mình sẽ đáp lời, ai ngờ hai người cứ vậy mà kết thúc cuộc trò chuyện. Ngặt nỗi "búp bê bằng Bông" đã lên dây cót rồi thì đừng hòng im lặng, miệng nhỏ chúm chím cứ líu lo không ngớt:
"Cô Uyên xinh lắm luôn. Cô cứ nhìn tụi cháu cười miết thôi, mà mỗi lần như thế là hai bên má cứ xuất hiện hai cái đồng gì gì á, vừa đẹp vừa duyên nữa. Tóc cô dài và mềm mượt cực, tụi cháu siêu thích bày trò tạo kiểu này kia cho cô. Giọng cô cũng ngọt nữa, tụi cháu hay giả bộ không ngủ được để đòi cô hát ru, kể chuyện, đứa nào cũng mê cô hết á!"
"Cô còn hiền nữa, nấu ăn siêu ngon luôn. Lúc ngủ trưa xong thức dậy cô sẽ thắt tóc xinh ơi là xinh cho tụi cháu mà không hề đau xíu nào. Rồi hễ sinh nhật ai cô cũng làm sữa chua, kem và cả bánh ngọt đem vô cho cả lớp nữa á!"
"Cô…"
Tuấn Kiệt hiếm khi được dịp nghe bà tám nhi đồng luyên tha luyên thuyên, thế là ngay khi cách nhà còn khoảng chừng năm trăm mét, cậu chàng bất ngờ bẻ cua phóng thêm vài vòng dạo quanh khắp phố phường, đến tối mịt mới về. Vừa là để ngắm cảnh vừa là để buôn chuyện cho đỡ chán, mà càng nghe Bông kể thì cậu lại càng ao ước phải chi Tú Uyên là chị mình thì tốt biết mấy.
Kể ra nếu cậu nghịch ngợm một thì bà chị của cậu quậy phá mười. Nhà người ta thì em trai bị bắt nạt sẽ có chị gái bảo vệ, rồi em trai bị la vì lỡ làm đổ vỡ cái này cái kia sẽ có chị gái đứng ra bênh vực, hay em trai láo toét sẽ có chị gái dịu dàng thay ba mẹ uốn nắn và dạy dỗ.
Còn nhà cậu trộm vía được cái hồi nhỏ bà chị gây lộn với người ta suýt bị đánh bầm mặt thì lôi thằng em trai ra đỡ đạn, chưa hả dạ còn phải đánh bên kia một trận túi bụi mới hậm hực đi về. Được hôm ba mẹ vắng nhà thì bà chị rủ em mình chơi đá banh, thằng em thì sợ sẽ làm nhà cửa loạn hết cả lên còn nhỏ chị chẳng nói chẳng rằng sút một phát vào thẳng bể cá cảnh của ba.
Tối hôm ấy, một bên Tuấn Kiệt và mẹ được chén bữa cá nướng ngon lành, một bên nghe Nhật Quỳnh bị ba mắng, thỉnh thoảng còn đâm chọt thêm vài câu để kéo dài màn bi hài kịch "cây nhà lá vườn".
Lớn rồi cũng chẳng khác, tính cách Quỳnh vẫn sáng nắng chiều mưa, hơn nữa vì cưới được tấm chồng cưng lên tận trời mà càng khó ưa khó ở. Kiệt nhìn chị rồi lại nhìn bản thân mình, cảm thấy mình quả thực là hình mẫu "công dân tốt" điển hình của xã hội hiện nay.
Vừa nghe Bông liến thoắng bên tai vừa nhớ về chuyện cũ, Kiệt chợt mỉm cười. Giá mà cuộc sống cứ như thế mãi thì tốt nhỉ, cậu không cần phải lớn, không cần phải trưởng thành, cứ tùy ý làm việc mình thích và rồi trở về bên gia đình, hạnh phúc biết bao.
Sài Gòn khi đêm dần buông đượm một vẻ nên thơ đến lạ, người Sài Gòn cũng tràn đầy sức sống hơn bao giờ hết, nhất là vào những ngày cận Tết. Phố đi bộ Nguyễn Huệ xôn xao biết bao tiếng cười nói rộn ràng, ngõ Bùi Viện đằng xa ngập tràn hương thơm những thức quà nức mũi. Phía xa xa nơi quảng trường đã thấp thoáng thấy bóng các cô chú hàng bông bày hoa ra bán, nào mai nào đồng tiền rồi cả thược dược, bao sắc màu nhuộm con đường rực rỡ hẳn lên.
Sài Gòn mấy ngày cuối đông chớm xuân, nô nức mà ấm cúng.
Ai nói chốn thị thành hoa cho người sang lệ cho kẻ hèn, chứ cậu thấy sống trên đời nếu chỉ có hoa không lệ, hay chỉ có lệ chẳng hoa thì nào phải là đời nữa. Đôi khi hoa lệ phải song hành, như nồi thịt kho phải có hột vịt thì mới đủ đầy, mới no bụng chứ lị.
Dù cậu mong muốn một cuộc đời không lo không nghĩ, nhưng cũng biết rõ sẽ có ngày phải tự lực cánh sinh và luôn sẵn sàng cho ngày hôm đó. Cậu khao khát những điều tốt đẹp, nhưng không ngại phải trải qua gian khổ. Cậu lưu luyến tuổi xuân, nhưng không luyến tiếc đời mình. Tuấn Kiệt quan niệm, trưởng thành là một điều rất tốt vậy nên đừng sợ hãi, nhưng lại cũng hi vọng có thể vô tư vô lo như thế cả cuộc đời.
Sau khi nghĩ về mình, về người và ngắm nghía tám chuyện đã đời xong, mãi đến độ trời đã sập tối tự bao giờ, hai cậu cháu mới vui vẻ đủng đỉnh trở về. Bông nhớ mẹ tới mức chỉ muốn nhào vào lòng mẹ ngay thôi, lại thêm đi đường xa mệt mỏi nên được mẹ ẵm bồng ru câu ơi à chốc lát là chìm vào giấc ngủ. Còn ông cậu kia thì vẫn đang mải mê chìm vào suy nghĩ về chị gái nhà người ta nhu mì thục nữ, nhìn lại chúa tể rừng xanh nhà mình thì ôi thôi, đến chịu.
Bên kia, người chị bao người mơ ước nào hay biết mình bị tơ tưởng một cách kì quặc như thế. Nàng vẫn cứ miệt mài với những điều mà mình đã chọn, làm công việc mình thích, trồng loài hoa mình yêu, sống cuộc đời mình muốn, thong thả trải qua những năm tháng tươi đẹp.
Bên này, người chị trên giấy tờ được pháp luật công nhận cũng đâu ngờ có ngày mình suýt chút nữa phải báo công an tìm trẻ lạc, nhờ ơn thằng em trời đánh đi rước cháu từ bốn giờ chiều tới tận tám giờ tối, không một lời nhắn nhủ gì sất.
Kết quả là buổi tối hôm đó, Tuấn Kiệt trùm chăn kín đầu và khó khăn ép bản thân chìm vào giấc ngủ cùng với "tiếng chửi lofi cực chill" văng vẳng bên tai.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro