Chương 6

Hai tháng nữa lại qua, bé con cũng bắt đầu đến thời kì ăn dặm. Nhưng bột ăn dặm bán trên phố đắt quá, Trương Gia Nguyên lại mới mua mấy đôi gà để nó đẻ trứng bán lấy tiền, trong nhà đã sớm chẳng còn xu nào rồi. Nhà vừa hết sữa, lại chẳng có tiền mua bột, vậy nên Trương Gia Nguyên đành cho con bé ăn tạm bột sắn dây. Sắn dây hòa ra với nước, thêm chút đường rồi nấu chín lên làm cháo bột sắn. Nhưng cũng chỉ là cứu đói tạm thời thôi, chứ nó làm gì có dinh dưỡng mà ăn mãi được.

Giờ đương độ tháng 8, trời vẫn nắng như đổ lửa. Đợt hè thì con bé chẳng bị rôm sẩy đâu, vậy mà mấy bữa nay lại bị. Người con bé mẩn đỏ hết cả lên, ngứa lên là nó lại khóc. Châu Kha Vũ tất bật đi tìm đủ loại lá về đun nước tắm cho con, được người ta mách tắm nước lá khế sẽ khỏi, lại vội vàng chạy khắp xóm xin mấy nắm lá khế mang về. Cũng may, con bé tắm được hai lần là đỡ mẩn đỏ, cũng đỡ khóc quấy hơn. Châu Kha Vũ lại mua cho con một cái quạt điện be bé, để dưới cuối giường quạt cho con. Khi xưa hai vợ chồng còn định không dùng điện cơ, nhưng từ khi nhà có trẻ con, tối đến mà không có điện thì làm gì cũng bất tiện. Dưới cái ánh đèn dầu leo lét thì chẳng biết đâu mà lần mò pha sữa cho con, vậy nên cả hai lại bấm bụng lắp thêm bóng điện. Nhà đã nghèo thì chớ, thêm một miệng ăn, giờ còn gánh thêm tiền điện, đã túng quẫn rồi giờ còn kiết xác thêm.

Trương Gia Nguyên ngồi trước cửa bếp bóc lạc, con bé thì nằm ở chiếu trong bếp. Đã quá trưa rồi mà Châu Kha Vũ vẫn còn chưa về, Trương Gia Nguyên cũng nóng hết ruột gan. Mãi tới tận đầu giờ chiều, Trương Gia Nguyên mới thấy bóng dáng Châu Kha Vũ. Anh dựng gọn cái xe đạp nát vào góc tường, vui vẻ xách túm gì đó chạy về phía cậu.

Thấy vợ nhỏ nhìn mình với vẻ mặt u ám hết sức, Châu Kha Vũ hơi rén, nhẹ giọng hỏi: "Nguyên ăn cơm chưa?"

"Chưa ăn, em đợi anh về. Sao anh về muộn thế?"

Châu Kha Vũ hớn hở quơ quơ cái túi trên tay: "Anh qua xóm bên xay bột cho con này. Từ giờ con không phải ăn bột sắn nữa rồi nhé."

Chẳng biết con bé có hiểu hay không, nhưng Châu Kha Vũ vừa dứt lời là con bé cầm trống lúc lắc đập đập xuống nền rồi cười lên khanh khách.

Nghe Châu Kha Vũ nói vậy, Trương Gia Nguyên cũng thấy mừng. Bé con phải ăn cháo bột sắn cả tuần nay rồi, giờ có bột gạo để ăn là mừng rồi đấy. Nghĩ mừng là vậy, nhưng cũng thấy tủi cho con bé. Con bé không được ăn đủ chất, tay chân khẳng khiu rồi cứ dài ngoằng ra, trông hệt như con khỉ đói. Nhưng mà biết làm sao được, đến cậu và Châu Kha Vũ còn bữa đói bữa no, thì việc để con bé không bị đói bữa nào đã là cố gắng hết sức rồi.

Châu Kha Vũ bế con bé đặt vào trong nôi, kéo lại chiếu rồi sắp mâm ăn cơm, lại gọi: "Vào ăn cơm em ơi."

"Em biết rồi." Nói rồi cũng đứng lên đi vào rửa tay ăn cơm.

Bữa cơm đạm bạc đến mức không thể đạm bạc hơn. Vẫn là nồi cơm sắn nhiều hơn gạo, bốn phần sắn một phần cơm, thêm ít rau ngót trồng được ngoài vườn cùng nhúm muối vừng ban nãy Gia Nguyên vừa giã.

"Chiều anh mang con sang gửi mẹ Trinh nhé, không lại như bữa trước thì khổ."

Châu Kha Vũ chẳng nén nổi tiếng thở dài. Nhà cả hai đều có đồi chè, mấy nay đến vụ thu rồi mà còn chẳng có người phụ cắt. Thêm nữa giờ nhà anh thu mua chè, vậy nên lúc nào cả hai cũng trong trạng thái bận bịu. Hôm trước Trương Gia Nguyên nhân lúc con bé ngủ phụ anh đóng chè vào bao, nhưng đang dở tay thì con bé tỉnh dậy khóc lóc ầm ĩ. Nó khóc như muốn xé gan xé phổi ra vậy, mà hai người vừa mới ôm chè, cả người đều dặm, vậy nên chẳng cách nào dỗ con bé được. Chị Hân đến bán chè, thấy con bé khóc kinh khủng quá, nghe xót hết cả ruột, vội vàng chạy vào bế con bé sang cho bà Trinh. Con bé khóc cả một đường, dỗ thế nào cũng không nín. Bà Trinh đang cho gà ăn trong sân, nghe tiếng trẻ con nức nở, vội vàng bỏ thúng chạy ra cổng ngó xem.

Chị Hân còn chưa đi đến cổng đã gào lên: "Bà Trinh rửa tay đi ra bế cháu này."

Bà Trinh luống cuống chạy vào rửa tay, rồi vội chạy ra ôm cháu. Sang tay người thứ hai rồi mà con bé vẫn chưa chịu nín, cứ ngoạc miệng ra khóc hoài.

Mẹ Trinh hỏi: "Hai đứa nó đâu mà Hân lại ôm con bé sang đây?"

Chị Hân lau mồ hôi trên trán, chị nghe con bé khóc mà nẫu hết cả lòng: "Hai đứa nó đang đóng chè bà ơi. Con qua bán chè, thấy con bé khóc xót quá nên con bế sang cho bà trông giùm chúng nó. Chứ đợi hai đứa nó xong việc chắc còn đến tối khuya."

Chị vỗ vỗ con bé trong lòng bà Trinh: "Nín đi con, bác về đây. Cháu về đây bác."

Chị chào xong liền cất bước đi, trong sân chỉ còn lại mỗi hai bà cháu. Con bé khóc lóc không ngừng, bà Trinh rong cháu khắp nhà, vừa bế bồng vừa ru à ơi. Vậy mà con bé vẫn khóc khỏe lắm, như thể nó thấy nó nhỏ bé quá ấy, nên giờ phải khóc cho nở phổi ra. Bà Trinh có dỗ thế nào nó cũng không chịu nín, thấy cháu khóc hoài, bà cũng không nhịn được mà rơi nước mắt theo. Cháu khóc, bà khóc, náo loạn cả một góc nhà. Cỡ nửa tiếng sau con bé mới dần nín lại. Bà Trinh thấy con bé không khóc nữa, hốt hoảng đưa tay lên mũi sờ, thấy con bé vẫn còn thở bà mới yên lòng. Nhìn con nhóc dặt dẹo thế này, bà chỉ sợ nó khóc dữ quá rồi ngất ra đấy thôi. Con bé khóc mệt quá liền rúc vào lòng bà đánh một giấc, ban đầu còn thút thít nho nhỏ, lát sau đã ngủ khò khò.

Đã một tuần nay con bé toàn ở nhà bà Trinh, hai vợ chồng lúc nào cũng bận rộn tới tận tối khuya nên quyết định gửi con bé luôn ở nhà bà ngoại.

Đêm nay trời không trong, Châu Kha Vũ đang ôm Trương Gia Nguyên ngủ say thì bị tiếng khóc đánh thức. Tiếng trẻ khóc lanh lảnh trong đêm, Châu Kha Vũ nghe mà dựng hết cả tóc gáy, vội vàng lay Trương Gia Nguyên dậy.

"Nguyên ơi, em nghe thấy tiếng gì không?"

Trương Gia Nguyên mơ màng dụi mắt, "Không?"

Châu Kha Vũ run rẩy. Anh nghe tiếng khóc lúc gần lúc xa, mấy ngón tay vội bám chặt lên tay Trương Gia Nguyên. Anh nuốt nước bọt, khẽ khàng hỏi lại: "Em không nghe thấy thật à?"

Trong khi Trương Gia Nguyên im lặng lắng tai nghe, thì trong đầu Châu Kha Vũ đã vẽ ra cả trăm cốt truyện anh bị ma ám rồi đấy.

Trương Gia Nguyên cũng nghe được tiếng khóc, cậu gật gật đầu: "Có tiếng trẻ con khóc thật."

"Không phải lại có người bỏ con nữa đấy chứ?"

Châu Kha Vũ vừa dứt lời liền nghe tiếng đập cửa, tiếng trẻ con khóc cũng rõ ràng hơn. Xen lẫn vào tiếng trẻ khóc là tiếng bà Trinh: "Nguyên ơi, Vũ ơi."

Châu Kha Vũ lật đật xỏ dép xuống giường mở cửa, Trương Gia Nguyên cũng lập tức theo sau anh.

Mẹ Trinh bế cháu trên tay, con bé đang ngoạc mồm ra mà khóc.

"Nửa đêm nó khóc vậy đó, hai đứa xem cho nó đi viện đi. Mẹ dỗ mãi mà nó không nín. Cho nó đi khám xem, có khi nó đau ở đâu."

Trương Gia Nguyên ôm con, Châu Kha Vũ vội chạy vào nhà lấy tiền, lại lóc cóc dắt chiếc xe đạp ra ngoài cửa

"Mẹ trông nhà giùm con nha mẹ."

Nói xong, cả ba dắt díu nhau lên viện. Viện cách đây tám cây, Châu Kha Vũ đèo Trương Gia Nguyên và con trên chiếc xe đạp cà tàng. Đêm tối om om, nhìn cái gì cũng mù mờ hết cả. Nương theo ánh đèn pin, Châu Kha Vũ phải căng mắt ra mà nhìn đường, chỉ sợ sơ sảy thôi là cả ba đều rơi xuống cống. Trương Gia Nguyên vừa ôm vừa ru con, con bé khóc dữ lắm, cậu chỉ sợ nó khóc rách cả họng ra thôi. Con bé được ba Nguyên ôm ấp vỗ về hồi lâu, cuối cùng tiếng khóc như chọc tiết gà cũng bé lại thành từng tiếng rấm rứt.

Bác sĩ bảo con bé bị viêm tai giữa. Mà éo le thay, chỗ tiền Châu Kha Vũ mang đi chỉ đủ tiền khám bệnh. Chút tiền ít ỏi chẳng đủ mua thuốc, bác sĩ chỉ đành vệ sinh tai cho con bé, rồi bảo hai người đưa bé về.

Trương Gia Nguyên ôm con ngồi sau yên xe, cuối cùng cũng không nhịn được mà bật khóc. Con bé đã ngủ thiếp đi rồi, nhưng chẳng ai biết được cơn đau sẽ lại kéo đến lúc nào đâu. Trương Gia Nguyên vừa thấy thương con, lại vừa thấy tủi cho cái phận. Cuộc sống nghèo đói bấp bênh mà lại nuôi con, hai người có vun vén đủ đường cũng đều là giật gấu vá vai, chẳng cách nào bù lại cho nổi. Ngay cả tiền mua thuốc cho con mà cả hai cũng chẳng đủ, cảm giác bất lực đến nén nghẹn cả lồng ngực gầy. Trương Gia Nguyên nén tiếng nấc nghẹn vào trong ngực, cố gắng không để Châu Kha Vũ biết mình khóc.

"Anh nghe bảo sáp ong trị được viêm tai giữa, lát anh đi lấy cho con. Em đừng lo, không có thuốc tây thì mình chữa dân gian cũng được mà."

Trương Gia Nguyên chẳng dám nói nhiều, chỉ sợ mình không ngăn được dòng nước mắt. Cậu ừ khẽ một tiếng đáp lời rồi thôi.

Con đường tám cây số vốn đã xa, trong bóng đêm mịt mù như cái tương lai của gia đình này, tám cây số càng dài như ngàn dặm. Trương Gia Nguyên ngỡ mình đã ngồi trên xe hết cả nửa đời người, lúc này chiếc xe mới dừng lại.

Bà Trinh đã đứng đón đợi ngay cổng từ lâu. Vừa thấy hai đứa bà đã vội chạy ra hỏi: "Con bé sao rồi?"

Trương Gia Nguyên lẳng lặng lắc đầu, bà thấy trong mắt con trai ầng ậng nước mắt. Như tâm linh tương thông, bà biết mình còn hỏi thêm là con trai bà sẽ khóc òa ra đây, nên bà chẳng dám hỏi thêm câu nào nữa.

Trương Gia Nguyên ẵm con vào buồng, Châu Kha Vũ thất thiểu dựng xe vào trong góc. Lúc này mẹ Trinh mới quay sang hỏi Châu Kha Vũ: "Con bé sao rồi?"

Anh thở dài: "Nó bị viêm tai giữa. Nhà con không đủ tiền mua thuốc. Giờ con lên đồi lấy sáp ong mẹ ơi."

Nửa đêm nửa hôm, Châu Kha Vũ tay cầm đuốc tay cầm đèn pin, lần mò lên đồi. Trên đỉnh đồi có tổ ong rừng, Châu Kha Vũ leo lên đốt tổ ong đấy, lấy được tổ ong xuống xong cũng bị nó chích cho mấy nốt vào tay.

Trương Gia Nguyên ẵm con, nhìn Châu Kha Vũ thuần thục gỡ sáp ong ra. Châu Kha Vũ bảo: "Em bế con nằm nghiêng ra đi."

Trương Gia Nguyên lật người con bé lại, con bé như phản kháng vì bị phá giấc ngủ, bắt đầu quơ quào chân tay.

Châu Kha Vũ cho sáp ong vào miếng giấy đã quấn sẵn thành hình điếu thuốc, đầu dưới ghé vào tai con bé, đầu trên đốt lửa. Cứ thế đốt liền một lúc hai điếu. Hình như con bé khó chịu, nó ọ ọe mấy tiếng, lại được Trương Gia Nguyên vỗ vỗ dỗ dành. Trương Gia Nguyên nắm lấy bàn tay nhỏ xíu của con bé, có lẽ nó cũng cảm nhận được sự an ủi từ cái nắm tay của ba nên mới dần im im lại.

Ba ngày liên tục đốt sáp ong, đến nửa ngày thứ tư thì con bé khỏi. Bên trong tai đã khô lại rồi, con bé cũng không còn quấy khóc nữa.

Mấy nay Trương Gia Nguyên toàn ở nhà chăm con, nuôi con mọn còn khổ hơn đi làm đồng, lúc nào cũng phải canh ly từng tí. Thùng gạo vốn đã ít, sau vụ này đã thành sạch trơn. Cảnh túng quẫn bủa vây, từ cơm độn sắn đã rút xuống chỉ còn sắn. Châu Kha Vũ vay mẹ chút gạo mang sang xóm bên xay thêm ít bột cho con. Con bé ăn bột gạo, còn hai người phải ăn tạm sắn cho qua ngày.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro