Chương 9

Sau 5 năm làm lụng vất vả, trong nhà cũng đã dành dụm được chút tiền, Châu Kha Vũ quyết định nuôi thêm mấy con lợn. Mẹ Khiết biết chuyện thì vội can ngăn: "Nhà mày năm nay đứa nào cũng sao Thái Bạch. Mày nuôi lợn để chết cả nút à?"

Nhưng Châu Kha Vũ không tin vào mấy chuyện tâm linh, anh bỏ ngoài tai lời gàn của mẹ Khiết, đi mua chục con lợn về chăn. Tầm này mà có chục con lợn là lớn lắm rồi, Châu Kha Vũ tính nuôi nửa năm rồi bán là đẹp.

Nhà nuôi lợn là lại thêm một đống việc, ngày nào hai vợ chồng cũng phải đi chặt chuối rồi cắt lá mon từ sớm để về băm nhỏ ra nấu cám cho lợn. Con bé Diên cũng chẳng rảnh hơn hai ba là bao, cứ đi học về là lại xuống bếp ngồi trông nồi cám.

Chuyện êm xuôi được 5 tháng, cứ tưởng chuyện xấu đã qua, nhưng ba người vẫn không tránh nổi vận hạn. Mở bát là con bé Diên. Con bé lại bị viêm tai giữa thêm lần nữa. Bác sĩ bảo nếu không cẩn thận còn có nguy cơ điếc, làm Châu Kha Vũ và Trương Gia Nguyên lo sốt vó hết cả lên. May mà giờ gia đình đã có chút tiền, chuyện mua thuốc thang không còn là vấn đề lớn như xưa nữa.

Trương Gia Nguyên vệ sinh tai cho con bé xong, lại nhỏ thuốc cho con, bỏ việc ở nhà canh con cả buổi. Con bé bị đau, đêm khó chịu không ngủ được, Trương Gia Nguyên cũng thức canh con cả đêm. Ròng rã cả tuần trời tai con bé mới khỏi hẳn, may mắn là tai không bị làm sao, không điếc như lời bác sĩ nói.

Nhưng hết hạn của con bé, lại đến hạn của Châu Kha Vũ và Trương Gia Nguyên. Đàn lợn nuôi 5 tháng sắp được xuất chuồng thì đột nhiên bị dịch. Chục con lợn chết mất năm, Châu Kha Vũ vội vàng bán tống bán tháo mấy con lợn còn lại. Số tiền thu về còn chẳng đủ tiền giống, lỗ mất bao nhiêu là tiền bạc.

Nhưng thua keo này ta bày keo khác, Châu Kha Vũ quyết định lên tỉnh đi buôn hoa quả. Dạo trước chị Hân và chị Dương đã lên tỉnh rồi, chị Hân thì viết sách mong ước đổi đời, chị Dương thì mở tiệm tạp hóa nho nhỏ. Nhiều lần hai chị rủ Châu Kha Vũ lên làm ăn cùng, có gì thì chị em giúp đỡ lẫn nhau, nhưng vì bận lợn gà nên anh vẫn luôn từ chối.

Nửa tháng sau khi bán lợn, Châu Kha Vũ khăn gói lên thành phố. Con bé biết ba Vũ phải đi xa, cứ rấm rứt khóc mấy ngày liền. Châu Kha Vũ thương con, nhưng giờ anh không đi thì cả nhà chỉ còn nước chết đói. Anh hứa khi nào về sẽ mua thật nhiều kẹo cho con, lúc này con bé mới thôi sụt sùi, bịn rịn tiễn anh ra tận cửa.

Châu Kha Vũ đi rồi, Trương Gia Nguyên ở nhà càng bận hơn. Sau lần lợn dịch, cảnh nhà lại lâm vào túng quẫn, đã vậy bây giờ còn không có ai đỡ đần, Trương Gia Nguyên hết lên nương rẫy lại vác cuốc làm việc đồng áng, mệt muốn tắt thở. Con bé chẳng có ai trông, suốt ngày lang thang khắp xóm.

Đã ba tháng kể từ khi Châu Kha Vũ lên tỉnh, vậy mà anh vẫn chưa về nhà thêm lần nào. Cuộc sống trên đấy cũng khó khăn chẳng kém ở nhà là bao, anh vẫn chưa có tiền để mà gửi về nhà được. Anh vừa coi sạp trái cây vừa làm đủ việc, từ rửa bát thuê đến rao báo dạo. May mà còn có chị Hân chị Dương, hai chị thấy thương thằng em, thi thoảng lại trông giúp sạp trái cây cho anh nghỉ ngơi đôi chút. Châu Kha Vũ không về được, vậy nên Trương Gia Nguyên quyết định đưa con lên thăm anh. Hai ba con đi nhờ một chuyến xe chở hoa quả lên tỉnh. Trương Gia Nguyên tay xách nách mang, nào chuối, nào lạc, nào đậu, còn mang thêm cả đôi gà.

Lúc cậu đến nơi, cậu thấy anh đang rửa bát ở quán bên cạnh. Châu Kha Vũ thấy cậu và con, lập tức bỏ bát đĩa hớn hở chạy ra. Anh tháo găng tay cao su ra, bàn tay vì đeo găng quá nhiều nên da tay tróc ra cả mảng, chỗ cổ tay còn lằn đỏ do bị găng tay thít vào. Trương Gia Nguyên xót muốn chết, Châu Kha Vũ lại cười hì hì, như thể đó chỉ là chuyện cỏn con. Anh lau vội tay vào áo, sau đó lập tức ôm lấy Trương Gia Nguyên.

Con bé nhìn hai ba ôm nhau, trái tim nhỏ chờ chực tan vỡ: "Ba Vũ không ôm con à?"

Châu Kha Vũ phì cười, bẹo bẹo má con: "Phải cho ba ôm vợ ba trước chứ."

Con bé nghĩ cũng phải, lại ngoan ngoãn ôm lấy cánh tay anh. Con bé bảo: "Con nhớ ba nhiều nhiều lắm."

Châu Kha Vũ bế con lên, con bé 5 tuổi mà vẫn nhẹ hều, chỉ được cái cao lêu nghêu giống anh.

"Ba Vũ cũng nhớ con nhiều."

Con bé được nghe ba Vũ bảo nhớ thì thích lắm, lại hỏi: "Thế ba Vũ có nhớ ba Nguyên không? Ba Nguyên cũng nhớ ba Vũ nhiều lắm đó."

Trương Gia Nguyên bĩu môi: "Ai bảo con ba nhớ ba Vũ vậy? Ba không nhớ xíu nào đâu."

Con bé cười hì hì, lại ghé sát tai ba Vũ thì thầm to nhỏ: "Ba Nguyên nói dối đấy. Đêm nào ba Nguyên cũng bảo với con là nhớ ba Vũ nhiều nhiều."

Châu Kha Vũ một tay bế con, tay còn lại nắm lấy tay Trương Gia Nguyên, kéo hai người tới công viên. Anh mua cho con bé một cây kem, sau đó bảo con ra chơi cầu trượt. Hai vợ chồng ngồi trên ghế đá, Trương Gia Nguyên nhìn con gái leo leo trèo trèo, chợt thở dài một hơi.

"Hôm bữa con gái anh vừa đánh thằng Bi cuối xóm đấy."

Châu Kha Vũ ngờ ngợ nhìn cậu, tỏ vẻ không tin: "Người nó như con bọ gậy thế kia mà cũng đánh được người ta à?"

"Lại chả, còn đánh cho con nhà người khóc thét kia kìa. Thằng Bi bảo nó là ba Vũ bỏ nó với ba Nguyên rồi, thế là hai đứa lao vào đánh nhau."

Châu Kha Vũ bình luận một câu: "Đánh hay lắm." Ngay lập tức, anh bị vợ lườm cho khét khẹt, vội vàng sửa lời: "Trẻ con đánh nhau là không tốt đâu."

Anh nghĩ ngợi một hồi, lại chợt phì cười: "Ai bắt ngày xưa em bảo nó ai mà dám láo nháo thì cứ cứ đánh thẳng tay."

Trương Gia Nguyên nghẹn lời, ngày xưa mẹ Trinh dạy thế thì cậu truyền lại cho con vậy thôi, ai mà ngờ được chuyện nó thành ra thế này chứ.

"Con gái rượu của anh cả đấy, chả khác anh tí nào."

"Ơ em lạ nhỉ, sao lại đổ lỗi cho anh? Em cũng có kém anh miếng nào đâu mà chê."

Sau đó, hai người bắt đầu "con của anh", "con của em", "tại anh", "tại em" loạn hết cả lên, chẳng ai chịu nhường ai tí nào.

Xe hoa quả lên buổi sáng, tới chiều đã lại xuôi về, Trương Gia Nguyên và con cũng phải nói lời tạm biệt với Châu Kha Vũ. Trước khi về, con bé móc ra ba cái kẹo chia cho ba Vũ và ba Nguyên mỗi người một cái, còn một cái giữ lại cho mình. Con bé thích ăn kẹo lắm, nhưng giờ gia đình nghèo khó nên thi thoảng ba Nguyên mới cho con bé một cái. Con bé ngóng ngày lên tỉnh thăm ba Vũ, mấy cái kẹo này con bé phải để dành rõ lâu để tặng cho ba.

Con bé bảo: "Ba Vũ với ba Nguyên ăn đi."

Châu Kha Vũ bóc kẹo, kẹo để lâu ngày rồi, có hơi chảy nước, nhưng anh vẫn thản nhiên bỏ vào miệng. Kẹo ngọt lắm, nhưng tấm lòng con gái anh còn ngọt ngào hơn.

Châu Kha Vũ nói: "Ba sẽ đón con với ba Nguyên lên đây sớm thôi." Là lời hứa của anh với vợ con, cũng là động lực cho chính bản thân mình.

Trương Gia Nguyên ôm chầm lấy anh: "Em đợi anh." Đợi gia đình ta đoàn tụ, cũng là đợi anh về nhà.

Xe hoa quả tuýt còi inh ỏi, lúc này Trương Gia Nguyên và bé con mới bịn rĩn vẫy tay chào Châu Kha Vũ, lên xe về nhà.

Châu Kha Vũ nói được làm được, ba tháng sau, công việc buôn bán đã có khởi sắc. Anh cũng không còn phải đi rửa bát thuê kiếm mấy đồng bạc lẻ nữa. Mất thêm nửa năm để ổn định, giờ việc buôn bán đã vào quỹ đạo, nhưng anh vẫn chưa rảnh hơn là bao. Ngày ngày anh vẫn phải vận chuyển hoa quả rồi kiểm hoa quả ở kho, lại lo luôn cả việc sổ sách. Anh không chỉ buôn bán hoa quả trong nước nữa mà còn nhập cả hoa quả bên nước ngoài về, tạo thành một chuỗi cung ứng trái cây nhập khẩu. Sau một năm buôn bán, Châu Kha Vũ đổi đời.

Năm con bé lên lớp hai, anh dựng xong nhà cửa trên tỉnh, lại đón Trương Gia Nguyên và con lên đây. Vốn dĩ còn muốn đón cả mẹ Khiết và mẹ Trinh lên, nhưng hai mẹ đều bảo già rồi, không quen nếp sống nơi đô thị, thích ở nhà nuôi cá trồng rau hơn. Hai người không ép mẹ, cuối tuần nào cũng đưa cháu về thăm hai mẹ một lần.

Sau khi về nhà mới, Châu Kha Vũ tặng con gái một đống truyện cổ tích, con bé vui vẻ hứa sẽ kể truyện ru ba Vũ ngủ mỗi ngày. Châu Kha Vũ tặng Trương Gia Nguyên một cây ghi ta. Trương Gia Nguyên chơi đàn giỏi cực, nghe bảo ngày xưa cậu học đàn để tiện tán gái, vậy mà còn chưa cua được em nào đổ thì đã thành vợ người ta rồi. Con bé thấy ba Nguyên đàn thì thích lắm, cũng nhón tay gảy gảy mấy cái, lại đòi ba Nguyên dạy đàn cho. Nhưng con bé học hoài mà không được, tự nhận thấy bản thân khuyết thiếu gen âm nhạc nên con bé đành thôi.

Để đáp lại món quà của Châu Kha Vũ, Trương Gia Nguyên vẽ tranh tặng anh. Cậu vẽ chân dung anh, con bé cũng ham hố đòi học vẽ. Nhưng vẽ được vài nét là con bé nản, bắt đầu quay sang nghịch màu của ba. Trương Gia Nguyên vẽ xong, bức tranh vừa vẽ còn đang đợi màu khô, lại bị cô con gái lén lút đề thêm một dòng bên dưới: "Tặng chồng yêu của em." Trương Gia Nguyên hết nói nổi, Châu Kha Vũ nhận được quà thì cười tươi roi rói.

Tặng quà cho chồng rồi thì cũng không thể thiếu quà cho con, Trương Gia Nguyên tặng cho con một chiếc váy hoa, con bé cũng tặng lại ba Nguyên một cái thơm thật kêu vào má.

Hồi nhỏ con bé ngoan ơi là ngoan, vậy mà lớn lên thì nghịch như quỷ, chẳng kém hai ba ngày xưa xíu nào. Lúc nào con bé cũng kêu yêu ba Nguyên nhất, nhưng lúc nào cũng lén thông đồng với ba Vũ chọc quê ba Nguyên.

Hè năm con bé lên lớp ba, con bé nghe ba Vũ xúi, nằng nặc đòi ba Nguyên đẻ cho mình một đứa em. Trương Gia Nguyên bất lực, Châu Kha Vũ lại hào hứng đưa con về nhà bà gửi trong một nốt nhạc, hứa hẹn hết hè con bé sẽ có em. Con bé tin tưởng ba Vũ lắm, vậy mà khi hết hè, con bé vẫn chẳng thấy em bé đâu. Con bé khóc lóc ầm ĩ hết cả lên, kêu ba Vũ lừa con, Châu Kha Vũ phải mua cả một hộp kem to mới dỗ được con bé.

Chẳng biết sau lại thế nào, con bé đột nhiên chấp nhận việc nhà ba người, không cố chấp đòi ba Nguyên sinh em cho nữa. Cuộc sống gia đình đầy đủ sung túc, cả ba đều thấy vui vẻ khi được ở bên nhau. Cảnh nhà họ sẽ thường thế này, ba Nguyên đệm đàn, ba Vũ hát, còn con bé thì cổ vũ cho hai ba. Khung cảnh ấm êm thuận hòa, một nhà ba người hạnh phúc. Nếu phải hình dung gia đình này bằng mấy câu hát, thì hợp lí nhất hẳn là mấy câu hát trong bài hát "Tình nghèo có nhau".

Mai đây cho dù rằng đời gốc bể chân trời
Cuộc đời bão táp phong ba, suốt đời có nhau bên mình.

-end-

Đôi lời: Câu chuyện về gia đình nhỏ đến đây là kết thúc rồi, cảm ơn mọi người đã ủng hộ mình trong thời gian qua 🙆‍♀️ Yêu mọi người rất nhiều ❤

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro