Chương 16. TÂM PHÂN HỌC
Chương 16. TÂM PHÂN HỌC
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC
Khi tâm lý học trở thành khoa học, lúc đầu nó trở thành một khoa học về kinh nghiệm ý thức, sau đó trở thành khoa học về hành vi. Các đại biểu của các trường phái tâm lý học đầu tiên - ví dụ, Wundt, Titchener, và James - đã biết đến các quá trình vô thức nhưng họ coi điều đó không quan trọng. Các nhà tâm lý học hành vi thậm chí còn từ chối việc đưa ý thức vào nội dung tâm lý học của họ; vì vậy việc gợi ý đến chuyện nghiên cứu về vô thức đều bị họ coi là hoàn toàn vô lý. Và mặc dù tâm lý học hình thức dựa vào tinh thần, nó chỉ tập trung hoàn toàn vào các quá trình của ý thức mà thôi.
Vậy làm thế nào có thể xuất hiện một tâm lý học nhấn mạnh vào các quá trình của vô thức? Câu trả lời là không bắt nguồn từ tâm lý học lý thuyết hay thực nghiệm. Thực vậy, nó hoàn toàn không xuất phát từ truyền thống duy nghiệm hay liên tưởng, như đa số các loại tâm lý học khác. Mà nó đến từ việc thực hành lâm sàng. Những người phát triển tâm lý học về vô thức không quan tâm tới mục đích thực nghiệm hay triết lý khoa học; họ cũng không quan tâm tới việc chứng minh các khẳng định của thuyết liên tưởng. Đúng hơn, họ tập trung vào việc tìm hiểu các nguyên nhân của bệnh tâm thần và sử dụng sự hiểu biết này để giúp các bệnh nhân tâm thần.
Khi nhấn mạnh tầm quan trọng của vô thức như nguyên nhân của các bệnh tâm thần (và sau này của đa số hành vi con người), nhóm cá nhân ít ỏi này tự tách mình ra khỏi những nhà tâm lý học đương thời cũng như những đồng nghiệp y khoa của họ. Sự nhấn mạnh các nguyên nhân tâm lý của bệnh tâm thần đã tách biệt nhóm y sĩ ít ỏi này ra khỏi ngành nghề của họ ra khỏi luôn tâm lý học chuyên nghiệp. Cuộc đấu tranh của họ không dễ dàng, nhưng họ đã kiên trì; cuối cùng, họ đã thuyết phục được giới y khoa, giới tâm lý học chuyên nghiệp, và công chúng mà nói rằng các quá trình vô thức cần phải được xét đến trong việc tìm hiểu hành vi con người. Sigmund Freud là lãnh tụ của nhóm người đấu tranh này, nhưng trước khi trình bày về công trình của ông, chúng ta đề cập đến một số công trình có trước ông.
TIỀN SỬ CỦA SỰ PHÁT TRIỂN TÂM PHÂN HỌC
Như ta sẽ thấy, cả các hiện tượng thôi miên lẫn sự quan tâm của Charcot về chứng ưu uất đều đã ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển lý thuyết của Freud, nhưng cũng còn có một số ảnh hưởng khác nữa. Chúng ta sẽ xét qua các nền triết học, khoa học, và văn học mà Freud từng biết đến và về sau đã xuất hiện dưới hình thức này hay hình thức khác trong lý thuyết về tâm phân học của Freud.
Leibniz, với thuyết đơn tử của ông, đã cho thấy rằng, tùy theo con số các đơn tử liên quan, các mức độ ý thức có thể có các dạng khác nhau, từ các tri giác rõ ràng đến các kinh nghiệm mà chúng ta không ý thức được. Goethe tuy là một tác giả rất được Freud ưa thích, và động cơ chính của tâm phân học chắc chắn hợp với mô tả của Goethe về thân phận con người như một cuộc đấu tranh không ngưng nghỉ giữa các cảm xúc và các khuynh hướng đối chọi nhau. Herbart từng gợi ý rằng có một ngưỡng mà ở bên trên ngưỡng đó ta có một ý tưởng về ý thức và ở bên dưới ngưỡng đó là ý tưởng vô thức. Schopenhauer tin rằng con người bị chi phối bởi các ước muốn vô lý hơn là bởi lý trí. Vì các bản năng quyết định hành vi, nên con người không ngừng dao động giữa một trạng thái có nhu cầu và một trạng thái được thỏa mãn. Schopenhauer đã đi trước Freud trong khái niệm thăng hoa khi ông nói rằng chúng ta có thể làm dịu bớt hay thoát được các mãnh lực vô lý bên trong chúng ta bằng cách dấn mình vào âm nhạc, thi ca, hay nghệ thuật. Giống như Schopenhauer, Nietzsche tin rằng bản chất con người là vô lý. Nhưng khác với Schopenhauer, Nietzsche cho rằng không nên ức chế các bản năng, mà phải tạo cho chúng có điều kiện tự bộc lộ.
Giống như Herbart, Fechner sử dụng ý niệm ngưỡng trong công trình của ông. Tuy nhiên điều quan trọng hơn đối với Freud là việc Fechner so sánh tinh thần giống như một tảng băng, mà ý thức chỉ chiếm một phần rất nhỏ (khoảng 1/10), hay mặt nổi của tảng băng, còn tinh thần vô thức chiếm phần còn lại (khoảng 9/10). Ngoài việc sử dụng ví dụ tảng băng của Fechner, Freud còn theo Fechner trong việc ứng dụng vào các sinh vật nguyên lý bảo toàn năng lượng vừa mới được khám phá. Darwin củng cố quan niệm của Freud mà cho rằng con người cũng giống như loài vật, được thúc đẩy bởi các bản năng hơn là lý trí.
Đại diện cho phương pháp duy chứng luận về y học và tâm lý học, Helmholtz không chấp nhận tính chủ quan hay thuyết sinh lực trong việc nghiên cứu các sinh vật, trong đó có con người. Brentano từng là giáo sư của Freud tại Đại học Vienna khi Freud ở tuổi hai mươi. Brentano dạy rằng các yếu tố động lực vô cùng quan trọng trong việc quyết định dòng tư tưởng và có những sự khác biệt lớn giữa thực tại khách quan và thực tại chủ quan. Sự phân biệt này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong lý thuyết của Freud.
Karl Eduard von Hartmann viết một sách nhan đề Triết Học về Vô Thức (1869), từng được xuất bản và tái bản 11 lần vào sinh thời của ông. Trong thời gian Freud học y khoa và sau này khi ông triển khai lý thuyết của ông, ý tưởng về vô thức đã khá phổ biến ở châu Âu. Hartmann chịu ảnh hưởng mạnh của triết học Schopenhauer và thuyết thần bí Do Thái. Theo ông, có ba loại vô thức: các quá trình chi phối mọi hiện tượng tự nhiên trong vũ trụ; vô thức sinh lý học, hướng dẫn các quá trình thể lý; và vô thức tâm lý học, nguồn phát xuất mọi hành vi. Tuy lập trường của Hartmann chủ yếu là thần bí, nó có một số yếu tố chung với lý thuyết của Freud, đặc biệt là ý niệm về vô thức tâm lý.
Thiên tài của Freud là đã tổng hợp được tất cả các yếu tố trên thành một lý thuyết toàn diện về nhân cách: "Đa số những gì được gán cho công của Freud là những kiến thức đang phổ biến vào thời ấy, và vai trò của ông là kết tinh chúng và cho chúng một hình thức độc đáo." (Ellenberger, 1970, tr. 548).
SIGMUND FREUD
CÁC ẢNH HƯỞNG ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN TÂM PHÂN HỌC THỜI KỲ ĐẦU
FREUD TỰ PHÂN TÂM
ĐÁNH GIÁ HỌC THUYẾT CỦA FREUD
TỪ VỰNG
Created by AM Word2CHM
SIGMUND FREUD
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 16. TÂM PHÂN HỌC
Tiểu Sử
Sigmund Freud (1856-1939) sinh ngày 6 tháng 3 (hay 6 tháng 6) tại Freiberg, Moravia (nay là Pribor, Tiệp Khắc). Cha ông, Jacob, là một người buôn len, có 10 người con. Cả ông nội và ông cố nội của Freud đều là rabbi Do Thái. Freud luôn coi mình là người Do Thái nhưng ông có thái độ tiêu cực đối với cả Do Thái giáo lẫn Kitô giáo.
Khi công việc làm ăn của Jacob thất bại, cả gia đình chuyển về Lipzig rồi về Vienna, năm ấy Freud mới 4 tuổi. Từ nhỏ Freud đã tỏ ra rất thông. Từ 8 tuổi Freud đã đọc được các tác phẩm của Shakespeare và ông vô cùng ngưỡng mộ tài diễn tả cũng như sự hiểu biết của tác giả này về bản tính con người. Feud có thiên khiếu lạ lùng về ngôn ngữ. Tử nhỏ, ông đã tự học tiếng La Tinh, Hy Lạp, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, và Anh, và về sau ông còn được nhìn nhận là một bậc thầy về văn xuôi Đức. Ông bắt đầu trung học năm 9 tuổi (sớm một năm hơn trẻ bình thường) và luôn luôn đứng đầu lớp; năm 17 ông tốt nghiệp trung học với hạng ưu.
Cho tới năm cuối bậc trung học, Freud vẫn thích theo nghề luật hay chính trị, thậm chí nghề binh, nhưng sau khi nghe một bài cảo luận của Goethe giảng về thiên nhiên và thuyết tiến hóa của Darwin, ông bắt đầu ham thích khoa học, và ông quyết định đăng ký vào trường thuốc tại Đại học Vienna năm ông 17 tuổi. Vì có những sở thích rất đa dạng, ông thường bị phân tán trong việc học y khoa của ông. Ví dụ, Brentano đã khiến ông quan tâm đến triết học, và thậm chí Freud đã dịch một tác phẩm của James Mill sang tiếng Đức.
Khoảng năm 1822 ông đến Bệnh viện Đa Khoa Vienna học với Theodor Meynert (1833-1893), một trong số nhà giải phẫu não nổi tiếng nhất vào thời ấy, và Freud đã sớm trở thành một chuyên gia về chẩn đoán các loại tổn thương khác nhau của não. Freud coi Meynert là người lỗi lạc nhất ông từng gặp.
Nhiều sự kiện quan trọng xảy ra cho cuộc đời Freud vào thời kỳ này. Ngoài việc quyết định thực hành y khoa, Freud còn tạo được cho mình một tên tuổi như một nhà giải phẫu thần kinh, và ông đã kết thân được với Joseph Breuer (người sẽ hướng dẫn Freud vào nhiều hiện tượng có sức mạnh thu hút sự chú ý của ông trong 50 năm tiếp theo), và ông cũng có cơ hội học với Charcot ở Paris. Tất cả các sự kiện này sẽ có một ảnh hưởng lớn trong sự phát triển sự nghiệp của Freud. Tuy nhiên, ông cũng gặp một rắc rối: nghiện côcain.
Vụ Côcain
Mùa xuân 1884, Freud thí nghiệm với chất côcain sau khi nghe biết chất này đã được sử dụng thành công trong quân đội để tăng sức mạnh và sức bền của quân lính. Chính ông đã thử nó và thấy nó giảm thiểu sự trầm cảm và chữa chứng khó tiêu của ông, giúp ông làm việc hăng hái và có vẻ không có phản ứng phụ tai hại. Ông dùng nó thường xuyên và còn đưa cho các chị em gái, bạn bè, đồng nghiệp và cả hôn thê của ông là Martha Bernays dùng. Ông bắt đầu quảng cáo tác dụng của côcain và trong hai năm tiếp theo; và ông đã viết bài báo mô tả những lợi ích của côcain. Carl Koller (1857-1944), một đồng nghiệp trẻ của Freud, được Freud cho biết rằng côcain có thể dùng làm chất giảm đau. Koller quan tâm đến nhãn khoa và theo nhận xét của Freud vì nó có liên quan đến việc giải phẫu mắt. Ít tháng sau, Koller có một bài viết mô tả những cuộc giải phẫu mắt mà trước kia không thể thực hiện được thì nay trở nên rất dễ dàng nhờ dùng côcain làm chất gây mê. Bài báo gây tiếng vang lớn và Koller trở thành nổi tiếng khắp thế giới trong một sớm một chiều. Freud tiếc hùi hụi vì chính mình đã lỡ mất dịp trở thành nổi tiếng.
Ngoại trừ tác dụng gây mê của côcain, tất cả các sự tin tưởng khác của ông về chất này đều sớm bị chứng minh là sai cả. Freud bị phê bình dữ dội vì quảng cáo vô tội vạ cho chất côcain, lúc này đã bị coi là "tai ương thứ ba của loài người" (hai tai ương kia là rượu và móocphin). Việc Freud dính líu tới côcain đã làm thiệt hại cho uy tín y học của ông rất nhiều. Chính vụ côcain đã phần lớn làm cho giới y khoa hoài nghi về các ý tưởng thời kỳ sau của đời ông.
Freud nghiện nicôtin
Mặc dù Freud tránh nghiện côcain, ông mắc vào chứng nghiện nicôtin suốt đời ông, mỗi ngày ông hút đến 20 điếu xì gà. Năm 38 tuổi, ông phát hiện mình bị bệnh loạn nhịp tim; bác sĩ khuyên ông bỏ hút thuốc, nhưng ông không nghe. Bản thân ông là một bác sĩ, Freud biết rất rõ hút thuốc có hại cho sức khỏe và ông đã nhiều lần thử bỏ hút nhưng không thành công. Năm 1923, lúc ấy Freud 67 tuổi, ông phát hiện bị ung thư họng và hàm. Ông phải chịu một loạt 33 cuộc giải phẫu và cuối cùng ông đã phải dùng hàm giả rất khó chịu (mà ông gọi là "con quái vật") để thay thế các phần hàm của ông bị cắt bỏ. Trong suốt 16 năm cuối đời ông hầu như luôn luôn bị đau đớn, nhưng vẫn tiếp tục hút xì gà.
Created by AM Word2CHM
CÁC ẢNH HƯỞNG ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN TÂM PHÂN HỌC THỜI KỲ ĐẦU
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 16. TÂM PHÂN HỌC
Joseph Breuer và trường hợp Anna O.
Một thời gian ngắn sau khi đậu tiến sĩ, Freud làm quen với Joseph Breuer (1842-1925). Joseph Breuer lớn hơn Freud 14 tuổi và đã là một bác sĩ và nhà nghiên cứu nổi tiếng. Breuer đã có một khám phá quan trọng về phản xạ liên quan đến hô hấp và là một trong những người đầu tiên chứng minh các ống hình bán nguyệt ảnh hưởng tới sự thăng bằng. Breuer từng cho Freud vay tiền, và khi Freud cưới vợ năm 1886, hai gia đình Breuer và Freud thường xuyên qua lại với nhau.
Tâm phân học được khởi xướng từ chính những điều Freud học được từ Breuer liên quan đến việc điều trị một người phụ nữ mắc bệnh ưu uất (hysteria), được cho một cái tên giả là Fraulein Anna O. Vì Breuer bắt đầu điều trị Anna O. Năm 1880, khi ấy Freud còn là một sinh viên y khoa, nên Freud đã dành cho Breuer công lao sáng lập môn tâm phân học:
Sáng lập tâm phân học là một công lao to lớn, nhưng đó không phải công lao của tôi. Tôi còn là một sinh viên đang phải vùi đầu chuẩn bị các kỳ thi cuối của mình khi một bác sĩ khác của Vienna, Bác sĩ Joseph Breuer, đã ứng dụng lần đầu tiên phương pháp điều trị này cho trường hợp một cô gái bị bệnh ưu uất (1880-1882).
Anna O. là một cô gái 21 tuổi, thông minh, hấp dẫn, nhưng có những triệu chứng liên quan đến bệnh ưu uất (hysteria). Thỉnh thoảng cô bị chứng tê cứng tay chân, rối loạn thị giác và ngôn ngữ, ói mửa, mất trí nhớ, và đầu óc rối loạn. Breuer thường thôi miên cô rồi bảo cô nhớ lại những hoàn cảnh mà lần đầu tiên cô nhận thấy một triệu chứng đặc biệt. Ví dụ một triệu chứng là tật lác mắt vĩnh viễn. Nhờ thôi miên, Breuer phát hiện ra rằng cô đã có lần phải canh thức bên giường hấp hối của cha cô. Quá lo cho bệnh tình của cha làm cô đầm đìa nước mắt khiến khi người cha hấp hối hỏi cô mấy giờ rồi, cô phải lác mắt để nhìn thấy kim đồng hồ.
Breuer khám phá ra rằng mỗi lần ông tìm ra được nguồn gốc của một triệu chứng, thì triệu chứng ấy sẽ biến mất tạm thời hay vĩnh viễn. Và bằng cách này, các triệu chứng của Anna O. đã thuyên giảm từng triệu chứng một. Có vẻ như một số ý tưởng nặng cảm xúc không thể được diễn tả trực tiếp nhưng được bộc lộ qua các triệu chứng thể vật lý. Khi các ý tưởng gây bệnh (ý tưởng phát sinh triệu chứng thể vật lý) được phép diễn tả trên bình diện ý thức, sức mạnh của nó yếu đi dần, và các triệu chứng cũng biến mất. Vì một ý tưởng gây bệnh khi được phép bộc lộ sẽ làm nhẹ cảm xúc, và cảm xúc nhẹ đi sẽ làm cho hết triệu chứng, nên Breuer gọi phương pháp điều trị này là phương pháp tẩy nhẹ (cathartic method). Anna O. gọi nó là phương pháp "đối thoại điều trị" hay "nạo ống khói." Breuer thấy rằng sự giảm nhẹ cảm xúc (catharsis) xảy ra trong lúc ngây ngất do thôi miên hay khi Anna O. trở nên rất thoải mái.
Breuer điều trị cho Anna O. từ tháng 12, 1880 và tiếp tục cho đến tháng 6, 1882. Trong thời gian điều trị này, Breuer gặp bệnh nhân nhiều giờ mỗi ngày. Rất nhanh sau khi bắt đầu cuộc điều trị, Anna O. bắt đầu phản ứng với Breuer như thể ông là cha cô, quá trình này Breuer gọi là sự chuyển di đối tượng. Mọi cảm xúc mà trước kia Anna O. tỏ ra đối với cha cô, tích cực cũng như tiêu cực, thì bây giờ cô tỏ ra với Breuer. Breuer cũng bắt đầu có những cảm xúc đối với Anna, tiến trình này về sau ông gọi là sự phản chuyển di đối tượng. Vì vợ ông bắt đầu ghen với Anna, Breuer quyết định ngưng điều trị cho Anna. Breuer bảo Anna rằng ông chấm dứt cuộc điều trị cho cho cô, thế là Anna có triệu chứng ưu uất mang thai, và Breuer đã đồng ý điều trị cho cô. Và đây là lần điều trị cuối cùng. Sau đó vợ chồng ông dời đến Venice hưởng tuần trăng mật thứ hai, và Breuer không bao giờ còn điều trị cho một bệnh nhân ưu uất nào nữa hết.
Năm 1895 Breuer và Freud xuất bản Nghiên Cứu về Bệnh ưu uất trong đó có kể trường hợp của Anna O. Và, năm 1895 thường được coi là niên hiệu chính thức của việc sáng lập trường phái tâm phân học.
Freud viếng thăm Charcot
Vì Freud rất thành công khi học với Meyner và vì ông đạt được danh tiếng của một nhà sinh lý học thần kinh, năm 1885 ông được một suất học bổng để theo học với Jean-Martin Charcot tại Paris. Lúc ấy, viện La Salpêtrière là "thánh địa của khoa thần kinh học," thu hút đông đảo sinh viên từ khắp nơi trên thế giới đến đó. Trước thời gian này, mặc dù Freud đã biết đến công trình của Breuer với Anna O., ông vẫn là một nhà sinh lý học theo lập trường duy-vật-thực-chứng; ông tìm cách cắt nghĩa mọi rối loạn, kể cả bệnh ưu uất, theo quan điểm sinh lý thần kinh học. Giống như mọi nhà sinh lý học khác của thời ấy, Freud coi các giải thích tâm lý về bệnh tật là phi khoa học. Như ta đã thấy ở chương trước, Charcot cũng cố gắng cắt nghĩa bệnh ưu uất theo quan điểm sinh lý thần kinh học và di truyền học, nhưng ít ra Charcot cũng xem xét bệnh ưu uất một cách nghiêm túc - điều này phần nào khiến ông cách biệt với đa số đồng nghiệp của ông. Hơn nữa, Charcot nhấn mạnh rằng bệnh ưu uất xảy ra ở nam cũng như nữ. Quan điểm này tạo một chấn động vì từ thời các tác giả Hy Lạp, người ta đã cho rằng bệnh rối loạn tâm thần là do sự rối loạn của tử cung (nghĩa là chỉ có nữ mắc bệnh này).
Freud học với vị giáo sư lỗi lạc Charcot này từ tháng 10, 1885 đến tháng 2, 1886, và ông đã học được ở Charcot một số điều quan trọng. Thứ nhất, ông học được rằng phải nhìn bệnh ưu uất một cách nghiêm túc, mà Freud đã từng nghĩ như thế do việc điều trị của Breuer cho Anna O. Thứ hai, ông học được rằng cả nam lẫn nữ đều có thể mắc bệnh rối loạn tâm thần. Thứ ba, ông từng nghe loáng thoáng Charcot nói về bệnh ưu uất, "Nhưng loại ca bệnh này luôn luôn liên quan đến bộ phận sinh dục - luôn luôn, luôn luôn, luôn luôn." Tuy Charcot phủ nhận mình đã phát biểu như thế nhưng Freud vẫn khẳng định Charcot đã từng gợi ý cho ông về sự liên quan giữa các yếu tố tính dục với bệnh ưu uất. Thứ tư, suốt đời ông, Freud rất thích thái độ của Charcot đối với lý thuyết. Charcot tin tưởng ở quan sát thường nghiệm và những gì có tác dụng thực sự, hơn là tin ở lý thuyết. Freud chia sẻ quan điểm này của Charcot mạnh đến độ mỗi khi có mâu thuẫn giữa quan sát và lý thuyết, ông đều xét lại lý thuyết của ông. Thứ năm, Freud biết được rằng người ta có thể chống lại giới y khoa chính thức nếu người ta có đủ uy tín. Freud quá ngưỡng mộ Charcot đến độ sau này ông đã đặt tên con trai đầu lòng của ông là Jean-Martin, theo tên của Charcot.
Khai sinh phương pháp Liên tưởng tự do
Khi thực hành việc điều trị bệnh tâm thần, Freud vẫn thấy việc thôi miên không hiệu quả, nên ông đã thử tìm một phương pháp khác. Lúc ấy ông nhớ lại hồi còn ở trường Nancy, ông đã quan sát thấy nhà thôi miên thường làm cho bệnh nhân nhớ lại những gì đã xảy ra trong lúc thôi miên bằng cách đặt tay lên trán người bệnh và nói, "Bây giờ bạn có thể nhớ lại". Lưu ý tới điều này, Freud thử đặt bệnh nhân nằm trên giường, nhắm mắt lại, nhưng không bị thôi miên. Ông thường xin bệnh nhân nhớ lại lần đầu tiên họ đã thấy một triệu chứng đặc biệt nào đó, và bệnh nhân thường bắt đầu nhớ lại các kinh nghiệm khác nhau nhưng thường bỏ dở nửa chừng không đi đến cùng. Nghĩa là khi họ gần như lại được một kinh nghiệm chấn động nào thì nơi họ lại bộc lộ một sức kháng cự. Lúc ấy Freud thường đặt tay lên trán bệnh nhân và nói ra thêm những điều xảy ra tiếp theo, và nhiều trường hợp quả đúng như thế. Freud thấy rằng sức ép kỹ thuật này cũng hiệu quả như thôi miên, và ông sớm biết rằng thậm chí ông không cần chạm vào người bệnh nhân nữa; chỉ cần khích lệ họ nói tự do về những gì đến trong đầu óc họ cũng đủ có tác dụng. Phương pháp liên tưởng tự do đã bắt đầu như thế.
Với phương pháp liên tưởng tự do, vẫn còn xảy ra hiện tượng quan trọng của sự kháng cự, chuyển di đối tượng, và phản chuyển di đối tượng, và có cái lợi lớn là bệnh nhân ý thức được về những gì đang xảy ra. Với liên tưởng tự do, thường khó đạt tới kinh nghiệm chấn động nguyên thủy, nhưng một khi đạt được nó, bệnh nhân có thể xử lý nó một cách hợp lý. Theo Freud, việc khắc phục sự kháng cự và sự suy xét bằng lý trí về chấn động ban đầu là các mục tiêu của tâm lý trị liệu. Chính vì vậy Freud nói tâm phân học chỉ bắt đầu khi thôi miên đã bị loại bỏ. Freud thích ví liên tưởng tự do với việc nhà khảo cổ học đào bới một thành phố bị chôn vùi. Chỉ cần một ít mảnh vỡ của các đồ vật đủ để người ta xác định được bản chất và cấu trúc của thành phố ấy. Tương tự, liên tưởng tự do chỉ cho thấy những mảnh vụn của tầng vô thức, và từ đó nhà tâm phân học phải xác định ra cấu trúc và bản chất tinh thần vô thức của một người.
Nghiên cứu về bệnh ưu uất
Trong Nghiên cứu về bệnh ưu uất (1895), Breuer và Freud đưa ra một số nguyên tắc của tâm phân học. Họ ghi nhận rằng bệnh ưu uất là do một kinh nghiệm chấn động đã không được phép bộc lộ ra đầy đủ và do đó nó đã tự bộc lộ ra bằng các triệu chứng thể vật lý. Vì vậy các triệu chứng có thể được coi là những biểu tượng của kinh nghiệm tiềm ẩn mà bệnh nhân không còn có thể ý thức được về nó nữa. Vì kinh nghiệm ấy có tính chấn động, nó đã bị đè nén - nghĩa là bị kiềm chế tích cực trong vô thức bởi vì suy nghĩ có ý thức về nó sẽ tạo ra lo âu. Do đó, sự kháng cự là dấu hiệu cho thấy nhà điều trị đang đi đúng đường. Cũng vậy, sự đè nén thường là do xung đột, là khuynh hướng vừa muốn tiếp cận vừa muốn xa tránh một điều gì bị coi là sai trái.
Điểm cơ bản là các kinh nghiệm bị ức chế hay các xung đột không biến mất. Đúng hơn, chúng tiếp tục tác động mạnh trên nhân cách của một người. Cách duy nhất để xử lý sự đè nén là làm cho nó nổi lên ý thức và từ đó xử lý nó bằng lý trí. Theo Freud, cách hiệu quả nhất để làm cho điều bị đè nén nổi lên ý thức là nhờ liên tưởng tự do. Bằng cách phân tích kỹ lưỡng nội dung của các liên tưởng tự do, các điệu bộ cử chỉ và sự chuyển di đối tượng, nhà tâm phân học có thể xác định được bản chất của kinh nghiệm bị đè nén và giúp bệnh nhân ý thức về nó và xử lý nó. Như thế, trong Nghiên cứu về bệnh ưu uất, Freud minh nhiên phác họa niềm tin của ông vào động cơ vô thức. Freud và Breuer viết các kết luận riêng biệt cho cuốn sách, và Freud nhấn mạnh vai trò của tính dục trong động cơ vô thức. Lúc ấy Freud quan niệm rằng một người có đời sống tính dục bình thường thì không thể bị ưu uất. Ngược lại, Breuer không đồng ý và cho rằng, không chỉ có các chấn động tính dục, mà mọi ký ức bị chấn động đều có thể bị đè nén và gây ra các triệu chứng rối loạn tâm thần. Rốt cuộc hai tác giả chia tay nhau. Cuốn Các Nghiên cứu về bệnh ưu uất bị ế, trong 13 năm chỉ bán được 626 bản và mỗi tác giả nhận được 170 đô la. (R. I. Watson, 1978).
Created by AM Word2CHM
FREUD TỰ PHÂN TÂM
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 16. TÂM PHÂN HỌC
Vì nhiều sự phức tạp có liên quan trong tiến trình tâm thần trị liệu Freud sớm nhận ra rằng để là nhà phân tâm hiệu quả, ông phải tự phân tâm chính mình.
Phân tích các giấc mơ
Rõ ràng Freud không thể dùng liên tưởng tự do để tự phân tâm chính mình, vì vậy ông cần dùng một đường lối khác. Freud có một khám phá đáng kinh ngạc rằng: ta có thể xét các giấc mơ theo cùng cách thức như ta xét các triệu chứng rối loạn tâm thần. Nghĩa là cả giấc mơ lẫn các triệu chứng rối loạn tâm thần đều có thể coi là những biểu hiện biểu tượng của các tư tưởng chấn động bị đè nén. Nếu người ta phân tích đúng mức các biểu tượng của giấc mơ hay của triệu chứng rối loạn tâm thần, người ta có thể chạm tới tận gốc rễ của vấn đề. Vì vậy, phân tích giấc mơ trở thành một cách thứ hai để chạm vào tinh thần vô thức (cách thứ nhất là liên tưởng tự do) và là cách thích hợp để Freud tự phân tích tâm lý mình. Về việc giải thích các giấc mơ, Freud nói: "Giải thích các giấc mơ là một vương đạo dẫn tới sự hiểu biết các hoạt động vô thức của tinh thần". Việc Freud tự phân tích mình được kết tinh trong tác phẩm được coi là quan trọng nhất của ông, Giải Thích Giấc Mơ (1900). Giống như số phận của cuốn Nghiên Cứu về Bệnh Rối Loạn Tâm Thần, quyển Giải Thích Các Giấc Mơ lúc đầu không được nhiều người đón nhận, và suất sáu năm, nó chỉ bán được 600 bản. Thế nhưng giá trị của nó cuối cùng đã được nhìn nhận, và nó đã qua tám lần ấn bản ngay trong sinh thời của Freud.
Giống như các triệu chứng vật lý của bệnh ưu uất, các giấc mơ cần phải được giải thích hợp lý. Trong khi ngủ, các phản ứng tự vệ của một người nằm yên nhưng không bị mất, vì thế một kinh nghiệm bị ức chế chỉ nổi lên ý thức dưới dạng cải trang. Do đó, có một khác biệt quan trọng giữa việc giấc mơ có vẻ nói về cái gì và việc nó thực sự nói về cái gì. Cái mà giấc mơ có vẻ diễn tả là nội dung lộ hiện của nó, còn cái mà giấc mơ thực sự diễn tả là nội dung trì hoãn của nó. Freud kết luận rằng mọi giấc mơ đều là một sự hoàn thành ước muốn. Nghĩa là, nó là một sự diễn tả bằng biểu tượng một ước muốn mà người mơ không thể diễn tả hay thỏa mãn trực tiếp mà không cảm thấy có sự lo âu. Các ước muốn được diễn tả dưới dạng biểu tượng trong giấc ngủ được cải trang đủ để cho phép người mơ tiếp tục ngủ bởi vì sự diễn tả trực tiếp ước muốn ấy sẽ tạo ra quá nhiều lo âu khiến người mơ bị cắt đứt giấc ngủ.
Theo Freud, giải thích giấc mơ là một công việc phức tạp, cần có một người thành thạo lý thuyết tâm phân học mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Người ta phải hiểu cơ chế hoạt động của giấc mơ làm che giấu ước muốn đang được diễn tả thực sự trong giấc mơ. Cơ chế tác động của giấc mơ bao gồm sự cô đọng, trong đó một yếu tố của giấc mơ biểu thị cho nhiều điều lúc người ta thức. Ví dụ: một con chó của gia đình biểu thị cho cả gia đình, và sự hoán đổi, trong đó thay vì mơ về một vật hay sự kiện gây ra lo âu, người mơ mơ thấy một biểu tượng gì đó giống như vật hay sự kiện kia.
Freud cho rằng các biểu tượng quan trọng nhất của giấc mơ bắt nguồn từ kinh nghiệm của chính đương sự, nhưng có những biểu tượng phổ quát của giấc mơ, các biểu tượng này có cùng một ý nghĩa trong các giấc mơ của một người.
Sau khi Freud dùng sự giải thích giấc mơ để tự phân tâm mình, phương thức này trở thành một phần cơ bản của tâm phân học. Freud thường yêu cầu bệnh nhân kể lại các giấc mơ của họ và có liên tưởng tự do về chúng.
Mặc cảm Oedipus
Một trong các kết quả của việc Freud tự phân tâm mình là khám phá của ông về mặc cảm Oedipus. Freud có khám phá này khi ông phân tích một trong các giấc mơ lặp đi lặp lại nhiều lần của ông, bắt đầu từ khi ông còn thơ ấu. Trong giấc mơ, mẹ của Freud ở trong tư thế đang ngủ một giấc an lành, và có hai người trên mặt có cái mỏ chim bế bà vào một căn phòng. Sau khi đưa bà vào phòng, hai người mặt chim này đặt bà lên giường.
Freud liên tưởng tự do về giấc mơ này và ông khám phá ra rằng những người mặt chim biểu tượng cái chết bởi vì họ trông giống những thần mai táng Ai Cập mà ông đã thấy trong cuốn Kinh Thánh của gia đình. Biểu hiện trên nét mặt của mẹ ông không phải nét đặc trưng của bà nhưng rất giống với biểu hiện Freud đã thấy trên khuôn mặt ông nội của ông ngay trước lúc chết. Vì vậy hình ảnh được đưa vào trong phòng là hình ảnh cô đọng biểu tượng cho cả mẹ và ông nội của Freud. Tiếp tục liên tưởng tự do dẫn Freud tới kết luận rằng hình ảnh ông nội đang hấp hối là biểu tượng về một người cha đang hấp hối và việc ông thầm ước cho cha ông chết. Freud sau đó nhận ra rằng mặc dù một cách ý thức ông yêu cha, nhưng trong vô thức ông thù nghịch với cha ông ngay từ tuổi thơ ấu. Tiếp tục liên tưởng tự do thêm nữa, ông thấy rằng giấc mơ cũng có bản chất tính dục. Một trong các điều dẫn Freud đến kết luận này đó là từ tiếng Đức để chỉ về quan hệ tình dục rất giống từ chỉ về con chim. Do đó những người mặt chim là một biểu tượng cô đọng chỉ về cả sự chết lẫn tính dục. Vậy đối tượng của ước muốn tính dục này mà giấc mơ biểu tượng là gì? Freud kết luận rằng, bởi vì mẹ ông đã từng là nguồn khoái cảm lớn nhất của ông khi ông có giấc mơ lần đầu tiên, nên bà chính là đối tượng của ước muốn tính dục của ông. Ông gọi sự thù nghịch này đối với cha ông và sự thèm muốn mẹ ông là mặc cảm Oedipus vì trong huyền thoại Hy Lạp Vua Oedipus, Oedipus đã giết cha và lấy mẹ ông làm vợ mà ông không biết. Vì mọi con trai đều có một sự gần gũi thể xác với mẹ nó (mẹ tắm cho nó, đánh, vuốt, nựng nó), nên Freud nghĩ rằng các con trai có thèm muốn tính dục với mẹ nó là điều tự nhiên.
Thế là con trai ở tư thế cạnh tranh với cha nó là người cũng thèm muốn mẹ nó, nhưng trong tình hình thực tế (người cha mạnh hơn thằng bé rất nhiều), thằng bé phải kiềm hãm ước muốn yêu đương với mẹ nó và cả sự thù nghịch với cha nó. Tuy nhiên, theo Freud, các ý tưởng bị ức chế không biến mất; chúng tiếp tục biểu hiện trong các giấc mơ, các triệu chứng hay các hành vi bất thường.
Freud nghĩ rằng sự xung đột Oedipus là mặc cảm phổ quát đối với các con trai và dấu vết của mặc cảm này trong tuổi trưởng thành giải thích được nhiều hành vi bình thường và bất bình thường.
BẢN NĂNG TÍNH DỤC, NGÃ VÀ SIÊU NGÃ
Khi bắt đầu lý thuyết, Freud phân biệt giữa ý thức, dự thức, và vô thức. Ý thức gồm những gì chúng ta biết vào bất cứ lúc nhất định nào. Dự thức (preconscious) gồm những gì chúng ta không ý thức nhưng rất dễ trở thành ý thức. Ví dụ việc nhớ các số điện thoại, tên và địa chỉ bạn bè, và các ký ức không gây chấn động khác, mặc dù không ở bề mặt ý thức vào một lúc nhất định nào, nhưng có thể dễ gợi ra khi cần. Vô thức gồm các ký ức dang được tích cực kiềm chế nằm ngoài ý thức và vì thế nó chỉ trở thành ý thức với rất nhiều cố gắng. Về sau, Freud tóm lược và mở rộng các quan điểm này với các ý niệm của ông về id (bản năng tính dục), ego (ngã), và superego (siêu ngã).
Id
Id (tiếng La Tinh; tiếng Đức là das es, nghĩa là "cái ấy") là động lực của nhân cách. Nó chứa mọi bản năng như đói, khát, tính dục (vì vậy tiếng Việt dịch là bản năng tính dục). Bản năng tính dục luôn là vô thức và được điều khiển bởi nguyên lý khoái lạc. Khi một nhu cầu nổi lên, thì bản năng tính dục muốn thỏa mãn ngay lập tức nhu cầu ấy. Lực tập hợp gắn liền với các bản năng thì được gọi là libido (tiếng La Tinh có nghĩa là "dục tính"), và sức thôi thúc của libido cắt nghĩa cho đa số hành vi con người.
Ego
Ego (tiếng La Tinh; tiếng Đức là das ich, nghĩa là "cái Tôi," ngã") ý thức về các nhu cầu của cả bản năng lẫn của thế giới bên ngoài, và công việc của nó là phối hợp hai thứ này. Nói cách khác, công việc của ego là làm cho các ước muốn của id phù hợp với các thực tại tương ứng trong môi trường vật lý. Vì vậy người ta nói ego hoạt động nhằm phục vụ id. Người ta cũng cho rằng Ego bị chi phối bởi nguyên lý thực tại vì các đối tượng mà nó cung cấp phải dẫn đến sự thỏa mãn một thực sự một nhu cầu, chứ không phải một sự thỏa mãn tưởng tượng.
Superego
Superego được dịch là "Siêu Ngã" (tiếng La Tinh kết hợp của super và ego; tiếng Đức là das uberich, nghĩa là "cái bên trên cái tôi"), là sức mạnh đạo đức của nhân cách. Khi được phát triển đầy đủ, superego có hai phần: Lương tâm gồm các kinh nghiệm vì đó mà đứa trẻ đã từng bị phạt và các kinh nghiệm ấy đã được nội tâm hóa. Giờ đây, làm hay thậm chí chỉ nghĩ đến việc làm các hoạt động mà chúng thường bị phạt sẽ làm cho đứa trẻ cảm thấy có tội. Ngã lý tưởng gồm các kinh nghiệm nội tâm nhờ đó mà đứa trẻ đã từng được thưởng; và giờ đây làm hay thậm chí chỉ nghĩ đến việc làm các hoạt động mà nó thường được thưởng sẽ khiến đứa trẻ cảm thấy hài lòng với chính mình.
Giống như đối với id. Freud cho rằng superego có các đặc tính tập thành (nghĩa là không phải bẩm sinh); và một lần nữa điều này cho thấy Freud đi theo khuynh hướng của Lamarck. Như ta đã thấy, các vật có liên quan đến việc thỏa mãn nhu cầu, sau nhiều thế kỷ, sẽ trở thành những hình ảnh cho id. Freud cũng tin rằng đạo đức ít là một phần là di truyền do sự tích lũy kinh nghiệm của con người. Ví dụ: ông tin rằng con người hiện đại vẫn còn giữ lại trong nội tâm mặc cảm tội lỗi của một nhóm các anh em thời sơ khai đã giết cha của chúng. Freud tin rằng mặc cảm tội lỗi này và phản ứng của con người đối với nó có thể gặp thấy trong suốt lịch sử loài người. Mặc dù Freud tin rằng superego có các cơ cấu sơ đẳng của thời cổ xưa, ông nhấn mạnh rằng trong sự phát triển của nó có vai trò quan trọng của kinh nghiệm cá nhân với phần thưởng và hình phạt.
Một khi superego đã phát triển, hành vi và tư tưởng của đứa trẻ được điều khiển bởi các giá trị đã được nội tâm hóa, thường là các giá trị của cha mẹ, và người ta nói đứa trẻ được xã hội hóa. Các cảm giác có tội hay tự hào giúp đứa trẻ hành động theo các giá trị của xã hội, cho dù không có sự hiện diện của các hình ảnh uy quyền (nghĩa là của cha mẹ).
CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA TÂM LÝ TÍNH DỤC
Mặc dù Freud coi toàn thân thể là nguồn của khoái lạc tính dục, ông tin rằng khoái lạc này được tập trung ở các phần khác nhau của thân thể vào các thời kỳ phát triển khác nhau. Ở tất cả các khu vực của thân thể mà khoái lạc tính dục tập trung được gọi là vùng kích dục (erogenous zone). Các vùng kích dục xác định cho mỗi giai đoạn phát triển tên gọi riêng của nó. Theo Freud, các kinh nghiệm mà một đứa trẻ có trong mỗi giai đoạn sẽ quyết định phần lớn nhân cách của nó lúc trưởng thành. Vì vậy, Freud nghĩ rằng các nền móng của nhân cách một người trưởng thành đã được hình thành vào lúc đứa trẻ khoảng 5 tuổi.
Giai đoạn miệng
Giai đoạn miệng xảy ra vào năm 1 tuổi, và vùng kích dục là miệng. Khoái lạc đến chủ yếu nhờ môi, lưỡi, và các hoạt động như bú, nhai, và nuốt. Nếu đứa trẻ có một sự thỏa mãn quá nhiều hay quá ít (nghĩa là thất vọng) về các nhu cầu của miệng khiến tạo nên một sự cố định ở giai đoạn phát triển này, thì đến tuổi trưởng thành nó sẽ mang một loại tính cách miệng. Sự cố định xảy ra trong phần đầu của giai đoạn miệng sẽ dẫn đến một tính cách khẩu-nhập. Người thuộc loại tính cách này có khuynh hướng nghe giỏi và mê ăn uống, hôn hít, hay hút thuốc; họ cũng thường có tính lệ thuộc và cả tin. Sự cố định xảy ra trong phần cuối của thời kỳ miệng, khi răng bắt đầu mọc, sẽ dẫn đến một tính cách khoái-khẩu. Người thuộc loại tính cách này thích châm biếm, cay độc và thường hiếu chiến. Họ cũng có khuynh hướng ba phải và dễ thay đổi từ thái cực này sang thái cực khác - ví dụ, từ thân thiện sang thù nghịch và từ hiếu chiến sang thuần thục.
Giai đoạn hậu môn
Giai đoạn hậu môn xảy ra vào năm 2 tuổi, và vùng kích dục là hậu môn và mông. Tình trạng cố định trong thời kỳ này dẫn đến loại tính cách hậu môn. Trong phần đầu của thời kỳ hậu môn, khoái lạc đến chủ yếu từ các hoạt động như đi đại tiện, và sự cố định ở giai đoạn này tạo ra người trưởng thành có tính khí hậu xuất. Người thuộc loại tính khí này thường quảng đại, dễ hoà đồng, hay hoang phí. Ở phần sau của thời kỳ hậu môn, sau khi đã đạt được việc kiểm soát đại tiện, khoái lạc phát sinh từ việc có khả năng nín đại tiện. Sự cố định ở đây dẫn đến tính khí hậu kiềm. Người thuộc loại tính cách này thường là người giỏi sưu tầm và keo kiệt, trật tự, và có lẽ cầu toàn.
Giai đoạn cơ quan sinh dục
Giai đoạn cơ quan sinh dục kéo dài từ khoảng năm 3 tuổi đến cuối năm 5 tuổi, và vùng kích dục là khu vực bộ phận sinh dục. Trong thời kỳ này xảy ra mặc cảm Oedipus: đứa con trai bây giờ rất ước muốn mẹ nó và rất thù nghịch với cha nó là người tranh giành tình yêu của mẹ nó. Vì nguồn khoái cảm của nó đối với mẹ nó là ở dương vật, và vì nó thấy cha nó mạnh hơn nó rất nhiều, nên đứa con trai bắt đầu cảm thấy mối lo âu bị thiến, khiến nó kiềm chế các khuynh hướng tính dục và hiếu chiến của nó. Đứa con trai giải quyết chuyện này bằng cách tự đồng hóa với cha nó. Nhưng các ước muốn bị ức chế này không biến mất; chúng tồn tại như là những mãnh lực trong vô thức và có ảnh hưởng quan trọng trong cuộc đời con người.
Hoàn cảnh của con gái thì rất khác với của con trai. Nó kinh nghiệm một cảm giác được gọi là mặc cảm Electra. (Tuy ban đầu Freud dùng thuật ngữ này trong lý thuyết của ông, nhưng cuối cùng ông loại bỏ nó vì nó có vẻ là một kinh nghiệm đối xứng với mặc cảm Oedipe của con trai, mà ông không cho rằng có sự đối xứng này. Về sau ông dùng thuật ngữ mặc cảm bị thiến để chỉ về tình trạng này của con gái.) Giống như con trai, con gái bắt đầu có một sức thu hút và gắn bó mạnh với mẹ nó. Nhưng nó sớm biết rằng nó không có dương vật và nó đổ lỗi mẹ nó về chuyện này. Giờ đây nó có cả các tình cảm tích cực lẫn tiêu cực về mẹ nó. Đồng thời nó biết rằng cha nó có của quý và nó muốn chia sẻ với ông. Điều này tạo ra một sự thu hút tính dục đối với cha nó, nhưng sự kiện cha nó có vật quý mà nó không có, nên nó cảm nghiệm sự ghen tuông dương vật. Như thế con gái cũng có những tình cảm vừa tích cực vừa tiêu cực về cha nó. Để giải quyết mặc cảm Electra một cách hợp lý, con gái phải kiềm chế tính hiếu chiến của nó đối với mẹ nó và sự thu hút tính dục đối với cha nó. Thế là từ đó nó "trở thành" mẹ và chia sẻ với bố.
Nhu cầu ức chế và đồng hóa mạnh trong giai đoạn này dẫn đến sự phát triển đầy đủ của superego. Khi một đứa trẻ tự đồng hóa mình với cha hay mẹ cùng giới tính với nó, nó đưa một cách vô thức vào trong nội tâm nó các tiêu chuẩn đạo đức và các giá trị của người cha hay mẹ của nó. Sau khi những điều này đã được đưa một cách vô thức vào nội tâm, chúng sẽ chi phối nó suốt đời. Vì lý do này, người ta cho rằng sự hình thành cuối cùng và hoàn toàn cái superego đi song song với việc giải quyết mặc cảm Oedipus hay Electra.
Giai đoạn - Tiềm tàng
Giai đoạn tiềm tàng kéo dài từ khoảng đầu năm 6 tuổi đến tuổi dậy thì. Vì sự kiềm chế mạnh của giai đoạn cơ quan sinh dục, nên trong giai đoạn tiềm tàng, hoạt động tính dục là tất cả nhưng bị loại khỏi ý thức. Đặc tính của giai đoạn này là đứa trẻ có nhiều hoạt động thay thế như học hành và bạn bè và sự tò mò sâu rộng về thế giới.
Giai đoạn tính dục
Giai đoạn tính dục kéo dài từ tuổi dậy thì cho đến hết đời. Với sự xuất hiện của tuổi dậy thì, các ước muốn tính dục trở nên quá mạnh không thể kiềm chế hoàn toàn được, và chúng bắt đầu bộc lộ. Tập trung chú ý lúc này là vào những người khác phái với mình. Các biểu hiện ban đầu của các thèm muốn tính dục là "sự tương tư," "chuyện yêu đương trẻ con", và một ít thử nghiệm giữa các phái. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ trong các giai đoạn trước, giai đoạn này sẽ dẫn đến các cuộc hẹn hò rồi cuối cùng là hôn nhân.
Những sự thỏa mãn quá nhiều hay quá ít và những sự cố định mà một người cảm nghiệm (hay không cảm nghiệm) trong các giai đoạn tính dục sẽ quyết định tính cách trưởng thành của một người. Nếu một người có các vấn đề điều chỉnh trong đời sống sau này, nhà tâm phân học sẽ xem xét các kinh nghiệm thời thơ ấu của người ấy để tìm ra giải pháp. Đối với nhà tâm phân học, kinh nghiệm thời thơ ấu là chất liệu từ đó phát sinh các rối loạn thần kinh hay nhân cách bình thường. Thực vậy, các nhà tâm phân học tin rằng "Đứa trẻ là cha của người lớn" (Freud, 1940, tr. 64).
Created by AM Word2CHM
ĐÁNH GIÁ HỌC THUYẾT CỦA FREUD
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 16. TÂM PHÂN HỌC
Không ai ngạc nhiên khi một lý thuyết quá sâu rộng như học thuyết của Freud, đụng chạm tới quá nhiều khía cạnh của hiện hữu con người, phải đón nhận những phê bình gay gắt về rất nhiều phương diện.
Ở chương 1, chúng ta đã thấy Karl Popper nói học thuyết của Freud là không khoa học bởi vì nó vi phạm nguyên tắc có thể chứng minh sai. Theo Popper, một lý thuyết muốn được kể là khoa học, nó phải xác định được các quan sát mà nếu thực hiện sẽ bác bỏ lý thuyết ấy. Nếu không xác định được các quan sát ấy, lý thuyết ấy không khoa học. Popper cho rằng vì học thuyết của Freud có thể cắt nghĩa bất cứ điều gì mà một người làm, nên không điều gì một người có thể làm sẽ đi ngược lại điều mà lý thuyết ấy tiên đoán. Ví dụ, theo học thuyết của Freud, một chùm kinh nghiệm của tuổi thơ sẽ làm cho một người trưởng thành cảnh giác và hoài nghi về các quan hệ tình dục khác phái. Ngược lại, chúng ta thấy một người trưởng thành từng có các kinh nghiệm ấy lại tìm kiếm và có vẻ vui thích với các quan hệ ấy. Một phê bình nữa là các nhà tâm phân học chỉ đi vào việc hậu đoán chứ không phải tiên đoán. Nghĩa là họ cố gắng cắt nghĩa các sự kiện sau khi chúng đã xảy ra chứ không phải tiên đoán trước khi các sự việc xảy ra. Đương nhiên đoán sau thì dễ hơn là đoán trước.
Các đóng góp
Bất chấp các phê bình, nhiều người tin rằng Freud đã có các đóng góp thực sự phi thường cho tâm lý học
Học thuyết của Freud đã có ảnh hưởng rất lớn, nhưng phần lớn lý thuyết này đã không vượt qua được các phê bình nghiêm túc; trong thực tế, phần lớn lý thuyết của ông không thể chứng minh được. Vậy tại sao học thuyết của Freud thường được gọi là một điểm mốc trong lịch sử loài người? Câu trả lời có lẽ là vì phương pháp khoa học không phải là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá một lý thuyết. Cơ cấu luận, chẳng hạn, rất khoa học, đòi hỏi các thí nghiệm có kiểm soát và hệ thống để trắc nghiệm các giả thuyết của nó. Thế nhưng thuyết cơ cấu đã biến mất trong khi tâm phân học vẫn còn.
Ngoài các phương tiện để đánh giá các lý thuyết, chúng ta còn phải thêm vào trực giác. Một lý thuyết có ý nghĩa cá nhân có thể tồn tại lâu hơn là một lý thuyết phát triển và được trắc nghiệm trong lãnh vực khoa học. Sự tàn lụi của thuyết cơ cấu và sự tồn tại của tâm phân học là một điển hình.
Hầu như ngay từ ban đầu, kiểu lý thuyết tâm phân học của Freud đã có các nhà phê bình, và một số người lúc đầu đi theo Freud và tâm phân học đã quay sang triển khai các lý thuyết riêng của họ về nhân cách. Chúng ta chỉ xét đến ở đây ba người như thế: Carl Jung, Alfred Adler, và Haren Horney.
CÁC KIỂU TÂM PHÂN HỌC KHÁC VỚI FREUD
Carl Jung
Carl Jung (1875-1961) sinh tại làng Kesswyl, Thụy Sĩ. Ông học y khoa tại Basel từ 1895 đến 1901 rồi sau đó làm bác sĩ thường trú dưới sự hướng dẫn của Eugen Bleuler (người đặt ra tên gọi schizophrenia, bệnh tâm thần phân liệt). Mùa đông 1902- 1903 Jung theo học với Janet. Theo lời giới thiệu của Bleuler, Jung áp dụng loại trắc nghiệm liên tưởng cho các bệnh nhân tâm thần với hi vọng khám phá các quy trình tư tưởng vô thức của họ. Nghiên cứu này khá thành công và tạo tên tuổi rất sớm cho Jung. Lần đầu tiên Jung biết đến học thuyết của Freud khi ông đọc Giải Thích Giấc Mơ. Khi Jung thử các ý tưởng của Freud vào công việc điều trị của ông, ông thấy chúng hiệu quả. Ông và Freud bắt đầu qua lại thư từ, và họ đã gặp nhau tại nhà riêng của Freud ở Vienna. Cuộc sơ ngộ của họ kéo dài 13 giờ, và hai người đã trở thành bạn thân của nhau.
Khi G. Stanley Hall mời Freud cho một loại bài thuyết trình tại đại học Clark năm 1909, Jung cùng Freud đến Mỹ và cũng có một ít bài thuyết trình riêng của ông. Khoảng thời gian này, Jung bắt đầu hoài nghi về sự nhấn mạnh của Freud về động cơ tính dục. Các hoài nghi này trở nên sâu đậm khiến từ năm 1912 hai người ngưng thư từ cho nhau, và năm 1914 họ cắt đứt quan hệ - cho dù trước đó Freud đã đề cử Jung làm chủ tịch đầu tiên của Hiệp Hội Tâm Phân Học Thế Giới. Cuộc đoạn tuyệt này đặc biệt làm Jung ray rứt, và ông phải sống qua ba năm mà ông gọi là "những năm đen tối; trong thời kỳ này ông quá buồn đến nỗi không đọc nổi một cuốn sách khoa học nào. Trong thời kỳ này, ông phân tích các tư tưởng thâm sâu nhất của mình, và đã phát triển lý thuyết riêng biệt của ông về nhân cách, khác biệt rõ rệt với lý thuyết của Freud. Jung tiếp tục triển khai lý thuyết của mình cho tới khi ông mất năm 1961.
Libido
Nguồn phát sinh khó khăn giữa Freud và Jung là bản chất của libido. Khi còn làm việc với Jung, Freud định nghĩa libido là bản năng tình dục, hay dục lực, được ông coi là động lực chính của nhân cách. Như thế theo Freud, phần lớn hành vi con người được thúc đẩy bởi tình dục. Jung không đồng ý và cho rằng libido là một sinh lực sáng tạo có thể áp dụng cho quá trình tăng trưởng tâm lý liên tục của một người. Theo Jung, năng lực libido được dùng đến trong rất nhiều nỗ lực của con người vượt lên trên những thúc đẩy tính dục, và nó có thể áp dụng cho sự thỏa mãn các nhu cầu sinh học lẫn triết học và thiêng liêng. Thực vậy, khi người ta đã thỏa mãn khá nhiều loại nhu cầu thứ nhất, họ có thể dùng nhiều tâm lực hơn để xử lý loại nhu cầu thứ hai. Nói tóm, động lực tình dục đối với Jung ít quan trọng hơn rất nhiều so với Freud.
Ngã
Khái niệm của Jung về ngã giống như của Freud. Ngã là cơ chế tương tác với môi trường bên ngoài. Nó là tất cả những gì được chúng ta ý thức và có liên quan với suy nghĩ, giải quyết vấn đề, nhớ, và tri giác.
Vô thức cá nhân
Kết hợp các ý niệm của Freud về dự thức (preconscious) và vô thức, vô thức cá nhân của Jung gồm các kinh nghiệm đã bị kiềm chế hay chỉ bị quên - các chất liệu trong cuộc sống mà vì một lý do nào đó không xuất hiện trong ý thức. Một số chất liệu này có thể tìm ra được, số khác không thể.
Vô thức tập thể và các nguyên mẫu
Vô thức tập thể là ý niệm bí ẩn và gây tranh cãi nhất của Jung và là ý niệm quan trọng nhất của ông. Theo ông, nó là thành phần sâu nhất và mạnh nhất của nhân cách, vì nó phản ánh các kinh nghiệm tích luỹ của nhân loại trong tất cả quá khứ của họ.
Vô thức tập thể ghi giữ lại các kinh nghiệm chung mà loài người đã có qua các thời đại. Các kinh nghiệm chung này được ghi giữ và truyền lại như là những đức tính để phản ứng trên bình diện cảm xúc một số phạm trù kinh nghiệm. Theo Jung, mỗi đức tính di truyền chứa đựng trong vô thức tập thể là một nguyên mẫu (archetype).
Theo Jung, tinh thần bẩm sinh không phải là một "tờ giấy trắng" nhưng chứa một cấu trúc đã phát triển theo kiểu Lamarck. Nghĩa là, các kinh nghiệm của các thế hệ trước được truyền sang cho các thế hệ mới. Các nguyên mẫu có thể được coi như là các hình ảnh đặc loại mà các sự kiện trong đời sống của một người tương tác với chúng. Chúng không chỉ ghi lại các kinh nghiệm tri giác nhưng cũng ghi nhận cả các cảm xúc gắn liền với các kinh nghiệm tri giác ấy. Thực vậy, Jung nghĩ rằng yếu tố cảm xúc của các nguyên mẫu là tính chất quan trọng nhất của chúng. Khi một kinh nghiệm "truyền thông với" hay được "đồng hóa với" một nguyên mẫu, cảm xúc được khơi dậy theo kiểu đặc trưng của phản ứng cảm xúc mà người ta đã có với kiểu kinh nghiệm ấy qua các thời đại trong quá khứ. Ví dụ, một đứa trẻ được sinh ra với một khái niệm đặc loại về người mẹ, khái niệm này vốn là kết quả các kinh nghiệm đã tích luỹ từ các thế hệ trước và đứa trẻ có khuynh hướng dọi phóng vào người mẹ thật của nó những thuộc tính của hình ảnh người mẹ đặc loại. Nguyên mẫu này sẽ ảnh hưởng không chỉ đến việc đứa trẻ sẽ nhìn mẹ của nó như thế nào, mà còn cả cách đứa trẻ phản ứng với bà trên phương diện cảm xúc. Vì vậy theo Jung, các nguyên mẫu cung cấp cho mỗi người một khung kinh nghiệm tri giác và cảm xúc. Chúng tạo một trạng thái sẵn sàng để người ta nhìn sự vật theo một kiểu nhất định, có những kinh nghiệm cảm xúc nhất định, và có những loại hành vi nhất định.
Tuy Jung nhìn nhận có rất nhiều nguyên mẫu, ông đã triển khai đầy đủ nhất các nguyên mẫu sau đây. Nhân vị làm cho người ta chỉ bộc lộ công khai một phần của nhân cách mình cho người khác. Nó là một mặt nạ theo nghĩa là các khía cạnh quan trọng nhất của nhân cách được giấu kín đằng sau nó. Nữ hồn (anima) cung cấp yếu tố nữ cho nhân cách nam và là cái khung để đàn ông có thể tương tác với đàn bà. Nam hồn (animus) cung cấp yếu tố nam và là cái khung để đàn bà có thể tương tác với đàn ông. Bóng là nguyên mẫu chúng ta thừa hưởng từ các tổ tiên tiền loài người của chúng ta, cung cấp cho chúng ta khuynh hướng phi đạo đức và gây hấn. Chúng ta dọi phóng khía cạnh này của nhân cách chúng ta vào thế giới một cách biểu tượng như là ma quỷ, quái vật và các thần ác. Ngã làm cho người ta tìm cách tổng hợp mọi yếu tố của nhân cách họ. Nó biểu thị nhu cầu của con người về sự thống nhất và toàn vẹn của cả nhân cách. Mục tiêu của cuộc đời trước hết là khám phá và hiểu biết các phần của nhân cách rồi tổng hợp chúng thành một sự thống nhất hài hoà. Jung gọi sự thống nhất này là sự tự thể hiện mình.
Các thái độ
Jung mô tả hai khuynh hướng, hay hai thái độ người ta có đối với thế giới. Một thái độ ông gọi là hướng nội, một thái độ là hướng ngoại. Tuy Jung tin rằng mọi người đều có cả hai thái độ này, nhưng thông thường mỗi người thường thiên về một thái độ này hơn là về thái độ kia. Người hướng nội thì thâm trầm, nhiều tưởng tượng, và quan tâm đến các ý tưởng nhiều hơn là các tương tác với người khác. Người hướng ngoại thì cởi mở và dễ kết bạn.
Tuy đa số có khuynh hướng thiên về hướng nội hoặc hướng ngoại, nhưng Jung tin rằng cá tính mạnh và trưởng thành phản ánh cân bằng cả hai thái độ.
Tính Nhân quả, Cứu cánh, và Đẳng thời
Như Freud, Jung là người theo tất định luận, nhưng ông không giới hạn loại tất định của ông vào kinh nghiệm quá khứ. Jung tin rằng muốn hiểu một người thì phải hiểu các kinh nghiệm quá khứ của người ấy, gồm cả những kinh nghiệm được giữ lại trong vô thức tập thể, và các mục tiêu tương lai của người ấy. Như vậy, khác với học thuyết của Freud, học thuyết của Jung có tính cứu cánh (có mục đích). Theo Jung, người ta vừa được thúc đẩy bởi quá khứ, vừa được lôi kéo bởi tương lai.
Theo Jung, một yếu tố quyết định quan trọng nữa của tính cách là tính đẳng thời, nghĩa là sự trùng hợp có ý nghĩa. Tính đẳng thời chỉ về các sự kiện tình cờ trong cuộc đời một người làm thay đổi dòng đời của người ấy. Ví dụ một quyết định vào phút chót đi dự buổi khiêu vũ mà vào dịp ấy người ta gặp được một người sẽ là bạn đời của họ, hay một quyết định đi uống cà phê ở một quán nước dẫn đến cuộc gặp gỡ với một người đề nghị cho mình một việc làm hấp dẫn.
Các giấc mơ
Các giấc mơ cũng quan trọng đối với Jung, nhưng ông cắt nghĩa giấc mơ rất khác với Freud. Theo Freud, các kinh nghiệm chấn động bị kiềm chế thường tự bộc lộ trong các giấc mơ vì khi ngủ, cơ chế tự vệ của một người giảm đi. Trong tình trạng thức, các kinh nghiệm này được tích cực giữ lại trong vô thức vì nếu đưa nó ra ý thức, nó sẽ tạo ra sự âu lo nặng nề. Jung tin rằng mọi người đều có cùng một vô thức tập thể nhưng mỗi cá nhân khác nhau về khả năng nhận ra và bộc lộ các nguyên mẫu khác nhau. Theo Jung, các giấc mơ là phương tiện để bộc lộ các khía cạnh của tâm lý chưa phát triển đầy đủ. Ví dụ, nếu một ngươi không làm lộ ra được các bóng tối trong vô thức, họ sẽ thường có các cơn ác mộng trong đó có nhiều quái vật khác nhau. Vì vậy các giấc mơ có thể được dùng để xác định các khía cạnh nào được đưa ra ý thức và khía cạnh nào không.
Các phê bình và cống hiến
Lý thuyết của Jung bị phê bình là theo thuyết huyền bí, linh thiêng, thần bí, và tôn giáo. Nhiều người cho Jung là không khoa học và thậm chí phản khoa học vì ông dùng các thứ như thể các biểu tượng trong nghệ thuật, tôn giáo, và trí tưởng tượng của con người để triển khai và chứng minh lý thuyết của ông. Ý niệm về nguyên mẫu của Jung bị chỉ trích là mang sắc thái siêu hình và không thể chứng minh được. Một số còn cho rằng lý thuyết của Jung nói chung là mơ hồ, khó hiểu, không nhất quán, và đôi chỗ mâu thuẫn. Sau cùng, Jung bị phê bình là sử dụng khái niệm của Lamarck về sự di truyền các đặc tính đã học được.
Tuy có những phê bình đó, lý thuyết của Jung vẫn được ưa chuộng trong tâm lý học. Jung đã có những đồ đệ uy tín khắp thế giới, và một số thành phố lớn có các viện Jung nghiên cứu và phổ biến các ý tưởng của ông. Các ý niệm của Jung về tính hướng nội và hướng ngoại đã kích thích nhiều cuộc nghiên cứu và là một mục trong một số trắc nghiệm về tính cách - ví dụ trong Bảng Liệt Kê Nhân Cách Đa Giai Đoạn của Minnesota. Hơn nữa, Jung còn là người đưa vào tâm lý học hiện đại ý niệm của Aristotle về sự tự thể hiện mình. Một số lý thuyết theo hướng nhân văn và hiện sinh ngày nay (ví dụ các thuyết của Rogers và Maslow) nhấn mạnh quá trình tự thể hiện. Hall và Lindzey so sánh các cống hiến của Jung với của Freud như sau:
Sau khi đã xét mọi khía cạnh, thuyết của Jung về tính cách như được triển khai trong các tác phẩm rất dồi dào của ông, và được ứng dụng vào một phạm vi rộng lớn các hiện tượng con người, là một trong những thành tựu sáng chói nhất trong tư tưởng hiện đại. Tính độc đáo và bạo dạn của lối suy nghĩ của Jung ít có ai sánh bằng trong lịch sử khoa học thời gần đây, và không ai ngoại trừ Freud đã mở ra nhiều cửa sổ ý niệm để nhìn vào cái mà Jung gọi là linh hồn của con người." (1978, p. 149).
Alfred Adler
Alfred Adler (1870-1937) sinh ngày 17 tháng 1 tại một ngoại ô thành phố Vienna và còn nhớ tuổi thơ của ông là cả những tháng ngày khốn khổ. Ông là một đứa bé ốm yếu luôn nghĩ mình lùn tịt và xấu xí. Ông cũng có sự ganh tỵ với anh trai ông. Tất cả những hồi ức này có thể đã ảnh hưởng đến kiểu lý thuyết mà ông đã triển khai về nhân cách.
Như Jung, Adler biết về tâm phân học của Freud nhờ đọc cuốn Giải Thích Các Giấc Mơ. Adler viết một bài bênh vực lý thuyết của Freud và được Freud mời gia nhập Hội Tâm Phân Học Vienna, rồi trở thành chủ tịch của hội năm 1910. Nhưng các khác biệt giữa Adler và Freud bắt đầu xuất hiện, và năm 1911 những khác biệt ấy trở nên trầm trọng đến nỗi Adler phải từ chức chủ tịch Hội Tâm Phân Học Vienna. Sau chín năm gắn bó với Freud, tình bạn nay đã đổ vỡ và hai người không bao giờ nhìn mặt nhau. Freud tố cáo Adler là nổi tiếng nhờ việc làm biến chất tâm phân học thành thứ lương tri của giới nghiệp dư. Về Adler, Freud nói, "Tôi đã biến một người lùn thành người khổng lồ". Lịch sử cho thấy giữa hai người không bao giờ có nhiều điểm chung, và rất có thể là Adler đã sai lầm khi gia nhập trường phái Freud.
Năm 1926 Adler sang thăm Hoa Kỳ và được đón tiếp nồng hậu. Năm 1935, một phần vì mối đe doạ của Đức Quốc Xã ở châu Âu, ông sang định cư ở Hoa Kỳ. Ông mất năm 1937 trong chuyến đi diễn thuyết ở Aberdeen, Tô Cách Lan.
Yếu kém của các cơ quan thuộc thân thể và sự bù trừ
Giống như Freud, Adler được đào tạo theo truyền thống y học thực chứng-duy vật; nghĩa là coi mọi sự rối loạn thể vật lý hay tâm thần đều có nguồn gốc sinh lý. Adler năm 1907 trình bày quan niệm rằng người ta đặc biệt nhạy cảm với bệnh tật ở các cơ quan "yếu kém" hơn ở các cơ quan khác. Ví dụ, một số người bẩm sinh mắt kém, người khác bẩm sinh yếu tim, người khác nữa yếu các chi, v. v... Vì sự căng thẳng của môi trường đè nặng trên các bộ phận yếu này của cơ thể, người ấy sẽ có những sự yếu đuối khiến chức năng bình thường bị kiềm chế lại.
Một cách để điều chỉnh một sự yếu kém là sự bù trừ. Nghĩa là đương sự có thể điều chỉnh một sự yếu kém ở một phần của cơ thể họ bằng cách phát triển sức mạnh ở những phần khác. Ví dụ, một người mù có thể phát triển đặc biệt các năng khiếu thính giác. Một cách điều chỉnh khác là sự bù trừ quá mức, nghĩa là hoán chuyển sự yếu kém thành một sức mạnh. Các ví dụ điển hình là các trường hợp của Teddy Roosevelt, vốn là một đứa trẻ ốm yếu nhưng đã trở thành một nhà thể thao ngoài trời giãi nắng dầm mưa, và Demosthenes, một người vốn có tật nói lắp, nhưng đã trở thành một nhà hùng biện lớn. Khi Adler giới thiệu quan niệm này, ông là một bác sĩ, và các nhận xét của ông rõ ràng phù hợp với nền y khoa thực chứng-duy vật của thời ấy.
Các Cảm quan của sự yếu kém
Năm 1910 Adler bước vào lãnh vực tâm lý học khi ông nhận thấy sự bù trừ và bù trừ quá mức có thể nhắm tới các khiếm khuyết tâm lý cũng như thể lý. Adler nhận thấy rằng mọi người đều bắt đầu cuộc đời hoàn toàn lệ thuộc vào người khác để sống còn, vì thế mọi người đều có các cảm quan của sự yếu kém. Các cảm quan như thế thúc đẩy người ta, ban đầu là ở tuổi trẻ con, rồi tới tuổi trưởng thành, tìm kiếm quyền lực để khắc phục các cảm quan ấy. Ở giai đoạn bắt đầu lý thuyết của ông, Adler nhấn mạnh việc đạt tới quyền lực như phương tiện để khắc phục các cảm quan của sự yếu kém; về sau, ông gợi ý rằng người ta cố gắng đạt tới sự hoàn thiện hay sự trổi vượt để khắc phục các mặc cảm ấy.
Mặc dù các cảm giác yếu kém là động cơ thúc đẩy mọi sự phát triển cá nhân và vì thế đều là tốt, chúng cũng có thể làm suy yếu thay vì kích thích một số người. Đó là những người quá bức xúc vì các cảm giác ấy khiến họ làm được rất ít hay không làm được gì, và người ta nói những người này có mặc cảm tự ti. Như thế, các cảm quan của sự yếu kém có thể tác động như một kích thích để phát triển, hay cũng có thể tác động như một lực tiêu cực làm suy yếu tùy theo thái độ của mỗi người đối với chúng.
Lối sống
Phương tiện mà một người chọn để đạt sự trổi vượt thì được gọi là một lối sống. Đại khái lối sống cũng giống như nhân cách của một người. Người ta biết về một người dựa vào lối sống của người ấy; nó là chủ đề thấm nhuần tất cả đời sống của người ấy. Người ta chọn một lối sống từ những gì có trong môi trường. Tùy theo những gì có trong môi trường, lối sống của một người có thể thuộc loại xã hội, thể thao, trí thức, hay nghệ thuật, v. v...
Để thực sự hiệu quả, một lối sống phải chứa khá nhiều sự quan tâm xã hội. Nghĩa là một phần mục tiêu của lối sống phải là làm việc để hướng tới một xã hội cống hiến một đời sống tốt đẹp hơn cho mọi người. Adler gọi một lối sống mà không có sự quan tâm xã hội thỏa đáng là một lối sống sai lầm.
Ngã sáng tạo
Adler rời xa tận gốc rễ các lý thuyết của Freud và Jung bằng cách nói rằng con người không phải nạn nhân của môi trường của họ hay bởi sự di truyền sinh vật học. Mặc dù môi trường và sự di truyền cung cấp nguyên vật liệu của nhân cách, con người có tự do sắp xếp các vật liệu theo bất kỳ kiểu nào. Ví dụ, các cảm quan về sự yếu kém giúp tăng trưởng hay làm suy yếu một người là tùy thái độ cá nhân của người ấy. Nếu một người coi đời sống là vô nghĩa, thì họ sẽ tự do tạo ra ý nghĩa và rồi hành động như thể nó là đúng. Với ý niệm về ngã sáng tạo, Adler đi theo niềm tin hiện sinh cho rằng con người có tự do chọn số phận của chính mình.
Như thế, mặc dù Adler là một thành viên thân cận của nhóm người theo Freud lúc ban đầu, lý thuyết mà ông khai triển có rất ít điểm chung với lý thuyết của Freud. Khác với lý thuyết của Freud, lý thuyết của Adler nhấn mạnh đến tinh thần ý thức, xã hội, và ý chí tự do, hơn là các động cơ tính dục. Rất nhiều tư tưởng của Adler sẽ xuất hiện sau này trong các lý thuyết của Gordon Allport, George Kelly, Carl Rogers, và Abraham Maslow. Tất cả các lý thuyết này đều có chung chủ đề hiện sinh, sẽ là đề tài của chương sau.
Karen Horney
Karen Horney (1885-1952) sinh ngày 16 tháng 9 tại một làng nhỏ gần Hamburg, Đức. Cha bà là một thuyền trưởng Na Uy và mẹ bà xuất thân từ một gia đình nổi tiếng người Đức gốc Hà Lan. Cha Karen là một người theo giáo phái cực đoan tin rằng đàn bà có địa vị thấp hơn đàn ông và là nguồn gốc của sự xấu trên thế giới. Karen có những xung đột tình cảm với cha mình. Bà không thích ông vì những lời nhục mạ ông thốt ra về thân hình và trí thông minh của bà. Bà thích ông vì ông tăng thêm tính mạo hiểm cho đời sống bà bằng cách cho bà đi theo ông trong ba chuyến hải hành lâu dài.
Karen quyết định trở thành một bác sĩ. Quyết định của bà được mẹ ủng hộ nhưng bị cha chống đối. Năm 1906, ở tuổi 21, Karen vào trường y khoa tại Freiberg, Đức. Tháng 10 năm 1909, bà lấy Oskar là một luật sư và bà sinh được ba người con. Horney tốt nghiệp y khoa năm 1913 tại Đại học Berlin và từng là sinh viên xuất sắc tại đây. Sau đó bà được đào tạo về tâm phân học tại Viện Tâm Phân Học Berlin, tại đây chính bà được tâm phân lúc đầu bởi Karl Abraham và sau bởi Hans Sachs, cả hai đều là các nhà tâm phân học xuất sắc của trường phái Freud thời bấy giờ. Năm 1918, ở tuổi 33, bà trở thành một bác sĩ tâm phân học; từ đó cho tới năm 1932, bà dạy ở Viện Tâm Phân Học Berlin, ngoài việc hành nghề tư nhân.
Năm 1923 cuộc hôn nhân của hai vợ chồng Horney bắt đầu rạn nứt, và khoảng cùng thời kỳ này, anh của Horney chết vì viêm phổi. Các sự kiện này cùng với các sự kiện khác nữa đã khiến Horney rơi vào tình trạng trầm cảm và trong một dịp đi nghỉ của gia đình, suýt nữa bà đã tự vẫn. Cuộc hôn nhân của bà ngày càng khó khăn, và năm 1926 Horney và ba con gái của bà chuyển đến sống tại một căn hộ. Nhưng đến 1936 hai vợ chồng mới chính thức nộp đơn ly hôn, và cuộc ly hôn có hiệu lực năm 1939 (năm Freud qua đời).
Năm 1932 Horney chấp nhận lời mời của nhà tâm phân học nổi tiếng Franz Alexander đến Hoa kỳ để làm một phụ tá giám đốc của Viện Tâm Phân Học Chicago. Hai năm sau, bà chuyển đến New York để đào tạo các nhà tâm phân học tại Viện Tâm Phân Học New York và mở phòng điều trị riêng. Chính trong thời kỳ này các bất đồng quan điểm của bà với quan điểm của trường phái Freud truyền thống trở nên hiển nhiên. Năm 1941 bà từ chức ở Viện Tâm Phân Học New York và ít thời gian sau bà sáng lập tổ chức riêng của bà gọi là Viện Tâm Phân Học Hoa Kỳ và tại đây bà tiếp tục triển khai các ý tưởng của bà cho tới khi qua đời năm 1952.
Bất đồng với thuyết của Freud
Horney cho rằng các ý niệm của Freud như động cơ tính dục vô thức, mặc cảm Oedipus, và sự phân chia tinh thần thành id, ego, và superego có thể từng thích hợp với môi trường văn hóa của Freud và vào thời của ông trong lịch sử, nhưng chúng không liên quan bao nhiêu tới các vấn đề mà dân chúng cảm nghiệm trong thời kỳ suy thoái tại Hoa Kỳ. Bà thấy rằng các vấn đề mà các khách hàng của bà phải đối diện là nạn thất nghiệp, và người dân không có đủ tiền để thuê nhà, mua lương thực, hay chăm lo sức khỏe cho gia đình. Bà hiếm khi thấy các xung đột tính dục là nguyên nhân của vấn đề mà khách hàng của bà gặp phải. Horney đi đến kết luận rằng cái mà một người cảm nghiệm trong lãnh vực xã hội mới chính là cái quyết định một người có hay không có vấn đề tâm lý, chứ không phải sự xung đột nội tâm (giữa id, ego, và superego) như Freud đã mô tả. Theo Horney, phải đi tìm các nguyên nhân của bệnh tâm thần nơi xã hội và các mối tương tác xã hội, vì vậy đó chính là các nhân tố phải được đề cập tới trong quá trình điều trị.
Sự thù nghịch cơ bản và lo âu cơ bản
Horney (1937) triển khai quan điểm của bà cho rằng các vấn đề tâm lý phát sinh từ sự rối loạn các mối quan hệ của con người, và trong số các mối quan hệ này thì quan hệ giữa cha mẹ và con cái là quan trọng nhất. Bà cho rằng mọi đứa trẻ đều có hai nhu cầu cơ bản: được bảo vệ khỏi đau khổ, nguy hiểm, sợ hãi, và được thỏa mãn các nhu cầu sinh vật. Có hai khả năng: Các cha mẹ có thể một cách nhất quán và yêu mến thỏa mãn các nhu cầu của đứa trẻ, hay các cha mẹ có thể tỏ ra dửng dưng, bất nhất, thậm chí thù ghét đứa con. Nếu là trường hợp thứ nhất, đứa trẻ đang đi trên con đường bảo đảm để trở thành một người lớn bình thường, mạnh khỏe. Nếu là trường hợp thứ hai, đứa trẻ kinh nghiệm sự xấu cơ bản và dễ dàng đi đến chỗ rối loạn tâm thần.
Đứa trẻ nào kinh nghiệm một dạng sự xấu cơ bản nào đó sẽ phát triển sự thù nghịch cơ bản đối với cha mẹ. Bởi vì quan hệ cha mẹ - con cái là quá cơ bản cho một đứa trẻ, sự thù nghịch mà nó cảm thấy sẽ phát triển thành một thế giới quan. Nghĩa là thế giới bị quan niệm như là nơi nguy hiểm, không thể lường trước. Tuy nhiên, vì đứa trẻ không ở trong tư thế tấn công cha mẹ hay thế giới, sự thù nghịch cơ bản nơi nó phải bị ức chế. Và khi sự thù nghịch cơ bản bị ức chế, nó trở thành sự lo âu cơ bản. Lo âu cơ bản là "cảm quan lan tỏa thấy mình cô độc và bất lực trong một thế giới thù nghịch" (Horney, 1937, tr. 89), và nó dẫn đến sự phát triển rối loạn tâm thần.
Các kiểu điều chỉnh sự lo âu cơ bản
Cảm thấy cô độc và bất lực trong một thế giới thù nghịch, người cảm nghiệm sự lo âu cơ bản phải tìm ra một cách để đối phó với các cảm quan ấy và thế giới ấy. Horney mô tả ba mẫu điều chỉnh chính có thể có cho những người rối loạn tâm thần, nghĩa là những người có sự lo âu cơ bản.
Một mẫu điều chỉnh là đến với người khác, trở thành mẫu người dễ tính. Mẫu người dễ tính có vẻ muốn nói, "Nếu tôi chiều theo, tôi sẽ không bị thiệt hại":
Tóm lại, mẫu người này cần được người ta thích, muốn, ao ước yêu mến; cảm thấy mình được chấp nhận, đón tiếp, tán thành, đánh giá cao; cảm thấy mình cần cho người ta, quan trọng đối với người khác, cách riêng đối với một người đặc biệt nào đó; cần được giúp đỡ, bảo vệ, chăm sóc, hướng dẫn. (Horney, 1945).
Mẫu điều chỉnh thứ hai là đi ngược với người khác, trở thành mẫu người thù nghịch. Mẫu người thù nghịch có vẻ muốn nói, "Nếu tôi có quyền, không ai có thể làm hại tôi""
Mọi hoàn cảnh hay mối quan hệ được nhìn từ quan điểm "Tôi có thể có lợi gì trong đó? - về tiền bạc, uy tín, giao tiếp, hay ý tưởng. Bản thân người ấy tin một cách ý thức hay vô thức rằng ai cũng hành động như thế, và vì vậy cái quan trọng là hành động hiệu quả hơn mọi người khác. Mẫu điều chỉnh thứ ba là tránh xa người khác, trở thành mẫu người tránh né. Mẫu người tránh né có vẻ muốn nói, "Nếu tôi tránh đi, không gì có thể hại được tôi".
Điều quan trọng là nhu cầu nội tâm của họ muốn có một khoảng cách cảm xúc giữa họ và người khác. Chính xác hơn, đó là quyết định ý thức và vô thức của họ không muốn dính líu về cảm xúc với người khác về bất cứ phương diện nào, dù là trong tình yêu, tranh đấu, hợp tác hay ganh đua. Họ vẽ ra quanh họ một thứ vòng tròn huyền bí mà không ai có thể xâm nhập.
Horney cho rằng những người tâm lý lành mạnh thường sử dụng cả ba mẫu điều chỉnh nói trên tùy theo hoàn cảnh đòi hỏi. Còn những người rối loạn tâm thần chỉ dùng một mẫu điều chỉnh và dùng nó để xử lý mọi hoàn cảnh của đời mình.
Tâm lý phụ nữ
Homey bất đồng sâu sắc với quan điểm của Freud rằng giải phẫu học là định mệnh - nghĩa là quan điểm cho rằng các đặc điểm chính của tính cách được quyết định bởi giới tính. Hơn nữa, theo bà, các đặc điểm của tính cách được quyết định bởi các yếu tố văn hóa hơn là sinh vật. Ngay từ năm 1923, Homey đã bắt đầu viết các bài về sự kiện văn hóa ảnh hưởng như thế nào đối với sự phát triển tính cách nữ, và bà tiếp tục viết cho tới 1937. Các bài báo này đã được sưu tập thành tác phẩm Tâm Lý Phụ Nữ (1923-1937).
Horney đồng ý với Freud rằng đàn bà thường cảm thấy thua kém đàn ông, nhưng cảm quan này chẳng liên quan gì tới sự ghen tị dương vật. Theo Horney, đàn bà thực ra thua kém đàn ông, nhưng là thua kém về phương diện văn hóa, không phải sinh vật. Khi đàn bà tỏ ra muốn là đàn ông, thực ra là họ muốn sự bình đằng về văn hóa. Vì văn hóa là sản phẩm của đàn ông, nên một cách để có quyền về văn hóa cũng là trở thành đàn ông: "Tất cả nền văn minh của chúng ta là một nền văn minh nam tính. Nhà nước, luật pháp, đạo đức, tôn giáo, và khoa học đều là sản phẩm của đàn ông".
Khi Horney bắt đầu điều trị cho các bệnh nhân nam, bà khám phá ra rằng, nếu có sự ghen tị, thì đàn ông ghen tị với đàn bà về phương diện sinh vật hơn là ngược lại.
Nói tóm, Freud thấy đàn bà quá ư bí ẩn, và cuối cùng ông đã bỏ cuộc trong việc tìm hiểu phụ nữ. Có lẽ vì lý do này, tâm phân học luôn luôn có vẻ như hiểu biết đàn ông hơn là hiểu biết đàn bà, và nhìn về đàn ông một cách tích cực hơn là nhìn về đàn bà.
Homey đồng ý với Freud về tầm quan trọng của các kinh nghiệm thời thơ ấu và động lực vô thức, nhưng bà không đồng ý với Freud về việc Freud nhấn mạnh động cơ sinh vật, ngược lại bà nhấn mạnh động cơ văn hóa. Về phương pháp điều trị, bà sử dụng liên tưởng tự do và phân tích giấc mơ, và bà tin rằng sự chuyển dời đối tượng và sự kháng cự cung cấp những thông tin quan trọng. Bà lạc quan hơn Freud rất nhiều về việc người ta có khả năng thay đổi tính cách của họ, và khác với Freud, bà tin rằng người ta có thể giải quyết nhiều vấn đề của chính họ.
Kết luận, chúng ta có thể nói Horney chịu ảnh hưởng mạnh bởi lý thuyết của Freud, và bà chấp nhận rất nhiều điểm của lý thuyết ấy. Tuy nhiên, bà bất đồng ý kiến với hầu hết các kết luận của Freud về phụ nữ, và vào thời của bà, bất đồng với Freud đòi hỏi một người phải vô cùng can đảm.
Một trong những công lao to lớn của Freud là ông đã ảnh hưởng đến một số nhà tâm lý học nổi tiếng. Ngoài Adler, Jung, và Horney, chúng ta có thể kể đến các lý thuyết gia khác chịu ảnh hưởng Freud như Melanie Klein (1882-1960), Harry Stack Sullivan (1892-1948), Erich Fromm (1900-1980), và Erik Erikson (sinh 1902), đó là mới chỉ kể ra một số ít. Vì lý thuyết của Freud là một cố gắng đầu tiên để cắt nghĩa nhân cách và là cố gắng đầu tiên để tìm hiểu và điều trị các bệnh nhân tâm thần, tất cả các lý thuyết về nhân cách và các kỹ thuật trị liệu sau Freud đều mắc nợ với Freud.
CÁC CÂU HỎI THẢO LUẬN
1. Hãy dẫn chứng rằng nhiều yếu tố sau này trở thành một phần của tâm phân học đều là di sản của triết học hay khoa học mà Freud đã nhận được.
2. Định nghĩa vắn tắt các thuật ngữ ý tưởng gây bệnh, phương pháp tẩy nhẹ, sự chuyển di đối tượng, và phản chuyển di.
3. Cắt nghĩa tầm quan trọng của việc phân tích giấc mơ đối với Freud.
4. Mặc cảm Oedipus là gì, và nó có tầm quan trọng gì trong học thuyết của Freud?
5. Nêu một ví dụ cho thấy có sự tương tác giữa id, ego, và superego.
6. Kể ra các phê bình lớn về học thuyết của Freud.
7. Kể ra các đóng góp lớn của học thuyết của Freud.
8. Định nghĩa các từ sau đây trong học thuyết của Jung: vô thức tập thể, nguyên mẫu, nhân vị, hồn nam, hồn nữ, bóng, và ngã
9. Mô tả các cách thức mà Jung tin rằng các nguyên mẫu ảnh hướng đến đời sống của mỗi cá nhân
10. Jung hiểu sự tự thể hiện mình theo nghĩa nào?
11. So sánh phương pháp phân tích về giấc mơ của Jung và của Freud.
12. Tóm tắt các phê bình và các cống hiến của lý thuyết Jung.
13. Tóm tắt các khác biệt giữa học thuyết của Freud với của Adler về nhân cách.
14. Định nghĩa các thuật ngữ sau đây của lý thuyết Adler: bù trừ, bù trừ quá mức, cảm giác yếu kém, mặc cảm tự ti, lối sống. quan tâm xã hội, lối sống sai, và ngã sáng tạo.
15. Định nghĩa các thuật ngữ sau đây của lý thuyết Horney: sự xấu cơ bản, sự thù nghịch cơ bản, và lo âu cơ bản.
16. Theo Horney, tại sao phụ nữ đôi khi cảm thấy thấp kém hơn nam giới?
17. Horney có đồng ý với quan niệm của Freud rằng giải phẫu học là định mệnh không? Hãy giải thích.
Created by AM Word2CHM
TỪ VỰNG
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 16. TÂM PHÂN HỌC
Anal stage of development - Giai đoạn hậu môn: Giai đoạn phát triển thứ hai, xảy ra vào năm 2 tuổi. Trong thời kỳ này, hậu môn-mông là vùng kích dục.
Anatomy is destiny - Giải phẫu học là định mệnh: Quan điểm của Freud rằng một số lớn các tính chất của nhân cách được quyết định bởi giới tính.
Anima - Hồn nữ: Nguyên mẫu cung cấp yếu tố nữ cho tính cách của đàn ông.
Animus - Hồn nam: Nguyên mẫu cung cấp yếu tố nam cho tính cách của đàn bà.
Cathartic method - Phương pháp tẩy nhẹ: Sự làm dịu các triệu chứng của bệnh rối loạn tâm thần bằng cách khêu gợi cho các ý tưởng gây bệnh được biểu hiện trong ý thức.
Collective unconscious - Vô thức tập thể: Thuật ngữ Jung dùng để mô tả phần của tinh thần vô thức phản ánh kinh nghiệm phổ quát của loài người qua các thời đại. Theo Jung, vô thức tập thể là thành phần ảnh hưởng mạnh nhất của nhân cách.
Compensation - Sự bù trừ: Theo Adler, là sự bù đắp một yếu kém bằng cách phát triển các sức mạnh trong các lãnh vực khác.
Creative self - Ngã sáng tạo: Theo Adler, là thành phần của nhân cách cung cấp cho con người tự do chọn lựa số phận của mình.
Ego - Ngã: Thành phần của nhân cách liên quan đến việc xếp đặt các sự kiện trong môi trường sẽ thỏa mãn các nhu cầu của id mà không gây phương hại đến các giá trị của superego.
Erogenous zone - Vùng kích dục: Khu vực của cơ thể là nguồn khoái cảm lớn nhất trong một giai đoạn phát triển.
Extroversion - Hướng ngoại: Thái độ sống mang tính chất hợp quần và thích mạo hiểm.
Id - Bản năng tính dục: Theo Freud, là phần hoàn toàn vô thức và rất mạnh của nhân cách, gồm tất cả các bản năng và vì thế là động lực của toàn thể nhân cách.
Introversion - Hướng nội: Thái độ sống mang tính chất xa tránh xã hội và có khuynh hướng nhìn vào bản thân mình.
Libido: Theo Freud, là năng lực tập hợp liên quan đến các bản năng sinh tồn (tạm dịch là dục lực). Theo Jung, là sinh lực sáng tạo cung cấp năng lượng cho sự phát triển con người (tạm dịch là tâm lực).
Oal stage of development - Giai đoạn miệng: Giai đoạn đầu tiên của sự phát triển tính dục, xảy ra vào năm 1 tuổi. Trong thời kỳ này, miệng, môi, và lưỡi là vùng kích dục.
Overcompensation - Bù trừ quá mức: Theo Adler, là sự chuyển các điểm yếu kém thành các điểm mạnh.
Pathogenic ideas - ý tưởng gây bệnh: Các ý tưởng gây ra các rối loạn thể vật lý.
Phallic stage of development - Giai đoạn cơ quan sinh dục: Giai đoạn phát triển thứ ba, xảy ra vào khoảng từ 3 đến 5 tuổi. Trong thời kỳ này, vùng kích dục là các cơ quan sinh dục.
Repression - Sự kiềm chế: Sự kiềm chế cố ý các ký ức chấn động trong vô thức vì việc nghĩ đến nó một cách ý thức thường tạo ra âu lo.
Resistance - Kháng cự: Khuynh hướng của bệnh nhân cưỡng lại sự nhớ lại các kinh nghiệm chấn thương.
Shadow - Bóng: Nguyên mẫu tạo cho con người các tính chất của loài vật - ví dụ tính hung hãn.
Synchronicity - Tính đồng đẳng: Theo Jung, các kinh nghiệm tình cờ có thể thay đổi đáng kể dòng đời của một người.
Transference - Chuyển di đối tượng: Tình trạng một bệnh nhân phản ứng với trị liệu viên như thể trị liệu viên là người có liên quan đến đời sống của bệnh nhân.
Created by AM Word2CHM
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro