Chương 8. NHỮNG PHÁT TRIỂN BAN ĐẦU TRONG SINH LÝ HỌC VÀ...
Chương 8. NHỮNG PHÁT TRIỂN BAN ĐẦU TRONG SINH LÝ HỌC VÀ SỰ XUẤT HIỆN CỦA TÂM LÝ HỌC THỰC NGHIỆM
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC
Các thành tựu khoa học của thế kỷ 17 và 18 đã cho phép các vấn đề triết học xưa kia được xét lại theo một hướng mới và chính xác hơn. Người ta đã học được nhiều điều về thế giới vật lý và bây giờ là lúc hướng phương pháp khoa học vào việc nghiên cứu các cơ chế nhờ đó chúng ta có thể biết được thế giới vật lý cơ bản, câu hỏi là các sự kiện thường nghiệm được trình bày trong ý thức của chúng ta bằng các cơ chế nào? Mọi sự, từ tri giác giác quan đến các phản ứng vận động, đều được nghiên cứu kỹ lưỡng, và sự nghiên cứu này cuối cùng đã dẫn đến sự khai sinh của tâm lý học thực nghiệm. Nếu người ta muốn khám phá ra các nguồn gốc của tâm lý học, người ta cần phải đi ngược trở về với các nhà triết học Hy Lạp đầu tiên. Tuy nhiên, nếu người ta muốn tìm về nguồn gốc của tâm lý học thực nghiệm, người ta phải tìm về các phát triển ban đầu của khoa sinh lý học, giải phẫu học, thần kinh học, và cả thiên văn học.
CÁC KHÁC BIỆT CÁ NHÂN
Chính các nhà thiên văn là những người đầu tiên nhận ra rằng loại tri thức mà khoa sinh lý học con người cung cấp phải có ích cho mọi khoa học. Năm 1795, nhà thiên văn học Nevil Maskelyne và trợ tá của ông là David Kinnebrook đang cài đặt giờ giấc cho các đồng hồ trên các con tàu theo thời điểm một ngôi sao đặc thù đi ngang qua một vạch nhỏ bằng sợi tóc đặt trong kính viễn vọng. Maskelyne nhận thấy rằng các quan sát của Kinnebrook chậm hơn các quan sát của ông 0.5 giây. Kinnebrook được thông báo về "sai lầm" của mình và tìm cách sửa chữa sai lầm ấy. Thế nhưng, sự khác biệt giữa các quan sát của ông và của Maskelyne tăng lên tới 0.8 giây và Kinnebrook phải nghỉ việc. Hai mươi năm sau, nhà thiên văn Đức Friedrich Bessell (1784- 1846) lưu ý đến sự cố nói trên, và ông cho rằng sai lầm không phải do khuyết điểm của cá nhân nhưng là do các khác biệt cá nhân giữa các người quan sát. Bessell bắt đầu so sánh các quan sát của ông và của các đồng nghiệp và quả thực ông đã tìm ra các khác biệt hệ thống giữa các quan sát của họ. Đây là nghiên cứu đầu tiên về thời gian phản ứng, nó đã được dùng để sửa chữa các khác biệt giữa các người quan sát. Sự sửa chữa này được làm bằng cách tính toán các phương trình cá nhân. Ví dụ: nếu 0.8 giây được cộng thêm vào thời gian phản ứng của Kinnebrook, thì các quan sát của ông sẽ bằng với các quan sát của Maskelyne. Bessell đã tìm ra các khác biệt giữa các cá nhân và cách để sửa chữa các khác biệt này, nhưng khám phá của ông đã không có ảnh hưởng nhiều đối với sự phát triển tâm lý học thực nghiệm thời kỳ đầu. Như chúng ta sẽ thấy, các nhà tâm lý học thực nghiệm thời đầu quan tâm tìm hiểu điều gì là đúng đối với ý thức con người nói chung; vì vậy, khi nhận ra các khác biệt, người ta thường đổ lỗi cho phương pháp yếu kém. Trong lịch sử tâm lý học thời sau (sau Darwin), viện nghiên cứu các khác biệt cá nhân sẽ có tầm quan trọng tuyệt đối.
Tuy nhiên, Bessell đã có công cho thấy rằng người quan sát ảnh hưởng tới các quan sát. Vì mọi khoa học đều dựa trên quan sát nên việc biết nhiều hơn về các quy trình biến đổi các kích thích vật lý thành kinh nghiệm ý thức bây giờ là cần thiết.
KHÁC BIỆT GIỮA THỰC TẠI KHÁCH QUAN VỚI THỰC TẠI CHỦ QUAN
LÝ THUYẾT VỀ CÁC NĂNG LƯỢNG THẦN KINH CHUYÊN BIỆT
EWALD HERING
SỰ XUẤT HIỆN CỦA TÂM LÝ HỌC THỰC NGHIỆM
TỪ VỰNG
Created by AM Word2CHM
KHÁC BIỆT GIỮA THỰC TẠI KHÁCH QUAN VỚI THỰC TẠI CHỦ QUAN
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 8. NHỮNG PHÁT TRIỂN BAN ĐẦU TRONG SINH LÝ HỌC VÀ SỰ XUẤT HIỆN CỦA TÂM LÝ HỌC THỰC NGHIỆM
Tất nhiên việc chứng minh có sự khác biệt giữa một sự kiện vật lý và một người tri giác sự kiện ấy là điều mà các nhà khoa học tự nhiên rất quan tâm, vì họ coi nhiệm vụ của họ là mô tả và cắt nghĩa thế giới vật lý. Có thể tránh được vấn đề tạo ra bởi sự phân biệt của Galileo và Locke về các tính chất chính và phụ nếu người ta chỉ tập trung vào các tính chất chính - nghĩa là tập trung vào các sự kiện có sự tương hợp giữa các tính chất vật lý và các cảm giác mà chúng tạo ra. Tuy nhiên, người ta ngày càng thấy rõ hơn rằng sự không tương hợp giữa các sự kiện vật lý và các tri giác về chúng càng ngày càng nhiều. Newton (1704) đã từng nhận thấy rằng kinh nghiệm ánh sáng trắng thực ra là sự phối hợp tất cả các màu của quang phổ, mặc dù không thấy được từng màu. Năm 1760, Van Musschenbroek khám phá ra rằng nếu các màu bổ sung nhau như vàng và xanh lam được phân phối theo đúng tỉ lệ trên một chiếc đĩa quay tít, thì người quan sát sẽ không thấy màu vàng hay xanh lam mà thấy màu xám. Rõ ràng là thường không có một sự tương ứng chặt chẽ giữa thực tại vật lý và kinh nghiệm tâm lý về thực tại ấy. Vì nguyên nhân sự khác biệt này rất có thể là do cơ quan phản ứng, nên các nhà vật lý học có lý để quan tâm đến khoa sinh lý học vừa mới xuất hiện, là khoa học nghiên cứu về các quy trình sinh vật nhờ đó con người tương tác với thế giới vật lý. Các nhà sinh lý học nghiên cứu bản chất của thần kinh, sự dẫn truyền thần kinh, hành vi phản xạ, tri giác, hoạt động của não, và sau cùng, sự tương quan hệ thống giữa kích thích giác quan và cảm giác. Công việc của nhà sinh lý học chính là gạch nối giữa triết học tâm linh và khoa học tâm lý.
Trong chương này chúng ta sẽ thấy các nhà sinh lý học quan tâm chủ yếu đến câu hỏi là: cơ cấu của con người ảnh hưởng thế nào đến việc quan sát của con người? Về sau, sự quan tâm này được đưa vào trong khoa học mới của tâm lý. Như thế, phấn lớn cả nội dung của tâm lý học sau này lẫn các phương pháp sử dụng để khai thác nội dung ấy đều được cung cấp bởi khoa sinh lý học.
Tiếp đến, chúng ta sẽ tóm lược các quan sát quan trọng của các nhà sinh lý học mà sau cùng đã dẫn đến sự khai sinh của khoa học tâm lý.
LUẬT BELL-MAGENDIE
Cho tới thế kỷ 19, có hai quan điểm ngự trị trong vấn đề các thần kinh chứa gì và chúng hoạt động thế nào. Một quan điểm là của Descartes; ông cho rằng một thần kinh gồm các sợi nhỏ nối các cơ quan thụ cảm với não. Các sợi này nằm trong các ống rỗng và truyền các "khí động vật" từ não tới các cơ. Quan điểm thứ hai là của Hartley; ông cho rằng thần kinh là các phương tiện dẫn truyền các "dao động" từ các cơ quan thụ cảm đến não và từ não đến các cơ. Năm 1811, nhà sinh lý học nổi tiếng người Anh Charles Bell (1774-1842) in ra và phân phát cho bạn bè 100 bản tờ bướm mà nội dung của nó sẽ làm thay đổi tận gốc rễ quan điểm về sự dẫn truyền thần kinh. Tờ bướm tóm lược nghiên cứu của ông về tính chất biệt lập của các thần kinh cảm giác và thần kinh vận động trong lãnh vực giải phẫu và sinh lý. Thí nghiệm trên loài thỏ, Bell chứng minh rằng các thần kinh cảm giác đi vào các rễ sau (lưng) của tủy sống và các thần kinh vận động đi ra từ các rễ phía trước (bụng). Khám phá của Bell đã tách riêng sinh lý học thần kinh thành khoa nghiên cứu về sinh lý của cảm giác và vận động, nghĩa là, thành một nghiên cứu về cảm giác và vận động. Khám phá của Bell quan trọng bởi nó chứng minh rằng các chức năng tâm tính chuyên biệt hoạt động nhờ sự trung gian của các cơ cấu giải phẫu khác nhau. Nghĩa là các thần kinh riêng biệt kiểm soát các cơ chế cảm giác và phản ứng. Bản thân Bell đã suy đoán rằng còn có nhiều tương quan chi tiết hơn nữa giữa các thần kinh cảm giác và cảm giác, nhưng Johannes Muller chứng minh bằng thực tế các suy nghĩ của Bell với chứng cớ thực nghiệm. Ở đây chúng ta tóm tắt phần mở rộng của Muller về các khám phá của Bell.
Ý tưởng về các thần kinh cảm giác và vận động đã có từ thời Eristratus ở Alexandria (khoảng 300 trước C. N) và Galen ở thế kỷ 2 C. N. Thực ra, cả Descartes lẫn Hartley đều đã nghĩ đến khả năng này. Thế nhưng Bell mới là người cho ý tưởng này nội dung cụ thể với chứng cớ thực nghiệm rõ ràng. Như đã nói trên, Bell chỉ thông truyền các khám phá của ông giữa bạn bè. Điều này có thể cắt nghĩa tại sao nhà sinh lý học lỗi lạc người Pháp Francois Magendie (1783-1855) đã có thể xuất bản các kết quả tương tự như của Bell mười một năm sau mà không hay biết gì về các khám phá của Bell. Một cuộc tranh cãi nóng bỏng đã nổ ra giữa các đồ đệ của Bell và của Magendie về quyền ưu tiên của khám phá về sự phân biệt giữa các thần kinh cảm giác và vận động. Lịch sử đã giải quyết vụ tranh chấp này bằng cách gọi khám phá này là luật Bell - Magendie. (Về chi tiết vụ tranh chấp này giữa Bell và Magendie, xem Cranefield, 1974.
Sau Bell và Magendie, người ta không còn có thể quan niệm về các thần kinh như là các đường dẫn truyền chung của các dao động hay các khí động vật như trước kia nữa. Giờ đây đã có một "luật có định hướng rõ ràng" chi phối hệ thần kinh. Các thần kinh cảm giác chuyển các kích thích từ các cơ quan thụ cảm tới não, và các thần kinh vận động chuyển các kích thích từ não tới các cơ và tuyến. Luật Bell-Magendie gợi ý rằng có các đường dẫn truyền cảm giác và vận động riêng biệt trong tủy sống và các khu cảm giác và vận động trong não.
Created by AM Word2CHM
LÝ THUYẾT VỀ CÁC NĂNG LƯỢNG THẦN KINH CHUYÊN BIỆT
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 8. NHỮNG PHÁT TRIỂN BAN ĐẦU TRONG SINH LÝ HỌC VÀ SỰ XUẤT HIỆN CỦA TÂM LÝ HỌC THỰC NGHIỆM
Như ta vừa thấy, luật Bell-Magendie nói rằng các dây thần kinh không phải các ống rỗng truyền các khí động vật đi và về từ não, cũng không phải các cơ cấu chung thực hiện cả hai chức năng cảm giác và vận động. Bell và Magendie đã chứng minh hai loại thần kinh khác nhau với hai chức năng khác nhau. Bell cũng đã gợi ý rằng có các loại thần kinh cảm giác khác nhau. Thực ra, Bell tuy đã gợi ý, nhưng ông đã không chứng minh rằng mỗi giác quan được phục vụ bởi một loại thần kinh cảm giác chuyên biệt.
Johannes Muller
Nhà sinh lý học nổi tiếng Johannes Muller (1801-1858) mở rộng luật Bell-Magendi bằng cách chế ra một lý thuyết về các năng lượng thần kinh chuyên biệt. Sau khi nhận bằng tiến sĩ ở Đại học Bonn năm 1822, Muller ở lại đó giảng dạy cho tới năm 1833, khi thọ chức giáo sư vừa được thiết lập về môn sinh lý học tại đại học Berlin. Việc thiết lập khoa mới này ở Berlin đánh dấu sự chấp nhận sinh lý học như là một khoa học. Theo gợi ý của Bell, Muller chứng minh rằng có năm loại thần kinh cảm giác khác nhau, mỗi thần kinh chứa một loại năng lượng chuyên biệt, và khi chúng được kích thích thì tạo ra một cảm giác chuyên biệt. Nói cách khác, mỗi thần kinh phản ứng theo cách thức riêng của nó bất kể nó được kích thích như thế nào. Ví dụ, kích thích mắt bằng sóng ánh sáng, điện, áp lực, hay bằng một cú đánh vào đầu, tất cả đều sẽ tạo ra các cảm giác về thị giác. DuBois-Reymond, một sinh viên của Muller, còn đi xa tới độ nói rằng nếu chúng ta có thể cắt và đi ngang qua các dây thần kinh thị giác và thính giác, chúng ta có thể nghe bằng mắt và xem bằng tai.
Nghiên cứu thực nghiệm chi tiết của Muller đã vĩnh viễn chôn vùi lý thuyết cũ về sự phát tỏa tri giác, theo đó các bản sao nhỏ li ti của các vật đi vào các cơ quan thụ cảm, dọc theo các thần kinh, và đến não, tạo ra một hình ảnh của vật. Theo quan niệm cũ này, mọi thần kinh cảm giác có thể truyền bất cứ thông tin cảm giác nào lên não.
Kích thích tương xứng
Mặc dù Muller cho rằng các thần kinh khác nhau chứa đựng năng lượng riêng của chúng, ông không nghĩ rằng mọi giác quan phản ứng đồng đều với cùng một loại kích thích. Ngược lại, mỗi loại giác quan phản ứng mạnh nhất với một loại kích thích riêng. Muller gọi đó là "tính cảm ứng chuyên biệt" và về sau người ta gọi là kích thích cân xứng. Mắt dễ bị kích thích nhất bởi sóng ánh sáng, tai bởi sóng âm thanh, da bởi áp lực, v. v... Mắt có thể bị kích thích bởi áp lực, nhưng áp lực không kích thích tương xứng thị giác cho bằng sóng ánh sáng.
Chúng ta ý thức các cảm giác, không ý thức các thực tại vật lý
Ý nghĩa quan trọng nhất của lý thuyết Muller đối với tâm lý học là: bản tính của hệ thần kinh trung ương, chứ không phải bản tính của kích thích vật lý, quyết định các cảm giác của chúng ta. Theo Muller, chúng ta không ý thức các vật trong thế giới vật lý, nhưng ý thức các kích thích cảm giác khác nhau. Do đó tri thức của chúng ta về thế giới vật lý phải bị giới hạn vào các loại cơ quan thụ cảm mà chúng ta có.
Là một người nhiệt thành theo Kant, Muller nghĩ rằng mình đã tìm ra trong lãnh vực sinh lý học điều tương đương với các phạm trù tư tưởng của Kant. Theo Kant, các thông tin giác quan được biến đổi bởi các phạm trù tư tưởng trước khi chúng được kinh nghiệm cách ý thức. Theo Muller, hệ thần kinh là trung gian giữa các vật vật lý và ý thức Thuyết bẩm sinh của Kant nhấn mạnh các phạm trù tinh thần, trong khi thuyết bẩm sinh của Maller nhấn mạnh các cơ chế hoạt động sinh lý. Trong cả hai trường hợp, thông tin giác quan được biến đổi, vì vậy cái chúng ta kinh nghiệm một cách ý thức thì khác với cái hiện diện trong thế giới vật lý.
Muller là một trong các nhà sinh lý học thực nghiệm lớn nhất thời ông. Tác phẩm Handbuch của ông tóm lược tất cả những điều được biết đến về sinh lý con người thời bấy giờ. Muller cũng đã lập tại Đại học Berlin Viện Sinh Lý Học Thực Nghiệm đầu tiên của thế giới. Đa số những người sẽ trở thành các nhà sinh lý học hàng đầu của thế kỷ 19 đều đã học với Muller, trong số đó có Helmholtz, mà chúng ta sẽ đề cập đến sau đây.
HERMANN VON HELMHOLTZ
Nhiều người coi Hermann von Helmholtz (1821-1894) là nhà khoa học vĩ đại nhất của thế kỷ 19. Như ta sẽ thấy, ông đã có những cống hiến quan trọng trong vật lý học, sinh lý học, và tâm lý học. Helmholtz sinh tại Potsdam, Đức, là một đứa trẻ yếu ớt và một học sinh kém, đặc biệt rất kém về ngoại ngữ và thi ca. Thế mà, sự kém cỏi bề ngoài của cậu học sinh này hình như phản ánh sự kém cỏi của các thầy dạy của cậu, vì cậu dành thời giờ rảnh rỗi đọc các sách khoa học và triển khai các nguyên tắc hình học mô tả các cấu trúc khác nhau của các đồ chơi ghép hình của cậu. Cha cậu là một giáo viên nghèo không đủ tiền để cho cậu học về y khoa như cậu ao ước, May thay, nhà nước có một chương trình cho các sinh viên xuất sắc học y khoa miễn phí nếu sau khi tốt nghiệp họ phục vụ làm bác sĩ phẫu thuật tám năm trong quân đội. Helmholtz lợi dụng cơ hội này và đăng ký vào Viện Y Khoa và Phẫu Thuật Friedrich-Wilhelm Hoàng Gia Berlin năm cậu 17 tuổi. Năm thứ hai y khoa, cậu được học với Johannes Muller.
Lập trường của Helmholtz chống lại thuyết sinh lực
Mặc dù Helmholtz chấp nhận nhiều kết luận của Muller, hai người vẫn có những bất đồng cơ bản với nhau, trong số đó có bất đồng với Muller về việc Muller tin vào thuyết sinh lực. Trong sinh vật học và sinh lý học, vấn đề thuyết sinh lực-thuyết chống sinh lực cũng tương tự như vấn đề tương quan tinh thần-thân xác trong triết học và tâm lý học. Các người chủ trương thuyết sinh lực cho rằng sự sống không thể cắt nghĩa bằng các tương tác của các quá trình vật lý và hóa học mà thôi. Theo các nhà sinh lực, sự sống là cái gì "hơn là" một quá trình vật lý và không thể giản lược vào một quy trình như thế. Hơn nữa, vì "lực sống" không phải là vật lý, nó mãi mãi vượt ra ngoài tầm của phân tích khoa học. Muller là một người theo thuyết sinh lực. Các người chống thuyết sinh lực không thấy có gì huyền bí về sự sống và giả thiết sự sống có thể giải thích bằng các quy trình lý hóa. Vì vậy, không có lý do gì để gạt bỏ việc nghiên cứu sự sống hay bất cứ điều gì khác ra khỏi lãnh vực khoa học. Helmholtz đứng về phe chống thuyết sinh lực, ông tin rằng cùng một luật được áp dụng cho cả các sinh vật và các vật vô sinh, cũng như cho các sự kiện tinh thần và không phải tinh thần.
Nguyên lý bảo tồn năng lượng
Helmholtz đậu bằng y khoa năm 21 tuổi và được đưa vào phục vụ trong quân đội. Trong thời gian quân ngũ, ông đã xây dựng một phòng thí nghiệm nhỏ và tiếp tục các nghiên cứu trước kia của ông, liên quan tới các quá trình chuyển hóa trong loài ếch. Helmholtz chứng minh rằng việc hấp thụ thức ăn và khí oxy có thể cắt nghĩa cho toàn thể năng lượng mà một cơ thể tiêu hao. Bằng cách này ông có thể áp dụng vào các sinh vật nguyên lý bảo toàn năng lượng, vốn đã phổ biến từ thời ấy rồi. Theo nguyên lý này, trước đã từng áp dụng vào các hiện tượng vật lý, năng lượng không bao giờ được tạo ra hay bị mất đi trong một hệ thống mà chỉ bị biến đổi từ một dạng sang một dạng khác. Khi áp dụng vào các sinh vật, nguyên lý này rõ ràng phù hợp với triết học duy vật vì nó đưa vật lý học, hóa học, và sinh lý học lại cùng với nhau. Năm 1847 Helmholtz xuất bản một tờ báo mang tên "Bảo Toàn Lực Lượng", ảnh hưởng của tờ báo quá lớn khiến ông được miễn thi hành nốt nghĩa vụ của ông trong quân đội.
Tốc độ dẫn truyền thần kinh
Helmholtz không chỉ bất đồng với Muller về vấn đề thuyết sinh lực, mà còn về vấn đề được giả thiết về tốc độ dẫn truyền thần kinh. Maller từng cho rằng sự dẫn truyền thần kinh xảy ra gần như tức khắc, quá nhanh không thể nào đo được. Những người tin có các khí động vật, một lực sống, hay một tinh thần hay linh hồn vô chất đều cảm thấy rằng không thể nào đo được tốc độ dẫn truyền thần kinh.
Nhưng ngược lại, Helmholtz không gạt bỏ điều gì ra khỏi tầm nghiên cứu của khoa học, kể cả tốc độ dẫn truyền thần kinh. Để đo tốc độ dẫn truyền thần kinh, Helmholtz phân lập sợi thần kinh dẫn đến cơ chân của một con ếch. Sau đó ông kích thích sợi thần kinh ở những khoảng cách khác nhau từ cơ chân và quan sát xem phải mất bao lâu để cơ chân con ếch phản ứng. Ông nhận thấy rằng phản xạ cơ khi thần kinh vận động được kích thích ở gần cơ thì nhanh hơn là khi nó được kích thích xa hơn. Bằng việc trừ đi thời gian phản ứng từ lần này tới lần khác, ông kết luận rằng kích thích thần kinh đi với tốc độ khoảng 27,4 mét/giây. Khi thí nghiệm vào người, ông xin mỗi người trả lời bằng cách bấm vào một cái nút khi họ cảm thấy chân họ được kích thích. Ông thấy rằng thời gian phản ứng khi kích thích ngón chân thì chậm hơn khi kích thích đùi; lần này cũng vậy, bằng phép tính trừ thời gian phản ứng, ông kết luận rằng tốc độ dẫn truyền thần kinh của người là khoảng từ 50.3 đến 100.6 mét/giây. Thí nghiệm này của Helmholtz có ý nghĩa vì nó chứng minh rằng các kích thích thần kinh có thể đo được - nghĩa là trong thực tế, nó khá chậm. Đây được coi là một bằng chứng nữa cho rằng các quá trình lý-hóa có liên quan đến các tương tác của chúng ta với môi trường, chứ không hề có một quy trình huyền bí nào khiến cho khoa học không thể nghiên cứu được.
Lý thuyết về Tri giác
Mặc dù tin rằng bộ máy sinh lý của cơ thể cung cấp cơ chế vận hành cho cảm giác, Helmholtz nghĩ rằng kinh nghiệm quá khứ của người quan sát là cái biến đổi một cảm giác thành một tri giác. Vì vậy, các cảm giác là các nguyên vật liệu của kinh nghiệm ý thức, và các tri giác là các cảm giác sau khi chúng đã được các kinh nghiệm quá khứ của một người cho chúng một ý nghĩa. Khi giải thích sự biến đổi cảm giác thành tri giác, Helmholtz dựa chủ yếu vào ý niệm về sự suy luận vô thức. Theo Helmholtz, đặt tên cho một kinh nghiệm thị giác là một "cái ghế" bao gồm việc áp dụng rất nhiều kinh nghiệm trước đó, như việc nhìn thấy các đường rầy xe lửa đồng quy ở phía xa nhưng vẫn quả quyết rằng chúng song song. Tương tự, chúng ta thấy các hình ảnh trong phim như là chuyển động bởi vì chúng ta đã có kinh nghiệm trước kia về các sự kiện tạo ra một chuỗi hình ảnh trong võng mạc. Và nhờ kinh nghiệm chúng ta biết được rằng khoảng cách được tri giác thì tỉ lệ nghịch với kích thước của hình trong võng mạc.
Lý thuyết về thị giác về màu sắc
Helmholtz nghiên cứu về thị giác từ năm 1853 đến 1868 tại Đại học Konigsberg, Bonn, và Đại học Heidelberg, và ông xuất bản các kết quả trong một tác phẩm 3 quyển tên là Cẩm nang về Sinh lý Quang học (1856-1866). Nhiều năm trước khi Helmholtz sinh ra, Thomas Young (1773-1829) đã đề nghị một lý thuyết về thị giác về màu sắc rất giống với lý thuyết của Helmholtz, nhưng lý thuyết của Young đã không được chấp nhận phổ biến. Helmholtz thay đổi chút ít lý thuyết của Young và đưa thêm chứng cớ thực nghiệm. Lý thuyết chúng ta trình bày sau đây về sau đã được gọi là lý thuyết Young-Helmholtz về thị giác màu sắc (cũng gọi là lý thuyết ba màu).
Helmholtz mở rộng lý thuyết của Muller về các năng lượng thần kinh chuyên biệt bằng cách giả định ba loại cơ quan thụ cảm khác nhau trong võng mạc. Nghĩa là, thay vì nói rằng giác quan về màu sắc gắn liền với một năng lượng thần kinh chuyên biệt như Muller đã nói, Helmholtz cho rằng thị giác bao gồm ba cơ quan thụ cảm khác nhau, mỗi cơ quan có một năng lượng chuyên biệt. Người ta từng biết rằng phối hợp ba màu cơ bản - đỏ, lục, và lam-tím - có thể tạo ra mọi màu khác. Helmholtz nghĩ rằng có ba loại cơ quan thụ cảm màu khác nhau tương ứng với ba màu cơ bản. Nếu chiếu ra một ánh sáng đỏ, cơ quan thụ cảm màu đỏ được kích thích, và người ta có cảm giác màu đỏ; nếu chiếu màu xanh lục, cơ quan thụ cảm xanh lục được kích thích và người ta có kinh nghiệm màu xanh; v.v... nếu tất cả các màu cơ bản được chiếu cùng một lúc, người ta kinh nghiệm màu trắng. Nếu chiếu một màu không phải là màu cơ bản, nó sẽ kích thích các sự phối hợp khác nhau của các cơ quan thụ cảm, tạo ra một kinh nghiệm chủ quan về màu tương ứng với sự phối hợp của các bước sóng đang có. Ví dụ, chiếu một màu đỏ và xanh nhạt đồng thời sẽ tạo ra kinh nghiệm chủ quan về màu vàng. Bằng cách này, Helmholtz giải thích tại sao nhiều bước sóng vật lý tạo ra cùng một kinh nghiệm màu.
Lý thuyết về Tri giác âm thanh
Về thính giác, Helmholtz trau chuốt lại lý thuyết của Muller về năng lượng thần kinh chuyên biệt. Ông thấy rằng tai không phải cơ quan thụ cảm duy nhất mà là một hệ thống rất phức tạp của nhiều cơ quan thụ cảm. Trong khi hệ thị giác chỉ gồm ba loại sợi thần kinh, mỗi loại với năng lượng thần kinh riêng, thì hệ thống thính giác gồm hàng ngàn loại sợi thần kinh, mỗi loại với năng lượng thần kinh riêng. Helmholtz thấy rằng khi màng nhĩ của tai trong được lấy ra và trải rộng ra, nó có hình giống như cây đàn hạc. Giả thiết màng này đối với thính giác giống như võng mạc đối với thị giác, ông nghĩ rằng các sợi khác nhau dọc theo màng nhạy cảm với các tần số khác nhau của các sóng âm thanh. Các sợi ngắn phản ứng với các tần số cao, các sợi dài phản ứng với các tần số thấp. Một sóng âm thanh ở một tần số nhất định nào đó làm cho rung sợi thích hợp của màng nhĩ, và tạo ra cảm giác về âm thanh tương ứng với tần số này. Quy trình này gọi là dao động đồng cảm. Helmholtz giả thiết rằng một quy trình tương tự cũng xảy ra ở tai giữa, và nhờ các phối hợp khác nhau về kích thích sợi thần kinh thính giác, người ta có thể cắt nghĩa được rất nhiều kinh nghiệm thính giác mà chúng ta có.
Các cống hiến của Helmholtz cho tâm lý học
Mặc dù Helmholtz có giả thiết về một trí khôn chủ động, ông chấp nhận lối cắt nghĩa duy nghiệm về nguồn gốc các nội dung của trí khôn này. Trong cắt nghĩa của ông về cảm giác và tri giác, Helmholtz rất nặng về thực nghiệm. Khi nghiên cứu các hiện tượng sinh lý và tâm lý, ông cũng có thái độ dứt khoát khoa học. Ông chứng minh rằng sự dẫn truyền thần kinh không xảy ra chớp nhoáng, như xưa kia người ta vẫn tưởng, nhưng nó khá chậm và phản ánh sự hoạt động của các quy trình vật lý. Tuy ông thấy rằng không có sự tương hợp tốt giữa cái hiện diện vật lý và cái được kinh nghiệm tâm lý, ông có thể cắt nghĩa sự sai biệt này dựa vào các thuộc tính của các hệ thụ cảm và sự suy luận vô thức của người quan sát. Không có các lực huyền bí, phi khoa học nào trong các quy trình này. Công trình của Helmholtz đã đưa vật lý học, sinh lý học, và tâm lý học vào gần với nhau. Bằng cách này, ông đã dọn đường cho sự xuất hiện của khoa tâm lý học thực nghiệm, là một bước tất yếu phải theo sau công trình của Helmholtz.
Created by AM Word2CHM
EWALD HERING
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 8. NHỮNG PHÁT TRIỂN BAN ĐẦU TRONG SINH LÝ HỌC VÀ SỰ XUẤT HIỆN CỦA TÂM LÝ HỌC THỰC NGHIỆM
Vào thời Helmholz, có một cuộc tranh cãi nóng bỏng về việc các hiện tượng tri giác là bẩm sinh hay tập thành. Với khái niệm của ông về sự suy diễn vô thức Helmholtz đứng về phe cho rằng các tri giác là do tập thành. Ewald Hering (1834-1918)đứng về phe các nhà bẩm sinh luận. Sau khi đậu bằng y khoa tại Đại học Leipzig, Hering ở lại đây ít năm trước khi nhận chức giảng sư tại Học viện Quân Y Vienna, tại đây ông làm việc với Joseph Breuer (1842-1925), là người sau này có công lớn trong việc sáng lập khoa tâm phân học (xem chương 16). Cùng làm việc chung, Hering và Breuer chứng minh rằng sự hô hấp một phần là do các cơ quan thụ cảm trong Phổi - khám phá này được gọi là phản xạ Hering-Breuer. Năm 1870 Hering được mời đến Đại học Praha, Tiệp Khắc, và tại đây ông kế vị nhà sinh lý học nổi tiếng Jan E. Purkinje (1787-1869). Purkinje là một nhà hiện tượng luận. Ông tin rằng các hiện tượng tâm linh, được đạt đến bằng phân tích nội quan, phải là cái mà các nhà sinh lý học tìm cách giải thích. Theo Purkinje, nhà sinh lý học buộc phải giải thích không chỉ các cảm giác và tri giác "bình thường" nhưng cả các cảm giác "bất bình thường" như các ảo ảnh và các hậu ảnh. Trong số thật nhiều các hiện tượng mà Purkinje quan sát được, có hiện tượng sự sinh động tương đối của các màu sắc thì khác nhau trong ánh sáng mờ, ngược lại với ánh sáng chói. Một cách đặc biệt hơn, khi hoàng hôn buông xuống, các sắc tương ứng với các bước sóng ngắn như tím và lam có vẻ sáng hơn là các sắc tương ứng với các bước sóng dài như vàng và đỏ. Sự thay đổi về tính sinh động tương đối này do mức độ ánh sáng được gọi là sự chuyển đổi Purkinje. Hering cũng là nhà hiện tượng luận, và lý thuyết của ông về thị giác màu sắc một phần lớn dựa trên hiện tượng các âm bản hậu ảnh.
Tri giác về không gian
Về tri giác về không gian, chúng ta đã thấy Helmholtz tin rằng nó từ từ phát triển từ kinh nghiệm khi các sự kiện sinh lý và tâm lý tương liên với nhau. Tuy nhiên, Hering tin rằng, khi được kích thích, mỗi điểm trên võng mạc tự động tạo ra ba loại thông tin về kích thích: chiều cao, vị trí trái phải, và chiều sâu. Hering theo Kant cho rằng tri giác không gian tồn tại a priori. Theo Kant, tri giác không gian là một phạm trù bẩm sinh của trí khôn; theo Hering, nó là một đặc tính bẩm sinh của mắt.
Lý thuyết về thị giác màu sắc
Hering quan sát thấy một số hiện tượng mà ông cảm thấy không phù hợp với lý thuyết Young-Helmholtz hay không thể cắt nghĩa bởi lý thuyết này. Ông nhận thấy một số cặp màu khi trộn chung với nhau cho cảm giác màu xám. Điều này đúng với màu đỏ và xanh lục, xanh lam và vàng, trắng và đen. Ông cũng nhận thấy rằng một người nhìn chăm chú vào màu đỏ rồi quay đi sẽ cảm nghiệm một hậu ảnh màu xanh lục. Tương tự, nhìn màu xanh lam xong sẽ cho một hậu ảnh màu vàng. Hering cũng nhận thấy những người nào khó phân biệt giữa đỏ và xanh lục vẫn có thể thấy màu vàng; cũng là một đặc điểm của người mù màu là họ mất cảm giác về cả hai màu đỏ và xanh lục, chứ không chỉ riêng màu này hay màu kia. Ít ra tất cả các quan sát này đặt ra các vấn đề cho thuyết Young-Helmholtz, nếu không nói là mâu thuẫn với lý thuyết này.
Để giải thích các hiện tượng này, Hering đưa ra lý thuyết rằng có ba loại cơ quan thụ cảm trên võng mạc nhưng mỗi cơ quan chỉ phản ứng được theo hai cách. Một loại cơ quan thụ cảm phản ứng với đỏ-xanh lục, và một loại với trắng-đen. Đỏ, vàng, và trắng tạo một sự "cắt xé," hay một quy trình phân tán (catabolism) nơi các cơ quan thụ cảm tương ứng của chúng. Xanh lục, xanh lam, và đen tạo một sự "xây dựng," hay là quy trình kiến tạo (anabolism) nơi các cơ quan thụ cảm tương ứng. Nếu kinh nghiệm cùng lúc cả hai màu tương ứng với cùng một cơ quan thụ cảm, thì quy trình phân tán và kiến tạo bị vô hiệu hóa, và xảy ra cảm giác màu xám. Nếu kinh nghiệm một màu tương ứng với cơ quan thụ cảm, thì quy trình tương ứng của nó bị mất và chỉ để lại quy trình đối nghịch của nó để tạo ra một hậu ảnh. Sau cùng, lý thuyết của Hering cắt nghĩa tại sao những người không thể phản ứng với đỏ hay xanh lục vẫn có thể thấy màu vàng và tại sao người không thấy được màu đỏ thường cũng không thấy được màu xanh lục.
Trong suốt 50 năm, người ta vẫn tranh cãi sôi động xem lý thuyết Young-Helmholtz hay lý thuyết của Hering đúng; vấn đề cho tới nay vẫn còn chưa được giải quyết. Quan điểm hiện nay là lý thuyết Young-Helmholtz đúng khi nói về các tế bào võng mạc nhạy cảm với màu đỏ, xanh lục, và xanh lam, nhưng có các quy trình trung lập bên kia võng mạc phù hợp với các quy trình chuyển hóa của thuyết Hering hơn.
NGHIÊN CỨU BAN ĐẦU VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA NÃO
Để duyệt lại nghiên cứu ban đầu về não, chúng ta phải bắt đầu bằng việc trở về với Gall, người mà chúng ta đã bình luận ở chương 6. Các giả thiết của Gall về hoạt động của não đã vạch đường cho nghiên cứu về não cho tới ngày nay.
Franz Joseph Gall
Franz Joseph Gall (1758-1828) thường bị đánh giá tiêu cực trong lịch sử tâm lý học, nhưng ông đã có một số cống hiến tích cực cho nghiên cứu về hoạt động của não. Ví dụ, ông nghiên cứu não của nhiều loài động vật, kể cả con người, và là người đầu tiên gợi ý có một sự tương quan giữa sự phát triển vỏ não và hoạt động tâm linh. Ông thấy rằng những bộ não càng to, càng phát triển thì càng dẫn tới các hành vi thông minh. Chỉ nguyên một khám phá này của Gall về sự tương quan giữa trí khôn và não đủ để Gall xứng đáng có một chỗ đứng trong lịch sử tâm lý học.
Như đã nói ở chương 6, Gall chấp nhận niềm tin được nhiều người chấp nhận rằng các khả năng của trí khôn tác động và biến đổi các thông tin do giác quan cung cấp, nhưng ông đã đi một số bước vượt xa khoa tâm lý học khả năng truyền thống. Ông giả thiết rằng:
1. Các khả năng nằm trong các khu vực chuyên biệt trong não.
2. Con người có các khả năng ở các mức độ khác nhau và các sự khác biệt này là bẩm sinh.
3. Các chỗ lồi và lõm trên hộp sọ có thể được dùng làm chỉ số để đánh giá mức độ của các khả năng tương ứng.
Việc xem hình dáng của hộp sọ để xác đính một người có các khả năng mạnh hay yếu sẽ được gọi là khoa tướng sọ, là thuật ngữ bị Gall bác bỏ nhưng đã được người phụ tá của ông là Johann Gasper Spurzheim (1776-1832) quảng bá. Thuật ngữ khoa tướng sọ (phrenology) thực ra là do Thomas Foster sáng tạo năm 1815.
Sức hấp dẫn rộng rãi của khoa tướng sọ
Trong nửa đầu của thế kỷ 19, khoa tướng sọ vô cùng thịnh hành giữa những người cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên. Sau khi Spurzheim đến Hoa Kỳ một thời gian ngắn, ông đã qua đời, và vào ngày đưa đám ông (17 tháng 11, 1882), Hội Tướng Sọ Học Boston được thành lập: các hội giống như thế phát triển mau chóng trên khắp nước Mỹ. Khoa tướng sọ lôi cuốn các nhà chuyên nghiệp vì có vẻ nó cống hiến một chọn lựa đối lại với tâm lý học siêu hình vốn lệ thuộc các dữ liệu nội quan.
Khoa tướng sọ cũng phổ biến bởi vì, không giống tâm lý học siêu hình, có vẻ nó cống hiến các thông tin thực tế. Khi các nhà tướng sọ học như Spurzheim đến thuyết trình ở Mỹ, cử toạ của họ gồm các bác sĩ, bộ trưởng, nhà giáo, giáo sư đại học, và các quản giáo của các trung tâm cải huấn. O'Donnell cho rằng những người này muốn tìm kiếm ở tướng sọ học loại thông tin mà những người khác sau này sẽ đi tìm trong trường phái hành vi (xem chương 12).
Vì những lý do sẽ thấy dưới đây, các tuyên bố tiêu biểu của tướng sọ học đã được chứng minh là sai, nhưng tướng sọ học đã có ảnh hưởng đối với tâm lý học thời sau về một số phương diện quan trọng: Nó lý luận đúng rằng tinh thần và não liên quan mật thiết với nhau; nó kích thích sự nghiên cứu sâu về vị trí của các chức năng trong não; và nó chứng tỏ tầm quan trọng của việc cung cấp các thông tin thực tế. Và như chúng ta cũng sẽ thấy, sau khi chúng ta xét đến các nghiên cứu chứng tỏ các tuyên bố của khoa tướng sọ học là sai, thì một dạng tướng sọ học mới, phức tạp hơn, có thể đang bắt đầu xuất hiện.
Pierre Flourens
Khi bước sang thế kỷ 19, người ta chung chung nhìn nhận rằng não là cơ quan của tinh thần. Dưới ảnh hưởng của Gall và các nhà tướng sọ học khác, tương quan não-tinh thần được mô tả dưới dạng nhiều khả năng khu trú trong các khu chuyên biệt trong não. Như thế, các nhà tướng sọ học đã khai sinh mối quan tâm về vị trí của các chức năng hoạt động trong não. Tuy được giới khoa học ưa thích, kể cả các nhà sinh lý thần kinh, khoa tướng sọ học không được chấp nhận hoàn toàn. Một số bác sĩ lỗi lạc đã đặt vấn đề về các tuyên bố của các nhà tướng sọ học. Nhưng chỉ tuyên bố rằng các giả thiết của tướng sọ học là sai mà thôi thì không đủ; phải có bằng chứng khoa học cho tuyên bố ấy. Đây là mục tiêu của Pierre Flourens (1794-1867), - người tiên phong sử dụng việc cắt bỏ não trong nghiên cứu về não. Phương pháp của ông là diệt một phần của não rồi quan sát xem có các hậu quả mất mát nào - về hành vi. Giống như Gall, - Flourens giả thiết rằng não của các loài động vật dưới con người - cũng giống với não người về nhiều phương diện, nên ông đã dùng các sinh vật như chó và chim câu làm vật thí nghiệm. Ông thấy rằng việc cắt bỏ tiểu não gây rối loạn cho sự phối hợp và sự cân bằng của con vật, và cắt bỏ đại não tạo ra sự thụ động, và cắt bỏ các ống dẫn bán nguyệt làm mất sự cân bằng.
Khi xem xét toàn thể não, Flourens kết luận rằng có một sự định vị nào đó; nhưng ngược với sự tin tưởng của các nhà tướng sọ học, các bán cầu não không có các chức năng hoạt động được khu trú. Ngược lại, chúng hoạt động như một đơn vị duy nhất. Đi tìm bằng chứng xa hơn về sự tương quan của não, Flourens nhận thấy các loài vật thỉnh thoảng phục hồi được các chức năng chúng đã bị mất sau khi bị cắt một phần não. Như thế, ít là một phần của não có khả năng đảm nhiệm thay chức năng của một phần khác. Danh tiếng của Flourens như là một nhà khoa học và kết luận của ông về hoạt động của não như một đơn vị duy nhất đã làm các nhà tướng sọ học phải im miệng. Tuy nhiên, các nghiên cứu về sau cho thấy họ đã bị bịt miệng quá vội vàng.
Paul Broca
Sử dụng phương pháp lâm sàng, Paul Broca (1824-1880) nghi ngờ kết luận của Flourens cho rằng não hoạt động như một đơn vị duy nhất. Broca là người đầu tiên quan sát trước tiên một rối loạn hành vi rồi sau đó mới xác định vị trí của phần não tạo ra sự rối loạn ấy. Các nhà nghiên cứu khác đã ngầm hiểu về khu bên trái vỏ não mà Broca thấy bị tổn thương trong việc kiểm soát tiếng nói, và khu này được đặt tên là khu Broca. Việc xác định vị trí một chức năng trong vỏ não đã ủng hộ các nhà tướng sọ học và bác bỏ tuyên bố của Flourens rằng vỏ não hoạt động như một đơn vị duy nhất. Thật không may cho các nhà tướng sọ học, Broca đã tìm thấy khu tiếng nói không đúng như khu mà các nhà tướng sọ học đã nói.
Gustave Fritsch, Edward Hitzig, và David Ferrier
Bằng cách dùng dòng điện kích thích vỏ não của một con chó, Gustave Fritsch (1838-1927) và Edward Hitzig (1838-1907) đã thực hiện hai khám phá quan trọng. Thứ nhất, võ não không phải vô cảm như trước kia người ta vẫn tưởng. Thứ hai, họ thấy rằng khi một khu nào của vỏ não bị kích thích, các cử động của cơ được kích thích ở mặt đối diện của cơ thể. Kích thích các điểm khác nhau trong khu vận động của não thì cũng kích thích các chuyển động của các phần khác của cơ thể. Như thế, người ta đã xác định được vị trí của một chức năng khác nữa trên vỏ não. David Ferrier (1843-1928) tìm thấy một khu vỏ não tương ứng với các giác quan của da, và các nhà nghiên cứu về sau cũng tìm thấy các khu thị giác và thính giác.
Bằng chứng có vẻ hiển nhiên; có nhiều vị trí của chức năng hoạt động trên vỏ não, như các nhà tướng sọ học đã tuyên bố. Tuy nhiên các khám phá này không ủng hộ khoa tướng sọ học truyền thống ít có một chức năng (khả năng) nào được tìm thấy ở các khu mà các nhà tướng sọ học đã tuyên bố. Hơn nữa, các nhà tướng sọ học đã nói về các khả năng như là sinh lực, sự kiên quyết tình yêu, và sự tử tế, nhưng ngược lại các nhà nghiên cứu lại tìm thấy các khu vực cảm giác và vận động. Các khám phá này mở rộng luật Bell-Magendie để áp dụng cho não. Nghĩa là, cảm giác được kinh nghiệm có vẻ là chuyện của khu vực vỏ não bị kích thích hơn là chuyện các thần kinh cảm giác bị kích thích. Xem ra não rất giống với một tổng đài phức tạp mà tại đó các thông tin cảm giác được chiếu lên và đến lượt chúng kích thích các phản ứng vận động thích hợp. Các nghiên cứu về vị trí có vẻ ủng hộ quan niệm duy nghiệm-duy vật hơn là quan niệm duy lý.
Nghiên cứu về não đã được kích thích trong một cố gắng nhằm đánh giá các tuyên bố của các nhà tướng sọ học đã cho thấy rõ rằng sự kích thích vật lý làm phát sinh các kiểu kinh nghiệm chủ quan khác nhau và chúng trực tiếp có liên quan tới hoạt động của não. Bước tiếp theo trong sự phát triển khoa tâm lý học để trở thành một khoa học thực nghiệm là xem xét cách khoa học làm thế nào sự kích thích giác quan có tương quan hệ thống với kinh nghiệm ý thức.
Created by AM Word2CHM
SỰ XUẤT HIỆN CỦA TÂM LÝ HỌC THỰC NGHIỆM
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 8. NHỮNG PHÁT TRIỂN BAN ĐẦU TRONG SINH LÝ HỌC VÀ SỰ XUẤT HIỆN CỦA TÂM LÝ HỌC THỰC NGHIỆM
Sự khác biệt rất quan trọng giữa cái hiện diện vật lý và cái được kinh nghiệm tâm lý đã được nhìn nhận và trở thành vấn đề khúc mắc trong nhiều thế kỷ. Chính sự phân biệt này đã khiến Galileo kết luận rằng không thể nào có một khoa học tâm lý và Hume kết luận rằng chúng ta không thể biết gì cách chắc chắn về thế giới vật chất. Kant đã mở rộng tầm quan trọng của sự khác biệt này khi tuyên bố rằng trí khôn tô điểm thêm cho kinh nghiệm giác quan, và Helmholtz cũng đã đi đến cùng một kết luận như thế với khái niệm của ông về sự suy diễn vô thức.
Với sự tiến bộ của khoa học, nhiều điều đã học được từ thế giới vật lý-nghĩa là về sự kích thích vật lý. Cũng vậy, nhiều điều đã học được về các cơ quan thụ cảm, chúng biến đổi các kích thích vật lý thành các kích thích thần kinh, và về các cấu trúc của não là nơi mà các kích thích này chấm dứt. Không bao giờ có nhiều mối hoài nghi đến thế về sự hiện hữu của ý thức; vấn đề là ở việc xác định chúng ta có ý thức về cái gì và cái gì đã tạo nên ý thức. Cho tới đây người ta đã tin tưởng rộng rãi rằng các cảm giác ý thức được kích thích bởi các quy trình của não, và các quy trình này được khởi động bởi sự thụ cảm. Nhưng vấn đề vẫn còn là: Làm thế nào hai lãnh vực này (cảm giác tinh thần và quy trình cảm giác) liên quan với nhau?
Không có đo lường thì không thể có khoa học. Vì vậy, người ta giả thiết rằng chỉ có thể có khoa học tâm lý nếu ý thức có thể được đo lường cũng khách quan như thế giới vật chất. Hơn nữa, sau khi đã đo các sự kiện tinh thần phải được chứng minh là biến thiên một cách hệ thống với các sự kiện vật lý. Ernst Heinrich và Gustav Theodor Fechner là những người đầu tiên đã đo xem các cảm giác thay đổi một cách hệ thống theo các kích thích vật lý như thế nào.
Ernst Heinrich Weber
Ernst Heinrich Weber (1795-1878), sống đồng thời với Johannes Muller, sinh tại là Wittenberg và là con một giáo sư thần học. Sau khi đậu bằng tiến sĩ tại Đại học Leipzig năm 1815, Weber dạy tại đây cho tới khi ông nghi hưu năm 1871. Weber là một nhà sinh lý học chủ yếu quan tâm đến xúc giác và cảm giác cử động (kinesthesis). Trước Weber, đa số nhà nghiên cứu về tri giác bằng cảm giác thường giới hạn vào thị giác và thính giác. Nghiên cứu của Weber chủ yếu nhắm vào việc khai thác các lãnh vực mới, đặc biệt là xúc giác và các cảm giác của cơ. Weber thuộc số những người đầu tiên chứng minh rằng xúc giác không chỉ là một giác quan duy nhất mà là nhiều giác quan. Ví dụ, cái thường được gọi là xúc giác bao gồm các giác quan về áp lực nhiệt độ, và đau đớn. Weber cũng cung cấp chứng cớ thuyết phục rằng có một giác quan của cơ. Chính về giác quan cơ này mà Weber đã thực hiện việc nghiên cứu của mình vào các sự khác biệt đúng có thể nhận thấy được, như chúng ta sắp bàn đến.
Công trình của Weber về xúc giác
Về xúc giác, Weber tìm cách xác định sự phân cách không gian nhỏ nhất tại đó có thể phân biệt hai điểm tiếp xúc trên cơ thể. Dùng một dụng cụ giống như cái com-pa gồm hai đầu nhọn, ông đặt cùng một lúc hai điểm áp lực vào da của một người. Khoảng cách nhỏ nhất giữa hai điểm mà tại đó người được thí nghiệm báo cáo có cảm giác về hai điểm chứ không phải một thì được ông gọi là ngưỡng hai điểm. Trong tác phẩm nổi tiếng của ông Về Xúc Giác: Các Ghi Nhận Giải Phẫu Học và Sinh Lý Học (1834), Weber cung cấp các đồ thị của toàn cơ thể đối chiếu với ngưỡng hai điểm. Ông thấy rằng ngưỡng hai điểm nhỏ nhất là ở lưỡi (khoảng 1 milimét) và lớn nhất ở giữa lưng (khoảng 60 milimét). Ông cho rằng các khác biệt ngưỡng tại các nơi khác nhau trên cơ thể là do sự sắp đặt giải phẫu học của các cơ quan thụ cảm về xúc giác - càng nhiều cơ quan thụ cảm, sự phân biệt càng tinh tế.
Công trình của Weber về cảm giác cử động
Trong lịch sử tâm lý học, công trình của Weber về cảm giác vận động, hay kinesthesis, còn quan trọng hơn cả nghiên cứu của ông về xúc giác. Chính trong khi nghiên cứu về cảm giác cử động, Weber đã làm các thí nghiệm quan trọng về phân biệt trọng lượng. Nói chung, ông tìm cách xác định sự khác biệt nhỏ nhất có thể phân biệt được giữa hai vật nặng. Để làm điều này, ông cho người được thí nghiệm nâng một quả tạ (chuẩn), có trọng lượng như nhau trong suốt một chuỗi so sánh, rồi nâng các quả tạ khác. Người được thí nghiệm phải báo cáo các quả tạ là nặng hơn, nhẹ hơn, hay nặng bằng với quả tạ chuẩn. Ông thấy rằng khi các quả tạ khác nhau chỉ khác với quả tạ chuẩn một chút xíu, chúng được đánh giá là bằng quả tạ chuẩn. Qua một chuỗi so sánh như thế, Weber có thể xác định được sự khác biệt đúng có thể nhận ra (viết tắt là jnd = just noticeable difference) mà người được nghiên cứu có thể phân biệt được giữa quả tạ chuẩn và quả tạ có trọng lượng khác.
Weber làm thí nghiệm này trong hai điều kiện. Trong một điều kiện, các quả tạ được đặt trong tay của đương sự trong khi hai tay đặt nằm trên bàn. Trong điều kiện này, phán đoán của đương sự chủ yếu dựa trên các cảm giác của xúc giác. Trong trường hợp thứ hai, đương sự cầm quả tạ trong tay và nâng lên. Trong điều kiện này, phán đoán của đương sự dựa trên cả xúc giác lẫn cảm giác về cử động. Ông thấy rằng các người được thí nghiệm có thể phân biệt được các sự khác biệt nhỏ hơn về trọng lượng khi họ nâng quả tạ hơn là khi quả tạ chỉ được đặt trong tay họ. Weber nghĩ rằng chính cảm giác về cử động trong điều kiện phải nâng quả tạ lên là cái tạo cho có sự nhạy cảm hơn đối với các khác biệt về trọng lượng.
Các phán đoán là tương đối, không tuyệt đối
Trong nghiên cứu của ông về cảm giác cử động, Weber đưa ra nhận xét kinh ngạc rằng đơn vị jnd (just noticeable difference) là một phân số bất biến của quả tạ chuẩn. Trong trường hợp quả tạ được nâng lên, jnd này là 1/40; trong trường hợp quả tạ được đặt nằm im trong tay, jnd này là 1/30. Weber nhận xét rằng sự phân biệt không dựa trên sự khác biệt tuyệt đối giữa hai quả tạ nhưng dựa trên sự khác biệt tương đối giữa hai quả, hay tỉ lệ của quả này đối với quả kia. Weber mở rộng nghiên cứu của ông về các loại cảm giác khác và thấy có chứng cớ rằng phân số của các jnd là bất biến đối với mỗi loại cảm giác.
Khám phá rằng các jnd là một phân số bất biến của kích thích tiêu chuẩn sau này được gọi là luật Weber, và có thể được coi là luật định lượng đầu tiên trong lịch sử tâm lý học. Đây là phát biểu về một tương quan hệ thống giữa kích thích vật lý và một kinh nghiệm tâm lý. Nhưng vì Weber là nhà sinh lý học, nên tâm lý học không phải quan tâm hàng đầu của ông. Chính Fechner mới là người thể hiện các hệ quả của công trình Weber cho tâm lý học, và là người nhìn thấy ở đó giải pháp khả dĩ cho vấn đề tinh thần-thân xác.
Gustave Theodor Fechner
Gustave Theodor Fechner (1801-1887) là một con người xuất sắc phức tạp, và lạ thường. Năm 16 tuổi Fechner bắt đầu học y khoa tại đại học Leipzig và đậu bằng tốt nghiệp năm 1822 lúc ông 21 tuổi. Vừa tốt nghiệp xong, Fechner chuyển ngay sự quan tâm của ông từ sinh vật học sang vật lý học và toán học. Lúc này ông đã kiếm được chút tiền còm nhờ dịch các sách giáo khoa vật lý và hóa học từ tiếng Pháp sang tiếng Đức và dạy kèm. Fechner quan tâm tới các tính chất của dòng điện và năm 1831 ông xuất bản một bài báo quan trọng về đề tài này và tên tuổi của ông như một nhà vật lý học đã được vững chắc. Suốt cuộc đời trưởng thành, ông không bao giờ hài lòng với thuyết duy vật, mà ông gọi là "quan điểm đêm", đối chọi với "quan điểm ngày", nhấn mạnh tinh thần, tâm linh, và ý thức. Ông chấp nhận thuyết lưỡng diện của Spinoza về tinh thần và vật chất và ông tin rằng ý thức cũng mạnh trong vũ trụ giống như là vật chất. Vì ông tin ý thức không thể tách rời khỏi vật chất, lập trường của ông được gọi là phiếm hồn luận (Paupsy chism). Nghĩa là mọi sự trong vũ trụ mà là vật lý thì cũng là ý thức. Chính sự quan tâm của Fechner về tương quan giữa tinh thần-thân xác đã dẫn đến sự phát triển của ngành tâm vật lý, mà chúng ta sẽ bàn đến dưới đây.
Ngành Tâm vật lý
Từ sự quan tâm siêu hình học của Fechner về mối tương quan giữa tinh thần và thân xác, đã nảy sinh sự quan tâm của ông về tâm vật lý. Ông tuyệt vọng tìm cách giải quyết vấn đề tinh thần- thân xác sao cho có thể thỏa mãn được các nhà khoa học duy vật của thời ông. Nhưng nói rằng có một tương quan có thể chứng minh được giữa tinh thần và thân xác là một chuyện; chứng minh được nó lại là một chuyện khác. Theo Fechner, giải pháp cho vấn đề đã đến với ông vào buổi sáng ngày 22 tháng 10, 1850, khi ông đang nằm trên giường. Ông trực giác được rằng một sự tương quan hệ thống giữa tinh kinh nghiệm thể lý và tinh thần có thể chứng minh được nếu ta yêu cầu một người báo cáo về các sự thay đổi diễn ra trong các cảm giác khi một kích thích vật lý thay đổi có hệ thống. Fechner nghĩ rằng để các cảm giác tâm linh thay đổi theo số học, kích thích vật lý phải thay đổi theo hình học. Bằng cách thử nghiệm các ý tưởng này, Fechner đã lập ra một ngành tâm lý học mà sau này gọi là ngành tâm vật lý.
Năm 1860 ông xuất bản tác phẩm nổi tiếng Các Yếu Tố của Tâm Vật Lý, là cuốn sách đã đi một bước dài trong việc đưa tâm lý học trở thành một khoa học.
Như tên gọi cho thấy, tâm vật lý là môn học về tương quan giữa các sự kiện vật lý và tâm lý. Bước đầu tiên của Fechner trong việc nghiên cứu mối tương quan này là phát biểu bằng toán học điều mà Weber đã khám phá và đặt tên cho nó là luật Weber:
Delta R : R = K
Trong đó:
R = Reiz (tiếng Đức có nghĩa là "kích thích". Trong nghiên cứu của Weber, nó được gọi là kích thích chuẩn.
Delta R : Thay đổi tối thiểu về R có thể phát hiện được. Nghĩa là, delta R = jnd.
k = Một hằng số. Như đã thấy, Weber thấy hằng số này là 1/40 của R đối với cảm giác cử động.
Luật Weber liên quan tới lượng kích thích vật lý phải thay đổi trước khi nó có thể tạo ra ý thức về một sự khác biệt hay sự thay đổi về cảm giác (S). Qua một chuỗi phép tính toán học, Fechner đạt đến công thức nổi tiếng của ông, mà ông tin nó chứng tỏ được sự tương quan giữa tâm lý và vật lý (tinh thần và thân xác):
S = k log R
Công thức này phát biểu bằng toán học trực giác trước kia của Fechner. Nghĩa là, để một đại lượng cảm giác tăng theo cấp số cộng học, đại lượng kích thích vật lý phải tăng theo cấp số nhân.
jnd là đơn vị cảm giác
Fechner cho rằng khi đại lượng của một kích thích tăng từ zêrô, sẽ đạt tới một điểm mà kích thích có thể được phát hiện bằng ý thức. Cường độ thấp nhất mà một kích thích có thể được phát hiện được gọi là ngưỡng tuyệt đối. Nghĩa là ngưỡng tuyệt đối là cường độ của một kích thích mà ở cường độ ấy hay cao hơn cường độ ấy một cảm giác sẽ xảy ra và dưới cường độ ấy thì không có cảm giác này xảy ra. Theo Fechner, các mức cường độ dưới ngưỡng tuyệt đối có tạo ra các phản ứng, nhưng chúng vô thức. Bằng cách chấp nhận các cảm giác âm tính này, lập trường của Fechner rất giống với lập trường của Leibniz và của Herbart.
Các phương pháp của khoa tâm vật lý
Sau khi kết luận rằng các sự kiện tâm lý và vật lý thay đổi một cách hệ thống, Fechner sử dụng một số phương pháp để khai thác xa hơn về tương quan tinh thần-thân xác:
1. Phương pháp các giới hạn (cũng gọi là phương pháp các khác biệt đúng có thể nhận ra): Với phương pháp này, một kích thích được thay đổi và được so sánh với một kích thích chuẩn. Mục tiêu là xác định phạm vi các kích thích mà chủ thể coi là bằng với tiêu chuẩn.
2. Phương pháp các kích thích không đổi (cũng gọi là phương pháp các trường hợp đúng và sai): Ở đây một cặp kích thích được đưa ra cho chủ thể, một trong hai kích thích là chuẩn và không thay đổi, kích thích kia thay đổi mỗi lần. Chủ thể báo cáo xem kích thích thay đổi tỏ ra lớn hơn, nhỏ hơn, hay bằng với kích thích chuẩn.
3. Phương pháp điều chỉnh (cũng gọi là phương pháp sai lầm trung bình): Ở đây, chủ thể kiểm soát kích thích thay đổi và được chỉ dẫn để điều chỉnh đại lượng của kích thích này sao cho nó tỏ ra bằng với kích thích chuẩn. Sau khi điều chỉnh, người ta đo số khác biệt trung bình giữa kích thích thay đổi và kích thích chuẩn.
Các phương pháp này là di sản lớn Fechner để lại cho tâm lý học, và chúng vẫn còn được sử dụng rộng rãi.
Cống hiến của Fechner
Fechner không giải quyết được vấn đề tinh thần-thân xác; nó vẫn còn rất sôi nổi và vững vàng trong tâm lý học hiện đại. Tuy nhiên, như Weber, ông đã chứng minh được rằng có thể đo lường các sự kiện tâm lý và đặt chúng trong tương quan với các sự kiện vật lý. Một số sử gia đã gợi ý nên đánh dấu khởi đầu của tâm lý học thực nghiệm bằng việc xuất bản năm 1860 tác phẩm Các Yếu Tố của Fechner.
Tuy nhiên, không phải mọi người đều đánh giá các cống hiến của Fechner một cách tích cực. William James, chẳng hạn, đã có những lời phê bình thiếu tao nhã về ảnh hưởng của Fechner đối với tâm lý học.
Nói chung, tuy có thể đánh giá lại ý kiến coi sự khởi đầu của tâm lý học thực nghiệm là việc xuất bản Các Yếu Tố của Fechner, đa số đều nhất trí rằng một bước quan trọng khác còn cần được thực hiện trước khi tâm lý học trở thành một khoa học đủ lông đủ cánh: Tâm lý học cần phải được xây dựng như một môn học biệt lập. Như ta sẽ thấy ở chương 9, William Wundt là người đã thực hiện bước này.
CÁC CÂU HỎI THẢO LUẬN
1. Luật Bell-Magendie là gì? Đâu là ý nghĩa của luật này trong lịch sử tâm lý học?
2. Tóm tắt lý thuyết của Muller về các năng tượng thần kinh chuyên biệt.
3. Định nghĩa thuyết sinh lực. Muller có phải người theo thuyết sinh lực? Và Helmholtz?
4. Helmholtz áp dụng luật bảo toàn năng lượng vào các sinh vật thế nào?
5. Mô tả phương thức Helmholtz sử dụng để đo tốc độ dẫn truyền thần kinh.
6. Tóm tắt lý thuyết thị giác màu sắc Young-Helmholtz.
7. Hering giải thích tri giác về không gian thế nào?
8. Tóm tắt lý thuyết của Hering về thị giác màu sắc.
9. Kiểu tâm lý học khả năng của Gall và Spurzheim khác với các kiểu tâm lý học khả năng khác như thế nào, chẳng hạn kiểu của Kant?
10. Các lý do khiến khoa tướng sọ học được phổ biến là các lý do nào?
11. Mô tả phương thức nghiên cứu về não của Flourens. Ông đã đạt những kết luận nào liên quan đến chức năng hoạt động của não?
12. Mô tả phương thức nghiên cứu não của Broca. Ông đã đạt những kết luận nào liên quan đến chức năng hoạt động của não?
13. Mô tả phương thức nghiên cứu não của Fritsch và Hitzig. Các kết quả của họ ủng hộ Gall hay Flourens? Cắt nghĩa.
14. Công trình của Weber có tầm quan trọng gì đối với sự phát triển của tâm lý học thực nghiệm?
15. Fechner cố gắng giải quyết vấn đề triết học nào? Ông đã đề nghị giải pháp gì?
16. Tóm tắt các phương pháp tâm vật lý của Fechner.
17. Fechner có những đóng góp gì cho sự phát triển của tâm lý học xét như là một khoa học?
Created by AM Word2CHM
TỪ VỰNG
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 8. NHỮNG PHÁT TRIỂN BAN ĐẦU TRONG SINH LÝ HỌC VÀ SỰ XUẤT HIỆN CỦA TÂM LÝ HỌC THỰC NGHIỆM
Absolute threshold - Ngưỡng tuyệt đối: Lượng kích thích nhỏ nhất có thể được phát hiện bởi một sinh vật.
Adequate stimulation - Kích thích tương xứng: Kích thích mà một loại giác quan nhạy cảm tối đa với nó.
Bell-Magendie law - Luật Bell-Magendie: Có hai loại thần kinh: thần kinh cảm giác đưa các kích thích từ cơ quan thụ cảm đến não và thần kinh vận động đưa các kích thích từ não đến các cơ và các tuyến của cơ thể.
Broca's area - Khu Broca: Khu tiếng nói ở phía trái của vỏ não.
Clinical method - Phương pháp lâm sàng: Phương pháp do Broca sử dụng. Trước tiên là xác định các rối loạn hành vi nơi một bệnh nhân còn sống, rồi sau khi bệnh nhân chết, xác định phần nào của não là nguyên nhân của rối loạn hành vi.
Differential threshold - Ngưỡng sai biệt: Lượng kích thích cần thay đổi trước khi có thể khám phá ra một sự khác biệt trong kích thích đó. Sự khác biệt này được gọi là sự khác biệt đúng có thể nhận ra (just noticeable difference, viết tắt là jnd).
Doctrine of specific nerve energies - Thuyết năng lượng thần kinh chuyên biệt: Mỗi thần kinh cảm giác đều phóng ra một năng lượng chuyên biệt của loại thần kinh ấy, bất kể kích thích thuộc loại nào.
Just noticeable difference - Khác biệt đúng có thể nhận ra: Lượng nhỏ nhất phải thêm vào hay trừ đi ở một kích thích trước khi có thể đánh giá nó là lớn hơn hay nhỏ hơn một kích thích chuẩn.
Kinesthesis - Cảm giác vận động: Cảm giác do hoạt động của các cơ bắp tạo ra.
Method of adjustment - Phương pháp điều chỉnh: Một người quan sát điều chỉnh một kích thích thay đổi cho tới khi nó tỏ ra bằng với một kích thích chuẩn.
Method of limits - Phương pháp các giới hạn: Cho một kích thích ở các cường độ khác nhau cùng với một kích thích chuẩn (không đổi) và so sánh để xác định mức cường độ được đánh giá là bằng với kích thích chuẩn.
Negative sensation - Cảm giác âm: Theo Fechner, một cảm giác xảy ra dưới ngưỡng tuyệt đối và vì vậy dưới mức của ý thức.
Panpsychism - Phiếm hồn luận: Niềm tin rằng mọi sự trong vũ trụ đều có các kinh nghiệm ý thức.
Principle of conservation of energy - Nguyên lý bảo toàn năng lượng: Năng lượng bên trong một hệ thống thì không đổi vì vậy nó không thể thêm vào hay bớt đi mà chỉ có thể được biến đổi từ dạng này sang dạng khác.
Psychophysics - Tâm vật lý: Nghiên cứu về tương quan giữa các sự kiện tâm lý và vật lý.
Reaction time - Thời gian phản ứng: Thời gian từ lúc cho một kích thích đến lúc có một phản ứng với kích thích.
Two-points threshold - Ngưỡng hai điểm: Khoảng cách nhỏ nhất giữa hai điểm kích thích mà ở đó người ta có thể phân biệt được hai điểm kích thích chứ không phải một.
Unconscious inference - Suy diễn vô thức: Theo Helmholtz, là quy trình qua đó các kinh nghiệm còn sót lại của quá khứ được thêm vào cho các cảm giác, nhờ đó biến đổi chúng thành các tri giác.
Weber's law - Luật Weber: Những khác biệt đúng có thể nhận ra tương ứng với một tỉ lệ không đổi của một kích thích chuẩn.
Young-Helmholtz theory of color vision - Luật thị giác màu sắc của Young-Helmholtz: Các hệ thụ cảm riêng biệt trên võng mạc là nguyên nhân cho thị giác về từng màu trong ba màu cơ bản: đỏ, lục, và lam-tím. Cũng gọi là thuyết ba màu (trichromatic).
Created by AM Word2CHM
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro