Đề số 1

Với nhà văn Trần Thùy Mai, "viết để được tồn tại trong những cảnh đời khác, được sống những gì tôi mơ ước, được nói những điều không nói giữa đời thường, là một cách thoát ra khỏi sự hữu hạn của đời người". Bằng những trải nghiệm văn học từ chương trình Ngữ văn 11, anh/chị hãy luận giải và làm sáng tỏ quan niệm trên.

Từ hàng nghìn năm về trước, viết đã là một nhu cầu cần thiết của con người. Viết không chỉ đơn giản là ghi chữ trên mặt giấy, hoặc bất cứ bề mặt nào khác có thể lưu lại chữ, viết còn là phương thức để lưu trữ những vết tích của trí óc và tâm hồn. Tuy nhiên đối với các nhà văn, nhà thơ, mục đích của việc viết không chỉ dừng lại ở đó, viết còn là cách để họ thực hiện những lý tưởng cao đẹp, khát vọng chân chính của bản thân qua quá trình sáng tạo nghệ thuật. Nhà văn Trần Thùy Mai đã nhận định: "Viết để được tồn tại trong những cảnh đời khác, được sống những gì tôi mơ ước, được nói những điều không nói giữa đời thường, là một cách thoát ra sự hữu hạn của đời người."

Mỗi tác phẩm là một hành trình, cuộc đời riêng biệt. Nói "Viết để được tồn tại trong những mảnh đời khác" có nghĩa là khi viết, nhà văn hóa thân thành nhiều nhân vật, mảnh đời khác nhau trong tác phẩm của mình - nhà văn không chỉ là nhà văn, mà còn có thể là bất cứ ai khác, bất cứ ai trong số chúng ta. Một nhà văn thực thụ phải thực sự sống và chiêm nghiệm trong hoàn cảnh mà nhân vật gặp phải thì mới sáng tạo nên được một tác phẩm chân thực, dễ cảm và dễ ngấm vào tâm hồn, làm rung động trái tim độc giả.

Viết là để "được sống những gì tôi mơ ước", "được nói những điều không nói giữa đời thường.". Được sống thật với chính bản thân mình, được bày tỏ hoài bão, những quan điểm cá nhân giấu kín trong lòng là một khát khao của con người. Tuy nhiên những điều ấy không hề dễ dàng giãi bày trong hiện thực. Người nghệ sĩ buộc phải gửi gắm lòng mình qua những áng văn thơ. Viết còn là " để thoát khỏi sự hữu hạn của đời người.". Ta sinh ra và mất đi vĩnh viễn chỉ là những con người bình thường, bị thực tại giới hạn khả năng là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng, khi viết nhà văn có cơ hội được thực hiện những ước mơ, hoài bão, những suy nghĩ, quan điểm cá nhân trong tác phẩm văn học. Nhờ vậy, mà nhà văn thoát khỏi xiềng xích mang tên sự hữu hạn của đời người, vượt qua giới hạn của chính bản thân, chạm đến lý tưởng, khao khát của mình.

Mỗi tác phẩm văn học đều phản ánh sự nhận thức của nhà văn về cuộc đời, con người. Bởi vậy, người ta mới cho rằng: "Văn học là nhân học.". Nhà văn không chỉ viết về cuộc đời của chính mình, mà còn dùng ngòi bút nghệ thuật ấy viết về nhiều cuộc đời, nhiều thân phận, sống với những cảnh đời khác nhau, từ trẻ nhỏ đến người già, từ những mảnh đời bất hạnh khốn khổ cho đến tầng lớp thượng lưu giàu sang, từ những người mang tấm lòng cao đẹp đến những kẻ mưu mô, độc ác. Thạch Lam là một thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn, một nhóm nhà văn thơ theo trường phái lãng mạn nhưng quan điểm sáng tác, lý tưởng nghệ thuật của ông lại đi ngược xu hướng của thời đại bấy giờ. Nhà văn quan niệm "Văn chương không phải đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên" mà là văn chương phải gắn bó với đời sống thường ngày, phải góp phần phản ánh hiện thực, là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn". Qua truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam. chúng ta có cảm tưởng nhà văn Thạch Lam đã thực sự sống cuộc sống ở nơi phố huyện, sống cuộc sống quẩn quanh bế tắc của những kiếp người tàn để thực hiện lý tưởng nghệ thuật của mình. Vì lẽ đó mà nhà văn mới viết được ra những áng văn nên thơ miêu tả chi tiết tỉ mỉ những sắc thái của khung cảnh ngày tàn của phố huyện. Thạch Lam vẽ nên bức tranh phố huyện không chỉ bằng màu sắc: "Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn", mà còn bằng âm thanh, cảm xúc của con người: "Liên không hiểu sao, nhưng chị cảm thấy buồn man mác trước thời khắc ngày tàn." Bên cạnh những miêu tả về thiên nhiên nơi phố huyện, nhà văn còn khắc họa một cách rõ nét chân thực cuộc sống của những kiếp người lao khổ tàn tạ nơi phố huyện. Những đứa trẻ nghèo thay vì được nô đùa, sống vô tư phải bươn chải, kiếm sống trên đống rác rưởi bị bỏ lại trong khu chợ. Chúng tranh giành nhau "nhặt nhạnh những thanh nứa, thanh tre hay bất cứ thứ gì khác dùng được của người bán hàng bỏ lại". Giữa khung cảnh ánh sáng của buổi chiều đang tàn dần, nhường chỗ cho bóng tối thì mẹ con chị Tí xuất hiện. Chị Tí cũng là một người nghèo khổ nơi phố huyện tối tăm ấy. Ngày chị mò cua bắt ốc, đêm mở hàng nước kiếm thêm vài đồng xu lẻ tẻ. Cái quán còm cõi, xập xệ như chính bản thân chị vậy, bởi tất cả hàng hóa của chị là những thứ có thể mang đội, xách, vác. Mẹ con chị Tí thì chỉ biết trông chờ vào khách hàng, nhưng khách quán chị lúc có lúc không. Hai mẹ con phải sống một cuộc sống bấp bênh, vô định. Ngay cả hai chị em Liên và An cũng là một trong số những mảnh đời tàn ở chốn này, hai chị em trông coi một cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu, mẹ Liên dọn ngay từ khi cả nhà bỏ Hà Nội về quê ở, vì thầy Liên mất việc. Một gian hàng bé thuê lại của bà lão móm ngăn ra bằng một tấm phên nứa dán giấy nhật trình. Chừng ấy thôi đã mở ra trước mắt bạn đọc một bức tranh phố huyện nghèo nàn, như một chuyến xe đưa họ về những miền xa vắng. Nhưng đâu chỉ dừng lại ở đó, nhà văn còn điểm mạnh vào bức vẽ hiện thực kia cuộc sống của gia đình bác Xẩm. Bấy nhiêu con người phải tha hương cầu thực, khốn khổ đến mức chẳng có chỗ nào dung thân chen chúc trên một manh chiếu rách. Cả gia tài nhà bác Xẩm chỉ có manh chiếu cùng chiếc đàn bầu. Khi màn đêm buông xuống, cả phố huyện tối tắm dường như thu gọn lại trong ánh đèn leo lét của chị Tí. Ngoài ngọn đèn này ra, những ánh sáng yếu ớt từ các "khe sáng", "quầng sáng", "hột sáng mong manh" làm sao mà thắp sáng được màn đêm. "Thứ bóng tối nhẫn nại uất ức đời thôn quê" đã bao trùm, nuốt chửng tất cả. Mọi người ở nơi phố huyện vẫn mòn mỏi chờ đợi một cái gì đó mơ hồ, có thể là khách hàng, có thế là cái gì đó tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ. Những kiếp người tàn kia thật đến nỗi, ta dường như đang chứng kiến cuộc sống buồn tẻ của họ, cảm nhận được cái quẩn quanh, bế tắc đến mức khiến con người tàn tạ. Khi chuyến tàu đi về phía Hà Nội lướt qua, nhà văn như đứng bên cạnh chỉ cho chúng ta thấy được ánh sáng của hy vọng trong đôi mắt đầy những ước mơ về một tương lai tốt đẹp lưu trong đáy mắt của những con người lầm lũi trong bóng tối của phố huyện kia. Họ đang ngắm nhìn một thế giới khác hẳn với thực tại của họ, một thế giới mơ ước mơ hồ, một thế giới chất chứa biết bao những hồi ức, kỉ niệm tuổi thơ đẹp đẽ về Hà Nội xa xăm, sáng rực và huyên náo trong tiềm thức của hai chị em Liên. Bằng lối văn kể chuyện nhẹ nhàng, tinh tế tựa như một thi sĩ viết văn xuôi,Thạch Lam đã khắc họa nên một khu phố huyện nghèo khổ, tăm tối đậm chất Việt Nam khiến những độc giả cảm thấy như mình đang ngược dòng thời gian về với quá khứ, những dòng ký ức xa xưa của quê hương, đất nước.

Văn học là địa hạt của tình cảm - tư tưởng, là nơi tác giả gửi gắm những ước mơ, hoài bão, những tiếng lòng thầm kín của bản thân, là nơi nhà văn có thể sống chân thành nhất với chính mình, không hề phải giấu giếm, che đậy bản chất thật bằng bất kỳ chiếc mặt nạ nào. Có rất nhiều những trang viết đưa người đọc đến những cảm xúc nén chặt trong tâm hồn, những ước mơ chẳng thể nào có thật, những khao khát tìm đến thế giới vĩnh cửu, vô hạn. Nhà văn, nhà thơ gửi gắm ở đó là những tâm tư tình cảm, gieo vào hồn người những rung động tinh tế, nghẹn ngào mà chân thật nhất. Minh chứng rõ nét nhất cho điều này có lẽ là thi sĩ Xuân Diệu, bởi Xuân Diệu được người đời mệnh danh là ông hoàng thơ tình. Thơ của Xuân Diệu lúc nào cũng dạt dào tình cảm, không chỉ riêng thứ tình đôi lứa mà còn những tình tha thiết với vạn vật trên thế gian. Nhà thơ đã bày tỏ nỗi niềm tiếc nuối, khao khát được níu giữ những năm tháng tuổi trẻ trong bài thơ "Vội vàng":

"Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi"

"Tắt nắng","buộc gió" là ước muốn viển vông không thể nào thực hiện được vì chúng trái với quy luật tự nhiên. Nếu như ở hiện thực, những mong muốn của nhà thơ có lẽ sẽ bị coi là gàn dở, nhưng khi được đưa vào thi ca, những ước vọng táo bạo ấy đã lay động trái tim, nhận được đồng cảm sâu sắc của người đọc thơ, đặc biệt là tầng lớp thanh niên Việt Nam những năm 30 -45. Xuân Diệu đã dũng cảm, dùng tiếng thơ lên tiếng nói hộ lòng những người trẻ tuổi bị hoàn cảnh đất nước kìm hãm tự do, ước mơ. Không chỉ dừng lại ở đó, Xuân Diệu còn bày tỏ tình yêu đối với mùa xuân của thiên nhiên, mùa xuân của tuổi trẻ bằng những lời tha thiết từ tận đáy lòng.

"Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội sang rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần

Tôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân"

Bên cạnh đó nhà thơ dũng cảm tranh luận với quan niệm của người xưa về bản chất của thời gian. Trong khi người xưa cho rằng thời gian vô hạn tuần hoàn thì thi sĩ lại cho rằng thời gian là tuyến tính, hữu hạn, trôi qua rất nhanh và mỗi một khoảnh khắc trôi qua đều không thể trở lại. Tuổi trẻ cũng như vậy, quý giá biết bao những ta không thể giữ mãi sắc thanh xuân trong tầm tay, ta chỉ sống có một đời xuân, "chẳng hai lần thắm lại". Tuy nhiên thi sĩ đã không đầu hàng trước sự vô biên của thời gian, Người giục gã mọi người hãy sống vội vàng lên, hãy sống đậm sâu, tận hưởng từng giây từng phút của cuộc đời.

Đời người chỉ có vỏn vẹn trăm năm, nhưng đời tác phẩm dài bao nhiêu, khó mà đong đếm được. Một tác phẩm nghệ thuật có giá trị sẽ cùng tên tuổi của tác giả bất tử hóa, trường tồn lâu dài với thời gian, vượt qua sự hữu hạn của đời người, nhận được sự tri âm và tri kỷ của nhiều thế hệ. Giống như Thạch Lam, nhà văn Nam Cao tâm niệm rằng văn học phải phản ánh được đúng sự thật, bản chất của cuộc sống. Vì vậy, thay vì theo đuổi dòng văn học lãng mạn thịnh hành, lãnh đạm, xa rời hiện thực tối tăm của đất nước, nhà văn hướng ngòi bút của mình về những hạng người khốn cùng, bị cái nghèo, cái khổ đày đọa đến mức cùng đường. Vì vậy, các tác phẩm của Nam Cao bên cạnh các giá trị nghệ thuật thì còn giàu giá trị hiện thực và nhân văn. Đọc "Chí Phèo" của Nam Cao, ta dường như được nhà văn đưa về thăm quê hương Vũ Đại của mình, dẫn đi xem tường tận từng ngóc ngách của ngôi làng, chứng kiến tận mắt những mảnh đời khác nhau, từ bọn cường hào ác bá cho đến những người nông dân thấp cổ bé họng, chỉ biết cam chịu và cuối cùng là những kẻ dưới đáy xã hội như Năm Thọ, Binh Chức và đặc biệt là Chí Phèo. Nhân vật Chí Phèo mà nhà văn xây dựng là một nhân vật có vẻ ngoài và nội tâm đầy mâu thuẫn phức tạp. Hắn xuất hiện trong bộ dạng say xỉn cùng với tiếng chửi ngoa ngoắt, độc địa. Hắn chửi người, chửi trời, chửi đất, chửi cha mẹ đứa nào sinh ra hắn nhưng ai ngờ được đằng sau vẻ ngoài của một tên côn đồ chuyên rạch mặt ăn vạ ấy là một con người khao khát được chính đồng loại, xã hội của mình chấp nhận. Thế nhưng không có ai đáp lại tiếng chửi của hắn, ngoài tiếng sủa của mấy con chó. Càng đọc, ta càng thấm thía bi kịch của bị từ chối quyền làm người của Chí. Chí Phèo bị tước đoạt quyền làm người, bị mất đi nhân hình lẫn nhân tính của bản thân. Từ một anh nông dân hiền lành, chất phác, Chí Phèo trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, khiến ai nấy trong làng đều kiếp sợ. Nhà văn đã cho ta thấy được bức tranh hiện thực thảm khốc của xã hội thực dân nửa phong kiến, cái xã hội tàn bạo, tha hóa nhân cách con người. Bên cạnh đó, nhà văn cũng rất giàu lòng nhân ái khi để Thị Nở đến với Chí Phèo, để con quỷ dữ của làng Vũ Đại được một lần thoát khỏi cơn say, tỉnh ngộ ra những điều hết sức tính người. Ta nhận ra dù có bị tha hóa, dù bị áp bức đến bước đường cùng, đến mức biến dạng, méo mó cả thể xác lẫn linh hồn, nhưng sâu thẳm bên trong Chí vẫn là một con người bình thường, khao khát một cuộc sống bình yên, ao ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Kẻ khiến người khác phải kiêng dè, sợ hãi lại có nỗi sợ giống như bao người thường khác. Chí sợ bản thân già rồi mà vẫn cô độc, ốm đau bệnh tật không ai săn sóc. Nhờ bát cháo hành của Thị Nở, Chí được trở về với chính mình ngày xưa. Đối với Chí, thị như là ánh sáng dẫn lối, đưa Chí về với xã hội loài người. Thế nhưng, hiện thực tàn khốc đã ngăn cản Chí Phèo được hoàn lương, Thị Nở là một người đàn bà dở hơi, thị nghe theo lời của bà cô, nghe theo những định kiến của xã hội. Thị khước từ mọi cố gắng níu kéo của Chí, cự tuyệt hắn một cách phũ phàng, khiến Chí Phèo rơi vào tuyệt vọng đến mức bật khóc, cảm nhận sâu sắc được bi kịch của chính mình, bi kịch của con người nhưng không có quyền được sống như một con người. Hắn ý thức được những kẻ tàn ác đã khiến mình rơi vào số phận bất hạnh này. Chí Phèo xách dao đi tìm Bá Kiến, đòi quyền được sống lương thiện, đòi trả lại hình người, tính người. Hắn ai oán gào lên: "Ai cho tao lương thiện?". Hắn không tìm được cũng không nhận được câu trả lời, bởi vì cuộc đời hắn dường như vô phương cứu vãn rồi, hắn chỉ còn một cách... Đâm chết Bá Kiến! Rồi Chí Phèo tự sát. Giá trị hiện thực ở đoạn kết của thiên truyện được đẩy lên mức cực đại, phản ánh được chân thực hiện tượng người nông dân Việt Nam bị tha hóa ở làng quê ngày trước. Tuy thời đại đau khổ của đất nước đã đi qua, nhưng những giá trị của "Chí Phèo" vẫn còn mãi, sống mãi với thời gian. Nó nhắc nhở chúng ta về một thời kỳ tăm tối của đất nước, từ đó thêm yêu, thêm trân trọng những gì ta đang có, biết ơn những gì đã từng để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn. Tên tuổi của nhà văn Nam Cao cũng sẽ sáng mãi cùng tên tác phẩm. Ông mãi mãi là một nhà văn lớn của chủ nghĩa nhân đạo, của chủ nghĩa hiện thực, nhà văn của những người cùng khổ.

Sau cùng, ta thấy được viết là sự lên tiếng về đời sống bên ngoài cũng như hiện thực bên trong của người nghệ sĩ. Tuy nhiên để viết thôi thì không khó, nhưng để viết ra những ánh văn chương hay, thực sự có ý nghĩa với cuộc đời thì nhà văn phải sống sâu với cuộc đời, phải lắng nghe tiếng nói chân thật bên trong của bản thân để có thể sống trọn vẹn cuộc đời trong tác phẩm.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro