Sự tham lam, ích kỷ và mâu thuẫn của con người thể hiện qua các câu chuyện.

Con người là một loài được sinh ra với bản tính ích kỷ, không phải là thói chỉ nghĩ cho riêng mình, mà là thói ích kỷ chỉ muốn bản thân là "duy nhất", không phải là sự hiện hữu *có thể thay thế được*. Đó là một cái tư tưởng không ai biết bắt nguồn từ đâu, nhưng nó luôn luôn hiện hữu trong suy nghĩ của mỗi con người. Mỗi con người, cơ bản đều được tạo nên từ cơ thể, linh hồn, trí tuệ, trải nghiệm và nhận thức của họ về chính bản thân mình. Bởi vì có sự khác nhau ở 5 yếu tố này, nên một người mới là duy nhất, không giống bất kì ai khác. Kể cả một cặp sinh đôi cùng trứng y hệt nhau thì bọn họ cũng vẫn có những suy nghĩ khác nhau.

Theo như một bộ phim về đạo Phật (mà nó có một đoạn được vẽ thành tranh và mình không thể nhớ để tìm nó ở đâu) thì khi chàng trai hỏi nhà sư về luân hồi, nhà sư đã trả lời về "ta" kiếp trước là "ta" kiếp này nhưng cũng không hẳn là "ta" kiếp này. Đơn giản là cùng một linh hồn, nhưng nhận thức, cơ thể, hiểu biết, trải nghiệm khác nhau. Nhà sư lấy ví dụ: Ta khi còn bé, là ta. Ta khi trưởng thành, là ta. Nhưng nếu nói ta khi còn bé cũng là ta khi trưởng thành thì lại không phải. Đó là sự khác biệt được tạo nên. Vậy tính duy nhất có bị mất không? Và tại sao con người lại muốn bản thân là duy nhất?

Theo một bộ tiểu thuyết có tên là Nhất thế chi tôn, một thanh niên, tạm gọi là A, bị thần, tách linh hồn và thể xác ra làm hai. Linh hồn A được bỏ vào thể xác anh B, đến một thế giới khác. Cơ thể A bị giấu đi. Sau đó, khi A trong lốt B trở thành thần, A tìm lại được thể xác của bản thân A. Nhưng khi A quay về thế giới cũ thì A phát hiện, sự tồn tại của A, vốn đã bị thay thế bởi một người khác, tạm gọi là A'. A' được thần tạo ra từ xác thịt của A nên A' có cùng cơ thể với A, A' có trải nghiệm, nhận thức và trí tuệ của A bởi vì thần quay ngược thời gian, cho A' sống cuộc đời mà A đã từng trải qua, nên ngoại trừ linh hồn (cái cũng khó có thể phân biệt, bởi vì A' nhận thức anh ta là A duy nhất trong thế giới đó), thì về cơ bản, ở thế giới cũ, A và A' là một. Nên A tự đặt câu hỏi: ta là ai? Ai là ta? Bản thân A muốn là duy nhất đối với gia đình, người thân, bạn bè ở thế giới cũ, không muốn A' thay thế anh ta trở thành *duy nhất* với họ, nhưng đồng thời cũng hi vọng bọn họ không phải đau lòng vì sự biến mất của anh ta. Đó chính là sự tham lam, ích kỷ và mâu thuẫn của anh ta.

Nói đến câu chuyện Tây Du Ký nổi tiếng, có đoạn Tôn Ngộ Không gặp Lục Nhĩ Mỵ Hầu - có hình dáng, tính cách, phép thuật y hệt nhau, thậm chí hai vị này đi hết từ thiên đình đến địa ngục hỏi khắp mọi người, vẫn không ai phân biệt được đâu là Tôn Ngộ Không thật, cuối cùng phải lên Lôi Âm tự nhờ Như Lai phân biệt và bắt kẻ giả mạo giúp. Nghĩa là nếu như Như Lai mà không phân biệt được, thì chỉ có Tôn Ngộ Không mới biết được bản thân là thật. Vậy nếu giả sử có người nào đó, quay lại quá khứ, thay đổi Tôn Ngộ Không khi còn là khỉ đá bằng Lục Nhĩ Mỵ Hầu thì tức là Lục Nhĩ Mỵ Hầu có trải nghiệm của Tôn Ngộ Không, và Lục Nhĩ Mỵ Hầu cũng tự nhận thức rằng nó là *duy nhất*, thì khi đó cơ bản Lục Nhĩ Mỵ Hầu và Tôn Ngộ Không là một.

Sau đó, khi Lục Nhĩ Mỵ Hầu bị Như Lai bắt lại, thì Tôn Ngộ Không ngay lập tức giết nó. Nhưng rõ ràng tội của Lục Nhĩ Mỵ Hầu không đáng chết, vậy tại sao Tôn Ngộ Không lại muốn giết nó cho bằng được? Liệu có phải vì Tôn Ngộ Không muốn bản thân là duy nhất?

Đối với những tình tiết yêu hận tình thù vượt thời gian, dễ thấy motip một vị thần hoặc yêu quái yêu một cô gái. Sau đó, cô gái chết, bọn họ hẹn kiếp sau sẽ nối lại tiền duyên. Vị thần/ Yêu quái gần như là bất tử, nên anh ta lại tiếp tục đi tìm kiếp sau và kiếp sau nữa của cô gái để yêu. Chuyện sẽ rất đẹp, nếu như kiếp sau của cô gái không tự mâu thuẫn: bạn trai của cô, yêu cô vì cô là cô, hay yêu cô, vì cô là kiếp sau của một cô gái nào đó? Chuyện tương tự cũng xảy ra với nhưng mối tình mà bắt đầu từ một lời hứa hoặc hẹn ước từ khi nhỏ đến lúc lớn, hoặc với những mối tình mà một trong hai bên có mẫu người ưa thích. Rồi câu hỏi quen thuộc sẽ là: anh yêu tôi vì lời hứa với tôi lúc nhỏ hay yêu tôi vì tôi bây giờ ? Anh yêu tôi vì tôi là mẫu người ưa thích của anh hay vì tính cách của tôi? Tệ hơn là tình trạng một trong hai người có hình mẫu lý tưởng là người thân của người kia. Con người biết rằng kết quả của việc họ được yêu nó được tạo nên từ rất nhiều yếu tố, thiếu một cũng không được, nhưng họ lại muốn bản thân là yếu tố duy nhất dẫn đến kết quả đó. Lại một biểu hiện nữa của tính ích kỷ, tham lam và mâu thuẫn.

Trong bộ manga nổi tiếng Kaguya Hime, những nhân vật chính có một bản sao của họ - được gọi là donor. Donor được nhân bản trực tiếp từ cơ thể gốc, phát triền thành một bản sao hoàn chỉnh, được nuôi nấng với mục đích có thể là thay thế bộ phận cơ thể nếu bản gốc bị bệnh, thậm chí là thay thế cho bản gốc nếu bản gốc chết. Nhân vật nữ chính, là bản sao, nhưng cuối cùng lại thay thế cho bản gốc. Trải nghiệm, nhận thức, linh hồn, trí tuệ của bản sao khác với bản gốc, nhưng cuối cùng sau khi bản gốc chết, không có ai còn biết đến bản gốc nữa, người ta chỉ biết đến bản sao. Nếu bản thân bản sao cũng cho rằng mình là bản gốc thì sẽ như thế nào? Manga Tsubasa Reservoir Chronicle cũng mang sắc màu tương tự như thế này, với việc nam chính và nữ chính đều chỉ là bản sao. Thế giới trong manga này trải rộng qua nhiều thế giới song song, cho phép bản sao và cả bản gốc có thể cùng tồn tại mà không ảnh hưởng lẫn nhau.

Đối với những câu chuyện về việc các nhân vật đấu tranh với chính bản thân họ nhưng với một tính cách khác, thì rõ ràng là cả hai đều là cùng một người, nhưng họ lại phải đấu tranh với nhau để tồn tại. Nếu nhìn theo một góc độ khác, thì tại sao bọn họ lại không thể cùng tồn tại trong một thế giới mà buộc phải giết lẫn nhau? Tác giả muốn thế. Nhưng tại sao tác giả lại muốn như vậy? Liệu có phải vì tác giả cũng có ý nghĩ rằng một người thì chỉ nên có một, là duy nhất trên đời? 

28/5/2016

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro

Tags: