Câu 17:

Phân tích nguyên tắc cơ bản được rút ra từ quan hệ biện chứng giữa chất và lượng? Liên hệ thực tiễn học tập của bản thân.

TL:

* Bất kỳ sự vật, hiện tượng nào cũng có sự thống nhất biện chứng giữa hai mặt chất và lượng. Sự thay đổi dần dần về lượng tới điểm nút tất yếu sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất thông qua bước nhảy; đồng thời, chất mới sẽ tác động trở lại lượng, tạo ra những biến đổi lớn về lượng của nó. Quá trình đó liên tục diễn ra, tạo thành phương thức cơ bản, phổ biến của quá trình vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Từ quan hệ biện chứng giữa chất và lượng đó ta rút ra nguyên tắc cơ bản:

- Cần phải coi trọng cả hai loại chỉ tiêu về phương diện chất và lượng của sự vật, hiện tượng.

- Chúng ta phải biết tích lũy về lượng để làm biến đổi về chất theo quy luật. Phương pháp này giúp cho chúng ta tránh được tư tưởng chủ quan duy ý chí, nôn nóng, "đốt cháy giai đoạn" muốn thực hiện những bước nhảy liên tục.

- Tùy theo mục đích cụ thể, cần từng bước tích lũy về lượng để có thể làm thay đổi về chất của sự vật, hiện tượng; đồng thời, có thể phát huy tác động của chất mới theo hướng làm thay đổi về lượng của sự vật, hiện tượng.

- Cần phải khắc phục tư tưởng bảo thủ hữu khuynh- không dám thực hiện bước nhảy mặc dù lượng đã tích lũy đến điểm nút.

- Vì bước nhảy của sự vật, hiện tượng hết sức đa dạng, phong phú, do vậy, trong nhận thức và thực tiễn cần phải có sự vận dụng linh hoạt các hình thức của bước nhảy cho phù hợp với từng điều kiện, từng lĩnh vực cụ thể.

- Liên hệ thực tế:

Sự vận động và phát triển của sự vật bao giờ cũng diễn ra bằng cách tích lũy dần dần về lượng đến một giới hạn nhất định, thực hiện bước nhảy để chuyển về chất và việc học tập của sinh viên chúng ta cũng sẽ không thể nằm ngoài điều đó. Để có được một tấm bằng Đại học chúng ta phải tích lũy đủ số lượng tín chỉ của từng học phần. Như vậy, ta có thể coi thời gian học là độ, các kỳ thi là các điểm nút và kết quả kỳ thi đạt yêu cầu là bước nhảy, bởi kết quả kỳ thi tốt- bước nhảy là sự kết thúc một giai đoạn tích lũy tri thức trong quá trình học tập rèn luyện của chúng ta. Do đó hoạt động học tập sinh viên phải biết từng bước tích lũy về lượng (tri thức) để làm biến đổi về chất (kết quả học tập) theo quy luật. 

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro

Tags: