anh chủ bán cá tự trọng có thừa
Sáng thứ Ba, trời trong, mây trắng, có nắng nhưng không có em.
Anh chủ họ Nhâm vươn vai đầy năng lượng để bắt đầu một ngày mới đầy hứng khởi, bắt đầu từ việc mở toang cánh cửa xếp một cách thật phô trương. Sau tiếng động inh tai của kim loại va quệt với bản lề, Nhâm Mạnh Dũng lò đầu ra ngó nghiêng hai bên thì chẳng thấy bóng dáng ai ngoài mấy cái lông vũ còn sót lại của mấy con chim sẻ giật mình bay đi vì hành động lố lăng của mình. Anh hàng xóm Văn Toản kế bên cũng chợt thấy lòng mình xao động bởi nhiệt huyết của cậu em sát vách, miệng chóp chép bánh bao bình phẩm một câu tê tái.
"Ấm đầu à?"
Nhâm Mạnh Dũng chẳng buồn đáp, đi thẳng vào nhà chẳng buồn ra ngoài mua đồ ăn sáng, vô tổ chức đến mức làm anh láng giềng người Hải Phòng chép miệng ngán ngẩm.
"Đèoo mẹ tương với chả tư." - rồi cũng phủi tay xách xe đi làm cho kịp giờ.
Mạnh Dũng loanh quanh trong nhà với mấy cái slides thuyết trình nhóm. Như đã nói, anh chủ họ Nhâm và nghệ thuật vĩnh viễn không thuộc cùng một thế giới, nhưng trớ trêu thay Nhâm Mạnh Dũng là trường hợp trâu chậm uống nước đục. Khi group chat "SỐNG CHẾT TẠI NHAU" nhắn đến tin thứ mười ba anh mới hay nó tồn tại, vì có một Trần Danh Trung lơ ngơ thêm nhầm tài khoản đã bị chôn giấu từ lâu của anh vào hội nghị, và chỉ khi chúng bạn đã điền hết tên mình vào các vị trí ngon nghẻ trong bình chọn phân công thì Nhâm Mạnh Dũng mới ngậm ngùi ấn chọn vị trí làm powerpoint.
Anh chủ bỏ cuộc khi lết tới slides thứ năm, thầm cảm tạ đồng đội lần này có tâm hết sức khi không gửi cho cái thân tàn của mình một cục giấy chi chít chữ tạm gọi là ý chính. Họ Nhâm oanh liệt đứng dậy làm mấy động tác giãn cơ đơn giản rồi cầm sẵn hộp đồ ăn cho cá đi ra khỏi phòng.
Đứng trước bể cá màu mè có cả thảy bốn chú cá đang tung tăng bơi lội, Mạnh Dũng từ tốn rắc thức ăn từ trên nắp bể cho các bé cưng, tay kia rảnh rang thì chọt vào tấm kính dọa sợ mấy con động vật có vây yếu bóng vía, duy chỉ có một con đứng yên chẳng buồn đếm xỉa đến thái độ như phải gió của anh chủ. Mạnh Dũng dời tầm mắt sang con cá Hắc Molly tâm lặng như nước, hỏi vu vơ:
"Thanh Bình, mày nghĩ bao giờ người ta trả áo cho tao?"
Con cá miệng lõm bõm khiến xung quanh nổi lên vài vòng bọt khí, nhìn ánh mắt mong chờ ngu muội của anh chủ rồi phủi vây lững thững rời đi. Mạnh Dũng tự cười trừ trước hành động ngẫn ngờ của mình, tay gõ gõ vào mặt kính chào tạm biệt bể số ba chuẩn bị tiến tới bể tiếp theo, đáy mắt vẫn lưu lại thứ gì đó như nỗi thất vọng, để rồi nhận ra con Hắc Molly đang bơi ngược hướng với đồng đội, hoàn toàn không có ý hướng tới chỗ thức ăn được kẻ hầu người hạ bưng đến tận mồm.
Hướng ngược ở đây, là hướng ra ngoài cửa.
Nhâm Mạnh Dũng phóng tầm mắt theo đường bơi của con động vật có vây cốt chỉ vì tò mò, sau đó ước mình chưa từng làm vậy.
Đứng ngoài cửa là công dân ngổ ngáo có nét cười trẻ thơ, hai tay nghiêm chỉnh cầm chiếc áo thun đóng bụi hơn nửa thập kỷ của anh chủ đang đứng chết trân trong nhà, trên lưng đeo ba lô to sụ màu xám, bên hông là ống giấy vẽ được giắt cẩn thận.
Mạnh Dũng nhắm mắt, quai hàm đanh lại sặc một mùi bất lực.
Trời chợt đổ mùa đông giữa mùa hè.
Cậu họa sĩ xem chừng là người nhanh nhảu, nhiệt độ phòng đang dừng ở mức âm độ ngay lập tức được kéo lên ngang mức sự sống chỉ bằng một câu hỏi thăm lễ phép vô cùng, vì xen lẫn cả âm sắc địa phương nên càng thân thương hơn bao giờ hết.
"Tài đến trả áo cho anh Dũng đây, cho Tài vào nhà với."
Đáp lại cậu là một tiếng không dõng dạc được khuyếch đại bằng sự im ắng vốn đã khó nói được khơi mào từ trước, Nhâm Dũng mồm miệng không đỡ nổi chân tay, chỉ kịp chữa cháy một cách đầy chắp vá:
"Ý là, ở ngoài đây lựa cá đi.."
Tuấn Tài nghiêng đầu khó hiểu, dù sao cũng dúi cái áo thun bạc màu gần hết vào tay Mạnh Dũng. Anh chủ nhận lại đồ lại vô tình để ngón tay chàng họa sĩ sượt qua lòng bàn tay, biểu cảm hết sức không tự nhiên. Tuấn Tài thấy vậy lại nghĩ mình giặt áo chưa đủ kĩ nên làm phật lòng người ta, vội xua tay chống chế:
"Tài vò kĩ lắm đấy, đánh được cả cái vết dơ trên cổ áo của anh cơ, nhưng có là cách nào cũng không thẳng được như mới. Cho Tài xin lỗi."
Nhâm Mạnh Dũng dằn vặt lương tâm. Sao có thể nói cho cậu trai trước mặt rằng cái áo này anh đã định đem đi làm giẻ lau từ tận mấy hôm trước nhưng lại quên mất chứ. Anh chủ có thể thiếu thốn thứ gì chứ tự trọng tuyệt đối có thừa, ho nhẹ một tiếng rồi rất tự nhiên thở ra một câu:
"Thế đằng ấy cho tôi số điện thoại để đền bù đi."
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro