extra
Tôi luôn dạy đứa con gái nhỏ của mình rằng lớn lên hãy trở thành người mà con muốn, hãy sống theo những gì con lựa chọn và lấy người mà con yêu. Bởi sinh ra là con gái dưới một môi trường vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ đã là một loại tủi thân, lớn lên mà còn không được lựa chọn cho chính mình còn đau khổ đến mức nào. Tôi không khuyến khích con bé "nổi loạn" nhưng ít nhất ở lứa tuổi dậy thì, sẽ để cô công chúa nhỏ này thử sức với những điều mới lạ trong cuộc sống này. Bởi cuộc đời này chung quy lại là một bức tranh, lựa chọn màu sắc nào để vẽ lên chính mình không phải ngày một ngày hai là có thể. Vậy nên, tôi luôn mong rằng cô bé của tôi luôn có can đảm để khám phá và có dũng khí để lựa chọn một con đường riêng độc đáo. Vì mẹ của con bé đã sống hai phần ba cuộc đời với sự sắp đặt, là tôi đây.
Nếu bất kỳ ai hỏi về chuẩn mực của người phụ nữ Hà Nội, câu trả lời luôn là mẹ của tôi. Bà là nhà giáo tại một trường phổ thông, sáng ở trên bục giảng là một người nghiêm khắc với học trò, đến khi về nhà là một người con dâu hiền đức vẹn toàn, một người vợ hết mực vì chồng và một người mẹ chăm lo chu toàn cho các con. Cho tới tận bây giờ, hình bóng tà áo dài hằng ngày mẹ mặc đi đến trường vẫn luôn phảng phất trong tuổi thơ tôi, cái nhìn về quá khứ là một màu trắng tinh khôi của nét áo truyền thống và bụi trắng của phấn viết bảng. Mẹ tôi luôn quan niệm con gái là phải nữ công gia chánh, tài đức vẹn toàn. Con phố Mã Mây khi ấy "mất cân bằng giới tính", nam sáu đứa con trai mới nhìn ra được một hai đứa con gái, trong đó có tôi. Những buổi chiều chiều khi tiếng trẻ con nô đùa vang con phố cổ nhỏ này thì mẹ đứng cạnh chỉ tôi phân biệt từng loại gia vị mắm muối. Đích thân mẹ cầm tay tôi chỉ dạy nấu những món ăn truyền thống nhất, hướng dẫn tôi cách nấu cơm bằng bếp củi, phải căn phải chỉnh để cơm chín vừa tới, không được khê mà càng không được nhão. Mẹ tôi luôn theo sát từng bước nhỏ trong cuộc sống của tôi, bởi bà quan niệm rằng, là phụ nữ thì sẽ không được phạm sai lầm. Bởi mẹ là một nhà giáo, tôi là con gái lớn nên không thể để mẹ mất mặt nên mười hai năm đi học chưa từng một lần dám lơ là. Đến khi tôi vào đại học mẹ vẫn luôn để ý đến từng câu chữ trong sách vở, mỗi kỳ thi vẫn ý tứ nhắc nhở không được chểnh mảng. Mẹ tôi vẫn đi dạy, vẫn là những tà áo dài nhưng không chỉ đơn độc một sắc trắng tinh khôi. Những nếp nhăn trên mặt của mẹ ngày càng thấy rõ, đôi khi dùng đến một lớp phấn phủ lên nhưng cũng không thể che đi dấu vết của thời gian đi qua gương mặt người phụ nữ kiên cường ấy. Tôi từng bảo mẹ rằng hay là nghỉ ở nhà đi, chứ làm nghề gõ đầu trẻ đã gần cả cuộc đời rồi, mầm non mẹ nuôi cũng dần đang lớn rồi, những lứa sau nên thay người chăm bón thôi. Nhưng mẹ bảo, ngày nào tôi còn chưa thể thay mẹ đứng lên bục giảng ấy thì bà còn chưa thể an tâm nghỉ hưu. Một nhà giáo Văn học dành cả cuộc đời của mình truyền tải cái đẹp của con chữ đến từng học sinh, tôi từng nhìn mẹ mà lấy đó làm cái đích đến cho chính mình.
Từ bé đến lớn, tôi luôn xem lời của mẹ nói chính là mệnh lệnh không thể làm sai. Từ việc nhỏ trong nhà đến chuyện học hành và còn cả chuyện hôn nhân cả đời, cũng chưa từng một lần dám nói tiếng phản đối với mẹ. Với quan niệm xưa nay của người Việt, rằng bố mẹ chỉ muốn tốt cho con cái, vậy nên tôi chưa bao giờ nghi ngờ về những việc mẹ sắp xếp cho tôi. Chỉ là, cuộc hôn nhân này của tôi không chỉ mang đến sự cô độc kéo dài cho bản thân, mà con là nỗi day dứt cả hai người khác.
🍃
Vợ chồng tôi ngoại trừ đêm tân hôn với sự giám sát của bố mẹ ngoài phòng khách mới bất đắc dĩ chung phòng. Có những sự cố xảy ra ở đôi ba lần say rượu, công chúa nhỏ của tôi xuất hiện. Sự tồn tại của đứa con gái nhỏ này khiến tôi bớt cô độc trong chính căn nhà của mình, cũng khiến người chồng của tôi ở nhà thường xuyên hơn. Anh ấy không phải một người tệ bạc, là một người đàn ông chung thuỷ và nặng tình. Chỉ tiếc người khiến anh ấy ôm hình bóng cả đời, không phải tôi, chưa bao giờ là tôi. Hỏi rằng liệu tôi có yêu người đàn ông ở chung với một mái nhà với mình hơn mười năm qua hay không, thì tôi sẽ dùng từ trách nhiệm hơn là tình cảm. Chúng tôi luôn làm tròn trách nhiệm của những đứa con ngoan và hiếu thảo với cha mẹ hai bên, luôn làm tròn trách nhiệm của một người vợ và người chồng - không lăng nhăng không rượu chè không to tiếng hay đánh nhau, và còn cả trách nhiệm chu cấp, yêu thương và nuôi dưỡng đứa con gái nhỏ.
Phòng của chồng tôi treo rất nhiều tranh. Có một bức tranh treo ngay đầu giường - vị trí thường treo ảnh cưới - vẽ lại khung cảnh Hà Nội. Tôi nhận ra đây là khu tập thể E6 ở Quỳnh Mai, nơi nay đã đi vào rất nhiều các bức ảnh của những nhiếp ảnh gia có cơ hội ghé qua. Những nét vẽ của người hoạ sĩ chân thật đến kỳ lạ, như đang trần thuật lại câu chuyện cả đời thông qua từng mảng màu. Tôi vẫn còn nhớ khi bức tranh này được giao đến nhà, chồng tôi nhìn địa chỉ người nhận đã sững người mất một lúc. Cho đến khi cô con gái nhỏ kéo áo nhỏ giọng gọi, anh ấy mới hoàn hồn được. Chồng tôi mang bức tranh được bọc cẩn thận vào phòng riêng, khi đó tôi cũng không hiểu thứ được bọc kín kẽ kia là gì. Chỉ biết cả tối đến khuya hôm đó, cửa phòng chồng tôi khoá chặt, có những tiếng đổ vỡ vang lên, va chạm với sàn gỗ, nghe rõ trong không gian yên tĩnh của cả căn nhà. Đứa con gái nhỏ nép vào trong chăn, con bé đưa đôi mắt hoảng sợ nhìn tôi như tìm kiếm một câu trả lời có thể khiến nó an tâm. Nhưng công chúa à, mẹ cũng không thể biết được có chuyện gì xảy ra ở phòng bên cạnh nữa.
Ngày hôm sau, tôi vào lấy quần áo bẩn của anh ấy mang đi giặt mới nhìn được rõ bức tranh kia. Cũng không biết điều gì thu hút bước chân tôi tiến lại gần hơn để nhìn rõ từng đường nét, và nhìn rõ được cả dòng chữ ở góc tranh. "Mân. Mong anh cả đời không hạnh phúc", nếu là những người vợ khác có thể đã không kiềm được bình tĩnh mà đập nát đi bức tranh này vì dòng chữ kia. Nhưng tôi thì sao chứ? Cuộc hôn nhân này, chưa bao giờ từng tồn tại hai chữ hạnh phúc.
Từ ngày bắt đầu sống chung, tôi và chồng tôi luôn có những suy nghĩ và tâm tư khác nhau. Tôi từng mơ về bầu trời tự do, làm một nhà văn có thể thoả sức viết những con chữ của mình. Nhưng rồi lại chôn chân nơi bục giảng, tiếp nối nghề của mẹ tôi, ghi nhớ lời dặn "không được làm mẹ thất vọng" mà phấn đấu từng ngày. Còn chồng tôi, tôi luôn nhận ra anh ấy còn vương vấn rất nhiều về mối tình đầu. Có một lần tình cờ tôi nghe được anh ấy nói chuyện với bạn thân, tình đầu của anh ấy là con trai. Tôi tự bật cười cho chính bản thân mình, thì ra anh ấy cũng là một nạn nhân của định kiến xã hội này, cũng là "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy". Có lẽ điểm chung duy nhất của gia đình tôi, là chúng tôi đều phải cố sống thật tốt theo ý của bố mẹ.
🍃
Nhiều năm sau, khi cuộc hôn nhân của tôi được kéo dài bằng những chuỗi ngày im lặng giữa hai người thật lâu thì có một người tìm đến nhà, đúng hơn là tìm chồng tôi. Cậu ấy là Chí Thành, tôi có gặp một lần ở đám cưới. Tôi vẫn luôn ấn tượng cậu ấy, khi ai tham gia đám cười cũng đều vui cười niềm nở thì trong mắt của Chí Thành mang rất nhiều cảm xúc phức tạp. Cậu ấy về rất sớm, trước khi về chỉ vỗ vai chồng tôi, không nói thêm một lời. Và cũng từ cuộc trò chuyện giữa chồng tôi và Chí Thành, tôi mới biết được về mối tình đầu kia. Hẳn là, cậu ấy là người biết về câu chuyện tình đau lòng kia.
Từ thời điểm chồng tôi nhận được bức tranh kia, ngày ngày anh ấy càng ít nói hơn. Chỉ có tình thương dành cho cô con gái nhỏ thì vẫn chưa từng thay đổi, thật may vì con gái tôi vẫn luôn đầy đủ tình yêu. Cho đến ngày Chí Thành tìm đến nhà, cậu ấy nói một câu, và đó là điều khiến ngay cả tôi cũng không thể đứng vững.
"Đế Nỗ, anh Tại Mân ra đi rồi"
Sống bao nhiêu năm nay, tôi sao có thể không hiểu được ý nghĩa của từ ra đi này chứ? Chồng tôi tóm lấy chìa khoá xe, lao vụt ra khỏi nhà và không để lại một lời nào. Đây là lần đầu tiên, anh ấy ra khỏi nhà mà không tạm biệt con gái. Chí Thành vẫn giữ phép tắc cần thiết, chào tôi sau đó cũng nhanh chóng đuổi theo.
Mân, Tại Mân. Là tên của người ấy sao? Đó là một cái tên đẹp. Sau bao nhiêu năm, tôi cũng có cảm giác tò mò về người mà chồng tôi yêu bao năm nay. Máy tính của chồng tôi không cài mặt khẩu, từ xưa đến nay cũng chỉ có một mình anh ấy dùng, cài hay không cũng như nhau cả. Chỉ bằng một vài thao tác chuột, tôi cũng có thể dễ dàng tìm ra những gì về người ấy trong máy. Chồng tôi lưu trữ rất nhiều bức hình chụp khu E6, hẳn đây là nhà của Mân đi? Tôi tìm được một thư mục ảnh tốt nghiệp, bức hình nào chụp chồng tôi đều luôn có một bóng dáng của người con trai khác. Đó là một người có nụ cười rất đẹp, ánh mắt rất sáng. Tôi cũng tìm được những bức hình chụp tại rất nhiều buổi triển lãm, thì ra Mân là một hoạ sĩ đích thực. Một người con trai tài giỏi như vậy, sao lại có thể rời xa đời này sớm như vậy?
🍃
Chồng tôi từ tang lễ trở về nhà là chuyện của hai ngày hôm sau. Tôi không gọi một cuộc điện thoại nào, cũng như không nhắn tin. Nói sao bây giờ, cuộc hôn nhân này và sự sắp đặt ép buộc từ bố mẹ hai bên, chẳng phải là nguyên cớ gián tiếp đẩy người yêu của anh ấy vào con đường này sao? Tôi từng rất oán trách, rằng tại sao chỉ mình thân phụ nữ này của tôi phải chịu đựng hôn nhân không tình yêu đầy cô độc này. Nhưng, chồng tôi cũng chưa bao giờ hạnh phúc. Và Tại Mân, người con trai chẳng có tội tình gì. Ba chúng tôi, trong cái vòng luẩn quẩn tình yêu - gia đình - trách nhiệm này, kéo dài đến cả nửa đời người, liệu bao giờ mới chấm dứt được chứ?
Trở về từ tang lễ, chồng tôi như già đi cả chục tuổi chỉ trong hai ngày. Anh nói một câu xin lỗi, rồi lại tự khoá mình trong phòng riêng. Người anh không có mùi rượu, không mùi thuốc lá càng chẳng có mùi nước hoa nào. Chỉ là nét mặt đau khổ không giấu được kia, là cái tát mạnh nhất đối với tôi. Khi cánh cửa phòng Đế Nỗ khép lại, đôi chân tôi như mất đi sức lực mà ngã quỵ trên sàn nhà. Không rõ lý do nào, tôi bắt đầu khóc, không dừng được.
end.
hết thật sự rồi đó ạ...
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro