1.
“Cún ơi! Cún đi thật à?”
“Vâng, Cún đã đùa mẹ bao giờ đâu nào. Con đi một tí, không lâu sau con lại về ấy mà, mẹ đừng lo cho Cún nhé! Cún cũng đã lớn rồi, không để bản thân chịu khổ được đâu mà”
“Cún đi chi mà xa thế, Cún nhớ đồ ăn mẹ làm thì phải làm sao, xa thế làm sao mẹ gửi bún chả hay bánh mì ra cho Cún được?"
“Thì con luôn thèm đồ ăn mẹ nấu mà! Con đi không lâu đâu, con nhịn tới lúc về, mẹ làm cho con ăn thỏa thích nhé!”
Thế Nam dỗ mẹ xong rồi lại ngồi ngay ngắn, vừa nhanh tay xếp gọn thêm một cái áo cho vào túi, vừa kiểm tra lại danh sách những thứ cần thiết phải mang đi. Đồ đạc mà anh mang đi không nhiều, dù sao thì, cũng chỉ định đi một thời gian, rồi anh lại trở về bên mẹ, bên tô nước chấm bún chả chua ngọt thơm lừng, bên những cuốn nem ngay ngắn tỉ mẩn đong đầy tình yêu của mẹ, trở lại với đô thành nhộn nhịp và bộn bề. Nhưng thôi, giờ cứ đi đã, đi cho nhẹ lòng
Chuyện nói ngắn cũng không ngắn, nói dài cũng không dài. Thế Nam là giáo viên dạy toán ở một trường trung học trọng điểm của thành phố, được tuyển vào bằng năng lực. Nhưng tính tình cứng nhắc, sống nguyên tắc quá mức cần thiết, lại không biết khéo mồm khéo miệng lựa lời mà nói ra những lời ngọt ngào hợp ý người khác, nên không được đồng nghiệp yêu quý. Nam vốn luôn không quá quan tâm đến những việc ấy. Chỉ nghe nói là không được yêu quý, Thế Nam cũng không ngờ là họ không chỉ không yêu quý, mà là ghét mình hẳn hoi.
Vậy nên, như một lẽ thường tình mà mọi kẻ không thể hòa nhập với tập thể gặp phải, anh bị chơi xấu. Thế nào mà anh bị trưởng khoa phê bình thậm tệ ngay trước mặt tất cả mọi người vì những việc mà anh không hề làm, mặc dù ai cũng nhận thức được, và thực tiễn cũng đã chứng minh, rằng Nam là một người liêm chính và cực kì có năng lực.
Tới tận cái hôm bị đổ oan đó, Nam mới biết, cô đồng nghiệp cùng tuổi mà mình đã thẳng thắn phê bình cô ấy là thiếu năng lực trong cuộc họp tổ nhiều hôm trước, ba cô ấy làm bên Sở, mẹ là giảng viên đại học luật. Được "gửi" vào công tác cùng lượt với Nam, chứ không phải như Nam đã nói, là do cô “may mắn lắm mới đậu vào đây với cái năng lực đó”. Vậy mà Nam không hay, đáng lẽ ra Nam không nên vì lỡ nặng lời mà làm cô ấy buồn, để mà hôm Nam bị đổ oan, chính cô ấy là người chỉ điểm cho trưởng khoa về những sai lầm mà Nam chưa một lần mắc phải.
Đáng lẽ ra, vào cái ngày trưởng ban mới được điều từ sở về nhậm chức, Nam nên cố mà hiểu được mấy lời bóng gió, để kịp biếu tặng chút quà mọn cùng vài lời hay ý đẹp để bày tỏ lòng thành. Buồn thay, vì giờ Nam mới biết, anh ta "cơ to lắm", bố vợ anh ta làm một chức lớn ở Sở Nội vụ, cũng thuộc dạng được "gửi" vào tổ công tác của Nam.
Đáng lẽ ra, Nam nên tham gia vào những cuộc hội họp hoan ca mà vì ngại cảnh rượu bia chè chén nên anh lỡ nhiều lần để câu hẹn của đồng nghiệp phải bỏ ngỏ, anh càng không nên góp ý một cách quá thật thà rằng “Tôi thấy những buổi liên hoan như thế tốn kém quá, tốn cả thời gian, mà lại không đem lại giá trị gì cho tập thể, tôi có nhiều đề xuất khác....”. Để rồi những lời mời dở dang của đồng nghiệp lại chuyển hóa thành những lời thì thầm bàn tán, những cuộc tán gẫu không hồi kết trên bàn liên hoan, cuối cùng là những lời buộc tội theo đuôi lời đổ oan của cô giáo viên kia trong buổi báo cáo của khoa.
Có lẽ Nam đã lầm.
Nam là người trẻ, chỉ vừa ra trường đi làm được vài năm, tính tình thì quy tắc bảo thủ như một ông cụ, gặp phải chuyện như này thì sốc khỏi nói, bởi Nam cứ nghĩ rằng trong môi trường sư phạm thì ai cũng đề cao tính chính trực, công bình, ai cũng nghiêm túc công tác vì họ tôn trọng nhau và tôn trọng nghề nghiệp của mình, không bao giờ có thể có chuyện như thế xảy ra. Có lẽ Nam đã hiểu lầm về nghề nghiệp mà mình luôn đam mê từ nhỏ đến lớn như vật thật rồi.
Thật ra thì, Nam nghĩ như vậy cũng đúng, nhưng mà chỉ đúng với anh thôi. Vì Nam từ nhỏ đến lớn đã được dạy trở thành một người như thế - chính trực, thẳng thắn, không biết luồn cúi lụy quỳ, từ xưa đến nay, Nam chưa từng có cơ hội tiếp xúc với những "luật bất thành văn" mà không một ai dám bóc trần trong xã hội. Suốt quá trình trưởng thành, Nam sống trong môi trường như thế và chỉ kết bạn với những người giống anh. Nên như một lẽ thường tình, anh chưa có đủ kinh nghiệm và linh hoạt để đối mặt với nhiều loại người khác nhau, có tần số suy nghĩ khác nhau trong cuộc sống muôn vẻ muôn màu.
Dẫu biết rằng, như lời Hải - cậu bạn cùng lứa với Thế Nam đã an ủi anh rằng “Ở đâu cũng có người này người kia cả. Không thể trách ai trong số họ được. Có thể họ không biết rằng họ sai, thế thì không thể trách. Cũng có khi họ biết họ sai, nhưng có nhiều chuyện sai vì ai cũng làm, nên thành ra nó lại trở thành lẽ đương nhiên, vậy thì càng không thể trách. Thôi thì mỗi người có cái số của họ, mình không hợp với chỗ làm này thì chuyển chỗ làm khác thôi, ở đâu cũng có người này người kia mà”. Nam cũng không thể ngờ, ngoài kia vẫn tồn tại những con người như các đồng nghiệp cũ của anh - những người mang thứ tính xấu trâu buộc ghét trâu ăn, những người thu thập năng lượng sống của mình từ việc đặt điều và vùi dập người khác, chỉ có như thế mới thỏa mãn được cái tôi vút trời không muốn ai qua mặt của họ và năng lực thì chẳng bao giờ có khả năng vươn lên sánh ngang với cái tôi ấy.
Thế là Nam bị ganh ghét, bị chèn ép và bị khiển trách vô cớ trong sự ngỡ ngàng của anh, và trong sự ngỡ ngàng của những đồng nghiệp xấu tính, Thế Nam nộp đơn xin nghỉ việc, rời khỏi môi trường đó, ra ngoài khơi xa kia, trở thành một thầy giáo đảo.
“Thật ra chú không cần phải làm đến mức như thế. Hồi xưa anh cũng như chú, cũng không ai chịu nổi và không chịu nổi ai, nhưng từ từ rồi cũng quen. Đi làm thì va vấp nhiều thế cũng vất vả, cũng từng nghĩ đến thôi bỏ quách cho xong, không giao lưu đồng nghiệp gì nữa cho khỏe thân! Nhưng như thế thì tức là không nghĩ đến tương lai chú ạ! Vừa nghĩ đến bữa ăn tối thiếu đi mấy miếng gà rán thằng Bơ thằng Bắp thích, nghĩ đến ánh mắt của vợ khi nhìn chiếc xe cũ mà mỗi dịp ra đường thì cứ cọc cà cọc cạch, thấy cô ấy ngại ngùng vì trong tủ chỉ còn mấy chiếc váy cũ mèm để mặc khi hội họp với bạn bè, thì lại thấy chịu đánh đổi một tí cũng chẳng là gì, ở đâu chả có những chuyện như thế, họ như thế một thời gian rồi họ cũng sẽ quên, cũng sẽ nguôi ngoai ấy mà!”
Anh Duy là đồng nghiệp của Nam, là một trong những người hiếm hoi làm bạn với Nam, đứng ra hướng dẫn Nam từ những ngày đầu đi làm, và cũng chỉ có anh là người lựa chọn tin tưởng đứng về phía Nam khi xảy ra chuyện. Âu cũng vì tính anh thẳng thắn giống Nam, lại là người có kinh nghiệm (những con người có tính cách như Nam lại thường xuyên gặp phải những chuyện như thế!).
Duy nói xong, rít một hơi thuốc lá, làn khói dày gần như che đi đôi mắt anh, sắc trắng bàng bạc khói thuốc hòa lẫn với màu trắng của những sợi bạc nơi vầng trán, kết thành cả một vùng trời trắng xóa tâm tư.
“Nhưng thôi, còn trẻ, chưa có gia đình, đi này đi kia cho có trải nghiệm, rồi cơm áo gạo tiền sau cũng được, tuổi trẻ thì mới còn sức mà đi chứ nhỉ? Haha”.
Duy vừa nói vừa vỗ vai Nam, vỗ được vài cái, Duy như dần bị rút cạn sức lực, chỉ còn có thể đặt tay lên vai Nam mà khẽ xoa xoa, như thầm vỗ về một đứa trẻ vừa được vớt lên sau cơn chới với ngụp lặn giữa dòng đời chảy xiết. Cũng như đang vỗ về một bản thân khác mà Duy bắt gặp trong ánh mắt đơn độc trước mắt anh.
Nam không nói gì, chỉ lặng lẽ nhìn, nhìn khói thuốc trắng xóa theo hơi thở Duy bay lên, rồi vỡ tan ra thành từng li ti vụn mảnh chẳng thể thấy được bằng mắt thường, nhìn bờ sông êm đềm rì rào sóng vỗ, nhìn cả Duy, mắt anh hơi rũ, rồi có lẽ vì bị chói mắt bởi ánh đèn của một tòa nhà nào mới bật lên sáng bừng mà hơi nhíu lại, làm lộ ra mấy vết nhăn ở đuôi mắt. Sau, có lẽ vì mệt mỏi, cũng có thể vì những tâm tình khó mà nói ra của cuộc sống mưu sinh, Duy nhắm nghiền mắt, bàn tay vẫn khẽ xoa xoa bờ vai Nam nóng hổi.
Nam không gỡ tay Duy ra khỏi vai. Vũng rít một hơi thuốc, nhả ra, khói bay che tầm mắt, làm mờ đi cảnh vật nhìn từ bờ sông lộng gió nơi hai người ngồi sang bên kia thành phố phồn hoa - nơi ánh sáng âm thanh lộng lẫy tưng bừng, nơi những con người trầy trật, ngày ngày giành giật nhau từng ngụm không khí đã không còn mấy trong lành, từng miếng nắng nhỏ nhoi đã không còn mấy rạng rỡ, để có thể trọn vẹn mà làm người.
Nam bỏ phố, ra đảo.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro