Chương 1: Cống sĩ về làng

Gió ở phương xa lùa qua cánh ruộng hãy còn đang mơn mởn một màu xanh bát ngát, mấy ngọn lúa bị đẩy lắc lư như muốn cùng hoà nhịp vào không khí rộn rã của dân làng ngay lúc này.

Trên con đê trải dọc bên bờ nô nức một đoàn người đang hò reo inh ỏi.

- Loa loa loa, cậu cả nhà họ Lý về làng rồi đây, niềm tự hào của làng mình về tới rồi đây, loa loa loa!

Chẳng là đợt vừa rồi cậu cả nhà họ Lý vừa hay đủ tuổi tranh tài nên thầy bu đăng kí cho lên huyện dự thi Hương*. May mắn thế nào lại đỗ Cống sĩ, là người đầu tiên trong làng rước lấy cái danh hoành tráng này nên ai nấy cũng đều nở mặt nở mũi.

Tính ra bận trước cậu hai nhà ông La cũng có đăng kí tham gia ấy chứ, người trong nhà đi khắp nơi rêu rao "cậu hai Dân nhà tôi đợt này nhất định làm rạng danh làng mình". Ngỡ đâu cậu hai nhà họ sẽ đỗ đạt cao lắm, ấy thế mà cậu vừa thi xong tự nhiên nhà họ La biệt tăm đi đâu mất dạng, cơ ngơi để lại cho kẻ hầu trông nom, mất tích một mạch hơn cả năm trời, đầu năm nay mới vừa về lại làng nhỏ này thôi.

Bên ngoài dân chúng đổ xô ra đình mổ gà mổ trâu cười vui đến là rộn ràng, nhưng không khí trong nhà họ La lúc này lại nặng nề vô cùng.

- Dân ơi là Dân, mày nom tính làm sao thì tính đi, biệt tích gần cả hai năm nhưng giờ về đây bu vẫn thấy nhục nhã lắm! - Bà La ngồi trên chiếc giường gỗ, nhai trầu than vãn.

La Tại Dân đang ngồi trước cửa lau chùi lại đống đồ cổ cậu yêu thích, nghe bu nói mà đau hết cả đầu.

- Rêu rao là tự bu làm, cớ gì bây giờ lại trách con.

Bà La nghe con trai nói xong, lòng tưng tức nhưng chẳng thể cãi lại được gì.

Hai năm trước con trai bà cũng đăng kí tranh tài cùng các bậc hiền nhân, thằng bé ngay từ nhỏ đã thông minh xuất chúng nên bà rất tự tin nó sẽ đỗ cao. Thân làm bu thì làm sao có thể che giấu được cảm xúc mừng vui khi trông thấy con mình đĩnh đạc thành tài, thế cho nên bà hò reo khắp chốn rằng sau này con bà nhất định làm quan to, mang về chút vinh dự cho cái làng nghèo nàn này.

Cái ngày cậu Dân quay trở về, cả làng đổ ra đón cậu từ cổng. Không có một chút vẻ mừng vui chiến thắng nào, cậu Dân chỉ bảo cậu ấy đi đường xa mệt nhừ cả người nên muốn nhanh chóng đi ngủ. Hỏi thằng hầu theo sau mới biết, hôm ấy trong trường thi cậu hai nhà họ là người nổi bật nhất. Tướng tá nho nhã thư sinh, toát lên một khí chất bất phàm của bậc học tài, ấy vậy mà trống vừa gõ dứt, cậu Dân lăn ra ngủ luôn.

Giấy hãy còn trắng, mực hãy còn đầy, cậu hai Dân hôm sau cũng khăn gói về lại quê nhà.

Nhớ đến lại khiến cho lòng bà não nề biết bao nhiêu, bà đưa tay đỡ trán đi vào buồng trong nằm nghỉ.

Cậu Dân đang ngồi ngoài hiên tỉ mẩn ngắm nghía đống đồ của mình thì chợt trông thấy phía xa xuất hiện một dáng dấp cao lớn, tay hắn cầm đĩa xôi gà còn nóng hôi hổi.

- Thầy tôi bảo tôi mang sang cho nhà anh một ít, mừng tôi đỗ Cống sĩ.

Ngữ này, e là cậu Dân phải khấn từ nhà cậu ra tới đình rồi lại từ đình sang nhà người ta để bái lễ mất.

- Tôi thay mặt nhà tôi cảm ơn thầy cậu, cũng chúc mừng cậu vì đã đỗ to!

Cậu hai Dân mỉm cười đỡ lấy đĩa xôi từ tay hắn, cậu cả Lý nom theo dáng vẻ thanh thoát của ai kia mà bần thần cả người.

Sao mà nó khác xa với những gì bu hắn miêu tả đến thế?

Bu bảo thằng hai nhà họ La ngoài cái mặt trắng trẻo đẹp trai ra thì không được gì sất, tính tình cổ quái, bản chất lại xấu xa, ngày xưa mém tí nữa là đắp mồ chôn luôn chị cả của mình. Chưa tiếp xúc nên Lý Đế Nỗ không rõ thực hư thế nào về tính cách của La Tại Dân, nhưng nếu xấu xa cổ quái thật như bu nói thì e là người ta che giấu thật sự quá giỏi, hắn hoàn toàn không nhìn ra được chút nào.

Lý Đế Nỗ rất tự tin với con mắt nhìn người của mình, dù tuổi đời còn trẻ nhưng từ lâu hắn đã theo thầy ngao du khắp chốn, loại người nào cũng từng tiếp xúc qua.

Nhấc chân hạ chân, tất thảy đều không qua khỏi được tầm mắt của hắn.

Thấy người kia cứ thẩn thờ nhìn mình, cậu Dân có chút hơi xấu hổ.

- Nè, cậu ngơ ra cái gì đấy?

Lý Đế Nỗ hoàn hồn, nãy giờ mải mê trôi trong những dòng suy tư nên đã để bản thân biến thành dạng người gì trước mặt người ta hắn cũng không dám nghĩ.

- Xin lỗi, mạo phạm anh rồi. Xin phép anh tôi về!

Dứt câu, Lý Đế Nỗ xoay người. Men theo con đê nhỏ cạnh ruộng, hắn tìm một gốc cây to có cành lá sum suê ngồi xuống, nhắm mắt lại nghĩ ngợi. Hắn nghĩ về cái nơi mà mình đã lớn lên, từng bờ đê con suối nhỏ cho đến cánh đồng luôn ngào ngạt một mùi lúa chín. Đế Nỗ biết rõ khả năng của chính hắn, đỗ vào Tam bảng, với hắn chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi.

Nhưng một khi đã đỗ đạt cao thì phải nhận lệnh khăn gói đi nơi khác mà ở, thầy bu ở đây, tuổi thơ ở đây, liệu mai này hắn có thể vứt bỏ để ôm lấy giấc mộng của chính mình hay không?

Mái tóc bị gió thổi xốc lên, trên cao cây cối rì rào những giai điệu yên ả.

Mắt hướng ra những ngọn lúa đang cùng thiên nhiên tấu lên một bản nhạc tươi mát, đến mãi sau này Lý Đế Nỗ mới biết, hoá ra giấc mộng thật sự trong lòng mình lại nằm ở nơi nhỏ bé này.

./.

Ba ngày sau, sân đình vẫn còn rộn ràng lắm.

Từ ngôi làng nhỏ bé chẳng mấy ai biết, nay lại lòi ra một Cống sĩ, tương lai còn có thể là Hội nguyên rồi Trạng nguyên nữa cũng không chừng, làng trên làng dưới cũng háo hức cùng sang góp vui, bày ra ánh mắt ngưỡng mộ trước người dân làng họ.

- Ôi chao, đẻ ra một người con tài giỏi thế này quả là phúc phần của người làm cha làm mẹ. - Bà thím áo đỏ không ngừng xuýt xoa.

- Phải nói chứ thằng Đông nhà tôi mà được một phần như cậu Lý thì đời này tôi không dám mong ngóng gì hơn nữa! - Bà thím áo xanh quay sang nhìn con trai mà không thấy bèn ngao ngán buôn chuyện.

Mà thằng Đông con trai bà lúc này đang ở bờ sông bên cạnh đình, miệng ngậm một cọng cỏ dại, quay sang thằng bạn than vãn.

- Dân, phải mày đỗ tao bị so sánh thì tao không tức, đằng này thằng kia tao cứ thấy tưng tức kiểu gì.

Chả thế, thằng Dân từ nhỏ đã thông minh hơn người, được so sánh với một người như vậy Đông cũng cảm thấy bản thân mình hơi bị oai luôn đấy.

- Người ta tuổi trẻ tài cao, ai như bọn mình mười tám đến nơi vẫn chưa làm nên trò trống gì. - Cậu Dân lượm hòn đá nhỏ ném xuống sông, giọng nói vang lên như khúc ca đượm buồn.

Đông trông cái bộ dạng bất cần của thằng bạn thân mà nản, lắc lắc đầu.

- Chuyện gì qua rồi thì mày cứ để nó trôi qua, cứ phải nhớ mãi làm gì cho đau đầu.

La Tại Dân ngó theo những gợn sóng nhỏ đang dần tan trên mặt nước, cậu mỉm cười.

Nói nghe thì đơn giản, nhưng nếu làm sai chuyện gì cũng có thể phủi đi một cách dễ dàng như vậy thì con người ta hà cớ chi cứ mãi dằn vặt tự đem đến khổ tâm cho chính mình? Hà cớ chi hằng đêm cậu cứ mãi giật mình thức giấc, ám ảnh đến độ không thể nào ngủ ngon. Lâu dần thành quen, cậu bắt đầu không ngủ được nữa, có mấy đêm cố lắm mới chợp mắt được một chốc.

- Dân Dân... Nhìn kìa nhìn kìa...

Nghe thằng Đông gọi, cậu Dân quay mặt sang nhìn, bóng dáng thướt tha kiều diễm của cô gái nọ đập thẳng vào trong mắt.

Ngắm nhìn cái nét thanh thoát như áng mây đang trôi lượn giữa biển trời xanh ngắt kia, cậu Dân không kiềm được lòng mình cảm thán một câu.

- Giống ma quá!

*Thi Hương là một khoa thi liên tỉnh, theo lệ 3 năm tổ chức 1 lần về nho học do triều đình phong kiến tổ chức để tuyển chọn người có tài, học rộng và bổ nhiệm làm quan. Sau khi đỗ Cống sĩ thì năm sau mới được dự thi kỳ thi cao cấp hơn là thi Hội, và nếu đậu thi Hội sẽ vào xếp hạng Tiến sĩ khi thi Đình.

Hội nguyên là thứ hạng cao nhất của khoa thi Hội.

Trạng nguyên là thứ hạng cao nhất của khoa thi Đình, theo sau còn có nhì Bảng nhãn và ba là Thám hoa.

Vì mình không tìm được bao nhiêu tuổi mới có thể dự thi Hương nên mình tự cho là mười lăm nha, tức là trong truyện La Tại Dân hơn Lý Đế Nỗ ba tuổi.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro