"Nhưng không chết người trai khói lửa, mà chết người gái nhỏ hậu phương"

*Chương này lý giải lý do vì sao Lê cưới vợ và lý do Lê ghét Sơn. Kể về quá khứ của Lê nên không có Sơn xuất hiện ở đây.

*
*  *

Năm mẹ Lê mất, cậu chào bà dì để đi lên trấn huyện ly ở đợ. Cái phận tối tăm mặt mũi của Lê bắt đầu từ đấy. Sáng sớm gà còn chưa gáy, Lê dắt trâu đi cày những đường thẳng tắp và sâu hoắm trên cánh bãi sông Lam. Rồi chăn trâu, cắt cỏ, giặt quần áo, chặt củi,... chẳng việc nào là Lê chưa từng làm qua trong những năm tháng ấy.

Hay lam hay làm là thế, nhưng làm mãi Lê cũng chẳng khấm khá lên được tí nào. Cái thiếu ăn thiếu mặc cứ bám rịt lấy cậu, làm lắm lúc cậu phát bực, thành thử ra lâu dần Lê đâm ghét mấy đứa trai phố trắng trẻo lại chẳng quen làm việc tay chân. Cứ ngẫm về nó, trong Lê như trào lên một nỗi tủi thân và ấm ức khó tả, như thể cái đời lam lũ không biết đến khi nào mới kết thúc này đã hằn lên cậu nỗi ghen ghét đối với những kẻ đầy mơ mộng, những kẻ may mắn không phải chịu cảnh mồ côi hay nghèo đói như cậu.

Khi nước sông Lam dâng lên đỏ quạch, chiến sự hai đầu giới tuyến ngày càng ác liệt thì cũng là năm Việt Minh hành quân qua làng Lê. Làng cậu ai nấy cũng lấy làm vui mừng lắm, bởi bộ đội đến là những cánh thư tay từ người thân, người yêu cũng trôi theo đoàn người mà về. Riêng mỗi Lê, trong dạ cứ dâng lên một nỗi khấp khởi mà bồn chồn, háo hức. Năm nay Lê đã đủ tuổi nhập ngũ. Lê muốn đôi tay chai sạn rám nắng này vác súng như mọi người, muốn ra trận đánh đuổi lũ cướp nước như bao anh bao chú.

Lê phải đi cho bằng được. Chính cái ý nghĩ ấy làm cho đáy lòng Lê như một đứa trẻ chờ mẹ đi chợ về, vừa chộn rộn lại vừa vui sướng, hân hoan.

Lê nói với bà dì về cái ý nghĩ ấy của mình. Lê đã bỏ đi ở mấy năm nay mà về nhà làm lụng, sáng thì đi cày thuê cuốc mướn, chiều lại nhặt củi, ai thuê làm gì thì làm nấy. Bà dì nghe xong thì im lặng, cứ chốc chốc lại thở dài những tiếng nghe nhẹ thật nhẹ. Lê biết bà thương cho cái số Lê mồ côi cha mẹ lại vất vả từ bé, sống ngần ấy năm trên đời chưa ngày nào an nhàn. Tình hình hai bên vĩ tuyến 17 ngày càng ác liệt, bà sợ Lê đi không có ngày về. Nhưng việc này Lê đã quyết, bà biết tính Lê, một khi đã quyết đi đến cùng thì sức chín trâu hai hổ cũng chẳng kéo lại được.

Cái gió hè oi ả cuốn theo mùi rơm rạ, thóc lúa phơi lùa vào nhà, lay ngọn nến trên bàn làm cái bóng Lê và bà dì đổ trên tường run thành những vệt lạ kỳ. Bà dì im lặng, đôi mắt đã hơi đục nhìn đăm đăm vào góc nhà, nơi ảnh của bố mẹ Lê nằm lẳng lặng trên bàn thờ gỗ mít đã cũ. Ngưng bặt một lúc, bà cất tiếng:

- Thế còn vợ con thì sao, mi tính thế nào? Có tính cưới vợ sinh con để nhỡ có gì run rủi còn có người hương khói cho bố mẹ mi không? Mà mi lấy được một cô vợ, bố mẹ mi ở dưới đấy cũng được yên lòng.

Lê hơi sững lại. Chưa phải Lê chưa bao giờ nghĩ đến việc lấy vợ sinh con, nhưng nhìn lại phận mình nghèo hèn, Lê không muốn cô nào phải theo cậu chịu khổ. Thế là cứ năm lần bảy lượt mãi, bao mối tốt mối đẹp đã qua tay, các cô gái bằng tuổi Lê đã lấy chồng nhưng cậu vẫn cứ một mình.

Lê đã ghi danh chờ ngày lên đường nhập ngũ, cậu không nỡ để bà dì ở nhà một mình không ai nương tựa.

Ừ nhỉ, giờ mà có cô vợ thì cũng đỡ biết mấy. Nhưng làm thế có ác với người ta quá không? Mới lấy chồng mà chồng đi lính không biết ngày nào về, chẳng ai đỡ đần việc đồng áng, lại gánh thêm một bà dì tóc đã hai màu. Nào có cô nào chịu, mà cậu cũng nào có nỡ để người ta phải chịu khổ thay cậu. Nghĩ vậy, Lê vội tiếp lời:

- Dì ơi, giờ nhà mình nghèo lại chẳng có của để dành, con đi lính biết ngày nào về, cưới xin vào lại làm khổ người ta.

Bà dì của Lê lại thở dài, dạm bước đến bên bàn thờ thắp thêm ngọn đèn cho sáng. Ánh đèn cam ấm áp bùng lên, rọi hắt lên bốn bức tường. Bà lại bước về phía Lê mà nói:

- Mi biết con bé Thoa chứ? Cái con bé cuối xóm mình đấy. Khổ thân nó, mới 15 mà bố mẹ nợ nần rồi mất cả, giờ nó chẳng có nhà cũng chẳng có ruộng mà cấy cày. Tau đang bàn với cô nó hay là gả nó sang bên này cho mi, coi như cho nó một mái nhà. Các chị nó đi lấy chồng hết rồi, giờ nó cũng chẳng dựa đâu cho được. Con bé cũng ưng rồi, nếu mi đồng ý thì mai tau báo lại nhà bên đấy, hai hôm nữa tau với mi sang hỏi cưới nó.

Lê thoáng sững sờ. Một phần cậu lúng túng vì sự xảy ra quá nhanh, một phần trong cậu dấy lên nỗi thương cảm cho số phận người con gái mà số lần cậu nói chuyện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cậu như thấy mình năm mười tuổi ở cái người mà sắp sửa thành vợ cậu kia. Việc cưới xin trước nay là bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy, mà nay bố mẹ cậu mất rồi nên theo lý vẫn nên để bà dì lo. Cậu vân vê tà áo nâu đã sờn, chậm rãi đáp:

- Ý dì quyết sao thì con nghe vậy, thôi thì coi như giúp em nó có cái nhà để che nắng che mưa.

Và thế là Lê thành chồng người ta, nhanh đến nỗi cậu còn chẳng kịp cảm thấy có gì khác lạ trong trái tim mình. Hôm ấy Thoa theo Lê về, trên vai chỉ quẩy một chiếc đòn gánh và hai cái thúng rách, trong đó là tất cả quần áo, đồ đạc của cô. Nhìn ít ỏi đến là đáng thương.
Lúc đi qua chợ, Lê níu tay Thoa ý bảo dừng lại, rồi Lê bỏ tiền túi ra mua cho Thoa một cân dưa lê, một bộ kim chỉ cùng bộ quần áo mới. Từ đó, hai người về một nhà, mái nhà ba gian lợp lá mía nhà Lê cũng có thêm bàn tay của một người phụ nữ.

Lê chưa yêu ai bao giờ, và cũng chẳng có ý kéo thêm ai khổ cùng mình. Thế nên hai vợ chồng cũng nửa ngại ngùng, nửa giữ kẽ giữa những kẻ xa lạ bị số phận lạ lùng đưa đẩy về cùng một mái nhà. Chẳng ai bảo ai nhưng cứ mỗi đêm, Lê lại tự giác trải chiếu nằm trên sàn đất để nhường giường cho Thoa nằm.

Tính từ ngày Thoa về bên này với Lê thì còn một tuần nữa là đến lúc Lê lên đường. Một tuần đó, chẳng lúc nào Lê ngơi tay. Lê lợp lại lá mía cho căn nhà, chẻ củi chất đầy quanh hàng rào, gánh nước đầy lu trong sân rồi lại đắp đất lại tường bếp. Cứ thế luôn tay luôn chân cho đến ngày cậu lên đường tạm biệt dòng sông Lam quê hương.

-------

*Tiêu đề trích từ lời bài hát "Chuyện hoa sim"- nhạc phản chiến của nhạc sĩ Gia Tiến.

*Chi tiết qua chợ mua kim chỉ lấy cảm hứng từ truyện ngắn "Vợ Nhặt" của nhà văn Kim Lân. Vào ngày Thị theo Tràng về, khi đi ngang qua chợ, Tràng đã bỏ tiền ra mua 2 hào dầu để thắp sáng căn phòng đêm tân hôn.

*Note: những dòng in nghiêng là những dòng mình trích nguyên văn ra từ truyện hoặc diễn đạt lại ý mà nhà văn Nguyễn Minh Châu viết trong tác phẩm gốc.

*****
TRUYỆN NGẮN GỐC KHÔNG SE, KHÔNG SE, KHÔNG SE. ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẮC LẠI 3 LẦN. Mình sẽ để link truyện gốc dưới comment, ai muốn tìm đọc có thể đọc từ trang 39.

Tôi ship Sơn x Lê, Sơn on top, giai Hà Nội học thức trắng trẻo siêu cao ráo on top. Nếu switch OTP của các bác thì đây là lời cảnh báo để các bác thoát vội nhee.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro