Chương 60 - Mảnh kí ức thứ hai

Thứ 6, 3/15/20XX.

Đà Lạt.

Sau bốn tiết học phụ đạo ôn thi THPTQG vất vả thì cuối cùng An đã có thể nằm trong cái hộp của mình để nghỉ ngơi.

Dư âm của hôm tối thứ tư vẫn chưa dứt. Nó vẫn cảm thấy uể oải so với mọi ngày, và nó đã xin nghỉ hai tiết cuối vào hôm nay để chuẩn bị sức cho buổi chiều phụ đạo bốn tiết liên tục. Và chính bản thân An cũng đồ chừng là Bình đang ngủ li bì tại nhà, bởi lẽ hôm nay là ngày ôn thi tốt nghiệp dành cho những người chọn bài thi khoa học tự nhiên, và điều đó đồng nghĩa với việc những đứa thi xã hội như Bình sẽ được nghỉ.

Nói về chuyện hôm thứ tư thì, sau buổi chiều tối hôm đó thì lúc chín giờ tối hơn, họ đã có một cuộc trò chuyện nho nhỏ.

K: "Mọi người đã ăn tối chưa?"

K: "Xem chúng ta đã thu thập được gì này."

Đăng Khoa đã gửi một ảnh.

TN: "Một cái hộp?"

HA: "Trong đó chứa gì vậy?"

K: "Đợi tí..."

Đăng Khoa đã gửi một ảnh.

TN: "Huy chương vàng Olympic năm 1976 à?"

K: "Đúng thế."

K: "Đây chính là thành tích đầu tiên của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa của chúng ta."

NA: "Vẻ như đó là một trong những thứ mà hắn ta tự hào..."

NA: "Thực tế ra thì hắn cũng chỉ có những cái huy chương, những tấm bằng tiến sĩ đào tạo siêu tốc là những thứ tự hào thôi."

K: "Khoan đã..."

K: "Tao còn tìm thấy thứ này nữa nè."

Đăng Khoa đã gửi một ảnh.

NA: "Là một bằng tiến sĩ... của chính hắn."

HA: "Tấm bằng ấy có hẳn cả con dấu và chữ kí của chính hắn luôn."

NA: "Đúng rồi, hồi cuối năm ngoái ông Nhạ còn chơi lớn tự phong hàm tiến sĩ cho chính mình cơ mà."

Thái: "Đúng là cộng sản có khác."

Thái: "Tao còn nhớ là lão Lê Duẩn đã từng nói là họ chỉ cần phê bình và tự phê bình là đủ."

Thái: "Và thậm chí họ tự thổi phồng chính họ cũng xuất phát từ câu nói này."

NA: "Ừ."

H: "Lão Nhạ tự phong cho mình hàm tiến sĩ cơ à?"

H: "Một sự tự bôi bác bản thân hoàn hảo mà không mấy ai nhận ra."

Thái: "Hm?"

H: "Thực tế ra câu nói đó của Lê Duẩn cũng đúng với tình trạng hiện nay thôi."

H: "Đảng viên đảng cộng sản khi phê bình lẫn nhau thì họ cũng chỉ nhắm vào các mặt tốt của họ mà nhận xét và đánh giá, chứ hầu như chẳng mấy khi đánh giá mặt xấu cả. Nếu có thì cũng chỉ làm qua loa đại khái rồi bỏ qua, thế thôi."

H: "Thái độ của họ khi báo cáo về điểm yếu của mình cho nhau chẳng khác nào thái độ của những đứa học sinh không thích làm bài tập về nhà vậy. Cách lứa học sinh mấy đứa nhìn nhận và suy nghĩ về bài tập về nhà ra sao thì đảng viên đa phần họ sẽ nhìn nhận điểm yếu của họ như vậy."

Thái: "Đó chính là lý do họ không dám đối mặt với sự thật tàn nhẫn về đất nước này."

Thái: "Tham nhũng tràn lan, ý thức đạo đức xuống cấp khiến người ta chẳng còn tin tưởng lẫn nhau..."

Thái: "Thậm chí mê tín dị đoan cũng đầy."

NA: "Mặc dù đang là kỉ nguyên 4.0 nhưng mà cách người Việt Nam quốc nội như chúng ta thì ứng xử chẳng khác nào thời 1.0, thậm chí là 0.4 cũng chẳng chừng."

H: "Có một điều mà có thể anh sẽ mãi mãi không bao giờ hiểu."

H: "Triết học Marx-Lenin vốn là thứ chủ nghĩa đả kích tôn giáo và càng tuyên truyền chủ nghĩa này bao nhiêu thì người dân lại càng đi chùa và đi nhà thờ nhiều bấy nhiêu, thậm chí còn hơn thế nữa."

H: "Chủ nghĩa Marx vốn cho rằng tôn giáo là thuốc phiện của xã hội mà."

NA: "Đó là một trong những nghịch lý lớn nhất của xã hội ta,"

NA: "Bên cạnh cái nghịch lý là tại sao người ta đi chùa nhiều mà tội ác vẫn cứ đầy rẫy, khó có thể nào diệt trừ hết được."

NA: "Những nghịch lý ấy đan xen vào nhau rối như tơ vò, đến nỗi nhiều khi cả sáu bộ não đang ngồi lại đây bàn bạc với nhau cũng chẳng thể nào giải thích được."

Đức Thái đã thêm Grace Phạm vào cuộc trò chuyện.

Thái: "Chúng ta có thêm bạn mới đấy."

O: [vẫy tay]

H: "Mọi người ở đây đang bàn một số chuyện phức tạp, thông cảm nha em gái."

O: "Dạ." 

K: "Ngày hôm nay của chị thế nào?"

O: "Bình thường thôi."

O: "Chị hỏi chị của em về chuyện của em, và chị ấy kể nhiều lắm."

O: "Em nghe nói chị có năng khiếu nhiếp ảnh phải không?"

K: "Dạ phải."

O: "Bữa nào gặp nhau mình đi chơi nha."

K: "Dạ."

HA: "Khoa sướng nha, được bạn của chị gái dẫn đi chơi luôn cơ ạ!"

K: "Chuyện ấy bình thường thế thôi."

K: "Thôi, dù sao thì cũng sắp sửa đến giờ đi ngủ rồi."

K: "Mọi người ngủ ngon."

Ngay khi vừa ngả lưng trên chiếc giường đơn quen thuộc thì ý tưởng chạy lên hàng ăn vặt lại bừng lên trong đầu An. Nó bật dậy, rút ra một ít tiền trong túi quần tây vừa mới thay ra của mình và đi lên trên hàng ăn vặt đã được thuê từ một phần mặt bằng của đất nhà mình.

Người đã thuê phần mặt bằng đó là chị My, chị ấy sống ở khá gần đây, mỗi tội không biết được là chính xác là ở phường nào, xóm nào trong số mười hai phường và cả hàng trăm hàng ngàn xóm trong phạm vi thành phố này. Chị năm nay ba mươi lăm tuổi - bằng tuổi cậu út của An, đã có chồng và một đứa cháu còn đang học tiểu học tại trường Lê Quý Đôn. Sở dĩ An gọi chị My bằng chị vì chị ấy gọi An bằng em, và chính bản thân nó cũng cảm thấy xưng hô chị - em gần gũi hơn so với cách xưng hô cô - cháu đúng nghĩa. Mà phải công nhận, ba mươi lăm tuổi mà trông chị như chỉ vừa mới bước sang năm thứ ba đại học. Tóc chị nhuộm màu nâu đỏ có pha lẫn màu chàm và tím, khuôn mặt trông rất trẻ và chưa có dấu hiệu thời gian. Chiều cao vừa phải, cao ngang bằng An; thân hình đầy đặn và không hề dư mỡ tí nào.

An không nhớ chị đã xuất hiện ở đây từ lúc nào. Chỉ nhớ là vào một ngày kế cuối tháng mười một năm ngoái, cứ vào lúc tan học về nhà thì An đã thấy đám học sinh trường Phan Chu Trinh tụ tập như kiến ở phần mặt bằng to gấp hai lần phòng riêng của An nằm lấn một chút ra vỉa hè. Cái bảng hiệu đặt ngoài phố, phía trên đặt hai chữ "My My" và bên dưới là cái thực đơn bao gồm đủ loại món ăn vặt trên đời: xắp xắp, bánh tráng trộn, các món chiên, trà sữa, nước giải khát đủ màu đủ vị, các loại cá viên chiên, nui xào, thậm chí là còn cả bánh bạch tuộc nữa (một loại bánh xuất xứ từ Nhật, có tên gọi là takoyaki, là bánh bột chiên nhồi trong đó là thịt bạch tuộc, ăn kèm với tương ớt). Còn nhớ lần đầu nó thấy quán ăn vặt này, thay vì tự hỏi tại sao nó lại xuất hiện ở đây thì trong đầu nó đã ám ảnh một nụ cười "toả nắng" khác, không kém gì nụ cười của Bình. Còn nhớ lúc An ngoảnh đầu vào trong quán lúc chỉ còn vài bước nữa là về đến nhà, thì bất ngờ hai đôi mắt bắt gặp nhau, và đó cũng chính là lúc chị My mỉm cười chào An buổi trưa. Và kể từ đó, An cũng thường xuyên ngoảnh đầu vào đó nhiều hơn, thỉnh thoảng cậu cũng lên đó để thưởng thức món takoyaki, và chỉ có món takoyaki mà thôi.

"Lại lên đây chơi nữa hả em?", chị My chào đón An bằng câu nói quen thuộc mỗi khi An lên đây.

"Dạ.", An vẫn chỉ vào những viên takoyaki trong chiếc hộp nhựa lớn đựng nguyên liệu làm món ăn. "Vẫn là takoyaki bình thường nha chị."

"OK. Có ngay!", chị lập tức lấy ra từ trong chiếc hộp năm viên bánh, đặt trên chiếc khay chuyên dùng để nướng những loại bánh dạng viên có đường kính năm, sáu phân.

Bánh trên khay từ từ nóng lên rồi chín. Khi bánh chín, bề mặt viên bánh giòn nhưng bên trong vẫn mềm. Và đương nhiên, bánh vẫn ngon như mọi khi.

"Em mới đi học về à?"

"Dạ. Em về cất cái cặp rồi lên đây.", An đáp.

Ngoài đường.

Một chiếc xe ô tô màu đen đang lao tới với một tốc độ khủng khiếp.

Cả An và chị My đều nghe được tiếng động cơ xe từ phía xa, và chị My đi ra để xem thử.

"Đừng có ra đó! Nguy hiểm lắm!", An kêu lên. Từ đằng sau cái cây thông lớn trồng ngay một bên lối vào quán, nó thấy chiếc xe sắp sửa lao thẳng vào cái cây trồng trước quán mình. Nghe lời An, chị bèn chạy vào ngay trở lại.

RẦM... CHOANG!

Chiếc xe đâm sầm vào một chiếc xe máy và lò nướng vịt quay đậu ngay trước cái cây, và chiếc ô tô đã nghiền nát chiếc xe máy trước khi đâm vào cây. An lập tức chạy ra hiện trường, và phát hiện kính trước của xe đã bị bể, một bên gương chiếu hậu đã gãy, còn cửa kính hai bên hầu như không bị gì. Mở cửa xe ở ghế tài xế, An phát hiện người lái xe đã chết cách đây chưa đầy một phút, có triệu chứng giống y hệt như triệu chứng của đột quỵ: một tay cầm vô lăng lái, tay còn lại ôm chặt ngực trái, mắt mở to trợn ngược, và điều lạ là có một chất lỏng màu đen trào ra từ miệng nạn nhân. Trên dây đeo an toàn có gắn một mảnh giấy:

YOU. ARE. GOING. TO. BE. THE. ONE. WHO. MUST. BEGONE.

"Có chuyện gì xảy ra vậy?", những người khách trong quán cà phê của An cùng những người bắt đầu ùa ra và chứng kiến chiếc xe.

"Có ai đó gọi xe cấp cứu đi!"

"Vô ích thôi. Đã quá trễ rồi.", An đáp lại tiếng người yêu cầu gọi xe cấp cứu kia với vẻ mặt nghiêm trọng. "Nạn nhân đã chết trước khi vụ tai nạn này xảy ra."

"Mày sắp sửa tới số rồi là sao?", An nhìn vào mảnh giấy mà mặt có chữ hướng về phía vô lăng lái. "Vấn đề là, tại sao lại xuất hiện mảnh giấy này? Rốt cục là chuyện gì đã xảy ra trước khi xe này đâm vào đây vậy?"

Cảnh sát giao thông đã nhanh chóng tới hiện trường, và một trong số họ đã chất vấn An vì An là người đầu tiên chạy đến hiện trường để xem xét. Và rồi họ đi đến kết luận là nạn nhân chết vì lên cơn đột quỵ khi đang đạp chân ga và xe đang chạy tới ngã ba đường Hùng Vương và Trần Quý Cáp. Còn mảnh giấy kia thì không thể giải thích được nguồn gốc của nó.

Phần về An, tối hôm đó ăn cơm xong, nó bị ám ảnh mạnh mẽ bởi hình ảnh chất dịch màu đen chảy ra từ miệng nạn nhân nên nó không thể nào học bài được. Nó bèn nhắn tin cho Khoa kể lại vụ việc chiều nay.

K: "Một vụ tai nạn?"

NA: "Đúng thế."

NA: "Nạn nhân đã bị đột quỵ chết chỉ chưa đầy một phút trước khi xe đâm thẳng vào gốc cây trước nhà tao."

NA: "Và điều kì lạ là, có một mảnh giấy được gắn trên dây đeo an toàn của nạn nhân."

NA: "Nếu tao nhớ không lầm thì đó là dòng chữ được viết bằng tiếng Anh, dịch ra là 'mày sắp sửa tới số rồi'. Và tao chẳng thể hiểu nổi tại sao lại có mảnh giấy đó."

K: "Nếu như chỉ dựa vào những chứng cứ trên thì chẳng thể nào kết luận được đây là một ca bệnh đột quỵ bình thường hay là một vụ mưu sát..."

"Mưu sát sao...?", trong đầu An loé lên một tia chớp. Nó tạm thời gác lại cuộc trò chuyện, lục tìm những bài báo nó đã lưu về những ca đột quỵ giống như ca này. Và đúng như nó đã tìm thấy, hai vụ trước, một vụ tài xế ở Đà Nẵng (xem chương 9), một vụ có liên quan đến nhà hoạt động nhân quyền bị giam trong tù (xem chương 42), cả hai nạn nhân đều có triệu chứng giống y hệt nạn nhân này. Và hai nạn nhân đó đều có một mảnh giấy cảnh báo được viết bằng chính nét chữ của nạn nhân (ở cả hai vụ này, các mảnh giấy chỉ được cảnh sát và quản giáo tìm thấy trong túi áo và dưới gối của nạn nhân nên không được đề cập đến). Điều đó đã dẫn đến kết luận rằng ba vụ án này có nhiều điểm tương đồng với nhau. Tuy nhiên, nhiêu đó thôi cũng chưa đủ chứng minh rằng đây là một vụ mưu sát, bởi lẽ những vụ này có quá nhiều điều khó hiểu.

Thứ 7, 3/16/20XX.

Đà Nẵng.

"CLGT?", Ngọc giật mình khi nghe chuyện từ Khoa. "Một vụ đột quỵ kiêm tai nạn giao thông xảy ra ngay trước cửa nhà thằng An à?"

"Đúng thế.", Khoa đang rửa tay sau khi đi vệ sinh vào đầu giờ. "Nó nói với tao rằng nó đã tìm được điểm chung giữa vụ này với hai vụ đột quỵ trước. Chắc mày còn nhớ vụ tai nạn giao thông hồi đầu năm chứ?"

"Nhớ.", Ngọc cố nhớ lại hình ảnh người lái xe có những biểu hiện của đột quỵ. "Tức là nạn nhân lần này cũng có chất dịch lỏng màu đen trào ra từ miệng chứ gì?"

"Chưa hết đâu.", Khoa tiếp. "Trên người nạn nhân còn tìm thấy một mảnh giấy có nội dung là mày sắp sửa tới số rồi. Tờ giấy đó được kẹp trên dây đeo an toàn, trước ngực nạn nhân."

"Phải rồi...", Ngọc lại nhớ tiếp một chuyện gì đó. "...Đó là những mảnh giấy được tìm thấy trên xe và trong phòng giam của các nạn nhân! Tao đã hiểu tại sao thằng An lại khẳng định chúng có dính líu với nhau rồi. Tất cả các manh mối của vụ này đều liên quan chặt chẽ với tất cả manh mối của vụ án kia, và nó tạo thành một chuỗi vụ án mà nhìn bề ngoài không khác gì một vụ đột quỵ."

"Tụi mày đang nói chuyện gì thế?"

Là thằng Thắng, bí thư của lớp hai đứa nó. Hắn cũng chui vào nhà vệ sinh giống như Ngọc và Khoa.

"À, uhm... không có gì. Tán gẫu tí có sao đâu."

"Nếu tụi mày đã nói như vậy thì không có gì đâu. Chẳng qua là tao chỉ kịp loáng thoáng nghe thôi. Nhanh lên, sắp vào tiết rồi đấy."

"Ừ."

Chiều nay Khoa và Oanh đi dạo ở ngoài biển. Trước khi đi, Khoa không quên lời dặn của Oanh là mang theo máy ảnh và đồ tắm đi.

Phải công nhận một điều là thân hình của Oanh khá cao ráo, khác so với khi ở trong Metaverse, bởi vì trong bộ đồ ấy chị đang đội mũ trùm của áo choàng ngoài nên trông chị thấp hơn anh Hưng nhiều.

Hôm nay chị mặc một cái bộ áo tắm màu tím có thêm khăn quấn màu tím nhạt ngang bụng, cùng chiếc kính râm bảy sắc cầu vồng. Chiều hôm nay nắng không gắt, nên chị không mang theo nón. Vẻ đẹp của Oanh thật khiến Khoa khó có thể tin vào mắt mình là chị mình cũng có một cô bạn đẹp như thế này, bởi bình thường Linh toàn kể với Khoa về những cô bạn có nhan sắc khiêm tốn thôi, chứ chưa bao giờ nghe đến Oanh.

Sau một vài lần tạo dáng bên bãi biển đang cồn cào thì Khoa cũng đã hoàn thành xong phô ảnh của mình. Tấm nào tấm nấy cũng đẹp.

"Khoa chụp cho chị cũng đẹp đấy chứ. Đẹp không kém gì cậu bạn thân hồi xưa của chị..."

"Bạn thân của chị là nam à?"

"Ừ. Ngồi xuống đi, để chị kể cho em về anh ấy."

Hai chị em ngồi trên hai chiếc ghế vải bên dưới cái dù đã phai màu vì nắng.

"Hồi xưa chị, chị Linh và anh ấy học cùng lớp cấp hai và cấp ba với nhau.", Oanh bắt đầu kể. "Anh ấy mười hai năm liền học sinh giỏi, và bọn chị cũng thường hay hỏi bài ảnh lắm, đến nỗi cả lớp bảo các chị đã cảm nắng anh ấy. Riêng chị thì ngồi ngay bên cạnh ảnh luôn, nên có nhiều thời gian nói chuyện với ảnh hơn, và kết quả là mọi người nói chị đã cướp anh ấy từ tay chị của em đó."

Khoa bật cười. Oanh tiếp:

"Thế rồi năm lớp 12 anh ấy giành hẳn một suất học bổng để đi sang du học tại Mỹ. Và thế là cuối năm ấy thi tốt nghiệp xong chị với anh ấy không còn gặp nhau nữa. Chị còn chẳng thể nào gặp mặt anh lần cuối khi anh ấy đang ở phi trường...", kể đến đây, nét mặt của Oanh có hơi đượm buồn.

"Hôm anh ấy ra đi tìm tương lai tươi sáng cũng chính là hôm mà chị phải chịu tang dì cả. Dì ấy qua đời vì bệnh ung thư cổ tử cung, và vì phải chịu tang suốt hai ngày nên chị đã không thể đến sân bay gặp lại anh ấy lần cuối, cũng quên không nhắn một dòng tin nhắn cho ảnh. Thế là từ đó bọn chị chẳng nhắn tin cho nhau nữa. Anh ấy cũng biệt tăm biệt tích luôn."

"Tội nghiệp anh ấy...", Khoa bình luận. "Chắc không được gặp chị ảnh buồn lắm."

"Chị cũng nghĩ như vậy... Cho đến khi chị nhận được tin nhắn này."

Oanh lấy chiếc điện thoại cảm ứng Nokia 3.1 cũ của mình ra, lần lượt mở ra hai email gần nhất được gửi vào máy và đưa cho Khoa xem.

Oanh à,

Tao xin lỗi vì suốt bốn năm qua không thể nhắn tin được cho mày.

Thú thật với mày, công việc học hành ở nước bạn đã khiến cho mình không thể có nổi một khoảng thời gian rảnh rỗi để có thể nhắn tin và trò chuyện với mày như khi xưa. Và gần đây nhất, tao đã làm mất máy của mình và mình phải làm thêm cật lực để mua cái mới để gọi lại cho mày.

Thế nhưng, vừa mới mua điện thoại mới thì tao lại bị tai nạn giao thông, ngay đúng cái hôm sinh nhật mày, và hai năm liền trôi qua kể từ ngày ấy cho đến tận ngày này năm nay, tao đã tỉnh dậy, và điều đầu tiên tao làm là cầm lấy chiếc điện thoại của mình, sạc cho thật đầy và nhắn tin chúc mừng sinh nhật cô bạn thân yêu quý đã gắn bó với tao suốt bảy năm học trung học. Mày có biết, khi nhớ lại những kí ức xưa kia mà tao với mày đã cùng nhau chia sẻ, hai hàng nước mắt đã chảy giữa màn đêm u tịch của căn phòng lặng câm không? Mọi thứ dội qua đầu tao chỉ như vừa mới ngày hôm qua thôi, thế nên tao đã khóc sướt mướt suốt đêm đó mà không tài nào ngủ được. Lúc ấy, chỉ cần nhận được tin nhắn trả lời lại của mày thôi cũng đã khiến mùa xuân quay trở lại với tao rồi.

Tao chúc mày sinh nhật vui vẻ ở bên kia bờ đại dương.

Love to you, and miss you a lot.

M.D.

Và đây là đoạn tin nhắn thứ hai:

Oanh ơi,

Tình hình học tập bên ấy như thế nào? Có được suôn sẻ không?

Mình học được hai năm đại học, và sau hai năm bị hôn mê sâu tỉnh lại thì mình cảm thấy như thể mình đã bị chậm lại so với toàn nhân loại cả một thế kỉ, dù rằng mình chỉ chậm hơn các bạn cùng lứa hai năm đại học mà thôi. Tuy nhiên, điều ấy chẳng thể nào khiến tao bận tâm, bởi vì cuối cùng tao cũng đã được nhìn thấy dòng tin nhắn đầu tiên sau bốn năm do chính mày bấm để mừng ngày tao tỉnh lại.

Mày còn nhớ con Linh không? Riêng tao thì nhớ. Con đó hồi xưa nó cũng là bạn thân của chúng ta đấy, và tao nghe nó nói rằng nó sẽ học Kiến trúc ở Đà Nẵng giống mày vậy đó. Và tao nghĩ rằng mày với nó sẽ học chung trường và còn được gặp nhau thường xuyên nữa. Thông cảm cho tao, bởi vì khi vừa qua Mỹ thì tao cũng không còn nắm bắt được tin tức gì từ tụi mày nữa.

Dù gì thì cũng chúc hai đứa mày mạnh khoẻ. Và nếu như có tìm được tình yêu nào trong đời mình thì cứ báo cho tao biết nha. Nếu như hai đứa thành đôi thì tao hứa sẽ bay về nước để chúc phúc cho tụi mày.

Bạn thân mến của Linh và Oanh,

M.D.

Điều đặc biệt đó là, Oanh vẫn còn giữ chiếc điện thoại cảm ứng Nokia đã cũ như một kỉ vật mà bạn mình đã mua tặng cho mình.

"Chiếc điện thoại này là..."

"Nó là quà sinh nhật mà cậu ấy dành tặng cho chị khi cậu ấy nhận được hai suất học bổng từ hai trường đại học của Mỹ và Phần Lan. Cả hai phần thưởng cộng lại có trị giá lên tới cả tỉ đồng, và anh ấy đã trích một phần của số tiền đó để mua điện thoại cho chị. Dù rằng nó không phải là iPhone nhưng vì lúc ấy chị bị mất điện thoại và anh ấy tình cờ biết được chuyện này, sau này chị đã tự hứa là sẽ giữ mãi nó như là kỉ vật của tình bạn giữa bọn chị với nhau."

"Một câu chuyện thật cảm động, chị nhỉ?", Khoa cười với Oanh khi trả lại điện thoại cho chị. "Không biết giờ này anh ấy ra sao nhỉ?"

"Chắc là anh ấy đang có một cuộc sống rất thành công ở bên ấy rồi. Ít nhất thì kiều bào ở đó cũng đã giúp anh rất nhiều trong cuộc sống của anh."

"Em cũng nghĩ như chị vậy."

Sau đó, hai chị em thay thành đồ bình thường - bộ đồ bình thường của chị còn gợi cảm hơn với một chiếc đầm ngắn màu đen kẻ sọc trắng ở gấu áo và tay áo ngắn, đôi tất dài màu đen với hai sọc trắng ở cổ và đôi giày trắng - đó là bộ đồ đã gây ấn tượng đầu tiên của Oanh với Khoa.

"Chị về nha. Không ngờ được nói chuyện với em trai của bạn mình lại sướng đến như vậy."

"Có gì đâu. Dù sao thì chị cũng là bạn của chị của em mà."

"Mà này... Cảm ơn vì đã nghe chị, Khoa à.", Oanh cười híp mí với Khoa lúc cô nàng chuẩn bị rời đi với chiếc Vespa kiểu mới màu trắng của mình.

Mối quan hệ The Death đạt cấp 2.

Tối hôm ấy, Khoa chập chờn không ngủ được vì mơ thấy bóng hình của Oanh hiện hữu trong đầu mình. Cô nàng xinh quá, xinh hơn cả Hoài An và chị của mình. Thú thật là hình ảnh của Oanh đã dính lại trong đầu Khoa từ chiều cho đến tận bây giờ vẫn chưa dứt.

Và rồi một ma lực kì lạ nào đó đã khiến hai mí mắt Khoa nặng nề dần, cuối cùng sụp hẳn xuống.

...

Nó chợt mở mắt, ngồi dậy.

Nó thấy mình đang ngồi trên một chiếc ghế đá. Và trên chiếc ghế đá này, nó đã và đang nhìn thấy phần mặt tiền của ngôi trường THPT chuyên Thăng Long - ngôi trường nơi chị nó và Oanh đã theo học lớp chuyên Pháp ngữ trước khi lên Đà Nẵng. An cũng đã thi vào trường này rồi nhưng đã rớt vì trước đó nó đã phải thoả thuận là nhường phần đậu cho một đứa đồng chí cũ của nó hồi năm lớp chín, và nhờ vậy mà chúng ta đã có cả một câu chuyện tình An và Bình.

Ngôi trường ấy Khoa chưa bao giờ đặt chân tới, nó chỉ có thể nhìn thấy qua những tấm hình lưu trong máy tính và điện thoại của chị nó, và bây giờ nó mới có cơ hội để được quan sát nó. Giá như có máy ảnh ở đây thì hay quá.

Nó chớp mắt một cái.

Sau cú chớp ấy, toàn bộ những gì nó thấy chính là toàn thể các học sinh trong màu áo mận chín đang tập trung trên sân trường. Mỗi khối có chín lớp chuyên (Toán, Lý, Hoá, Sinh, Văn, Địa, Anh, Pháp, Tin), ba khối là hai mươi bảy lớp, mà một lớp đông lắm cũng chỉ có ba mươi lăm người, thì tối đa sẽ là 945 học sinh, ít hơn nhiều so với trường Trần Phú mà Khoa đã từng theo học và trường Nguyễn Hiền, ngôi trường mà hiện tại Khoa đang dành những ngày cuối cấp ba ở đó.

Tất cả họ đang nhìn về phía sân cờ - vẻ mặt của họ có một nét gì đó rất ngạc nhiên.

Có một chàng nam sinh cao to, không đeo kính đang bước lên sân cờ trước hàng ngàn con mắt bên dưới. Các bạn biết anh ta nhận được gì rồi - đó là liên tiếp hai suất học bổng đi nước ngoài với tổng trị giá lên đến cả tỉ đồng. Đúng rồi, đó chính là anh bạn thân của Oanh hồi cấp ba mà chị ấy đã nhắc đến chiều nay. Có vẻ như kì này Khoa sẽ phải lấy mảnh kí ức của Oanh.

Khoa rời chiếc ghế đá, đến gần đám đông. Anh ta rời sân khấu với cả tỉ đồng trên tay, rồi một chốc sau, khung cảnh sân trường biến mất, thay vào đó là một lớp học cũng ở trong ngôi trường chuyên này.

Phòng học là những chiếc bàn học đơn được xếp kế nhau, cứ mỗi hai bàn đơn như thế xếp lại thì được một chiếc bàn đôi. Hồi ấy chị Linh ngồi bàn hai, còn Oanh và anh chàng kia ngồi bàn cuối cùng, và cả hai đều ngồi cùng một dãy bàn.

Góc bảng ghi ngày 12 tháng 1 năm 2015, cách đây đúng bốn năm về trước. Anh chàng áo len màu mận chín với vẻ mặt vui tươi lạ thường xuất hiện trước mặt Oanh - hồi ấy Oanh còn xinh hơn bây giờ với mái tóc dài tới chấm vai và thân thể tuyệt vời gói gọn trong tà áo dài trắng và chiếc áo cũng màu mận chín nhưng sáng hơn màu áo của anh thanh niên; anh ấy nói lời chúc mừng sinh nhật, rồi anh bất ngờ đưa cho chị một hộp quà nhỏ. Cô nàng không đợi nổi bèn dùng dao rọc giấy cắt giấy gói quà, và trong đó là chiếc Nokia 3.1 - mẫu điện thoại mà cô nàng còn mong đợi hơn cả iPhone 5, iPhone 5s lúc bấy giờ. Phải rồi, Oanh có nhắc với Khoa rằng chị ấy đã từng bị mất điện thoại.

"Nokia 3.1!? Mày có đùa không đấy?", Oanh nhìn vào vỏ hộp điện thoại.

"Thiệt mà!"

Cô chị mở hộp ra, và quả nhiên chiếc điện thoại cảm ứng to hơn bàn tay của chị đang nằm sừng sững trước mắt chị cùng cuộn dây sạc của chiếc điện thoại.

"Cám ơn bạn Duy nhiều...", Oanh bật dậy ôm chầm lấy anh thanh niên tên Duy. Câu nói đó của Oanh làm Khoa nhớ đến câu cảm ơn của Bình hồi hai đứa còn học chung lớp với nhau: Bình cũng nói y hệt cấu trúc đó mỗi khi cảm ơn ai đó vì đã giúp mình. "Mà sao mày biết được tao mất điện thoại hay vậy?"

"Chẳng là có lần tao vô tình thấy mày lục khắp phòng học đi kiếm thứ gì đó mà vẻ mặt mày hoang mang lắm, nên tao đã nghi ngờ, và thế là con Linh đã cho tao biết là mày bị mất điện thoại, thế thôi. Bữa trước tao hốt trọn một tỉ đồng, và thế là tao đã dùng số tiền đó để mua điện thoại cho mày đấy. Có hẳn cả thẻ SIM trong gói quà rồi nha."

"Đâu vậy?"

"Nhấc cái hộp lên là biết liền."

Oanh tách hộp điện thoại ra khỏi giấy gói quà, quả nhiên tấm SIM với số điện thoại trùng với số cũ của Oanh nằm dưới đó.

"Một lần nữa, cảm ơn mày nhiều.", Oanh nở một nụ cười rạng rỡ với cậu bạn thân của mình. Sau hai lần thấy chị đứng lên Khoa mới biết là Oanh thấp hơn anh ấy một cái đầu, thậm chí nếu nhìn kĩ thì sẽ thấy Oanh chỉ đứng ngang bằng cặp xương quai xanh của anh. Hèn gì hồi kia lúc Linh nhắc đến cặp đôi này trước mặt Khoa, chị thường gọi đùa là "cặp đôi đũa lệch đẹp nhất khối" vào niên khoá ấy.

Rồi quang cảnh phòng học mờ dần đi trong mắt Khoa. Thay vào đó là cảnh một căn phòng riêng. Trên chiếc giường đơn trải ra giường vải hoa, Oanh - lúc này cô nàng đã thay thành bộ đồ mặc nhà - đang ngắm nghía chiếc điện thoại mà bạn mình mua cho mình. Đột nhiên, cô gái bật dậy khỏi giường mình, bước ra khỏi cửa và không quên đóng cửa lại.

Lúc này cả căn phòng bỗng chốc chuyển sang màu đen kịt của bóng tối, chỉ có chiếc giường là nhìn thấy rõ. Chiếc điện thoại bỗng dưng sáng rực lên, và có một giọng nói bí ẩn thôi thúc Khoa:

"Lấy đi... lấy nó đi..."

Không phút giây nào suy nghĩ, Khoa bạo dạn bước tới và nhặt lấy chiếc điện thoại. Chiếc điện thoại tan biến trong tay nó, và hoá thành một mảnh ghép gắn vào bức tranh kí ức. Như vậy là đã lấy được mảnh kí ức thứ hai.

Chiếc giường biến vào trong đêm tối.

Khoa cảm thấy như nhẹ bỗng, rồi rơi tự do trong một khoảng không vô định hình.

...

Bật dậy.

Khoa bật dậy khi bầu trời bên ngoài vẫn còn đang đêm.

Nó nhìn xung quanh. Chị nó vẫn đang ngủ say trên cái gác xép riêng của mình.

"Chuyện này là sao?", nó nhủ thầm giữa bóng tối của căn phòng. Nó không thể giải thích tại sao nó rơi tự do. Nó chỉ biết là nó đã có được mảnh kí ức tiếp theo.

Sau cùng, nó vùi đầu trở lại vào chiếc gối mềm thân thuộc, quay trở lại giấc ngủ bị gián đoạn của mình, mà chẳng để lại một chút lo nghĩ nào cả.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro