Chương 68 - Mùa củi lửa
Thứ 7, 3/30/20XX.
Tít tít... tít tít...
Chiếc đồng hồ đeo tay của An đã kêu lên khi phần mặt số và mặt kim điện tử của nó đã đạt đến mốc thời gian năm giờ hai mươi phút sáng (mẫu đồng hồ mà An đeo trên tay trong suốt toàn bộ truyện là đồng hồ CASIO mẫu AE-1000W-1AVSDF, là chiếc đồng hồ có khả năng hiển thị hai múi giờ khác nhau trong số bốn mươi tám múi giờ thế giới được hỗ trợ với hai phần mặt hiện số và mặt hiện kim điện tử; ngoài ra còn có thêm chức năng bấm giờ thể thao và đếm ngược thời gian tới hai mươi bốn giờ đồng hồ. Tiện đây tác giả cũng nói luôn, chiếc đồng hồ này đã được nâng cấp trong Metaverse trong một ngày gần đây, và đương nhiên nó sẽ có chức năng giống hệt như một chiếc điện thoại thông minh có SIM, và ngầu hơn là HUD trong game, tức là có khả năng hiển thị sinh lực và mana của người đeo thông qua màn hình dạng ảnh hologram). Những tiếng tít hai phát một liên tục ấy đã đập thẳng vào đôi màng nhĩ khiến nó mở mắt và tỉnh dậy ngay lập tức.
Vốn đã mặc sẵn áo lớp và quần jean xanh nên nó không cần phải thay đồ trước khi đi. Đồ đạc cũng đã được đóng trong chiếc ba lô và được kéo khoá kĩ càng. Nó chỉ việc ra nhà vệ sinh, đánh răng, rửa mặt rồi khoác ba lô lên trường chơi hội trại thôi.
Người thanh niên cao 1m62, đeo kính cận lặng lẽ ra khỏi nhà với chiếc ba lô trên vai sau khi đã khoá cửa cái túp lều bằng mái tôn và bê tông được xây mới ở phía sau quán cà phê của nó. Sở dĩ có căn nhà đó được xây nên là do gia đình nhà cô bên nội của nó lấy đi hai phần ba khu đất của quán cà phê của nhà An làm mặt bằng để xây cái gì đó không biết, chỉ chừa lại mỗi cái nhà bếp, nhà vệ sinh và nhà kho biệt lập trên một phần ba khu đất còn lại. Căn nhà đó, buổi sáng thì nóng vì những tia nắng làm không khí bên trong căn nhà ấm lên, tối lại trời trở lạnh khiến không khí trong đó cũng lạnh theo, buộc nó phải đắp chăn dày để ngủ; không những thế, một cây mít trưởng thành không biết đã có từ bao giờ đã được cho phép sống ngay bên trong căn lều tôn đó, và gia đình An đã ra lệnh cho các ông thợ xây ưu tiên cho nó một "căn phòng" riêng. Giờ cái cây ấy, tác giả đoán là nó vẫn còn đang khoẻ mạnh vì phần thân trên của nó vẫn được hưởng ánh sáng mặt trời để thực hiện quang hợp và hô hấp.
Đường đi lên trường, nắng đang dần lên và sương đang mờ đi nhanh chóng. Nó thoáng thấy những chiếc xe máy do học sinh cầm lái đang chạy thẳng về hướng vòng xuyến đi đến trường nó. Bọn họ đang mang những gì cần thiết cho hội trại ngày hôm nay.
Từng bước chân của nó, nó cảm thấy như thể nó đang bước vào một cuộc chơi đầy năng lượng mà sau ngày này nó có thể sẽ ngủ li bì và không thể nào nhấc chân bước ra khỏi chiếc hộp tôn đó được nữa. Rồi thì đầu óc nó lại suy nghĩ vẩn vơ, và trong mớ suy nghĩ không đâu vào đâu ấy, có lúc nó muốn quay lại để làm một bữa sáng tại quán bánh cuốn gần cầu chui rồi đi thẳng về nhà luôn, bởi lẽ nó không muốn thấy bản thân mình uể oải vào sáng ngày hôm sau. Cơ mà lúc nãy nó đã ăn bánh cuốn trước khi rời khỏi nhà rồi.
Bước qua cổng trường là đã vượt qua được một mê cung bao gồm xe máy, ô tô đông kín như hội ở phần đường trước cổng trường Trần Phú. Không thể tưởng tượng được là trường nó lại có nhiều người biết đi xe máy đến thế, vả lại trong số đó có nhiều chiếc hơn năm mươi phân khối nữa.
Trên sân trường ấy đã bắt đầu mọc lên những cái lều trông như những chiếc bánh bao và bánh giò khổng lồ xếp sát nhau từng hàng, chỉ có hai màu duy nhất: màu xám ánh bạc đối với lớp 10 hoặc màu xanh quân đội với lớp 11 và 12, và tuyệt nhiên vẫn để một khoảng sân rộng rãi để làm lễ khai mạc trại và tổ chức các hoạt động ngoài trời. Ở khoảng sân ấy, chỉ tầm hơn nửa tiếng nữa thôi, tụi nó sẽ phải khoác trên người áo xanh thanh niên và đồng loạt nhảy dân vũ bốn ca khúc liên tiếp: Chung sống của Kasim Hoàng Vũ, Việt Nam Ơi, Thanh Niên Ơi và Đà Lạt Mộng Mơ. Sự thật mà nói thì An chắc sẽ mãi không bao giờ có thể nhảy được tốt bất kỳ bài nào trừ bài Chung Sống vì nó đã từng thực hiện bài đó không dưới ba lần nên vẫn còn nhớ điệu nhảy của nó.
Năm nay sơ đồ cắm trại vẫn y như năm trước: lớp 10 được cắm trên sân trường, còn lớp 11 và 12 xếp hai hàng mỗi khối, lớp lớn nhất dựng lều ngoài cùng, giáp với dãy hàng rào chạy dọc con đường nhựa mòn vào trường. An đoán chắc là cái mùa cắm trại năm trước nữa, tụi nó được đặt lều ngay trước cái sảnh trước phòng thí nghiệm Lý và cầu thang giữa đi xuống tầng hầm hoặc các tầng cao hơn. Năm ấy nó bị tai nạn gãy tay, và phải mổ ngay trước ngày dựng trại, và trong lúc bọn bạn đang ăn chơi sa đoạ thì nó phải tĩnh dưỡng trong viện với cánh tay phải bị bẻ gập vuông góc sau khi mổ bắt vít vào để nối phần xương gãy lại. Năm đó nó chẳng biết cắm trại là gì, và chỉ đành ngậm ngùi viết nhạc chế để thể hiện tâm trạng của nó mà thôi.
Nó đã đến trước lều của bọn bạn cùng lớp của nó lúc nào chẳng hay. Một cái lều như bao cái lều khác, cũng xanh một màu lá, cũng có hình hộp với một hình lăng trụ phía trên, và dây căng lều được cắm giữa đường đi khiến nó suýt ngã sấp. Nó đã không chú ý điều này.
"Đi đứng phải để ý chứ!", giọng thằng Bảo vang lên ngay khi vừa thấy An suýt ngã vì vấp phải dây căng lều.
"Sorry. Tại tao mất tập trung quá.", An đáp lại khi đã lấy lại được thăng bằng. Không chỉ có thằng Bảo, còn có cả Long, Duy, Đức Tuấn, Tiến, Nguyên, Hân và Nhật là những người đến đầu tiên, và tất cả đều mặc màu vàng của áo lớp năm ngoái. Con gái thì chẳng thấy mống nào cả. Được chừng một lúc thì một vài cái bóng khác xuất hiện - đó chính là...
"Bình kìa!"
Bình mặc áo khoác màu đen, bên trong là áo lớp và áo xanh thanh niên, mái tóc được tết lại hai bên khiến An không thể thấy được mái tóc dài của bạn mình. Sau lưng cô nàng mang chiếc ba lô mà nàng vẫn thường mang nó lên trường với một mớ sách vở, cả sách giáo khoa, vở ghi lẫn sách tham khảo. Cô nàng đến từ phía sau, khi đã cho xe chạy vào cổng phụ dẫn vào bãi đỗ xe cho học sinh phía sau dãy phòng học dưới tầng hầm. Nói cho cùng, hôm nay An thấy Bình đẹp khác xa so với mọi ngày - bởi ngày nào đi học An cũng chỉ thấy Bình xoã tóc hoặc buộc tóc đuôi gà mà thôi, và cũng đã lâu rồi An chưa được thấy kiểu tóc tết lại của Bình.
"Hello mọi người!", hôm nay cô nàng vui vẻ một cách lạ thường. Chắc có lẽ nàng đã rất muốn đi cắm trại từ lâu rồi. Nhìn nàng cười, An cũng cảm thấy như lòng mình ấm lên như thời tiết hiện tại.
Rồi thì lần lượt từng cặp đôi nữ của lớp cũng xuất hiện - tụi nó đi chung xe máy, nên việc từng cặp đến cũng là chuyện hiển nhiên. Con Thuý với Trâm Anh - nếu như các bạn còn nhớ chương 51 kể lại chuyện đi dự đám cưới của bạn học cũ của lớp An thì các bạn hẳn sẽ không thể nào không nhắc đến cặp đôi mặc váy ngắn này - hai đứa nó đến muộn nhất lớp, và đương nhiên là tụi nó luôn luôn đến muộn vào cả buổi sáng lẫn những buổi chiều học phụ đạo ôn tốt nghiệp.
Thế là cả lớp đã đến đầy đủ, không sót một ai. Riêng Hạnh - cô bạn học cũ đã theo chồng - đã không thể có mặt cùng với An và những người bạn. Giá như hai vợ chồng đó có mặt ở đây là vui hơn rồi. Còn Khoa - một trong hai nhân vật chính của truyện chúng ta - không có mặt ở trong buổi trại này thì không nói, chỉ là nhờ việc nó lên Đà Nẵng ở cùng chị nó rồi thì An lại được chọn là tay đua nam của lớp thi cuộc thi đua xe đạp chậm sẽ diễn ra vào chiều hôm nay.
Bảy giờ đúng, ngay sau khung giờ ăn sáng quy định.
Đã có hiệu lệnh từ các thầy chủ trì hội trại - những lứa học sinh đầu tiên từ những chiếc lều bạc và những cái lều màu xanh lá ở ngoài cùng bắt đầu kéo ra sân trường.
"Xếp hàng kìa mấy đứa ơi!", thằng Hân kêu lên ngay khi vừa nhận ra điều này.
Mọi người cất túi của mình vào trong lều, và cùng nhau xếp hàng cạnh các hàng lớp 12A6 và 12A8. Lớp của An xếp hàng không phải là nhanh nhất, nhưng là ổn định nhanh hơn năm lớp cuối cùng nhập vào sân trường. Giống như mỗi ngày thứ hai chào cờ đầu tuần, An luôn đứng đầu hàng, kế đến là Bình cùng với toàn thể con gái của lớp rồi mới đến lũ con trai. Bình thường lúc ngồi học và ngồi trong giờ chào cờ thì An và Bình luôn có nhau, nhưng khi vướng vào những hoạt động ngoại khoá tập thể thì Bình luôn cố ý tránh xa An - cô nàng không muốn ai chụp lén khoảnh khắc mình cùng với cậu bạn thân của mình, và đó cũng chính là lý do An chỉ nói chuyện với Bình vào những lúc riêng tư nhất. An cũng tôn trọng hành động đó của Bình, dù rằng hành động ấy khiến An có cảm giác hơi cô đơn và lạc lõng, đặc biệt là giữa dòng người xuôi ngược vui chơi như thế này. Đôi khi giữa dòng người xô bồ như vậy An lại muốn có một khoảnh khắc riêng tư cùng Bình để hai đứa có thể chia sẻ những câu chuyện cho nhau.
Đoạn diễn văn ngắn tuyên bố khai mạc hội trại từ cô hiệu trưởng được tiếp nối bởi những ca khúc theo trình tự: Tiến Quân Ca, Đoàn Ca và Lên Đàng, cùng màn trình diễn dân vũ gồm bốn bài đã nêu lúc trước, kéo dài trong khoảng tầm mười lăm phút hơn. An đứng đầu hàng, lẽ ra lúc ấy nó phải cảm thấy lúng túng sau khi kết thúc bài Chung Sống và nhảy tiếp bài tiếp theo, thế nhưng chẳng hiểu vì sao hôm nay tay chân nó linh hoạt một cách lạ lùng. Nó đã nhảy theo đúng những động tác mà nó đã được tập cùng đám bạn chỉ mới trưa hôm qua. Bình đứng sau thấy An nhảy đúng như những gì mà cô nàng đã xem trong đường dẫn video mà bạn mình đã gửi cho mình hôm trước bèn nhảy theo. Rồi hiệu ứng domino cuối cùng cũng đã có hiệu lực đối với những người không biết nhảy đứng khuất ở phía sau.
Bài cuối cùng cũng vừa kết thúc, những đứa học sinh đại diện cho khối 10 đi chấm điểm khối 12 thấy lớp An nhảy đẹp quá nên thưởng hẳn cho điểm cao nhất – lớp nó đã chiến thắng trong cuộc thi nhảy này.
"An à, sao hôm nay mày nhảy đẹp thế?", Bình cười khâm phục cậu bạn thân của mình.
"Tao cũng chẳng hiểu tại sao nữa!", An lúng túng đáp khi bị hỏi bất ngờ.
"Nói chung là mày nhảy như vậy là cả lớp mình được nhất rồi."
Thế rồi đám học sinh của trường giải tán, ai nấy về trại của mình để chuẩn bị tinh thần tham gia các trò chơi bên dưới sân bóng đá của trường. Tụi nó vẫn mặc áo xanh thanh niên, bởi lẽ trò chơi tiếp theo mà tụi nó phải tham gia chính là thi trang phục lớp.
"Tụi mày nhớ cách cởi áo chưa vậy?", thằng Duy và Nhật hỏi đám bạn.
"Nhớ mà. Cởi giống như thằng An nè. An, mày biểu diễn lại cách cởi áo hôm qua cô bày đi.", con Trân đáp lại.
"Được thôi.", An cởi hai cúc trên của áo, rồi hai bàn tay kéo cái áo lên để chui đầu xuống dưới gấu áo.
"Đó, giống như vậy đó."
"Tao hiểu rồi.", Bình nhớ tới đoạn tin nhắn của An hướng dẫn về cách cởi áo hôm qua nó gửi cho và làm lại những động tác y như An đã làm.
"An, mày có chắc là mày đã hướng dẫn cho Bình cách chơi trò này rồi chứ?", đến lượt thằng Duy chất vấn An rồi quay sang Bình, "Hôm qua mày nghỉ nên tụi tao phải kêu nó hướng dẫn lại cho mày đó."
"Mới inbox cho nó hồi hôm qua rồi mà, mày nghĩ gì?", bất giác, An, Hân cùng những đứa con trai đứng ở sát dãy lều của khối 11 nghe thấy hiệu lệnh tập trung đến từ thầy tổ trưởng tổ Thể dục của trường mình – khối đầu tiên tham gia là khối 12, từ lớp A1 đến A6.
"Những đứa nào thi cởi áo xuống nhanh đi, sau đám này là tới tụi mình rồi!", con Kiều lớp trưởng nói qua cái micro kết nối với loa xách tay bằng Bluetooth thông báo cho cả lớp.
Ba chục đứa đi thi của lớp A7 luồn xuống cầu thang kiêm dãy ghế dự khán được sơn bảy sắc cầu vồng. Cả lớp A1 đều đã và đang dồn áo lên tay của hai thằng con trai mà lát sau An nhận ra là thằng Huy Lân – đứa đã từng học chung trung tâm tiếng Anh với nó suốt những năm cấp hai – và thằng Đạt, cùng học lớp thêm Toán với nó. Bốn cánh tay kia đầy nhóc những áo là áo, và hai thằng nhanh chân chạy đến nơi mà tụi nó phải đặt áo là đường kẻ trắng bao quanh khung thành, cụ thể là ở đầu mút bên trái của đường kẻ ngang cách khung thành khoảng ba bốn mét gì đó. Năm lớp còn lại cũng nhanh không kém cạnh lớp này, tuy nhiên đã có hai lớp làm rơi áo, và theo quy định, lớp nào làm rơi áo lớp đó bị loại.
Đám đông lập tức reo hò ngay khi lớp thứ ba mang đống áo về đích. Cùng lúc ấy, An, Duy, Kiều và Thảo Uyên xuống sân đầu tiên, kế đến là thằng Phát, hai con Ngân, thằng Nhật, Tường Vy, Nhã Thi, Bảo, Danh, Cường, Hiếu, Bình, Trân, Thuý, Diễm Quỳnh (biệt danh: Tít, đã từng được nhắc đến ở chương 44) và Trâm Anh. Vẫn còn mười một đứa nữa, bao gồm: hai đứa Quỳnh Anh, con Tuyết Anh, thằng Hân, con Hiền, con Mỹ Linh, Long, Bích Ngọc, thằng Nguyên, thằng Duy Tuấn và cuối cùng là con Yên. Thế là đủ ba chục người.
"Tiếp theo, mời các lớp từ A7 đến A12 vào vị trí!", giọng của ông thầy Thể dục lúc nãy lại vang lên. Lớp An đứng ở cái hàng mà vừa nãy lớp A1 đã đứng, theo số thứ tự của những đứa nam thì An đứng đầu hàng, cách nó chín đứa là có thằng Duy vươn tay ra để đặt áo, rồi từ vị trí thứ 11 đến 19 là ba đứa nam và sáu đứa nữ, vị trí số 20 là con Chế Quỳnh Anh – nó sẽ phải đỡ áo cho những đứa đứng hai bên nó. Đội hình đã sẵn sàng.
Mặt trời đang dần lên cao, và để tham gia cuộc thi này thì không ai được phép đội mũ, cùng lắm là chỉ có đeo kính râm thôi.
"Tất cả các lớp sẵn sàng..."
"Một..."
"Hai...", hai bàn tay An đưa tay lên và nắm lấy cổ áo.
"Ba!"
Tiếng còi chói tai vang vọng khắp sân bóng, đó cũng là lúc An tháo ngay chiếc áo ra khỏi người và chuyền cho thằng Bảo đứng bên cạnh. Bọn con trai nhanh tay hơn con gái, chẳng mấy chốc đôi cánh tay thằng Duy là đôi tay đầu tiên của sáu lớp đầy ắp áo. Đôi chân của nó không chút do dự chạy thẳng về phía chỗ mà tụi A1 lúc trước đã để áo ở đó. Kế đến là A9 và A12 cũng mang áo lên và sau cùng là A10. Dù là nhanh nhất trong sáu lớp từ lớp An đến lớp A12, lớp nó vẫn bị chênh với lớp A1 đúng 1.17 giây, khiến lớp nó phải đứng thứ nhì trong khối về sự nhanh nhẹn này. Dù khối 12 đã xong nhưng không lớp nào di chuyển cho đến khi hiệu lệnh tiếp theo vang lên và các lớp từ 11A1 đến 11A6 tuồn vào sân. Tụi nó được giải tán và mang áo về.
"Áo này của đứa nào?", câu hỏi đó được vang liên tục và trộn lẫn vào nhau do có nhiều lớp cũng như thế.
"Của tao!"
"Của tao!..."
Chưa đầy một phút kế tiếp, đã không còn bóng dáng của bất kỳ học sinh nào của khối 12 trên sân cỏ. Chỉ còn những đứa lớp 11 đang thi nhau chuyền áo và đưa áo lên vị trí đã quy định mà thôi. Cơ mà không khí ở quanh sân vẫn náo nhiệt không cách nào tả được với tiếng hò reo phát ra từ cả chục cái miệng khác nhau trên khán đài bảy màu và ở hành lang tầng hầm.
"Mấy đứa chơi luồn vòng thì ở luôn trên khán đài nha.", lớp trưởng lớp nó lại nhắc qua micro khiến An bất ngờ đứng lại và lao xuống hàng ghế thấp nhất của khán đài. Nó định sẽ chờ ở đó cho đến khi các lớp từ 10A8 đến 10A15 chơi trò chơi này xong.
"Ăn bánh mì không?", thằng Danh đưa cho nó miếng bánh mì có phết sữa đặc trên đó. "Sáng mày ăn gì mà không ăn bánh mì vậy?"
"Cám ơn.", An nhận lấy miếng bánh, giơ cánh tay phải ra nhìn đồng hồ. Nhanh thật, mới đó mà đã tám giờ mười rồi.
"Sáng nay mày ăn gì mà không ăn bánh mì vậy?"
"Bánh cuốn.", An đáp, miệng nhai miếng bánh mì ngấu nghiến. "Phải dậy từ sớm để mua đấy. Với lại bánh cuốn không khô bằng bánh mì.", nuốt miếng bánh xong, nó tu tiếp một ngụm nước Aquarius – đó là thứ nước có màu, mùi và vị giống hệt nước Revive, và công dụng chung của hai thứ nước này là để bù nước và điện giải, giúp xoá cơn giải khát nhanh chóng.
Bên dưới kia, lớp 11A1, A2 và A4 đã chiến thắng.
Rồi lớp 11A8, A9 và A11 là ba lớp nhanh nhất của đợt sau.
Khối mười, chọn được top 3 bao gồm 10A4, 10A10 và 10A12.
Và tiếp theo là trò chơi luồn vòng – cả 12 lớp của khối 12 phải xuống sân cùng một lúc để chơi trò này và khối 11 tiếp theo cũng sẽ như vậy. Mỗi lớp phải cử ra hai mươi đứa để chơi trò này, riêng lớp An thì sống chết ra sao cũng không bao giờ chọn thằng Đức Tuấn, bởi vì vòng eo cũng như thân hình của nó quá bự để cái vòng có thể chui lọt qua.
Hai mươi đứa mỗi lớp xếp thành một vòng tròn, con trai phải đứng giữa và năm tay hai đứa con gái (vụ này hơi nhạy cảm à nha) và bốn vòng tròn như vậy xếp thành một hàng dọc, và chúng ta sẽ có ba hàng như vậy. Có lẽ Bình sợ phải nắm tay An trước toàn thể mọi người nên cô nàng không dám đăng kí tham gia. Cô nàng chỉ ngồi trên hàng ghế thứ hai từ dưới lên của khán đài cùng một số đứa trong lớp nó, quan sát mọi người thực hiện.
Chiếc vòng bắt đầu từ chỗ thằng Danh, sau đó được chuyền qua cho con Uyên, tới Tuyên, Nhi, An, Hiền, Cường, Anh Thư, Bảo, Linh, Hân, Tường Vy,... bằng cách hất qua cho đứa tiếp theo chui người qua cái vòng đó cho đến khi quay lại chỗ thằng Danh, tuyệt nhiên không ai được buông tay vì sẽ bị loại ngay lập tức. Ở trò chơi này lớp An làm không được nhanh gọn cho lắm. Ca này lớp A9 lại là lớp nhanh nhất, nhanh hơn cả A1 và A3.
Lại một lần nữa, toàn thể khán giả hò lên náo nhiệt.
"Tụi mình làm chậm quá!", thằng Long quay sang nhìn lớp A9. "Cơ mà mấy đứa nữ bên A9 uốn hơi bị dẻo luôn.", cũng phải thôi, lớp mà thằng Long đang nói chỉ vỏn vẹn chín đứa con trai thôi mà.
Mộttrăm hai mươi đứa tụi nó rời sân để thế chỗ cho lớp 11. Sắp tới đây là trò chơi "kẹp bóng tình bạn" và cũng là trò cuối cùng của series trò chơi lớn sáng nay. Trò này An không tham gia được vì chiều cao đũa lệch của nó so với Bình - thay vào đó, thằng Hân với cô nàng sẽ là một cặp, và mỗi lớp chọn sáu cặp như vậy.
"Chúc may mắn nha.", An đến chỗ Bình, ngay lúc đó Bình gật gù và đi xuống sân trường cùng với mười một đứa khác trong lớp.
"Chỉ cần không để bóng bể là được thôi chứ gì? Được thôi!", cô nàng cao 1m69 nhủ thầm.
Nắng đã lên cao hơn một chút, bắt đầu chói chang và nóng bức, tuy nhiên những người tham gia cuộc thi vẫn không được phép đội mũ vì hai người phải kẹp bóng bằng đầu và phải di chuyển ngang như cua bò để đến vạch đích.
Ngay lúc vừa bắt đầu cuộc chơi, An bất ngờ rời khỏi chỗ đứng của mình và tìm đến nhà vệ sinh. Nó đã ở trong đó cho đến khi trò chơi liên hoàn bắt đầu với đội hình cũ của năm lớp 11. Nếu như nó nhớ không lầm thì trò chơi liên hoàn bao gồm các hoạt động: cả bọn làm tư thế hít đất rồi người đầu hàng phải lăn qua lưng các bạn cho đến cuối hàng rồi người thứ hai cũng lăn qua lưng họ rồi xuống cuối hàng, cứ như thế cho đến cuối đoạn đường và trong lượt quay về thì đứa sau luồn chân ra đứa trước, đứa nào đứa nấy đều phải đẩy mình ra phía trước, và phần chơi này được gọi là "chèo thuyền trên cạn". Trò này thì cả Bình lẫn An đều không tham gia, và hai đứa nó đều lui về lều của mình để lấy thêm bánh mì và phết sữa lên ăn.
Lúc ngồi trong lều, may cái là chẳng có ai để ý đến hai người cả nên Bình cũng chẳng tỏ vẻ xa lánh An làm gì. Thế nhưng, Bình có điều gì đó muốn nói với An nhưng ngại không dám nói ra, và bản thân An cũng cảm nhận được điều ấy thông qua thái độ lưỡng lự của nàng.
"An à..."
"Sao?"
Cô nàng lắc đầu.
"Thôi, không có gì đâu.", vừa nói, cô nàng suýt nữa đỏ hai má lên vì lời vừa nãy định nói của mình.
Mười một giờ bốn mươi trưa, mặt trời đã gần tới đỉnh điểm của nó.
Cơm trưa đã đến. Cả lớp được ăn cơm sườn nướng – nhắc mới nhớ, có những hôm đi tập văn nghệ cùng nhau mà ở lại quá trưa thì cả lớp đã nhất trí gọi món cơm này.
So với năm ngoái là lớp phải cắm ở ngoài cùng, gần sân bóng nên phải hứng nắng trực tiếp, bây giờ được cắm ở chỗ mát mẻ hơn vì có tán cây thông cao vút che đi ánh nắng. Thế nhưng, lều vẫn không bao giờ đủ rộng để tụi nó có thể tụ lại một chỗ và ăn như năm trước cả. Tụi nó vẫn phải tản ra để kiếm chỗ ăn. Riêng An thì có một chỗ lý tưởng hơn: qua xài nhờ bóng mát của các lớp ở trong cùng mà ăn. Coi như là đã giao lưu với các lớp khác trong bữa ăn rồi.
Mười hai giờ hai mươi trưa, cái hộp cơm xốp cuối cùng cũng được cho vào trong bịch rác và mang đi ném ở một bãi rác khá xa. Thời gian này chẳng có hoạt động gì sất, chỉ có ngồi trong lớp chơi để tránh nắng là chính thôi.
Kể ra cũng nhanh thật, mới ngày nào vẫn còn trẻ trâu bước vào trường Trần Phú thôi mà bây giờ đã là mùa cắm trại cuối cùng của năm cấp ba rồi. Dù vẫn biết rằng là lên đại học có thể sẽ còn cắm trại, và có thể sẽ qua đêm nữa, nhưng tiếc thay, lúc đó chúng ta đã cắm trại với những người bạn khác rồi. Dù rằng An với Bình có thể cùng xuống Sài Gòn hay ở lại Đà Lạt học, nhưng cũng chẳng chắc rằng hai đứa có thể vui cùng nhau khi những dịp ấy đến.
Hai giờ bốn mươi chiều.
Những chiếc xe đạp đã bắt đầu xuất hiện và lượn lờ trên sân trường vẫn còn đông người qua lại.
An vẫn còn nhớ rằng mình là người được chọn để tham gia cuộc thi xe đạp chậm này nên khi mượn được xe, nó đã cố gắng tập những đường cơ bản mà thằng Khoa đã chỉ cho nó hồi năm ngoái, nhiều ngày trước khi Khoa lên đường. Nói cách khác, có thể An sẽ "thức tỉnh lời thầy dạy" ngay trên thao trường này. Chiếc xe đạp của nó nát bét quá rồi, nên nó sẽ không mang lên trường mà thay vào đó, nó sẽ mượn xe để thi – nó nhận ra những chiếc xe đạp nữ thông thường kia dễ chạy xe chậm hơn là xe nó hoặc xe của thằng Khoa, chiếc xe mà bây giờ đã và đang cách nó hơn nửa quãng đường từ Nha Trang ra Hà Nội.
Đang tập vài đường cơ bản thì thằng Phát và thằng Duy Tuấn bất ngờ tiến tới chỗ An:
"Ê, mượn xe coi!"
"Từ từ đã, để tao tới chỗ cái cây đằng kia rồi xuống."
Nó cố gắng không để chệch xe sang một bên với tinh thần tập trung cao độ. Khi chiếc xe đã chạm tới vạch đích mà An vừa nói thì nó nhảy khỏi xe.
"Xe đó. Tới ba giờ là đưa ra chỗ vị trí xuất phát cho tao."
"Tụi tao biết mà."
Trong khoảng thời gian này, tụi nó lại order thêm sữa tươi trân châu đường đen. Vào khoảng chiều lại là những kiện hàng đựng trong đó là những cốc trà sữa, trà đào hay bất kể các thứ nước uống nào miễn nó là đồ uống lạnh, lần lượt được mang đến trước cổng trường và sẽ có người ra cổng để lấy. An quay trở về lều để lấy một cốc nhưng không thấy Bình đâu, nó lấy thêm một cốc nữa, và ngay lúc này, nó bắt đầu test thử chế độ bản đồ của chiếc đồng hồ thông minh. Bấm giữ nút LIGHT ở phía trên góc phải đồng hồ, lập tức một hình ảnh 3D hiển thị sơ đồ trường Trần Phú xuất hiện, chấm xanh lá ở giữa những lều trại chính là nó, và một chấm xanh khác đang ở trên phòng học của nó, mà nó không biết đó là ai nên nó phải đi theo.
Đi lên phòng học của nó ở phía ngoài cùng bên trái của tầng trên cùng, nó gặp phải Bình, lúc này hai chấm xanh áp sát vào nhau. Bình đã cởi cả áo khoác ngoài lẫn áo Đoàn và đang mặc chiếc áo lớp màu vàng đặc trưng, đầu nàng đội một chiếc mũ lưỡi trai da màu đen.
"An đi đâu vậy?"
"Sữa tươi trân châu đường đen do lớp đặt nè.", An đưa một bịch cho Bình. "Tao kiếm mày nãy giờ để đưa sữa cho mày đó."
"Cám ơn.", cô nàng nhận lấy cốc sữa bằng nhựa trong suốt, cắm chiếc ống hút to màu đen vào cốc mà uống. "Món này ngon nè."
"Mày thích nó phải không? Tao cũng thích nó dù tao bị dị ứng với trà sữa."
"Mày bị dị ứng với trà sữa à?"
"Đúng hơn là bị dị ứng với mấy cục đen đen trong này. Mày thấy tao vứt bớt đi mấy hạt trân châu là đủ hiểu."
"À... vậy là mày bị dị ứng với mấy hạt trân châu đó."
Hai giờ năm mươi lăm. Cuộc thi sắp bắt đầu.
Sáu đứa nam từ sáu lớp 12A1 đến A6 lần lượt đứng ở vị trí xuất phát nơi đã đặt sẵn những chiếc xe theo thứ tự từ sân khấu trở sang bên kia. Cả lớp A7 cùng tập trung tại bậc tam cấp đặt ở mặt tiền sân khấu, và An là người đứng ở vị trí thấp nhất là ở dướinền gạch sân trường.
Trong đầu cậu thanh niên chưa tròn mười tám tuổi là câu nói khi nãy của Bình:
"Ráng lên An nha. Tao biết là mày đi xe cũng giỏi như thằng Khoa mà."
Đối với An, được Bình quan tâm và cổ vũ là một trong những động lực lớn nhất để An có thể thực hiện một cuộc thi nào đó.
Tiếng còi khai cuộc vang lên, cũng là lúc sáu chiếc xe đạp cùng xuất phát một lúc. Bất ngờ thay, người cầm lái chiếc xe đầu tiên chính là thằng Đạt. An chưa bao giờ thấy Đạt đi xe đạp bao giờ, nhưng với một vận động viên như nó thì có lẽ xe đạp chẳng là gì cả. Lượt đầu tiên kết thúc khi Đạt với một đứa A4 và A5 là ba đứa cuối cùng còn trụ lại sau cuộc thi – luật chơi quy định, nếu như có nhiều nhất ba người chơi bị loại thì ba người còn lại dù đã về đích hay chưa đều được tuyển thẳng vào vòng chung kết.
Đến lượt An cùng năm đứa đến từ năm lớp còn lại. Tụi nó đã trả xe về lại chỗ cũ theo quy định, và An được một lần nữa cầm lái chiếc xe mà lúc nãy nó đã sử dụng để tập.
"Cố lên, A7! Cố lên, A7! Cố lên, A7!...", những tiếng reo hò vang lên liên tục từ ngay bên tai phải của nó. Nó nhìn thấy Bình đang nhìn mình với ánh mắt tràn đầy hưng phấn và hi vọng, dù cô nàng không reo hò lên như những đứa xung quanh mình nhưng An cũng có thể cảm thấy Bình đang "reo hò" vì mình.
Tiếng còi thứ hai khai cuộc vang lên. Sáu chiếc xe cùng lăn bánh một lúc.
"Vãi, ông An được tham gia xe đạp chậm kìa mày ơi!", tiếng thằng Lộc – đồng chí của nó hồi năm lớp 11, đồng thời là bạn cùng học thêm Toán với nó thấy An đang tập trung cao độ vào việc không để xe chạy vượt quá đối thủ mình mà bảo với thằng Đạt ngồi cạnh.
"Á đù!", Đạt trố mắt nhìn An. Phong thái đua xe của nó rất khác so với thằng Khoa mà trước đó nó từng thấy, nhưng kĩ năng của nó giống y hệt như Khoa.
An nghiêng nhẹ đầu sang một bên. Một đứa bên A11 bị loại vì chống chân xuống đất, tiếp đến là A8. Được rồi, đã đến lúc bốc đầu!
An bất ngờ đứng phắt dậy, quay tay lái một góc chín mươi độ và nhảy bật lên để bánh trước xe nảy lên một đoạn khoảng 2.2 inch (khoảng 5.5 cm). Tức thì, toàn bộ khán giả ngồi xung quanh khu vực thi đấu reo hò ầm lên như nổi lửa.
"WHOAAAAA!!!!!!!!"
"Xem idol biểu diễn kìa bà con ơi!", một góc lớp A3, A5 và A12 reo lên, và tiếng hò ấy khiến An mỉm cười mà tiếp tục đạp từng chút một. Không ngờ được rằng An có thể thực hiện tuyệt kĩ bí mật đó với chiếc xe đạp nữ tính như thế này, và tên tuổi của An vẫn còn nổi danh khắp khối.
Hai đối thủ còn lại đã gần sát vạch đích, còn An đã vượt qua hơn tám mươi phần trăm chặng đường.
"Tốt rồi... Tới đi các con...", An thầm thì, nhoẻn miệng cười với đôi hàm răng cắn chặt. "Đằng nào thì tao chẳng về bét hả?"
Thắng thua đã được phân định: ba đứa, bao gồm An, một đứa A9 và A12 đã được vào chung kết. An quay xe lại và đậu chiếc xe ở vị trí xuất phát trong sự reo hò của đám bạn chung quanh. Tuy nhiên, trách nhiệm của An vẫn chưa hết: An vẫn phải ngồi trên chiếc xe đặt ở vị trí thứ tư vì đây là phần chung kết cho khối 12.
Loa của lớp A7 đã được vặn lên tối đa, và giọng nói từ thằng Duy vang lên khắp khu vực thi đấu:
"A7 CỐ LÊN! A7 CỐ LÊN! A7 CỐ LÊN!..."
"IDOL CỐ LÊN! IDOL CỐ LÊN! IDOL CỐ LÊN!..."
Hai câu hét ấy xen kẽ với nhau tạo thành những luồng sóng âm hỗn tạp đập thẳng vào tai An khiến nó suýt mất thăng bằng.
Hiệu ứng domino đã lan toả ra khắp hai bên sân khấu, và gần như nguyên cả sân trường đều cổ vũ cho An. An không ngờ được chuyện này lại xảy ra.
Bây giờ tiếng còi khai cuộc chung kết khối bắt đầu.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro