Phân tích 14 dòng thơ đầu bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng
Trên nền bức tranh về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến giai đoạn 1945-1975 của đất nước Việt Nam anh dũng kiên cường, đâu đâu ta cũng bắt gặp những màu xanh. Có màu xanh của rừng cây bạt ngàn, của bầu trời, mặt nước, của những hi vọng còn mãnh liệt hơn cả những con sóng ngoài khơi, rực sáng hơn cả mặt trời,... và đặc biệt là màu xanh của áo. Những người lính vệ binh, những anh bộ đội cụ Hồ trong màu áo xanh đã trở thành tiêu điểm của bức tranh ấy. Văn chương, với sứ mệnh thiêng liêng của nó, đã khắc họa lên hình ảnh những bức tượng đài của thế kỷ. Trong những trang văn viết về người lính, nổi bật không thể không nhắc đến là "Tây Tiến"của Quang Dũng. Khổ thơ mở đầu khiến người đọc nao nao, "nhớ" về một thời đã qua của dân tộc:
"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
...................................
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"
Những dòng thơ đầu tiên đã khắc họa hình ảnh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ dữ dội, được vẽ lên bởi kí ức, nỗi nhớ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng. Qua đó, ta thấy được vẻ đẹp của người lính Tây Tiến với tư thế con người thời đại Hồ Chí Minh.
Quang Dũng viết "Tây Tiến" vào năm 1948 tại Phù Lưu Chanh- một làng bên sông Đáy hiền hòa. Cảm hứng bao trùm toàn bài là nỗi nhớ. Có thể nói Tây Tiến đã được ủ men trong nỗi nhớ của nhà thơ. Quang Dũng khi viết về người lính Tây Tiến cũng là viết về chính một đoạn đời của mình. Trong muôn vàn cung bậc của nỗi nhớ: "nhớ bổi hổi bồi hồi", "nhớ đỏ mắt", "nhớ đêm quên ngủ, nhớ ngày quên ăn",... Quang Dũng lại chọn nỗi nhớ rất lạ, rất khác biệt cũng rất tinh tế trong khổ thơ đầu bài. Nỗi nhớ ấy khiến lòng người không yên, như thổn thức, nhớ mong cùng tác giả.
Hai câu mở đầu là nỗi nhớ Tấy Tiến, nhớ núi rừng, nhớ dòng sông Mã:
"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi"
"Xa rồi" nhưng lòng nào đã nguôi. Nỗi nhớ cứ da diết đến quặn thắt lòng. "Tây Tiến ơi" như một tiếng gọi- gọi đoàn binh Tây Tiến, nhưng nó cứ ngân vang tha thiết như tiếng gọi người thân yêu. Âm hưởng ấy ngân lên từ những chữ "xa rồi" và "ơi" đầy cảm xúc nhớ thương. Câu thơ 7 chữ mà đến 4 chữ là tên riêng- đó cũng chính là nơi gửi gắm nỗi nhớ. "Sông Mã" không đơn thuần là con sông chảy dọc địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến mà nó đã trở thành một hình ảnh hiện hữu, một chứng nhân lịch sử đã chứng kiến những kỉ niệm vui-buồn, được-mất, máu- hoa của người lính Tây Tiến. Tây Tiến được nhắc đến 5 lần trong bài thơ như một nỗi ám ảnh hằnsâu trong trái tim của nhà thơ và cả ký ức của bạn đọc.Tây Tiến đã truyền cảm xúc từ tác giả đến bạn đọc. Hai tiếng Tây Tiến cất lên, ta như thấy sự kết nối vô hình tới trái tim tác giả. Còn với Quang Dũng, Tây tiến hơn cả một đoàn vệ binh, đó là tri kỷ. Cảm giác nhớ mong cứ da diết, mênh mang, lan mãi,...
Nỗi nhớ hướng về núi rừng tây bắc trùng trùng điệp điệp ẩn hiện trong mây trời đưa nhà thơ vào trạng thái tâm lý đặc biệt:
"Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi"
"Nhớ chơi vơi" không đầu không cuối, vời vợi, bảng lảng, giăng mắc, lan tỏa. Biên độ của cảm xúc dường như trải dài vô tận, bao quát toàn bộ cảnh vật, con người. Một nỗi nhớ kì lạ, ám ảnh. Nỗi nhớ ấy khiến ta liên tưởng tới những câu thơ:
"Ra về nhớ bạn chơi vơi
Nhớ chiếu bạn trải
Nhớ chăn bạn nằm"
Dường như một thời đã qua hiện lên trong nỗi nhớ và cảm giác của người trong cuộc.
Những hình ảnh, sự vật, sự việc bỗng hiện ra từ quá khứ mịn màng, ẩn hiện trong sương khói:
"Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi"
Núi rừng Tây Bắc đẹp mà dữ dội. Trong những đêm đến Sài Khao sương dày đặc như lấp đi đoàn quân. "Đoàn quân mỏi" nhưng tinh thần không mỏi bởi ý chí "Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh" khiến họ vững bước kiên cường.
Không chỉnh sương là vật cản duy nhất trên bước đường hành quân của người lính Tây Tiến, những đèo dốc trập trùng, hiểm trở cũng thách thức ý chí, đòi hỏi quyết tâm cao:
"Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm"
"Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống"
Điệp từ "dốc" và "ngàn thước" tạo ra hai vế tiểu đối, khiến câu thơ như bẻ gập làm đôi. Người đọc như thấy hình ảnh một Tây Bắc hùng vĩ với trùng trùng điệp điệp những núi, những rừng và chỗ nào cũng gập ghềnh, cheo leo. Các từ láy gợi hình "khúc khuỷu", "thăm thẳm", cùng các tiếng thanh trắc ở cuối câu làm câu thơ có âm vực cao thấp không đều, tạo cảm giác hụt hơi đến ngột thở của đoàn quân. Âm vực câu thơ đọc lên cũng bập bềnh, gập ghềnh như đoạn đường đoàn quân đã vượt qua. Cái tài của Quang Dũng là việc đo độ cao của dốc bằng hơi thở nặng nhọc của người leo núi.
Không chỉ dừng lại ở cảnh núi non, thiên nhiên Tây Bắc dữ dội còn là hình ảnh:
"Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người"
Tây Bắc được mệnh danh là nơi "rừng thiêng nước độc, lam sơn chướng khí". Vì lẽ, ở Tây Bắc cứ chiều tà lại nghe tiếng gầm thét thác đổ và cứ đêm sâu lại nghe tiếng cọp gầm. Những hiểm họa đó ngày nào cũng rình rập, tồn tại song song với thời gian "chiều chiều", "đêm đêm".
Những khó khăn dữ dội ấy cũng đã để lại những nỗi đau xót với người lính Tây Tiến:
" Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời"
Sự xuất hiện cách quãng của ba thanh ngã làm nhịp thở chậm lại, hình ảnh hiện lên trong trí nhớ như một thước phim quay chậm. Chữ "dãi dầu" đã lột tả sự khốc liệt của cuộc chiến. Bao sóng gió, hiểm nguy gian khổ phủ lên thân hình người lính Tây Tiến nhưng họ vẫn không bao giờ rũ bỏ, quay lưng lại với kháng chiến. "Bỏ quên đời" – ba chữ ấy cất lên nhẹ bẫng, hiển nhiên như một sự ngạo nghễ, bất chấp. Các anh lên đường, chiến đấu dẫu biết rằng:
"Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi"
( Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về)
Có những người lính đã mãi nằm xuống tại nơi núi cao đèo sâu như một giấc ngủ tranh thủ. Sự hi sinh là tất yếu. Xương máu đổ xuống để xây đài tự do. Nói về mất mát hi sinh nhưng vần thơ Quang Dũng không hề bi lụy. Hình ảnh ấy khiến ta nhói đau. Sự hi sinh ấy chúng ta chẳng bao giờ quên được.
Bên cạnh một Tây Bắc hoang sơ dữ dội ta cũng bắt gặp một Tây Bắc hùng vĩ nên thơ:
"Mường Lát hoa về trong đêm hơi"
Mường Lát là nơi đoàn vệ binh hành quân tới. Hình ảnh "hoa về trong đêm hơi" gợi nhiều lên tưởng. Đó có thể là hương hoa từ những bản làng, từ những cây trong rừng. Đó cũng có thể là những ngọn đuốc soi đường theo ánh trăng vào màn sương giăng mắc bỗng hóa thành những đóa hoa lửa. Sự liên tưởng ấy hẳn là đúng vì Nguyễn Du cũng từng cảm nhận được những nét tương tự:
"Đầu tường lửa lưu lập lòe đơm bông"
Hình ảnh hoa về trong đêm hơi gợi màu sắc lãng mạn và vẻ đẹp tâm hồn tinh tế của người trí thức Hà Thành.
Sự lãng mạn tinh tế trong cảm nhận về thiên nhiên Tây Bắc còn là hình ảnh:
"Heo hút còn mày súng ngửi trời"
"Súng ngửi trời" là hình ảnh nhân hóa táo bạo, đặc tả sự chót vót của dốc núi và nét tinh nghịch khỏe khoắn đầy chất lính. Người lính dường như "đang đi trên mây, trèo lên lưng mây, mũi súng chạm tới đỉnh trời". Đó là tinh thần của cả một thời đại:
"Mấy chàng lính trẻ măng tơ
Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm xôi"
(Tố Hữu)
Hình ảnh "súng ngửi trời" đã chuyển từ thế bị động sang thế chủ động của con người trước thiên nhiên. Trong phút chốc, con người trở nên vĩ đại, ngang tầm vơi vũ trụ bao la. Con người là tâm điểm, là nhịp cầu để nối giữa bầu trời và mặt đất. Tất cả hòa trong một tổng thể tuyệt diệu: mặt đất, bầu trời và con người. Con người đã làm chủ hoàn cảnh. Đó là tư thế con người của thời đại Hồ Chí Minh:
"Đèo cao thì mặc đèo cao
Trèo lên tới đỉnh ta cao hơn đèo"
Câu thơ "nhà ai Pha Luông mưa xa khơi" cũng là một nét trữ tình nơi núi rừng hiểm trở. Câu thơ 7 tiếng toàn thanh bằng, giống như tiếng thở phào nhẹ nhõm của người lính sau khi vượt đèo, núi. Người đọc có thể mường tượng hình ảnh người lính dừng chân nơi lưng chừng núi, phóng tầm mắt ra xa không gian để thấy nhà ai đó thấp thoáng, chơi vơi, ẩn hiện giữa không gian mịt mùng sương rừng mưa núi. Ngày xưa, Tản Đà cũng dùng luật bằng- trắc như thế trong hai câu thơ:
" Tài cao phận thấp chí khí uất
Giang hồ mê chơi quên quê hương"
Nghệ thuật sắp đặt cùng sự cảm nhận tinh tế, Quang Dũng đã vẽ nên khung cảnh bình yên, ấm áp lòng người.
Đoạn thơ khép lại hình ảnh Tây Tiến ấm áp ngọt ngào, vơi nỗi nhớ vấn vương:
"Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"
Đây là một kỉ niệm của đoàn quân trên đường hành quân nghỉ chân lại những bản làng. Hương vị của "cơm lên khói", "thơm nếp xôi" là hương vị của tình người. Đó cũng là biểu tượng của tấm lòng thơm thảo của người dân với bộ đội. Tình quân- dân thật thắm thiết, hài hòa! Chiên tranh dường như lùi lại, nhường chỗ cho cảnh sinh hoạt vui tươi. Đồng đội lại quây quần bên nhau, quên đi vất vả mệt nhọc. Hai chữ "nhớ ôi" được thốt lên thành lời gợi âm hưởng thiết tha, sâu lắng, bồi hồi. Câu thơ được viết ra bằng sự xúc động chân thành. Và "tột cùng của sự chân thành là sự sáng tạo nghệ thuật vô cùng tinh tế" (Puskin). Câu thơ gồm nhiều thanh trắc, thanh cao như những tiếng xuýt xoa. Hương vị bản Mường có bao giờ quên? Hai chữ "mùa em" trong câu thơ thứ hai được sử dụng tinh tế, sáng tạo. Câu thơ hướng về "em", về "đất", về "mùa",... Tất cả quấn quýt, vấn vương trong nỗi nhớ của người chia xa. Sau này, cũng nói về hương nếp, hương xôi, về em, về tình quân dân, Chế Lan Viên đã viết:
"Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch
Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng
Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch
Bữa xôi đầu còn tỏa ngát mùi hương"
(Tiếng hát con tàu)
Đoạn thơ mở đầu đã cho thấy nét tài hoa trong phong cách của Quang Dũng- một hồn thơ hào hoa, lãng mạn nhưng vẫn bi hùng, bi tráng. Cảm hứng lãng mạn thể hiện ở cái tôi đầy tình cảm, giàu cảm xúc của nhà thơ. Nó phát huy cao độ trí tưởng tượng, những yếu tố cường điệu, thủ pháp đối lập để tô đậm cái phi thường, tạo ấn tượng mạnh về cái hùng vĩ và cái tuyệt mĩ.
Thiên nhiên Tây Bắc, qua ngòi bút của Quang Dũng, vừa hoang sơ dữ dội, vừa ấm áp, nên thơ. Hình ảnh "em" – cô gái, con người Tây Bắc là nét vẽ ấm áp, thần tình, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn khát khao sum họp. Trên tất cả là hình ảnh con người với ý chí quyết tâm xả thân vì nước, luôn lạc quan, vượt qua mọi hoàn cảnh khốc liệt. Nhớ về Tây Tiến, ta nhớ mãi về núi rừng, về bản làng, về con người và về "Tây Tiến".
End
(Vũ Miêu)
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro