🌄
Tố Hữu ( 1920 - 2002 ), tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành - ông không chỉ là một người chiến sĩ Cách mạng yêu nước mà còn là một nhà thơ trữ tình - chính trị, là lá cờ đầu của thơ ca Cách mạng Việt Nam. Thơ ông mộc mạc, chất phác nhưng cũng vô cùng sâu sắc, ẩn chứa nhiều tâm tư, tình cảm và lẽ sống. Trong suốt cuộc đời mình, Tố Hữu đã để lại cho hậu thế nhiều những tác phẩm vô cùng xuất sắc như: Từ ấy ( 1937-1946 ), Máu và hoa ( 1972-1977 ), Ta với ta ( 1999 ),... và một trong những tác phẩm mang tính biểu tượng của ông chính là bài thơ "Việt Bắc" được tác giả viết năm 1954 sau hàng loạt những sự kiện nổi bật: Chiến thắng Điện Biên Phủ, hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, các cơ quan trung ương của Đảng và chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về thủ đô Hà Nội để tiếp tục lãnh đạo Cách mạng.
Mở đầu đoạn thơ là hai câu hỏi tu từ, câu nói độc thoại mang nhiều tâm tư, nỗi nhớ con người, nhớ thiên nhiên Việt Bắc trong lòng người ra đi:
" Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người. "
" Ta về, mình có nhớ ta " - câu thơ như lời đưa đẩy trong đối đáp giao duyên của ca dao, dân ca. " Mình - ta " là cách xưng hô vô cùng ngọt ngào nhưng cũng quen thuộc, gần gũi, thường được xuất hiện trong các câu hát huê tình. Ở đây, tác giả sử dụng lối đối đáp này để chỉ mối quan hệ nghĩa tình, thắm thiết, gắn bó keo sơn của những người cán bộ Cách mạng dành cho đồng bào Việt Bắc. " Hoa " - là một trong những thứ tinh khiết, đẹp đẽ nhất của thiên nhiên; " người " - chính là tinh hoa, là nền tảng của một vùng đất. Trong câu thơ này, sự hội tụ, hòa quyện giữa vẻ đẹp của thiên nhiên và vẻ đẹp của con người đang cùng hiện ra trong nỗi nhớ của người ra đi. Điệp từ " ta " lặp lại bốn lần cùng với âm " a " là âm mở khiến hai câu thơ như mang âm hưởng ngân xa, tha thiết nồng nàn.
Hai câu thơ tiếp là bức tranh khung Việt Bắc trong những ngày đông được Tố Hữa vẽ lên với nhiều màu sắc:
" Rừng xanh hóa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng. "
Trên cái nền " xanh " trầm, xanh đậm của núi rừng, màu đỏ tươi của hoa chuối hiện lên ngọn lửa giữa màn đêm, như tia hy vọng giữa muôn vàn khó khắn. Cách miêu tả này còn mang đến cảm giác hùng vĩ, bao la của núi rừng Việt Bắc đến cho người đọc. Bên cạnh khung cảnh thiên nhiên là hình ảnh con người với lưỡi dao hiên ngang giữa núi đèo - đây chính là tư thế tràn đầy tự tin, bản lĩnh, là tư thế sẵn sàng chiến đấu của bộ đội ta. Hình ảnh này được vẽ lên dưới ánh nắng trên đèo cao càng làm tăng thêm tính lãng mạn, hùng dũng cho câu thơ.
Tiếp đến, bức tranh khung cảnh Việt Bắc trong những ngày xuân cùng nỗi nhớ nhung của tác giả một lần nữa được vẽ lên ở hai câu thơ tiếp theo:
" Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang. "
Nhà thơ tiếp tục sử dụng màu sắc để tăng sự sinh động cho bức tranh Việt Bắc của mình. Sắc trắng của hoa mơ hiện lên trong ngày xuân được tác giả sử dụng như một động từ hóa thể hiện sự lan tỏa, bao phủ của màu sắc ấy trên khắp khu rừng. Từ đó đem lại cho núi rừng Việt Bắc một vẻ đẹp thanh tao, tinh khôi và thuần khiết. Bên cạnh vẻ đẹp ấy, nỗi nhớ con người Việt Bắc hiện lên trong lòng Tố Hữu. Cụm động từ " chuốt từng sợi " được tác giả sử dụng để nói lên sự cần mẫn, tỉ mỉ, công phu và khéo léo của người đan nón - qua đó như muốn ẩn dụ, nói lên sự tận tâm của đồng bào nơi đây trong kí ức của nhà thơ.
Khung cảnh Việt Bắc và nỗi nhớ của Tố Hữu trong những ngày hạ tiếp tục được ông vẽ lên ở hai câu tiếp với cả màu sắc và âm thanh:
" Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình "
Nhắc tới mùa hạ, ta không thể không nói tới tiếng " ve kêu " - đây là một âm thanh đặc trưng tạo nên sự rộn rã, háo hức. Cùng với âm thanh tiếng ve thì màu vàng cũng là một màu sắc biểu trưng cho mùa hè. Ở đây, nhà thơ đã sử dụng sắc vàng của lá cây phách. Màu sắc này được " đổ " lên khắp các cánh rừng Việt Bắc mang đến một cảnh sắc vô cùng huyền ảo và nên thơ. Bên cạnh đó, khung cảnh bao la của " rừng phách " đã gợi cho Tố Hữu nhớ tới hình ảnh " cô em gái hái măng một mình ". Một lần nữa sau điệp từ " nhớ ", con người Việt Bắc chăm chỉ, cần cù lại hiện lên trong tâm trí nhà thơ. Cách Tố Hữa điệp vần " gái " - " hái " và điệp phụ âm đầu " măng " - " một mình " đã tạo nên một giai điệu đầy phấn khởi, đầy sức sống và cả hoài niệm.
Để khép lại đoạn thơ và hoàn thành bức tranh tứ bình, tác giả vẽ lên khung Việt Bắc trong 2 câu tiếp với cả ánh sáng và âm thanh làm thỏa mãn người đọc:
" Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung. "
Nếu núi rừng Việt Bắc mang vẻ trầm lặng vào mùa đông, thanh khiết vào mùa xuân, rực rỡ vào mùa hạ thì ở đây, núi rừng Việt Bắc trong những ngày thu được nhà thơ vẽ lên với sự trong trẻo, yên bình. Động từ " rọi " được Tố Hữu sử dụng gợi lên cho người đọc một khung cảnh những ánh trăng đang xuyên qua những kẽ lá trông thật lung linh, huyền ảo và thanh bình. Câu thơ này làm cho ta gợi nhớ tới câu " Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa " trong bài thơ " Cảnh khuya " của tác giả Hồ Chí Minh. Điệp từ " nhớ " một lần nữa xuất hiện giúp tác giả tiếp tục nói lên sự hoài niệm của bản thân về người dân Việt Bắc. " Ai " là đại từ phiếm chỉ được nhà thờ sử dụng để thể hiện lên nỗi bâng khuâng, xao xuyến trong lòng mình. " Tiếng hát ân tình thủy chung " chính là tiếng hát dao duyên, mang nhiều tâm tư, cảm xúc mà người dân Việt Bắc gửi đến những người chiến sĩ Cách mạng
Khép lại khổ thơ và bức tranh tứ bình bằng âm thanh tiếng hát êm dịu và bình yên, Tố Hữu đã thể hiện một cách trọn vẹn nỗi nhớ nhung da diết, sâu lắng của bản thân với cảnh sắc thiên nhiên và con người Việt Bắc. Bút pháp đen xen nỗi nhớ và cảnh vật khiến đoạn thơ trở nên như một bản nhạc du dương trầm bổng với cả tâm tư, màu sắc, âm thanh và ánh sáng. Tất cả đã tạo nên một khổ thơ vừa thiết tha, vừa thơ mộng về nỗi nhớ của người chiến sĩ Cách mạng tới đồng bào Việt Bắc.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro