Cảnh ngày hè
Người Việt Nam ta giàu tình cảm: từ tình yêu rộng lớn như tình yêu quê hương, đất nước, yêu thiên nhiên cho đến những tình yêu được gói gọn trong khoảng không nhỏ bé như tình yêu gia đình, yêu làng xóm, tình yêu đôi lứa; không có tìm cảm nào là không được khắc họa trong thơ văn, không có thứ tình cảm nào là không sâu sắc. Cùng với những Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Chí Minh, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến,... Nguyễn Trãi cũng là một nhà thơ đậm chất dân tộc Việt Nam. Ông yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước, yêu những người dân – những cái người ở đâu đâu mà có lẽ ông chẳng quen biết hay hiểu rõ... Được trích từ tập thơ "Quốc âm thi tập", bên cạnh những bài thơ đậm chất triết lý, bài thơ Cảnh ngày hè qua những dòng miêu tả phong cảnh hè mà toát lên mong muốn, khát vọng của Nguyễn Trãi như một nét nhấn nhá đầy trữ tình, khiến người ta khó mà quên được.
Câu thơ đầu tiên của bài thơ, một câu thơ lục ngôn, một phá cách, phá cái Đường luật gò bó cổ điển thiếu sáng tạo trong một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật, là một câu thơ bình dị, tựa như lời nói thường, như một lời kể chuyện tâm tình:
Rồi hóng mát thưở ngày trường
Đằng sau những vần thơ giản dị ấy, là hình ảnh một người 'Hài cỏ dẹp chân đi đủng đỉnh/ Áo bô quen cật vận xuềnh xoàng.' Lúc bấy giờ, Nguyễn Trãi đã trở về ở ẩn nơi Côn Sơn. Nhà thơ đã không còn bị bó buộc vào cái vòng danh lợi, vào cái chốn quan trường mà 'Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn/ Lòng người quanh nữa nước non quanh.' Nhà thơ rốt cục cũng có thời gian, đi hóng mát nơi quê nhà, được sống cái cuộc sống vui thú hoa điểu, gắn bó với ngọn cỏ, nhành cây, cánh hoa. Nhịp thơ 1/2/3 độ đáo, chậm rãi, khiến người đọc, người ngâm như tưởng tượng ra được tiếng bước chân chầm chậm vang lên, xen lẫn với không gian của núi rừng: có tiếng suối, có đá rêu phơi, có rừng thông...
Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm
Trong rừng thông chật như nêm
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm
Câu thơ thứ hai, bài thơ trở lại với kiểu cách bảy chữ quen thuộc:
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Tiếng Việt ta giàu và đẹp. Các nhà thơ Việt Nam có vốn tiếng Việt hết sức phong phú. Điều đó có thể thấy được qua cái cách mà họ dùng từ. Một chữ 'đùn đùn' mang nghĩa dâng trào hết lớp này đến lớp khác, việc sử dụng một từ hiếm chỉ để thể hiện được đúng cái ý thơ của mình, cho thấy Nguyễn Trãi đã trau chuốt cho bài thơ như chính đứa con tinh thần của bản thân.
Và rồi, cái màu xanh của tán hòe cứ mãi xanh tươi, nảy hết lá này sang nhành khác ấy lại hòa với cái màu đỏ của hoa lựu, cái màu hồng phớt của cánh sen và nét xanh thanh tao nhã nhặn của lá sen mềm mại.
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương
Lại một lần nữa, ta thấy cái sự trau chuốt từ ngữ của Nguyễn Trãi. Hai từ phun, tiễn độc đáo, không khô khan, kệch cỡm mà lại mềm mại, nhẹ nhàng. Hoa lựu, hoa sen vào thơ Nguyễn Trãi tựa như có hồn – cái hồn lưu luyến mùa hè – nên cứ mãi đỏ rực rỡ, cứ mãi 'phun thức đỏ', nên cứ mãi tỏa hương, cứ mãi 'tiễn mùi hương'. Hình ảnh hoa lựu đỏ rực, cứ thế như trở thành một biểu tượng đặc trưng cho ngày hè trong thơ ca. Để rồi, ta bắt gặp nó trong Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du năm thế kỷ sau:
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.
Thế nhưng, nếu cảnh chỉ là cảnh, thì cái điều ấy không thực. Với một hồn thơ tinh tế đến nhường ấy, Nguyễn Trãi đem cả con người và âm thanh lẫn vào cái cảnh ngày hè rực rỡ.
Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương
Hè của Nguyễn Trãi, có cái tiếng lao xao ồn ào của con người, có cái tiếng ve râm ran vui vẻ mà đôi khi thấy ồn ào đến nhức óc. Hè của Nguyễn Trãi không phải là cái hè tĩnh lặng, cái hè im lìm như cái hè trong bức tranh vẽ bởi bàn tay người họa sĩ vô cảm, mà là cái hè ồn ã. Thơ ca Việt Nam nhắc đến cái tịch dương là nhắc đến sầu, là nhắc đến buồn, là nhắc đến cô đơn lẻ loi. Nhưng thơ ca của Nguyễn Trãi, cái tịch dương ấy rộn rạo biết bao! Nguyễn Trãi tâm vẫn phiền đấy chứ, nhưng cứ hòa vào với thiên nhiên là cái phiền ấy trôi hết đi đâu cả, chỉ còn lại mỗi cái hồn thơ tự do phá cách...
Bốn câu thơ đầu của Cảnh ngày hè, Nguyễn Trãi chỉ đơn thuần là tả cảnh, tả cái cảm nhận, cái thường thức, cái đời ẩn cư giản dị của ông. Hai câu thơ tiếp theo, không còn chỉ đơn thuần là cái hè, mà lẫn vào trong đó là cuộc sống của con người – cái thể hiện sự 'ưu thời mẫn thế' của ông. Muốn biết được nhân dân một làng sống có no đủ hay không, cái người ta nói đến đầu tiên chính là chợ làng. Mà ở đây còn là chợ cá. Chợ cá lao xao, xôn xáo tiếng người bán kẻ mua – một hình ảnh ấm no biết bao. Để rồi nhà thơ cất lên cái khát vọng của mình:
Dễ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương
Nguyễn Trãi khéo léo sử dụng một điển tích điển cố. Cái thời Đường Nghêu, Ngu Thuấn, vua Ngu Thuấn có một cây đàn, ông thường hay cầm đàn đàn khúc Nam Phong. Khúc ấy có câu 'Gió nam thuận thì có thể làm cho dân ta thêm nhiều của'. Dễ có có nghĩa là đáng lẽ ra phải có, hãy để ta có được. Nguyễn Trãi chỉ mong có đàn của vua Ngu Thuấn, mà đàn một khúc Nam phong, cầu chúc cho nhân dân ở mọi nơi, mọi chốn, 'khắp nhiều phương' thêm hạnh phúc ấm no, mong triều đại của ông có thể được như thời vua Ngu.
Hai câu thơ kết của cảnh ngày hè mới thật sự đã thể hiện được cái cảm hứng chủ đạo của bài thờ, không phải vì cảnh thiên nhiên, mà chính vì lòng trung, cái sự 'ưu thời mẫn thế', cái tấm lòng lo cho dân cho nước của Nguyễn Trãi. Như vậy, thật không ngoa khi nói rằng Nguyễn Trãi 'thân nhàn nhưng tâm không nhàn'.
Hầu hết các bài thơ trong Báo kính cảnh giới đều không có tên. Đó đơn giản chỉ là một cảm xúc nhất thời của Nguyễn Trãi, cái xúc động trước thiên nhiên, trước một cử chỉ của người khác hay cử chỉ sai lầm của chính mình, hoặc là cái khát vọng đột ngột trào dâng trong lòng... Bài thơ 'Cảnh ngày hè' cũng vậy. Đó chỉ đơn thuần là cái cảm nhận của nhà thơ về một ngày hè bình dị, là cái mong ước khát vọng nhân dân no đủ. Nhưng những cảm nhận ấy vô cùng tinh tế, những khát vọng ấy đơn giản mà thể hiện cái sự 'ưu thời mẫn thế', cái sự 'tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ) của Nguyễn Trãi.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro