Phân tích diễn biến tâm lí và hành động của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân

Tô Hoài là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông được mệnh danh là nhà văn của núi rừng Tây Bắc. Các tác phẩm của ông đều tái hiện một cách sinh động phong tục tập quán của người dân miền núi. "Vợ chồng A Phủ" là một truyện ngắn xuất sắc của Tô Hoài rút từ tập "Truyện Tây Bắc". Tác phẩm tái hiện lại cuộc đời và số phận của Mị và A Phủ trong hai giai đoạn khi ở Hồng Ngài và Phiềng Sa. Truyện rất thành công trong việc thể hiện bút pháp miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật rất tài hoa của Tô Hoài. Đặc biệt là đoạn trích miêu tả diễn biến tâm lí và hành động của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân.

Mị là nhân vật trung tâm của tác phẩm, cô mang những nét tiêu biểu của người con gái núi rừng Tây Bắc. Mị là cô gái xinh đẹp, yêu đời. Ở tuổi thanh xuân, cô có một tính cách phóng khoáng, tự do ; một trái tim nồng nhiệt , căng tràn sức sống, khao khát yêu và được yêu . Mị cũng là một cô gái tài năng. Cô thổi sáo rất hay, không những vậy, thổi lá cũng hay như thổi sáo, đã biết bao nhiêu người hằng đêm thổi sáo đi theo Mị. Những đêm tình mùa xuân, trai làng đến đứng nhẵn vách đầu buồng Mị. Tất cả những điều đó như báo trước một cuộc đời tươi đẹp, nhiều ước mơ, khao khát hạnh phúc tuy cuộc sống còn khó khăn. Nhưng không may, Mị lại trở thành nạn nhân của cường quyền và thần quyền Tây Bắc. Chỉ vì món nợ truyền kiếp của gia đình và lần cúng trình ma nhà thống lí, Mị đã vĩnh viễn trở thành cô con dâu gạt nợ của gia đình Pá Tra , để từ đây cuộc sống của Mị hoàn toàn thay đổi. Vốn là một cô gái tràn trề sức sống, Mị trở thành một cô gái mất hết ý chí về cuộc đời, cô ngày càng ít nói "lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa", nghĩ mình cũng như là một công cụ lao động, như là một con trâu con ngựa trong nhà thống lí Pá Tra.

Những tưởng cuộc đời Mị sẽ mãi như thế, vĩnh viễn sống trong cảnh tối tăm địa ngục, không có ý định giải thoát cho mình nữa. Nhưng không, sức sống ấy không hề tiêu tan trong tâm hồn đã chai dạn vì quá đau khổ mà nó chỉ tạm thời lắng xuống, như một ngọn lửa nhỏ nằm dưới đám tro tàn chờ cơ hội bùng lên mạnh mẽ.

Khung cảnh mùa xuân năm ấy đã tác động vào tâm hồn Mị với những cơn gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng và sắc màu sặc sỡ của những chiếc váy hoa phơi dưới nắng xòe ra trên mỏm đá như những cánh bướm. Những yếu tố đó đã làm cho lòng Mị phơi phới trở lại. Mị lẩm nhẩm hát theo bài hát của người đang thổi sáo, "tiếng sáo gọi bạn nơi đầu núi " văng vẳng vọng lại. Tuy nhiên, sức sống tiềm tàng trong tâm hồn Mị chỉ thực sự bùng lên mạnh mẽ nhất trong đêm tình mùa xuân.


Mị uống rượu ngày tết và lịm mặt say, ngồi trơ ra giữa nhà . Hơi rượu và "tiếng sáo gọi bạn yêu lơ lửng bay ngoài đường" đã kéo Mị ra khỏi thực tại. Bữa rượu tan từ bao giờ Mị cũng không biết, người về người đi chơi đã vãn cả Mị vẫn ngồi đấy. Tâm hồn Mị đang sống về ngày trước. Mị nhớ lại "mùa xuân này, Mị ngồi thổi sáo bên bếp lửa, Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo, có biết bao nhiêu người mê ngày đêm thổi sáo đi theo Mị". Trong đầu Mị nhớ lại những kí ức tưởng chừng đã bị quên lãng.Nhưng quan trong hơn, Mị đã thức tỉnh được sức sống trong tâm hồn mình. Mị vẫn nhớ, vẫn ý thức được về bản thân, ý thức được mình còn là một con người, mình còn trẻ. Nhưng bỗng chốc thực tại tàn nhẫn ùa về làm cho Mị đau đớn "nếu có nắm lá ngón trên tay lúc này Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không thèm nhớ lại nữa". Điều này càng chứng tỏ sức sống tiềm tàng đang trỗi dậy trong tâm hồn Mị. Khi người ta muốn chết, có ý thức đấu tranh thoát khỏi cuộc sống vô nghĩa thì có nghĩa là lúc đó người ta đang tha thiết sống.

Nhưng ngay sau đó diễn biến tâm lí và hành động của Mị lại đầy mâu thuẫn. Mị muốn đi chơi, khao khát được sống được tự do nhưng Mị lại không bước ra ngoài đường chơi mà lại từ từ bước vào buồng, ngồi trên giường mà nhìn ra cái cửa sổ vuông - ngục giam tâm hồn Mị. Lúc này trong tâm hồn Mị có một diễn biến rất phức tạp, có sự đấu tranh quyết liệt giữa một bên là sức sống mãnh liệt, khát khao hạnh phúc và một bên là hiện thực cuộc sống, là mặc cảm về thân phận. Thế nhưng rồi niềm khát khao đã chiến thắng, Mị sắn thêm miếng mỡ bỏ vào đĩa đèn cho sáng, quấn lại tóc và sửa soạn áo váy chuẩn bị đi chơi. Lúc này Mị không hề sống trong thực tại mà chỉ nhớ về quá khứ, tâm hồn Mị đã đi theo tiếng sáo đến những cuộc chơi những  đám chơi. Rồi A Sử về, hỏi Mị, trói Mị vào cột nhà. Mặc cho bị A Sử lấy thắt lưng trói hai tay, lại lấy cả thúng sợi đay trói đứng vào cột nhà, quấn cả tóc vào cột Mị vẫn không hề hay biết. Trong đầu Mị vẫn dập dờn tiếng sáo "em không yêu quả pao rơi rồi - em yêu người nào - em bắt pao nào". Chỉ cho đến khi định vùng bước đi ra ngoài chơi, bị những sợi đay siết chặt vào người thì Mị mới biết là mình đang bị trói. Lúc này Mị đau đớn không chỉ ở nỗi đau thể xác mà còn ở tâm hồn. Còn gì chua xót tủi nhục hơn khi một con người bị giam cầm, bị chặn đứng khát vọng sống ngay khi khát vọng ấy vừa bùng lên sau bao nhiêu lâu bị thực tại cuộc sống vùi dập, làm cho chai dạn. Mị lúc say lúc tỉnh. Hơi rượu thoang thoảng. Lúc thì Mị thấy trong đầu dập dờn tiếng sáo gọi bạn yêu, lúc lại quay trở về hiện thực bị trói đứng với những sợi dây đay siết chặt quanh người. Nhưng diễn biến tâm lí lại ngày càng diễn biến theo chiều hướng ngược lại so với lúc đầu. Mị càng lúc càng hết say, càng lúc càng tỉnh, càng lúc càng đớn đau. Ý muốn đi chơi dần mất đi, ngọn lửa của sức sóng tiềm tàng nhỏ dần rồi tắt hẳn. Để rồi đến sáng ngày hôm sau Mị hoàn toàn ngã quỵ cả về thể xác lẫn tinh thần. Mị quay trở về là Mị của thường ngày, là "con rùa nuôi xó cửa của nhà thống lí Pá Tra".

Mị là nhân vật trung tâm của truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ", qua diễn biến tâm lí và hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân, tác giả đã mang đến và thổi bùng ngọn lửa sức sống tiềm tàng trong nhân vật của mình, chứng minh cho khát vọng sống và sức sống mạnh mẽ của người dân miền núi Tây bắc.

ĐỖ KIỀU

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro

Tags: