Chương 2: Gặp lại
Dương đi học ở mạn Hà Nội, hè nào được nghỉ cũng tự bắt xe về quê thăm ông bà. Bố mẹ Dương mất từ khi cô lên 5, một tay ông bà ngoại nuôi nấng.
Dương từ bé đã thông minh hiểu chuyện hơn người, cô ham đọc sách lắm. Cứ cuối tuần là lại kêu ông ngoại phóng con dream xanh sờn màu vào thị trấn để mượn sách, không thì cũng là lục lọi kệ sách của ông mà cả ngày nghiền ngẫm.
Thứ sách cô thích nhất là sách cổ học, sách Hán Nôm. Người làng nhìn thấy thì vẫn thường tấm tắc khen “con bé cháu ông Sáu Nghĩa lại đọc sách kìa, giống ông ngoại nó như đúc”. Nói vậy là bởi ông ngoại cô vẫn nổi tiếng khắp vùng là có tài đọc chữ Hán Nôm như nước chảy.
Dương lấy đấy làm tự hào, lại càng thêm thích học. Ông bà thấy vậy mới gửi cô lên Hà thành học trường chuyên tốt nhất,cốt cũng là mong cô thành đạt. Chứ ở mạn Hoà Bình này, lấy đâu mà phát triển học thức.
Lần này Dương về quê không chỉ để nghỉ hè mà còn vì lí do khác. Một cuộc gọi điện bất chợt khiến cô không yên lòng. Mấy hôm trước cô em họ của Dương gọi đến, nó kể:
"dạo này thôn mình lạ lắm chị ạ, trâu bò cứ thi nhau mà chết, đàn gà nhà bác năm còn bị ăn hết cái đầu. Em lo có chuyện gì lắm, khéo lại bệnh dịch gì, thế này có khi súc vật thôn mình nuôi chả bán được. Lại kể, con nhà dì ba cứ đến đêm là khóc ré lên, nói năng lộn xộn đến mất cả vía. Vài người còn kể gặp ma khi đi ngang nghĩa trang. Kinh chết khiếp đi được! Chị học cao hiểu rộng, lại hay tìm hiểu mấy thứ cổ xưa, hay về quê một chuyến đi."
Thùy Dương nhìn quanh, ngồi xuống băng ghế gỗ ở bến chờ, hình như trời vừa mưa, lớp gỗ âm ẩm khiến cô khẽ nhíu mày. Chợt cô ngước lên, người đón cô không phải ông ngoại, mà là người cô không ngờ tới - Thái An.
Cậu là anh họ Thùy Dương, tuy hai đứa bằng tuổi, nhưng khác với cô thông minh và nhanh nhẹn, Thái An hồi bé nổi tiếng phá phách. Cậu ta từ xưa đã to cao hơn đám đồng trang lứa, đầu óc tuy không lanh lợi mấy, nhưng tay chân thì khoẻ như trâu mộng.
Khi trước, cả thôn chỉ có lấy Thùy Dương và Thái An là những đứa trẻ duy nhất lớn lên trong thôn. Người lớn thường thì thầm rằng, sau chiến tranh, thôn sinh khí dữ, khó có trẻ con, nếu có cũng bệnh tật ốm yếu, chết yểu.
Thành thử ra nhà nào có con nhỏ là đem gửi cho người thân ngoài thôn nuôi, con lớn hẳn mới cho về đây sống. Hai đứa trẻ con, hễ rảnh là lại chạy vào rừng, chơi trong nhà thở tổ, leo cây bẻ sung chấm muối.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro