1. Tôi

Đó là một chiều hè lộng gió. Đức Duy ngồi co ro trên chuyến xe đò cuối cùng lên bản, cạnh cậu là An - thằng nhóc kỹ sư thủy lợi vừa được chuyển về đây sau hai năm ròng quên ăn quên ngủ trên thuỷ điện Hòa Bình.

Đức Duy là một văn sĩ hết thời. trước năm tám mươi anh đã có vô số những tác phẩm về cách mạng, những bản hùng ca về người chiến sĩ ngoan cường, gai góc. Song thời thế đã thật sự đổi thay, làm gì có ai đang sống một cuộc đời tươi sáng lại muốn nghe những tiếng  gào thét từ những mảnh đời của thời đại cũ? Họ cần gì đó ít khổ đau hơn để sống tiếp, sống qua nỗi đau vợ mất chồng, con mất bố. Sống cho hết thảy những hoài bão lớn của đất nước vốn rất nhỏ bé này.

Nhớ ngày đó, Quang Anh nhận lệnh chuyển công tác lên Tây Bắc, Duy đã đòi anh đi theo. Đúng rồi, anh nhận ra mình cần phải đi sâu, đi sát vào người lao động để biết họ cần gì, muốn gì, thiếu gì để mang về viết truyện.

Cuộc gặp gỡ giữa Duy và Quang Anh chẳng có gì ấn tượng, một bàn trà đá, 2 điếu thuốc lá và đĩa xôi lạc. Quang Anh mặc chiếc áo ba tàu màu mỡ gà mà anh đã mua trong lần đi công tác ở biên giới Việt - Trung, đoạn Cao Bằng giáp với Quảng Tây. Tận 50 đồng giấy bạc cụ Hồ, anh hay khoe đó là tài sản quý nhất anh sẽ mang theo xuống mồ.
"Độ này chú còn lên Tây Bắc không?"
Quang Anh hỏi ráo hoảnh rồi châm điếu Trường Sơn hít một hơi dài. Duy thích nhìn Quang Anh hút thuốc, mỗi lần anh lim dim đôi mắt, khói thuốc bay ra quấn quýt nơi đầu mũi, trong lòng Duy chợt nổi lên cảm giác xuyến xao lập loè.
"Mọi người cần em đi thì em sẽ đi. À, nếu như mà anh đi thì em cũng đi theo".
Anh nhếch môi một cái, gạt nhẹ đầu tàn thuốc vào cạnh bàn rồi ngồi thẳng dựa vào lưng ghế quay sang nhìn cậu.
"Ô chú em này hay nhỉ. Anh thì cần cóc gì chú đâu. Đi theo anh lên đấy mày chết đói".
"Em không xây thuỷ điện được nhưng em dạy chữ được. Em còn biết tiếng Pháp và tiếng Nhật." Cậu hùng hổ đặt tách trà xuống cái khay sứ kêu cái keng thật giòn.
Quang Anh cười cười rồi móc ra trong túi tờ giấy còn dính dầu máy mà cậu nghĩ anh đã xé vội trong cuốn tập học sinh nào đó. Rồi cặm cụi viết mấy câu toang nhét vào tay Duy.
" Ngày mai tầm 7 giờ sáng chú ra trước cổng cơ quan, có xe đến đón chú lên Hà Giang. Chú đưa cho thằng tài xế ở đó tờ giấy này".
Nói xong Quang Anh cất lại cây bút trong túi quần, châm điếu thuốc thứ hai rít từng hơi não nề rồi nhắm mắt lại mặc cho gió hạ mang hơi nước từ hồ Gươm tạt vào khoé mắt cay xè. Duy im lặng nhìn Quang Anh không biết đang ngủ hay thức. Tay vân vê từ giấy rồi từ từ mở ra, trong đấy Quang Anh viết:
"Cu cậu này xăng pha nhớt không biết xây công trình đâu, mày đưa nó và thằng An lên Pha Lăng dạy chữ cho bà con. Xong việc mày về Hoà Bình với đội anh. Anh cảm ơn mày."

________

Chiếc xe khách cà tàng khựng lại giữa bến vắng hoe. Nó phanh rít lên một hồi chua chát, rồi im bặt lại như chết động cơ. Duy nhìn quanh, chỉ thấy nắng chiều quái ác đổ xuống mặt sân bê tông loang lổ, những chiếc Gaz 63 han gỉ nằm lặng lẽ như lũ trâu già đợi ngày hóa kiếp. Đất trời nơi đây rộng lớn đến quạnh quẽ, chỉ có gió mang theo bụi đất đỏ cuộn lên từ con đường mòn kéo dài ra xa, hút vào rừng sâu. Cậu lẩm bẩm, nếu lúc này có một quả ba càng nổ ở đây chắc cũng chẳng ai nghe thấy, chỉ có mấy con quạ trên mái tôn gỉ sét giật mình vỗ cánh bay vù.

Anh tài xế, kiêm luôn lơ xe, bước xuống, ho khúng khắng mấy tiếng rồi hô to:

"Từ đoạn này mọi người đi bộ theo đường chính lên bản nhé, đường xấu, xe không vào được!"

Thành An, mặt còn xanh lét vì say xe, vừa bám cửa vừa nôn thốc nôn tháo. Nghe thế, cậu ta giật mình hỏi:

"Còn bao nhiêu cây số nữa anh?"

"Cỡ hai chục!"

Duy thở hắt ra. Hai chục cây số đường núi trong buổi chiều muộn chẳng phải chuyện đùa. Cậu kéo chiếc vali da bê, nhún vai, rồi lẳng lặng bước theo đoàn người, ai cũng lầm lũi như một đàn kiến lạc tổ.

Đường đất đỏ có vài đoạn nhão nhoét sau trận mưa đêm qua, lỡ bước chân vào lún sâu tận năm phân, kéo theo từng mảng bùn dày dính chặt vào dép. Hai bên đường, lau sậy mọc um tùm, cao quá đầu người, mỗi khi gió lùa qua lại ràn rạt. Duy cảm thấy hơi gai người. Chợt, An lên tiếng:

"Duy là bạn của Quang Anh à?"

Duy hơi chững lại, rồi đáp qua loa:

"Dạ, bạn. Gặp nhau hồi năm bảy mươi bảy ở Liên Xô."

"Hai người học cùng trường à?"

"Không, em đi dự bị, rồi về học Sư phạm Hà Nội."

"À."

Câu chuyện chỉ đến đó là tắt ngấm. Không ai nói thêm câu nào. Chỉ có tiếng chân trượt trên nền đất ướt, tiếng côn trùng kêu ran trong bụi cỏ rậm, và tiếng gió, lúc rì rào, lúc rít lên, như muốn nuốt chửng cả đoàn người nhỏ bé đang lầm lũi tiến về phía rừng già.

Mặt trời tắt dần sau dãy núi trập trùng. Sau gần năm tiếng leo dốc, bản Pha Lăng hiện ra trong ánh chiều đỏ quạch. Một cụm nhà sàn lúp xúp trên sườn đồi, làn khói bếp bốc lên từ khe vách gỗ, cuộn quanh những mái tranh cũ kỹ rồi tan vào trời chiều.

Ở căn nhà sát vách tường đá của bản, hai người đàn ông đứng đợi sẵn. Một người cao lớn, nước da trắng, dáng vạm vỡ. Người kia thấp bé hơn, nước da sạm nắng. Người thấp hơn cất tiếng trước, giọng hồ hởi:

"Chào các anh em, tôi là Hiếu, hai tám tuổi."

An cũng cúi đầu chào lại:

"Em là An, hai sáu tuổi. Còn đây là Duy, hai lăm."

Duy thoáng ngập ngừng, rồi cũng gật đầu chào. Chưa kịp nói thêm, thì từ phía sau bếp, một thanh niên cao lớn bước ra, mắt sáng lên khi thấy Duy:

"A, Đức Duy! Nhớ tôi không? Dương đây, lớp của thầy Thành ngày trước!"

Duy đứng khựng lại. Cậu không nhớ ra ngay. Nhưng theo phép lịch sự, cậu cũng cười, giọng thoáng chút xa cách:

"À, Dương đấy à! Hồi đó lớp thầy Thành đông quá, tôi không nhớ hết."

"Không nhớ thật hả? Tôi còn ở đối diện phòng ký túc xá với Duy nữa đây!"

Duy nhíu mày, cố đào bới ký ức cũ. Một thoáng im lặng. Rồi chợt nhớ ra, cậu bật cười:

"Trần Đăng Dương phải không? Khổ quá! Tôi tưởng ông vào Nam cùng Đăng với Hùng rồi chứ!"

Dương vỗ vai Duy, cười ha hả:

"Mà bản này heo hút thế, tôi không nghĩ có ngày gặp lại cậu ở đây!"

Duy im lặng. Xa xôi, đúng là xa xôi thật. Nhưng rồi một điều gì đó như mách bảo đây là một quyết định thay đổi vận mệnh của chính cậu.

____

Đêm Tây Bắc đặc quánh như mực, nhiệt độ xuống rất nhanh. Trên mái hiên của căn nhà sàn ngót nghén hai trăm tuổi, Duy và An ngồi co ro, hơi thở phả ra từng làn khói mỏng, Từ đó, họ nhìn sang thềm giếng đá, nơi Dương đang tắm. Dưới ánh trăng lờ mờ, cơ thể Dương rắn rỏi như tạc từ đồng, làn nước lạnh cứ thế bám vào từng thớ cơ, trượt dài theo bờ vai rộng xuống bắp tay, hắn vốc nước lên rửa mặt, từng giọt nước bắn lên lồng ngực rồi đi theo những đường gân nổi dọc theo bụng mà trườn đi như con suối nhỏ.

Duy khẽ cau mày:

"Rét như thế này vẫn dám tắm nước giếng, đúng là lì thật"

An rùng mình, lẩm bẩm:

"Chắc sống trên này quen rồi, như anh và em rồi cũng sẽ quen như vậy thôi"

Dương bước từng bước dài lên bậc cầu thang, gió rừng luồn qua những tán cây, thổi những hơi cắt thịt, nhưng hắn vẫn thản nhiên, đôi chân trần đạp trên nền nhà kẽo kẹt như cái lạnh chẳng liên quan gì đến hắn.

Trong bếp, Hiếu bắc một nồi nước to trên cái kiềng ba chân, ngọn lửa bập bùng soi rõ nhunhwx nét cương nghị trên khuôn mặt hắn. Khói bốc lên cay xè, quanh quẩn trên mái nhà rồi từ từ tan vào không khí như lớp sương mỏng. Khi nước vừa sôi, Hiếu gọi"

"Nước nóng rồi, hai đứa mang đi tắm đi"

Duy và An lững thững ra giếng. Vừa đổ thêm năm gầu nước lạnh, An kêu lên ra hiệu nước đã ấm vừa đủ tắm thì Duy dừng lại, cúi xuống, vốc gáo nước ấm dội lên đầu An. Dòng nước mang theo hơi ấm nhưng gió lạnh vẫn rít như kim châm tạt vào lưng khiến cu cậu giật mình, nhảy cẫng lên trên nền giếng ướt, chân không ngừng giậm lên xuống trong khi răng vẫn đang đánh cầm cập:

- Lạnh quá! - An rên rỉ.

Duy bật cười, vẫn tiếp tục dội nước cho An gội dầu.

"Anh nhảy thế té bây giờ"

Nhưng đến lượt mình, Duy cũng không khá hơn, khi mắt cậu nhắm nghiền vì bột xà bông cay xè, An cầm gáo nước dội mạnh xuống, cậu nhảy câng câng tại chỗ. An khoái chí cười rõ to:

"Đấy, tao bảo lạnh mà"

Bất chợt, tiếng côn trùng xung quanh nhỏ dần, rồi từ mặt nước bên kia kêu tõm như thứ gì vừa rơi xuống khiến hai cậu trai giật mình nhìn nhau.

"Có ma anh An ơi..."

"Mê tín dị đoan cán bộ phạt đấy" - An mắng cậu nhưng quay sang cậu thấy khuôn mặt anh mếu xẹo trông không giống người tri thức vô thần mấy.

Rồi hai cậu trai thành phố hét toáng loạn, vừa kịp mặt vội cái quần đã chạy tót vào nhà run cầm cập.

Dương và Hiếu thở dài, không biết đây đã là những người thứ bao nhiêu được gửi lên Pha Lăng, đã có những tri thức trẻ tình nguyện lên đây vì Tổ quốc nhưng lại bị hiện thực đánh bật lại. Rét và thiếu ăn mới là hai con quỷ thực sự của buôn làng, con chữ làm thay đổi số phận nhưng cái đói còn giết được kẻ đã sành chữ. Dương quay đầu nhìn hai cậu thanh niên mới đến đang ôm nhau thu lu trước bếp lửa liền thở dài... Không biết rồi ai sẽ thay máu cho những con người cũ kỹ, mòn mục ở đây.

Vừa lúc đó, tiếng động cơ Mogik rú lên như mãnh thú, gầm thét từ phía xa, đèn pha rọi sáng cả con đường đất đỏ hun hút bóng cây. Một người đàn ông mặc áo khoác xanh rằn ri, đeo kính pilot gọng vàng ẩn hiện giữa làn sương mờ mịt.

Chiếc Mogik đen đổ khựng lại trước sân, Dương và Hiếu nhìn ra, người đàn ông tháo kính, để lộ đôi mắt sâu thẳm, là Quang Anh.

"Công trình thừa người nên đuổi cậu về đây à" - Hiếu cợt nhã nhìn anh kỹ sư đã lâu không gặp giờ đang mò đến tận bản.

"Có chút việc cấp trên giao xuống, chắc phải ở nhờ nhà anh ít ngày" Quang Anh cười cười đi thẳng vào trong bếp nơi Duy và An đang ngồi sưởi ấm.

Duy biết Quang Anh ghé thăm có chút bất ngờ, khi cậu vừa đứng lên chào hỏi thì anh đã kịp đưa tay cốc dầu cậu một cái "cốp".

"Để xem đồ lì lợm này ở lại đây bao lâu."

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro