Làn 2. Đôi Mắt Sau Lớp Mặt Nạ
Hậu trường sân khấu, một thế giới khác. Không gian chật chội, oi nồng, quyện lẫn mùi mồ hôi, bột phấn, gỗ mục, sơn dầu, và thoang thoảng hương nhang cúng Tổ nghề trên chiếc bàn thờ nhỏ góc trái.
Duy đứng lặng lẽ bên tấm màn xanh buông hờ, lòng bâng khuâng. Một sự thôi thúc lạ lùng giằng xé muốn gặp lại ánh mắt kia một lần nữa, nhưng lại sợ hãi. Sợ ánh mắt ấy lần này sẽ không còn là của Trần Bình Trọng trên sân khấu, mà là của một người xa lạ, lạnh và mệt, như bao nghệ sĩ phải tháo mặt nạ sau vai diễn.
Tiếng quạt công nghiệp rè rè phá tan tĩnh lặng. Đâu đó văng vẳng tiếng ngáy khò khè của ai đó đang ngủ gục. Ánh đèn neon nhấp nháy, phơi bày những vệt sơn bong tróc trên mấy tấm đạo cụ bằng ván ép.
Duy nhích thêm một bước, tay khẽ đưa định vén màn thì một giọng nói trầm ấm bất ngờ vang lên sau lưng:
"Cậu không phải người trong đoàn đâu."
Duy giật mình quay phắt lại.
Là anh.
Quang Anh vừa thay áo, lớp phấn trắng lợt vẫn còn vương quanh mắt. Anh cầm chiếc khăn nhỏ, tóc ướt đẫm mồ hôi, phần chân tóc sẫm màu thấm nước. Ánh mắt anh nhìn Duy không hề dữ dằn hay lạnh lùng, chỉ có vẻ chùng xuống, như vừa trải qua một hành trình dài.
Duy lúng túng, nhưng vẫn gật đầu:
"Em là sinh viên. Em làm đề tài về hát bội. Em... đến xem, nếu không phiền."
"Phiền thì cũng không đuổi cậu được."
Quang Anh ngồi xuống bậc gỗ, rút từ hộc tủ nhỏ ra một chiếc hộp gỗ dài hình chữ nhật. Anh mở nắp, bên trong là những dụng cụ quen thuộc của người nghệ sĩ: phấn, cọ, và vài chổi kẻ mắt bằng tre bọc giấy báo cũ.
"Có người xem thì mừng. Mà lạ quá..."
"Lạ gì ạ?" Duy hỏi.
"Mắt cậu. Nhìn... không giống người đi học."
"Thế giống người gì?"
"Giống người từng bị sân khấu này bỏ rơi."
Duy im lặng. Tim cậu như đập trật một nhịp.
Quang Anh không hỏi thêm. Anh trút phần phấn trong hộp ra lòng bàn tay, dùng khăn giấy lau từng đầu chổi. Động tác nhẹ nhàng, như đang nâng niu một điều gì đó sắp vĩnh viễn mất đi.
Không gian giữa họ đặc lại, nén chặt.
Tiếng ồn ào ngoài sân đã thưa dần. Đoàn hát đang dọn đồ. Tiếng xe máy nổ giòn rồi vụt qua cổng, xa dần.
"Hồi nãy... anh diễn rất hay."
"Cảm ơn."
"Không phải em nói vì ngưỡng mộ. Em thấy..."
Duy dừng lại, rồi nói tiếp, chậm rãi hơn:
"Em thấy giống như anh... không cần khán giả vẫn diễn hết mình."
Quang Anh ngước lên.
Đôi mắt ấy, giờ đây không còn đỏ rực như lúc ở pháp trường, không còn vẻ oai nghi của lời thề "thà làm quỷ nước Nam", mà chỉ còn trơ trọi sự mệt mỏi. Như thể người diễn viên kia đã dốc cạn sinh khí trên sân khấu, còn dưới ánh đèn trắng này, chỉ còn lại một chàng trai hai mươi tư tuổi đã sống già dặn như người năm mươi.
"Cậu biết không? Có lúc tôi muốn đứng im luôn. Không ra sân khấu nữa. Không hát. Không vẽ mặt. Không gồng mình diễn anh hùng gì cả."
"Nhưng rồi..." Duy hỏi nhỏ.
"Rồi thấy... nếu không có vai nào để sống tạm, thì chắc tôi sẽ chết thật."
Duy không biết phải đáp lời ra sao. Cậu chỉ nhìn đôi tay của Quang Anh vẫn tiếp tục lau phấn, dù tay đã run rẩy. Lau như thể đó là một nghi thức cuối ngày, như cách người ta rửa mặt sau một ngày buôn bán mệt nhoài, nông dân giũ đất sau mùa gặt, hay lính gác tháo giày sau phiên canh cuối cùng.
"Cậu tên gì?"
"Hoàng Đức Duy."
"Tên học trò dữ vậy. Ở đâu xuống?"
"Em ở Sài Gòn."
"À... dân thành phố."
"Dạ."
Duy định mở miệng hỏi thêm điều gì, nhưng Quang Anh đã đứng dậy. Anh đặt lại hộp phấn vào hộc tủ, cẩn thận khóa lại bằng một sợi dây kẽm xoắn.
Khi quay sang Duy, anh khẽ gật đầu:
"Cậu muốn tìm hiểu hát bội thì đi theo mấy suất sau đi. Tụi tôi diễn ở Thới Lai hai bữa nữa. Lúc đó chắc có vở Viên ngọc quý hoặc Tiêu Anh Phụng loạn trào. Có đào chánh hát, không phải tôi."
"Nhưng em không đi vì vở."
"Vậy đi vì ai?"
Duy không trả lời ngay. Cậu nhìn vào đôi mắt ấy, đôi mắt vừa thoát khỏi lớp mặt nạ, nhưng vẫn còn giữ lại dáng hình của vai diễn vừa rồi, và thấy mình không thể nói dối.
"Em nghĩ... em đi vì một người không cần ai vỗ tay, vẫn diễn như thể lần cuối."
Đêm buông hẳn. Gió thổi từ đồng về mang theo mùi bùn non, rơm cũ, và âm thanh của thời gian bị lãng quên.
Đằng sau tấm màn xanh đã được thả xuống, ánh đèn cuối cùng vừa tắt.
Chỉ còn tiếng bước chân hai người vang nhẹ trên nền xi măng loang nước.
Ở đó, trong một khoảng hậu trường nhỏ, một cái nhìn được giữ lại, không thuộc về sân khấu, cũng không hoàn toàn thuộc về đời thường.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro