Chầu 10. Ai Là Khách

"Màn kéo xuống, vai khép lại. Có người còn đứng chờ sau ánh đèn."

Một buổi sáng bình yên, tiếng thì thầm dịu dàng len lỏi qua không gian nhỏ.

"Anh ăn sáng chưa? Em nấu cháo trắng với cá bống kho tiêu."

Quang Anh lên tiếng với cái giọng còn ngái ngủ "Em nấu hay nấu giùm cả gánh tuồng?"

"Em nấu cho cả gánh. Nhưng nồi anh riêng, không có ớt. Hôm qua mới diễn, cay không tốt cho cổ họng đâu."

"Ừ, cám ơn em. Mà em cứ chăm anh vậy, không sợ mấy đứa nhỏ nó hiểu lầm?"

Duy cười nhẹ: "Nó mà chưa hiểu thì để nó hiểu từ từ. Em đâu có giấu."

Sân khấu chính của trường đại học.

Một đêm đông se lạnh. Sinh viên tất bật dọn dẹp đạo cụ: kịch bản in màu, bản phối âm, phục trang cổ, chiêng trống xếp hàng ngay ngắn. Tất cả chuẩn bị cho một buổi diễn tái dựng vở Sơn Hậu, công phu nhất trong chuỗi chương trình sân khấu dân gian của trường.

Duy là người chỉ đạo toàn bộ chương trình. Là giảng viên phụ trách nhưng cậu không lên sân khấu. Cậu chọn ngồi ở phía sau, nơi đặt bộ trống gỗ, cây mõ, chiêng đồng nơi người ta bắt đầu vở diễn không bằng lời thoại, mà bằng tiếng gõ của âm thanh truyền thống.

Quang Anh đến sớm. Anh mang theo mặt nạ tự vẽ, bộ giáp cũ kỹ từ sân khấu xưa, và một đôi giày gỗ đã mòn vẹt vì thời gian và những bước chân. Không ai trong đoàn sinh viên nhận ra anh là ai, chỉ gọi: "Anh Quang Anh là người khách mời diễn vai trung thần." Anh không sửa. Không phủ nhận cũng chẳng xác nhận. Chỉ khẽ gật đầu, giọng nói rất nhỏ, đầy khiêm nhường:

"Tôi không phải ngôi sao. Tôi chỉ là người từng đi qua vở này."

Duy không nhìn anh trong hậu đài. Không bước tới, không hỏi han, không làm điều gì để thu hút sự chú ý. Chỉ thỉnh thoảng chỉnh lại nhịp trống, rút bớt một hồi để tiết chế, như đang giữ lại chỗ thở cho một ai đó đang sống trong kịch bản.

Khi tiếng chiêng đầu tiên vang lên, Duy ngồi sau sàn gỗ, cầm dùi trống, gõ ba hồi mở màn. Không cần ai giới thiệu. Không có lời tuyên bố. Tiếng trống lần này không gọi nhân vật, không gọi tuồng, không gọi khán giả. Nó chỉ gọi một điều đã từng lạc mất. Và giờ, quay về, trở lại.

Trên nền phông nhung đỏ, Quang Anh bước ra. Không phải để tỏa sáng. Mà để sống thật với chính mình, với vai diễn. Mỗi động tác tay không còn rườm rà như mười năm trước, nhưng ánh mắt từng cái cúi đầu, từng bước dừng đều là một đoạn đời cũ mà anh mang lên sàn diễn, thấm đẫm trải nghiệm. Không ai biết giữa hàng trăm người ngồi đó, chỉ có một người phía sau cánh gà vẫn lặng lẽ dõi theo, không bỏ sót một khúc nào, một chi tiết nhỏ nào.

Duy ngồi đó. Không đánh trống nữa. Chỉ đặt tay lên mặt trống cảm nhận từng rung chấn của vai diễn như chạm vào một nhịp tim quen thuộc, một nhịp đập hòa cùng nhịp sống của anh.

Đêm diễn khép lại bằng một tràng pháo tay kéo dài, vang vọng khắp khán phòng. Không ai gọi tên. Không ai hỏi mối quan hệ của họ là gì. Không ai nhận ra người đứng vai trung thần ngày ấy, và người đánh trống đêm nay, đã từng yêu nhau, đã từng xa nhau, và đã cùng chờ nhau rất lâu.

Khi màn sân khấu từ từ hạ xuống, Quang Anh tháo mặt nạ, rửa sạch phấn son, mặc lại chiếc áo thô cũ kỹ, giản dị. Và cùng với Duycả hai bước ra chào khán giả. Không nắm tay. Chỉ vai kề vai. Không nhìn nhau. Nhưng trong ánh mắt cùng hướng về sân, có một thứ rất giống tình yêu nhưng đã qua sương gió, không cần gọi tên nữa, chỉ cần cảm nhận.

Sau đêm ấy, không ai nhắc nhiều. Không ai hỏi "họ là gì" của nhau. Nhưng trên sổ ghi chép của Duy, ở trang cuối cùng viết bằng bút mực tím, có một dòng chữ nhỏ:

"Khúc khởi, khúc hạ. Vai kết, nhưng lòng người chưa tan. Người tình cũng là người khách. Mà khách... không phải để giữ, chỉ là để không quên." ( Đoạn này trong bài Xích Linh nha )

Sau đêm diễn, họ về trễ. Quang Anh dắt chiếc xe máy cũ ra khỏi bãi giữ xe của trường đại học, quay sang Duy, giọng trầm ấm:

"Lên xe. Đừng nói là muốn đi bộ về nha."

Duy cười khẽ: "Anh không sợ em làm nặng xe hả?"

Quang Anh không cười, nhưng tay đặt lên vai Duy. Nhẹ như gió. "Chỉ sợ anh xuống trễ, em đi mất lần nữa thôi."

Tiếng máy nổ, đường khuya trống trơn, hai người về chung một chỗ trọ nhỏ ở quận Tân Bình mà Duy thuê từ thời làm trợ giảng, còn Quang Anh thì... vẫn chưa dám gọi đó là "nhà mình".

Sáng hôm sau, Duy cầm bàn chải, càu nhàu khẽ:

"Sao anh cứ vắt khăn ướt qua cửa sổ thế, nó nhỏ xuống mấy chậu cây của người ta á."

Quang Anh đáp, giọng có chút trêu chọc: "Cây của người ta vẫn sống đó thôi."

Duy không nhịn được: "Không sống nổi đâu. Nhỏ xuống hoài là úng rễ."

Quang Anh cười: "Em cũng vậy. Hở tí là nhăn như úng rễ."

Duy: "Tại cái người ở chung không biết cách sống."

Quang Anh nhìn Duy, ánh mắt ấm áp: "Thì sống cùng nhau, từ từ học."

Buổi trưa hôm đó, cả hai ghé chợ nhỏ mua đồ nấu. Bà bán cá hỏi, giọng hiền từ:

"Hai đứa con là anh em hả?"

Duy chưa kịp nói, Quang Anh đã cười hiền: "Dạ, anh em tuồng."

Bà gật gù cũng không hiểu lắm. Duy quay sang, khẽ nói vào tai Quang Anh: "Sau này đừng gọi vậy. Anh em gì mà nửa đêm nằm chung giường còn ôm nhau như sắp bị lấy mất."

Quang Anh bật cười, giọng trầm ấm: "Vậy gọi gì?"

Duy nhìn thẳng vào mắt anh, ánh mắt đầy tình cảm: "Chắc là...."

Duy không tìm được từ nào thích hợp cho hiện tại. Quang Anh khẽ cười.

Một lần nọ Duy sốt cao, nằm bẹp mấy hôm, không dậy nổi. Quang Anh ngồi quạt phe phẩy, nấu cháo, lau người cho Duy. Duy mở mắt, thều thào, giọng yếu ớt:

"Anh mà đóng tuồng chắc vai lão quản gia rồi."

Quang Anh nhẹ nhàng xoa trán Duy: "Không. Anh diễn vai người đi tìm thuốc."

Duy hỏi: "Vì sao?"

Quang Anh nhìn xa xăm, ánh mắt chất chứa bao điều: "Vì người đó lúc nào cũng đi, nhưng chưa từng bỏ ai ở lại."

Một sáng, Duy thức dậy sớm hơn thường lệ. Trên bàn làm việc, anh thấy một tờ giấy, bên trên là nét chữ nghiêng nghiêng quen thuộc của Quang Anh:

"Đi sửa lại đôi giày gỗ cũ. Hôm sau diễn tuồng mới phải đi cho vững."

Bên cạnh là một nhánh hoa gạo đỏ tươi, cắm trong chén nước mắm cũ. Duy không cười. Chỉ lặng lẽ đem chén hoa ra cửa sổ, đặt dưới nắng sớm.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro