Chương 1: khởi điểm của đại nạn.
Gió lạnh của mùa đông lại nổi lên, cuốn theo những bông tuyết trắng bay ngợp trời. Nền trời vẫn như năm thứ chín Tùy đế trị vì, âm u và xám xịt dù xuân hạ thu đông có đi qua. Sau hàng tá tháng ngày cơ cực trong cảnh đói khổ, dân chúng trong và ngoài thành cuối cùng cũng nhận được sự từ bi của hoàng đế, có được một bữa no đúng nghĩa.
Nói đến đây, nhất định phải nhớ về Vũ Uy năm thứ chín kia, lúc khởi nguồn của đại nạn. Từ lúc Tùy đế - Tuyên Ngọc Trình lên ngôi, bầu trời trong xanh tồn tại chưa quá mười năm, năm đầu tiên, một vị cao nhân đứng nhìn ruộng đồng xanh mướt của nông dân ngoại thành, lắc đầu, nói tân đế không đủ thánh thiện, không được chân long hậu thuẫn, càng không có tướng số đế vương, nói tương lai ắt có loạn lạc. Ngay sau đó một ngày, lời đồn đi muôn nơi, cao nhân cũng bị xử t.ử trong hôm ấy. Năm thứ hai Tuyên Ngọc Trình lên ngôi, đạo sĩ có tiếng tăm lẫy lừng đứng trước ánh trăng huyền ảo của trời đêm mùa hạ, tặc lưỡi, lời nói không khác với vị cao nhân năm đấy là bao. Ngay khi trời hửng sáng, tin đạo sĩ bị l.ăng trì xử lí cũng được tung ra ngoài. Nhất quá tam ba bận, một lần nữa, học sĩ tài giỏi nhìn thấy thuế má ngày một tăng cao trong kinh thành, uể oải viết một văn thư tấu lên thánh điện, sau đó treo c.ổ t.ự v.ẫn.
Tùy đế đăng cơ chưa được ba năm đã bị đâm chọt như vậy, không cam lòng, trên thánh điện uy nghi ném văn thư của học sĩ xuống đất, quát lên rồi lập ra một luật lệ: "Bất kể ai dám ý kiến về việc Tùy đế trị vì, đều tru di tam tộc.". Từ đó, không ai dám lên tiếng về việc đăng cơ của Tuyên Ngọc Trình nữa nhưng cũng đồng thời, sắc trời ngày một biến chuyển, dần dần u ám, cho đến năm thứ chín Tùy đế lên ngôi, bầu trời đã không còn chút ánh sáng nào, dù là đông hay hè, ngày hay đêm đều y như nhau, mặc lên một màu u tối.
Xuân năm thứ chín, thiên tai xảy ra, chưa để dân chúng ăn một cái Tết ấm no, trên trời giáng xuống từng đợt sấm sét như muốn xé toạc không gian, mưa như trút nước đổ đầy các kênh rạch, tràn lan khắp các vùng trũng thấp. Cơn mưa dai dẳng tận ba ngày ba đêm, sau khi kết thúc kéo thêm mùa màng bị tàn phá, đất đai nhão nhoét như sình lầy, dân chúng bỗng trắng tay, lúa gạo vừa bán để có tiền ăn Tết nên trong nhà chẳng có lấy một bao gạo, cầm cự chưa được mấy ngày thì dịch bệnh lại kéo tới.
Cuối xuân năm thứ chín, may mắn làm sao khi các danh y đều là bậc nhân từ, cứu giúp dân lành khỏi sự quái ác của bệnh dịch. Nhưng lại tiếp tục xui xẻo khi chờ mãi mà chẳng có xe cứu trợ nào từ hoàng cung đưa xuống.
Mùa hè trải qua mang theo cuộc loạn lạc tranh giành lương thực, các tiệm gạo tăng giá, dân nghèo bán hết những thứ có thể bán để đổi lấy cái ăn. Nhiều người không tài sản hung hăng tranh giành thức ăn vì chiếc bụng đói. Vũ Uy lầm than không thể kể xiết. Song, kinh thành vẫn chưa mở ra cuộc phân phát nào huống chi là ngoại thành.
Hè đi thu tới, những làn gió mát đua nhau kéo đến trên đất Vũ Uy, thế nhưng muôn dân vẫn chưa thể ổn định lại cuộc sống. Lúa lác không thể trổ bông khi dân chẳng còn một miếng đất nào để cày bừa, thêm nữa, một trận lũ ập tới, lại cuốn đi tất cả những gì còn sót lại của họ. Từ vùng ngoại thành bị ảnh hưởng nhiều nhất tới trong thành ngập tới mắt cá chân. Cho dù thiên tai có lũ lượt kéo đến, triều đình vẫn chưa có biện pháp giải quyết nào. Nghe đâu là hoàng đế lâm vào tà môn ngoại đạo, ngày ngày luyện thuốc đốt hương mong muốn mình được trường sinh bất tử, đêm đêm hoang d.âm vô độ với các phi tần cho nên triều chính không lo, đại nạn không quản. Quan lại thì hèn nhát, dù có đến khuyên can, hoàng đế chỉ cần quát một tiếng, họ đã vắt chân lên cổ mà chạy. Tuy nhiên, không thể đánh đồng tất cả, bởi một số vẫn kiên trì ra vào hoàng cung, không nhận được lệnh của hoàng đế, được, không sao cả, dù sao nếu chẳng làm gì, gia đình họ sớm muộn cũng lâm vào cảnh đói khổ như ngoài kia. Sau khi quyết tâm, những trạm cứu trợ đầu tiên được mở ra, tạm thời cứu được một phần nghìn triệu người. Dù ít nhiều thì cũng xem như đỡ phần nào hoạn nạn.
Bắt đầu từ lúc cứu trợ diễn ra, trong kinh thành cũng có một vị quan nhỏ bé góp sức, rất có tâm nhưng miệng luôn treo câu tùy hứng mà làm, khiến dân chúng biết sự thật cười mếu máo ra nước mắt.
Rõ ràng chỉ là một đãi chiếu⁽¹⁾ dự bị trong triều, bổng lộc một năm chưa quá hai mươi quan tiền⁽²⁾ nhưng dám dốc lòng dốc sức giúp đỡ mọi người. Nhà cửa gì cũng bán nốt khiến nhiều người lấy làm kính nể, hễ mỗi lần gặp y, họ sẽ tôn trọng gọi y ba chữ "Triêu đại nhân." rồi y sẽ lạnh mặt đáp lại không cần gọi thế, y chỉ tùy hứng mà thôi, cứ kêu mấy tiếng "Hoành Triêu" là được. Dân chúng tất nhiên không đồng ý, trước gọi như nào, sau vẫn vậy, riết rồi y cũng lấy làm quen, không chấp nhặt với họ nữa.
Mùa thu như gió của chính nó, vội vàng lướt qua, lôi kéo đông đến thay thế mình.
Mặc dù quan lại cố gắng hết mình nhưng tình trạng không khá lên được bao nhiêu. Khi mỗi sáng, gà gáy theo bản năng sinh học, con người lại thức dậy theo đồng hồ trong cơ thể, ngước nhìn lên bầu trời, vẫn là một màu xám xịt, đen tối. Không có lương thực, không có nơi ở, dân chúng lo cái ăn hằng ngày còn chưa xong huống chi là đánh răng rửa mặt. Trên đường và trong không khí, tràn ngập mùi hôi do không tắm rửa nhiều ngày của con người, mùi thối rửa từ những cái x.ác đang ph.ân h.ủy trên đường, mùi cháy khét của khói đang đốt những bộ x.ương khô queo khô khốc của người ch.ết đói,...
Trên con đường ba bước kinh hoàng, năm bước khiếp vía, Triêu đại nhân, quan cửu phẩm đãi chiếu Hàn Lâm Viện - Triệu Hoành Triêu mặc áo màu ảm⁽³⁾, nhan sắc bình thường: mày xếch, mắt nai, mũi thẳng, môi mỏng nhạt màu; chỉ là nước da quá trắng, nhợt nhạt như bệnh lâu năm không khỏi. Bởi thế, mái tóc đen dài ngang hông mới nổi bật hơn ai hết. Đứng trong gió lạnh, nhỏ gầy hệt người giấy như sắp bị thổi bay. Đãi chiếu đi đến một khu tị nạn vài ngày trước mới mở ra cho dân vùng ngoài, nhìn những thao tác múc cháo lặp lại, mặt không biểu cảm. Trước kia, người khác nhìn luôn tưởng y lạnh nhạt, nhưng thật ra bởi vì y quá đỗi yếu ớt lại tùy hứng, nên mới ít người thấy được nụ cười, vẻ buồn bực hay sự lo lắng của y. Theo y mà nói, biểu lộ cảm xúc là một việc rất mất sức và hầu hết những việc y làm đều có thể dùng hành động bộc lộ.
………………………………………………
❛Sau khi y chết, bình minh một lần nữa soi chiếu.❜
………………………………………………
(1) Đãi chiếu: tên một chức quan cửu phẩm.
+Dưới triều nhà Đường, có những học sĩ, nhà bói toán, thầy thuốc, chuyên gia được ở Hàn Lâm Viện, để đợi dịp có chiếu vua ứng đối.
+Thời Tống, Nguyên tôn xưng các thợ là “đãi chiếu”, ý nói thợ giỏi chờ chiếu vua gọi vào làm trong cung.
(Nguồn: hvdic.thivien.net)
(2) Lương bổng nhà vua định từ chánh tam phẩm mỗi năm tiền 150 quan, gạo 120 phương, tiền xuân phúc 20 quan, rút dần xuống cho tới tòng cửu phẩm mỗi năm 18 quan tiền lương, 16 phương gạo và tiền xuân phúc 4 quan (Tài liệu của Lê Văn Hòe).
(Nguồn: https://www.quocgiahanhchanh.com/hanlamvien_vietnam.htm)
➪ Quan tòng cửu phẩm là Hàn Lâm Viện đãi chiếu lĩnh bổng lộc một năm mười tám quan tiền,..v..v
(3) Màu ảm: màu đen tối.
(Nguồn: FB - Lộ Tiêu Tuyết Tích.)
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro