Chương 7: Bàn về chuyện Hoàng Uy từng có vị tên Tuyên Thanh Hoang.

Vũ Uy của Tuyên Ngọc Trình hiện tại đã đi đến tận cùng khổ nạn, vậy còn Vũ Uy trước kia thì sao? Trước khi Tuyên Ngọc Trình lên ngôi, trước khi đại nạn xảy ra, trước khi Triệu Hoành Triêu ch.ết, gần hơn là khi học sĩ Chu Băng đứng trên triều đình cũ.

Đấy là lúc Vũ Uy được gọi Hoàng Uy và đế vương có tên Tuyên Thanh Hoang.

Triều đại cũ nói tốt không tốt, nhưng nói xấu thì chẳng thể với tới một phần nghìn Tùy đế trị vì. Tuyên Thanh Hoang bấy giờ là hoàng đế trẻ tuổi, thanh niên hai ba đã ngồi ngai vàng trị quốc. Nghe thiên hạ đồn trước kia hắn là công tử phong lưu, biết cách hưởng thụ cuộc sống trong nhung lụa của một vị hoàng tộc. Tuy gọi phong lưu nhưng hắn lại có tài cán, được tiên đế yêu chiều hết mực. Năm tròn mười tuổi đã thưởng cho hắn hai căn biệt viện to lớn nằm ngoài ngoại thành, khi hè đến, hắn có thể tới đó tránh nóng. Đồng thời cũng cho hắn học về trị quốc từ đó. Mười một tuổi hắn được cho phép lên thượng triều cùng, mười hai tuổi được ra ngoài thị sát, tới mười lăm tuổi đã cho xử lí một số công vụ nhỏ lẻ. Quan thần trong triều hay sợ hãi việc hoàng đế giao nhiệm vụ khó cho con trai nhỏ, thường xuyên nhướng mày rầu rĩ. Nhưng hắn làm quá tốt, Tuyên Thanh Hoang mười lăm tuổi đầu đã khiến cho một đám quần thần trố mắt khen ngợi, càng thêm tin tưởng vào mắt nhìn người của đức vua.

Song, Tuyên Thanh Hoang năm mười sáu tuổi đột nhiên nổi loạn. Hắn không muốn ngày nào cũng ngột ngạt khó chịu xử lý công văn, trong một đêm trăng rằm, ánh trăng bao phủ toàn bộ mặt đất, Tuyên Thanh Hoang trèo tường trốn khỏi cung điện sơn son thếp vàng, nguy nga tráng lệ đến nơi khói lửa nhân gian, dân chúng reo hò múa hát lúc chợ đêm.

Tuyên Thanh Hoang rất thích thú, hắn thích cảm giác tự do và không gò bó, đêm nào cũng lén thị vệ canh phòng nghiêm ngặt leo tường đi chơi. Từ đó mới có thói phong lưu, trăng hoa ong bướm, bộc lộ rõ ràng hơn khi các cô con gái quan thần theo cha vào triều dự yến tiệc, hắn sẽ vui vẻ tặng mỗi cô một bài thơ, mỗi cô một bông hoa sớm nở tối tàn, rồi ngâm nga mấy câu.

"Các nàng đẹp như đóa hoa này, đẹp như loài cây cỏ ta nâng niu trên tay."

Rất hút hồn người ta, làm ngọt ngào trái tim dễ xao động của nữ tử. Nhưng nghe sao cũng thấy hàm ý châm chọc đầy trong đó.

Sớm hay muộn, mèo cũng lòi đuôi. Tiên đế nhìn thấy sự nổi loạn của con trai, hết sức phiền não, trong đêm hôm khuya khoắt chạy tới cửa điện hoàng tử Tuyên Thanh Hoang, định vươn tay gõ cửa đã thấy một dạng người từ bên tường trèo vào. Thế là cha con nhìn nhau, khựng lại tại chỗ, mắt đối mắt, mặt đối mặt.

Ngày hôm sau, khắp hoàng cung đều truyền tai nhị điện hạ Tuyên Thanh Hoang trốn khỏi cung bị hoàng thượng bắt gặp, phạt cấm túc đến khi biết lỗi.

Tuổi nổi loạn của Tuyên Thanh Hoang nhanh chóng trôi qua trong thời gian bị cấm túc, tâm tính cũng trở nên điềm tĩnh hơn, dễ xã giao càng dễ làm thân, khiến các bạn đồng niên cực kỳ yêu thích.

Khi ngưỡng tuổi đã chạm mốc hai mươi, trong triều lại lần nữa dậy sóng khi đại hoàng tử nên trở thành thái tử đột nhiên xin thoái lui, từ bỏ quyền lực, nguyện ước làm một vương gia an nhàn. Cuối cùng hoàng đế bất lực đồng ý, sau đó cũng truyền nghĩa vụ này lên người Tuyên Thanh Hoang.

Tuyên Thanh Hoang qua tuổi nổi loạn trở nên vâng lời hơn hẳn, nghe theo chỉ bảo của tiên đế, học quy cách trở thành bậc đế vương, lễ nghi nên có trên người trị vì đế quốc.

Tuyên Thanh Hoang hai mươi tuổi, chính thức bị nhốt trong cái lồng son sắt mang tên hoàng cung và cầu đậu⁽¹⁾ trên danh nghĩa là ngai vàng cao quý.

Hai mươi ba tuổi, hắn bước trên con đường đế vương, ngồi trên long ỷ, mắt nhìn hàng vạn sinh linh dưới trướng mình. Tuyên Thanh Hoang kể từ đó không còn chút phong lưu nào nữa. Trong một năm đấy, hắn được tiên đế nhượng quyền, để lại cho hắn một mớ hỗn loạn của triều đình, còn ông thì lui về sau, sống một cuộc sống êm đềm: sáng trồng rau, chiều nuôi cá.

Tuyên Thanh Hoang còn trẻ tuổi nhưng kinh nghiệm đủ để xử lý hết mớ hỗn độn đó. Song, tới khi đống sớ⁽²⁾ cuối cùng đã được phê chuẩn, quay đầu lại đã là mùa thu của năm hắn hai mươi tư tuổi. Khi nhìn vào hậu cung đã có hai ba người, nhìn trước sảnh đại điện cũng đã thêm quan thần mới đỗ đạt, thăng tiến.

Tuyên Thanh Hoang bấy giờ mới nhận ra mình đã bỏ lỡ những gì khi trở thành đế vương, nhưng nhận ra thì có ích lợi gì? Phụ hoàng hắn có hai người vợ: hoàng hậu thì sinh ra đại hoàng tử, quý phi thì là mẹ hắn; phía sau chẳng có ai khác để phụ tá và giúp đỡ.

Tuyên Thanh Hoang bấy giờ ngã người trên ngai vàng, trông về hướng xa xa. Trong đêm khuya thiên đăng bay ngợp trời, người người cầu phúc vào ngày Đoàn Viên⁽³⁾, từ bức tường cao của cung đình hoành tráng, hoàng đế trị vì năm Hoàng Uy thứ hai "lần đầu tiên" trèo khỏi cung cấm, đến nơi khói lửa nhân gian, tình nguyện để bụi trần nhiễm lấy.

Trước bầu trời đầy thiên đăng, sáng như ban ngày, nhân dân hò reo, người cầu phúc, kẻ cầu nhân duyên; trước hoàng thành xô bồ tấp nập, đi đi lại lại như không có ý muốn trở về; trước dòng người chen lấn xô đẩy,... Tại đây, hoàng đế Hoàng Uy va phải một người, nghiêng đầu nhìn, miệng chuẩn bị cất lời xin lỗi, bên tai đã nghe thấy âm thanh êm ái, giống như rất ngạc nhiên, gọi hắn.

"Hoàng thượng?"

Chu Băng trong dòng người, sửng sốt, như hoa mắt nhìn thấy đế vương cao cao tại thượng đang chen lấn muốn thả một chiếc thiên đăng lên bầu trời cao đêm Trung Thu...

Năm Vũ Uy thứ mười, học sĩ Chu Băng trong gian phòng tối mù tối mịt, nhìn vào hư không, trên tay cầm một chiếc mộc bội. Mà trên mặt mộc bội ấy có khắc một chữ, vô cùng xấu xí nhưng Chu Băng lại xem nó như châu báu ngọc ngà, giữ mãi không buông.

Trong thiên hạ lẫn trên triều đình, ngay cả Tùy đế hiện tại đều biết hắn tên Chu Băng, nhưng chẳng ai biết hắn còn được gọi là Chu Vọng Tuyết - tên tự của hắn, do chính đế vương Hoàng Uy đặt, cũng là chữ được khắc không hề đẹp trên miếng mộc bài cũ kỹ.

"Xin lỗi ngài, là ta quá hèn nhát..."

Đêm tối tĩnh mịch không có ngọn nến nào được thắp lên ở gian thư phòng, Chu Vọng Tuyết nằm gục trên bàn, tay mân mê mộc bài, khẽ nhớ về chuyện năm xưa.

Chuyện rằng: Hoàng Uy trong hai năm ấy, không thiên tai, không bệnh dịch, không đói khổ, không nghèo nàn, chỉ có vị tên Tuyên Thanh Hoang bộn bề vì chính sự, ăn ngủ chẳng ngon lành. Mà nhìn hiện tại, Vũ Uy dưới sự trị vì của chú hắn - Tuyên Ngọc Trình gánh chịu biết bao thiệt hại, thương vong, khổ không kể nổi. Còn gã, sung sướng chẳng nói xiết.

………………………………………………

❛Sau khi y chết, bình minh một lần nữa soi chiếu.❜

………………………………………………

(1) Cầu đậu: cây cầu được gắn ở trong lồng chim. Tác dụng giúp chim bám cầu, chuyền cầu trong lồng một cách linh hoạt như ngoài thiên nhiên. (Internet)

(2) Sớ: tờ trình dâng lên vua để báo cáo, cầu xin điều gì. (https://vi.m.wiktionary.org/wiki/s%E1%BB%9B)

(3) Đoàn Viên: "Tết Đoàn Viên", còn được gọi là Trung Thu, Tết Trông Trăng, Tết Thiếu Nhi, Tết Hoa Đăng. (Https://banhtrungthugivral.com.vn/2022/07/tet-trung-thu-con-co-nhieu-ten-goi-khac-ban-co-biet-chua.html)

Bổ sung: Tuyên Ngọc Trình (em trai tiên đế, sinh sau đẻ muộn) là chú của Tuyên Thanh Hoang.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro