1


sinh ra và lớn lên tại một làng quê thơm mùi lúa chín, thôi tú bân từ nhỏ đã sống với làn da rám nắng mặt trời. khác với những làng quê lân cận bấy giờ, quê bân yên bình quanh năm với màu lúa lúc xanh khi lại đổi vàng.

hồi còn nhỏ xíu, tú bân thích chạy nhảy với lũ bạn trên đồng ruộng, nghe gió sượt qua tai mát rượi và cảm nhận những cú ném đau như kiến đốt ở thân khi bọn chúng bắt đầu trò ném sỏi. trò này lúc nào cũng vui, trẻ con đứa nào đứa nấy thi nhau vội vàng nhặt những viên sỏi nhỏ bằng ngón tay út, ném lia lịa về đứa nào xuất hiện trước mặt nó, có khi còn vần nhau ngã mấy đợt. và hậu quả sau những trận chiến khốc liệt là áo quần đứa nào cũng rách bươm, mặt mày lem nhem và đầu ngón tay thì trầy xước.

gặp lại nhau sau chiều vật lộn, điều quen thuộc là áo quần đứa nào cũng được vá lại, trông vẫn còn rách rưới nhưng lại giống như được tạo mốt.

làng đa - làng của bân có một trường tiểu học nhỏ xíu như đám học trò trong đó vậy.

bất kể ai khi đến tuổi đi học đều được gửi đến trường vào mỗi sớm, mếu máo cũng phải đi. trường có những mái nhà lợp lá, vách bằng nhiều thứ lá và gỗ dựng lại, nên chỉ có một màu nâu sờn. những lúc đọc bài tiếng ê a của tụi nó cứ chạy ra ngoài bằng khe hở giữa những bức tường.

thôi tú bân nghịch ngợm nhưng học rất giỏi, nó lúc nào cũng đọc bài vanh vách, nhanh nhẹn phát biểu xây dựng bài học. nó cái gì cũng giỏi, nhưng môn toán làm nó phát ớn nhất. học văn nó có thể bịa ra để viết những bài văn dài dằng dặc, học vẽ nó có thể luyện ở nhà với chị lan (chị lớn hơn nó hai tuổi), nhưng học toán nó không học được nhiều. những bài toán khó nhằn giống con quỷ trong giấc mơ cứ đeo bám nó, báo hại nó ghét toán và toán cũng ghét nó kinh khủng.

bân lớn lên trong cái ôm tràn đầy mùi ẩm của đất đá làng đa. không biết có phải vì từ bé nó chẳng rời làng bao giờ hay không, cái tình yêu quê cứ nối chặt con người nó với làng.
__

lớn lên tại làng đa, nó học hết lớp tiểu học và sớm trở thành một thằng nhóc lanh lợi chuẩn bị cắp sách vào cấp hai.

nó lớn và thay đổi ít nhiều, nếu hồi đó nó thấp hơn chị lan thì bây giờ nó đã có thể dùng bóng của mình che nắng cho chị, giọng nói cũng trầm khàn đi. duy chỉ có làn da rám nắng và cái tâm hồn chân quê của nó thì không thay đổi.

nó ra huyện học trung học, vẫn có các bạn cùng trường tiểu học cùng đi. tụi nó ở trọ nhà bà mai, bà không lấy tiền trọ của tụi nó nhưng chiều nào nghỉ học tụi nó cũng phải ra sông câu cá cho bà. năm tháng trung học của bân cứ trôi nhanh qua những kẽ chân bẩn dính bùn sông với những đứa bạn thời thơ ấu bình dị, bân cứ tưởng nó sẽ kéo dài mãi..

lên cấp ba (tức học trường phổ thông), nó không có nhiều bạn như ở làng và lúc học cấp hai. bọn bạn của nó đứa thi rớt về làng giúp ba mẹ buôn bán, đứa thì bỏ đi làm ăn luôn không học nữa. chỉ riêng nó học tiếp, làm bạn với sách vở và đèn học. trường cấp ba của nó phân chia rõ ràng, có trường nam sinh và trường nữ sinh. hằng ngày đạp xe về qua trường nữ sinh với đám bạn mới quen, nó cứ ngoái cổ nhìn những tà áo dài trắng xoá tràn ra cổng như một dòng bọt lũ lượt kéo về. bọn bạn của bân bảo "tụi con gái mặc áo dài đẹp ghê!", tú bân thì không biết đẹp hay xấu gì, chỉ biết cứ nhìn áo trắng tuôn là nó nhớ ngày nào dạo chơi bên suối làng tình cờ bắt gặp bọt nước ai mới đổ từ trên xuống.

lũ bạn nó mới quen không ở trọ, tụi nó ở nhà người thân. bân thì vẫn ở trọ nhà bà mai, nhưng không phải đi câu cá nữa. phòng trọ bây giờ cô quạnh còn mình nó, bà mai biết mình nó không thể bắt đủ cá cho bà.

không còn ai cùng nó chơi mấy trò trẻ con nữa đâm ra nó có nhiều thời gian cho việc học tập hơn. ngày ngày nó chăm chú nghe giảng trên lớp, chỉ nói chút chuyện với lũ bạn trên đường đạp xe về, tối đến lại vùi đầu vào sách vở nhàu nhĩ, học như điên.

ở trường nữ sinh có cô bạn nhỏ tên ngọc hoa. nó là đứa có dáng người bé xíu, tóc dài ngang lưng lúc nào cũng xoã ra bay trong gió. chị lan cũng học trường nữ sinh, chị kể cho bân nghe vào một ngày thấy ngọc hoa lén nhìn nó rồi hai má ửng hồng.

ngày bế giảng nó bẽn lẽn hẹn bân ra một góc. sau trường chỉ có nó, và có bân. nó cứ ấp úng, tay quấn lọn tóc mai, giọng ngượng ngùng.

"tú bân..có người yêu chưa?"

"tôi chưa."

bân trả lời nó, giọng ngang phè. trước cái sự ngượng ngùng và ấp úng của nó, bân quá hiểu để vạch trần nó định nói gì.

"vậy, bân làm người yêu tôi nhen! tôi thích bân nhiều lắm."

"xin lỗi nha, tôi không thích ngọc hoa."

ngọc hoa sượng sùng cúi gầm mặt, chắc nó buồn và giận bân lắm. tình yêu thời đó trong sáng và thuần khiết, ngọc hoa cũng chỉ biết buồn một mình nó. bân nói xong thì bỏ đi ngay, ngọc hoa đứng buồn nhìn nó leo lên xe đạp nối đuôi đám bạn trở về.

__

nghỉ hè, tú bân trở về làng đa.

sau một năm xa cách, làng của nó vẫn vậy. những mái nhà lợp lá vẫn rách rưới cố gắng che nắng lớn đến vỡ đầu.

ngày nó về, nó có dịp gặp lại lũ bạn thuở ấu thơ. nó lại nhớ đến những lần chơi ném sỏi, bắt châu chấu quanh ruộng.

buổi tối ở làng bao giờ cũng thích hơn ở trên huyện. bân ngồi ngoài hiên nhà, nghe tiếng dế kêu rả rích vọng về từ đồng cỏ. trên huyện có bao giờ nó được nghe như thế, chỉ có tiếng đọc bài của nó vọng về nghe um xùm. tiếng dế kêu làm bân nhớ đến một đợt lũ bạn trên huyện rủ nó đi nghe hoà nhạc, một vé rất đắt nhưng chúng nó mời. bân từ chối, nó lấy cớ mệt để nhốt mình trong phòng đọc bài. bây giờ nghĩ lại, không biết nhạc đó nghe có hay hơn tiếng dế kêu không.

"bân, vô nhà ngồi, ngồi đây chi vậy?"

"con chơi."

nó quay đầu, giả cười với mẹ. mẹ nó ngồi xuống cạnh nó, bà nhìn ra xa xăm, cất tiếng nhỏ nghe như âm thanh tràn về từ dĩ vãng.

"ba nói mày ráng học vô đại học, có nhiều con đường tốt hơn."

"dạ."

bà cũng chỉ nói vậy, rồi đứng dậy rời đi ngay, để lại mình nó ngồi nghĩ về tương lai sau này.

mùa hè lướt ngang làng nó như một cơn gió thoảng, ở làng chưa chán nó đã phải ngậm ngùi đạp xe ra huyện học. sân trường chỉ còn chút hoa phượng vương vãi, chỗ có chỗ không. nó đạp xe về trọ bà mai, thấy nó bà vui như được mùa, nghỉ hè nó về quê nên trọ bà cũng không mấy ai ở.

lên huyện nó lại vùi đầu vào sách vở, những kì thi trôi qua dưới ngòi bút và những trái tim mang tình yêu thầm kín bị nó dẫm qua và bỏ quên. thằng khôi lúc nào cũng than thở "mày không biết hưởng gì hết, đâu phải ai cũng có phúc được nhiều đứa con gái thích đâu.". những lúc như vậy nó chỉ cười cho qua, trái tim nó vẫn là của con người nhưng lạ rằng không ai làm nó lay chuyển được, chính nó cũng chẳng hiểu vì sao.

những bức thư tình đính kèm hoa phượng đỏ héo rũ theo thời gian, tú bân trở thành chàng trai độc ác nhất trú ngụ trong trái tim đám nữ sinh ngại ngùng.

thôi tú bân học xong cấp ba, vẫn chôn hồn trong sách vở để chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp. theo lời kể của bà mai, nó học như một cỗ máy móc mới toanh, nhanh và chắc chắn. còn với nó, nó thấy mình như một con rô-bốt rỉ sét. thời gian không thể cầm nắm được, đấy là lẽ đương nhiên. nhưng khi cầm sách vở trên tay, nó cảm nhận được nó đang nâng niu chính tương lai của mình, mà tương lai có phải một loại thời gian?

bù lại cho những ngày học mệt lả, trong một đêm lửa ngoài hiên nhà bập bùng, giấy trúng tuyển được gửi đến nhà bân.

hôm ấy mẹ nó vui ba nó vui, họ ngân nga những câu hát trong cổ họng, vừa nấu cơm ngon vừa hạnh phúc. chỉ có nó còn mãi bồi hồi, trong dòng chảy linh hồn, nó cảm nhận được có cái gì khẽ chạy qua người nó, một cảm giác hồi hộp khi nghĩ đến thành phố xa lắc xa lơ kia.

cuối bữa cơm, bân giúp mẹ dọn dẹp sau đó lại ra hiên nhà ngồi lững lờ. lần này ngồi bên nó không phải mẹ mà là ba, ông lộ ra nét mặt vui vẻ, cái khăn vắt ngang cổ cứ chốc chốc lại được ông dùng để lau mặt. nó cứ thẫn thờ như vậy, không nói lời nào với ba, cuối cùng người đàn ông có nửa mái đầu bạc phải lên tiếng trước.

"bộ mày sợ thành phố hả?" - ông cười cười, ghẹo nó.

"đâu có! con nghĩ mình thi trượt, ai ngờ.."

"nếu thi trượt thì mày định làm sao?"

"con không biết, chắc con về..phụ ba mẹ?"

"khỉ gió! mày trượt là tao cho mày gánh phân xuống ruộng hoài đó!"

sau một tràng cười dài dài, ba nó im lặng, nhìn ra xa xăm giống mẹ lần trước. nó thấy hình như có cái gì trong đôi mắt ông, chúng cứ lấp lánh và bóng nhẫy.

"nói cho mày biết, thành phố đẹp lắm. hồi còn trẻ như mày tao lên đó hoài, khác làng mình nhiều! lên đó mới gặp được má mày đó. nhưng tao vẫn về làng đa, vì tao gắn bó với làng quá đỗi, sống xa làng tao không chịu được."

tú bân chừng như đọc được trong mắt ba nó cái mong muốn nhỏ bé. ba muốn nó ra thành phố mở mang tầm mắt, học hành giỏi giang, nhưng nhất quyết cái tình yêu làng quê của nó phải được trọn vẹn, không khuyết miếng nào. cái tình yêu làng quê của nó sẽ không bao giờ bị cái xa hoa của thành phố cắt xén đi - nó chắc chắn trong lòng mình, nhưng thể hiện qua đôi mắt nó cho ba đọc được mà yên lòng.

nắng hè vẫn ghé qua làng đa mỗi ngày hơn mười hai tiếng, ve sầu kêu inh ỏi trên làn da sần sùi của những cây cổ thụ. tú bân ngồi dưới gốc cây đa lớn nhất làng, tay ôm cây đàn ghi-ta, mồ hôi cứ chảy ròng ròng trên trán. đôi mắt nó long lanh ánh nắng, tay gảy đàn, miệng ngân nga hát góp chung cho dàn đồng ca mùa hạ của lũ ve. tú bân hát về quê hương có đồng lúa chín vàng, những âm điệu cổ xưa vừa mang chút hào hùng vừa thấm đượm buồn tủi, chúng thoát li ra khỏi giấy soạn nhạc cũ mốc meo, bay bổng trên những tầng mây trắng mướt, yêu kiều.

cây đàn rung lên theo những đợt gảy chậm rì, lũ trẻ con trong làng lần đầu được thấy đàn ghi-ta, xúm xít quanh nó để nghe từng nốt nhạc.

bân đã bao giờ nghĩ nó sẽ đàn cho người khác nghe chưa nhỉ?

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro