Độc Lập.

Mùa hạ năm 1954 - Đồng bằng Bắc bộ.

.・゜゜・𓇢𓆸


Có những rung động nhẹ như gió, lướt qua một thoáng ấu thơ mà để lại một đời vấn vương.

Tờ mờ sáng, mặt trời còn chưa lên hết khỏi rặng tre, không khí ấm áp và oi ả của mùa hạ bao trùm làng quê. Tiếng côn trùng râm ran trong bụi cây, xa xa là tiếng gà gáy vọng lại từ những mái nhà tranh lụp xụp.

Căn nhà nhỏ nép bên bụi tre đầu làng lặng lẽ tỏa khói bếp mỏng tang. Trong làn khói ngai ngái mùi rơm rạ, Tú Bình ngồi thụp bên bếp lửa, vừa thổi cơm vừa cắm cúi đánh vần. Cuốn tập mỏng rách toạc mép được chắp vá bằng từng mảnh giấy lượm lặt, như chính cái sự tằn tiện, nhẫn nại của mẹ con nhà nó bấy lâu. Mắt cay xè vì khói nhưng nó vẫn cố gắng đánh vần cho hết hàng chữ, từng con chữ nắn nót như sợ gió thổi đi mất.

Mẹ Bình đi làm đồng từ lúc gà còn chưa gáy. Nhà chỉ có hai mẹ con, nghèo túng, thiếu trước hụt sau nhưng mà thương nhau. Tú Bình thích chữ, mê học, ai cho cuốn sách rách cũng mừng quýnh, ôm như ôm báu vật.

Đang lúi húi, nó bỗng nghe thấy tiếng bác Ba trưởng thôn gọi to từ đầu xóm vọng về theo làn gió sớm:

"Thắng rồi! Thắng Pháp rồi! Độc lập rồi bà con ơi!"

Tú Bình nghe thấy mà tưởng mình nghe nhầm. Nó buông đôi đũa cả đang xới cơm, chạy xộc ra cửa, mắt tròn xoe. Rồi bỗng nghe có tiếng người lao từ ngoài ngõ vào, chân bước vội vàng đến nỗi đất cát bay tứ tung.

"Bình ơi! Bình ơi! Nghe chưa? Quân ta thắng rồi! Không còn bọn Tây nữa rồi!"

Tiếng gọi quen thuộc ấy là của Nhiên Tuấn – cái thằng bạn nhỏ nghịch ngợm lúc nào cũng ồn ào như bầy chim sẻ. Chưa kịp phản ứng gì, cánh cửa lụp xụp nhà nó bật tung, Tuấn đã đứng sừng sững ngay ngưỡng cửa, áo còn lấm tấm mồ hôi, mặt đỏ gay vì chạy.

Vừa thấy Bình, Tuấn nhào tới mà ôm chầm lấy, để khuôn mặt nó vùi trong cái áo rộng thùng thình của Tuấn.

"Mừng quá Bình nhỉ?" – Tuấn thở hổn hển, giọng run lên vì xúc động lẫn phấn khích.

Mùi nắng và mồ hôi non nớt vương trên áo thằng nhỏ, nhưng cái ôm ấy ấm lạ kỳ – cái ôm của một đứa trẻ chưa hiểu hết cái 'thắng' ấy nghĩa là gì, hai chữ 'độc lập' ấy là gì, nhưng nó nhìn vào mắt Tuấn, thấy trong đó lấp lánh một thứ gì rất mới – như nắng mai xuyên qua vòm lá.

"Mau lên! Cờ đang bay rồi kìa! Cả bọn tụi nó đang tụ lại trên đê!"

Nhiên Tuấn một tay kéo chiếc áo rách tuột khỏi vai, một tay kéo lấy Tú Bình lao ra khỏi cổng nhà, chạy vội ra ngoài, như thể muốn chạy thẳng vào cái không gian bao la của tự do mới.

Đến bờ đê, gió thổi mạnh, thổi tung chiếc khăn vải lấm lem của Tú Bình, thổi bay mớ tóc rối của Nhiên Tuấn. Bọn trẻ con đã tụ tập hết, mấy đứa lấy lá cờ đỏ sao vàng mới mua được từ thị xã, đứng nghiêm trang hô khẩu hiệu, mặc cho các bà các mẹ nhìn theo, khóe mắt vẫn hoe đỏ.

Chúng nó nối thành một đoàn vui mừng, đứa thì khoác trên người chiếc áo vá sờn cũ, đứa thì chân không đi đôi dép lốp đã mòn, đứa thì vác chổi tre làm súng, đứa cầm nắm lá cờ đỏ rách tả tơi, chúng chạy trong tiếng cười cười hể hả, miệng hét vang:

"Việt Nam muôn năm! Hồ Chủ Tịch muôn năm!"

Chúng nhảy qua bờ ruộng, dẫm lên cả vệt cỏ còn đẫm sương. Lá cờ nhỏ được cắm tạm trên ngọn tre, phấp phới trong gió, đỏ thắm đến chói mắt giữa nền trời xanh ngăn ngắt.

Chỉ mới mấy hôm trước thôi, người lớn trong làng vẫn còn thấp thỏm mỗi khi nghe tiếng súng vọng từ xa. Có đêm, cả xóm phải dập đèn, nằm im bặt như không còn ai sống trong đó. Lá cờ đỏ sao vàng từng phải giấu kỹ dưới đáy chum gạo, sợ lộ ra là có người mất mạng.

Vậy mà hôm nay, họ đã được phép ngẩng cao đầu, hít thở cái mùi buổi sớm – không còn mùi thuốc súng khét lẹt, mà là mùi lúa thơm, mùi đất sau mưa, và cả mùi nắng sớm còn đọng trên đôi má hây hồng của lũ trẻ.

Tú Bình nhìn Nhiên Tuấn – cái miệng rộng cười toe toét, tay giơ cao lá cờ con vừa bẻ được từ cành tre. Lần đầu tiên trong đời, nó thấy 'độc lập' là thứ có thể cầm nắm, là tiếng cười reo, là cái ôm siết chặt giữa bạn bè, là một buổi sáng không còn phải sợ hãi nữa.

Những năm đầu của cuộc sống mới, khi miền Bắc vừa rũ bỏ xiềng xích thực dân, nhà nhà người người hồ hởi dựng lại mái nhà, vỡ đất trồng rau, đắp đường, xây trường. Không khí trong làng như rộn rã hẳn lên. Ai cũng mơ về một ngày mai bớt đói khổ hơn, sáng lưng áo bớt vá, tối không còn sợ tiếng súng dội về từ chân núi.

Lũ trẻ cũng được Nhà nước cho đi học. Cái trường mới ngoài thị xã dựng còn chưa xong mái ngói, mà đám con nít đã í ới gọi nhau bày trò tập viết tên mình lên cát. Nhiên Tuấn được mẹ may cho cái túi vải thô, đựng sách vở mới tinh, sáng sớm hôm đó đã hớn hở chạy sang khoe với Tú Bình.

Tuấn đứng trước nhà Bình, tay xách túi, mặt mũi sáng rỡ như đèn dầu mới châm.

"Ê Bình! Tao có túi mới nè! Mẹ tao nói sắp tới được học toán, học chữ, rồi còn có cả giờ kể chuyện. Học xong tao sẽ viết thư giỏi như bác Ba trưởng làng luôn! Mày có muốn đi học hông? Trường xa thật á, nhưng mình đi chung cho vui!"

Tú Bình đứng tựa cửa, hai tay siết lấy vạt áo đã sờn chỉ, đôi mắt mở to nhìn Nhiên Tuấn như nuốt lấy từng lời. Nắng sớm chiếu lên gò má gầy nhẳng, hằn rõ mấy vết trầy nhỏ cũ kỹ vì ngã ngoài đồng. Nó cười nhẹ, nhưng chẳng thốt ra được câu nào. Chỉ im lặng, đứng đó mà nghe.

Trong ánh mắt trong veo của Bình, có một thứ gì đó long lanh, không phải niềm vui – mà là cái thắt lại của một ước mơ chẳng dám gọi thành tên.

Nhà nó nghèo. Nghèo đến tận chân tóc. Bố mất vì bị giặc bắn năm nó còn ẵm ngửa. Từ đó chỉ còn hai mẹ con cặm cụi dựa vào nhau sống. Mẹ còng lưng ngoài đồng, sáng đêm đi cấy, chiều về lại vá áo, chắt chiu từng lon gạo, từng đồng hào kiếm được cũng chỉ đủ nuôi con qua bữa.

Học? Nó biết là xa xỉ.

Cái cuốn tập rách nát mà nó trân quý còn là đồ xin lại từ nhà hàng xóm, giấy ngả màu, mép quăn queo, chữ viết chồng lên nhau như vết chân trâu bùn. Nó yêu chữ, yêu đến mức mỗi khi Tuấn khoe điều gì mới mẻ về trường học, lòng nó lại chộn rộn như có kiến bò dưới da. Nhưng niềm yêu ấy cứ co mình lại trong dáng vẻ lặng thinh, khi nghe người bạn nhỏ – dù cũng chỉ là con một nhà làm ruộng – vẫn còn được đủ đầy hơn nó. Có bố mẹ, có áo lành, có túi mới, có tương lai trong những trang vở chưa viết.

Tú Bình vẫn đứng đó, nhỏ thó, đôi mắt rũ xuống nhìn đôi dép Tuấn đang mang – đôi dép mà chính nó đã ao ước được xỏ thử một lần cho biết cái cảm giác không bị đá cuội cào rát chân. Gió nhẹ phất qua hàng tre, thổi tung tà áo bạc màu, khiến người nó như mỏng đi trong buổi sáng nhiều nắng.

"Ừ... vui ha." – Cuối cùng nó chỉ thốt được bấy nhiêu, giọng nhỏ như gió lướt đầu ngõ.

Tuấn không để ý, hay có lẽ không hiểu hết được cái nỗi ngậm ngùi trong giọng Bình. Nó lại tiếp tục nói về chuyện sẽ học hát Quốc ca, sẽ được thấy cờ đỏ tung bay, sẽ được thầy cô dạy cách gấp giấy, vẽ tranh. Trong khi đó, Bình chỉ khẽ gật, nụ cười nhẹ bẫng nhưng đôi mắt thì vẫn mãi không ngẩng lên.

Không phải đứa trẻ nào cũng được hưởng trọn ánh bình minh của hòa bình. Với những đứa trẻ như Tú Bình – những đứa phải chịu nỗi đau mất người thân bởi chiến tranh, những đứa mà đói nghèo đã lấp lối đi học – thì cái ngày mới rực rỡ kia, dù đẹp đến mấy, cũng vẫn còn xa như vầng dương treo mãi trên đỉnh trời.

Tú Bình là đứa trẻ ngoan ngoãn hiểu chuyện. Nó hiền như cục đất, lại ít nói, có khi cả ngày cũng chỉ lí nhí vài câu, đôi mắt to tròn lúc nào cũng ánh lên vẻ ngơ ngác như con chim sẻ con còn chưa biết sợ. Trong khi lũ trẻ đồng trang lứa xúng xính áo mới, tíu tít cắp sách đến trường, thì nó loanh quanh trong xó bếp, lúc quét sân, lúc thổi cơm, khi lại lụi cụi bê rổ lúa phơi dang, cào mớ rơm mới giữa sân. Cái thân nhỏ xíu, đen nhẻm và gầy gò còn chưa kịp lớn, vậy mà loắt choắt lạ kỳ – lúc làm chẳng kêu than, lúc mỏi cũng chỉ khẽ ngồi nghỉ chốc lát rồi lại đứng lên, cứ như thân thể ấy sinh ra để quen với cực nhọc.

Ấy vậy mà trong cái tuổi thơ tưởng chừng chỉ toàn khói bếp và mùi rơm khô ấy, vẫn có một vệt nắng dịu dàng lặng lẽ len vào – một mặt trời nhỏ tên Nhiên Tuấn.

Tuấn chẳng bao giờ quên sang tìm Bình sau mỗi buổi tan học. Cái dáng chạy lúp xúp, tóc tai rối bù vì gió thổi ngoài đồng, tay luôn cầm theo cái gì đó: khi thì chiếc bánh bao còn ấm hương nội làm, khi lại là vài tờ giấy màu lem nhem mực. Có lần Tuấn còn lôi theo cây bút chì cùn và quyển tập rách để dạy Bình viết chữ, giảng giải như thầy giáo thật sự.

Mà chữ của Tuấn thì cũng có ra gì cho cam – cong queo, nghiêng ngả, như lũ chuột chạy nhảy trên bờ đê. Nhưng cậu bạn lại ra chiều nghiêm trang, ngồi khoanh chân giữa sàn đất, tay chống cằm dõi theo từng nét viết của Bình, thỉnh thoảng còn gắt nhẹ:

"Không phải vậy! Mày phải uốn chỗ này cơ, giống vầy nè!"

Rồi lại hí hoáy cầm tay Bình, kéo từng nét cong, uốn từng nét thẳng, ra chiều rất đỗi tập trung. Cái giọng bắt chước theo bố nó, trầm trầm mà hăng hái, làm Bình phải phì cười, dù cố giấu sau tay áo rách.

Giữa tiếng gió xào xạc bên mái nhà lợp tạm, giữa ánh chiều rớt lại bên bậu cửa đất, có một điều gì đó âm ỉ ấm lên – như than hồng giấu trong tro nguội. Bình không nói, chưa từng nói. Nhưng đôi mắt nó, mỗi khi nhìn Tuấn, cứ như chất chứa bao bí mật ngọt ngào chẳng thể thốt thành lời.

Nó từng tưởng đời mình sẽ cứ thế trôi mãi, như vạt rơm bay trong gió, lặng lẽ, đơn độc, bị quên lãng. Nhưng rồi có Tuấn – cái thằng bạn béo tốt, cái thằng cứ nằng nặc dạy nó viết chữ, dúi vào tay nó cái bánh bao còn nóng – đến và dắt nó ra khỏi căn nhà tối om, nơi nỗi buồn đã bén rễ tự bao giờ.

Tuấn không hay biết – hoặc giả có biết, cũng chẳng nói – rằng chỉ bằng một nụ cười của cậu ấy, bằng cái xiết tay thật chặt, Bình đã học được cách yêu thương. Học được rằng dù cuộc đời này có bẩn thỉu, có đói rét, có mất mát đến mấy… thì vẫn còn một người chịu ngồi xuống bên mình, lau tay bẩn bằng tà áo, và cặm cụi viết lên trang giấy rách nát một thứ gọi là hy vọng.

Mặt trời bé con ấy, ngày ngày chiếu rọi lên dòng sông lạnh lẽo trong tâm hồn nó, xua đi những giá rét mà cuộc đời đem đến. Gọi mây về che nắng gắt, gọi gió đến đẩy bớt u sầu. Và rồi – như dòng sông được mặt trời ủ ấm – Tú Bình biết rằng mình cũng có thể mỉm cười.

Có lẽ đời nó vẫn nghèo, vẫn đói, vẫn khao khát một ngày được đến trường như lũ bạn. Nhưng nó không còn sợ cô đơn nữa. Không còn nghĩ mình là đứa trẻ bị bỏ quên sau cuộc chiến.

Vì giữa những tàn tro còn sót lại của chiến tranh, nó đã tìm thấy ngọn lửa nhỏ cho riêng mình.





Trời đổ mưa từ chiều. Mưa lăn lóc trên mái lá, mưa ngấm qua vách nứa mỏng manh của căn nhà nhỏ chỉ có hai mẹ con nương tựa nhau mà sống. Mưa lẫn với tiếng rít của gió, như thể ông trời cũng khóc thương cho phận người nghèo khó.

Trong ánh đèn dầu leo lét, Bình ngồi thu lu một góc, hai tay ôm quyển vở đã rách mép, ướt một nửa vì nước dột từ mái rơi xuống. Nó thở dài khe khẽ. Tối nay cũng như mọi tối, nó vẫn lặng lẽ tập viết. Những con chữ méo mó hiện lên nhờ ánh lửa lập lòe từ bếp lửa mà mẹ nó vẫn giữ cháy bằng mấy nhánh củi khô gom từ rìa sông.

Mẹ nó – một người đàn bà lam lũ, tóc đã lấm tấm sợi bạc dù chưa đến bốn mươi, đang lặng lẽ ngồi vá lại mảnh áo sờn. Bà không đọc được chữ, cũng chẳng biết con chữ tròn méo thế nào. Cuộc đời bà, từ khi sinh ra đã ngụp lặn giữa thời loạn lạc. Giặc giã đến, nhà cửa cháy rụi, người thân li tán, chồng mất sớm vì viên đạn của bọn thực dân. Những năm ấy, bà làm thuê làm mướn cho người ta, ngày thì gánh nước, tối lại gặt lúa thuê. Đến miếng cơm trong bụng còn chẳng đủ đầy, hơi đâu mà mơ chuyện học hành.

Có những đêm nằm co quắp trong góc bếp, bà đã tưởng trái tim mình chẳng còn biết đau, chẳng còn biết hy vọng là gì nữa.

Nhưng rồi Tú Bình ra đời, một sinh linh nhỏ bé lay lắt giữa dòng đời. Lớn lên trong khổ cực, song đứa trẻ ấy lại ngoan ngoãn, hiền lành, đặc biệt là… mê chữ. Nó yêu con chữ như thể yêu một điều gì đó thiêng liêng lắm, xa xôi lắm – như chính ước mơ mà bà chưa từng dám nghĩ tới.

Giặc đã rút lui, hòa bình trở lại. Đất nước đang thay da đổi thịt từng ngày, người người nhà nhà hăng hái dựng lại mái nhà cũ, xây lại cuộc sống mới. Và trong cái thời cuộc đổi thay ấy, liệu một đứa nhỏ như Bình – lại không xứng đáng có một cơ hội để vươn lên hay sao?

Bà siết chặt vạt áo, thấy đứa con trai lom khom, lưng nhỏ xíu gù xuống vì cố nắn nót từng nét chữ lên trang vở rách nát bằng tất cả sự chăm chú và khao khát. Một ý nghĩ rắn rỏi bỗng bừng lên như đốm lửa giữa đêm mưa.

"Bình à…" – Bà gọi, giọng run nhẹ như gió thoảng.

Nó ngẩng đầu, đôi mắt long lanh sáng lên trong đêm.

"Mẹ biết… con muốn đi học lắm phải không?"

Tú Bình chỉ im lặng. Nó không dám gật, cũng không dám lắc. Nó sợ, nếu gật, là ép mẹ thêm một gánh nặng, mà lắc, là phản bội cái khao khát của chính mình.

Bà ngồi im thật lâu. Rồi chậm rãi, như sợ chính câu nói của mình sẽ tan trong mưa:

"Mẹ không muốn mày giống mẹ… chữ không biết, suốt đời làm thuê." – Bà nghẹn ngào – "Mẹ sẽ… ráng. Mai mẹ mang mớ rau ra chợ sớm, được bao nhiêu, mẹ xin cô giáo cho con đi học."

Bình tròn mắt. Chẳng biết nước mưa hay nước mắt từ lúc nào đã rơi đầy má.

"Mẹ…"

Chỉ biết, trong khoảnh khắc đó, một điều gì đó trong tim nó – nhỏ bé thôi – như nở bừng ra, dào dạt và run rẩy. Nó không còn là thằng Bình co ro bên bếp lửa nữa, mà là một đứa trẻ biết mơ ước. Và cái mơ ước ấy, nhờ tình yêu lặng lẽ của mẹ, đang dần trở thành hiện thực.

Mùa đông năm ấy, cuối cùng Tú Bình cũng được đến trường.

Nó còn nhớ như in cái buổi sớm tinh mơ hôm đó. Trời còn tối mịt, sương lạnh như kim châm len qua từng khe cửa chắp vá đủ loại phên tre, manh chiếu rách, rồi luồn thẳng vào da thịt dưới lớp áo mỏng chẳng đủ che thân. Mẹ nó khẽ khàng choàng lên vai nó một chiếc áo khoác cũ vừa rộng vừa dài, gần như chấm đất. Chiếc áo ấy bà vừa xin được của bác Sinh hàng xóm, còn thơm mùi khói bếp lẫn mùi đất đồng. Bình đứng lặng một hồi lâu trong cái áo thùng thình, bàn tay nhỏ bé níu chặt lấy vạt áo như ôm trọn lấy niềm vui không dám thốt thành lời.

Nó dậy từ tinh mơ, soạn đi soạn lại mấy thứ đồ dùng học tập cũ kỹ đến cả chục lần. Xấp giấy ngả màu vàng, cây bút gỗ đã cùn ngòi, và quyển vở sờn gáy mà Nhiên Tuấn từng dúi vào tay nó hôm nào, được nó xếp ngay ngắn vào cái túi vải chắp vá của mẹ. Đến lúc đi, nó quay lại nhìn mẹ, muốn nói một điều gì mà không nói thành lời. Người mẹ im lặng, chỉ khẽ gật đầu, bàn tay nứt nẻ vỗ vỗ vào lưng con. Ánh mắt bà lúc ấy... sáng lên một tia gì đó, mong manh như khói bếp nhưng cũng ấm như lửa hồng trong đêm.

Dọc đường đi, dù gió lạnh táp vào mặt, làm đôi má nhỏ hây hây đỏ lên, Bình vẫn không giấu nổi nụ cười cứ kéo mãi lên tận mang tai. Hái cái má lúm đồng tiền cũng theo đó mà lấp ló. Nó đi như chạy, đôi chân nhỏ nhắn lội qua con đường làng đất đỏ đã lầy lội sau mấy ngày mưa, lòng rộn rã như sắp đến một miền đất mới, nơi con chữ không còn là thứ xa vời chỉ thấy qua lời kể của Tuấn nữa.

Đến lớp, cô giáo trẻ ân cần nắm tay dẫn nó vào lớp, giới thiệu bằng giọng nói dịu dàng. Các bạn nhỏ quay lại, mắt sáng rỡ, đồng thanh chào đón khiến Bình ngượng nghịu cúi đầu. Nó đứng đơ như khúc gỗ, tim đập thình thịch, mãi mới nặn ra được một câu giới thiệu ngắn ngủn. Hai tay nó siết chặt lấy mép túi vải, cố ngăn mình không run lên vì hồi hộp.

Bỗng một giọng nói quen thuộc vang lên, lanh lảnh và rộn ràng như tiếng chim đầu xuân:

"Cô ơi, cho bạn Bình ngồi với em đi ạ! Em sẽ giúp bạn học nhanh hơn!"

Là Tuấn! Là Nhiên Tuấn của nó đây mà!

Tuấn ngồi ngay bên cửa sổ, cánh tay nhỏ giơ cao phất phới, khuôn mặt tràn đầy phấn khởi. Cô giáo mỉm cười đồng ý. Tú Bình rón rén bước xuống bàn cuối dãy, ngồi xuống cạnh Nhiên Tuấn. Nụ cười của Tuấn lúc ấy, sáng rỡ đến nỗi dường như xua sạch cả cái lạnh đang len lỏi qua từng khe cửa, từng kẽ áo mỏng manh.

Vậy là nó được học chung lớp, lại còn được ngồi cùng bàn với Tuấn. Niềm vui như lặng lẽ trào ra, thấm qua từng hơi thở. Có lẽ ngay cả trong mơ, nó cũng chưa từng mơ đến ngày này.

Thế nhưng điều duy nhất khiến Bình băn khoăn… chính là cái người bạn cùng bàn kiêm "mặt trời nhỏ" của nó đây lại… quá sức hiếu động.

Dù đi học sau bạn bè cả mấy tháng, nhưng nhờ chăm chỉ nghe giảng, có gì không hiểu là lại rụt rè đến hỏi cô vào cuối buổi, nên chẳng mấy chốc, Bình đã theo kịp các bạn. Còn Tuấn thì... suốt ngày gật gù trong lớp, viết chữ như gà bới, đầu giờ thì hăng hái lắm, nhưng chỉ lát sau là lại quay sang thì thầm chọc ghẹo Bình, kể hết chuyện từ trong nhà đến ngoài ngõ, từ con mèo nhà nó đến chuyện bác hàng xóm bị gà mổ vào chân.

"Tao cá là cô giáo có cái hộp bí mật, toàn bút xịn với kẹo dẻo, để cho mấy đứa học giỏi á. Bình mà giỏi, chắc cô cho nguyên nắm luôn."

"Tuấn lo chép bài kìa, chữ còn thiếu ba dòng đó!"

Mỗi lần như vậy, Bình chỉ biết lắc đầu, giả bộ nghiêm nghị nhắc Tuấn trật tự. Nhưng thực lòng… nó đâu giận gì cho nổi. Cái dáng vẻ của Tuấn khi nhoẻn miệng cười, mi mắt cong lên hệt như vầng trăng non lơ lửng trên mái tranh… dễ khiến người ta mềm lòng đến lạ.

"Cái này… là cô nói về 'bông lúa uốn cong vì nặng hạt', nghĩa là sao ta?"

Tuấn ngẫm nghĩ một lúc, rồi cười toe:

"Ờ, nghĩa là giống ông nội tao đấy! Còng lưng cả đời nhưng ai trong làng cũng nể!"

Bình bị lời nói ngây ngô của Tuấn chọc cho bật cười, không giấu nổi vành tai đỏ ửng bên đôi má lúm.

"Tuấn nói chuyện... lạ thật."

Giữa cái lớp học xập xệ tường vôi tróc lở, giữa những ngày chật vật vừa học vừa phụ mẹ, Tú Bình bắt đầu viết nên những dòng đầu tiên của một tuổi thơ khác – không còn chỉ là những ngày cào rơm, bê lúa, mà là cả những con chữ bé tin hin run rẩy mang theo hy vọng.

Chỉ là... trong những dòng chữ ấy, hình bóng Nhiên Tuấn luôn vô tình in đậm – như một dấu nặng ấm áp, len vào từng trang vở, từng tiếng cười khe khẽ sau lớp học, và cả từng cái liếc trộm đầy ngập ngừng mỗi khi Tuấn ngủ gật bên cạnh.

Mầm xanh bé xíu xiu của cảm xúc đầu đời đang âm thầm len lỏi qua từng kẽ nứt cuộc đời nghèo khổ, mỏng manh mà bền bỉ, như chính những khát khao đầu tiên trong lòng Tú Bình.






Trong những năm đầu thập niên 60 của thế kỉ 20, khi miền Bắc đang trên đà phát triển kinh tế mới, từng bước ổn định cuộc sống sau những năm tháng đói nghèo, thì miền Nam ruột thịt lại đang oằn mình chống chọi với làn sóng xâm lược của đế quốc Mỹ.

Đất nước bị chia cắt tại vĩ tuyến 17, nhưng không gì có thể chia cắt được tình đoàn kết máu thịt của nhân dân hai miền. Miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc, không chỉ cung cấp sức người, sức của mà còn là nơi hun đúc, truyền lửa ý chí quyết chiến, quyết thắng cho toàn thể dân tộc.

Trong bối cảnh ấy, hai đứa trẻ năm nào – Nhiên Tuấn và Tú Bình – vẫn may mắn lớn lên dưới vòm trời yên ả, trong sự chở che của quê hương xứ Bắc. Chúng trưởng thành từng ngày nhờ hạt gạo trắng ngần trĩu nặng trên cánh đồng, nhờ bàn tay mẹ cha tảo tần hôm sớm, nhờ tình làng nghĩa xóm đong đầy giữa những mái nhà tranh liêu xiêu mà ấm lòng đến lạ.

Thoắt cái, cả hai đã đến tuổi dậy thì, sắp sửa trở thành những thanh niên trai tráng. Đứa nào đứa nấy phổng phao hẳn ra, chẳng còn là mấy 'cục đường đen ngỏm loắt choắt' ngày nào nữa. Tú Bình giờ cao lớn đến bất ngờ. Ngày bé, Nhiên Tuấn còn cao hơn hắn cả cái đầu, vậy mà giờ đây, mỗi khi hai đứa đứng cạnh nhau, Tuấn còn phải ngước lên mới vừa tầm mắt.

Mà kể ra cũng tài, chẳng ai nghĩ rằng cái dáng người thanh tú, ánh mắt sâu hun hút cùng đôi má lúm đồng tiền của Tú Bình lại là thứ khiến không ít thiếu nữ trong làng thầm thương trộm nhớ. Dẫu vậy, Bình vẫn giữ vẻ điềm đạm hiền hòa ngày nào.

Các bà trong xóm cứ khen hắn miết, nói hắn giống bố như tạc, giống nhất là đôi má lúm đồng tiền nhẹ như nắng sớm và cặp mắt sắc sảo kia kìa. Tú Bình nghe vậy chỉ biết đỏ mặt, gãi gãi đầu, môi mím chặt vì ngượng, chẳng thể nói nên lời.

Những ngày đầu thu, trời bắt đầu dịu nắng. Cánh đồng lúa chín vàng rộ lên dưới ánh mặt trời, mùi thơm nồng nàn của rơm mới gặt thoảng trong gió, như gọi người ta về với đồng đất. Tú Bình xắn quần lội bì bõm giữa ruộng, tay liến thoắng gom lúa, tay kia đập đều đều lên đống rạ. Vài hôm trước mẹ hắn lại đau lưng, cứ tái phát mỗi lần thời tiết thay đổi. Vậy nên, Tú Bình bèn bảo mẹ ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe, còn bản thân sau khi tan học liền tất tả chạy ra đồng, cặm cụi thay mẹ lo việc mùa.

Thân hình hắn rám nắng, nước da sậm màu như bánh mật, mồ hôi lăn dài theo sống lưng nhưng đôi mắt thì vẫn sáng và kiên định. Đang lom khom thì hắn nghe thấy tiếng gọi từ xa:

"Ê, Bình ơi!"

Từ đầu bờ ruộng, Nhiên Tuấn phóng tới, gió ngược thổi tung vạt áo sơ mi đã bạc màu giặt nước giếng. Đầu đội nón lá rách lỗ chỗ, tay xách theo bọc lá chuối còn bốc khói nghi ngút.

"Bánh nếp mẹ tao mới đồ, mang sang cho mày này, còn nóng hôi hổi đấy." – Tuấn cười toe, đặt gói bánh lên mô đất cao, lúi húi tháo nón, muốn xuống phụ Bình một tay.

"Thôi, mày về đi, ruộng sâu lầy lội, làm gì quen đâu." – Bình vội ngăn, tay vẫn chưa ngừng đập rạ.

Tuấn không nói gì, chỉ nhảy phịch xuống ruộng, nước bắn tung toé. Bình nhăn mặt, thở ra một cái rõ dài.

"Trời ơi, ướt hết giày rồi còn gì..."

"Thì cởi ra." – Tuấn cười, bắt đầu lội tới bên cạnh hắn, xắn tay áo thật gọn ghẽ.

Tú Bình dừng tay, lặng lẽ nhìn đôi tay trắng trẻo của Tuấn đang vụng về nắm lấy bó lúa. Tuấn là con út trong nhà, gia cảnh tuy không mấy giàu sang nhưng bố mẹ vẫn có của ăn của để, lại thương con, chiều từ tấm bé. Có bao giờ Tuấn phải đụng tới việc đồng áng đâu. Làn da ấy, mái tóc mềm mại, cả hương thơm mùi xà phòng sạch sẽ phảng phất quanh người Tuấn – tất cả đều đối lập với hắn, đứa con trai quanh năm lấm bùn từ đầu đến chân. Bình chẳng nỡ để Tuấn bẩn tay, nhưng rồi cũng chẳng dám cãi, đành để mặc cho cậu ấy làm theo ý mình.

Họ ngồi cạnh nhau trên bờ ruộng, gió thu thổi nhè nhẹ. Mặt trời đã chếch về phía núi, sắc vàng cam rọi xuống làn nước đục làm nó sáng lên dịu dàng như mật ong. Một lát, Tuấn quay sang, hỏi nhỏ:

"Mày đã có dự định gì sau này chưa?"

Bình giật mình, rồi chống tay lên đầu gối, trầm ngâm. Tuấn lại nói tiếp:

"Tao sẽ đi bộ đội. Học xong là đăng ký nhập ngũ luôn, không chần chừ gì hết."

"Bộ đội á?" – Bình chau mày, quay sang nhìn bạn.

"Ừ. Tao học cũng chẳng giỏi như mày, sách vở với tao rối lắm. Nhưng mà tao nghĩ, mình vẫn có thể làm được gì đó cho đất nước. Ông nội tao từng cầm súng đánh Pháp mà, giờ đến lượt tao rồi."

Nói rồi cậu cười, hàm răng trắng bóng, mắt sáng như sao. Trong cơn gió heo may, nụ cười ấy như đâm thẳng vào ngực Tú Bình, khiến hắn ngẩn người.

"Mày thì sao, Bình? Mày giỏi như thế, chắc làm bác sĩ hay thầy giáo cũng được chứ gì?" – Tuấn hỏi lại, quay đầu nhìn.

Bình im lặng, trầm tư. Hắn nhìn vào khoảng trời trước mặt, lòng chùng xuống một nhịp. Hắn thì sao nhỉ?

Những người như hắn – chính là đại diện cho lớp người nghèo khó tận cùng dưới đáy xã hội ấy thôi, chỉ có điều, hắn không bao giờ cam chịu, cuộc sống tuy thầm lặng mà đầy nghị lực. Tú Bình học, không phải để đỗ đạt cao sang, mà để hiểu người, hiểu đời, để có thể sau này giúp mẹ khỏi phải còng lưng sớm khuya, để có thể đứng vững giữa thời cuộc đổi thay. Vậy nên có lẽ hắn chưa từng nghĩ tới tương lai xa, chưa từng dám mơ bay cao như Tuấn. Không phải vì hắn không yêu nước, không muốn cống hiến sức mình, cũng chẳng phải vì hắn sợ chết. Chỉ là... mẹ hắn đang già đi từng ngày, mái tóc bạc thêm mỗi lần đau nhức kéo đến. Hắn là con một, nếu không ở lại, ai sẽ chăm mẹ? Ai sẽ là người bên bà những ngày đông trở gió?

Đối với Tú Bình, sau này có thể kiếm được một công việc ổn định, đủ cơm đủ áo, đủ tiền thuốc thang cho mẹ. Vậy là được rồi. Ước mơ của hắn, giản dị như bát cơm nóng dẻo, như mái nhà không dột trong đêm giông.

Còn Nhiên Tuấn thì khác. Cậu như ngọn gió, như ánh mặt trời – lúc nào cũng hừng hực khí thế, lạc quan và đầy bản lĩnh. Tuấn mê kể chuyện về ông, về những năm tháng gian khó mà oai hùng, về đôi giày vải rách sờn nhưng vẫn kiêu hãnh vượt núi băng rừng. Vậy nên với Tuấn, việc được tiếp bước ông nội – người từng là lính Cụ Hồ những ngày đầu kháng chiến, là một vinh dự không gì sánh được. Dường như ngay từ nhỏ, trong tim cậu đã có một ngọn cờ – và ngọn cờ ấy càng ngày càng bay cao hơn theo từng nhịp bước chân.

"Không biết nữa." – Tú Bình đáp, nhìn về phía những đám mây lững thững trôi. "Tao nghĩ… chắc tao cứ đi theo gió thôi."

Nhiên Tuấn cười phá lên. "Mày là mây hay là lá vậy?"

Thế rồi bọn họ không nói gì thêm, Tuấn bẻ đôi cho Bình một miếng bánh nếp, ngồi im lặng bên cạnh.

Vào khoảnh khắc khi ánh nắng rải vàng khắp lưng áo Nhiên Tuấn, còn đôi mắt Tú Bình lặng lẽ dõi theo – giữa làn gió đồng mang theo mùi lúa thơm, mùi đất ấm, và cả những giấc mơ chưa trọn vẹn của tuổi trẻ, một thứ tình cảm mỏng nhẹ như khói sương đã bắt đầu hiện hữu. Đấy là tình yêu, hay tình bạn, hắn chẳng rõ nữa. Cảm giác đó cứ dịu dàng, tựa ánh dương đậu trên bờ vai người mình thương.

Thời niên thiếu của họ cứ như vậy mà đồng hành cùng nhau qua những mùa gặt, những buổi học đầu làng, qua tiếng cười vang vọng sân đình và cả những buổi chiều tím nhòe bóng nắng. Tình làng nghĩa xóm gắn kết bền chặt như keo sơn, như mạch nước ngầm nuôi dưỡng tuổi thơ trưởng thành theo từng mùa mưa nắng. Giữa khung cảnh quê nhà còn nhiều thiếu thốn, họ vẫn lớn lên bằng niềm tin và sự chân thành của những người dân xứ kinh kỳ, vừa bước qua chiến tranh đã kịp tự đứng thẳng người xây lại mái nhà chung.

Bọn họ không phải hai ngôi sao rực rỡ giữa trời, nhưng là hai đốm lửa nhỏ âm ỉ cháy trong lòng đất – đủ sáng để soi đường cho nhau, đủ ấm để giữ lấy hy vọng trong những năm tháng khó khăn. Cạnh họ còn có lũ bạn cùng lớp, đứa thì đã đi học nghề, đứa đã bắt đầu theo cha mẹ ra đồng. Đứa nào cũng lớn cả rồi, lưng bắt đầu cứng cáp, ánh mắt bắt đầu biết lo toan – nhưng trong lòng ai cũng giữ lại một góc nhỏ mộng mơ chưa tắt.





....Cho đến năm 1967, Nhiên Tuấn vừa tròn 18 tuổi, quyết định lên đường nhập ngũ. Ngày tiễn cậu, trời nắng đẹp lạ thường, nắng vắt vàng trên mái ngói, vương lại cả trên chiếc khăn tay mà Tú Bình giấu trong túi áo, cứ chốc lại đưa lên lau mồ hôi… nhưng thật ra chẳng có giọt mồ hôi nào cả.

"...Hãy cho tôi một tình yêu đầu

Như lửa cháy bùng lên không kịp giấu

Như tuổi trẻ đi qua không ngoảnh lại

Mỗi bước chân đều nhuộm một vì sao..."

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro