11. DẠY CON LÀM VUA


11. DẠY CON LÀM VUA

(Bà mẹ Tự Đức)

Trời đã tối mịt. Có lẽ đã đến canh hai. Mưa vẫn rả rích bên ngoài. Trong hoàng cung, đèn nến sáng trưng. Đoàn thị nữ len lét mỗi người mỗi chỗ đứng hầu, hướng cả về chiếc sập thất bảo, đợi chờ trong cả sự lo âu, sợ hãi. Trên sập, Từ Dũ Thái hậu ngồi lặng lẽ, tựa mình vào chiếc nệm gấm đặt phía sau lưng bà. Chiếc kính trắng và quyển sách để ở đầu sập, bà đang giở xem, nhưng không kiên nhẫn đọc tiếp được nữa, vì lòng bà đang hồi hộp. Thỉnh thoảng, bà ngước nhìn một nữ tì hất hàm làm hiệu. Cô gái hầu vội lại gần quỳ xuống:

- Tâu Thái hậu, Nội giám vẫn chưa về ạ.

Thái hậu có vẻ bất bình, nhưng cố nén. Lặng đi mấy phút, bà khẽ hỏi:

- Mưa gió thế này, sóng biển Thuận An có lớn không?

Người nữ tì lấy giọng bình tĩnh đáp lại:

- Dạ, như chúng con đã tâu Thái hậu hồi hôm. Đây chỉ là trận giông bất thường chứ không phải là bão. Thuyền ngự toàn những tay chèo giỏi. Xin Thái hậu yên tâm. Vả lại bên thành phòng cũng đã phái tiếp thuyền ra đón giá rồi.

Thái hậu gật đầu gieo nhẹ mình xuống sập, với tay cầm lấy cái kính và quyển sách. Người hầu vội đến vén cao tấm là và khêu hai ngọn bạch lạp cho sáng hơn lên. Từ Dũ bỗng như sực nhớ ra một điều gì liền hỏi:

- Con lấy cây bạch lạp mới đấy à? Thế còn cây hôm qua mới hết hơn một nửa?

- Tâu Thái hậu, con xin phép được thay để dùng cây mới tốt hơn. Mẩu nến cũ chỉ còn có vài phân, khi thắp, nó chảy bê ra cả đế đèn, trông không được nhã.

Từ Dũ lắc đầu, nhưng vẫn từ tốn:

- Không nên thế. Còn dùng được thì cứ dùng, hà tất vứt đi để thay thứ mới phí phạm của trời. Đừng tưởng ở trong cung vua thì tha hồ hoang phí.

Người cung nữ chỉ dạ dạ, vâng vâng, cúi đầu nhận lỗi không dám nói năng gì. Cô đã biết tính Thái hậu vốn không ưa xa hoa. Bà từng nói với người trong cung: "Ta tự xét mình, không làm được gì có ích cho nước nhà sao lại cậy thế là mẹ vua để tiêu xài xa xỉ? Một sợi tơ, một hạt gạo đều do mồ hôi công sức của dân, không được coi thường mà hoang phí". Cung nữ nhớ lại nhiều lần bao vải đựng kính của Thái hậu dùng lâu ngày đã sờn, bát ăn cơm đã rạn, sứt, quạt giấy đã rách lỗ chỗ, vua Tự Đức bảo người hầu thay lại thứ mới, Thái hậu đều nhất định không cho. Ngay những quần áo gấm vóc tư trang theo lệ được dùng, bà cũng xếp ngay ngắn để gọn trong rương, chỉ lúc nào thật cần thiết mới đem ra mặc. Chính vua Tự Đức đã học được cái tính giản dị, không thích phô trương của mẹ mình. Ta biết rằng: Trong tất cả các ông vua triều Nguyễn và so với cả các vua những triều đại trước nữa, Tự Đức có lẽ là ông vua duy nhất không có điều gì đáng trách về mặt đạo đức tu thân. Nhà vua không ham cờ bạc, rượu chè, không đàng điếm xa hoa. Ông có những hạn chế về tài chính trị, về khả năng tiếp thu cái mới, nhưng lại rất có ý thức về phép sửa mình, và đã nổi tiếng là ông vua có hiếu.

Đêm nay, Từ Dũ Thái hậu thấp thỏm lo âu cũng chỉ vì đang chờ đợi nhà vua. Suốt từ trưa đến chiều tối, Thái hậu nhiều lần sai nội giám đi hỏi tin tức, đều được nghe trả lời rằng Ngài Ngự chưa về kịp. Ngày mai, sáng sớm đã là ngày làm lễ kị ở đền Phụng Thiên rồi mà nhà vua chưa sẵn sàng có mặt trong hậu cung. Vua đã trình trước với Thái hậu là hôm nay đi thuyền ra cửa biển Thuận An. Lúc đi trời quang mây tạnh, không ngờ xế chiều trời nổi cơn giông, thuyền Ngự chắc bị ngược nước, ngược gió nên không tiến được.

Cũng đúng vào lúc Thái hậu đang hồi hộp mong ngóng như vậy thì ở ngoài cửa Thuận, trên chiếc thuyền Ngự, vua Tự Đức cũng đang đứng tì mình trong khoang thuyền, dán mắt nhìn ra ngoài trời mưa gió. Mấy ngón tay búp măng của nhà vua run run, gõ đồn từng nhịp trên khung cửa sổ, chứng tỏ sự phập phồng lo âu của ông. Mỗi đợt sóng bập bềnh đập vào mạn thuyền, làm cho 4 chiếc thuyền chòng chành, lại khiến cho ông lo sợ. Bóng đêm đã bao phủ không gian, ánh sáng mấy chục ngọn đèn trong lâu thuyền không đủ để nhìn ra tầm xa ngoài đất trời mù mịt. Tự Đức cau mặt nhìn mấy vị cận thần chầu chực quanh mình. Cửa sổ khoang trong hé mở, viên quan chỉ huy thuyền Ngự khẽ nói với viên hiệu úy đứng cạnh:

- Xin tâu lại với Ngài Ngự. Chỉ độ ba khắc nữa là thuyền cập bến. Sức nước còn cường, nhưng gió đã giảm. Đã luân phiên thay đổi và tăng thêm nhiều tay chèo. Quá đây ít chục sải là không lo gì nữa.

Lời tâu này khá chính xác. Quả nhiên không mấy chốc, thuyền Ngự đã cập bến. Nhà vua cùng tả hữu tướng tá thở phào trút nỗi lo âu, cùng kéo nhau lên bờ. Mặc dù mưa lớn trên bờ sông, các đội cơ vệ đã tề tựu đông đủ. Một vị đại thần không ngại bùn lầy, soạn sửa quỳ xuống thỉnh an. Nhưng Tự Đức đã khoát tay, miễn lễ cho ông. Nhà vua tịnh không nói năng câu gì, ông cập rập bước vội lên kiệu rồng đang chờ sẵn ở ven đường và ra lệnh cho phu kiệu gia tăng tốc lực.

Ông đang sợ. Sợ vì nỗi lo âu của Thái hậu trong hoàng cung. Kiệu rồng nhanh chóng dừng lại trước cửa hoàng cung. Mặc cho cơn mưa chưa ngớt và cũng không để ý cả đội nữ binh đứng hai hàng cúi rạp xuống chào mình, Tự Đức hấp tấp đội mưa, lao vội vào cung của Thái hậu. Bà Từ Dũ vẫn nằm im trên sập, thoáng thấy bóng nhà vua, liền bỏ sách và kính xuống, xoay mình trở mặt vào trong tường. Tự Đức rón rén lại gần, quỳ xuống:

- Kính tâu Thái hậu, con đã về.

Từ Dũ Thái hậu nằm im không đáp. Cả gian phòng hoàng cung im ắng, ánh bạch lạp tỏa sáng lạnh lùng. Tự Đức càng thêm kinh sợ. Nhà vua đứng dậy, lùi ra sau hai bước, đưa mắt cho một cung nữ. Hình như đã quen với nề nếp quy định thỉnh thoảng vẫn diễn ra trong chốn thâm cung này, người cung nữ vội vàng chạy đến cái án đóng sát trên góc tường. Trên án là một chiếc mâm son nhỏ. Cô gái mở ngăn tủ bên cạnh, lấy ra một cái roi mây ngắn, đặt lên mâm son rồi mang đến đưa cho Tự Đức. Tự Đức đỡ lấy mâm, cung kính đặt lên sập, ngay sau lưng Thái hậu. Đoạn nhà vua lùi một bước nữa, vái một vái và nằm sấp xuống sàn nhà, úp mặt chờ đợi. Từ Dũ Thái hậu vẫn nằm quay lưng ra, không cử động. Phía cửa ngoài, mấy người nữ binh thất sắc, len lén vòng tay cúi đầu, im lặng gần như nín thở.

Vài ba phút qua đi. Từ Dũ Thái hậu mới trở mình. Bà quay mặt ra, thủng thẳng đặt tay lên mâm son, hất ngọn roi xuống đất rồi phán:

- Thôi! Con đứng dậy. Con đã làm ta bồn chồn suốt một buổi trời. Bao nhiêu quân quan vì mình mà chịu giông tố khó nhọc. Liệu mà ân thưởng cho người ta. Rồi sắp đặt để ngày mai hầu kị.

Tự Đức lồm cồm ngồi dậy, lạy tạ mẹ rồi lui về cung điện riêng của mình. Ngay đêm ấy, bữa ngự thiện của ông không kéo dài. Ông ăn qua loa vài miếng rồi vội đến án thư, dùng bút son phê lên một tờ chỉ dụ giao cho các quan lập tức trong ngày mai ban thưởng cho quân sĩ và tùy tòng hộ tống thuyền vua trong chiều mưa hôm trước.

Câu chuyện trên đây xảy ra cách ta đã đến gần 150 năm, nhưng ngày nay nhiều người trong hoàng tộc nhà Nguyễn ở Huế vẫn còn nhớ rõ. Sách báo chép đi, chép lại khá nhiều lần và đều nhất trí ca ngợi Từ Dũ, xem như một bà mẹ xứng đáng ở nước ta vào cuối thế kỉ XIX sang đầu thế kỉ XX.

Từ Dũ là tên hiệu tôn phong. Thật ra, bà có tên là Phạm Thị Hằng, sinh ngày 19 tháng 5 năm 1810, con gái ông Phạm Đăng Hưng ở Gò Công, huyện Tân Hòa, Gia Định (nay thuộc tỉnh Sông Bé). Cô gái vùng quê Nam Bộ đã được tuyển vào cung làm vợ vua Thiệu Trị và sinh được con trai là Nguyễn Hồng Nhậm.

Vào cung từ khi còn ít tuổi, theo quy định của triều Nguyễn không lấy Trạng nguyên, không lập Tể tướng, không phong Hoàng hậu, nên đến khi Thiệu Trị mất, Phạm Thị Hằng vẫn chỉ là quý phi. Nguyễn Hồng Nhậm lên ngôi, lấy hiệu là Tự Đức, mới cùng các triều thần sắp đặt việc tấn tôn cho bà giữ ngôi vị Hoàng Thái hậu. Song Phạm Thị Hằng đã nhiều lần từ chối. Làn thứ nhất (1847), viện lí do linh cữu của Thiệu Trị quàn chưa được một trăm ngày không vội gì phải tổ chức lễ tấn tôn. Mười năm sau (1858), Tự Đức thân hành cầu xin, bà cũng không đồng ý, lại lấy lẽ rằng năm nay mùa màng không hứa hẹn, nhân dân trong nước chưa được chắc chắn hưởng hoa lợi, nếu bà nhận ngôi cao cả tôn quý thì cũng không hay gì. Bà nói với nhà vua: "Tăng thêm hư danh cho đẹp đẽ trong hoàn cảnh như thế thì cũng làm tăng cái thất đức của ta mà thôi... Ta chỉ mong các công khanh và bề tôi hãy hết sức giúp vua ở chức vụ mình làm cho ta ngày ngày thấy được sự thái bình của đất nước thì không có cái vui nào hơn thế".

Năm kế tiếp (1859) việc tấn tôn còn bị Từ Dũ hoãn lại cho tới 1870 là năm bà tròn sáu mươi tuổi mới được tổ chức. Từ Dũ còn buộc phải tiến hành thật đơn giản ít tốn kém... Tiếng tốt của bà vì thế mà được lưu truyền.

Nhắc tới Từ Dũ Thái hậu, ai cũng phải thừa nhận rằng bà là một con người khiêm cung, kiệm ước. Uy tín của bà ngày càng lớn, bà là người rất nghiêm khắc với người trong họ mình. Thói thường một người làm quan cả họ được nhờ, huống chi trong họ Phạm có người là mẹ vua! Một hôm từ Gò Công, họ Phạm có người ra Huế cầu xin vua Tự Đức ban cho chức tước. Bà ân cần bảo nhà vua: "Người trong họ của mẹ, không có công lao gì thì không được ban cho tước lộc. Hễ có ai làm điều gì trái pháp luật thì cứ nghiêm trị như thường để làm gương công minh cho dân trong nước biết".

Bà Phạm Thị Hằng vốn là người thích sử sách, mỗi khi vua đọc sách, bà lắng nghe và thường góp ý bình luận với nhà vua. Bà nói: "Người ta có học rồi mới biết thiện ác. Điều thiện thì để làm gương, điều ác để răn ngừa mới có thể biến hóa khí chất không theo đường tà. Cho nên thường có câu: "Nhân bất học bất tri đạo" (người không học thì không biết đạo lí). Bà luôn luôn nhắc đến sự cần thiết phải đọc nhiều, tìm tòi nhiều. Do đó Tự Đức có thói quen chăm chỉ sách đèn, ngay cả khi bận bịu những việc quân quốc trọng sự. Bà còn trực tiếp tham gia suy nghĩ, nghiên cứu với con, chứ không chỉ khuyến khích suông. Đêm đêm, Tự Đức có lệ đọc sách cho mẹ nghe. Sau mỗi đoạn đọc về Hán sử, bà Phạm Thị Hằng thường phân tích rõ các sự kiện, từng nhân vật nhằm để gợi cho Tự Đức những kinh nghiệm điều hành việc nước. Bà có những nhận xét đánh giá khá tinh vi về các vua Trung Quốc, như Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế, Tấn Huệ Đế, v.v... Bà phân tích khá sâu sắc về các nhân vật đời Tiền Hán và Tam Quốc như Hàn Tín, Viên Thiệu, Khổng Minh. Sau những lời bình luận khen chê, Từ Dũ thường khuyên nhủ nhà vua phải rút ra bài học về cái đạo trị nước của một ông vua như thế nào?

Trong những lần trò chuyện với con, bà luôn luôn quan tâm đến tình hình đất nước. Bà thường hỏi nhà vua về việc dùng người và bảo vua nên chú ý, cẩn thận. Bà thường hỏi han nhà vua về việc xấu, tốt của quan lại, dặn nhà vua phải cảnh giác với những bọn tham ô. Bà nói rằng: "Từ xưa đến nay, quan lại, một chữ tham là chưa trừ được. Mọt nước hại dân chẳng qua là như vậy... Quan lại bổ ra tỉnh ngoài, khi về thì vị nào vị nấy cũng chở cho đầy túi. Của ấy không lấy ở dân thì lấy ở đâu?".

Từ Dũ rất hài lòng khi Tự Đức cho biết trong triều đình có những ông quan mẫu mực, văn võ kiêm toàn, như Nguyễn Tri Phương, hoặc những người công bình, trung thực như Vũ Trọng Bình. Bà nhắc đi nhắc lại "Phải biết chọn dùng được người như thế. Dùng người tốt mới làm lợi cho đất nước". "Nước nhà đang cần người có tài, song có tài phải có đức". Bà bảo nhà vua: "Làm chính trị là ở việc được lòng người. Được lòng người thì quan lại mới xứng chức vụ, nhân dân mới được lạc nghiệp... Nếu dùng đúng người thì quốc gia không phải lo nữa".

Bà lại nói: "Nếu được nhiều người như Vũ Trọng Bình và Nguyễn Tri Phương để đặt ở mỗi tỉnh một người thì quốc sự dân sinh rất nhiều điều tiến ích, khỏi được cái lo ăn ngủ không yên. Thật hận thay cho bọn người tham lam quá nhiều, bóc lột của dân không chán, sao lại không hối ngộ mà sửa đổi? Họ không biết là của bất nghĩa không mấy đời thì hết sạch, con cháu sẽ cùng khốn, bị thiên hạ cười chê. Sao bằng làm nhân nghĩa để đức lâu dài".

Từ Dũ không chỉ có những lời dặn dò chỉ bảo con trong những buổi tâm sự riêng tư hay bàn bạc về sách vở. Nhiều lần, bà đã trực tiếp uốn nắn những việc làm sai trái của nhà vua. Hồi mới lên ngôi, Tự Đức cũng có nhiều lúc chưa thật chủ tâm vào việc triều chính lắm. Các quan trong triều phần lớn hoặc sợ hãi, hoặc nể nang, không có ai dám có lời can gián. Riêng có Phạm Phú Thứ dám dâng sớ chỉ trích, lời lẽ tuy ôn tồn nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc. Đang lúc tuổi trẻ hiếu thắng, lại mới ngồi lên ngai vàng, Tự Đức thấy bị trách cứ như vậy thì đâm ra bực bội. Ông lập tức cách chức Phạm Phú Thứ, đuổi về làm lính ở bên bờ sông Lợi Nông. Câu chuyện đến tai Thái hậu. Từ Dũ lợi dụng một dịp thuận tiện trò chuyện với nhà vua. Bà lựa lời hỏi Tự Đức:

- Ông Phạm dâng sớ khuyên con, ông được cái gì?

Tự Đức trả lời:

- Dạ, ông không được cái gì cả. Nhưng con thấy làm bề tôi mà trách vua như vậy là quá đáng.

- Thế khi về làm lính, ông ta có oán hận gì không?

- Con không nghe chuyện ấy.

Từ Dũ gật đầu tỏ vẻ hài lòng.

- Thế thì người này đáng trọng lắm. Dâng sớ trách như vậy là vì thương vua, muốn cho vua làm việc tốt. Trường hợp của ông ta vì thương vua, giúp vua lại bị nạn, mà đành cam chịu chứ không hề hờn giận, theo mẹ đấy là người tỏ dạ và trung thành. Con nên nghĩ lại nghe con.

Được lời mẹ phân tích rõ ràng và thỏa đáng, Tự Đức nghe ra vội vàng ân xá cho Phạm Phú Thứ, xuống chiếu mời ông về kinh, giao chức vụ mới. Quả thực, Phạm Phú Thứ sau này đã giúp cho nhà vua rất nhiều, đề xuất những ý kiến mới để xây dựng đất nước. Tự Đức luôn ghi nhớ sâu sắc bài học này của mẹ mình.

Từ Dũ Thái hậu cũng rất có ý thức về đạo lí của một dân tộc. Một lần Tự Đức cho đội tuồng Thanh Bình vào cung biểu diễn. Vở tuồng đã dựng lại câu chuyện của Phàn Lê Huê giết anh, giết cha. Những người diễn đã cố sức trổ tài và đi theo rất đúng nguyên bản từ Trung Quốc truyền sang. Nhưng Từ Dũ Thái hậu rất không đồng ý. Bà bảo Tự Đức cùng với đoàn nghệ nhân: "Sao lại diễn cái trò thất đức như vậy? Theo ta nghĩ, người Tàu đặt ra chuyện như vậy là sai. Con giết cha, em giết anh thì còn gì là đạo lí nữa? Nước mình khác, nước người khác. Ta không được bắt chước mà làm điều bậy! Phải sửa lại!". Tự Đức và đoàn tuồng phải cúi đầu xin nhận tội.

Từ Dũ Thái hậu đã sống trong giai đoạn nước nhà gặp nhiều biến cố. Quân Pháp xâm lược nước ta lấn chiếm hết nơi này đến nơi khác. Bà rất đau lòng trước những thất bại đắng cay. Khi được tin Nam Bộ bị mất, bà đã khóc lóc thảm thương và nhịn ăn ba ngày. Rồi đêm 23 tháng 5 kinh thành Huế thất thủ, bà cũng theo Hàm Nghi trốn ra ngoài để đi Quảng Trị. Do tuổi già sức yếu không thể chịu đựng gió sương, và không muốn cản trở bước đường của đội quân xuất bôn, bà cùng với Tam cung lại trở về Huế sống một cuộc sống âm thầm lặng lẽ cho đến khi bà qua đời, thọ 93 tuổi.

Phạm Thị Hằng thật xứng đáng là một người mẹ, người phụ nữ Việt Nam. Dù ở ngôi cao, bà không hề bị tha hóa bởi cuộc sống nơi điện ngọc lầu vàng. Bà luôn chú ý tới việc giáo dục con cái. Mặc dù con làm vua một nước, người mẹ vẫn biết lấy lương tri, lấy chính nghĩa để bồi dưỡng và rèn luyện kèm cặp cho con mình làm tròn trách nhiệm. Những sự tích của bà đã được ghi chép lại một cách khá đầy đủ trong liệt truyện của Triều Nguyễn và thường được mọi người nhắc nhở. Người ta cũng hư cấu thêm nhiều mẩu chuyện huyền thoại về bà để đề cao đức tính hiền hậu, nhân ái của người phụ nữ. Song cái chính vẫn là tấm lòng người mẹ, tấm gương giáo dục con cái lâu dài, bền bỉ của bà.

LÊ THỊ THANH HÒA

(UBKH xã hội Việt Nam)


Tham khảo

- Đại Nam liệt truyện

- Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim

- Bi kịch nhà Vua của Vũ Ngọc Khánh (1990)

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro