5. MƯỜI TÁM NĂM KHÔNG MỘT GIẤC NGỦ NGON


5. MƯỜI TÁM NĂM KHÔNG MỘT GIẤC NGỦ NGON

(Bà mẹ Lê Thánh Tông)

Bà Ngô Thị Ngọc Dao nhớ lại mới hôm nào bà đến thăm chị Ngô Thị Ngọc Xuân, bà được gặp vua Thái Tông rồi được vời làm tiệp dư. Sau lần ấy, bà có thai cậu bé Hạo.

Bà tưởng đã được sống bình an và bà chỉ ước mong khi sinh nở được mẹ tròn con vuông. Nào ngờ! Trong triều diễn ra liên tiếp bao điều rắc rối. Bà Nguyễn Thị Anh và phe cánh lấn át triều đường. Trước tình cảnh ấy, bà - một cô gái mới lớn lên mang trong người dòng máu nhà Lê, biết đâu đó lại chả là một nguyên cớ để phe cánh bà Nguyễn Thị Anh trừ khử. Lúc đó, bà chỉ còn biết trông cậy vào nữ học sĩ Nguyễn Thị Lộ và Ức Trai tiên sinh che chở giúp đỡ. Một đêm tối trời, bà lẻn khỏi cung về chùa Huy Văn theo sự bố trí của Ức Trai và bà Nguyễn Thị Lộ.

Cũng vào thời kì này, thiên tai xảy ra liên tiếp, dân chúng đói khổ lầm than, vua Thái Hòa đã phải mấy phen xuống chiếu an dân mà vẫn băn khoăn về lòng trời không thuận. Vì vậy, nhà vua phải thực hiện kế sách "tưới nhuần ân đức", hình phạt được nới lỏng để cầu trời đoái thương cho triều đại Thái Hòa. Nằm trong kế sách ấy, tháng sáu năm Ất Sửu (1445) triều đình sai một toán quân đến chùa Huy Văn tìm mẹ con bà Ngô Thị Ngọc Dao. Bà bàng hoàng khi nghe sứ của nhà vua đọc chiếu phong con trai bà làm Bình Nguyên Vương và đọc chỉ tuyên triệu làm Phiên Vương ở Kinh sư, có phủ đệ riêng gọi là Tây Đệ. Lúc bấy giờ cậu bé Hạo (tên khi nhỏ của Lê Tư Thành), con bà, mới tròn 2 tuổi. Trên đường về kinh, bà mẹ trẻ Ngô Thị Ngọc Dao vẫn cứ lo đến toát mồ hôi. Bế đứa con trai hai tuổi, bế cả cái chức vụ to tát Bình Nguyên Vương, bà cảm thấy lòng nặng trĩu lo âu. Giá bà nhiếp chính Nguyễn Thị Anh cho bà bế đứa bé này về ở xó núi Động Bàng tận xứ Thanh xa xôi làm một thường dân vui với ruộng vườn thì bà yên tâm và vui sướng biết bao. Ở triều đường lúc này đây, sự tranh giành quyền lực, ngôi thứ biết đâu bé Hạo lại chả là nạn nhân. Thật là lành ít dữ nhiều.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, chẳng bao lâu Bình Nguyên Vương Lê Tư Thành đã là cậu thiếu niên anh tuấn: Mắt sáng, môi son, vẻ người nho nhã, đi đứng khoát đạt, đường hoàng. Nhất là vầng trán... vầng trán thanh cao của các vua Lê, vầng trán của Thái Tông hoàng đế. Ngày ngày, Vương cùng các thân Vương ở phủ Kinh Diên học tập. Ai cũng khâm phục trí nhớ tuyệt vời, óc thông minh mẫn tiệp của Vương. Tư chất tự tin, quyết đoán của Vương dù cố kiềm chế vẫn cứ lộ ra. Và đó là nỗi lo của bà mẹ trẻ Ngô Thị Ngọc Dao. Bà lo cho đứa con trẻ người non dạ không lường hết được sự sâu kín của lòng người. Tin vào giấc mộng Tiên Đồng Ngọc Nữ khi vừa sinh đứa con trai duy nhất này, bà không lo về trí tuệ và tài năng của con, nhưng lại rất lo về tai họa do tranh giành quyền lực đến với con mình. Vì vậy, vào những giờ con rảnh rỗi học tập, bà đều tranh thủ gần con để chăm sóc, dạy bảo.

Suốt những năm con còn thơ ấu, bà mẹ trẻ họ Ngô dạy con bằng các câu tục ngữ, ca dao động quê. Vốn là người đất Động Bàng thuộc huyện Yên Định trấn Thanh Hóa, người con gái của làng Nhất, làng Nhì này sống trong cái nôi của văn nghệ dân gian. Bà mẹ của bà lại vốn là con gái họ Trần cũng là người mở miệng là nói tục ngữ, ca dao để răn mình và dạy con. Cho nên, cậu bé Hạo cũng được lớn lên trong những bài học nho nhỏ mà sâu sắc của ca dao, tục ngữ. Cũng từ đó, tuy là Vương tử, nhưng Lê Tư Thành sớm có tình cảm gắn bó với nông tang, gần gũi với niềm vui sướng, nỗi lo lắng của nông phu. Cũng bởi lẽ đó mà có một lúc tức cảnh sinh tình, chàng trai vương giả đã thả tâm hồn trên dòng sông Bình Lâm với cô gái vo gạo bên sông, không kể gì quý tiện.

Trong những năm ở Kinh Diện, đua tài học hành với các Phiên Vương, Lê Tư Thành vẫn lộ ra "khí tượng đế vương" qua những lời đối đáp. Những chuyện đối đáp chơi bời ấy, khi hai mẹ con ngồi vào mâm cơm, Lê Tư Thành đều vui miệng kể lại cho mẹ nghe. Có hai lần bà mẹ giật mình. Lần đầu, qua ao sen tàn, các Vương thi nhau xướng họa về đầu đề "Tàn liên", câu thơ của Lê Tư Thành đột xuất mang ý lạ:

Đường cung dĩ phóng tam thiên nữ

Hán tắc do tồn bách bạn binh

(Ở cung nhà Đường thả ra ba ngàn cung nữ. Nhà Hán vẫn còn trăm vạn quân.)

Đúng là chuyện xưa, song cái chí bao quát tình thế không phải là của người thường. Vua và các đại thần, nhất là bọn siểm nịnh đầy triều liệu có tán xằng ra không? Một lần khác, cũng khi đi chơi ao, các Vương ra câu đối:

Bạch diện thư sinh, kiến bạch diện như suy tâm bất khứ.

(Học trò mặt trắng ngây thơ, trong sạch, lòng dạ cũng vậy)

Chàng Lê Tư Thành đối ngay:

Hoàng bào thiên tử, ỷ hoàng bào như cung kỉ vô vi.

(Nhà vua mặc áo hoàng bào, nên giữ nền nếp, xứng đáng với ngôi cao)

Câu đối thì vô tư, thẳng thắn song nào là "hoàng bào", "thiên tử"... lại câu "Ỷ hoàng bào như cung kỉ vô vi", có vẻ gì đó không ổn trong tình thế ẩn nhẫn của mình. Bà mẹ lựa lời nói cho con rõ để cho con vừa tự tin mà phát triển tài năng, lại vừa che giấu cái sắc sảo trước mắt mọi người. Ấy thế mà "bọn quan ở Kinh Diên (bọn Trần Phong) thấy cậu dáng điệu đứng đắn, thông minh hơn người, trong lòng cho là người khác thường" (ĐVSKTT). Bà mẹ bày lẽ hơn thiệt trong gia đạo họ Lê, cái nghĩa vua tôi, những chuyện mất còn ở đời, cốt giúp cho đứa con trai thông minh của mình thoát khỏi miệng lưỡi, búa rìu mà bà vẫn đêm đêm giật mình lo sợ.

Bà mẹ tâm đắc nhất là thơ nôm của Ức Trai tiên sinh. Sau cái họa tru di, văn chương của Người cũng chịu số phận lưu tán, trừ diệt. Bản thân bà mẹ họ Ngô cũng chỉ nhớ được từng câu, từng đoạn. Khi con trai đủ biết cái lẽ "giấu mũi nhọn", bà mới đọc cho con nghe. Nào là:

Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn

Lòng người quanh nữa nước non quanh.

nào là:

Phượng hãy thích cao, diều hãy đậu

Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi

nào là:

Ăn lộc nhờ ơn kẻ cấy cày...

Toàn là những câu như đúc bằng kim cương, vàng ròng; càng đọc càng ngẫm càng thâm thúy. Từ những câu thơ ấy, bà đã dạy con cái lẽ làm người. Cái lẽ ấy, sau này khi đã là Thánh Tông hoàng đế - ông vua lỗi lạc trong thời đại phong kiến Việt Nam, ông đã thể hiện rõ. Còn bây giờ, Bình Nguyên Vương tự giấu mình, không lộ anh khí ra ngoài, "chỉ vui với sách vở các đời xưa nay và nghĩa lí của thánh hiền" (ĐVSKTT). Sống bên đứa con trai thông minh xuất chúng, trong hoàn cảnh "lành ít dữ nhiều" bà mẹ Ngô Thị Ngọc Dao canh cho đứa con yêu quý của mình cất bước trên con đường đầy gai góc. Và cũng từ đó mà nước Đại Việt ta còn được và có được một ông vua giỏi như vậy, một ông vua làm sáng hẳn mấy trăm năm lịch sử nước nhà trong thời đại phong kiến ngót gần một thiên niên kỉ.

Một ngày tháng sáu, kinh thành Thăng Long nắng chói chang. Trong triều nội, các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt vừa giết bọn Phạm Đồn, Phạm Ban, phế Nghi Dân và cho quân đến đón Gia Vương (tước hiệu của Lê Tư Thành do Nghi Dân phong cho) lên ngôi Hoàng đế.

Đứa con trai bấy giờ đã mười tám tuổi vào lạy mẹ hai lạy và lên kiệu vào cung. Triều đình dâng hoàng bào và ngọc tỉ. Triều đại Thánh Tông mở đầu.

Năm Canh Thìn, từ mùa xuân đến giữa mùa hạ này không có một giọt mưa, thiên hạ ta thán Nghi Dân tiếm quyền. Đêm hôm đó, khi Hoàng tử Lê Tư Thành vào cung lên ngôi Hoàng đế, bỗng trời mưa như trút nước.

Bà mẹ vua không ngủ được. Bà nằm nghe mưa như xối trên mái ngói lưu li ở cung Gia Vương mà lòng như cởi dần hết các mối lo âu. Suốt mười tám năm không một giấc ngủ ngon, có lẽ đêm nay là đêm mà bà mẹ trên ba mươi tuổi mới dám nghĩ đến những đêm ân sủng của vị vua trẻ Thái Tông. Trải bao cay đắng, bà đã giữ cho dòng họ Lê một ông vua làm nổi rõ công đức vua Lê Thái Tổ và cũng giữ cho dân tộc một vị "anh quân" như sử sách từ xưa đã chép.

LÊ HUY TRÂM

(Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa)


Tham khảo

- Đại Việt sử kí toàn thư

- Giai thoại văn học Thanh Hóa của Vũ Ngọc Khánh.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro