Tiêu đề phần

Suy cho cùng, quyền của một dân tộc phải bắt đầu trước hết từ quyền của mỗi con người. Nếu mỗi người không có nhân quyền thì cả dân tộc cũng không có dân tộc quyền. Đấy là lẽ phải mà không ai có thể bác bỏ được. Nhưng ai là người đầu tiên phát hiện ra chân lý này ?

Đó chính là Hàn Phi cũng thường được gọi là Hàn Phi Tử vì ông có để lại quyển sách Hàn Phi Tử.
Hàn Phi sinh năm 280 tr.CN và mất năm 233 tr.CN, nghĩa là ông sống vào cuối thời Chiến Quốc, trong giai đoạn Tần Thủy Hoàng đang thống nhất Trung Hoa. Ông là dòng dõi quí tộc nước Hàn nên thường được gọi là Hàn Phi Công Tử hay Hàn Phi Tử.
Hàn Phi là học trò của Tuân Khanh - thường gọi là Tuân Tử - một học giả Nho học danh tiếng thời Chiến Quốc, nên Hàn Phi rất uyên thâm Nho học và là một trong những đại biểu cuối cùng và nối tiếng nhất của phái Pháp Gia. Tất nhiên học thầy thì ảnh hưởng học thuyết của thầy, nhưng Hàn Phi là một học trò xuất sắc của Tuân Tử và có những nét giống như thầy trò Platon-Aristote, vì ông cũng không hoàn toàn tán thành tư tưởng của thầy và phát triển học thuyết của mình theo một hướng khác.
Tuân Tử phản bác học thuyết Tính Thiện của Mạnh Tử. Trong khi Mạnh Tử cho rằng bản tính con người là Thiện, thì Tuân Tử cho rằng con người bản tính là Ác. Tuy nhiên Hàn Phi không hoàn toàn đồng ý và ông phát hiện ra rằng bản chất con người không thiện cũng không ác nhưng hám lợi. Đây là một phát hiện xuất sắc. Tuy nhiên Hàn Phi cho rằng hám lợi cũng không phải là xấu, thậm chí là một phẩm chất chính đáng để giúp xã hội phát triển. Đọc các nhận xét của ông về con người, ta thấy nó rất giống với lý luận của chủ nghĩa Duy Lợi Anh quốc ( thế kỷ 18) Không biết các triết gia Anh Quốc có đọc Hàn Phi Tử không, nhưng học thuyết của Jeremy Bentham và John Stuart Mill rất gần với những tư tưởng của Hàn Phi. Vì ông phủ nhận mọi lý luận đề cao cái cao quí " bản thiện" của con người. Đối với Hàn Phi con người chỉ hành động theo lợi ích cá nhân, nên họ luôn tính toán mưu mô miễn sao thoả mãn lợi ích cho mình. Ông vạch trần sự giả dối của bầy tôi đối với vua :" bầy tôi đối với nhà vua chỉ là bầy hươu kiếm cỏ. Cỏ ở đâu nhiều thì hươu đến đấy"...Cho nên khi dùng người thì đừng nói đến nhân, nghĩa, đạo đức v.v...mà phải xét đến khía cạnh lợi ích.. Đối với Hàn Phi mọi thứ cao quí, thiêng liêng đều qui về Lợi hết. Trong các nhà tư tưởng Trung Hoa thì ông là người có lối lý luận tàn nhẫn, bộc trực, thực tế nhất. Có lẽ vì ông xuất thân vốn là con vua nên nằm trong tấm chăn cung đình tối cao, ông thấy toàn những con rận mưu mô, tính toán, lừa dối, lợi dụng...Cái lợi ở đâu thì người ta theo đó mà hành động. Người đóng quan tài thì mong nhiều người chết, người đóng cỗ xe lại mong nhiều kẻ được giàu sang...Tất cả là vì Lợi. ("Thợ xe ngựa làm ra xe ngựa, nên mong có nhiều người giầu; thợ áo quan làm ra áo quan, nên mong có nhiều người chết. Không phải thợ xe ngựa có lòng tốt, ấy chỉ vì được lợi khi có nhiều người giầu; cũng chẳng phải thợ áo quan ghét bỏ mọi người, ấy chỉ vì được lợi khi có nhiều người chết. Tất cả đều do vụ lợi mà ra").
Tuy nhiên điều khác cơ bản với các nhà tư tưởng thời cổ là trong khi họ than phiền về đạo đức suy đồi, xã hội loạn lạc, và họ ra sức đề ra các triết lý để "tu thân, trị quốc, bình thiên hạ" mang lại thái bình cho toàn thế giới thì Hàn Phi thực dụng hơn, ông lạnh lùng chấp nhận nó. Ông coi tính hám lợi là bản chất con người. Điều này các nhà triết học, kinh tế, xã hội học của phương Tây sau này đã học theo tư tưởng của ông và góp phần đưa châu Âu bước vào kỷ nguyên Ánh Sáng, khai tâm, mở màn cho châu Âu làm cách mạng Nhân Quyền, Dân Quyền...
Tư tưởng đó là gì ? Đó là con người hám lợi, ích kỷ, ta phải chấp nhận nó. Ta phải nương theo các tính cách này mà hành động. Chỉ cần đổi mục tiêu của Lợi là xã hội sẽ ổn định và nhất là phát triển. Đó là điều mà học thuyết Đức Trị không làm được, dù là mang lại ổn định cũng không nổi chứ đừng nói phát triển. Các xã hội châu Á cứ trì trệ suốt mấy nghìn năm vì dựa trên ý thức hệ Đức Trị ảo tưởng. Các Nho sĩ Á Đông rất ác cảm với thuyết vị lợi. Họ tâm đắc với câu cuối trong sách Sách Đại Học :"
« 此謂國不以利為利, 以義為利也。 »
Thử vị quốc bất dĩ nghĩa vi lợi, dĩ lợi vi lợi dã
Đó là quốc gia không biết lấy nghĩa làm lợi mà chỉ biết lấy lợi làm lợi.
Nhưng Đối với Hàn Phi thì phải biết "dĩ lợi vi nghĩa" nghĩa là lấy Lợi làm Nghĩa. Tức là phải làm sao để con người thấy Lợi cũng là Nghĩa. Lợi ích riêng của mình của mình phù hợp với Lợi ích Chung của quốc gia. Nếu anh làm lợi riêng phù hợp với lợi chung thì thưởng xứng đáng, còn nếu anh mưu lợi ích riêng mà chống lại lợi ích chung thì trừng phạt thẳng tay. Như vậy nhà vua không cần nhọc công giáo hoá dân làm gì, vì vô ích. Nhà vua chỉ cần nắm cái cân thưởng phạt cho thật nghiêm minh thì tự khắc xã hội sẽ ổn định phát triển.
Ở đây Hàn Phi đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa Đức Trị của Nho Gia và Vô Vi của Đạo Gia. Vô Vi không phải là không làm gì cả mà là không làm cái gì trái tự nhiên. Cái gì thuộc về lẽ tự nhiên thì cứ để nó làm, ta chỉ nương theo nó mà không làm gì trái với nó. Con người ích kỷ, hám lợi, ghét hại, thích thưởng, sợ phạt....Đó là cái lẽ tự nhiên. Vì vậy người làm chính trị chỉ nên nương theo cái lẽ tự nhiên đó dùng luật pháp, thưởng phạt mà biến cái thiện thành cái lợi thì thì người dân tự khắc làm thiện mà nhà vua không phải nhọc công mà xã hội vẫn ổn định và phát triển.
Hơn 2000 năm sau phương Tây đã tiếp thu tư tưởng này mà nêu cao Nhân Quyền và Dân Quyền là cái gốc của Quốc Gia, Dân Tộc và Chính Thể. Một Quốc Gia phải bắt đầu bằng tôn trọng Nhân Quyền, tôn trọng lợi ích của từng người dân thì Quốc Gia, Dân Tộc đó mới có chủ quyền thực sự. Ngược lại nếu con người không được tôn trọng Lợi Ích cá nhân thì cộng đồng dân tộc và quốc gia cũng không thể có chủ quyền, không thể ổn định và phát triển.
Vì sao tuy học Tuân Tử mà Hàn Phi lại khác thầy nếu không muốn nói là vượt thầy, vượt cả thời đại ? Đó là Trong khi Tuân tử vẫn tin vào khả năng cải tạo con người. Ông nói: "Nhân chi tính ác, kỳ thiện giả ngụy dã" (Bản tính của người là ác, những điều thiện là do con người đặt ra), có nghĩa là tuy con người có bản chất xấu, nhưng bản chất đó có thể cải tạo được nhờ cái thiện do con người tạo ra – cái thiện ấy là sản phẩm của giáo dục, lễ nghĩa, hình pháp, mà Tuân tử đặc biệt coi trọng. Do đó Tuân Tử muốn cải tạo xã hội bằng Lễ. ThìHàn Phi không tin vào khả năng cải tạo con người hay đúng hơn là không cần cải tạo mà ông cho rằng phải chấp nhận tính xấu của con người như là một bản tính tự nhiên và phải hành động sao cho phù hợp với bản tính ấy và hướng nó tới cái thiện-Đây là sáng tạo xuất sắc của Hàn Phi. Do đó ông chủ trương dùng Luật Pháp để uốn nắn hành vi của con người thay vì dùng Lễ. Đây là chỗ khác vì dùng Lễ vân còn phân biệt kẻ dưới, người trên còn dùng Pháp thì không phân biệt như ông nói " Pháp luật không hùa theo người sang ". Nói cách khác: "Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật". Đó là tuyên ngôn đầu tiên của hầu hết mọi bản hiến pháp hiện đại!
Tất nhiên, trong thời đại của Hàn Phi, luật pháp vẫn là ý chí của vua, có nghĩa là vẫn có "một người sang" đứng trên pháp luật. Đó là hạn chế của thời đại mà chúng ta không thể đòi hỏi nhiều hơn ở Hàn Phi được.
Vậy làm thế nào để có một bộ luật đứng trên mọi cá nhân?
Câu trả lời: Đó là thể chế cộng hoà và dân chủ mà Cách mạng tư sản Pháp 1789 được xem như đã có công khai sáng. Vậy là phải đợi hơn 2000 năm sau, tư tưởng công bằng của Hàn Phi mới trở thành hiện thực!
Để đảm bảo tính công bằng pháp trị đó, Hàn Phi đòi hỏi tính công khai minh bạch: "Pháp là phép tắc hiệu lệnh rõ ra ở chỗ công, hình phạt là để cho lòng dân quyết chắc mà theo. Ai giữ phép cẩn thận thì thưởng, trái lệnh thì phạt". "Pháp là biên rõ ra ở trong sách vở, bày ra ở chỗ công và tuyên bố ra chỗ trăm họ".
Vào thế kỷ 3 trước công nguyên mà đã có những tư tưởng văn minh như vậy thì quả là ông đã đi trước thời đại quá xa. Tinh thần văn minh ấy còn biểu lộ rất rõ ở đòi hỏi của ông về tính trong sạch của bộ máy thực thi luật pháp. Hàn Phi ghét những người trị nước không trau dồi làm cho pháp chế sáng rõ, mà muốn dùng cái thế của mình để chế ngự bầy tôi, không lo việc làm cho nước giầu, binh mạnh bằng cách tìm người xứng đáng, dùng người hiền, trái lại dùng những bọn tham nhũng, dâm loạn, sâu mọt, đặt chúng ở địa vị cao hơn những người có công lao và có thực tài. Những tư tưởng này rất hiện đại vì nó rất gần với tinh thần nhà nước Pháp quyền sau đó hàng ngàn năm, nhưng sỡ dĩ không được áp dụng vì những tư tưởng này chỉ nằm trong cuốn Hàn Phi Tử, còn tác giả của nó thì bị bức tử quá sớm trước khi tác phẩm của ông đến được với Tần Thuỷ Hoàng.
Vì vậy có thế nói Hàn Phi là một trí tuệ đi trước thời đại !

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro

Tags: