Ta và chúng - sức mạnh trường tồn của chủ nghĩa dân tộc
Jerry Z. Muller
Ta và chúng - sức mạnh trường tồn của chủ nghĩa dân tộc
Trần Ngọc Cư dịch
Lời người dịch: Vì tác giả lặp đi lặp lại một từ then chốt trong bài viết của ông là
ethnonationalism, mà tôi thiển nghĩ là rất sát nghĩa với từ "chủ nghĩa dân tộc", nên xin mạo muội
dịch từ nationalism là "chủ nghĩa quốc gia" để phân biệt. Theo Muller, chủ nghĩa dân tộc đòi hỏi
biên giới quốc gia phải trùng khít với biên giới chủng tộc trong mô hình quốc gia-dân tộc có chủ
quyền (the nation-state), trong khi chủ nghĩa quốc gia thông thoáng ngụ ý rằng "tất cả dân
chúng cùng sống trong biên giới của một lãnh thổ đều là thành viên của một quốc gia, không
phân biệt nguồn gốc sắc dân, chủng tộc, hay tôn giáo. Chủ nghĩa quốc gia cởi mở hay có tính
công dân này là quan niệm mà người Mỹ đương đại thường dùng để mô tả bản sắc của mình".
Để độc giả khỏi mất thì giờ tìm cước chú nằm ở cuối bài, người dịch xin phụ chú trong ngoặc
vuông ngay sau từ ngữ hay ý tưởng liên hệ.
Phóng chiếu kinh nghiệm lịch sử của mình lên phần còn lại của thế giới, người Mỹ không mấy coi trọng
vai trò của chủ nghĩa dân tộc trong sinh hoạt chính trị. Dẫu sao, tại Hoa Kỳ, dân chúng đủ mọi nguồn gốc
chủng tộc đang sống kề vai sát cánh bên nhau tương đối hoà bình. Nội trong vòng hai, ba thập niên sau
khi đến Mỹ, bản sắc dân tộc của người nhập cư trở nên phôi pha xuyên qua quá trình hội nhập văn hoá
và hôn nhân dị chủng. Chắc chắn, hiện tượng này cũng xảy ra ở nhiều nơi khác.
Ngoài ra, nhiều người Mỹ nhận thấy chủ nghĩa dân tộc không ổn cả trên bình diện tri thức lẫn đạo lí.
Nhiều nhà xã hội học đã công phu chứng minh rằng chủ nghĩa dân tộc không phải là một khuynh hướng
bẩm sinh, mà là một sản phẩm văn hoá, thường được hun đúc có chủ tâm. Còn các nhà nghiên cứu đạo
lí lại thường khinh miệt các hệ giá trị đặt cơ sở trên các bản sắc tập thể hẹp hòi mà không chịu hướng ra
cùng thế giới.
Nhưng chẳng phải vì thế mà chủ nghĩa dân tộc sẽ biến mất. Người nhập cư thường đến Hoa Kỳ với một
thái độ sẵn sàng hội nhập vào quê hương mới và do đó phải thay đổi bản sắc của mình. Nhưng đối với
những người còn ở lại trên vùng đất mà tổ tiên họ đã sống qua nhiều thế hệ, nếu không là hằng thế kỉ,
thì căn cước chính trị của họ thường mang dạng thức chủng tộc. Sự thể này đã tạo những tranh giành
quyền lực chính trị giữa các cộng đồng. Sự hình thành một trật tự bình ổn trong một vùng gồm có nhiều
quốc gia-dân tộc (nation-states) thường là hệ quả của một tiến trình li khai chủng tộc đầy bạo lực. Trong
những vùng mà tiến trình li khai này chưa hề diễn ra, cứ lẽ thường, sinh hoạt chính trị vẫn còn mang một
bộ mặt xấu xí.
Về lịch sử châu Âu thế kỉ 20, một luận cứ quen thuộc và có nhiều ảnh hưởng cho rằng chủ nghĩa dân tộc
đã hai lần đưa đến chiến tranh, một lần vào năm 1914 và lần kia vào năm 1939. Từ đó về sau, theo
quan điểm này, người châu Âu đi đến kết luận chủ nghĩa dân tộc là một hiểm hoạ và vì thế dần dần từ
bỏ nó. Trong những thập niên hậu chiến, người Tây Âu từng bước tham gia vào một mạng lưới các cơ
chế xuyên quốc gia, mà nhiên hậu đã đi đến việc hình thành Liên minh châu Âu (EU). Sau khi Liên Xô
sụp đổ, mô hình xuyên quốc gia này đã bành trướng về hướng đông và trùm lên gần hết châu lục. Người
dân châu Âu đã đi vào một kỉ nguyên hậu-dân tộc, sự kiện này không những là một điều tốt đẹp tự thân,
mà còn là một gương mẫu cho nhiều vùng khác trên thế giới. Chủ nghĩa dân tộc, theo quan điểm này, đã
là một khúc quanh bi thảm trên con đường đi đến một trật tự dân chủ tự do và hoà bình.
Quan điểm này không những được phần lớn trí thức châu Âu tin theo mà thậm chí có lẽ còn được nhiều
người Mỹ có văn hoá tin tưởng hơn thế nữa. Chẳng hạn, cách đây không lâu, trong khi tranh luận rằng
Israel phải từ bỏ chủ quyền của một quốc gia Do Thái (a Jewish state) và phải tự thoát xác để trở thành
một thực thể gồm hai dân tộc (binational entity), sử gia nổi tiếng Tony Judt đã chia sẻ quan điểm với bạn
đọc của The New York Review of Books, [một bán nguyệt san phê bình và nghị luận], như sau: "Vấn đề mà chúng ta gặp phải với Israel là, quốc gia này đã đưa một đồ án li khai mang tính đặc trưng của cuối
thế kỉ 19 vào một thế giới ngày một tiến bộ, một thế giới tôn trọng các quyền cá nhân, có biên cương mở
rộng và có luật pháp quốc tế. Chính ý niệm một 'quốc gia Do Thái' là một quan niệm lỗi thời."
Tuy vậy, kinh nghiệm của hàng trăm người châu Phi và châu Á bỏ mạng hằng năm khi cố vượt biên sang
châu Âu bằng cách đổ bộ lên bờ biển Tây Ban Nha hoặc Italy lại chứng tỏ rằng biên cương của châu Âu
không rộng mở đến như thế. Ngoài ra, nếu chịu khó nghiên cứu, người ta sẽ thấy rằng vào năm 1900,
châu Âu có nhiều quốc gia đa-dân-tộc, mà trong đó không một dân tộc nào chiếm vị trí áp đảo. Còn như
vào năm 2007, tại châu Âu chỉ còn hai quốc gia thuộc loại này, mà một trong hai, tức Bỉ, suýt bị tan rã
[vì một cuộc khủng hoảng chính trị]. Nói thế khác, ngoài Thuỵ Sĩ ra - nơi cán cân quyền lực giữa các sắc
dân trong nước được bảo vệ bằng các luật công dân rất nghiêm chỉnh -- tại Âu châu, "đồ án li khai" đã
không biến mất mà có chiều hướng thắng thế.
Thay vì bị đào thải vì quá lỗi thời vào năm 1945 [cùng với sự cáo chung của chế độ Quốc xã], chủ nghĩa
dân tộc trên nhiều mặt đã đạt đến đỉnh cao trong những năm tiếp theo Thế chiến II. Sự ổn cố của châu
Âu trong thời Chiến tranh Lạnh, thật ra, một phần nhờ việc thực hiện tốt đồ án dân tộc chủ nghĩa trên
diện rộng. Ngoài ra, kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, chủ nghĩa dân tộc vẫn còn tiếp tục thay đổi
các đường biên giới châu Âu.
Tóm lại, chủ nghĩa dân tộc đã đóng một vai trò sâu đậm và bền vững trong lịch sử hiện đại hơn người ta
thường quan niệm, đồng thời các tiến trình dẫn đến sự thắng thế của mô hình quốc gia dân tộc (the
ethnonational state) và sự li khai của các nhóm sắc tộc tại châu Âu có khả năng tái diễn ở những nơi
khác trên thế giới. Những nhân tố sau đây sẽ thách thức cấu trúc nội bộ của các quốc gia và các đường
biên giới: việc đô thị hoá ngày một gia tăng, trình độ giáo dục, nỗ lực vận động sức mạnh chính trị; sự
cách biệt giữa các sắc dân về tỉ lệ sinh suất và thành tựu kinh tế; và việc di dân giữa các nước. Dù có
được coi là đúng đắn chính trị (politically correct) hay không, chủ nghĩa dân tộc vẫn còn tiếp tục thay đổi
thế giới trong thế kỉ 21 này.
Chính trị dựa vào bản sắc
Có hai tư duy chính về bản sắc quốc gia. Một quan niệm là, tất cả dân chúng cùng sống trong biên giới
của một lãnh thổ đều là thành viên của một quốc gia, không phân biệt nguồn gốc sắc dân, chủng tộc,
hay tôn giáo. Chủ nghĩa quốc gia cởi mở hay có tính công dân này là quan niệm mà người Mỹ đương đại
thường dùng để mô tả bản sắc của mình. Nhưng quan niệm thông thoáng này đã từng va chạm với và
thường phải nhượng bộ trước một quan niệm khác, đó là quan niệm dân tộc chủ nghĩa
(ethonationalism). Cốt lõi của chủ nghĩa dân tộc là các quốc gia được xác định bằng một di sản chung,
thường gồm có một ngôn ngữ chung, một đức tin chung, và một cội nguồn tiên tổ chung.
Quan điểm chủ nghĩa dân tộc có truyền thống ngự trị lên phần lớn châu Âu và thậm chí vẫn tồn tại ở Hoa
Kỳ cho đến cách đây không lâu. Qua nhiều thời kì lâu dài trong lịch sử Hoa Kỳ, người ta tin rằng chỉ có
những người dân gốc Anh, hay những người theo đạo Tin Lành, hay da trắng, hay đến từ bắc Âu mới
thực sự là người Mỹ. Mãi đến năm 1965, khi cải tổ luật di trú, Hoa Kỳ mới bãi bỏ hệ thống hạn ngạch dựa
vào nguồn gốc dân tộc (national-origin quotas), một hệ thống đã từng hiện hữu cả hàng chục năm trước
đó. Hệ thống này đã hoàn toàn loại bỏ người châu Á và triệt để giới hạn việc nhập cư của người nam Âu
và đông Âu.
Chủ nghĩa dân tộc tiếp nhận phần lớn sức mạnh tình cảm từ quan niệm cho rằng tất cả mọi thành phần
dân tộc đều thuộc về một đại gia đình, mà truy nguyên rốt ráo, được gắn bó với nhau bằng huyết hệ.
Chính sự tin tưởng chủ quan vào tính hiện thực của một cái "chúng ta" chung (a common "we") là rất
quan trọng. Những mốc giới nhằm phân biệt đại gia đình dân tộc (the in-group) nói trên có thể biến thiên
theo từng trường hợp và từng giai đoạn. Ngoài ra, chính vì tính chất chủ quan của các biên giới dân tộc
mà một số người đã không đếm xỉa đến giá trị thực dụng của chúng. Nhưng như Walker Connor, một
nhà nghiên cứu chủ nghĩa dân tộc sâu sắc, đã nhận xét: "Những gì hiện hữu trên thực tế chưa chắc ảnh hưởng đến lối ứng xử của con người bằng những gì hiện hữu trong tâm tưởng họ". Ngoài ra, tín lí dân
tộc chủ nghĩa đã dựa trên những nguyên tắc nòng cốt sau đây: rằng các dân tộc là những thực thể, rằng
mỗi dân tộc phải có một quốc gia riêng, và rằng mỗi quốc gia phải gồm có các thành viên của một dân
tộc duy nhất.
Sử quan thông thường về châu Âu cho rằng trong quá khứ chủ nghĩa quốc gia ở tây Âu chủ yếu là thông
thoáng và rằng càng đi về phía đông, chủ nghĩa này càng mang nặng màu sắc dân tộc. Nói vậy cũng
đúng một phần nào, nhưng lại nguỵ trang nhiều phần khác. Đúng ra phải nói rằng, khi các quốc gia hiện
đại bắt đầu thành hình, thì biên giới chính trị và biên giới sắc tộc-ngôn ngữ của chúng hầu như đã trùng
khít lên nhau tại phần lãnh thổ châu Âu dọc theo Đại Tây Dương. Nghĩa là, trong bối cảnh lịch sử này,
chủ nghĩa quốc gia thông thoáng hoàn toàn có khả năng xuất hiện tại các quốc gia đã có một mức độ
thuần chủng khá cao. Ngay cả trong một thời kì lâu dài trước thế kỉ 19, các quốc gia như Anh, Pháp, Bồ
Đào Nha, Tây Ban Nha, và Thuỵ Điển đã xuất hiện như là những quốc gia-dân tộc (nation-states), dưới
dạng thức những cơ cấu tổ chức xã hội, trong đó sự chia rẽ sắc tộc đã bị xoá nhoà qua một tiến trình
thuần-nhất-hoá văn hoá và xã hội lâu dài.
Ở trung tâm châu lục, địa bàn của những người nói tiếng Đức và tiếng Ý, các cơ cấu chính trị từng bị
phân chia ra thành hằng trăm đơn vị nhỏ. Nhưng trong thập niên 1860 và thập niên 1870, sự phân hoá
này được giải quyết nhờ sự thành lập nước Ý và nước Đức, do đó hầu hết người nói tiếng Ý được sống
trong nước Ý và đa số người nói tiếng Đức được sống trong nước Đức. Càng đi xa hơn về phía đông, tình
hình lại thay đổi thêm nữa. Mãi đến năm 1914, hầu hết miền trung, miền đông và miền đông-nam châu
Âu vẫn chưa có các quốc gia dân tộc có chủ quyền nhưng gồm có những đế quốc. Đế chế Hapsburg nắm
phần lãnh thổ mà bây giờ gồm các nước Áo, Cộng hoà Tiệp, Hungary, Slovakia và một số vùng bây giờ là
Bosnia, Croatia, Ba Lan, Romania, Ukraine, và nhiều vùng khác. Đế quốc Romanov vươn vào cả bên
trong châu Á, gồm phần lãnh thổ bây giờ là Nga và nhiều vùng bây giờ thuộc Ba Lan, Ukraine, và nhiều
vùng khác. Và Đế quốc Ottoman bao gồm nước Thổ Nhĩ Kì ngày nay và nhiều vùng nay thuộc về
Bulgaria, Hi Lạp, Romania, và Serbia, đồng thời trải lên phần lớn Trung Đông và Bắc Phi.
Trong mỗi đế quốc như vậy có nhiều nhóm sắc tộc khác nhau, nhưng những đế quốc này không có tính
đa-dân-tộc (multinational) theo nghĩa các dân tộc tạo nên dân số của chúng được hưởng qui chế bình
đẳng với nhau. Chế độ quân chủ thống trị và giai cấp quí tộc địa chủ thường không có cùng ngôn ngữ và
nguồn gốc chủng tộc với giai cấp thương gia thành thị, mà thành phần của giai cấp này lại không có
cùng ngôn ngữ, chủng tộc và cả tôn giáo với giai cấp nông dân. Trong đế quốc Hapsburg và đế quốc
Romanov chẳng hạn, thương gia thường là người dân tộc Đức hay Do Thái. Trong đế quốc Ottaman, giới
buôn bán thường là người Armenia, Hi Lạp, hay Do Thái. Và trong mỗi một đế quốc, bản thân giai cấp
nông dân cũng thuộc về nhiều sắc tộc khác nhau.
Mãi đến cuối thế kỉ 19, phần lớn những xã hội này vẫn còn ở trong tình trạng nông nghiệp: đại bộ phận
dân chúng là nông dân sống ở vùng thôn quê và ít người biết chữ. Các giai tầng chính trị, xã hội và kinh
tế thường được cấu trúc tương ứng với nguồn gốc chủng tộc, và dân chúng không kì vọng thay đổi địa vị
của mình trong hệ thống. Trật tự xã hội này hầu như không có vấn đề, mãi cho đến khi chủ nghĩa dân
tộc hiện đại bắt đầu trỗi dậy. Ngoài ra, trong thế giới này, những người cùng một tôn giáo, cùng một
ngôn ngữ, hay cùng văn hoá lắm khi bị phân tán qua nhiều nước và đế quốc khác nhau. Chẳng hạn,
người Đức không những sống trong những vùng về sau trở thành nước Đức mà còn tản mác khắp đế
quốc Hapsburg và đế quốc Romanov. Có người Hi Lạp tại Hi Lạp đã đành, nhưng còn có hàng triệu người
Hi Lạp trong đế quốc Ottaman (đó là chưa nói đến hàng trăm ngàn người Thổ Nhĩ Kì theo đạo Hồi sống ở
Hi Lạp). Và người Do Thái thì sống khắp mọi nơi - nhưng họ không có được một quốc gia độc lập.
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc
Ngày nay, người ta thường tin chắc rằng quốc gia-dân tộc có chủ quyền (the nation-state) là dạng thức
tự nhiên của tập hợp chính trị và coi các đế quốc là hiện tượng bất bình thường. Nhưng nhìn qua phần
lớn sử sách, phải nghĩ ngược lại mới là gần với sự thật hơn. Hầu hết nhân loại ở vào hầu hết mọi thời đã sống trong những đế quốc, trong khi đó quốc gia-dân tộc là ngoại lệ chứ không phải là thông lệ. Vậy
nhân tố nào đã đột nhiên tạo ra chuyển biến này?
Theo cách lí giải của nhà xã hội học Ernest Gellner, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc không phải là một
lỗi lầm kì quặc nào đó trong lịch sử; mà thực ra, nó được thúc đẩy bởi một số sóng ngầm mang tính hiện
đại sâu sắc nhất. Sự cạnh tranh quân sự giữa các quốc gia đòi hỏi những nguồn lực quốc gia ngày càng
lớn và vì thế đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế liên tục. Phát triển kinh tế lại tuỳ thuộc vào trình độ học
vấn của đại chúng cũng như sự thuận lợi của phương tiện truyền thông; những yêu cầu này thúc đẩy
chính sách phát huy giáo dục và một ngôn ngữ chung -- một sự kiện đã trực tiếp đưa đến những xung
đột về ngôn ngữ và về cơ hội thăng tiến của các dân tộc.
Các xã hội hiện đại đặt cơ sở trên khái niệm bình quân, theo đó, ít ra trên lí thuyết, bất cứ người nào
cũng có khả năng vươn tới bất cứ địa vị kinh tế nào mà mình muốn. Nhưng trên thực tế, không phải ai
cũng có một cơ hội đồng đều để thăng tiến về kinh tế. Sở dĩ như vậy, không phải chỉ vì các cá nhân có
khả năng bẩm sinh dị biệt, mà vì những thăng tiến này một phần còn tuỳ thuộc vào điều mà các nhà
kinh tế học gọi là "vốn văn hoá" (cultural capital), tức là những kĩ năng và mô thức ứng xử giúp cho các
cá nhân hay tập thể thành công. Chẳng hạn, những nhóm sắc tộc có truyền thống học hành và chịu dấn
thân vào thương trường thì thường thành công vượt bực, còn những nhóm không có được truyền thống
ấy thì thường chịu phần thua thiệt trong xã hội.
Vào thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, khi di cư vào sống trong các đô thị và có cơ hội học hành hơn xưa, các
nhóm chủng tộc có gốc gác chủ yếu là nông dân, như người Tiệp, người Ba Lan, người Slovaks, và người
Ukraine nhận thấy rằng những địa vị then chốt trong chính quyền và trong sinh hoạt kinh tế đều đã bị
các sắc dân như Armenia, Đức, Hi Lạp, hay Do Thái nắm giữ. Những người nói cùng một ngôn ngữ trong
nhóm có gốc nông dân nói trên mới bắt đầu chia sẻ một thứ tình liên đới, đồng thời nhận ra bản sắc của
mình tương phản với các cộng đồng khác. Rốt cuộc họ phải đòi hỏi một quốc gia-dân tộc (nation-state)
có chủ quyền, trong đó họ sẽ là chủ nhân ông, chi phối sinh hoạt chính trị, bổ dụng nhân viên công
quyền, và kiểm soát thương mại.
Chủ nghĩa dân tộc vừa có cơ sở tâm lí vừa có cơ sở kinh tế. Xuyên qua việc tạo ra một quan hệ mới mẻ
và trực tiếp giữa cá nhân với chính quyền, sự trỗi dậy của nhà nước hiện đại đã làm suy yếu những gắn
bó truyền thống của cá nhân đối với những đơn vị xã hội trung gian như gia đình, dòng họ, phường hội,
và nhà thờ. Và xuyên qua việc tăng trưởng tính cơ động xã hội và địa lí (social and geographical
mobility), đồng thời khuyến khích tâm lí tự lập của cá nhân, sự trỗi dậy của các nền kinh tế thị trường
cũng có tác dụng tương tự. Kết quả là các cá nhân phải đối diện một khoảng trống vắng tình cảm
(emotional vacuum), một khao khát thường được thoả mãn bằng cách đi tìm cho mình những dạng căn
cước mới, thường là dựa vào bản sắc dân tộc.
Ý thức hệ dân tộc chủ nghĩa đòi hỏi một sự đồng dạng giữa quốc gia và dân tộc nên đã mang lại những
hệ quả đầy bạo động. Đúng như Lord Acton đã nhận ra từ năm 1862, "Bằng cách làm cho quốc gia và
dân tộc phải trùng hợp nhau trên lí thuyết, [chủ nghĩa dân tộc của giới thống trị] thực sự đã đưa tất cả
các dân tộc khác tình cờ sống trong cùng một biên giới xuống thân phận thần dân (subject condition). Do
đó, tuỳ theo mức độ nhân đạo và văn minh của bộ phận thống trị, tức bộ phận đã nắm hết mọi quyền
hành trong cộng đồng, những dân tộc hạ đẳng hoặc là bị tiêu diệt, hoặc bị đưa xuống làm nô lệ, hoặc bị
đặt ra ngoài vòng pháp luật, hoặc bị kìm hãm trong tình trạng lệ thuộc". Và đó chính là những gì đã xảy
ra.
Chuyển biến vĩ đại
Những người có khuynh hướng tự do của thế kỉ 19, cũng tương tự như những người chủ trương toàn cầu
hoá ngày nay, đã tin tưởng rằng sự bành trướng thương mại giữa các quốc gia sẽ giúp nhiều người nhận
ra được những lợi ích phát sinh từ hoà bình và mậu dịch, cả bên trong các xã hội lẫn giữa chúng với
nhau. Những người theo xã hội chủ nghĩa đồng ý điều này, mặc dù họ tin tưởng rằng sự hài hoà trong xã hội và giữa các quốc gia chỉ có thể đi theo bước chân của chủ nghĩa xã hội mà thôi. Thế nhưng đó không
phải là con đường định mệnh mà lịch sử thế kỉ 20 phải đi theo. Tiến trình "làm cho hai thực thể quốc gia
và dân tộc tương hợp" mang nhiều dạng thức khác nhau, từ tự nguyện di dân (thường do chính sách kì
thị của chính phủ đối với các sắc dân thiểu số), đến việc trục xuất bằng vũ lực (còn được mệnh danh là
"thuyên chuyển dân chúng"), đến chính sách diệt chủng. Mặc dù từ "ethnic cleansing" (thanh tẩy chủng
tộc) mới đi vào tiếng Anh gần đây thôi, nhưng những từ tương đương của nó trong tiếng Tiệp, tiếng
Pháp, tiếng Đức, và tiếng Ba Lan thì đã có từ lâu. Thật vậy, phần lớn lịch sử châu Âu thế kỉ 20 đã là một
tiến trình cách li các dân tộc với nhau (process of ethnic disaggregation), một tiến trình dai dẳng và đau
thương.
Tiến trình cách li các chủng tộc trên qui mô lớn bắt đầu diễn ra tại vùng biên giới châu Âu. Ở vùng Balcan
[đông nam châu Âu], nơi tập hợp nhiều sắc dân khác nhau, các cuộc chiến bành trướng lãnh thổ của
những quốc gia-dân tộc (nation-states) như Bulgaria, Hi Lạp, và Serbia vào lúc đế quốc Ottoman suy tàn
đã diễn ra đồng thời với các cuộc bạo động giữa các dân tộc. Trong các cuộc chiến ở vùng Balcan những
năm 1912-13, gần nửa triệu người đã rời quê cha đất tổ, hoặc tự ý ra đi hoặc vì áp lực. Người Hồi giáo
đã từ bỏ những vùng nằm dưới sự kiểm soát của người Bulgaria, người Hi Lạp, và người Serb; người
Bulgaria đành bỏ những vùng thuộc Macedonia do người Hi Lạp cai quản; còn người Hi Lạp thì phải chạy
ra khỏi những vùng ở Macedonia đã bị nhượng cho Bulgaria và Serbia.
Thế chiến I dẫn đến sự cáo chung của ba đế quốc lớn của cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20. Tiến trình giải
thể các đế chế này đã châm ngòi cho chủ nghĩa dân tộc. Trên lãnh thổ Đế quốc Ottaman, những đợt trục
xuất và tàn sát tập thể suốt cuộc thế chiến đã cướp mất mạng sống của một triệu người thiểu số
Armenian trong mưu đồ "thanh tẩy chủng tộc" đầu tiên, nếu không muốn nói đó là một cuộc diệt chủng.
Năm 1919, chính phủ Hi Lạp đưa quân vào chiếm đóng vùng lãnh thổ mà sau này đã trở thành nước Thổ
Nhĩ Kì, với quyết tâm mở mang bờ cõi cho một nước "Hi Lạp rộng lớn hơn", một nước Hi Lạp vươn đến
tận Constantinople. Thừa thắng vào buổi đầu, quân đội Hi Lạp đã cướp phá và thiêu huỷ nhiều làng mạc
nhằm xua đuổi người Thổ Nhĩ Kì đang sống trong vùng. Nhưng cuối cùng quân Thổ Nhĩ Kì đã tập kết và
đẩy lùi quân Hi Lạp, đồng thời trên đường tiến quân chính họ cũng thực hiện cuộc thanh tẩy chủng tộc
nhắm vào người Hi Lạp địa phương. Tiếp đến, tiến trình hoán chuyển dân cư được hình thành trong Hiệp
ước Lausanne năm 1923: theo đó, tất cả mọi người Hi Lạp phải di cư sang Hi Lạp, tất cả mọi người Hồi
giáo Hi Lạp phải di cư sang Thổ Nhĩ Kì. Kết cuộc, Thổ Nhĩ Kì đã trục xuất ngót 1,5 triệu người và Hi Lạp
đã trục xuất gần 400 ngàn.
Sự tan rã của đế quốc Hapsburg và đế quốc Romanov đã đưa đến sự xuất hiện một số đông đảo các
quốc gia mới. Trong đó, nhiều quốc gia chấp nhận thể chế dân tộc (ethononational polity), theo đó nhà
nước tồn tại để bảo vệ và thăng tiến nhóm chủng tộc nổi bật nhất. Tuy thế, lúc bấy giờ, trong số ngót 60
triệu người trung Âu và đông Âu, có đến 25 triệu người vẫn thuộc về các dân tộc ít người tại những quốc
gia họ sinh sống. Gần như trong mọi trường hợp, nhóm dân tộc đa số không bao giờ thực tình giúp đỡ
để các nhóm thiểu số hội nhập vào sinh hoạt dòng chính, và chính bản thân các nhóm thiểu số cũng
không mấy thiết tha. Các chính phủ dân tộc chủ nghĩa công khai bênh vực quyền lợi của cộng đồng đa
số. Các sinh hoạt của chính phủ được thực hiện qua ngôn ngữ của nhóm dân tộc đa số, và các công việc
trong chính quyền thì chỉ dành cho những ai nói được ngôn ngữ ấy.
Trên phần lớn lãnh thổ trung Âu và đông Âu, người Do Thái từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng trong
các ngành nghề và trên thương trường. Sau khi được hưởng những quyền dân sự vào cuối thế kỉ 19, họ
tỏ ra vượt trội trong những nghề nghiệp đòi hỏi trình độ học vấn, như y khoa và pháp lí, và chẳng bao
lâu người Do Thái hay người có gốc Do Thái đã chiếm nửa tổng số bác sĩ và luật sư tại những đô thị như
Budapest, Vienna, và Warsaw. Khoảng trước thập niên 1930, nhiều chính phủ đặt ra nhiều chính sách
nhằm ngăn chặn và đảo ngược những bước thăng tiến này, bằng cách từ chối tín dụng với người Do Thái
và hạn chế việc thu nhận họ vào đại học. Nói cách khác, đảng Quốc xã -- một lực lượng chính trị lên nắm
chính quyền tại Đức năm 1933 và xây dựng phong trào của họ chung quanh "tính Đức" (Germanness)
đối chọi lại "tính Do Thái" (Jewishness) - chỉ là một phiên bản cực đoan của một xu thế dân tộc chủ
nghĩa khá phổ biến lúc bấy giờ. Nền chính trị đặt cơ sở trên chủ nghĩa dân tộc đã đi một bước ngoặt thậm chí nguy hiểm hơn nhiều trong
Thế chiến II. Chế độ Quốc xã cố tình thiết kế lại bản đồ chủng tộc của toàn châu Âu bằng bạo lực. Hành
vi triệt để nhất của nó là mưu toan quét sạch bóng dáng Do Thái khỏi châu Âu bằng cách giết toàn bộ
dân tộc này -- một mưu toan khá thành công. Chính quyền Quốc xã cũng sử dụng các nhóm thiểu số dân
tộc Đức tại Tiệp Khắc, Ba Lan, và nhiều nơi khác để áp đặt quyền thống trị. Nhiều chế độ đồng minh với
Đức cũng mở chiến dịch riêng của mình nhằm tiêu diệt kẻ thù dân tộc trong biên giới. Chính quyền
Romania, chẳng hạn, đã ra tay tàn sát hàng trăm ngàn người Do Thái, mà không hề nhận lệnh từ Đức
Quốc xã. Chính quyền Croatia không những tàn sát người Do Thái mà còn giết hại cả hàng trăm ngàn
người Serb và người Romany.
Hậu chiến nhưng chưa phải hậu-dân tộc chủ nghĩa
Có lẽ nhiều người đã từng đinh ninh rằng những chính sách diệt chủng của chế độ Quốc xã và sự sụp đổ
toàn bộ của chế độ này sẽ chấm dứt kỉ nguyên dân tộc chủ nghĩa. Nhưng thật ra những biến cố này đã
dàn dựng sân khấu cho một đợt chuyển biến dân tộc chủ nghĩa to lớn khác nữa. Sự dàn xếp chính trị tại
trung Âu sau Thế chiến I sở dĩ thành tựu được phần lớn nhờ vào việc di dời các đường biên giới cho phù
hợp với các khối dân tộc sẵn có. Ngược lại, sau Thế chiến II, chính các khối dân tộc lại bị di dời cho phù
hợp với các đường biên giới cố định. Hàng triệu người bị trục xuất ra khỏi quê hương và tổ ấm của mình,
chí ít với sự thoả thuận ngầm của các Đồng minh thắng trận.
Chính Winston Churchill, Franklin Roosevelt, và Joseph Stalin đã nhất trí rằng việc trục xuất người Đức ra
khỏi các quốc gia không phải nước Đức (non-German countries) là điều kiện tiên quyết để thiết lập một
trật tự ổn cố thời hậu chiến. Như Churchill đã phát biểu trong một diễn văn trước Nghị viện Anh vào
tháng Mười hai 1944:
Cho đến giờ phút này, chúng ta có thể thấy được rằng hành động trục xuất sẽ là biện pháp thoả
đáng và trường cửu nhất... Sự pha trộn các sắc dân với nhau sẽ không có lí do tồn tại để tạo ra
những lo lắng bất tận... Phải thực hiện cho kì được một cuộc càn quét sạch sẽ. Tôi không hề nao
núng trước viễn ảnh phải tháo gỡ các khối dân tộc ra khỏi nhau, tôi cũng không hề nao núng vì
những cuộc thuyên chuyển dân chúng trên qui mô lớn này.
Churchill trưng dẫn Hiệp ước Lausanne ra làm tiền lệ, chứng minh rằng thậm chí lãnh đạo các quốc gia
dân chủ tự do thời bấy giờ cũng đã đi đến kết luận là, chỉ có những biện pháp áp đặt triệt để mới chấm
dứt được nguyên nhân tạo ra những tham vọng dân tộc và ý đồ xâm lược.
Giữa năm 1944 và năm 1945, năm triệu người Đức từ các vùng miền đông của Đế chế Đức (the German
Reich) đã chạy về hướng tây để trốn thoát Hồng quân Liên xô, một đội quân đang thừa thắng, hăng say
hãm hiếp và tàn sát trên đường tiến đến Berlin. Rồi, từ năm 1945 đến 1947, những chế độ mới thời hậugiải
phóng tại Tiệp Khắc, Hungary, Ba Lan, và Nam Tư lại trục xuất thêm 7 triệu người Đức nữa để trả
đũa sự cộng tác của họ với chế độ Quốc xã. Chung qui, những biện pháp này đã tạo nên một cuộc cưỡng
bách di dân vĩ đại nhất lịch sử châu Âu, với hậu quả là hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng dọc đường.
Một số người Do Thái còn sống sót sau chiến tranh và trở lại mái nhà xưa ở đông Âu, đã gặp phải chủ
nghĩa bài Do (anti-Semitism) gay gắt đến nỗi tuyệt đại đa số đành bỏ quê hương ra đi vĩnh viễn. Khoảng
220 ngàn trong số này đã lần hồi đến được khu vực do người Mỹ chiếm đóng tại Đức, từ đó cuối cùng
hầu hết đã di cư sang Israel hay Hoa Kỳ. Như thế, người Do Thái gần như đã biến mất khỏi trung và
đông Âu, một địa bàn từng là trung tâm sinh hoạt Do Thái từ thế kỉ 16.
Hàng triệu người tị nạn từ các nhóm sắc tộc khác cũng bị đuổi ra khỏi nhà và bị đưa đi tái định cư ở nơi
khác sau chiến tranh. Một phần cũng vì biên giới của Liên Xô được nới rộng về hướng tây vào tận trong
phần đất từng thuộc về lãnh thổ Ba Lan, trong khi biên giới của Ba Lan cũng di dời theo hướng tây vào
trong phần đất từng thuộc về lãnh thổ Đức. Nhằm làm cho các khối dân tộc nằm gọn vào các đường biên giới mới, một triệu rưỡi người Ba Lan từng sống trên những vùng mà nay lại thuộc về Liên Xô đã bị trục
xuất sang Ba Lan, và 500 ngàn người dân tộc Ukraine từ lâu sống trên đất Ba Lan lại bị đưa sang Cộng
hoà Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Ukraine. Ngoài ra, một cuộc chuyển giao dân cư khác đã diễn ra giữa Tiệp
Khắc và Hungary, theo đó người Slovak bị đưa ra khỏi Hungary và người Hungary (Magyar) bị đưa ra
khỏi Tiệp Khắc. Một thiểu số người Hungary nhỏ hơn cũng rời bỏ Nam Tư để di cư sang Hungary, còn
người dân tộc Serb và Croat thì đi theo chiều ngược lại.
Nhờ tiến trình tách riêng các dân tộc trên qui mô lớn này, lí tưởng dân tộc chủ nghĩa hầu như đã trở
thành hiện thực: gần như khắp châu Âu, mỗi dân tộc đã có một quốc gia riêng, và mỗi quốc gia hầu như
được hình thành do một dân tộc duy nhất. Trong thời Chiến tranh Lạnh, những ngoại lệ của qui luật này
là Tiệp Khắc, Liên Xô, và Nam Tư. Nhưng hậu vận của những quốc gia này cũng chỉ chứng minh sức
sống liên tục của chủ nghĩa dân tộc. Sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, Đông và Tây Đức đã thống nhất
cực kì nhanh chóng, Tiệp Khắc phân thân một cách hoà bình để trở thành Cộng hoà Tiệp và Cộng hoà
Slovak, còn Liên Xô thì tan rã thành một số đơn vị quốc gia khác nhau. Từ đấy, những thiểu số dân tộc
Nga ở nhiều quốc gia hậu-Xô viết lần lượt di cư về Nga, người Hungary ở Romania thì di cư qua Hungary,
và một thiểu số người dân tộc Đức còn sót lại ở Nga đa phần đã sang Đức. Một triệu người gốc Do Thái
từng sống trên lãnh thổ Liên Xô cũ tìm đường định cư ở Israel. Liên bang Nam Tư chứng kiến sự li khai
của Croatia và Slovenia, rồi lao đầu vào các cuộc chiến chủng tộc để cố níu kéo Bosnia và Kosovo.
Sự tan rã của Liên bang Nam Tư chỉ là hồi cuối của một vở kịch dài. Nhưng phần cốt lõi của vở kịch ấy --
sự tách riêng các dân tộc và chiến thắng của chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu thời hiện đại-thì ít ai nhận
thấy, và vì thế một thiên lịch sử có ý nghĩa ngang tầm với sự bành trướng thể chế dân chủ hay chủ nghĩa
tư bản hầu như chưa được nghiên cứu tường tận và chưa được đánh giá đúng mức.
Tiến trình giải thực và sau đó
Hẳn nhiên, những hệ quả của chủ nghĩa dân tộc không chỉ nằm trong phạm vi châu Âu. Đối với phần lớn
thế giới đang phát triển, tiến trình giải thực đã mang lại sự cách li các chủng tộc xuyên qua việc trao đổi
dân cư hoặc thẳng tay trục xuất các nhóm dân tộc ít người ra khỏi lãnh thổ.
Sự cáo chung của nền thống trị Anh tại Ấn Độ năm 1947 đã mang lại sự chia cắt tiểu lục địa này thành
hai nước Ấn Độ và Pakistan, mà hậu quả là một đợt bạo động đã làm thiệt mạng hàng trăm ngàn người.
Mười lăm triệu cư dân bỗng dưng trở thành người tị nạn, gồm có người Hồi giáo chạy sang Pakistan và
người Hindu di tản sang Ấn Độ. Rồi vào năm 1971, chính Pakistan, buổi đầu được thống nhất trên cơ sở
tôn giáo, lại tan rã thêm lần nữa vì lí do ngôn ngữ, để biến thành nước Pakistan nói tiếng Urdu và
Bangladesh nói tiếng Bengali.
Tại Palestine, một lãnh thổ từng ở dưới quyền uỷ trị của người Anh, quốc gia Do Thái được thành lập
năm 1948 đã tức khắc đối đầu với cuộc nổi dậy của cộng đồng Ả-rập bản xứ và cuộc xâm lăng từ các
quốc gia Ả rập láng giềng. Trong cuộc chiến tiếp theo biến cố này, nhiều cộng đồng Do Thái đã bị quét
sạch khỏi những vùng do người Ả-rập kiểm soát, đồng thời những người Ả-rập đã phải trốn thoát hoặc bị
trục xuất ra khỏi những vùng do người Do Thái chiếm giữ. Khoảng 750 ngàn người Ả-rập đã rời khỏi
Palestine; vì thế con số 150 ngàn đồng bào của họ còn ở lại chỉ đủ để tạo thành 1/6 dân số của nước Do
Thái mới. Trong những năm sau đó, những cuộc bạo động bài Do có động lực dân tộc chủ nghĩa tại các
nước Ả-rập đã buộc gần như toàn bộ trên nửa triệu người Do Thái phải rời bỏ quê cha đất tổ (their lands
of origin) để di cư sang Israel. Tương tự, vào năm 1963, sự cáo chung của chế độ thuộc địa Pháp tại
Algeria đã dẫn đến việc cưỡng bách hầu hết người Algeria gốc Âu (thường được gọi là pieds-noirs) di cư
sang Pháp. Không bao lâu sau, các sắc dân thiểu số Á châu cũng bị trục xuất khỏi Uganda khi nước này
thoát khỏi ách thực dân. Hơn nữa, di sản thời thuộc địa vẫn còn tồn tại dai dẳng. Khi các đế quốc châu
Âu ở hải ngoại theo nhau tan rã, chúng để lại đằng sau một tác phẩm chắp vá gồm nhiều quốc gia mà
đường biên giới thường cắt ngang những cộng đồng sắc tộc khiến cho những quốc gia này mang trong
mình những khối dân số tạp chủng. Thật là một ước mơ quá chủ quan (a wishful thinking) khi cho rằng
những đường biên giới này sẽ tồn tại vĩnh viễn. Một khi các xã hội trong thế giới cựu thuộc địa bắt đầu hiện đại hoá, nghĩa là được đô thị hoá hơn, với nhiều người có trình độ học vấn hơn và có tham vọng
chính trị hơn, thì chính những lực tác động đã từng tạo ra chủ nghĩa dân tộc và thúc đẩy tiến trình cách li
các dân tộc tại châu Âu cũng sẽ có khả năng thúc đẩy nhiều biến động tại những vùng này.
Bản kết toán
Các nhà phân tích tiến trình cách li các chủng tộc thông thường chỉ tập chú vào những hệ quả tai hại của
nó; điều này cũng dễ hiểu thôi, vì sự cách li này từng gây ra những đau thương trực tiếp cho con người.
Nhưng những thái độ như thế của người nghiên cứu có thể tạo ra một quan điểm lệch lạc vì đã bỏ qua
những thiệt hại tiềm ẩn cũng như những lợi ích quan trọng mà việc cách li các chủng tộc đã mang lại.
Nhiều nhà kinh tế từ thời Adam Smith trở về sau, chẳng hạn, đã lí luận rằng hiệu năng của các thị trường
cạnh tranh thường gia tăng theo tầm cỡ của các thị trường này. Sự phân rã Đế quốc Áo-Hung thành
nhiều quốc gia dân tộc nhỏ bé hơn, mỗi quốc gia với rào cản mậu dịch riêng, như vậy là không hợp lí về
phương diện kinh tế và làm tăng thêm những khó khăn trong vùng này vào giai đoạn giữa hai cuộc thế
chiến. Trong phần lớn lịch sử châu Âu sau đó đã có những nỗ lực khắc phục tình trạng này và chặn đứng
các tình trạng phân rã kinh tế khác. Những nỗ lực này nhiên hậu đã tạo ra Liên minh châu Âu (EU).
Hơn nữa, tiến trình cách li các dân tộc tỏ ra có tác dụng tai hại cho tính sinh động văn hoá. Chính vì hầu
hết công dân trong nước đều chia sẻ một gia tài ngôn ngữ và văn hoá chung, mà những quốc gia thuần
chủng của châu Âu thời hậu chiến đã trở nên biệt lập văn hoá hơn các tiền thân đa chủng của chúng [tức
là các đế quốc cũ]. Càng hiếm người Do Thái ở châu Âu và càng hiếm người Đức ở Prague, điều này có
nghĩa là càng ngày càng ít có những tài năng như Franz Kafka.
Những cuộc di dân cưỡng bách thường có tác dụng trừng phạt những quốc gia trục xuất và tưởng
thưởng những quốc gia nhận người vào. Hành động trục xuất thường bị thúc đẩy bởi lòng ganh tị của
nhóm đa số đối với sự thành công vượt bực của một nhóm thiểu số, phát xuất từ nhận thức sai lầm rằng
sự thành công này chỉ là một trò tổng số bằng không (a zero-sum game), [vì chúng giàu lên nên ta phải
nghèo đi, trong đẳng thức "ta + chúng = 0"]. Nhưng chính những quốc gia đã trục xuất những người
thuộc chủng tộc Armenian, Đức, Hi Lạp, Do Thái, và các sắc dân thiểu số thành công khác, cũng đồng
thời tự đánh mất một số công dân tài giỏi nhất, vì những người này sẽ đem kĩ năng và kiến thức của họ
đến một xứ khác. Ngoài ra, tại nhiều nơi, sự thắng thế của nền chính trị dân tộc chủ nghĩa đã mang lại
thắng lợi cho các thành phần có gốc rễ nông thôn và đè bẹp các nhóm đã được đô thị hoá, tức là những
thành phần có đủ những kĩ năng mà một nền kinh tế công nghiệp tiên tiến cần đến.
Nhưng nếu chủ nghĩa dân tộc thường xuyên dẫn đến căng thẳng và xung đột, thì thực tế cũng chứng
minh được rằng chủ nghĩa này là suối nguồn của tình đoàn kết và sự ổn định. Khi sách giáo khoa Pháp
bắt đầu bằng "Tổ tiên chúng ta là người Gô-loa" hay khi Churchill nói trước các cử toạ thời chiến về
"giống dân hải đảo này" (this island race), người tuyên bố những câu như thế đã đánh động những tình
cảm dân tộc bén nhạy nhất nhằm tạo ra sự tin tưởng lẫn nhau và hi sinh cho nhau. Trong trường hợp
này, chế độ dân chủ tự do và tính thuần chủng không những tương hợp, mà còn có khả năng bổ túc cho
nhau.
Người ta cũng có thể lí giải rằng sở dĩ tình hình châu Âu kể từ Thế chiến II đến nay rất hài hoà không
phải là do sự thất bại của chủ nghĩa dân tộc, mà chính nhờ sự thành công của nó, một sự thành công đã
triệt tiêu một số nguyên nhân xung đột to lớn nhất trong nội bộ các quốc gia và giữa các quốc gia. Sự
kiện các biên giới chủng tộc và biên giới quốc gia hiện nay hầu như đã trùng khít lên nhau có nghĩa là
các cuộc tranh chấp về biên giới hay về các cộng đồng ngoại kiều đã giảm đi rất nhiều--một sự kiện đã
đưa đến một cấu hình lãnh thổ (territorial configuration) ổn định nhất trong lịch sử châu Âu.
Những tổ chức xã hội đồng chủng này đã biểu dương khá nhiều tình đoàn kết nội bộ, hơn thế nữa, còn
thực hiện được những chương trình chính phủ, gồm cả việc trợ cấp cho dân chúng, dưới nhiều dạng thức
khác nhau. Khi những đảng viên Dân chủ Xã hội Thuỵ Điển triển khai kế hoạch cho một nhà nước phúc lợi rộng rãi nhất Âu châu trong thời kì giữa hai cuộc thế chiến, như nhà nghiên cứu chính trị Sheri
Berman nhận định, họ đã thai nghén và quảng bá những kế hoạch này như công trình xây dựng một
folkhemmet, hay "ngôi nhà của nhân dân". [Theo đó, quốc gia Thuỵ Điển sẽ trở nên một ngôi nhà tốt
đẹp, nơi mà mọi người được sống bình đẳng và thông cảm lẫn nhau. Ngôi nhà đại chúng này sẽ thay thế
cho xã hội giai cấp truyền thống của Thuỵ Điển.]
Dù vậy, một cuộc sống bình thường kéo dài năm, bảy chục năm trong những quốc gia thuần chủng và ổn
định lại có thể tát cạn sức mạnh cảm tính của chủ nghĩa dân tộc. Nhiều người châu Âu hiện nay sẵn
sàng, và thậm chí hăng hái, tham gia những cơ cấu tổ chức xuyên quốc gia như EU, một phần vì nhu cầu
trước mắt về quyền tự quyết dân tộc hầu như đã được thoả mãn.
Sự hợp chủng mới
Song hành với tiến trình cưỡng chế cách li các dân tộc diễn ra trên hai thế kỉ qua, thì cũng có một tiến
trình hợp chủng do tự nguyện di dân. Mô hình thông thường là sự di dân từ những vùng nghèo khổ, cuộc
sống bế tắc, đến những vùng trù phú và năng động hơn.
Tại châu Âu, cuộc di dân tự nguyện chủ yếu đã đi theo hướng từ đông sang tây và từ nam lên bắc, mà
nơi có nhiều người đến nhất là Pháp và Vương quốc Anh. Mô hình này vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay:
chẳng hạn, trong đợt di dân mới nhất, có đến nửa triệu người Ba Lan đến Anh và 200 ngàn đồng bào của
họ đến Ireland. Những người di dân từ vùng này sang vùng khác của châu Âu rồi định cư luôn tại đó,
thường hội nhập vào xã hội mới và ít khi tạo ra những vấn đề đáng kể, mặc dù có một số người bản xứ
phàn nàn về điều mà họ cho là cuộc xâm lăng của "bọn thợ ống nước Ba Lan" (Polish plumbers).
Chuyển biến ấn tượng nhất trên cán cân chủng tộc tại châu Âu trong mấy chục năm qua phát sinh từ
việc nhập cư của những người di dân đến từ châu Á, châu Phi, và Trung Đông. Kết quả của đợt nhập cư
này khá phức tạp. Một số trong những nhóm này đã thành công rất ngoạn mục, điển hình là người Hindu
Ấn Độ đến định cư ở Anh. Trái lại, ở Bỉ, Pháp, Đức, Hoà Lan, Thuỵ Điển, Anh, và những nơi khác, nói
chung sự tiến bộ về giáo dục và kinh tế cuả người nhập cư Hồi giáo có hạn chế hơn, và tình trạng thiếu
hội nhập văn hoá nghiêm trọng hơn.
Thật khó mà định lượng được bao nhiêu phần trăm của vấn đề này là do sự kì thị, bao nhiêu phần trăm
là do mô hình văn hoá của chính người nhập cư, và bao nhiêu phần trăm là do chính sách của các chính
phủ châu Âu. Nhưng một số yếu tố -- từ chính sách đa văn hoá của nước sở tại, đến các chương trình trợ
cấp quá hậu hĩ, đến sự liên lạc với cố hương quá dễ dàng-- hầu như đã giúp hình thành những đảo sắc
tộc (ethnic islands), nơi khả năng hội nhập vào một nền văn hoá và kinh tế rộng lớn hơn trở nên hạn
hẹp.
Do đó, một số nề nếp truyền thống trong sinh hoạt chính trị châu Âu đã bị xáo trộn. Cánh tả, chẳng hạn,
có khuynh hướng hậu thuẫn việc nhập cư của người nước ngoài, nhân danh chủ nghĩa bình quân và đa
văn hoá. Nhưng nếu thực sự có một gạch nối giữa tính thuần chủng dân tộc và sự hăng hái của toàn dân
trong việc hậu thuẫn những chương trình tái phân phối lợi tức hậu hĩ, thì việc khuyến khích một xã hội đa
chủng rốt cuộc có thể phương hại chương trình nghị sự khá tham vọng của cánh tả. Ngoài ra, một số
khuynh hướng tự do văn hoá của châu Âu đã va chạm với khuynh hướng phi-tự do văn hoá (cultural
illiberalism) của một số cộng đồng của người mới nhập cư.
Nếu người nhập cư Hồi giáo không chịu hội nhập vào xã hội mới mà lại mạnh dạn triển khai một căn
cước cộng đồng riêng biệt dựa trên tín lí tôn giáo của mình, việc này có thể đưa đến một hậu quả là làm
sống lại những bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc tại một số quốc gia châu Âu - hay triển khai một
bản sắc văn hoá châu Âu mới, một phần nào được quan niệm như là để đề kháng lại Hồi giáo. (Sự chống
đối đều khắp nhắm vào khả năng nới rộng Liên minh châu Âu để nhận Thổ Nhĩ Kì làm thành viên chính
thức có thể là một báo hiệu về một chuyển biến tư duy như thế.) Những ngụ ý về tương lai
Vì chủ nghĩa dân tộc là hậu quả trực tiếp của những yếu tố then chốt tạo nên tiến trình hiện đại hoá, chủ
nghĩa này có khả năng thắng thế trong những xã hội đang kinh qua một tiến trình như thế. Vì vậy, thật
không đáng ngạc nhiên khi chúng ta thấy rằng chủ nghĩa này vẫn còn là một trong những lực tác động
sung sức nhất-và nguy hiểm nhất-trên nhiều vùng của thế giới đương đại.
Chẳng hạn, những dạng thức tế nhị của chủ nghĩa dân tộc không ít thì nhiều đã được biểu hiện đều khắp
trong chính sách di trú của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều nước -- gồm có Armenia, Bulgaria, Croatia,
Phần Lan, Đức, Hungary, Ireland, Israel, Serbia, và Thổ Nhĩ Kì -- tự động hoặc nhanh chóng cấp quyền
công dân cho kiều bào hiện sống rải rác khắp thế giới, nếu có yêu cầu. Luật di trú Trung Quốc dành
nhiều ưu tiên và quyền lợi cho Hoa Kiều. Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha có chính sách di trú dành nhiều
thuận lợi cho những đương sự từ thuộc địa cũ của mình ở Tân Thế giới. Còn một số quốc gia khác, như
Nhật Bản và Slovakia, thì cấp thẻ căn cước chính thức cho phép kiều bào dù không phải công dân được
sinh sống và làm việc trong nước. Vì thấm nhuần đường lối chính thức của chính phủ Hoa Kỳ coi việc
phân biệt đối xử vì lí do chủng tộc là vi phạm những chuẩn mực phổ quát, nhiều người Mỹ coi những
chính sách của các nước kể trên là biệt lệ, nếu không muốn nói là đáng ghét. Tuy nhiên, trong bối cảnh
toàn cầu [khi đa số quốc gia có chính sách kì thị] thì chính việc đòi hỏi những chuẩn mực phổ quát
[không phân biệt đối xử] lại hoá ra cục bộ (provincial).
Ý thức bản sắc cộng đồng ngày một gia tăng và cán cân chủng tộc ngày một chuyển dịch-hai sự kiện
này chắc chắn sẽ mang lại một số hậu quả đa dạng, cả trong nội bộ các quốc gia lẫn giữa các quốc gia,
trong những năm sắp tới. Chẳng hạn, khi tiến trình toàn cầu hoá đưa thêm nhiều quốc gia vào hệ thống
kinh tế toàn cầu, những thành quả đầu tiên của tiến trình này sẽ rơi vào nhóm chủng tộc nào có điều
kiện lịch sử và văn hoá tốt nhất để khai thác vận hội mới với mục đích làm giàu, vì vậy nhiều khoảng
cách xã hội sẽ được đào sâu thêm thay vì được san bằng. Những vùng trù phú và thành công hơn sẽ cố
gắng tách khỏi những vùng nghèo khổ, thất bát; trong khi đó, những vùng có sắc dân đồng chủng rõ nét
sẽ cố giành chủ quyền cho dân tộc mình--những nỗ lực này có thể gây phản ứng dữ dội từ những nhóm
sắc tộc chỉ muốn bảo vệ nguyên trạng (the status quo).
Dĩ nhiên, có nhiều xã hội đa chủng trong đó ý thức chủng tộc vẫn còn non yếu. Hoặc có khi một ý thức
chủng tộc thậm chí được triển khai mạnh mẽ khả dĩ đưa đến những đòi hỏi chính trị nhưng không đòi
được chủ quyền. Và đôi khi, những đòi hỏi dân tộc tự trị hay dân tộc tự quyết có thể được đáp ứng ngay
trong biên giới một quốc gia đang hiện hữu. Những đòi hỏi của người Catalan ở Tây Ban Nha, của người
Flemish ở Bỉ, và người Tô Cách Lan ở vương quốc Anh đã được đáp ứng theo mô thức này, chí ít trong
giai đoạn hiện tại. Nhưng những dàn xếp chính trị theo lối này vẫn có tính bất ổn và cần phải được tái
thương thuyết nhiều lần. Do đó, trong thế giới đang phát triển, nơi nhiều quốc gia mới được thành lập
gần đây và có đường biên giới lãnh thổ cắt ngang đường biên giới chủng tộc, những quốc gia này có khả
năng sẽ bị chia cắt thêm lần nữa theo những đường biên giới dân tộc và sẽ phải đối đầu với những cuộc
xung đột giữa các cộng đồng. Và như nhà nghiên cứu Chaim Kaufmann đã nhận xét, một khi cuộc xung
đột chủng tộc vượt qua một ngưỡng bạo động nhất định, nỗ lực duy trì những nhóm thù nghịch trong
một cơ cấu tổ chức xã hội duy nhất sẽ trở nên vô cùng khó khăn.
Thực tế đáng buồn này tạo ra nhiều tình huống tiến thối lưỡng nan cho những ai chủ trương can thiệp vì
lí do nhân đạo vào các cuộc xung đột như thế. Lí do là, nỗ lực hoà giải và duy trì hoà bình giữa các nhóm
chủng tộc vốn căm thù và sợ hãi lẫn nhau thường đòi hỏi những cam kết quân sự tốn kém và liên tục
chứ không phải chỉ những nghĩa vụ hời hợt tạm thời. Ngoài ra, khi bạo động giữa các cộng đồng leo
thang thành một cuộc thanh tẩy chủng tộc (ethnic cleansing), việc đưa những số lượng lớn người tị nạn
về nguyên quán sau khi các bên thoả thuận đình chiến là thiếu thực tế và thậm chí không có kết quả như
ý, vì nỗ lực này cũng chỉ dọn sân khấu cho một đợt xung đột khác trong tương lai mà thôi.
Chia cắt lãnh thổ vì thế có thể là một giải pháp nhân đạo bền vững nhất cho những cuộc xung đột chủng
tộc gay gắt như thế. Việc này tất yếu tạo thêm nhiều làn sóng tị nạn, nhưng chí ít nó sẽ giải quyết vấn đề tranh chấp. Sự thách đố đối với cộng đồng quốc tế trong những trường hợp này là làm thế nào để
cách li các cộng đồng dân tộc ra khỏi nhau theo một phương thức khả thi nhân đạo nhất: bằng cách
cung cấp phương tiện vận chuyển, đảm bảo quyền công dân trên quê hương mới, và giúp đỡ tài chánh
cho việc tái định cư và hội nhập kinh tế. Chi phí cho tất cả nỗ lực này sẽ là một con số khổng lồ, nhưng
nó hiếm khi vượt quá những tổn thất vật chất do việc đưa vào và duy trì một đội quân nước ngoài đủ
hùng hậu để bình định các phe sắc tộc thù nghịch lẫn nhau, hay vượt quá những thiệt hại tinh thần do
thái độ thờ ơ, không làm gì cả.
Các nhà khoa học xã hội đương đại khi viết về chủ nghĩa dân tộc thường có khuynh hướng nhấn mạnh
những yếu tố ngẫu hợp [chứ không phải tất yếu] của bản sắc cộng đồng-vì họ cho rằng ý thức dân tộc
là sản phẩm được các nhà tư tưởng và các chính khách sáng chế ra, nếu xét về phương diện văn hoá và
chính trị. Họ thường xuyên trích dẫn quan niệm của Benedict Anderson về "những cộng đồng được tưởng
tượng", như thể nếu chứng minh được rằng tinh thần dân tộc chỉ là một sản phẩm do hun đúc mà có,
người ta sẽ tước mất sức mạnh của nó đi. Đành rằng bản sắc dân tộc không phải là cái gì tự nhiên hay
tất yếu như những người theo chủ nghĩa dân tộc thường rêu rao. Nhưng, thật là sai lầm khi nghĩ rằng chỉ
vì tinh thần dân tộc một phần nào do hun đúc mà có, do đó nó là mong manh hoặc luôn luôn có thể uốn
nắn được. Chủ nghĩa dân tộc không phải là một bước ngoặt tình cờ trong lịch sử châu Âu: nó phù hợp với
một số thiên hướng bền vững (enduring propensities) trong tinh thần nhân loại; những thiên hướng này
lại được củng cố thêm nhờ tiến trình hình thành các quốc gia hiện đại. Chủ nghĩa dân tộc là suối nguồn
quan trọng của tình đoàn kết và lòng hận thù, và dưới hình thức này hay hình thức khác, nó sẽ còn tồn
tại trong nhiều thế hệ tương lai. Người ta chỉ có thể hưởng được lợi ích bằng cách đối diện trực tiếp với
chủ nghĩa này.
Nguồn: Foreign Affairs, March-April, 2008
_________________________________________________
© 2009 tạp chí talawas
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro