Khám lâm sàng

PHƯƠNG PHÁP KHÁM VÀ THEO DÕI BỆNH NHÂN TÂM THẦN

I. KỸ NĂNG HỎI BỆNH

Sắp xếp khám bệnh ở một phòng riêng yên tĩnh, thoải mái
Tự giới thiệu về mình với bệnh nhân, chào hỏi bệnh nhân, thông báo với bệnh nhân mục đích của việc hỏi bệnh.
Để bệnh nhân ngồi thoải mái, biểu lộ thái độ tôn trọng, cảm thông để bệnh nhân cảm thấy yên tâm, tin tưởng.
Không phê bình, chỉ trích bệnh nhân.
Quan sát bệnh nhân một cách tỷ mỉ về hình dáng, điệu bộ, cử chỉ động tác.
Chủ động trong khi hỏi bệnh, không tranh cãi hoặc tỏ thái độ tức giận với bệnh nhân.
Sử dụng lời lẽ dễ hiểu phù hợp với trình độ và khả năng của bệnh nhân.
Thời gian hỏi bệnh thường kéo dài từ 15 - 90 phút và phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh, trung bình khoảng từ 45 - 60 phút.
Sử dụng các câu hỏi mở với những bệnh nhân có thể kể bệnh tốt và hợp tác khám bệnh, sử dụng các câu hỏi đóng (đúng/ sai) nếu thời gian khám bệnh ngắn, hoặc khi bệnh nhân đang trong trạng thái loạn thần, mê sảng, sa sút trí tuệ hoặc bệnh nhân ít hợp tác kể bệnh.

Một số bệnh lý đòi hỏi những lưu ý đặc biệt cho việc khám bệnh:

Bệnh nhân biểu hiện tình trạng sa sút, thoái lui: cần chủ động, sử dụng các câu hỏi đóng. Chú ý đến các động tác, cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể của người bệnh. Thay đổi câu hỏi hoặc chủ đề khác nếu nhận thấy bệnh nhân khó trả lời được câu hỏi vừa nêu. Hỏi gia đình người bệnh: tập trung vào những vấn đề của bệnh nhân. Hỏi về cách thức mà các thành viên trong gia đình đối xử với bệnh nhân: tức giận, quan tâm, lo lắng, ai là người muốn giúp đỡ người bệnh.

Bệnh nhân trầm cảm: cần phát hiện ý tưởng tự sát, hỏi xem bệnh nhân có kế hoạch gì không. Cố gắng để làm tăng lòng tự trọng của bệnh nhân bằng cách đưa ra những lời khen ngợi phù hợp.

Bệnh nhân kích động: lưu ý không ngồi gần bệnh nhân trong phòng đóng kín. Ngồi gần nơi có thể dễ dàng thoát ra ngoài. Trong phòng có nhân viên bảo vệ. Nếu bệnh nhân có biểu hiện quá khích, dừng buổi khám bệnh ngay lập tức.

Bệnh nhân rối loạn dạng cơ thể: không thảo luận về các triệu chứng dạng cơ thể của bệnh nhân. Quả quyết với bệnh nhân rằng thầy thuốc tin những khó chịu mà bệnh nhân kể.

Bệnh nhân có hoang tưởng: đừng tranh cãi với bệnh nhân về hoang tưởng. Hãy nói với bệnh nhân rằng mình không đồng ý với bệnh nhân nhưng hiểu những suy nghĩ của họ.

Bệnh nhân hưng cảm: Cố gắng đặt ra các giới hạn để kiềm chế bệnh nhân. Hãy nói với bệnh nhân rằng mình cần biết một số thông tin đặc biệt trước, sau đó hãy nói đến các vấn đề khác.

Bệnh nhân vừa được dùng thuốc: bệnh nhân sẽ buồn ngủ và muốn trả lời qua loa. Do vậy nên dùng các câu hỏi đóng và chỉ hỏi một số vấn đề quan trọng, chuyển những vấn đề thứ yếu sang lần khám sau.

II. LỊCH SỬ TÂM THẦN

Lịch sử tâm thần là toàn bộ câu chuyện về cuộc đời bệnh nhân theo trình tự thời gian. Nó cho phép người bác sỹ tâm thần hiểu bệnh nhân là ai, quá khứ của bệnh nhân như thế nào và tương lai bệnh nhân sẽ ra sao. Lịch sử tâm thần phải được kể bằng lời
kể của bệnh nhân, theo quan điểm của họ. Có thể các thông tin này cũng được thu thập từ cha mẹ, họ hàng, vợ chồng, bạn bè... của bệnh nhân. Lưu ý: cần cho phép bệnh nhân tự kể về mình và yêu cầu họ kể những gì họ cho là quan trọng nhất. Người phỏng vấn cần đưa ra những câu hỏi phù hợp để có được các thông tin quan trọng và chi tiết.

1. Các thông tin cá nhân

Thông tin cá nhân bao gồm: họ và tên bệnh nhân, tuổi, giới tính, dân tộc, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, trình độ học vấn, địa chỉ, số điện thoại, nghề nghiệp và nơi làm việc, bệnh nhân tự đến hay được ai giới thiệu đến, người cung cấp thông tin là ai, có quan hệ thế nào đối với bệnh nhân, thông tin nhận được có đáng tin cậy hay không (nếu bệnh nhân không hợp tác khám bệnh).

2. Lý do đến khám bệnh (hay biểu hiện chính)

Lý do đến khám bệnh phải được ghi theo lời giải thích của bệnh nhân. Ghi lý do buộc bệnh nhân phải đến viện hoặc đến gặp nhân viên tư vấn. Sử dụng các câu hỏi: "Tại sao anh phải đến gặp bác sỹ tâm thần?", " Điều gì buộc anh phải đến bệnh viện?", " Cái gì là vấn đề chủ yếu khiến anh cảm thấy khó chịu phải đi khám bệnh?".

3. Bệnh sử hiện tại

Trong phần này, cần khai thác sự tiến triển của các triệu chứng bệnh lý từ khi có dấu hiệu khởi phát cho đến hiện tại, mối liên quan đến các sự kiện trong đời sống, những xung đột cá nhân, sang chấn tâm lý, các thuốc, chất gây nghiện, những thay đổi
chức năng so với trước đây. Cần ghi càng sát theo lời kể của bệnh nhân càng tốt. Cần hỏi bệnh nhân đã được khám và điều trị ở đâu, bằng các phương pháp gì, kết quả điều trị ra sao.

4. Tiền sử bệnh tâm thần và cơ thể

Khai thác tiền sử các bệnh tâm thần từ trước bao gồm các rối loạn loạn thần, các rối loạn tâm thần và hành vi, rối loạn dạng cơ thể và các bệnh tâm căn....
Về tiền sử mắc các bệnh cơ thể cần khai thác các bệnh lý thần kinh (viêm não, u não, tai biến mạch máu não. chấn thương sọ não, động kinh...), các bệnh nội tiết, hệ thống, các bệnh cơ thể khác.
Khi khai thác tiền sử bệnh tật, cần chú ý hỏi thời gian mắc bệnh, mức độ nặng nhẹ, điều trị tại bệnh viện nào hoặc được bác sỹ nào theo dõi điều trị, điều trị bằng các biện pháp gì, hiệu quả ra sao, tác động của đợt ốm đó đến cuộc sống của bệnh nhân.
Yêu cầu bệnh nhân cho xem các tư liệu liên quan đến bệnh tật trước đây (nếu có).
Khai thác tiền sử nghiện chất: nghiện rượu, thuốc lá, ma tuý, các thuốc an thần gây ngủ khác. Không nên đặt câu hỏi: "anh có nghiện rượu không?" mà nên hỏi: "anh uống bao nhiêu rượu một ngày?". Cần hỏi: thời gian nghiện, mức độ sử dụng, tác động
của việc sử dụng chất gây nghiện đó đến sức khoẻ, đời sống, sinh hoạt và nghề nghiệp... của bệnh nhân.

5. Lịch sử cá nhân

Khi xem xét bệnh lý hiện tại của bệnh nhân, người bác sỹ tâm thần cần biết toàn bộ về quá khứ của bệnh nhân và mối liên hệ của nó đến bệnh lý hiện tại. Lịch sử cá nhân thường được hỏi dựa theo các giai đoạn và các lứa tuổi phát triển chủ yếu. Cần chú ý khai thác các sự kiện nổi bật VD: các sang chấn tâm lý, chấn thương cơ thể, xung đột, thảm họa...

5.1. Lịch sử quá trình mang thai và sinh đẻ của mẹ bệnh nhân

Cần khai thác các đặc điểm nổi bật như bệnh nhân được sinh ra đúng theo dự định và mong muốn của cha mẹ không? quá trình mang thai có bình thường không?, có ốm đau gì hoặc có sang chấn tâm thần hay cơ thể không?, trong khi mang thai mẹ bệnh nhân có sử dụng thuốc hay chất gây nghiện gì không?, đẻ thường hay đẻ khó, có phải can thiệp thủ thuật gì không? Có bị ngạt sau đẻ không?

5.2. Thời kỳ trẻ nhỏ

Khai thác quá trình phát triển từ nhỏ như được nuôi bằng sữa mẹ hay nuôi bột, các giai đoạn phát triển tâm thần vận động như ngồi, bò, tập đứng, tập đi, tập nói, tính tình thế nào? trẻ khoẻ hay thường xuyên ốm yếu?, có bị va ngã lần nào đáng chú ý không? thói quen ăn uống, tập đi vệ sinh khả năng học tập và bắt chước?, mối quan hệ gắn bó với cha mẹ, người trông trẻ trẻ cùng lứa tuổi như thế nào, thân thiện bạo dạn hay nhút nhát, thích chơi một mình hay thích chơi cùng bạn?, có thường xuyên gặp ác mộng không?, có đái dầm không?, có các ám sợ không? Điều gì khủng khiếp nhất hoặc thích thú nhất thời thơ ấu mà bệnh nhân nhớ.
Khi bắt đầu đi học cần hỏi xem có gặp khó khăn gì trong học tập không?, khả năng tập trung chú ý?, tình trạng học kém, lưu ban, kỷ luật,....? mối quan hệ với thầy cô giáo, bạn bè cùng trang lứa?

5.3. Thời kỳ thanh thiếu niên

Đây là thời kỳ nhạy cảm của đời người. Do vậy, ngoài việc hỏi các vấn đề như học tập, vấn đề sức khoẻ và bệnh tật chung, cần chú ý khai thác các vấn đề liên quan đến tâm lý và các rối loạn tuổi vị thành niên như các mối quan hệ xã hội, thầy cô giáo, bạn bè, có nhiều hay ít bạn, có bạn thân không?, có tham gia nhóm hội gì không?, có rắc rối trong trường hoặc ngoài trường (trộm cắp, đánh nhau, phá phách,...)?, có sử dụng chất kích thích hoặc các chất ma tuý khác không?, có giai đoạn nào có cảm giác đau khổ, tội lỗi hoặc cảm thấy mình thua kém bạn bè không?....

5.4. Thời kỳ trưởng thành

Thời kỳ này, người thầy thuốc tâm thần cần quan tâm đến nghề nghiệp và việc lựa chọn nghề nghiệp của bệnh nhân, thái độ đối với công việc, các mối quan hệ với đồng nghiệp, bạn bè, với lãnh đạo, các mối quan tâm chính, các tham vọng thăng tiến và kết quả đạt được.
Trong thời kỳ trưởng thành, một loạt các sự kiện lớn liên quan đến bệnh nhân như: yêu đương lập gia đình, sinh đẻ, cuộc sống hôn nhân, con cái, việc học tập, thu nhập, các hoạt động xã hội, tôn giáo...cần được tập trung khai thác.
Về điều kiện sống hiện tại, cần hỏi xem bệnh nhân sống cùng với ai (ông bà, bố mẹ, anh chị em...)?, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình? Nếu bệnh nhân phải nhập viện, ai là người chăm sóc bệnh nhân, ai là người giúp bệnh nhân chăm sóc con cái...

5.5. Tiền sử về tình dục

Chịu ảnh hưởng của văn hoá Á Đông, đại đa số bệnh nhân không muốn thảo luận về vấn đề tình dục thậm chí cả khi đây chính là nguyên nhân sâu xa nằm dưới các rối loạn hiện tại của người bệnh. Do vậy người thầy thuốc cần tạo ra bầu không khí thoải mái, thân thiện, tin cậy mới có thể khai thác được lịch sử tình dục.
Cần hỏi bệnh nhân về quan điểm chung của bệnh nhân về tình dục, thái độ của bệnh nhân đối với vấn đề tình dục hiện nay của bản thân. Gợi mở cho bệnh nhân nói về sự phát triển tình dục qua các giai đoạn từ khi dậy thì (tuổi có kinh lần đầu, tuổi xuất tinh lần đầu, những cảm xúc đặc biệt, những nỗi sợ hãi, những khác biệt...). Có thể sử dụng một số câu hỏi như: "Anh (chị) đã từng có vấn đề phiền muộn gì về đời sống tình dục của mình"?, "Ban đầu hiểu biết của anh (chị) về tình dục có được từ nguồn thông tin nào"?...

6. Tiền sử gia đình

Cần khai thác tiền sử gia đình về bệnh tâm thần, các bệnh cơ thể, các bệnh có tính chất di truyền (chậm phát triển tâm thần, động kinh, Alzheimer, Parkinson,...).
Khai thác tiền sử nghiện chất của cha mẹ và những thành viên khác... Cần hỏi thêm về tuổi và nghề nghiệp của cha mẹ. Nếu cha mẹ đã chết cần hỏi chết ở độ tuổi nào, nguyên nhân chết là gì,.... Chú ý cảm nhận của bệnh nhân về các thành viên trong gia
đình.
III. KHÁM TÂM THẦN

Khám tâm thần chính là phần đánh giá lâm sàng của người thầy thuốc tại thời điểm khám bệnh dựa vào hỏi bệnh, quan sát. Trạng thái tâm thần của bệnh nhân có thể thay đổi từng ngày, từng giờ. Cần khám thật tỉ mỉ, chi tiết, ghi lại toàn bộ các thông tin liên quan đến quá trình khám bệnh.

1. Biểu hiện chung

Trong phần này người thầy thuốc tâm thần cần mô tả hình dáng vẻ ngoài ban đầu khi gặp bệnh nhân thể hiện qua hình dáng, đi lại, điệu bộ, ăn mặc, trang điểm, nói năng... Thông thường, biểu hiện chung của bệnh nhân được mô tả là: có vẻ khoẻ mạnh, vẻ ốm yếu, tư thế đĩnh đạc đường hoàng, trông có vẻ già, trông có vẻ trẻ trung, trông có vẻ nhếch nhác, trông như trẻ con, trông kỳ dị.... Cũng nên chú ý đến các dấu hiệu của lo âu: xoắn vặn 2 bàn tay, cúi đầu vẻ căng thẳng, mắt mở tròn...

2. Thái độ tiếp xúc với thầy thuốc.

Thầy thuốc tâm thần cần nhận xét thái độ tiếp xúc của bệnh nhân. Các dạng thể hiện có thể là: hợp tác kể bệnh, thân thiện, chăm chú, quan tâm, thẳng thắn bộc trực, thái độ quyến rũ, thu hút thầy thuốc, thái độ tự vệ đề phòng, thái độ khinh khỉnh, thái độ lúng túng bối rối, thái độ thờ ơ thái độ thù địch chống đối, thái độ kịch tính, thái độ dễ mến, thái độ lảng tránh,...

3. Khám ý thức

Khám ý thức nhằm mục đích đánh giá mức độ tỉnh táo của bệnh nhân, đồng thời phát hiện các rối loạn chức năng não bộ. Các biểu hiện có thể là: tỉnh táo, rõ ràng, lú lẫn, u ám, bán mê, hôn mê. Định hướng thời gian, không gian, bản thân, xung quanh đầy đủ, rõ ràng hoặc rối loạn.
Khi khám ý thức, thường sử dụng một số câu hỏi: "Đây là đâu?", "Hôm nay là thứ mấy?", "Anh có biết tôi là ai không?", "Anh hãy cho biết anh là ai"... Thông thường khi có rối loạn, định hướng về thời gian và không gian thường rối loạn trước, định hướng về bản thân và xung quanh duy trì lâu hơn.
Khi có rối loạn định hướng cần lưu ý đến các bệnh thực thể ở não hoặc bệnh toàn thân gây tổn thương nặng nề đến chức năng não.

4. Khám cảm xúc

Quan sát khí sắc của người bệnh. Khí sắc là trạng thái cảm xúc ổn định, bền vững. Khí sắc có thể giảm, buồn rầu, ủ rũ, đau khổ, trầm cảm, tăng vui vẻ, hạnh phúc sung sướng, hưng cảm, giận dữ, phẫn uất, tức giận, lo sợ hết hoảng, bàng quan, thờ ơ vô cảm,... Sử dụng các câu hỏi như: "Anh cảm thấy như thế nào?", "Anh có nghĩ rằng cuộc sống là về giá trị không đáng sống hay không?", "Anh có ý muốn tự làm hại bản thân mình không?", "Anh có kế hoạch gì đặc biệt không?, có ý muốn tự sát không?"...
Quan sát sự thay đổi cảm xúc của bệnh nhân. Cảm xúc là trạng thái dễ thay đổi liên quan đến hoàn cảnh, đến suy nghĩ của bệnh nhân. Khi hỏi bệnh, quan sát các dấu hiệu thể hiện sự thay đổi cảm xúc như nét mặt, cử động thân thể, âm điệu lời nói. Nhận
xét xem cảm xúc của bệnh nhân có dễ thay đổi không, dễ tức giận, thô lỗ không, cảm xúc phù hợp hay không phù hợp với hoàn cảnh, có hay không có sự thay đổi cảm xúc.... Những thay đổi cảm xúc thường gặp ở bệnh nhân tâm thần phân liệt, mất sự biểu cảm gặp trong bệnh nhân rối loạn tâm thần thực tổn, căng trương lực...

5. Khám tri giác

Quan sát hành vi bệnh nhân để phát hiện các rối loạn tri giác như: bịt tai, nhắm mắt, che mắt, đeo kính râm, nhăn mặt khó chịu, ngửi tay và các vật dụng, xoa, bắt nhúp trên da, tránh né, chạy trốn...
Đặt ra cho bệnh nhân các câu hỏi như: "ánh sáng, tiếng động như thế này có khiến cho anh khó chịu không, anh có thể cảm nhận mọi thứ một cách rõ ràng không?", "anh đã bao giờ nhìn thấy gì lạ hoặc nghe thấy giọng nói khác thường chưa?", "Anh đã bao giờ nhận thấy những điều lạ lùng khi anh bắt đầu ngủ hoặc bắt
đầu thức dậy chưa?", "Anh có cảm thấy có điều gì đó khó chịu lạ lùng trên da hoặc trong cơ thể mình không?", "Đã bao giờ anh cảm thấy cơ thể mình có gì đó thay đổi rất lạ lùng chưa? thay đổi đó như thế nào?", "Anh có cảm thấy xung quanh mình có điều
gì đó thay đổi khác lạ không?"...
Các rối loạn tri giác có thể gặp như: tăng cảm giác, giảm cảm giác, rối loạn cảm giác bản thể, ảo tưởng, ảo giác (ảo thanh, ảo thị, ảo vị, ảo khứu, ảo giác xúc giác, ảo thanh chức năng, ảo giác lúc giở thức giở ngủ, ảo giác nội tạng), tri giác sai thực tại và giải thể nhân cách. Khi phát hiện thấy bệnh nhân có rối loạn đặc biệt là có ảo giác cần hỏi kỹ về đặc điểm của rối loạn đó.

6. Khám tư duy

Tư duy có thể được chia thành hình thức tư duy và nội dung tư duy. Hình thức tư duy chỉ ra cách thức bệnh nhân diễn đạt và kết nối các ý nghĩ. Nội dung tư duy dùng để chỉ điều mà bệnh nhân suy nghĩ: ý tưởng, niềm tin, mối bận tâm, nỗi ám ảnh...

6.1. Hình thức tư duy
Trong phần này, người thầy thuốc tâm thần cần mô tả đặc điểm ngôn ngữ của bệnh nhân. Bệnh nhân có thể được mô tả là người nói nhiều, ba hoa, nói liến thoắng, lầm lì ít nói, ngôn ngữ có vẻ không tự nhiên, hoặc có các đáp ứng phù hợp với các câu hỏi của thầy thuốc. Nhịp điệu ngôn ngữ có thể nhanh hoặc chậm, bị dồn nén, đầy cảm xúc, ngôn ngữ kịch tính, nói chậm từng từ một, nói to, nói thì thầm, nói lật bật, run rẩy...
Các rối loạn hình thức tư duy có thể biểu hiện như tư duy phi tán, tư duy dồn dập, nói hổ lốn, tư duy chậm chạp, ngắt quãng, lai nhai, nói một mình, không nói, ngôn ngữ rời rạc không liên quan, đảo lộn các cấu trúc ngữ pháp một cách vô nghĩa, từ bịa đặt, tiếng nói riêng khó hiểu, tư duy 2 chiều trái ngược, tư duy tượng trưng.... Nhận xét xem các rối loạn này có chịu ảnh hưởng của cảm xúc, các rối loạn tri giác như ảo thanh, ảo thị hoặc rối loạn tư duy như ám ảnh, hoang tưởng hay không.

6.2. Nội dung tư duy

Các rối loạn nội dung tư duy có thể bao gồm: các hoang tưởng, những mối bận tâm (mà liên quan đến tình trạng bệnh tật của bệnh nhân, các ám ảnh, các suy nghĩ có tính chất cưỡng bức, các ám sợ, các kế hoạch, dự định, ý tưởng tái diễn về hành vi tự sát hoặc tự huỷ hoại, các triệu chứng nghi bệnh, những thôi thúc về hành vi chống đối xã hội.... Có thể sử dụng các câu hỏi như: "Anh có những suy nghĩ nào đó khó chịu cứ lặp đi lặp lại trong đầu không?", "Có việc gì mà anh bắt buộc phải làm đi làm lại nhiều lần
theo một cách thức nhất định không?", "Có việc gì mà anh bắt buộc phải làm theo một cách riêng biệt hoặc theo trình tự nhất định không?", "Nếu anh không làm theo cách đó, anh có bắt buộc phải làm lại không?", "Anh có biết tại sao anh lại phải làm như vậy không?", "Anh có cảm thấy hoặc nghĩ rằng có người nào đó muốn làm hại anh không?", "Anh có cho rằng mình có mối liên hệ đặc biệt nào đó với thần thánh hoặc chúa trời không?", "Anh có cho rằng có người nào đó đang cố gắng gây ảnh hưởng đến anh không?", "Anh có cho rằng có ai đó đang dùng quyền lực, phép thuật để điều khiển anh không?", "Anh có cho rằng mọi người xung quanh đều đang xì xào bàn tán về mình hoặc nhìn mình với một ý nghĩa đặc biệt không?", "Anh có cho rằng mình có tội lỗi gì không?", "Anh có nghĩ gì về ngày tận thế của thế giới không", "Anh có khả năng đặc biệt hoặc quyền lực đặc biệt gì không?".... Cũng cần yêu cầu bệnh nhân cho xem các giấy tờ, tài liệu, tranh vẽ của bệnh nhân để giúp cho việc đánh giá.
Khi phát hiện bệnh nhân có rối loạn hình thức tư duy, cần hỏi kỹ về đặc điểm của rối loạn đó. Mô tả ảnh hưởng của rối loạn đó đến cảm xúc, hành vi, công việc, sinh hoạt và các mối quan hệ của bệnh nhân...

7. Khám trí nhớ

Khám trí nhớ bao gồm đánh giá trí nhớ gần, trí nhớ xa, trí nhớ ngắn hạn
Trí nhớ gần là khả năng nhớ lại những sự việc mới xảy ra trong khoảng một vài tháng. Có thể sử dụng những câu hỏi như: "Anh đã ở đâu ngày hôm qua?", anh đã ăn gì trong bữa ăn trước? Thông thường ở bệnh nhân rối loạn tâm thần do các bệnh thực
thể tại não, bệnh Alzheimer trí nhớ gần thường bị ảnh hưởng trước trí nhớ xa. Hiện tượng tăng nhớ có thể gặp trong rối loạn nhân cách paranoid...
Trí nhớ xa là khả năng nhớ lại những kiến thức, những sự việc xảy ra đã lâu trong quá khứ. Có thể sử dụng những câu hỏi như: "Anh sinh ra ở đâu?", "Anh đã học phổ thông ở trường nào? "Anh lập gia đình vào ngày tháng năm nào?", "Các con anh bao nhiêu tuổi?", "Ngày quốc khánh là ngày nào?"... So sánh với các thông tin do gia đình cung cấp để đánh giá trí nhớ.
Trí nhớ ngắn hạn là khả năng nhớ lại ngay lập tức. Có thể đọc tên 3 đồ vật khác nhau và bảo bệnh nhân nhớ và nhắc lại sau 5 phút. Hoặc yêu cầu bệnh nhân nhắc lại 5 câu hỏi trước đó.... Suy giảm trí nhớ ngắn hạn gặp trong tổn thương tại não, rối loạn phân ly, rối loạn lo âu hoặc bệnh nhân sau dùng một số thuốc (VD: benzodiazepines...)

8. Khả năng tập trung chú ý

Đánh giá khả năng tập trung chú ý của bệnh nhân dựa vào quan sát, theo dõi bệnh nhân khi trả lời các câu hỏi của thầy thuốc. Nếu bệnh nhân kém tập trung, thầy thuốc phải nhắc đi nhắc lại câu hỏi bệnh nhân mới trả lời, bệnh nhân khó đáp ứng được các câu hỏi, câu trả lời không phù hợp.....
Có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện nghiệm pháp 100 - 7 (lấy 100 trừ đi 7 năm lần liên tiếp) đếm thật nhanh từ 1 đến 20, đánh vần ngược tên của bệnh nhân... để đánh giá khả năng tập trung chú ý.

9. Trí tuệ

Đánh giá trí tuệ của bệnh nhân bao gồm việc kiểm tra các khả năng sử dụng ngôn ngữ, khả năng tính toán, khả năng hiểu và phân tích các tình huống, khả năng đánh giá bản thân, khả năng đáp ứng với các tình huống xảy ra trong cuộc sống.
Có thể yêu cầu bệnh nhân phân tích một câu thành ngữ, câu ca dao tục ngữ (VD: hiểu thế nào về câu: "gần mực thì đen, gần đèn thì rạng"....)
Đưa ra cho bệnh nhân một câu chuyện hoặc tình huống và yêu cầu bệnh nhân xử lý: (VD: xếp hàng mua vé xe, đột nhiên có người chen ngang, bệnh nhân sẽ làm gì?)
Hoặc ra một phép toán (phù hợp với trình độ học vấn) để bệnh nhân thực hiện (VD: 3 x 4 + 4 x 9 =?)
Đối với trẻ em, có thể yêu cầu trẻ so sánh 2 bức tranh, 2 đồ vật... để trẻ nhận xét về những điểm giống và khác nhau. Nhận xét khả năng tìm ra điểm căn bản, chủ yếu, thứ yếu, tổng thể, chi tiết...
Khi xem xét khả năng tự đánh giá bản thân có thể sử dụng các câu hỏi: "Anh có nghĩ rằng anh bị bệnh không?, bệnh gì?", "Anh có cho rằng bệnh của mình cần phải điều trị hay không?", "Anh có dự định gì cho bản thân trong tương lai?"...
Suy giảm trí tuệ gặp trong bệnh thực thể tại não, mất trí, tâm thần phân liệt, chậm phát triển tâm thần...

10. Đánh giá các rối loạn hành vi tác phong

Quan sát hành vi tác phong của bệnh nhân, chú ý các động tác tự động như run, ức, cắn móng tay, vê gấu áo, rứt tóc, rung đùi.... Quan sát các rối loạn hoạt động có ý chí như bồn chồn, đứng ngồi không yên, giảm, ít hoạt động, tìm cách chạy trốn, ngồi, nằm ở các tư thế kỳ dị, kích động, bất động...

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro

Tags: