Bữa Ăn Trưa Của Tôi Ở Đại Học Lausanne

Một học trò của tôi hỏi khi đi ra nước ngoài thì mình có cảm thấy bơ vơ lạc lõng không. Tôi bảo là ở giai đoạn sáu tháng đầu tiên, mọi thứ sinh hoạt không như ở nhà, lại còn phải sử dụng không thành thạo ngôn ngữ bản địa, nên mình hay gọi điện về Việt Nam. Nhưng sau đó, mọi việc đều trở nên quen thuộc, thân thương, mình kết bạn được, mình nói chuyện trao đổi với nhau được. Mình cũng đi làm được, có tiền dằn túi, tách ra tương đối với gia đình.

Một trong những điều thân thương mà tôi muốn ghi nhớ và chia sẻ là những bữa cơm trưa với bạn bè, ở ngay trường. Chúng ta biết là ở Việt Nam, chúng ta thường học một buổi, hoặc nhà gần trường, nên chúng ta ăn cơm nhà nhiều hơn, ít khi ăn cơm bờ cơm bụi. Hoặc nếu chúng ta học hai buổi phải nán lại trường, chúng ta sẽ ăn trưa ở cantine trường, hoặc một hàng quán nào đó gần trường. Nhưng ở Thụy Sĩ, trong trường tôi học, có một năm học tôi mang cơm theo từ nhà để ăn cùng các bạn vào buổi trưa.

Đó là năm học thứ hai ở nước ngoài, khi đó tôi đã có trình độ tiếng Pháp giao tiếp thông thường (nghĩa là không bập bẹ, cũng chưa được nhuần nhuyễn). Mỗi buổi sáng tôi phải thức sớm hơn một chút để nhét cơm và thịt vào một cái hộp rồi bỏ vào cặp đem lên trường. Bà cô tôi thấy vậy thì ra sức ủng hộ, thực tế nhất bởi vì tiết kiệm được khoản tiền ăn trưa cantine. Cô tôi cũng đem cơm trưa vào nhà máy của bà. Tuy ở nước ngoài nhưng trong nhà thì không khi nào thiếu cơm, còn món ăn dễ được bảo quản trong tủ lạnh là gà kho, hoặc thịt kho hột... gà.

Trường tôi học được thiết kế sao cho sinh viên, giáo viên cảm thấy thoải mái như ở nhà. Mỗi sáng trong giờ giải lao, tôi xuống quán café tự phục vụ của trường mua một ly expresso giá chưa tới một franc rưỡi, sữa, đường được lấy bao nhiêu thì tùy, nước uống mát lạnh miễn phí (nhưng uống xong phải dọn dẹp). Bàn ghế của quán nằm cạnh đó, hoặc bạn có thể kiếm ghế salon ở đâu đó bên lối đi trong tòa nhà ngồi nhâm nhi. Thật ra với khoảng tạm nghỉ (pause) mười lăm phút ngắn ngủi thì bạn không có thời gian di chuyển ra salon. Tôi lại còn nhớ, thời gian đầu, để phát âm được ek-x-p-re-xô là một điều khổ sở và vui nhộn.

Vào buổi trưa, các sinh viên có mang theo đồ ăn trưa đứng xếp hàng chờ hâm đồ ăn trước cái lò vi ba (micro-onde) như là đứng chờ rút tiền trước máy ATM. Lúc trước trường chỉ có một lò, sau được sắp xếp lên ba lò, để cho sinh viên không phải chờ đợi. Thời gian để hâm mỗi món đồ ăn chưa tới hai phút (ai đã xài lò vi ba rồi đều biết, sau khoảng thời gian đó, đồ ăn sôi lên và nổ lụp bụp trong hộp). Sau đó, tôi lại kiếm thêm một ly nước lọc miễn phí, trước khi tìm bạn học của mình ngồi ăn chung.

Chúng tôi gặp nhau ở ghế salon. Trong khuôn viên tầng lầu mà chúng tôi học, chỉ có khoảng ba bốn bộ salon, nhưng ít khi có người sử dụng. Buổi trưa, có lẽ mọi người đi ăn ở cantine. Chúng tôi gồm đa số những người châu Á, sinh viên ngành ngôn ngữ lại đa số là nữ: các cô bạn người Trung Quốc, Lào, Thái Lan (hai cô), một anh bạn người Nhật, và tôi. Trong cuộc trò chuyện ăn trưa, thường thì các cô gái tò mò về món ăn Nhật. Chúng tôi cũng biết sơ sơ về gia đình của nhau.

Nhìn chung, đó là một trong các điều kiện để tình bạn của chúng tôi thân thiết hơn. Tuy không giao tiếp trôi chảy ở thời đó, nhưng qua cử chỉ, nét mặt, thái độ, chúng tôi hiểu tính cách của nhau, có người xởi lởi, có người đằm thắm, lại có người kín đáo, ý tứ. Đến một lúc, chúng tôi về nhà nhau tổ chức nấu ăn. Ngoài tôi ở Genève và một bạn ở ký túc xá, các bạn có nhà và có gia đình ở Lausanne mời mọi người về nhà nấu ăn và trò chuyện với nhau.

Hết năm học đó, bạn bè chúng tôi giải tán, phần lớn không học chung với nhau trong một lớp, một bạn thì học tiếp bên Paris. Vì thế tôi không mang theo cơm nữa, tôi có cảm tưởng mang theo cơm thì hôi cặp của mình. Nhưng ăn cơm một mình mới là điều buồn nhất. Và như thế, tôi đi ăn ở cantine, phải đi bộ qua một ngọn đồi bé bé xinh xinh. Ở đó, tôi có thể gặp mặt một vài khuôn mặt quen quen và ngồi chung bàn với họ.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro

Tags: #tảnmạn