Lặt Lá Mai Nghe Má Kể Chuyện Ngày Tết
Không khí Tết dường như đã tràn về khi má "ra lệnh": "Mấy đứa chuẩn bị phụ má lặt lá mai". Chúng tôi mỗi đứa đem theo một cái ghế đẩu ra đứng dưới mấy cây mai trước cổng.
Thế là những lá mai tươi lần lượt rơi khỏi cành để lại toàn những nụ mai tròn mập và những búp lá mai non nhọn như ngòi viết, hứa hẹn đến ngày đầu Xuân sẽ nở bung những cánh rực vàng.
Niềm rộn ràng của những ngày giữa tháng Chạp còn được nhân lên khi bắt đầu nghe tiếng chày quết bánh phồng vang đều khắp xóm, tiếng gọi nhau của má và mấy dì mấy mợ rủ nhau hùn hạp nhóm lò để làm bánh tráng (vì đắp lò rất cực nên vài nhà cùng làm một lò rồi thay phiên nhau đổ bánh).
Má tôi đổ bánh tráng rất khéo, rất đều tay. Còn tôi hễ đi học thì thôi còn ở nhà là quẩn quanh bên má, chờ má sai vặt và xin bánh tráng ăn, đợi bánh tráng đầy vỉ rồi đem đi phơi nắng. Tôi nhớ hoài dáng má ngồi làm bánh, vai vắt chiếc khăn rằn liên tục chận mồ hôi.
Chừng ngoài Hai Mươi Âm lịch thì má tôi bắt đầu nhổ cải làm dưa (loại cải tàu xạ cọng dày lá lớn). Cải đem về được phơi cho héo rồi cắt bỏ bớt lá, trụng sơ qua nước sôi rồi để ráo. Sau đó nấu nước muối để nguội, nhận cải vào khạp rồi đổ nước muối vào, má tôi còn thắng nước đường để cho cải vừa ăn. Khoảng ba ngày sau thì lấy nước vo gạo đổ vào cho cải mau chua... Trong những ngày Tết , bữa cơm nào cũng có một dĩa dưa cải trên bàn, đặc biệt là ăn cùng với thịt kho rệu, vị chua ngọt quyện vào nhau, ăn hoài không biết chán... Sau này khi lớn tôi được đi nhiều nơi, qua các vùng miền, nhưng không có nơi nào làm dưa cải vừa ăn như là món dưa của má.
Càng gần ngày Tết bận rộn càng nhiều nhưng niềm vui càng tăng lên gấp bội, nhà tôi có ba chị gái, cũng như má, các chị đều rất khéo tay, đặc biệt ngày xưa đồ ăn Tết đều tự làm tại nhà ít mua ở chợ như bây giờ.
Khoảng Hăm Tám Hăm Chín Tết là má bắt đầu làm mứt dừa, kẹo chuối... Chái bếp ngào ngạt mùi thơm của mè rang, đậu phộng, nước đường... Má và các chị đứng trong bếp luôn tay xào trộn, còn lũ trẻ chúng tôi tha hồ chạy lăng xăng vòng quanh, lòng mừng rơn khi được má kêu lấy giùm lúc thì chai dầu dừa, khi thì chén gừng xắt mỏng...
Thích nhất là đêm nấu bánh tét, má bắc cái nồi thật lớn ngoài sân, quanh bếp lửa đỏ hồng chúng tôi ngồi gần má và các chị tha hồ hóng chuyện, có khi còn nghe kể chuyện ma... Mãi đến bây giờ tôi không thể nào quên khi má mở nắp vung nồi bánh tét, cái mùi của lá gói bánh khi bánh vừa chín tới, nó thơm kỳ... mùi lá chín, mùi của cỏ cây rơm rạ quê mình.
Thuở nhỏ hễ má làm gì tôi cũng thường ngồi bên cạnh xem má làm và chủ yếu là để... xin má ăn vụng một chút thức ăn. Nếu má gọt xoài thì chờ má gọt xong xin cái hột, còn má nạo dừa thì ngồi xem dừa có mộng không để xin má cho cái mộng dừa... Nào ngờ đâu những cách làm của má đã tự bao giờ đi sâu vào ký ức, sau này lớn lên tôi xa nhà xa má đi trọ học, nỗi nhớ má lúc nào cũng đong đầy và lòng thật ngạc nhiên khi thấy mình làm bếp, dọn nhà sao mà giống má, từ cách lặt rau cho đến xắt bí, nấu canh chua... Đặc biệt là làm các món ăn trong những ngày Xuân...
Riêng ba tôi thì thường lãnh phần dọn dẹp bàn thờ, lau chùi các lư hương và chưng trái cây ngày Tết. Công việc này năm nào cũng được ba làm cẩn thận và cung kính. Trái cây tươi ngon được hái ngoài vườn, được lựa chọn những trái to nhất và đẹp nhất, chất đầy đĩa lớn, đặt trang trọng trên bàn thờ.
Còn việc dọn dẹp nhà cửa và quét lá trong vườn thì được má và mấy chị đảm nhận.Tôi còn nhớ rất rõ cảnh đốt lá khô ở một góc vườn thật là vui, bọn trẻ chúng tôi chạy vòng quanh đống lửa, còn má thì vừa tưới nước cho lửa cháy không cao, vừa luôn miệng nhắc chúng tôi: "Mấy đứa coi chừng phỏng". Bây giờ trong ký ức tôi còn lưu giữ mãi âm thanh tí tách của lá bưởi lá cam đang cháy.
Chiều Ba Mươi Tết là việc dọn dẹp nhà cửa và làm đồ ăn Tết xem như hoàn tất. Trong nhà ngoài sân đều sạch sẽ tinh tươm theo bàn tay má và mấy chị. Tôi cảm thấy niềm vui tràn ngập, tôi được nghỉ học ở nhà, được gặp mặt đầy đủ các anh chị, được xem má và mấy chị làm đồ ăn trong ngày Tết, được ăn nhiều món ăn ngon mà ngày thường không có...
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro