Mùa Tết Nào Con Phụ Má Làm Bánh, Làm Dưa...

"Tết mà không có nồi bánh tét, khạp dưa giá thì không gọi là Tết" - má tôi hay nói vậy mỗi lần trời bắt đầu se lạnh vào sáng sớm, sương mù giăng phủ nhập nhòe không rõ mặt người.

Lúc đó tôi chưa hiểu hết ý nghĩa lời của má. Còn nhớ, từ trước Tết ba tháng, tôi đã lo cột lưỡi hái vào cây sào dài, phụ má đi cắt bỏ những tàu lá chuối hột đã bị gió mưa xé te tua để cây có sức nuôi các tàu lá mới cho kịp gói bánh Tết. Sáng sớm Hai Mươi Ba tháng Chạp, đưa ông Táo về trời xong, mấy má con vác sào đi cắt lá chuối. Má cắt, tôi lượm mang ra những khoảnh sân nắng mà phơi.

Chiều muộn, mấy má con ngồi bẹp ngoài hàng ba, con đứa thì chẻ dây, đứa thì lau lá cho má lựa. Miếng lá nào lớn dài chọn để xếp riêng dành gói bánh tét. Miếng lá nào nhỏ ngắn thì để gói bánh ít. Còn lại bao nhiêu để dành cho khạp dưa giá.

Thời đó khó khăn nhưng cả xóm nhà nào cũng cố có một nồi bánh tét trước Giao Thừa cho có Tết với người ta. Chuyện đào lò cho má nấu bánh tét đã có cậu em và đứa cháu trai, má tôi chỉ bước ra bước vào từ bếp đến vườn để đo chỉnh một chút cho bếp đào đừng quá nông, củi khó cháy hoặc đừng quá sâu, nấu hao củi.

Năm nào có ngày Ba Mươi Tết thì sáng Hai Mươi Chín tháng Chạp, mấy má con đã bày đồ đầy sàn giếng. Đậu xanh dù đã ngâm từ đêm hôm trước, nhưng đãi xong hơn chục ký đậu xanh cà cho thật sạch, nạo xong hơn mười trái dừa khô thì cũng trưa trời trưa trật. Rồi lột kiệu, rửa giá hẹ để má làm dưa giá. Rồi mang nếp đi xay về bỏ vào bao vải, dằn thớt lên dành gói bánh ít.

Vui nhất là cả nhà quây quần bên má gói bánh. Giấc gà gáy 1 giờ sáng, má đã gọi từng đứa con dậy. Mùi cà phê pha bằng vợt thơm lừng. Quanh má là những thúng nếp ngâm để ráo, trộn nước lá dứa đâm nhuyễn, thúng đậu, thau thịt ba rọi cắt thành miếng dài. Má khéo léo lấy chén múc nếp đổ lên lá, rải đậu trước khi đặt miếng thịt ba rọi lên, rồi lại rải đậu và đổ thêm chén nếp lên gói lại rồi đưa cho mấy đứa con buộc dây.

Tôi hay được má khen buộc dây đẹp, siết dây vừa đủ chặt nên không buồn học cách gói như chị tôi. Gói xong mấy chục đòn bánh, trời cũng đã sáng và nước trong nồi cũng vừa sôi để thả bánh vào. Mấy má con lại quay vào gói bánh ít tiếp.

Tôi phụ má nặn đậu xanh nấu chín thành từng viên nhỏ nhưng vẫn thích nhìn mãi mấy ngón tay má khéo léo nhẩn nha miếng bột nếp dẻo quẹo cho mỏng bớt và đặt viên đậu xanh vo sẵn vào, túm lại, nhúng chút dầu đậu phộng xoa nhẹ lên miếng lá chuối trước khi đặt lên và gói lại. Gói xong còn dư bột, má thường đổ hết vào cái khay nhôm tròn để làm bánh tổ.

Bánh ít và bánh tổ được má đặt vào xửng hấp của nồi bánh tét. Và bao giờ cũng vậy, trước khi bàn thờ tổ tiên được mấy má con đốt đèn thắp nhang chuẩn bị cúng Giao Thừa thì những đòn bánh đã được vớt xong, nhúng qua nước lạnh rồi treo dài trên giá bếp. Khó thể nào quên cái vị ngon của miếng bánh tét từ nồi vớt ra, vừa ăn vừa xuýt xoa vì nóng. Cũng khó thể nào quên ánh mắt và nụ cười đầy hạnh phúc của má khi đám con cháu dâu rể quây quần về ăn lấy ăn để những khoanh bánh tét xanh ngon.

Có những chuyện chỉ còn là hoài vọng khi cha mẹ khuất núi, như chuyện nồi bánh tét và khạp dưa giá dành cho ngày Tết của má tôi. Mảnh đất chia năm xẻ bảy cất làm nhà trọ, những khoảnh sân xi măng thay dần chỗ trước kia là những bụi chuối già đứng lặng lẽ. Cái nồi nấu bánh xưa của má, tôi mang về gác mãi mãi trên giàn bếp. Bánh tét hay khạp dưa giá đã lùi thật xa vào dĩ vãng.

Con người thường chỉ nhận ra những chân giá trị, những tình yêu thương vô bến bờ với người thân khi họ đã rời xa vĩnh viễn. Mười năm, khoảng thời gian không ngắn trong kiếp nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày, nhưng vẫn chẳng đủ dài để mà quên những giây phút mấy mẹ con côi cút có nhau chuẩn bị cho ba ngày Tết thiêng liêng trong mỗi gia đình. Không đủ để tôi quên dáng má mình với chiếc áo túi ngắn tay vác sào đi cắt lá. Không đủ dài để thèm đến cháy lòng dù chỉ một lần sống lại đêm gói bánh tét năm xưa, buồn ngủ quá phải nằm khoanh tròn cạnh má với mùi dầu xanh lúc nào cũng thoang thoảng quanh mình. Không đủ dài để tôi quên giọng má kể chuyện đời xưa của má khi có đám con ngồi quanh phụ cột bánh.

Và càng không đủ dài để dù ăn bất kỳ miếng bánh nào, dù mộc mạc dân dã hay sang trọng cầu kỳ, vẫn nhớ quay quắt khoanh bánh tét và miếng bánh ít mới vớt từ nồi ra nóng hôi hổi những ngày còn có má.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro

Tags: #tảnmạn