[Lãng mạn] Thư gửi từ ải xa
Lần cuối chúng tôi gặp nhau, anh đặt lên trán tôi một nụ hôn. Nhẹ phớt, nhưng gói gọn bao tình cảm bao nhiêu năm của chúng tôi vào bên trong. Anh đội mũ cối, mặc áo quân phục đã sờn vải, tay ôm theo chiếc đàn ghita, vẫn phơi phới nhiệt huyết như cái ngày chúng tôi mới gặp.
"Chiến sự dở dang, đằng trên đang gấp rút kêu gọi dân mình tham gia kháng chiến. Em ở quê nhà sống thật tốt, chờ tin vui của tổ quốc, anh sẽ trở về."
"Em sẽ chờ."
Anh xoa mái tóc tôi, búng lên chóp mũi còn đang đỏ ửng. Đáp lại bằng một cái nhăn mặt mè nheo, tôi biết anh đang cố động viên tôi. Vì chẳng biết từ lúc nào mắt tôi đã rơm rớm nước.
Tôi tranh thủ ngắm anh thật kĩ. Ánh mắt sáng với vòm trán cao, một chàng trai đôi mươi còn vẹn nguyên khát vọng tuổi trẻ. Nếu không phải đi chiến tuyến, hẳn giờ anh đã chuẩn bị lấy bằng kĩ sư. Anh không nói, nhưng tôi thừa biết rằng anh buồn thế nào, dằn vặt cả chuyện cưới hỏi với tôi vì để nhân duyên lỡ dở. Nhưng biết sao được, quê nhà gian truân, anh không thể bình thản ở nhà nhìn những chiếc trực thăng bay phành phạch trên nền trời.
Chiếc xe chở lính mới nhập ngũ ra căn cứ được nguỵ trang bằng những cành lá xanh khô quắt, trầy xước và lác đác vết đạn ghim vào. Tôi nhìn theo bóng anh vẫy tay xa dần mà lệ đã tràn khoé mi, cầu cho anh bình an nơi chiến tuyến.
Anh vẫn gửi thư về đều đặn, mỗi tháng một lần. Ngày nào xe tải chở thư gửi về gia đình là con tim treo lơ lửng của tôi lại thở phào nhẹ nhõm. Cứ mỗi lá thư anh gửi về, là tôi biết anh vẫn còn khoẻ mạnh nơi ải xa. Tôi kiểm tra, soi xét từng nét chữ, ngẫm nghĩ cả ngày trời chỉ vì một vài câu chuyện của anh. Tính anh vốn hoà đồng, lanh lợi nên có khá nhiều anh em đồng chí, vào sinh ra tử có nhau. Chỉ cần thấy anh không cô đơn, buồn tủi khi xa nhà, tôi lập tức cảm thấy an lòng.
Anh kể nhiều chuyện lắm. Hẳn là sợ tôi buồn lo, nên lúc nào cũng có vài ba câu chuyện hài nơi quân trại. Khiếu hài hước của anh vẫn không hề bị quân cương làm phai nhoà, mà còn có phần tinh nghịch hơn.
"Gửi Nguyệt,
Nay tiểu đội anh vừa phát hiện ra một chuyện động trời. Rằng ông trưởng trại sùng Đảng anh từng kể ấy, thực ra bị hói nhẵn một mảng đầu. Ông ta kịch liệt tẩy chay đồ Tây, đến cả cái ghita của anh cũng nhăm nhe phá hoại, ấy thế mà lại dấm dúi mua thuốc mọc tóc của Tây!
Bọn anh bắt gặp ổng đang bôi thuốc lên cái đầu bóng nhẫy, lơ thơ vài sợi trên đầu. Thằng Hoàng không chịu được bèn phá lên cười, hậu quả ba thằng bị bắt, phải xách nước từ dưới chân núi, chạy đến tận khuya. Nhọc lắm! Vậy mà vẫn phải nhấc cái thân tàn lên viết thư cho em và các cụ, thấy nỗ lực phi thường chưa?
Anh mới đi có ba tháng, ở làng còn mấy thằng nhà địa chủ giàu có, đừng có "thèm người" mà tơ tưởng lung tung. Xa mặt cách lòng, còn chờ anh không đấy?
Gửi từ ải xa,
Việt Bắc 06/10/1963."
Mấy thằng địa chủ anh kể, là những thằng nhà giàu chạy tiền để trốn không đi lính. Chúng nó sợ mất cái mạng, mà mấy ông lớn cũng sợ mất đi cái đứa nối dõi tông đường. Ngày xưa tôi có từng mê mẩn một gã thật, nhưng đến khi phát hiện ra không thể trông đợi được gì từ đám nhà giàu, tôi đã bỏ luôn giấc mộng thời trẻ dại.
Anh biết hết quá khứ của tôi mà cứ giấu. Tôi tủm tỉm gấp gọn lá thư, cất kĩ vào một chiếc hộp sắt. Chiếc hộp phảng phất mùi hoa bưởi ướp khô, khiến tôi nhớ đến hương hoa bưởi vườn nhà anh mỗi lần gặp mặt.
"Gửi Nguyệt,
Biết gì không? Nay bọn anh gặp được cô thôn nữ giống em lắm nhé. Cô ấy đẹp, dịu dàng, ráng má hồng hây hây. Làm mấy thằng bạn anh mê mẩn không thôi. Thằng Việt nó biết em, quay ra liếc anh đầy ý tứ, nhưng anh chỉ lắc đầu vì một em đã đủ mệt rồi. Anh không cần thêm một người phải chờ mình nữa.
Kể cũng may. Mấy thằng chạy ra làm quen thì đụng ngay phải chồng cô gái. Người anh ta vạm vỡ, to phải gấp rưỡi người anh. Hắn lườm một cái, chúng nó tái mét rồi thi nhau chạy, khiến anh cười cả ngày không thôi.
Ngày ngắn đêm dài, còn chờ anh không đấy?
Gửi từ ải xa,
Ninh Bình 15/12/1963."
Sau mỗi một bức thư lan man chuyện một hồi, bao giờ câu kết anh cũng để lại một dòng nhắn nhỏ "Còn chờ anh không đấy?" và lúc nào tôi cũng đáp lại nhiệt tình rằng "Mùi mẫn thấy gớm. Đương nhiên là em vẫn chờ."
Nhưng sẽ chẳng ai biết được, đằng sau mỗi câu hóm hỉnh chúng tôi đùa nhau, luôn là những giọt nước mắt thầm lặng và nỗi day dứt dai dẳng không thôi.
"Gửi Nguyệt,
Nay trên đường công tác, tổ đội bọn anh đã gặp được má Năm chuyên chở đò cho lính Việt qua sông. Má nay tầm lục tuần rồi mà chân tay vẫn còn khoẻ lắm. Bọn anh ngồi khoảng mười hai người, sông thì chảy xiết, đêm rủ tối om mà má cứ guồng mái chèo lướt băng băng. Má kể thân má sinh được ba đứa, hai thằng lớn theo cha đi bộ đội đều mất sạch, còn đứa con gái út kẹt lại làng thì bị địch thả bom cháy rụi.
Hôm nay anh không kể chuyện vui được rồi, xin lỗi em. Ở quê cẩn trọng, nhớ thỉnh thoảng sang thăm các cụ nhà anh. Già rồi ở nhà mong ngóng con cũng buồn lắm, mà anh bất hiếu lại không chăm lo cho hai người. Tranh thủ kể mấy chuyện vui cho các cụ đỡ rầu.
Chiến sự hiểm nguy, đừng ngóng anh nhiều quá mà quên chuyện của mình đấy.
Gửi từ ải xa,
Nghệ An 05/8/1964."
Hí hửng cầm thư anh từ ruộng về, tôi lập tức rửa tay thật sạch rồi mới bóc ra. Nhưng rồi cảm giác vui sướng không còn nữa. Đọc từng dòng anh viết mà nước mắt lã chã rơi, lần này anh không bảo tôi chờ anh nữa.
Anh đã tuyệt vọng thế nào? Thông tấn làng cũng vừa báo tin, vùng Quảng Bình Nghệ An vừa bị bom Mỹ bắn phá, thương vong lên đến hàng nghìn người.
Anh đau đớn ra sao? Trong thư anh nói như nấc nghẹn, trên giấy cũng còn vài vệt nhăn nheo khô lại do bị ướt.
Anh đã day dứt, nhớ nhung, lo lắng đến nhường nào? Vùng quê tôi thuộc liên tỉnh Hà Nam Ninh, gần với khu vực càn quét của máy bay Mỹ, đương nhiên cũng bị liên luỵ ít nhiều. Làng tôi ở phía Đông Bắc nên không bị hề hấn, nhưng người ở xa không biết chuyện ở gần, ở nơi bom đạn tâm trí dễ bị hoảng, tôi sợ anh lại không yên tâm mà lơ là chiến đấu.
Tay tôi run run, bút cũng không cầm lên nổi. Cố trấn áp mình là phải báo tin bình an cho anh, nhưng giờ người tôi mềm nhũn, ngồi phịch xuống đất mà không thể đứng lên. Tôi cứ thẫn thờ như thế nhiều giờ, cho đến khi tiếng bom lại một lần nữa rung chuyển một góc trời. Thét lên hoảng loạn, tôi bất chợt ngó về phía Nam. Quân Mỹ không tha cho tôi, không tha cho anh, không tha cho những kẻ khốn cùng sinh nhầm vào thời chiến.
Thư tôi vẫn đáp lại đều đều, nhưng thư anh đã gửi lại ít hơn. Lâu ngày tôi chủ động viết cho anh, viết thật nhiều, và vẫn cứng đầu ấn mạnh dòng chữ "Em vẫn chờ" ở cuối thư. Tôi không cho anh rũ bỏ trách nhiệm, bắt tôi chờ một năm rồi lại phủi tay bỏ đi. Anh phải sống, phải bình an, để rồi trở về với tôi sau ngày chiến thắng. Vì đấy là lời hứa của chúng tôi.
Một ngày nọ, nét chữ thân thuộc của anh đã không còn trên thư nữa. Hôm ấy vừa tròn hai năm anh đi lính, anh leo lên xe, rời xa tôi. Là chữ của người khác, tuy vẫn kể lại những câu chuyện của anh, nhưng đã không còn cảm giác quen thuộc. Hệt như một người xa lạ viết thư cho tôi.
Điều này khiến tôi hoảng loạn cực độ.
Khi mẹ tôi đi làm đồng về, tôi ôm chầm lấy bà mà khóc. Tôi siết thật chặt, thật lâu, đến khi nước mắt ướt đẫm manh áo bà. Mẹ tôi dịu dàng ôm lấy tôi, vuốt lại mái tóc rối bù, vỗ về khóe mắt ửng đỏ như khi tôi còn bé xíu.
"Liệu anh Nhật có sao không mẹ?"
Tôi ngoan ngoãn ở trong lòng bà, mắt sưng húp, kể lại những gì tôi nghi ngờ. Mẹ đưa tay xoa lưng cho tôi, tay bà thô ráp, cũng đã héo mòn đi vì thời gian.
"Không phải nó vẫn gửi thư về cho con đấy sao? Trên chiến trường đâu tránh được một hai vết thương, vậy mà vẫn gửi thư cho con, không phải là không muốn con lo lắng hay sao? Đàn ông đã hứa thì sẽ giữ lời, mẹ tin nó không phải người thất hứa."
Tôi yên tâm trở lại, nhưng những bức thư sau, vẫn cái giọng điệu hóm hỉnh của anh, nhưng lại là nét chữ người khác. Tôi có hỏi han, nhưng đều bị anh chèo lái sang chuyện khác.
Có lần tức quá, tôi đã viết rằng "Anh mà không nói, em sẽ không thèm chờ anh nữa đâu." Nhưng anh chỉ ôn hoà kể lại chuyện tiền tuyến, cuối thư ghi vỏn vẹn một dòng, "Anh xin lỗi."
"Gửi Nguyệt,
Hôm nay là sinh nhật em, nhưng không biết xe có gửi về đúng ngày hay không. Chiến sự đang ở nước rút, bọn anh cuối cùng cũng có chút hi vọng rồi. Sau đợt này có khi anh được về thăm quê, sẽ đem về vài cậu đẹp trai cho em ngắm thoả mắt. Nốt năm nay đón sinh nhật một mình, rồi năm sau, năm sau nữa, anh sẽ về với em.
Thôi thì cố chờ thêm chút nữa, em nhé?
Gửi từ ải xa
27/10/1966"
Tôi xúc động rung rung, ôm ghì lá thư vào trong lòng. Bao thời gian qua tôi đã không nhọc lòng chờ đợi, giờ coi như khổ tận cam lai. Liệu ông trời đã nghe thấy lời cầu xin của tôi mà cho chúng tôi một lối thoát?
Có điều tôi không biết rằng, lá thư đó lại là lá thư cuối cùng anh gửi cho tôi.
Anh đã không về như đã hẹn. Quân Mỹ sau khi bị phản công lập tức đáp trả dữ dội hơn, đánh bom liên tục, tàn phá khắp miền Nam tổ quốc. Chúng hoành hành nguyên một năm trời, và suốt một năm nay, tôi đều không hề hay tin anh.
Người ta không báo về cái chết của anh, nên tôi chắc bảy phần rằng anh còn sống. Nhưng tại sao anh lại không gửi thư cho tôi? Suốt một năm trời, anh đã đi đâu, làm gì, tại sao đến một câu "Anh ổn." anh cũng không thể để cho tôi biết?
Nhưng rồi, cuối cùng thì tôi cũng hiểu tại sao.
Mùa xuân năm 1968, anh được đưa về làng. Người anh gầy quắt, hốc mắt sâu hoắm, vết sẹo hằn rõ trên gương mặt xương xẩu. Anh được trở về sớm hơn so với mọi người, vì giờ, anh đã không còn khả năng chiến đấu. Với một tay bị liệt, chân phải bị mất và người chằng chịt sẹo, anh tỏ ra bối rối khi được tôi ôm ghì vào lòng.
"Sao em vẫn còn chờ anh?"
"Vì đây là lời hứa. Anh thất hứa, nhưng em thì không. Suốt năm năm ròng, ngày nào em cũng vẫn chờ, vẫn luôn đợi chờ."
Nhưng anh tỏ vẻ khang khác. Anh trầm lặng hơn, và không còn vẻ hài hước như xưa nữa. Anh vươn cánh tay còn lại lên gò má tôi, run rẩy, cổ họng nghẹn cứng không thể thốt ra thành lời. Tôi nhận ra rằng tay anh bây giờ chẳng khác gì da bọc xương.
Rồi đột nhiên anh bật khóc.
"Nguyệt, anh nhớ mặt em rồi. Anh nhớ ra em rồi!"
Tôi bất giác rùng mình.
Anh vừa nói... anh nhớ ra tôi?
Anh chiến sĩ đỡ anh về nhanh nhảu lên tiếng.
"Bom đạn gây thương tổn não cậu ấy, đến trí nhớ cũng mất sạch. Cả tháng trời cậu ta còn chẳng biết mình là ai, vì sao phải chiến đấu. Cậu ta mất gần một nửa phần người, đến ý chí sinh tồn cũng chẳng còn, sống lay lắt như bóng ma đêm. Tôi cứ nghĩ chỉ cần một trận tập kích nữa, cậu sẽ chết mất. Nhưng rồi cậu ta bất ngờ tìm thấy tập thư của cô, thức trắng đêm đọc lại từng cái một. Tôi chưa bao giờ thấy ánh sáng nào mạnh mẽ như đôi mắt cậu lúc ấy. Nhật như sống lại, cậu ta chăm chỉ rèn luyện, sau còn có thể chiến đấu hỗ trợ chúng tôi."
Anh ta vừa nói, vừa vỗ vai tôi thán phục.
"Những dòng chữ của cô, đã cứu sống được cả một tính mạng đấy."
Giờ thì không chỉ anh khóc, mà tôi khóc, thầy mẹ anh cũng khóc. Chúng tôi đoàn tụ sớm hơn dự kiến, ngay cả khi nước nhà vẫn chưa có tin vui. Nhưng với tôi đó đã là quá đủ, tôi đã có một mái ấm trọn vẹn bên người tôi yêu thương.
Không lâu sau anh đã đi lại thành thạo, người được tôi chăm liền béo khoẻ hẳn ra. Dù mất một tay chân nhưng anh không muốn mình vô dụng, chẳng mất bao lâu đã làm được đồng áng như người bình thường.
"Giờ thì em đang chờ gì thế?"
Anh hỏi tôi, khi bắt gặp ánh mắt chăm chú của tôi ngắm anh vót tre.
"Chờ cái bản tính hóm hỉnh của anh trở lại."
Anh bật cười dịu dàng. "Em chờ sáu tháng rồi không thấy chán sao? Nhớ cái tính xưa cũ đến thế à?"
"Vớ vẩn. Tính cả một năm đợi thư anh nữa là mười tám tháng. Còn nếu từ cái lúc tiễn anh đi là sáu năm. Sáu năm rồi đấy nhé."
Anh trầm lặng, vẫn cái ánh mắt sâu hun hút khác hẳn khi xưa.
"Nhỡ anh không hài hước trở lại thì sao?"
"Thì vẫn có em chờ. Đằng nào chả sáu năm, thêm dăm ba năm nữa cũng chẳng sao."
T6/2017,
Thủy.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro