Tây Cố Bà Sa - 18

Tác giả báo trước: Trong bộ truyện "Bà Sa" này, chế độ giáo dục của cấp 3 và đại học và nội dung học ngành Y nói riêng đều có chút khác biệt so với hiện tại. Nói đơn giản hơn thì đó là chế độ giáo dục thời của tui đó, còn mớ lý thuyết y học cổ truyền là tui chém gió nha. (Biết làm thế nào được, tại zì là tui hông tiêu hóa được mớ tài liệu quá ư là sâu sắc khó hiểu đó mà!) Thế nên mọi người cứ coi như đây là một câu chuyện có tới một nửa là thuộc thời không khác đi ha, đừng truy tìm nguyên cớ sai lệch làm gì... Tác giả xin cảm ơn Q_Q

***

So với lớp mười vô cùng rối ren loạn lạc kia, từ sau khi Hồi Đầu Đường bắt đầu có lãi đủ để giúp họ chi trả sinh hoạt phí, lại thêm việc họ dần quen với việc dậy sớm thức khuya làm lụng học hành, nên cuối cùng khi lên lớp mười một, cuộc sống của họ trở nên bình lặng yên ả hơn hẳn.

Vấn đề lớn duy nhất ấy là, trường cấp ba của huyện vốn luôn trộn lẫn trai gái học cùng lớp với nhau, bỗng dưng thầy hiệu trưởng không biết ăn nhầm cái gì mà vỗ bàn một cái quyết định chia con trai học lớp riêng con gái học lớp riêng. Thế nên Diệp Tử và Tây Cố lớp mười còn học cùng lớp với nhau, lên lớp mười một lại ai đi đường nấy - vì lớp học của họ cách nhau rất xa xôi.

Sau khi lên cấp ba, Tây Cố không còn phải chịu gánh nặng kinh tế gia đình nặng nề nữa. Tuy ở Hồi Đầu Đường cũng rất vất vả mệt nhọc, nhưng dù sao gã vẫn có đủ thời gian rảnh rỗi ngồi tập trung nghiêm túc làm bài học bài. Gã vốn thông minh bẩm sinh, cho dù hoàn cảnh ăn ở học hành hồi cấp hai khó khăn là thế mà gã vẫn có thể giữ cho kết quả học nằm ở khoảng giữa chừng không quá kém cỏi. Giờ gã lại có thời gian tập trung học hành, lại có 'gia sư siêu cấp' là Diệp Tử dạy kèm mọi lúc cần thiết ở nhà, nên thành tích học tập của gã có thể nói là lên nhanh như tên lửa, đứng trong top 20 học sinh giỏi trong khối, thậm chí đứng thứ nhất thứ nhì trong lớp mình.

Thoát khỏi trường cấp hai vị trí quá gần nhà với đám học sinh hay đồn đãi nhảm nhí thêm mắm dặm muối, giờ gã học trường cấp ba của huyện, cách xa nhà hẳn nửa tiếng đi xe buýt công cộng, thế nên cậu trai trẻ dáng vẻ ngầu lòi lại còn học giỏi kia trong mắt đám bạn học xung quanh chỉ toàn thấy 'khuyết điểm' hóa thành 'đặc biệt bắt mắt'. Cậu trai bị đồn là 'học sinh cá biệt' rồi thì 'du côn phóng đãng' thời cấp hai giờ trở thành một lãng tử kịp thời quay đầu hối cải, nên đương nhiên trở nên cực kỳ cuốn hút. Đám con trai tranh nhau mời gã đi chơi bóng rổ. Đám con gái nhìn cậu đỏ mặt chớp chớp liếc liếc.

Nếu không phải mặt gã lúc nào cũng lạnh ngắt như đít bom, lại lúc nào cũng như bóng với hình với Diệp Tử, e là số thư tình gã nhận được sẽ bùng nổ như thủy triều bão tố...

So với gã, Diệp Tử nhạt nhòa hơn rất nhiều. Giờ đã không cần học giỏi để trả ơn sinh thành, nên cô hoàn toàn buông xuôi việc cố gắng điểm cao, chỉ cần đảm bảo giữ điểm số thuộc dạng khá khá ở giữa là đủ. Cả lớp bốn mươi lăm học sinh, cô đứng thứ hai mươi, cực kỳ vững chắc mặc cho ai lên ai xuống, bão cấp 10 cũng không thổi bay vị trí đó nổi, mãi cho tới khi tốt nghiệp. Còn trong cả khối lớp, thứ hạng của cô cũng vững bền nằm trong số một trăm hai mươi học sinh đứng đầu, khiến cho thày giáo không có cớ gì trách cứ, nhưng cũng không có cớ gì khen ngợi bồi dưỡng thêm.

Ngoài việc có một cậu "bạn trai" vừa giỏi vừa ngầu khiến người khác ghen tị ra, cô cũng chỉ viết lách một ít tản văn, được đăng trên tập san của trường hoặc được xếp thứ hạng này nọ trong giải thưởng văn học các trường cấp ba. Trong mắt mọi người cô là một tài nữ kiêm mọt sách, im lặng ít nói, thái đội ung dung nhàn nhã. Đối với tâm sinh lý của đám học sinh cấp ba đã khá chín chắn, tính cách này của cô không quá nhạt nhòa nhưng cũng không khiến họ chướng tai gai mắt, nên toàn bộ những phiền toái cô gặp phải khi học cấp hai giờ hoàn toàn biến mất.

"Này cô học hành thế nào đấy hả?" Tây Cố giận dữ trách móc cô.

"Tôi lười làm hết bài thi." Diệp Tử đang thái đương quy thành lát mỏng, đầu không thèm ngẩng lên. "Dù sao cái gì cần biết thì tôi biết cả rồi, không cần chăm học như hồi trước nữa."

Tây Cố nổi giận đùng đùng. Xem ra vấn đề rất nghiêm trọng.

Cuối cùng Diệp Tử mới bất đắc dĩ ngẩng đầu. "Tôi không cần trả ơn sinh thành nữa, học giỏi để làm gì nữa đâu?"

"Có phải cô học cho người khác nhìn đâu! Cô chỉ cần là chính cô thôi, không cần phải thay đổi để thích nghi hoàn cảnh..."

"Không phải thế." Diệp Tử cười khổ. "Tôi thi tốt quá thì sẽ chiếm mất vị trí của người khác cần kết quả thi tốt để trả ơn sinh thành. Tôi không giống cậu, có nguyện vọng thi vào ngành Y học Cổ truyền. Tôi còn không biết mình có nên học lên đại học không nữa kìa..."

"Phải học chứ! Sao lại không lên đại học? Cô muốn học ngành nào cũng được... Văn học Ả rập cũng kệ xác cô, tóm lại cô vẫn phải học đại học cùng trường với tôi... Này đừng có ngồi thái lát mãi thế! Cô có nghe tôi nói không đấy hả?!..."

May mà có người bệnh tới khám, nếu không chỉ e Tây Cố còn lải nhải mãi không thôi. Từ ngày được chuyển thành "chính thức" xong xuôi, gã ta gần như coi Diệp Tử là nhiệm vụ hàng đầu của mình. Diệp Tử lười thi đại học, chỉ muốn ngồi nhà khám bệnh chui, còn gã cương quyết cho rằng phòng khám không thể không có giấy phép hành nghề Y học Cổ truyền chính thống, thế nên... gã mới quyết tâm thi đỗ đại học Y học cổ truyền để tương lai thi lấy giấy phép hành nghề cho dễ.

Tên thiếu niên lưu manh năm xưa, giờ trở thành lãng tử quay đầu hối cải, cơ mà quay đầu hơi bị quá đà thì phải. Diệp Tử than thở.

Hiện giờ, lúc Diệp Tử thăm khám thì Tây Cố cũng sẽ ngồi cạnh quan sát thực tập. Nhìn tổng thể đều là các bệnh mãn tính rồi thì bệnh do tuổi già cần được điều dưỡng bồi bổ là chính, và bổ sung bằng Tây y để điều trị. Diệp Tử rất hiếm khi cắt thuốc trị bệnh mà chủ yếu dùng đồ ăn dùng dược thiện nhiều hơn, đồng thời cũng rất ít khi yêu cầu bệnh nhân thay đổi thói quen ăn uống.

Người tới khám có quá nửa là người lớn tuổi, trung niên, còn đám thanh niên trai tráng mà gặp phải bệnh cấp tính, Diệp Tử bốc máy gọi xe cứu thương chở đi luôn khỏi cần khám.

Tây Cố mặt lạnh như đít bom thế thôi chứ khi nói chuyện với các ông bà già lại cực kỳ dịu dàng và kiên nhẫn. Không hiểu vì sao, đám bệnh nhân lớn tuổi thích gã ta lắm luôn, nhiều người tới tái khám nhiều lần, cả ông lão lẫn bà lão, thậm chí còn cầm theo đồ ăn ngon trong nhà làm cho gã, hớn hở như dỗ dành đám cháu chắt trong nhà. Bản thân gã cũng hớn hở nhận lấy, chưa từng cảm thấy phiền toái ngại ngần.

Nhưng cũng có một số phụ nữ tuổi trung niên đến khám khiến cho gã cực kỳ bực bội sốt ruột, không cách nào nhịn được cơn nóng tính của mình để yên lặng nhìn cô thăm khám, thái độ hoàn toàn ngược lại với khi các ông già bà lão đến khám.

"Tôi không hiểu cô khám cho mấy bà ý làm gì... Mấy bà í có bị làm sao đâu! Chẳng qua là rảnh rỗi sinh nông nổi... rồi thì chiếm mất chỗ của người cần lấy số để khám!" Gã làu bàu. Bởi vì mỗi ngày Diệp Tử chỉ khám cho năm người bệnh. Trong con mắt thiếu niên của gã, mấy bà cô trung niên này không phải lo cơm áo gạo tiền, hoặc là không có con hoặc là con đã lớn ra ngoài tự lập, hoặc là không có chồng hoặc là tình cảm vợ chồng trở nên nhạt nhẽo, cuộc sống ngày thường quá tốt hoặc quá bình thản, chủ yếu là không ốm cũng kêu.

"Các bà ấy bị bệnh hiểm nghèo đấy." Diệp Tử lạnh nhạt trả lời. "Học y đâu phải chỉ là xem mạch bốc thuốc. Học y còn cần phải biết hết tình đời ấm lạnh, hiểu rõ thất tình lục dục, toàn bộ sân si khổ ải, rồi mới có thể trở thành một bác sĩ tốt được. Chỉ chữa trị cơ thể thôi chưa đủ, còn cần phải chú ý chăm sóc cả tâm hồn. Cậu còn quá nhỏ nên không thể trách cậu không biết."

"Tây y thời đại này của các cậu quả thật rất mạnh, tôi cũng rất khâm phục. Nhưng Tây y phân tách một "người" ra thành vô số mảnh nhỏ nát vụn, chia y học thành vô vàn khoa khám khác nhau... Tôi không cách nào hiểu nổi điều đó, thật đấy. "Người" có lục phủ ngũ tạng, có kinh mạch máu thịt, thaatmj chí có cả linh hồn tình cảm, tất cả đều liên quan mật thiết tới nhau. Phân chia tới nát vụn ra như thế, nói thật, tôi không thể khám bệnh kiểu đó được."

Tây Cố nghe một hồi đầu óc quay mòng mòng, gã ngơ ngác nhìn cô rồi lại nhìn tập bệnh án dày cộp trên bàn. Người phụ nữ trung niên vừa rời khỏi kia, ấn tượng đầu tiên trong mắt gã là "tàn lụi". Mặc dù chưa tới bốn mươi tuổi, nhưng cảm giác hoàn toàn không còn khí sắc, cực kỳ ủ rũ, hỏi chuyện cũng trả lời nhát gừng không được đủ câu.

Nhưng tại sao Diệp Tử có thể viết bệnh án nhiều đến thế?

"Nếu chỉ xét từ mạch tượng... cậu thấy sao?" Diệp Tử hỏi ngược lại gã.

Tây Cố giải thích một lần suy luận của mình từ mạch tượng, Diệp Tử vừa nghe vừa sửa lại vài chỗ cho gã, xong xuôi cô gật đầu. "Cậu bắt mạch cũng tạm được rồi đấy... Thế rồi, theo cậu đây là bệnh gì?"

"Kinh nguyệt không đều, mất ngủ dài ngày... Cần phải điều hòa kinh nguyệt và an thần hỗ trợ giấc ngủ là chính... Nhưng mà theo tôi đấy chả phải bệnh gì to tát cả. Người nào thời nay chả gặp áp lực dài ngày..."

Diệp Tử cười gật đầu, rồi lại lắc đầu. "Cậu cũng tính là nhìn rõ được các biểu hiện bênh lâm sàng đấy, nhưng mà nguyên do gốc rễ của bệnh thì lại không chính xác. Cậu cảm thấy, bà ấy nhìn có muốn sống hay không?"

Tây Cố nghẹn lời. Bỗng gã sực nhớ lại ấn tượng đầu tiên của mình với người phụ nữ ấy: Tàn lụi.

"Bà ấy đến khám, chỉ là vì muốn người nhà bớt phiền lòng mà thôi." Diệp Tử nhẹ nhàng nói tiếp. "Không muốn sống, nhưng lại phải sống. Cũng vì thế, tôi hỏi han bóng gió xa gần, rồi mới phát hiện chứng bệnh thật sự của bà ấy là, khao khát tình Yêu, nhưng lại không có được tình Yêu."

"'Khao khát tình Yêu', ấy chính là một thứ bệnh hiểm nghèo."

Mặt Tây Cố nghệt ra ngơ ngác. Những điều ấy quả thật quá phức tạp quá xa vời với một cậu trai tuổi mới lớn còn non nớt, lại chỉ vừa mới thật sự đạt được tự do về linh hồn.

"Tây Cố, tôi biết giờ cậu vẫn chưa thể hiểu được điều này." Diệp Tử nói giọng dịu dàng. "Nhưng trước tiên cậu phải luôn nhớ kỹ đã, để sau này gặp phải tình huống thật sự mới không quá đau khổ. Chữ 'Ái' là Yêu ấy mà, trên đầu là chữ 'chích', nghĩa là nướng, quay, thiêu chín, ở giữa là chữ 'tâm' là trái tim, còn dưới đáy là một đống củi. Trái tim bị liên tục nung chín trong lửa nóng, ấy là 'yêu' vậy."

"Còn thì ca bệnh này, thật ra chỉ là tự cảm thấy mình già nua cằn cỗi, không nên cảm thấy ham muốn càng không nên có dục vọng, hoàn toàn bị đào thải ra khỏi cái gọi là 'thị trường yêu đương luyến ái'. Nhưng bà ấy không cách nào ngăn chặn bản năng, thậm chí không dám thừa nhận mình cũng có nhu cầu, khao khát... Làm người, nhất là đàn bà, một khi rơi vào tình trạng 'ái biệt ly, cầu bất đắc' thì sẽ tự động xuất hiện trăm ngàn chứng bệnh trong người... Bởi đó là bệnh hiểm nghèo."

(Chữ Ái được má Điệp chiết tự ở đây là chữ Ái trong phồn thể 愛, ở Đài Loan vẫn dùng phồn thể. Má Điệp bảo chữ Ái này ở trên là chữ chích 炙 nghĩa là nướng, quay; ở giữa có chữ tâm 心 là trái tim; còn dưới cùng là bộ tri 夂 nhìn giống đống củi, nên tình yêu là đặt trái tim trong lửa mà nung mà nướng. Cá nhân mình thì thấy bên trên là bộ trảo 爫 là động tác cào xé, giữa là trái tim, còn dưới cùng là bộ tri 夂 nghĩa là chậm rãi đuổi theo sau mà tới. Chữ Ái phồn thể do đó thể hiện tình yêu sẽ từ từ mà đến, và khi đến sẽ khiến ta cào xé tâm can nóng ruột vì nhớ nhung. Còn chữ Ái giản thể 爱 đã không còn chữ tâm ở giữa, bên trên vẫn là bộ trảo 爫 nhưng ở dưới lại là chữ hữu 友 là bạn bè, nghĩa là tình yêu hiện đại thường đi lên từ tình bạn, nhưng sẽ giằng xé mãnh liệt hơn tình bạn, và nhất là nếu tình yêu đi lên từ tình bạn mà không thành thì tình bạn đó cũng sẽ bị xé nát mà thôi. Chút thiển ý cá nhân, mong mọi người thứ lỗi.)

(Ái biệt ly, cầu bất đắc: hai trong số bảy nỗi đau khổ theo Phật giáo: sinh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, oán tằng hội, cầu bất đắc. Ngoài sinh lão bệnh tử, ba cái còn lại là yêu mà phải xa nhau, cầu mong mà không có được, và kẻ có thù oán với nhau lại phải sống chung với nhau.)

Tây Cố ngày thường rảnh rỗi vẫn luôn nhồi nhét bổ sung kiến thức ngoại khóa theo phương pháp nhồi vịt, nghe một hồi rồi cũng tỉnh táo lại. "... Đây là bệnh về tâm lý đúng không. Đúng là khó mà chữa khỏi hoàn toàn được..."

"Thế nếu là cậu cậu sẽ chữa ra sao?" Diệp Tử nhìn gã đầy hứng thú. Cô dạy y thuật cho Tây Cố nửa năm nay, nói thẳng ra thì trí thông minh của gã được phát huy rất tốt ở phương diện này... tốt hơn hẳn bài học chính khóa ở lớp.

Tây Cố lật giở bệnh án đọc lại, rồi trầm tư suy nghĩ rất lâu. Tới hôm sau gã mới rụt rè đưa cho Diệp Tử xem đơn thuốc và phương án điều trị của mình.

Đứa trẻ này lại chọn ra tay chữa từ biểu hiện mất ngủ và điều trị dạ dày trước. "Ăn được ngủ được là tiên, ăn ngon ngủ tốt rồi thì còn có gì làm khó nhau được nữa chứ?" Gã nghiêm túc giải thích. "Đầu tiên phải có sức khỏe rồi mới có điều kiện thương xuân khóc thu chứ. Nếu không cả người lụi bại yếu dần, đến buồn còn không có sức mà buồn, khóc còn không có sức mà khóc..."

Diệp Tử cười lăn ra một lúc, nhưng đáng ngạc nhiên là cô vẫn dựa theo phương án non nớt đó của gã mà chữa trị. Tây Cố tỏ ra rất kinh ngạc, nhất là khi bệnh nhân quả thực dần dần khá hơn rất nhiều.

"... Tại sao lại thế nhỉ?" Mặc dù đơn thuốc là do gã tự tay kê đơn, nhưng gã vẫn không nhịn được ngơ ngác khó hiểu.

"Về cơ bản thì suy luận của cậu là chính xác." Diệp Tử khen ngợi. "Nhu cầu của con người rất nhiều rất nhiều, nhưng nhu cầu cơ bản nhất quả thật chính là ăn uống và ngủ nghỉ. Chỉ cần hai điều đó được thỏa mãn, coi như có cơ sở để làm việc khác. Còn các viêc khác... cậu không phát hiện ra mỗi lần thăm khám cho bà ấy, tôi đều nói khá nhiều hay sao?"

Tây Cố gật đầu. Gã quả thật không hiểu vì sao khi khám bệnh cho mấy người phụ nữ có tuổi nhưng dáng vẻ tàn lụi này, Diệp Tử trước nay vốn rất kiệm lời giờ lại mở miệng nói chuyện vòng vèo hơn nhiều.

"Bởi vì bà ấy cảm nhận được sự quan tâm của tôi." Diệp Tử nhẹ nhàng nói, giọng nhuốm vẻ xót thương. "'Yêu' là thứ có tính độc nhất, chiếm hữu, càng có tính ăn mòn. Nhưng 'Tình' lại bao dung rộng thoáng nhiều hình nhiều vẻ, trong số đó biểu hiện có ích nhất chính là 'quan tâm chăm sóc'. Muốn cho chứng bệnh hiểm nghèo 'Khao khát tình Yêu' được giảm bớt, mục đích là phải chuyển hóa nó từ 'Yêu' thành 'Tình', thông qua sự quan tâm, tình bạn bè, tình thân gia đình, cảm nhận được ấm áp, nuôi dưỡng hứng thú... Thầy thuốc không phải chỉ kê đơn bốc thuốc, mà càng cần thể hiện sự thông cảm, ủng hộ bệnh nhân. Người bệnh cảm nhận được sự ủng hộ duy trì hỗ trợ đó, ấy là bệnh đã có thể thuyên giảm phần nào... chỉ cần bà ấy muốn mình khỏi bệnh. Còn nếu như bà ấy không muốn mình khỏi bệnh thì... 'thuốc chữa bệnh không chết người', nhưng người chỉ muốn chết thì không thuốc nào chữa được..."

Thấy Tây Cố cúi đầu ngẫm nghĩ, Diệp Tử chống má nhìn gã. Thật ra thì còn có cả vấn đề tế nhị là nhu cầu sinh lý nữa, rất nhiều chứng bệnh là do âm dương không điều hòa mà ra. Nhưng là 'nhu cầu sinh lý' cũng có thể thuần phục... cơ mà điều này nói với cậu ta e là còn sớm quá...

"'Yêu' tệ hại đến thế sao?" Tây Cố ngẩng lên lo lắng.

"Không phải." Diệp Tử an ủi gã. "Cũng giống như bị thủy đậu ấy. Khi một người bị lên đậu ồ ạt, Tây y chẳng phải nói là sẽ có kháng thể vĩnh viễn trong cơ thể đó sao? Kháng thể ở đây chính là cái 'Tình' mà thôi. Cái gọi là yêu nhau suốt đời, thật ra chính là tình yêu chuyển thành hỗn hợp tổng thể tình thân và tình bạn. Không ai có thể bị thủy đậu cả đời cả."

Tây Cố gật gù mặc dù nửa hiểu nửa không. Nhưng là một cậu trai non tơ đang lớn cực kỳ sĩ diện, đương nhiên gã sẽ không nói thật là mình không hiểu. Tri thức ba ngàn năm chưa đuổi kịp đã đành, giờ đã giải thích rõ ràng rành mạch như thế mà còn bảo không hiểu... mất mặt lắm thôi.

Mặc dù quả thực là gã không hiểu hết được...

***

Nhắc tới thủy đậu, trong một cuốn sách giải thích cho thiếu nhi về bệnh lên đậu ở Pháp (bệnh thủy đậu tên là Varicelle), cũng có nhắc tới nguyên nhân phát bệnh ở trẻ em rất nhiều khi là do có sự thay đổi đột ngột trong hoàn cảnh sống khiến trẻ bất an, lo lắng, và lên đậu như một cách "bộc phát" sự bất an trẻ con đó ra ngoài. Thí dụ như nhà đang đông đủ tự dưng vắng người (bố/mẹ/anh/chị bỗng dưng đi vắng lâu ngày, hoặc là mất người thân...), thí dụ chuyển nhà sang một địa điểm khác khiến trẻ căng thẳng không hòa nhập được. Cơn thủy đậu chỉ đến một lần trong đời, và trẻ càng được trấn an, giải thích nhanh chóng thì sẽ càng nhanh hết bệnh. Mình không dám nói nhà người khác, nhưng bé út nhà mình bị phát ra các nốt đậu đúng buổi sáng ngày bé chuẩn bị đi chơi xa với bố và chị một tuần, xa mẹ hoàn toàn một tuần. Không biết đó có phải lý do khiến bé lo lắng căng thẳng hay không... Nhưng cuối cùng mình đã quyết định đi cùng mọi người để chăm sóc bé, và bé cực kỳ vui vẻ, ngay cả các nốt thủy đậu cũng ít gây ngứa hơn mình nghĩ.


Chương này mình rất thích, vì đoạn chiết tự chữ Ái, và cả những đoạn phân tích về việc người ta sẽ hạnh phúc khi tình Yêu chuyển hóa thành công thành tình thân. Người ta sống với nhau vui vẻ trọn đời khi vừa yêu nhau vừa là người thân gắn bó với nhau chứ không phải chỉ có yêu nhau, độc chiếm nhau...

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro