19. Bệnh viện.

Tôi nặng nhọc mở đôi mắt đã nặng trĩu, trần nhà trắng trơn, mùi thuốc khử trùng xộc vào mũi, bên tai thì nghe nhiều âm thanh đang nói chuyện. Những giọng nói rất quen thuộc.

Tôi đang ở bệnh viện sao?

Tôi nhớ mình đau bụng âm ỉ từ hôm trước, đến trưa hôm qua thì đau đến toàn thân vả mồ hôi. Trong người không còn chút sức lực, tôi chỉ nghĩ mình đau bụng khi sắp tới ngày đèn đỏ thôi. Tôi về nhà và nằm đó, nhưng cơn đau mỗi lúc nhiều hơn, tôi thấy cái vùng bụng mình như đang căng cứng, đau nhói khắp bụng dưới phía bên phải. Đồng hồ đeo trên tay lại báo nhịp tim tôi tăng nhanh bất thường, nhưng tôi đã không còn chút sức lực nào.

Rồi không có sau đó nữa và tôi đã nằm đây.

Tôi muốn ngồi dậy, nên trở mình một chút, đã đau nhức toàn thân. Lúc này chị Tư đang ngồi ngay tôi, liền quay sang là đang trách mắng tôi sao?

- Mày lúc nào cũng làm tao phải lo lắng! Nằm im đó, mới mổ xong chưa bao lâu, nhúc nhích là đứt chỉ.

Tôi nhìn chị Tư rồi đưa mắt nhìn khắp phòng, sao đông vui vậy? Mọi người cùng tới xem kịch sao? Chị Tư, anh rể, con Trân, Tuyết Dung, xem ra vui thật rồi. Tôi muốn nói nhiều lắm nhưng cổ họng tôi khát khô, giọng cũng khàn đi nhiều.

- Mổ gì?

Chị Tư vẫn thái độ giận dữ, bực mình đó nhưng tôi lại nghe ra chị rất đang quan tâm tới tôi.

- Mổ ruột thừa chứ gì, bản thân mình đau cũng không biết chăm sóc. Tao mà không kiếm mày có công chuyện, thì giờ chắc đem mày đi chôn rồi.

Tôi nặng nhọc hít thở chút không khí, nhưng khi tôi hít sâu vào, thì chỗ vết mổ hình như đau hơn thì phải. Tôi nhỏ nhẹ nói như an ủi chị của mình.

- Ruột thừa thì cắt đi thôi.

- Nói nhẹ nhàng ghê, mày để tới ruột thừa vỡ gây viêm phúc mạc. Tao mà không đem mày đi kịp, thì mày còn nói nhẹ nhàng vậy không?

"Sao chị Tư khóc rồi? Chị thật là mau nước mắt. Chết thôi, đâu có gì ghê gớm, con người ai mà không phải chết."

Tôi nhoẻn miệng cười, như muốn trấn an chị của mình, đưa bàn tay đang cắm dây truyền dịch, đặt lên bàn tay chị.

- Chị đừng vậy.

Tôi nhìn quanh mọi người, hình như gương mặt ai cũng đầy lo lắng, là đang lo cho tôi sao? Tôi không nghĩ mình lại quan trọng như vậy. Tôi nhỏ nhẹ hỏi chị Tư:

- Chị có nói ba mẹ không?

Chị Tư chưa trả lời thì nghe tiếng ba mẹ ngay cửa. Mẹ tôi nhanh chân bước vào, người phụ nữ của cuộc đời tôi, người nay đã gần 70 rồi, vừa bước vào vừa nói không ngừng.

- Sao để đến nỗi này? Mẹ có nói đau ốm gì cũng phải báo với mẹ với chị mày mà. Mày muốn mẹ lo chết phải không?

Tôi mỉm cười nhìn mẹ mình, người vẫn luôn la rầy như thế, nhưng yêu thương con thì vô điều kiện. Tôi đã quá quen thuộc điều này, nên cứ để mẹ nói mà không phản ứng gì. Bên tai tôi lại vang lên những tiếng nói chuyện của mọi người, chắc chủ đề là tôi thôi. Tôi nhắm đôi mắt nặng trĩu lại, đầu óc được thoải mái hơn rồi.

Có một giọng nói như xa như gần, nhưng rõ ràng rất quen thuộc.

- Phòng bệnh hay đại nhạc hội mà đông vậy?

Tôi mở mắt ra, nhìn người đang trong áo blouse trắng đó, là con đỉa Nguyễn Hà Vân, là cô ta sao? Oan gia ngõ hẹp, lại gặp nhau. Nhưng có gì đó không đúng, áo blouse sao? Bác sĩ sao? Cô ta là bác sĩ điều trị cho tôi sao?

Tôi nhìn con Trân, lại nhìn Tuyết Dung, hai gương mặt đó vô cùng bình thản, có vẻ đã biết chỉ có mình tôi là không biết.

Tôi lại nghe giọng lạnh lùng đó nói:

- Mọi người ra ngoài, tôi cần kiểm tra bệnh nhân một chút.

Mọi người lặng lẽ đi ra, tiếng bấm chốt cửa vang lên khô khốc như báo hiệu điềm chẳng lành. Tôi lại muốn ngồi dậy, tôi dùng sức cố ngồi dậy, thì nghe giọng lạnh lùng đó nói:

- Đứt chỉ nhiễm trùng thì sẽ rắc rối hơn đó.

Tôi bất lực lại thả lỏng toàn thân nằm dài đó, mặc kệ tất cả. Cô ta bước đến bên cạnh giường bệnh, ngồi lên chiếc ghế khi nãy chị Tư vừa ngồi, phong thái rất gì là này nọ, không còn là một con đỉa khó ưa, luôn đeo bám tôi và Tuyết Dung.

Bảng tên cô ta đúng là Nguyễn Hà Vân, bác sĩ chuyên khoa ngoại tổng quát. Lúc này gương mặt đó chỉ toát lên vẻ lạnh lùng của một bác sĩ, không còn vẻ khó ưa kia nữa. Cô ta nhẹ nhàng nói:

- Nguyễn Thụy Vân, 35 tuổi, có tiền sử dị ứng nặng với đậu nành, suýt nữa tử vong. Sau đó từng điều trị trầm cảm loạn thần, đã hồi phục hoàn toàn nhưng hơn một năm qua không đi tái khám. Nay thì vỡ ruột thừa gây viêm phúc mạc, xem ra hồ sơ bệnh án của cô cũng ngầu lắm, cái nào cũng là đem từ tay tử thần về.

Tôi nhắm mắt, nghe cô ta nói mà như đang đọc cáo trạng phạm tội của mình. Nhưng lúc này đây một chút hơi để nói lại, tôi cũng không còn, mặc kệ cô ta cứ nói tiếp:

- Nếu cô không yêu em ấy thì nên dứt khoát một lời. Còn nếu yêu em ấy thì nên chăm sóc bản thân mình tốt hơn.

Tôi thều thào:

- Liên quan gì đến cô.

- Cô có biết em ấy đã lo lắng cho cô thế nào không? Khi biết tôi là bác sĩ điều trị cho cô. Em ấy đã van xin tôi hãy cứu cô bằng mọi giá.

Tôi nhếch môi:

- Vậy tôi cũng nên mang ơn cứu mạng này sao?

- Không cần, trách nhiệm tôi phải làm.

Tôi nhìn cô ta, gương mặt đó phản phất một chút u buồn, có cái gì đó dịu nhẹ như từng cơn gió đầu hè thổi bay cái nắng nóng oi bức, mái tóc đen dài đã được cột gọn gàng làm hiện lên một gương mặt gần như hoàn hảo, nhưng có gì đó không trọn vẹn.

Bỗng nhiên cô ta ngẩng mặt lên, khi ánh mắt chúng tôi chạm nhau, tôi thấy trong đôi mắt ấy một thoáng dao động, thứ cảm xúc loé lên rồi bị dập tắt ngay lập tức, như thể chính cô ta sợ phải thừa nhận nó. Cô ta chỉ nói:

- Xin cô hãy trân trọng em ấy, đừng đùa giỡn tình cảm đó.

Tôi nhếch môi, phản kháng:

- Mất đi rồi. Giờ mới biết trân trọng sao?

Ánh mắt cô ta lại xa xăm, vô định.

Tôi lại buông lời giễu cợt:

- Cô yêu Tuyết Dung như vậy. Tại sao lại lên giường với người khác?

- Nếu tôi nói, đó là hiểu lầm. Cô tin không?

Tôi lại cười mỉa mai:

- Có quỷ mới tin cô.

Cô ta cũng nở một nụ cười, mà là nụ cười chua chát. Cô ta nhấc tay lên, như định kéo lại cái mền đắp cho tôi, nhưng rồi dừng giữa chừng, bàn tay lơ lửng trong không khí vài giây trước khi cô ta buông thõng xuống.

- Tối đó phòng ban có liên hoan. Tôi uống không nhiều vì không thích những buổi tiệc tùng như thế. Nhưng con bé mới vào lại say bí tỉ, không ai biết nhà con bé ở đâu? Phòng ban nam nhiều hơn nữ, có mấy người thì cũng đã có gia đình, ai cũng ngại nên tôi đành đưa con bé về phòng mình.

Cô ta khẽ xoa thái dương, một thói quen mỗi khi cô ta cảm thấy áp lực sao? Động tác này mọi người đều làm như vậy phải không hay chỉ có tôi và cô ta. Nhưng sau đó, cô ta lập tức thả tay xuống, tự điều chỉnh lại tư thế, như thể sợ bị tôi nhận ra dấu hiệu mệt mỏi của mình. Cô ta hít một hơi thật sâu, rồi lặng lẽ nói tiếp:

- Con bé đó ói đầy người, dính cả sang người của tôi, nên về nhà tôi liền đi tắm. Không thể để cái cơ thể hôi rình đó mà nằm trong phòng tôi, nên tôi giúp con bé thay áo ngoài. Tôi có thể thề trước các vong hồn, tôi không làm gì ngoài việc chỉ thay áo ngoài cho con bé. Ngay lúc tôi đang cởi áo cho con bé thì Tuyết Dung về tới.

Tôi nói chen vào:

- Ở chung với nhau, sao không chờ em ấy về để làm điều đó?

Trong đôi mắt của Hà Vân đã ngấn đầy nước và đỏ au, giọng cũng xúc động, nghẹn ngào hơn.

- Vì em ấy nói đi chơi và ở luôn bên nhà bạn.

- Chỉ một lần đó, mà nói chia tay, cô không năn nỉ sao?

- Có, hôm sau tôi có nói rõ ràng với em ấy, xem camera cũng thấy tôi cả đêm đều nằm trên sofa, cũng nguôi ngoai mà tha thứ cho tôi.

Tôi thật ghét cái kiểu nói rồi ngưng như vậy, cứ làm người ta thấp thỏm chờ đợi. Tôi lại hỏi:

- Rồi sao?

Giọng đã trầm xuống đi nhiều, cô ta nói:

- Con bé đó hiểu lầm tôi đã làm gì đó, có ý với nó và nó một mực đeo bám tôi. Tuyết Dung tới bệnh viện đem đồ ăn hay thăm tôi đều bắt gặp nó đeo bám bên cạnh, hiểu lầm càng ngày càng nghiêm trọng. Cuối cùng em ấy đã biến mất, mãi gần đây tôi mới tìm lại được.

Chuyện tình gay cấn cũng không thua kém tôi. Tôi tự nhiên thấy vui trong lòng, lại nói:

- Là mấy tháng nay, cô mới gặp lại sao?

Hà Vân gật đầu, gương mặt cũng u buồn đó.

Tôi nói như châm biếm:

- Bệnh viện mấy tháng rồi chắc là ế lắm, nên bác sĩ như cô mới có thời gian mà chơi với hai đứa tôi hay là xài hết phép năm rồi.

Cô ta chỉ nói:

- Chỉ cần muốn, tôi sẽ sắp xếp được. Bệnh viện này tôi cũng mới xin chuyển về, để tiện gần em ấy hơn.

Tôi gần như hiểu ra vấn đề rồi, Tuyết Dung cũng nói chuyển về đây tầm năm nay để gần Candy, đi lại cũng thuận tiện. Là em ấy chạy trốn nên mới dọn về đây. Sài Gòn nhỏ bé mà hai con người này phải mất gần năm mới tìm được nhau sao?

Tôi đem thắc mắc đó hỏi Hà Vân:

- Không lý nào, Tuyết Dung nói chăm sóc Candy từ nhỏ. Nay con bé được năm tuổi. Cô và Tuyết Dung quen rồi chia tay là ba năm. Vậy sao lúc không tìm được Tuyết Dung cô không đến nhà Candy tìm à?

Cô ta từ tốn nói:

- Có chứ, tôi tìm từ nhà Candy, nhà bạn, nhà dì và về quê ngoại của em ấy mà tìm. Tôi đã xin nghỉ không lương ở bệnh viện suốt ba tháng chỉ để đi khắp nơi tìm. Nhưng đâu đâu cũng là cái lắc đầu, tôi chán nản nhưng không bỏ cuộc. Tôi lại đi làm và dành hết thời gian rảnh rỗi lại đi tìm. Và cuối cùng tôi đã gặp được em ấy vào lúc tôi không ngờ đến nhất. Lúc tôi đi đặt hoa cho ban giám đốc, thì tôi đã gặp được em ấy trong khu chợ hoa nổi tiếng nhất Sài Gòn.

Cô ấy thở dài rồi lại nói tiếp:

- Nếu tôi gặp lại em ấy sớm hơn thì có lẽ mọi chuyện đã khác rồi.

Có tiếng gõ cửa phòng làm cắt ngang lời cô ta.

Hà Vân đứng lên vẫn phong thái đĩnh đạc đó, bước ra mở cửa, quay vào nói với tôi.

- Nhớ hạn chế vận động, quý trọng sức khỏe của mình.

Tuyết Dung đứng ngay cửa, nhìn cô ta là biểu cảm gì? Là sự cảm kích ơn cứu mạng hay là động lòng rồi? Động lòng trước phong thái bác sĩ đó? Động lòng trước vẻ lạnh lùng, mỹ miều đó. Tôi chỉ nghe cô ta nói với Tuyết Dung.

- Vết thương cần được chăm sóc kỹ.

Tôi nằm trên giường, cơ thể còn hơi đau nhức, nhưng ánh mắt không thể rời khỏi Tuyết Dung. Em ấy đứng đó, bàn tay nắm chặt quai túi xách như tìm kiếm điểm tựa. Tôi cười nhẹ, như muốn gọi em ấy đến gần mình hơn.

Bước chân không vội vàng, em ấy nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh giường bệnh của tôi. Nhỏ giọng nói với tôi:

- Em về chuẩn bị thêm ít thứ cho chị, xong em lại vào. Chị nhớ đừng cử động mạnh.

Ánh mắt đó, nó lại cuốn hồn tôi, trong vô thức mà đắm chìm. Em ấy lại nở nụ cười dịu dàng, bàn tay ấm áp đó chạm lên tay tôi, lan tỏa một cảm giác mà tôi cảm thấy vô cùng dễ chịu.

Tôi chỉ khẽ cười mà gật đầu. Tôi không thể để em ấy biết là trong lòng tôi luôn cuộn sóng mỗi khi em ấy chạm vào mình. Mỗi cái chạm đều như chạm đến trái tim tôi.

Tôi nhìn em ấy lễ phép chào từng người trong gia đình tôi, rồi mới về, tự nhiên trong lòng tôi thấy ấm áp lạ thường.

Mọi người nói chuyện hỏi thăm tôi, rôm rã cả phòng bệnh, may mà giường bên kia không có bệnh nhận. Nếu không chắc bị đuổi về rồi, nhưng sao lúc này đầu óc tôi đều là hình ảnh của Tuyết Dung và Hà Vân.

"Hà Vân, cô ấy thật đáng thương sao? Hiểu lầm thật sao? Vẻ mặt đó rất là thật không có vẻ gì đang nói dối. Đánh mất người mình yêu chỉ vì hiểu lầm thì cảm giác đó là gì? Là hối hận? Là ray rứt? Là cảm giác ăn năn sám hối cũng không thể níu kéo lại được hay là cảm giác bất lực khi mọi tiếng nói của mình đều trở thành vô giá trị.

Sao lúc này tôi lại đồng cảm sâu sắc với cô ta như vậy? Mổ ruột thừa mà bị chạm dây thần kinh nào rồi? Não lại hư nữa rồi phải không?"

Tôi mệt mỏi nhắm mắt lại, thả mình vào sự mơ hồ giữa đau đớn và những dòng suy nghĩ không hồi kết. Trong không gian tĩnh lặng chốc lát, tôi bỗng thấy một nỗi bất an kỳ lạ len lỏi vào lòng. Đó không chỉ là cảm giác đau từ vết mổ, mà như một thứ vô hình khác. Nỗi trống trải, sự tiếc nuối, và cả cảm giác bỏ lỡ.

Tôi vẫn không thể hiểu tại sao Hà Vân lại khiến tôi bận tâm đến vậy. Là bởi vì câu chuyện của cô ấy? Hay vì ánh mắt u buồn đó như phản chiếu chính nỗi lòng của tôi? Có lẽ tôi cũng giống cô ta, mắc kẹt giữa những mâu thuẫn và lầm tưởng. Nhưng liệu tôi có khác gì? Đến cả cảm xúc của mình với Tuyết Dung, tôi cũng không rõ ràng.

Khi nghĩ về Tuyết Dung, một dòng cảm xúc nhẹ nhàng lại trào lên. Đó là cảm giác dịu dàng mà em ấy mang đến, giống như nắng buổi sớm len vào cửa sổ, làm tan chảy từng lớp băng giá trong lòng tôi.

"Tuyết Dung, em ấy thật là bản lĩnh nói buông là buông, chơi trò mất tích để không phải phiền lòng nữa. Nhưng em ấy có thật sự mạnh mẽ như vẻ bề ngoài đó không? Em ấy đã khóc mỗi khi nhắc về Hà Vân? Em ấy là còn yêu? Vì yêu mà hận sao? Vậy em ấy đến với mình là cảm giác gì? Là người thế thân, lấp đầy khoảng trống trong lòng sao? Mình chỉ là người thay thế sao?"

Cái suy nghĩ này nó như giết chết tâm trạng tôi lúc này. Người thay thế không phải rất chua xót sao? Tại sao em ấy lại đến bên tôi? Và còn Hà Vân, cô ấy có còn cơ hội nào không, hay tất cả chỉ còn là dư âm của một tình yêu đã qua?

Tôi khẽ nhắm mắt, cảm nhận từng nhịp thở, mệt mỏi mà nhẹ nhõm. Dường như thời gian vẫn còn nhiều để suy nghĩ, để hiểu lòng mình hoặc ít nhất là để tìm ra câu trả lời cho những mớ cảm xúc hỗn độn này.

"Phải chăng tình yêu vốn dĩ là một chuỗi những hiểu lầm và hối tiếc, chỉ những ai đủ kiên nhẫn mới có thể nhìn thấy chân lý phía sau?"

Tôi mệt mỏi với những suy nghĩ của mình.

Tôi nói chị Tư đỡ tôi. Tôi muốn ngồi lên một chút cho thoải mái, con Trân nghe tôi nói liền bước tới đỡ cánh tay tôi. Con Trân và chị Tư cùng với tôi gắng sức nhẹ nhàng hết mức có thể để tôi ngồi tựa lưng vào thành giường, có cái gối kê ở lưng. Lúc này tôi liền thấy thoải mái hơn nhiều.

Con Trân rót ly nước ấm cho tôi vẫn giọng điệu dịu dàng đó:

- Chị uống chút nước đi.

Con Trân lúc nào cũng dịu dàng, nhẹ nhàng với tôi vậy sao? Hay chỉ với tôi nó mới như vậy? Mà nhìn xem nó đang làm gì với ba má tôi vậy?

Tôi nghe không lầm thì nó nói nó sẽ ở lại chăm sóc tôi, kêu mọi người về nhà nghỉ ngơi đi, nào rảnh thì vô. Tôi còn ở lại mấy ngày lận không về nhà sớm được đâu, sao nó rành rẽ vậy? Mà ba má tôi cũng có vẻ thích và tin tưởng con Trân, y như chị Tư vậy. Tôi cảm thấy nó như một thành viên trong gia đình tôi vậy, ai cũng yêu quý nó.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro