Chương 53

Đã sắp vào đông, hôm ấy là một ngày nắng ấm, cuối chiều trời nổi gió nhẹ. Đỗ Kỷ xắn cao tay áo, đứng dưới bậc thềm điện Trường Xuân khom người thay mấy chậu hoa đã bắt đầu héo úa. Hồ Bích Hạnh đi ra từ trong hậu điện, thấy cậu vẫn đang cặm cụi dịch mấy chậu cây bèn đi lại gần, hỏi: "Vẫn chưa xong à?"

Đỗ Kỷ nghe xong không ngẩng lên mà chỉ lắc đầu, khẽ nói: "Vẫn chưa. Vài ngày nữa là đến tiết Thiên Phúc* rồi, cây cỏ bên điện Trường Xuân hôm nay buộc phải làm xong hết."

* Lý giải về tên gọi tiết Thiên Phúc: Lễ vui sinh nhật của vua là lễ lớn trong năm, vì vua là biểu tượng quốc gia. Thời quân chủ, vua chính là quốc gia nên lễ vui sinh nhật vua chính là ngày 'Quốc Khánh'. Các vua ngày xưa thường đặt tên ngày này giống như đặt tên niên hiệu.

Đại Việt sử ký toàn thư: Ất Dậu, /Thiên Phúc/ năm thứ 6 [985], (Tống Ung Hy năm thứ 2). Mùa thu, tháng 7 ngày rằm là ngày sinh của vua, sai người làm thuyền ở giữa sông, lấy tre làm núi giả đặt trên thuyền, gọi là Nam Sơn, rồi bày lễ vui đua thuyền, về sau thành thường lệ.

Vua Lê Đại Hành có lễ vui ngày sinh nhật, không thấy có tên đặt cho ngày "Quốc Khánh" này, cũng có thể vua có đặt tên nhưng không có được ghi lại. Tên tiết Thiên Phúc ở trong truyện hoàn toàn là hư cấu, tác giả đã lấy niên hiệu thời vua Lê Đại Hành để đặt tên.

Lời này vừa dứt, tay áo cậu cũng bị buông rũ xuống, Đỗ Kỷ ngẩng đầu, vươn tay về phía nàng, nói: "Chị kéo lên giúp tôi với."

Hồ Bích Hạnh đi đến, ngồi xổm xuống bên cạnh Đỗ Kỷ, giúp cậu xắn cao tay áo rồi than thở: "Hôm đấy tôi phải trực ở điện Trường Xuân. Nếu bên điện Càn Nguyên có gì vui, cậu về... kể lại cho tôi nghe với nhé."

Đỗ Kỷ nghe nàng nói, gật đầu cười khúc khích, "Tôi biết rồi, chị yên tâm." Nói rồi, xua tay bảo nàng đi vào: "Chị vào trong đi. Chỗ này nhiều bụi đất, chị đứng đây tý dẫm phải rồi lại đi vào trong điện."

Hồ Bích Hạnh khẽ "Ừ" một tiếng rồi quay người bước lên bậc thềm, đi vào trong điện.

Cùng lúc đó, trong hậu điện Trường Xuân, Lê Long Đĩnh ngồi sau ngự án, chăm chú đọc tấu chương. Khi chàng đọc xong bản tấu của Trương Thuần thì chỉ cười nhạt rồi từ từ siết chặt cán bút trong tay. Mãi sau, chàng mới buông bút, cúi đầu chống trán, trầm mặc một lúc rất lâu.

Bản tấu này của Trương Thuần chữ nghĩa không tệ, hành văn vô cùng dụng tâm, đại ý như sau: "Trình chúa thượng. Thần vốn chẳng có tài cán, nhờ tiên đế trọng dụng, giao cho trọng trách ở chốn ngự tiền. Bao năm giữ đúng bổn phận, tất cả những việc thần làm chỉ nghe theo chúa thượng, chưa từng trái lệnh cũng chưa từng có ai có thể tác động đến bản ý của thần. Còn như việc lần này liêu thuộc* dưới trướng của thần làm ra việc tham ô, bán trộm ngựa của quân cấm vệ, tội không thể tha, đáng chết ngàn lần. Thần thiết nghĩ, tất cả tội lỗi nên quy về gốc rễ, vì vậy đây cũng là lỗi của thần. Thần cô phụ thánh ân, hổ thẹn khôn xiết. Xét nghĩ không còn xứng với ân đức của chúa thượng, xin người ân chuẩn cho phép từ quan."

* Liêu thuộc: Quan lại thuộc quyền, người cùng làm việc quan với mình nhưng dưới quyền mình, cấp dưới.

Tiếng gió bên ngoài dần dần lặng xuống, phía chân trời chuyển bóng tịch dương. Mãi cho đến khi ngoài trời chuyển tối, Lê Long Đĩnh mới ngẩng lên, chàng nhìn lại tấu chương trên ngự án rồi cầm bút lông chấm mực, phê xuống một chữ 'Đợi' vào trong bản tấu của Trương Thuần, cuối cùng xếp vào tầu chương trả về.

Ở phía bên này, Hồ Bích Hạnh không đi vào mà đứng bên cạnh bình phong, lặng lẽ quan sát chàng.

Hôm nay, chàng mặc viên lĩnh sắc tro, tay áo xắn lên ba tấc, nửa cánh tay trần vẫn lộ ra bên ngoài. Hồ Bích Hạnh nhìn cánh tay chàng, lại một lần nữa trông thấy được hình xăm từ cổ tay đến tận khuỷu tay của chàng.

Trong điện lửa than vang lên từng tiếng tí tách rất khẽ, Lê Long Đĩnh ngưng bút vừa ngước mắt đã thấy ngay Hồ Bích Hạnh đang lặng lẽ nhìn mình, chàng không lên tiếng mà xoay cán bút gõ xuống miệng cốc trà. Hồ Bích Hạnh nghe tiếng động ngẩn ra giây lát rồi nhanh chóng cúi người lui ra gian ngoài.

Lúc nàng pha xong trà mới, bưng vào hậu điện. Lê Long Đĩnh đã phê xong tấu chương, đang khoanh chân ngồi trên sập, cúi đầu, nghịch mấy quân cờ trong tay.

Hồ Bích Hạnh đi đến bên cạnh, cẩn thận đặt ấm trà xuống kỷ. Mùi bồ kết trên người chàng nhàn nhạt lan toả, Hồ Bích Hạnh không nhịn được vô thức nghiêng đầu thoáng nhìn chàng. Việc nhớ rõ y quan chàng bận, thói quen sinh hoạt của chàng khiến cho Hồ Bích Hạnh chợt nhớ đến mong muốn sa đoạ của bản thân nàng khi xưa, là thử sa đoạ vào thế giới nội tâm của chàng. Song, đồng thời đến giờ nàng mới hiểu... nàng chẳng qua chỉ đang nhìn chàng trong cuộc sống nội đình nhưng lại chưa từng thấy được chàng... ở trong chính đàn. Vậy nên, nội tâm của chàng, hay nói cách khác, Lê Long Đĩnh ở trong lịch sử rốt cuộc đã là người như thế nào?

Vốn dĩ, người ở trong sử sách đã là người chết, trước sau chỉ là một hình tượng hư ảo, mà nay Hồ Bích Hạnh vì muốn thấu hiểu, lại đi 'đào bới' cuộc đời chàng.

Lê Long Đĩnh thả mấy quân cờ trong tay xuống, nghiêng đầu chống trán, nhìn khuân mặt nàng. Lát sau, chàng mới bật cười, nhẹ giọng gọi nàng: "Bích Hạnh! Ngươi thích nhìn trẫm đến thế sao?"

Hồ Bích Hạnh thoạt tiên ngẩn ra, bàn tay cầm khay gỗ vô thức siết lại. Lúc này, nàng không biết đáp sao, chi đành cúi đầu, im lặng nín thinh.

"Sao không trả lời?"

Hồ Bích Hạnh nghe chàng hỏi lại, ngẩng đầu nhìn lên, thấy Lê Long Đĩnh đang chậm rãi uống trà, đợi câu trả lời, bèn nghĩ, hay là... thử một lần thẳng thắn với chàng xem sao. Đoạn, cúi đầu nhìn cái bóng dưới chân, thẳng thắn nói ra cõi lòng mình, "Chúa thượng! Không phải là nô tì thích mà là nô tì muốn được ạ."

Lê Long Đĩnh yên lặng ngồi trên sập, ánh nến mờ nhạt tôn lên dáng hình chàng. Chàng nghe Hồ Bích Hạnh nói, sắc mặt cũng chẳng mảy may thay đổi vẫn lạnh nhạt như thường ngày. Mãi sau, chàng mới khẽ cười, trầm giọng hỏi nàng: "Ngươi muốn được? Vậy... Bích Hạnh, ngươi thử nói rõ xem, rốt cuộc... ngươi muốn được gì ở trẫm?"

Hồ Bích Hạnh nghe xong câu này, cúi đầu trầm mặc chốc lát, chợt nói: "Muốn được nhìn thấy người."

Trong điện tĩnh lặng chỉ thi thoảng vang lên tiếng gió gầm nhẹ ở bên ngoài. Lê Long Đĩnh chăm chú nhìn ánh mắt nàng rồi bất giác bật cười thành tiếng, chàng cong ngón tay gõ lên mặt kỷ, trầm giọng, nhẹ gọi tên nàng: "Bích Hạnh!"

"Có nô tì."

"Hiện giờ ngươi có biết ngươi đang nhìn trẫm như thế nào không?"

Hồ Bích Hạnh cụp mắt xuống, vì chàng ở ngay trước mặt nên nàng không sao ngẫm kĩ được mấy lời chàng vừa nói, cuối cùng chỉ im lặng nhìn giá nến trên bàn.

Lê Long Đĩnh trầm mặc nhìn nàng, chàng vẫn giữ nét cười trên mặt, giọng điệu nói ra vẫn chậm rãi rõ ràng: "Vậy, Bích Hạnh... ngươi có biết không, nếu vừa nãy ngươi nói ra mộng tưởng của mình với trẫm, chắc có lẽ, trẫm đã đồng ý cho ngươi rồi đó."

"Chúa thượng?" Hồ Bích Hạnh nghe xong, bật thốt gọi chàng

Lê Long Đĩnh chỉ liếc nhìn, không đáp, mãi sau mới nhẹ giọng nói: "Muộn rồi!"

Tiếng gió nổi ngoài cửa sổ, hơi lạnh thấm qua khe cửa lọt vào bên trong, Hồ Bích Hạnh từng chút cảm nhận được cái thanh lạnh của tiết trời đầu đông thấm qua từng lớp áo, chạm đến da thịt nàng. Và dần dà, nàng cũng nhận thức được chuyện bản thân quay về quá khứ hơn một nghìn năm trước, tại thời đại này nảy sinh mộng tưởng nhìn ngắm vương triều là một điều không thể. Vì có biết bao nhiêu nhận vật lịch sử đã sống còn ở trong đó. Vậy nên, hiện giờ nàng chỉ tựa như đang đứng sau lưng chàng, thay chính chàng, ghi nhớ hết cuộc đời này.


Quả thật, cuộc thẩm vấn Lê Long Mang vẫn lâm vào cục diện giằng co. Hôm đấy trong phòng trực của Ngự sử đài, Đặng Vĩnh Chu chăm chú đọc khẩu cung thẩm tra Lê Long Mang mấy ngày qua, ngồi cùng hắn còn có hai thị ngự sử thuộc Đài viện.

Thấy hắn đọc xong chỉ thở dài lắc đầu, Thị ngự sử họ Trần liền nhỏ giọng thăm dò: "Mấy ngày qua thẩm tra Nam Quốc vương, khẩu cung đều giống nhau, không có gì thay đổi cả, thị lang thấy sao?"

Đặng Vĩnh Chu gấp khẩu cung đặt lại trên bàn, nhìn ông, nói: "Những khẩu cung này, Ngô đại nhân đã xem chưa?"

"Đều đã xem qua rồi ạ."

Đặng Vĩnh Chu nghe ông nói, gật đầu không đáp.

Thị ngự sử họ Trần nhìn biểu cảm của hắn, nhỏ giọng nói tiếp: "Chuyện của bên Khu mật viện và quân cấm vệ, đại nhân đã nghe qua rồi chứ? Sáng sớm nay có kẻ đã tấu lên chúa thượng chuyện này rồi. Còn trong bản tấu đó viết những gì... thì lại khó mà biết được."

Lời này ám chỉ điều gì, Đặng Vĩnh Chu nghe hiểu nhưng không trả lời, hắn chỉ nhìn ông rồi chậm rãi nói: "Nếu Ngô đại nhân cũng đã xem rồi thì ngài cứ vậy mà trình lên chúa thượng thôi. Bản tấu dăng lên lần này không cần phải tóm tắt khẩu cung của Nam Quốc vương đâu, trực tiếp trình những khẩu cung này là được. Tý nữa tôi ký tên vào bản tấu, ngài cũng ký vào rồi đem qua bên Trung thư tỉnh cho Ngô đại nhân ký vào nữa là xong."

Thị ngự sử họ Trần nghe xong, mỉm cười nói: "Vâng. Tôi hiểu ý của ngài rồi."

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro