Chiều tối

                                                           "  Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp
                                                            Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh
                                                              Vần thơ của Bác vần thơ thép
                                                           Mà vẫn mênh mông bát ngát tình "
                                                                                      (Hoàng Trung Thông)

Thơ Bác đâu chỉ hay thôi mà còn đẹp nữa, đẹp bởi chính hồn thơ, bởi chính tinh thần "thép" trong thơ và bởi chính tình ý của thơ.Thật vậy, khi đến với thơ ca, tâm hồn và vẻ đẹp của Bác được thể hiện rõ nét qua các bài thơ và không thể không kể đến bài thơ Chiều Tối - một tác phẩm thành công trong của nền văn học nước nhà.

"Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không,
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng''.

Đọc nhan đề bài thơ, ta có thể thấy một đề tài hết sức quen thuộc trong thơ cổ điển: đề tài buổi chiều, hoàng hôn- là khoảnh khắc ngày tàn bao giờ cũng gợi lên trong tâm hồn thi nhân nhiều rung động. Mộ là bài thơ thứ 31 trong tập " Nhật kí trong tù" được sáng tác năm 1943, viết bằng chữ Hán theo thể thơ Đuờng luật thất ngôn tứ tuyệt cô đúc, tài hoa. Mở đầu bài thơ là khung cảnh của buổi chiều tà cũng là lúc con người có nhiều tâm trạng, nỗi lòng nhất, và Bác đã miêu tả bức tranh ấy bằng thi liệu cổ điển.

"Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không"

Một buổi hoàng hôn mang dư vị buồn cùng với một miền quê hẻo lánh và lạnh lẽ. Bóng tối về trên vùng núi, nhìn lên bầu trời Bác bắt gặp những cánh chim mệt mỏi sau mệt ngày dài kiếm ăn, chúng đang đi về "tìm chốn ngủ". Chỉ một chữ "mỏi" cũng đã thể hiện được rằng Bác là đang có ánh nhìn cảm thương, trìu mến theo bóng chim. Đáng lẽ là một người tù thì tâm trạng ắt hẳn phải lo lắng, băn khoăn về tương lai nhưng Người đã quên đi cảnh ngộ hiện giờ của mình để cảm thông cho cảnh vật. Như vậy, bài thơ đã được Bác sử dụng một cách sáng tạo thủ pháp "họa vân hiển nguyệt" trong thơ Đường. Cánh chim trong thơ Đường đã trở thành một hình ảnh mang tính ước lệ để tả cảnh chiều. Ta bắt gặp cánh chim trong Truyện Kiều: " Chim hôm thoi thóp về rừng". Mặc dù lấy thi liệu cổ điển như ta có thể thấy sự khác biệt giữa cánh chim của các nhà thơ xưa - chúng bay mất hút vào không gian vô tận còn cánh chim của Bác thì bay về tổ ấm. Bức tranh tiếp tục được miêu tả phong phú hơn, sống đoọng hơn nhờ hình ảnh chòm mây trên bầu trời:
" Cô vân mạn mạn độ thiên không"
Dùng hình ảnh "chòm mây" gợi tả cảnh hoàng hôn cũng là bút pháp quen thuộc trong thơ cổ điển. Trước cảnh hồn hôn Lý Bạch khi ngồi một mình trên núi đã thấy " Đám mây cô lẻ buồn trôi một mình", nhưng mây trong thơ Lý Bạch hiện lên nét đẹp vĩnh hằng còn mây của Bác lại hiện ra vẻ lẻ loi, côi cút. Nó như tương thông với hoàn cảnh và tâm trạng của người tù. Chữ “cô” trong câu văn được dịch thành “chòm” có vẻ như đã đánh mất sức biểu đạt tâm trạng. Nó không chỉ là một đám mây đơn thuần đang lững lờ trôi mà nó còn trơ trọi, cô độc trên bầu trời cao rộng. Bức tranh thiên nhiên không còn dừng lại ở miêu tả bề ngoài mà nó còn là bề sâu của tâm cảnh, ta thấy được tình yêu thiên nhiên của người tù. Phải chăng tâm hồn phải thật ung dung, thư thái thì người mới bằng những quan sát hết sức tinh tế của mình để nắm bắt được cái thần, cái hồn của cảnh vật, một không gian chiều mơ màng, thanh bình. Qua đó cho thấy nhà thơ có tấm lòng yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống thiết tha. Hai câu đầu là một bức tranh thiên nhiên tả cảnh ngụ tình, thấm đượm nỗi buồn của người tù nơi đất khách, qua đó thể hiện bản lĩnh kiên cường "chất thép", ý chí nghị lực và tình yêu thiên nhiên của nhà thơ Hồ Chí Minh.

Bức tranh của Bác không dừng lại ở đó, từ không gian của thiên nhiên, từ bút pháp cổ điển chuyển hẳn sang bút pháp hiện đại, người tù di chuyển điểm nhìn để thấy hơi thở của cuộc sống sinh hoạt bình dị, đời thường mà vô cùng ấm áp:

"Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng."

Ở đây có sự vận động, dịch chuyển của thời gian rất rõ nét, từ chiều tối sang tối hẳn, từ khung cảnh thiên nhiên mang tính ước lệ đã chuyển sang bức tranh đời sống rất gần gũi và chân thực, từ không gian rừng núi lạnh lẽo sang không gian làng xóm ấm áp. Bức tranh hiện lên nét vẽ trẻ trung, bình dị và đáng yêu: thiếu nữ xóm núi đang xây ngô với dáng điệu khẩn trương, miệt mài, ánh lửa hồng soi tỏ hình dáng của cô gái. Vẻ đẹp của mối quan hệ mới mẻ giữa con người với thiên nhiên, so sánh với thơ xưa, con người thường xuất hiện thật nhỏ bé, mất tăm mất hút giữa thiên nhiên, thường mang nỗi sầu muộn trước thiên nhiên, gửi gắm vào thiên nhiên. Nhưng trong thơ Bác, con người xuất hiện giữa thiên nhiên, với vị trí trung tâm nhất, nổi bật lên hẳn so với thiên nhiên, con người và thiên nhiên giao hòa với nhau. Qua đây, ta thấy được sự quan tâm gắn bó của tác giả đối với người lao đông. Trong nguyên tác, tác giả sử dụng điệp ngữ liên hoàn "ma bao túc - bao túc ma" đã mô phỏng được âm thanh và nhịp điệu xoay vòng của cối xay ngô. Đặc biệt đến câu cuối cùng, vẻ đẹp hiện đại của bài thơ càng được bộc lộ rõ nét. Nếu như tất thảy 27 chữ đầu đều chỉ tập trung nói về cảnh chiều, mang cái không khí lạnh lẽo, thì buổi tối với cái màu “hồng” của lò than đã đem lại một cảm giác ấm áp của gia đình, của tình người. Chuyển đổi từ cảm giác cô đơn, mỏi mệt sang cảm giác sum vầy của bếp lửa gia đình, từ nỗi buồn phảng phất chuyển sang niềm vui tỏa sáng. Chỉ với một chữ " hồng", Người đã làm sáng rực lên cả một bài thơ, làm xua tan đi những cảm giác mệt mỏi, đồng thời ánh lửa hồng còn là hình ảnh tượng trưng cho niềm lạc quan, niềm tin của người chiến sĩ cộng sản trong cảnh tù đầy. Một cái nhìn lạc quan của người chiến sĩ cách mạng trên hành trình của mình. Cảm hứng thơ dạt dào chất nhân bản, bình dị mà thấm đẫm chất thơ. Thơ Bác cổ điển mà hiện đaị là vì thế.
Bài thơ "Chiều tối" đã bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ. Dù chỉ là tả cảnh nhưng ta cảm nhận được tâm hồn thư thái, bình yên với cảnh, với người, quên đi cảnh ngộ xiềng xích. Bài thơ toát lên một ý chí, nghị lực phi thường của người chiến sĩ. Nhà thơ đã sử dụng sáng tạo các thủ pháp lồng vào bài khiến người đọc cảm thấy khung cảnh ấy dường như xuất hiện trước mắt. Và bài thơ có sự kết hợp giữa bút pháp cổ điển và hiện đại.

Tóm lại, qua bài thơ "Chiều tối" ta thấy được một tâm hồn, một con người giản dị nhưng lại tinh tế. Người đã nên một bức tranh hoàn hảo về khung cảnh thiên nhiên và con người mà không cần dùng cọ vẽ. Chỉ qua những lời văn người đọc như đang đắm chìm  vào khung cảnh ấy. Bài thơ sẽ mãi ở trong tim người đọc hôm nay và mai sau.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro

Tags: