tình yêu của kẻ thực dụng 8

Chương 71: Gặp cha mẹ

Phương Mục Dương xin nghỉ để đi đón cha mẹ mình.
Trước khi đi, anh hỏi Phí Nghê có thể tạm ứng cho mình trước năm mươi tệ được không, anh muốn mua cho cha mẹ hai bộ quần áo mùa xuân rồi mang đến đó.
"Nếu bọn họ mà ăn mặc rách nát quá thì khéo có khi lại ngại gặp em, đợi tới lúc anh gặp bọn họ rồi thì sẽ mang tiền trả lại." Hiện tại đã là cuối xuân, quần áo mùa đông lần trước anh gửi qua đường bưu điện cũng không thể mặc được nữa.
"Anh nói chuyện đúng là chả có câu nào đứng đắn cả, làm gì có ai tặng quà người khác rồi còn đòi tiền nữa chứ? Huống chi lại còn là cha mẹ ruột của mình."
Mùa đông năm ngoái, khi cha mẹ Phương Mục Dương vừa mới có lương không lâu, anh đã gửi đi một lá thư nói lương mình không đủ tiêu, bảo bọn họ gửi cho anh năm mươi tệ. Đi cùng với năm mươi tệ gửi đến còn có một phong thư, trong thư nói anh cần phải tiết kiệm cho gia đình, không được tiêu xài phung phí, Phương Mục Dương vừa thấy là biết ngay cha mình viết. Anh cầm năm mươi tệ, mua vài bộ quần áo ấm và giày lót bông, gửi bưu điện sang cho cha mẹ mình. Cha mẹ anh gần mười năm không được nhận lương, trước kia duy trì cuộc sống cũng đã là điều khó khăn chứ đừng nói gì đến may quần áo mới. Hiện tại đã có lương rồi, nhưng không có phiếu cũng chẳng mua được quần áo, mà vừa may hiện tại anh đang làm việc tại nhà hàng Ngoại giao, đổi phiếu kiều hối cũng tiện hơn trước kia một chút, có thể mua quần áo mà không cần phiếu. Đồ ấm vừa gửi qua không lâu, anh đã nhận được một phong thư khác, trong thư nói quần áo mặc rất vừa người, có được một đứa con trai như anh lòng ông cũng được an ủi, nhưng dù sao anh cũng đã lập gia đình, tiêu hết tiền cho cha mẹ thì không hay lắm, sau này không cần phải tốn tiền vì bọn họ nữa.
"Lần trước ông già cố ý gửi thư tới, bảo anh không cần tiêu tiền vì họ."
"Nói thì nói vậy, nhưng anh đưa đồ cho cha mẹ xong lại muốn bọn họ trả tiền cho mình, chẳng thà là không ra đón còn hơn."
Phí Nghê dứt khoát đưa Phương Mục Dương một trăm tệ, bảo anh mua thêm hai đôi giày nữa. Lúc đưa tiền Phí Nghê cũng hơi đau lòng, nhưng lại nghĩ dù sao cũng chỉ mỗi bận này thôi, mai sau có tiền lương rồi, cha mẹ anh cũng không cần tiền của bọn họ. Ở nhà nghèo đi đường giàu(1), Phí Nghê sợ Phương Mục Dương không đủ tiền tiêu trên đường nên lại ra ngân hàng lấy tiền về, đó là tiền hồi môn cha mẹ cho cô, cô luôn giữ lại dự phòng.
(1) Ở nhà nghèo đi đường giàu (cùng gia phú lộ): Thành ngữ ý chỉ ở nhà thì có thể tiết kiệm, nhưng đi đường thì nên mang theo nhiều tiền một chút để đề phòng bất trắc và tránh những trường hợp xấu hổ.
Trước khi Phương Mục Dương đi, Phí Nghê đưa cho anh năm tờ tiền giấy mới tinh.
"Em lấy đâu ra nhiều tiền thế?"
"Lúc kết hôn, cha mẹ cho em tiền để sắm đồ đạc trong nhà."
"Tiền này anh không lấy được, sao anh có thể tiêu tiền hồi môn cha mẹ cho em được chứ?"
"Anh cứ cầm đi." Ngoài tiền mặt ra còn có phiếu lương thực toàn quốc mà lúc trước Phí Nghê mua lại của người ta.
"Đến chỗ đó ăn cơm nhớ dùng phiếu lương thực của mình đấy. Còn nữa, anh xem xem có thể mua vé nằm cho cha mẹ không, bọn họ đã có tuổi rồi, không thể ngồi xe lửa đường dài được."
"Có bao nhiêu tuổi đâu chứ, ít nhất ông già ngồi xe lửa một đêm cũng không vấn đề gì cả," Phương Mục Dương chỉ nhận phiếu lương thực toàn quốc. "Mà kể cả có mua vé nằm thì cũng không cần phải dùng đến tiền của chúng ta, riêng lương của mẹ anh thôi cũng nhiều hơn lương của cả hai ta cộng lại rồi, cứ tiêu tiền của họ đi."
"Anh đúng là mặt dày thật đấy."
"Chuyện này thì có gì mà xấu hổ đâu, ai nhiều tiền hơn thì tiêu tiền người nấy chứ."
Phí Nghê vẫn đưa tiền cho Phương Mục Dương, sau đó lại dùng phiếu điểm tâm mua thêm một ít điểm tâm, bỏ vào trong hộp bánh quy để anh mang theo ăn dọc đường. Trong túi hành lý còn có cả trứng mà Phương Mục Dương luộc trong nước trà Đại Hồng Bào. Chỉ tính riêng đồ ăn thôi, Phí Nghê đã nhét cho Phương Mục Dương hơn nửa cái túi rồi.
Phương Mục Dương nhìn chỗ trứng luộc nước trà kia, cười nói: "Ông già mà biết trứng này luộc bằng trà Đại Hồng Bào thì chẳng biết sẽ cảm thấy thế nào nữa. Hồi xưa anh từng lấy Chính Sơn Tiểu Chủng của ông ấy đi luộc trứng, ông ấy tức phát điên luôn."
Phương Mục Dương xuống ga xe lửa, sau đó còn ngồi xe khách cả một đoạn dài mới tới được thành thị nhỏ mà cha mẹ mình đang sống. Anh báo tên của mẹ, người trong xưởng liền nói địa chỉ của hai người họ cho anh.
Đôi vợ chồng già những năm này vẫn luôn tiếp nhận cải tạo tại xưởng sản xuất máy móc nông nghiệp. Mẹ của Phương Mục Dương vốn là giáo sư giảng dạy tại khoa Cơ khí. Hồi đại học bà từng học khoa Văn, nhưng khi ấy ông Phương chồng bà rất có tiếng tăm trong trường, những bài thơ ông viết luôn được hoan nghênh nhiệt liệt, thậm chí có một thời gian các vở kịch nói trong trường đều được dựng từ kịch bản ông ấy viết. Bà tự biết trên phương diện này không thể vượt được đối phương, cho nên liền chuyển sang học khoa học kỹ thuật và cơ khí, từ đó về sau chưa từng thay đổi. Xưởng sản xuất máy móc nông nghiệp biết được lý lịch của bà, khi gặp vấn đề cũng thường xuyên tới nhờ giúp đỡ, mà những vấn đề hóc búa người bình thường không thể giải quyết được thì ở chỗ bà lại dễ như trở bàn tay. Giáo sư Mục tuy xuất thân không tốt, là đối tượng bị cải tạo, nhưng vẫn rất được trọng vọng ở cái xưởng này. Ông Phương chồng bà cũng nhờ vậy mà tương đối được tôn trọng, được người ta gọi là "chồng của giáo sư Mục". Trước kia, người khác luôn giới thiệu giáo sư Mục là "phu nhân của hiệu trưởng Phương". Ông Phương cho rằng người dân ở đây vừa chân chất vừa thật thà, nhưng mà văn hóa lại thấp, không chỉ chưa từng đọc kịch bản hay văn chương mà ông viết, mà ngay cả những bài thơ được ca ngợi rộng rãi của ông cũng chưa nghe bao giờ, bởi vậy không tránh khỏi có chút thất vọng.
Lần này cũng là vợ ông nhận được công hàm thuyên chuyển công tác trước, còn bản thân ông tuy đã khôi phục đãi ngộ, nhưng chức vụ cụ thể thì vẫn phải đợi thông báo chính thức mới biết được.
Nếu không phải con trai út muốn đến đón mình, ông cũng chả sốt ruột quay về để làm một kẻ nhàn rỗi.
Bọn họ đã nhiều năm rồi chưa gặp nhau. Lúc Phương Mục Dương xa cha mẹ là vào độ tuổi dậy thì, cũng chính là thời kỳ biến đổi nhiều nhất. Nhưng khi nhác thấy bóng nhau, Phương Mục Dương còn chưa kịp gọi cha mẹ thì hai người họ đã nhận ra anh. Vẻ ngoài và nụ cười kia, chỉ có thể là người nhà bọn họ.
Ba người nhìn nhau một hồi, nhất thời nói không nên lời. Cuối cùng vẫn là ông Phương lên tiếng trước: "Sao anh lại cao hơn tôi được nhỉ?"
Hồi gia đình họ mỗi người một phương, Phương Mục Dương còn đang học tiểu học, ông Phương vẫn nghĩ anh không được ăn đủ chất, sau này cũng sẽ không thể cao được. Trong ba đứa trẻ, vợ chồng bọn họ vẫn lo lắng cho thằng út nhất. Họ cứ nghĩ rằng với sự giáo dục và bảo bọc của mình, đứa út cho dù không thành tài thì vẫn có thể bình an lớn lên. Về sau hai đứa lớn một đã đi làm một vào đại học, chỉ có duy nhất mình nó là tốt nghiệp tiểu học mà thôi. Hơn nữa Phương Mục Dương còn là đứa chuyên gây họa, không có cha mẹ cạnh bên, cũng chẳng biết sẽ làm ra những chuyện gì nữa.
Nhưng mà cuối cùng nó vẫn mạnh khỏe trưởng thành, không gây ra đại họa gì, lại còn đi làm, cưới vợ.
Hôm nay, con trai ông Phương vận chiếc sơmi trông khả dĩ nhất của mình, chỉ có mỗi một miếng vá ở bên khuỷu tay mà thôi.
Phương Mục Dương đưa quần áo anh mới mua cho cha mẹ, bảo họ thay vào.
Ông Phương thấy con trai mua áo khoác và sơmi cho mình, phản ứng đầu tiên không phải vui mừng vì có quần áo mới, mà là chất vấn: "Anh lấy tiền và phiếu vải đâu ra đấy?" Chỉ cần nhìn qua là biết mấy thứ này không hề rẻ, trông kiểu dáng như thế, tám phần là bán cho người nước ngoài. Con trai ông ông biết, chỉ tốt nghiệp tiểu học, vừa mới đi làm, hơn nữa tiền trợ cấp cũng chỉ tròn ba mươi tệ mà thôi, làm gì có tiền mà mua được mấy bộ đồ này cơ chứ. Cho dù là tiền, phiếu vải hay phiếu kiều hối, con ông đều không thể nào có nhiều được.
"Tiền là con dâu cha đưa con đấy, đó là tiền hồi môn cha mẹ cô ấy để cho."
Chưa kịp cảm giác con trai hiếu thảo đáng khen, ông Phương đã thấy như nước đổ đầu vịt. Cái hồi nằm ở bệnh viện bắt người ta chăm sóc còn chưa tính, hiện giờ đã có công việc còn muốn cha mẹ người ta mua quần áo cho cha mẹ mình. Cũng may ông sắp được phát bù tiền lương, nghịch tử sẽ không cần phải tiêu tiền của con dâu nữa.
"Bây giờ anh làm gì rồi?"
"Làm phục vụ."
"Làm phục vụ?" Ông Phương cũng chẳng buồn hỏi xem là phục vụ ở đâu nữa, chỉ riêng ba chữ này thôi cũng đã đủ khiến ông thất vọng rồi. Nhân viên phục vụ tuy rằng vẫn có thể miễn cưỡng xem như giai cấp công nhân, nhưng chung quy vẫn kém chút.
Giáo sư Mục lườm ông bạn già của mình một cái: "Có công việc chính thức là tốt rồi." Bà vốn có kỳ vọng rất cao vào con trai út của mình, còn từng nghĩ đứa nhỏ này tuy ranh mãnh nhưng có bọn họ ở đó, cho dù có kém cũng chẳng thể quá kém được. Tuy nhiên sau đó, họ lại bất ngờ trở thành gánh nặng của con trai. Với một xuất thân như vậy, Phương Mục Dương vẫn có thể tìm được một công việc tử tế để nuôi sống bản thân là bà cũng thấy vui mừng rồi.
Phương Mục Dương phát hiện phong độ của mẹ mình không hề thua kém năm xưa, chỉ có điều bà đã già đi thấy rõ.

Chương 72: Truy lĩnh

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Một ngày trước khi đi, cha mẹ Phương Mục Dương chủ động mời đồng nghiệp tại xưởng sản xuất máy móc nông nghiệp ra nhà hàng dùng cơm, cảm ơn bọn họ đã chăm sóc mình suốt những năm qua. Những vật dùng còn sử dụng tốt nhưng không thể mang theo trong nhà đều đã bàn giao cho chủ nhân mới, chỉ đợi khi nào khởi hành là người ta sẽ mang đi. Số hành lý mà bọn họ muốn đưa theo mình có hạn, trong đó một nửa là đồ do Phương Mục Dương gửi tới, mà quan trọng nhất chính là một số sách vở cùng với cả một tập thư. Số lượng thư không nhiều lắm, nhưng số con chữ trong thư thì rất đáng nể, một xấp mười sáu lá thư mà lượng chữ viết chi chít cả mặt trước lẫn mặt sau phải đến khoảng năm sáu nghìn. Có những chỗ phải soi kính lúp mới đọc rõ được, mà cũng có những tờ giấy viết thư thực ra chỉ là giấy bổi(1) mà thôi. Thực ra Phương Mục Dương cũng không hề hay biết ông già cận thị nặng nhà mình ban đêm đã phải chật vật thế nào, anh chỉ đơn giản là không kìm được nên mới viết nhiều như vậy mà thôi.
(1) Giấy bổi: Giấy thô làm từ rơm, sậy, cỏ dại và các loại thực vật khác.
Phương Mục Dương lấy ra một bao thuốc lá Trung Hoa, ném cho cha mình, bảo ông vừa hút vừa nói.
Ông Phương nhìn bao thuốc, kinh ngạc hỏi: "Anh lấy ở đâu ra đấy?"
"Tiền Phí Nghê cho còn thừa một chút, con liền mua thuốc cho cha. Mấy năm nay không được hút, chắc là thèm nhỏ dãi rồi chứ gì?"
"Sao có thể nói chuyện với người lớn như thế hả? Chẳng biết lễ phép gì cả." Vì gìn giữ tôn nghiêm của người làm cha, ông Phương đành nghiêm mặt nói. "Những năm này về cơ bản tôi đã bỏ thuốc lá rồi, không tin cứ hỏi mẹ anh mà xem."
Thực ra ông Phương cũng không nói dối, nhiều năm rồi ông gần như không mua hộp thuốc lá nào, bình thường cũng chỉ hút thuốc lá quấn giấy giống những người dân ở đây.
Phương Mục Dương rút một điếu thuốc ra, lấy diêm quệt lửa, đưa tới tầm tay ông Phương. Ông Phương thành thạo dùng ngón tay kẹp lấy, rít một hơi thật sâu, chầm chậm nhả khói, vừa hút vừa dạy dỗ: "Tôi hiểu được tấm lòng hiếu thuận của anh đối với tôi và mẹ anh, nhưng anh dùng tiền hồi môn của Tiểu Phí mua thuốc lá và quần áo cho chúng tôi, Tiểu Phí và cha mẹ con bé sẽ nghĩ thế nào về nhà mình? Đợi khi nào tôi được phát bù tiền lương, anh lấy mà đưa cho Tiểu Phí đi."
Lần đầu tiên hai vị nhà họ Phương làm cha mẹ chồng đã là chuyện mười mấy năm trước rồi, mà lần đó cũng khác hẳn với lần thứ hai. Hồi con trai cả kết hôn, ông Phương vẫn còn đang nắm giữ chức vụ quan trọng, con trai cả của ông bất kể kết hôn với ai cũng không thấp hơn nhà họ, chưa kể đứa con trai ấy của ông cũng coi như là tài mạo song toàn. Khi con trai út lấy vợ, tuy rằng thời kỳ khó khăn nhất đã qua, nhưng gia đình họ vẫn chưa có tiến triển gì tốt đẹp. Nghịch tử gia cảnh không tốt, bản thân lại chẳng có nghề ngỗng gì, vậy mà lại có một công nhân chính thức chịu lấy nó, còn tự có nhà được phân, quả thực vô cùng hiếm thấy. Lúc nhận được tin tức kết hôn của Phương Mục Dương, ông Phương còn kích động ra cửa hàng mua một bình rượu trắng kém chất lượng, lấy tin mừng làm đồ nhắm mà uống hết nửa cân rượu, trong lòng có một loại vui sướng từa tựa trút bỏ gánh nặng.
Song ông Phương dù sao cũng vẫn là người có lương tâm, cho dù đang mừng vui thì vẫn cảm thấy có hơi áy náy. Cùng là một cuộc hôn nhân, nếu như một bên cảm giác mình quá được hời, thì bên còn lại chắc chắn sẽ cảm thấy mình bị thiệt.
Ông lại hỏi: "Lần trước tôi gửi anh trà cho Tiểu Phí, uống có quen không?"
Cái vùng này chẳng có gì, nhưng riêng lá trà thì lại cực kỳ thừa thãi, thậm chí mua trà cũng không cần phiếu.
"Quen lắm ạ, uống hết rồi." Mặc dù Đại Hồng Bào thì gần như không uống, đều mang ra luộc trứng hết." Lần trước anh trai Phí Nghê mua được rất nhiều trứng gà từ chỗ một người dân sống ở ngoại thành, còn tặng cho bọn họ một sọt nhỏ. Phương Mục Dương đã dùng Đại Hồnng Bào luộc một nồi trứng to, giữ lại một nửa, còn một nửa đưa đến nhà cha mẹ của Phí Nghê. Hai loại trà kia Phí Nghê gần như ngày nào cũng uống, bây giờ đã uống hết rồi.
"Thế bây giờ mua thêm nhiều nhiều chút, mang về cho ông bà thông gia uống thử xem sao."
Phương Mục Dương mua cho cha mẹ hai vé nằm, còn anh thì vẫn dùng vé ngồi cứng bình thường. Cha Phương đưa tiền cho con trâi, bảo anh mang đi đổi sang vé nằm giống họ. Phương Mục Dương nhận tiền mà không đổi vé, anh nói rằng tấm lòng của họ anh nhận, nhưng anh vẫn thích ngồi hơn.
Ông Phương thật ra cũng có chút vui mừng, sau khi có gia đình riêng, nghịch tử cũng đã biết tiêu xài tiết kiệm hơn chút.
Phí Nghê vừa về đến cửa là đã thấy Phương Mục Dương đang nấu mì trong nhà: "Anh về từ khi nào vậy?"
"Chiều nay."
"Sao không báo trước cho em? Em còn đi đón mọi người nữa chứ."
"Chẳng phải hôm nay em vẫn phải đi làm à? Cha mẹ bảo anh không được cản trở công việc của em."
"Lần này cha mẹ anh về ở chỗ nào thế?"
"Nhà cửa vẫn chưa ổn định, hiện giờ bọn họ vẫn đang ở tạm nhà khách của đơn vị bên mẹ anh."
"Sao anh vẫn còn tự nấu cơm vậy? Không phải là nên cùng ăn tối với bọn họ sao?"
"Yên tâm đi, cha mẹ còn được ăn ngon hơn chúng ta rất nhiều." Vừa mới xuống xe lửa đã có người giơ thẻ ra đón bọn họ, tự xưng là tài xế của một vị lãnh đạo nào đó. Phương Mục Dương theo cha mẹ lên chiếc xe hơi Volga còn mới tới tận tám phần. Tầm năm giờ chiều, vị tài xế kia lại tới đón gia đình họ đi dự tiệc, mà điểm đến lại vừa đúng là nhà hàng nơi Phương Mục Dương đang làm việc.
Anh đang xin nghỉ vì việc gia đình, không tiện dùng bữa ở đó, cho nên tự mình bắt xe buýt trở về nhà.
Phí Nghê lấy một xấp phiếu mua hàng từ trong túi ra, giao cho Phương Mục Dương: "Đây là của anh cả chị hai cho em, cha mẹ anh vừa về, chắc là cần mua thêm nhiều vật dụng, mà nếu không có phiếu thì cũng chẳng mua được gì cả. Anh cứ đưa chỗ phiếu này cho cha mẹ đi, sau này chắc chắn sẽ cần."
Phương Mục Dương nhéo má Phí Nghê: "Ngày mai là gặp mặt rồi, em tự đưa cho họ đi, nếu không bọn họ lại tưởng rằng anh chỉ biết áp bức bóc lột em, không phải áp bức bóc lột mỗi em, mà còn áp bức bóc lột cả nhà em nữa."
"Anh đừng có mà bốc phét, làm gì có cha mẹ nào nghĩ về con mình như vậy chứ?"
Phương Mục Dương cười: "Đó là em chưa gặp ông già nhà chúng ta đấy thôi. Ngày mai em nhất định phải nói cho bọn họ biết, cuộc sống của em không phải chỉ toàn dầu sôi lửa bỏng."
Bởi vì ngày mai sẽ đi gặp cha mẹ chồng, trong lòng Phí Nghê cũng cảm giác hơi căng thẳng. Cô không biết gì về cha mẹ chồng của mình, đối tối với bọn họ cũng chỉ bởi họ là cha mẹ của Phương Mục Dương mà thôi. Lần đến nhà họ Diệp vẫn để lại ấn tượng rất xấu trong cô, sự khắc nghiệt của mẹ Diệp là điều cô không thể đoán trước được. Lần này Phí Nghê cảm giác cha mẹ Phương Mục Dương dù có tệ cũng không thể tới mức ấy, nhưng vẫn không quên việc chuẩn bị trước tinh thần. Nếu như họ sống tệ quá thì cùng lắm ít qua lại hơn là được, dù sao cô và Phương Mục Dương cũng đã sinh hoạt riêng rồi.
"Anh thấy em đi gặp họ thì mặc bộ nào hợp lý hơn?" Phí Nghê đang phân vân giữa hai bộ đồ, muốn nhờ Phương Mục Dương giúp cô chọn lấy một bộ.
"Chẳng bộ nào hợp lý cả."
"Tại sao chứ?"
"Không chỉ hai bộ quần áo này không hợp lý, cho dù em có đổi sang bộ khác cũng không hợp lý. Vấn đề không nằm ở trên trang phục."
"Thế là ở đâu?"
"Ở em đó."
"Anh nói thế là có ý gì?"
"Em quá đẹp, bọn họ mà trông thấy em là sẽ cảm thấy anh không xứng với em."
Phí Nghê nhịn không được mà bật cười: "Anh ấy, chẳng nói được cái gì đứng đắn cả. Làm gì có cha mẹ nào cảm thấy con mình không xứng với người khác chứ?" Huống chi điều kiện của anh cũng không kém, mà cha mẹ nhìn con mình thì luôn phiến diện hơn người ngoài.
Lần đầu tiên Phí Nghê gặp cha mẹ chồng là ở nhà khách.
Nếu tình cờ gặp cha mẹ chồng trên đường thì chắc chắn Phí Nghê cũng sẽ nhìn lâu hơn một chút. Thực ra vẻ ngoài của Phương Mục Dương đúng là được kết hợp từ các đặc điểm của cha mẹ anh, nhưng khí chất thì lại khác nhau một trời một vực. Trên người cha mẹ Phương Mục Dương, đặc biệt là mẹ anh, luôn toát ra một phong thái rất "nghiêm túc", mà cái nghiêm túc này hoàn toàn không giống kiểu nghiêm túc nhặt nhạnh ba cọc ba đồng của mấy bác bán rau ngoài chợ. Nhìn thoáng qua thì bọn họ có vẻ không phải là người để ý đến tiền.
Hai vị nhà họ Phương trông thấy Phí Nghê thì suy nghĩ đầu tiên chính là, cô còn giống người nhà bọn họ hơn cả Phương Mục Dương. Phương Mục Dương ở trong nhà vốn là thành phần cá biệt.
Phí Nghê cũng gọi bọn họ là cha mẹ theo Phương Mục Dương.
Giáo sư Mục đưa cho Phí Nghê một cái bao lì lì, xem như là quà gặp mặt. Bao lì xì ấy là do bà tự tay làm từ giấy đỏ, sau khi làm xong còn nhờ chồng viết thêm mấy chữ để có vẻ trang trọng hơn. Vì mấy chữ này mà ông Phương đã phải căng đầu vắt óc đến tận nửa đêm, song cuối cùng ông vẫn chỉ đề xuống bốn chữ thông dụng nhất: trăm năm hòa hợp. Viết xong chữ rồi, giáo sư Mục bỏ vào đó một trăm tệ đã chuẩn bị sẵn. Tiền lương của bọn họ trước kia vẫn chưa được phát bù, mà mức lương hiện tại thì chẳng bằng được trong quá khứ. Bà vốn định đợi đến khi nào được phát hết lương sẽ cho nhiều hơn một chút, nhưng lần đầu tiên gặp mặt, không thể đi tay không được, đành phải đưa tạm trước một trăm tệ. Cho đi một trăm tệ này rồi, số tiền tiết kiệm của họ cũng chẳng còn lại bao nhiêu.
Phí Nghê biết bọn họ chưa nhận lại lương, trong túi không có nhiều tiền, đang ngần ngừ định không lấy, nhưng lại nghe thấy ông Phương bảo đừng chê ít.
Phí Nghê đành đưa tay ra nhận rồi nói lời cảm ơn.
Lần này Phí Nghê đến, còn cố ý mang theo hai cuốn tranh liên hoàn trước đó của Phương Mục Dương cho cha mẹ anh xem.
Phương Mục Dương không ngờ Phí Nghê còn bán dưa đến tận trước mặt cha mẹ mình.
Ông Phương cầm cuốn tranh liên hoàn, cẩn thận lật giở vài tờ, xác định đúng là bút tích của con trai ông, vậy mà nghịch tử chẳng hề nhắc tới câu nào. Sau khi xem qua một lượt thì ông đóng cuốn tranh lại, đưa sang cho vợ mình đọc.
Ông vốn còn tưởng rằng con trai đã bỏ bê chuyện vẽ tranh từ lâu, cũng bởi thế mà thi thoảng còn áy náy trong lòng, cảm thấy mình đã hại nó. Nghịch tử ngoài vẽ tranh ra thì chỉ có duy nhất một việc khác nó kiên trì được, đó là kéo đàn, nhưng kéo đàn thì cũng chỉ có thể kéo chơi chơi vậy thôi, không thể coi là nghề nghiệp...
Ông Phương khen ngợi con trai trước mặt Phí Nghê.
Phương Mục Dương phát hiện cha anh quả thực rất có tài khua môi múa mép, những lý do khiến ngày xưa anh ăn đòn, hiện tại đều đã biến thành ưu điểm của anh.
Hồi hai tuổi anh quét vôi hết tường nhà, bôi đen đồ vật trong nhà, giờ phút này lại biến thành tuổi còn nhỏ mà đã bộc lộ năng khiếu hội họa phi thường, mà chuyện anh mang đ ĩa ăn ra đựng màu vẽ cũng biến thành sử dụng tất cả những gì có thể để vẽ... Tóm lại, từ khi còn bé anh đã là một đứa trẻ ngoan, cha mẹ thương yêu hết mực.
Phương Mục Dương nhìn cha cười cười, ý là cha nói như vậy không cảm thấy ngượng mồm ư?
Ông Phương cũng rất khó xử, nếu cứ nói xấu nghịch tử trước mặt con dâu thì sao mà được? Một đứa con trai chẳng ra gì mà lại quẳng cho người ta lấy về làm chồng, người ta sẽ nghĩ thế nào về kẻ làm cha là ông chứ?
Phí Nghê lắng nghe ông Phương quảng cáo bán hàng một cách giả dối, môi vẫn giữ nguyên nụ cười.
Cô dùng tiền trong bao lì xì và phiếu công nghiệp mua thêm một vài vật dụng cho cha mẹ Phương Mục Dương, đồng thời cũng sắm mới một số nhu yếu phẩm hàng ngày như khăn tắm, xà phòng, kem đánh răng, dầu gội...
Những thứ ấy, Phương Mục Dương đều đưa hết cho cha mẹ mình.
Hai vợ chồng già nhận được mấy món đồ kia, một mặt cảm thán con dâu vừa chu đáo vừa cẩn thận, mặt khác lại thấy băn khoăn trong lòng.
Ông Phương vốn dĩ chưa mong ngóng gì chỗ tiền lương phát bổ sung, bởi vì họ vẫn còn đủ tiền để dùng, nhưng sau vài lần nhận được quà của con dâu, ông lại nhịn không được mà gọi điện sang giục giã. Một mình nghịch tử dựa dẫm con gái nhà người ta là đủ rồi, bọn họ không thể bắt chước theo được.
Chẳng bao lâu sau, chuyện nhà cửa của nhà họ Phương đã được ổn định. Bọn họ vẫn chuyển vào khu nhà cũ, chẳng qua là lần này ở tầng thứ ba. Những món đồ bị niêm phong lúc trước mà vẫn còn tìm thấy trong kho thì đều được mang trả lại. Ông Phương không bận tâm về chuyện mất mát đồ đạc, điều duy nhất khiến ông đau lòng là nhiều bức tranh chữ và một số cuốn sách cổ ông cất giữ đã không còn bóng dáng nữa. Nhưng nghĩ đến khoảng thời gian trước kia của bản thân, ông Phương vẫn có thể an ủi chính mình, thôi thì giữ được một phần cũng đã là tốt lắm rồi, chẳng phải những năm qua không có tranh chữ ông vẫn sống được đấy sao?
Ngoài nhà ở ra, bọn họ còn lấy được tiền lương phát bổ sung cùng với cuốn sổ tiết kiệm của ngày trước. Bởi vì nhà họ chẳng bao giờ giữ được tiền, số tiền trong số tiết kiệm còn chẳng bằng phần lẻ của lương nhận về.Bonus
Giấy bổi
Thuốc lá Trung Hoa
Xe Volga

Chương 73: Ngôi lầu vàng trong sách

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Số nội thất ít ỏi được trả về căn bản không thể lấp đầy căn nhà mới của nhà họ Phương, song ông Phương cũng không vội sắm sanh đồ đạc. Nhà không thuê thêm giúp việc, giáo sư Mục đã bắt đầu đi làm, chỉ còn mình ông Phương là rảnh rỗi chờ đợi sắp xếp công việc, tuy ông cũng có bản thảo cần chép lại nhưng vì thời gian của ông linh hoạt cho nên việc nhà tự động rơi xuống đầu ông. Dưới tình huống như vậy, ông Phương đương nhiên mong nhà càng ít đồ càng tốt.
Ngày Chủ nhật, Phí Nghê theo Phương Mục Dương đi thăm nhà cha mẹ chồng. Những người nhiều năm không công tác một khi đã có việc làm thì phần đa đều nóng lòng muốn cống hiến hết mình cho công việc, giáo sư Mục vừa đi làm lại, quãng thời gian này cả ngày Chủ nhật bà cũng ở lì trên trường. Sinh viên hiện tại nền tảng quá kém, có những người còn chẳng có cả kiến thức căn bản dạy từ cấp hai, không thể theo kịp việc giảng dạy của bà, cho nên bà đành tranh thủ thời gian nghỉ ngơi để ép bọn họ học bù.
Những năm qua ông Phương đã không ít lần trả giá cho sai lầm từ miệng mà ra, vất vả lắm mới có thể thu mình, nhưng vừa thấy mặt con trai con dâu thì miệng lại không kìm được: "Mẹ hai đứa lúc nào cũng bảo cha phải thận trọng tuyệt đối từ lời nói tới việc làm, kết quả bà ấy thì sao, vừa mới đi làm không lâu đã bắt sinh viên học bù, cũng chẳng sợ bị người ta gán cho cái mác chuyên trắng(1) điển hình, bị sinh viên đá rớt đài. Nhưng mà dù sao cha cũng hiểu được suy nghĩ của mẹ các con, quá nhiều sinh viên yếu kém, nhiều người thậm chí còn chẳng bằng học sinh trung học, cho dù có cho học bù cũng chẳng thể nào theo kịp bà ấy dạy được. Chế độ tuyển chọn đại học cũng cần phải thay đổi thôi."
(1) Chuyên trắng: Một thuật ngữ thời Cách mạng Văn hóa chỉ những người chỉ chăm chú làm kinh tế mà không quan tâm đến chính trị. Đối lập với "chuyên trắng" là "chuyên đỏ" - những người không chỉ chú tâm học tập chính trị mà còn tập trung kinh doanh, làm tốt công việc của mình.
Phí Nghê nhịn không được hỏi: "Cha, cha thấy kỳ thi đại học có khả năng khôi phục không?"
Ông Phương vì tự tin con dâu sẽ không ra ngoài nói bậy nên lại kìm miệng không được mà giải thích một phen. Sau vài lần gặp mặt cô con dâu này, ông Phương phát hiện cô là một người rất kín miệng. Còn đứa con trai kia thì càng khỏi cần phải nói, trong khoảng thời gian gian nan nhất, ông hi vọng con trai út sẽ vạch rõ giới hạn với mình để cuộc sống được tốt hơn, nhưng nghịch tử lại không chịu.
Ở phương diện này Phương Mục Dương có lợi thế hơn anh chị của mình, bởi vì người ngoài đều biết cha con bọn họ bất hòa, hơn nữa Phương Mục Dương còn chơi rất thân với con cái gia đình công nhân, thường xuyên lấy tiền trong nhà ra ngoài đãi bạn, cùng nhau "chia giàu sẻ nghèo" với đám trẻ đó, thậm chí thuốc lá Trung Hoa ông thỉnh thoảng mới dám hút cũng bị nó lén đưa cho người gác cổng. Những chuyện ấy Phương Mục Dương đều làm như lẽ đương nhiên. Vì phân rõ ranh giới với giai cấp tư bản nên mẹ của Phương Mục Dương đã quyên góp hết tiền tiết kiệm có lãi suất, vàng bạc, nhà ở cùng với tất cả đồ đạc giá trị mà bà ngoại để lại cho nó, thế nên Phương Mục Dương luôn cho rằng mình cũng có quyền kiểm soát tiền bạc trong nhà y hệt như cha mẹ mình, muốn xài gì thì cứ xài, tiêu nhiều hay ít tùy thích, lúc tiêu xài cũng không cần hỏi ý kiến của cha mẹ.
Ông Phương vẫn nhớ, nghịch tử tuy luôn nghĩ cách tiêu tiền của họ, nhưng thật ra không hề có khái niệm gì về vàng bạc lãi suất linh tinh. Biết chuyện nhà bị quyên đi, suy nghĩ đầu tiên của nó chính là chuyện gì sẽ xảy ra với những bông hồng mà khi sống bà thích nhất. Mấy ngày sau ông Phương Nghe nói, nhà cũ của mẹ vợ ông bị trộm đột nhập, tài sản không thiệt hại gì, chỉ có toàn bộ hoa hồng trong vườn là đã bị đào đi mất, mà cũng may là người ta cũng đang có ý định dọn dẹp chỗ hồng kia đi. Ông Phương không nhìn thấy hoa hồng ở trong nhà, nhưng ông vẫn biết chắc là con trai nhỏ gây nên, bởi vì sau ngày hoa hồng bị đào đi thì quần áo của thằng bé cũng vừa bẩn thỉu vừa rách nát. Cả ông lẫn vợ đều không ai truy cứu chuyện kia, chỉ mua thêm một vài bộ quần áo mới cho Phương Mục Dương, dự định đối xử với thằng bé này tốt hơn một tí. Thế nhưng chỉ vài ngày sau, Phương Mục Dương đã lén cầm sổ hộ khẩu đến cửa hàng ủy thác bán hết quần áo của mình. Lại thêm vài ngày sau nữa, cái đài duy nhất trong nhà cũng bị nó mang đi mất. Ông Phương hết cách, đành phải tiếp tục sử dụng lại phương pháp giáo dục trước kia.
Sau khi giải thích một hồi, ông Phương lại nói: "Học tập không nhất định phải giới hạn ở trong trường, ở nhà cũng có thể học. Nếu con và Mục Dương có vấn đề gì thì cứ nói, có thể hỏi cha và mẹ con lúc nào cũng được."
Phí Nghê tất nhiên rất sẵn lòng, nhưng Phương Mục Dương thì hoàn toàn chẳng có hứng thú gì với việc học hỏi cha mình, cho dù chỉ là bày vẽ ngoài mặt cũng lười giả bộ.
Căn nhà của nhà họ Phương vốn dĩ đã không hề nhỏ, mà bởi vì ít đồ đạc nên trông càng rộng lớn hơn. Ông Phương đưa con trai và con dâu đi tham quan một vòng, khi đến một gian phòng ngủ có ánh sáng tự nhiên, bên trong hoàn toàn trống trải, ông mới chỉ vào trong phòng mà nói: "Về sau hai đứa sẽ ngủ phòng này."
Ông Phương dù sao cũng là một người cha rất có trách nhiệm, ông bỏ bê việc giáo dục nghịch tử nhiều năm như vậy, khi có cơ hội dĩ nhiên muốn bù đắp lại. Hơn nữa hiện tại ông cũng chưa phải đi làm, vừa hay có thể đốc thúc con trai học tập bất cứ lúc nào.
Cả Phương Mục Dương lẫn Phí Nghê đều không đáp. Phương Mục Dương hiển nhiên là không muốn ở cùng cha mẹ mình, cho dù nhà của bọn họ có tốt hơn nhà anh cả trăm lần thì anh cũng không muốn. Phí Nghê không muốn, là bởi vì một khi đã dọn khỏi căn nhà mà xưởng may mũ phân cho thì cô cũng sẽ mất đi quyền sở hữu hợp pháp với căn nhà đó, và nó sẽ được nhượng lại cho bất cứ công nhân viên chức nào có nhu cầu. Cô bỏ trống nó lâu dài thì có nghĩa là không cần ở, đương nhiên sẽ phải nhường cho người khác. Dọn ra thì rất dễ dàng, nhưng nếu dọn về thì sẽ cực kỳ khó khăn.
Ông Phương cũng không giục bọn họ đến ở nhanh, còn phải đợi sắm đủ đồ dùng trong nhà, dù sao cũng sẽ mất thêm một khoảng thời gian nữa.
Phòng vệ sinh của nhà mới đã được trang bị đầy đủ, có thể tắm được nước nóng, nhưng phòng bếp thì vẫn chưa mua đủ dụng cụ nấu ăn. Phòng sách chỉ kê có mỗi một cái bàn làm việc, bản thảo của ông đều để ở trên đó hết.
Khi viết lách ông Phương thường chỉ lo viết sao cho mình thấy sướng chứ không hề để ý tới tương lai, lo lắng xem mười năm sau những nội dung ấy sẽ như thế nào. Những bản thảo trước kia thất lạc, ông mạo hiểm dựa vào trí nhớ mà viết lại trên giấy bổi, cảm thấy dù sao mình cũng phải lưu lại chút gì đó, cho dù ở giữa có rất nhiều phần gián đoạn nhưng ông vẫn cứ kiên trì. Một mặt giấy bình thường chứa khoảng ba nghìn con chữ, nếu không đeo kính nhìn cẩn thận từng chữ một thì sẽ không thể hiểu nổi trên giấy đang viết cái gì, mà tình hình hiện tại không cho phép ông đọc chữ quá kỹ, thị lực của ông ngày càng kém, bác sĩ vẫn bảo ông không được dùng mắt quá độ. Mấy hôm trước ông đã nổi lên ý định tìm người chép thay, nhưng vẫn chưa tìm được ai đáng tin cậy cho nên đành phải tự mình sửa sang, mỗi ngày một chút.
Ông Phương cũng không hi vọng con trai còn chưa tốt nghiệp cấp hai và con dâu trình độ văn hóa cấp ba có thể hiểu được bản thảo của mình, nhưng vẫn hào phóng đưa bọn họ xem.
Phí Nghê thấy trong bản thảo có rất nhiều từ vô nghĩa, nhưng khi cô nhẩm những từ này trong đầu, cô lại phát hiện chúng đều có ý nghĩa cả, chẳng qua chúng là từ ngữ tiếng Anh nhưng lại được phiên âm một cách vụng về thành từ tiếng Trung mà thôi. Với học vấn của cha chồng cô, đương nhiên có thể dịch sát nghĩa hơn một chút, song lúc viết ông lại quá cẩn thẩn, cho dù là bản thảo chỉ mình mình xem thì cũng vẫn đề phòng người khác xem, không chỉ thường xuyên sử dụng từ vựng tiếng Anh mà còn dùng từ phiên âm thay cho từ tiếng Anh gốc, thậm chí khi phiên âm cũng cố ý chuyển ngữ không chuẩn xác.
Ngày hôm sau, Phương Mục Dương lại đạp xe đến nhà cha mẹ, đi lấy chỗ sách mà Phí Nghê nhờ giáo sư Mục mượn từ thư viện.
Phương Mục Dương không chỉ lấy được sách mà còn nhận thêm được một cái phong bì, bên trong là hai trăm tờ mười tệ Đại Đoàn Kết(2). Ông Phương bảo anh mau cầm tiền đi bù lại phần đã tiêu xài của Phí Nghê lúc trước.
(2) Đại Đoàn Kết: Bộ tiền giấy mười tệ phát hành lần đầu ngày 10/01/1996 và ngừng lưu hành từ 01/07/2000, bên trên in hình ảnh "những người đại biểu của nhân dân bước ra từ Đại lễ đường."
"Cứ tiêu tiền của vợ mãi, sau này không ngẩng đầu lên được trước mặt người ta đâu. Số tiền này anh nhất định phải đưa cho Phí Nghê đấy, đừng có tự mình tiêu lấy."
Phương Mục Dương cười: "Con cao hơn cô ấy, ngẩng đầu lên sao nhìn thấy cô ấy được chứ. Nếu cha đã không tin con như thế thì sao không tự mình đưa cho cô ấy?"
"Nợ là nợ, tấm lòng là tấm lòng, cái này anh vẫn nên tự mình đưa qua thì hơn."
Phương Mục Dương mua hai lon bào ngư đóng hộp, một lon đưa cho cha mẹ, lon còn lại mang về nhà. Về đến nhà rồi, người đầu tiên anh trông thấy không phải Phí Nghê mà là một người đàn ông, mà người đàn ông này anh còn chẳng quen biết gì.
Mới đầu anh cứ tưởng là bạn bè của Phí Nghê, nhưng nghe cô giới thiệu xong thì mới biết, người kia vốn công tác ở tòa soạn, hôm nay cố ý đến nhà để đặt hàng anh vẽ một bản thảo tranh liên hoàn cho báo của họ.
Phí Nghê pha hồng trà cho khách, khi Phương Mục Dương quay về thì tách trà cũng đã cạn, vậy nên cô lại rót thêm trà cho người ta, đồng thời xếp một ít điểm tâm lên đ ĩa, bày ra bàn, bảo Phương Mục Dương từ từ nói chuyện với khách.
Còn cô thì ngồi xuống bên cái bàn làm việc đóng dưới giường cao, cúi đầu đọc cuốn sách Phương Mục Dương mượn về cho mình.
Lúc đọc sách cô vẫn luôn rất chuyên chú, sách luôn ngăn cách cô với toàn bộ thế giới bên ngoài.
Những ngày này, chuyện tốt liên tiếp xảy đến với nhà họ Phương. Bọn họ ổn định chỗ ở, lấy lại tiền lương phát thiếu, sự nghiệp của Phương Mục Dương cũng càng ngày càng suôn sẻ, thậm chí còn có cả biên tập viên từ tòa soạn chủ động đến nhà hỏi thăm. Phí Nghê đương nhiên vui mừng thay họ, nhưng bản thân cô cả năm nay lại chẳng có tiến triển gì, vẫn cứ làm y hệt một công việc như năm ngoái...
Chẳng bao lâu sau Phương Mục Dương đã nói chuyện với khách xong, còn nội dung công việc cụ thể anh sẽ trao đổi kỹ hơn khi đến tòa soạn.
Tiễn khách đi rồi, Phương Mục Dương bước tới sau lưng Phí Nghê, vừa lật sách vừa hỏi: "Em cảm thấy cuốn sách này thế nào?"
Phí Nghê vừa định đáp lời thì sách đã lật đến một trang có kẹp một tờ mười tệ.
"Ai lại bất cẩn như thế nhỉ? Để quên tiền trong sách này."
"Anh thấy chắc không chỉ có một tờ đâu, em giở tiếp thử xem."
Trong một quyển sách, Phí Nghê lấy ra được mười mấy tờ mười tệ.
Phương Mục Dương cười: "Cái thứ gọi là ngôi lầu vàng trong sách, chắc là như thế này nhỉ?"
Từ nụ cười của anh, Phí Nghê có thể lờ mờ đoán ra lai lịch của chỗ tiền đó: "Phí gửi bản thảo à?"
Phương Mục Dương lấy cái phong bì kia ra, mở ra cho Phí Nghê xem.
Hai trăm tờ mười tệ Đại Đoàn Kết chồng thành một xấp. Nhiều tiền như vậy, Phí Nghê chỉ có thể nghĩa đến một loại lai lịch. Cô hỏi Phương Mục Dương: "Cha anh đưa anh à?"
Phương Mục Dương vẫn cười với cô: "Đây không phải là tiền của anh, đây là tiền của em. Ông già bảo anh trả lại tiền cho em."
"Trả em?"
"Hôm trước em móc hầu bao ra mua quần áo và đồ dùng cho ông ấy, giờ ông ấy trả lại em."
"Đâu ra nhiều tiền như vậy, chỗ tiền em tiêu còn chưa đến hai trăm tệ." Phí Nghê nghĩ nghĩ một chút, lại nói: "Tiền này vẫn nên trả lại cho họ thì hơn."
Phương Mục Dương nhéo má Phí Nghê: "Cái cô nhóc tham tiền này, lúc bảo anh nộp tiền lương cho em sao lại không thấy em phóng khoáng như thế nhỉ?"
Hiện tại hai phần ba tiền lương của Phương Mục Dương mỗi tháng đều phải giao cho Phí Nghê giữ, thậm chí anh còn phải đưa cả bảng lương để chứng minh mình không nói dối. Còn tiền nhuận bút thì vẫn chỉ cần giao một nửa là được.
Phí Nghê cũng cười: "Tiền của anh đâu giống tiền của người khác chứ?"
"Ông già bây giờ không thiếu chút tiền này đâu, em trả lại cho ông ấy, ông ấy cũng chẳng có chỗ mà tiêu. Trên tay ông ấy nhiều tiền như thế mà có sắm thêm được tí đồ đạc nào đâu. Chúng ta không đi tiêu hộ, tiền của ông ấy cũng chỉ xếp xó mà thôi." Phương Mục Dương đưa xấp tiền cho Phí Nghê. "Thế này đi, em giữ lại một ngàn, phần còn lại anh sẽ đi mua thêm ít đồ cho ông ấy."
"Thế cũng được." Phí Nghê chợt nhớ tới chuyện trưa nay anh trai cô nói. "Buổi trưa anh cả có đến tìm em, hỏi xem anh có thể giúp anh ấy vẽ thiết kế sô pha cùng với chạn bát được không. Em nghĩ dù sao mình cũng có sẵn nên đã hứa ngày mai sẽ đưa cho anh ấy rồi."
"Không vấn đề gì, nhưng không phải nhà em đã có sô pha nhỏ và chạn bát rồi sao? Sô pha to kê vào không vừa được đâu."
"Em cũng không rõ nữa, để mai em hỏi anh ấy thử xem."
Phương Mục Dương cũng không có ý định từ từ chọn từng tí một. Anh cầm tiền của cha mình đi ra cửa hàng ủy thác, mua một bộ bàn ghế làm việc, tủ sách và tủ năm ngăn, tất cả đều làm bằng gỗ tử đàn.
Sau vài chuyến đi tới cửa hàng ủy thác, đồ đạc trong nhà đã đầy. Số tiền dư lại, Phương Mục Dương mang đi đổi phiếu kiều hối với giá cao, ra cửa hàng hữu nghị mua thêm hai cái quạt điện. Mùa hè đã sắp đến mà nhà cha mẹ anh vẫn còn chưa có quạt điện, cả nhà anh cũng vậy. Ngoài quạt điện ra, còn có thảm trải sàn và một chiếc chăn mỏng nữa được chuyển đến nhà cha mẹ anh.Bonus
Tờ 10 tệ Đại Đoàn Kết

Chương 74: Nhà cửa (1)

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Ông Phương ngồi hóng gió từ chiếc quạt điện nghịch tử đưa tới, nhất thời mất hết lập trường để phê bình nó.
Chỉ có thể âm thầm quyết định, về sau sẽ trực tiếp đưa tiền cho Phí Nghê, không giao qua tay Phương Mục Dương nữa.
Hai vợ chồng già chủ động tỏ ý muốn gặp thông gia một lần. Lúc trước bọn họ luôn ở nhà khách, quà gặp mặt cũng chưa chuẩn bị được, tất nhiên chưa tiện hẹn gặp. Hiện tại đã có nhà mới, quà gặp mặt đã xong xuôi, cũng tới lúc nên chính thức chào hỏi nhau rồi. Ông bảo Phương Mục Dương bàn bạc qua với Phí Nghê, xem xem ngày nào thì tiện.
Phương Mục Dương mang quạt điện về nhà, Phí Nghê cũng ngồi hóng mát. Ngoài quạt điện ra, anh còn cầm thêm một lọ sữa chua già.
(1) Sữa chua già: Một loại sữa chua truyền thống của Thanh Hải được tạo ra bằng cách cho thêm các chất làm đặc vào trong sữa tươi, thường lên men trong thố sứ, thời gian sản xuất dài và hạn sử dụng tương đối ngắn.
Phí Nghê nói: "Sao lại mua nữa thế? Mấy cái lọ sứ kia mình còn chưa trả lại đâu."
"Sau rồi trả một thể, nhà ta đâu thiếu mấy xu tiền ấy."
Hai người cùng ngồi trước quạt điện, cánh tay dán sát vào nhau. Phí Nghê vừa hứng gió vừa uống sữa chua, thỉnh thoảng lại đưa ống hút tới bên miệng Phương Mục Dương để anh uống ké một ngụm. Đôi lần cô không đưa sang, anh liền thò đầu qua đó. Phí Nghê giơ tay đẩy Phương Mục Dương ra: "Đừng dính gần thế, em nóng."
Phương Mục Dương lại càng ghé tới sát hơn: "Ngồi quạt là không nóng nữa."
"Anh có thể mua thêm một cái quạt điện nữa không? Chúng ta mang sang nhà cha mẹ em."
"Được."
Phí Nghê lại kể chuyện của anh cả mình: "Anh trai em làm nội thất không phải để mình dùng đâu, để kiếm tiền đấy. Nhà bên đó quá chật, anh ấy muốn ra ngoài thuê nhà ở. Lương tháng của anh ấy không có nhiều, gần đây cưới vợ còn lỗ, không dư tiền để thuê nhà, cho nên mới tính đến việc bán đồ đạc kiếm chút đỉnh. Em cũng nói với anh ấy là chúng mình hiện tại có dư một chút, anh ấy lấy dùng lúc nào cũng được, nhưng anh ấy bảo không cần, nói là cứu nguy chứ không cứu nghèo(2)."
(2) Cứu nguy chứ không cứu nghèo: Cách nói dân gian ý bảo con người ta chỉ có thể giúp đỡ nhau những lúc thực sự nguy nan, chứ nghèo về lâu về dài thì không giúp được.
Giọng điệu của Phí Nghê không phải là không chứa chút âu lo gì. Cô biết việc làm thêm đồ nội thất ngoài giờ rất mệt mỏi, lúc trước Phương Mục Dương ban ngày đến ban huấn luyện tối lại về đóng bàn đóng ghế, cô cũng không hề tán thành, mà đó chỉ là làm đồ đạc cho nhà mình, chậm nhất cũng chỉ một tháng làm xong. Còn anh trai cô thì hình như không định làm có vài món đồ như thế...
Nhà của nhà họ Phí nói là hai gian nhưng thật ra chỉ là một gian ngăn đôi ra mà thôi. Trước kia gia đình bọn họ chung sống, chỉ thả có mỗi một cái mành ở gian trong, sau này Phí Đình kết hôn thì mành mới biết thành cửa. Nhưng diện tích của cả căn nhà có mỗi thế, có ngăn ra thì cũng không thể quá dày, lớp vách ngăn mỏng manh kia khả năng cách âm còn thua xa tường nhà Phí Nghê. Thực ra Phí Đình cũng có thể ở tạm như vậy, nhưng cha mẹ Phí lại quá tinh tế, cứ đến khoảng thời gian cố định kia là lại ra ngoài tản bộ, ngày Chủ nhật còn lang thang bên ngoài từ sáng đến tối để con trai và con dâu có không gian riêng với nhau. Nếu cha mẹ không tinh tế đến mức đó, Phí Đình chắc cũng vẫn ở cùng với họ được, nhưng như tình hình hiện tại, anh lại cảm thấy ở không nổi nữa.
Phương Mục Dương lại không cho rằng đây là vấn đề to tát: "Hay cứ nhường lại căn nhà này cho anh trai em đi. Anh ấy cũng làm việc tại xưởng may mũ, lại chưa được phân nhà ở, cho dù có dọn đến đây thì người ngoài cũng chẳng thể nói gì. Chúng ta ra ngoài thuê nhà, thuê một căn nhà nhỏ có sân vườn, em muốn đàn bản nhạc gì thì đàn, muốn nói gì với anh thì nói, cũng không sợ làm phiền những người xung quanh. Anh sẽ kiếm cho em một cái nồi hơi nhỏ, để mùa đông em cũng có thể tắm nước nóng được mỗi ngày."
Phương Mục Dương đã sớm muốn dọn ra ngoài ở, nơi này chẳng cách âm chút nào, mà da mặt Phí Nghê lại quá mỏng, muốn làm gì cũng phải kiềm chế lại, tuy rằng anh đã kết hôn nhưng mỗi tuần lại chỉ có thể hưởng thụ phúc lợi của hôn nhân có một lần. Hơn nữa anh cũng cần một căn phòng riêng để vẽ tranh, sống trong một gian nhà tích hợp cả phòng khách, phòng ăn lẫn phòng ngủ thế này, anh cảm thấy rất gò bó, đến màu vẽ pha nhựa thông cũng chẳng dám dùng bao giờ.
Phí Nghê lại hút một ngụm sữa chua: "Anh nghĩ hay quá nhỉ, cái nhà có sân vườn anh nói í, có khi lương cả tháng của em cũng chẳng đủ tiền thuê đâu."
"Không phải ông già đã trả lại em một khoản tiền rồi sao?"
"Thế cũng chẳng đủ để cho anh xài, lại còn muốn mua nồi hơi nữa chứ, trí tưởng tượng của anh cũng phong phú đấy." Thực ra viễn cảnh Phương Mục Dương vẽ ra thực sự rất đẹp, nếu như có tiền Phí Nghê cũng muốn làm theo. Nhưng lương tháng của cô có hạn, tài sản lớn nhất chính là cái gian nhà này, mà cái gian nhà này có được cũng chẳng dễ dàng gì cho cam. Nếu anh trai cô dọn ra khỏi nhà cha mẹ, Phí Nghê sẵn lòng trợ cấp tiền thuê nhà cho anh ấy mỗi tháng, đến bao giờ anh ấy được phân nhà ở thì thôi. Còn căn nhà này, cô thực sự không nỡ bỏ.
"Anh biết em đang lo lắng chuyện gì. Đợi khi nào anh có tiền, anh sẽ mua một cái nhà sân vườn cho em. Em vẫn sẽ là chủ nhà của chúng ta."
"Một cái nhà như thế mua mất khoảng bao nhiêu tiền?"
"Anh đã hỏi rồi, chỉ cần chưa đến một vạn là mua được."
Phí Nghê nhịn không được mà bật cười: "Anh nói nhẹ nhàng quá nhỉ. Bằng vào tiền lương hiện tại của em, phải nhịn ăn nhịn uống hai mươi năm nữa mới để ra được một vạn. Còn nếu chúng ta cùng nhau để dành, cùng nhau nhịn ăn nhịn uống, thì chỉ mười năm chắc là cũng tích đủ rồi."
"Không phải là anh có tiền nhuận bút sao? Tiền nhuận bút bây giờ cao hơn trước kia nhiều rồi, trước khi mua thì vẫn đủ để thuê đó." Phương Mục Dương cười. "Mà cho dù có thuê không nổi nữa thì chúng ta vẫn có thể về đây ở mà. Người ngoài đã dọn vào rồi chắc chắn sẽ không dọn ra, nhưng anh trai em không phải loại người như thế. Trước lúc quay về chúng ta bớt cho anh em ít tiền thuê nhà cũng được."
Phương Mục Dương cũng không định để anh vợ mình dọn vào rồi lại dọn ra, anh nói thể chủ yếu để Phí Nghê thấy an lòng, để cô biết rằng trong tình huống xấu nhất, bọn họ vẫn có đường lui, tuy rằng anh chẳng hề coi đó là đường lui gì cả. Anh rất tự tin vào bản thân mình, cho dù không mua được nhà thì tiền thuê hàng tháng thì vẫn dư sức trả.
"Tất nhiên là em tin vào nhân phẩm của anh trai em, nhưng nếu anh ấy đã dọn vào ở rồi thì sao chúng ta có thể mặt dày bảo anh ấy dọn ra được? Hơn nữa căn nhà này cũng đâu viết tên của em, nếu anh trai em thực sự muốn ở, em cũng chẳng có tư cách gì mà bắt anh ấy ra ngoài." Căn nhà này cô chỉ có quyền sử dụng, là công nhân ở xưởng, một khi đã dọn vào rồi, chỉ cần không chủ động dọn ra là sẽ chẳng ai có quyền đuổi cô đi, nhưng nếu như đã đi rồi mà muốn về lại thì sẽ khó khăn vô vàn. Anh trai cô không giống với những người khác, kể cả anh ấy có ở đây thật, mai sau nếu cô yêu cầu thì hẳn là anh vẫn sẽ nhường lại nhà cho cô. Chỉ có điều, cô không thể mở miệng được.
"Thế thì em cứ đốc thúc anh kiếm tiền, để sau này không cần phải quay lại căn nhà này nữa."
Phí Nghê chỉ cười, tuy rằng cô rất muốn giúp đỡ anh trai mình, nhưng cô vẫn không xem đó là một phương án khả thi. Hiện tại thu nhập của Phương Mục Dương đã vượt qua cô, nhưng tầm quan trọng của nhà ở với cô vẫn chẳng kém gì quá khứ.
Phương Mục Dương cũng không vội vàng miễn cưỡng Phí Nghê, anh chủ động đề cập đến buổi họp mặt giữa hai bên cha mẹ.
"Thế Chủ nhật này luôn đi, mai tan làm em sẽ về nhà cha mẹ, nói chuyện với họ một chút." Cha mẹ Phí Nghê biết chuyện hai vị phụ huynh nhà họ Phương trở về, cũng đã sớm chuẩn bị quà gặp mặt rồi.
Ngày hôm ấy trời rất nóng, Phí Nghê không ngủ được trên giường, đành trải chiếu nằm dưới đất. Phương Mục Dương cũng ngủ dưới chiếu cùng cô.
Lúc này Beethoven đã không còn bị cấm nữa, nghe nhạc của Beethoven cũng không cần phải trùm chăn, có thể đường hoàng mở cửa sổ ra bật nhạc. Tiếng nhạc cũng theo cửa sổ mà truyền ra ngoài.
Phí Nghê nằm nghiêng trên chiếu đọc sách, trong lòng vẫn rối rắm về chuyện nhà cửa. Áo ngủ mùa hè của cô là một cái áo trắng rộng không tay. Phương Mục Dương cứ nhất định phải lấy lưng cô làm bàn vẽ, đặt một tờ giấy sau lưng cô để dùng bút chì vẽ lên, phía dưới giấy là một cuốn vở mỏng có vai trò như tấm đệm. Lưng của Phí Nghê rất thẳng. Cô có thể mơ hồ đoán được anh đang vẽ gì thông qua cảm giác trên lưng.
Phương Mục Dương nói tiếng quạt ảnh hưởng tới việc vẽ tranh của anh, vậy nên trước lúc anh vẽ Phí Nghê đã tắt quạt điện, hiện giờ trong phòng chỉ có chút gió từ ngoài thổi vào. Phương Mục Dương không thích tiếng quạt kêu ro ro, nhưng lại chẳng hề chê tiếng ve kêu rinh rích.
Phí Nghê vốn đã lau mình từ trên xuống dưới một lần, tạm thời quên đi cái nóng. Nhưng Phương Mục Dương nằm sát gần cô như vậy, tiết trời lại oi đến thế, chóp mũi không khỏi rịn ra mấy giọt mồ hôi.
"Anh không thể lên bàn vẽ được à?"
"Ngồi bàn không có cảm hứng, chẳng vẽ được gì cả. Em chịu khó thêm chút đi. Hay là đọc cho anh nghe xem trên sách viết gì nhé?"
"Một lúc làm hai việc không tốt lắm đâu."
Mà đâu chỉ có mỗi hai việc chứ, máy quay đ ĩa còn đang phát nhạc nữa.
Song Phí Nghê vẫn đọc. Nếu lúc này cô im lặng, hẳn là tình huống sẽ bị lái đi theo chiều hướng khác.
Phí Nghê kiên nhẫn đọc hết đoạn này qua đoạn khác, Phương Mục Dương rốt cuộc cũng vẽ xong.
Đối với những bức vẽ của anh, Phí Nghê chưa từng tỏ ra hiếu kỳ bao giờ.
Cửa sổ để mở, muỗi bay vào.
Phí Nghê xỏ dép lê, đi đóng cửa sổ, sau đó quay ra tìm tìm nhang muỗi.
Nhưng mà trong nhà lại không có nhang muỗi.
Phương Mục Dương nói: "Để anh bôi nước hoa cho em."
Phương Mục Dương xịt ít nước hoa vào lòng bàn tay, thoa lên giúp cho Phí Nghê, những ngón tay trượt dần từ cổ cô xuống.
Chúng khiến cho Phí Nghê không thể nào chịu nổi: "Thôi để em tự làm đi."
"Anh giúp em được mà, hay là em cũng giúp lại anh nhé?"
Nhưng Phí Nghê lại không định giúp anh: "Đừng có động vào người em, anh cứ tự bôi cho mình là được rồi."
"Anh không bôi, như thế bọn muỗi sẽ tới tìm anh, em cũng sẽ an toàn hơn một chút."
Một lát sau, Phí Nghê lại nói: "Anh nhanh lên tí được không?"
"Anh sợ nhanh thì nhiều chỗ sẽ để sót."
"Đừng như vậy nữa." Phí Nghê quay người qua một bên, không nhìn anh, chỉ cắn môi nói: "Hôm nay mới thứ Sáu mà."
"Chẳng lẽ bôi nước hoa cũng phải chờ đến thứ Bảy sao?"
Những chuyện khác bọn họ cũng đã từng làm vào thứ Sáu, rất nhiều lần rồi.
"Tự nhiên lại muốn nghe thấy tiếng em gọi quá."
Trước lúc đi ngủ Phí Nghê đã lau người rồi, nhưng lúc này cơ thể lại dinh dính đầy mồ hôi, tóc mái dán lên trên trán. Cô vừa nóng vừa xấu hổ: "Anh đi mà gọi ấy."
"Thế em muốn anh gọi là gì nào? Anh gọi cho em nghe."
Phí Nghê không thèm để ý tới anh. Đối phó với loại người da mặt dày như tường đồng vách sắt này, cô cũng bó tay hết cách.
"Không biết xấu hổ."
Phương Mục Dương dùng hành động nói cho cô hay, chuyện không biết xấu hổ vẫn còn ở phía sau kìa.
Buổi sáng thức giấc, Phí Nghê phát hiện trên người mình đầy những vết hằn, hết vết này tới vết khác. Đêm qua cô bị Phương Mục Dương lăn lộn trên chiếu hồi lâu, những vết hằn đó không thể biến mất ngay được. Những ngón tay của Phương Mục Dương dán lên người cô. Anh nói, có hơi áy náy: "Để tối nay anh trải một tấm thảm mỏng lên trên, sẽ không bị như thế nữa."
"Tối nay không có đâu."
Phương Mục Dương chỉ cười.
Ngày thứ Bảy tan làm, Phí Nghê mua thịt hun khói nhân hạt thông, thịt xá xíu và một chai nước quýt đến nhà cha mẹ, nói với bọn họ chuyện gặp gỡ gia đình thông gia vào ngày hôm sau. Cô còn mang theo ba trăm tệ, nghĩ bụng nếu chỉ thuê một căn nhà hai gian nhỏ nhỏ thế này thì chỗ tiền đó chắc cũng đủ dùng cả năm, có khi còn dư ra được. Còn chuyện của một năm sau, Phí Nghê tin là sẽ có những biện pháp khác.
Cha Phí đang nấu cơm ngoài hành lang, vừa thấy Phí Nghê thì liền gọi với vào nhà: "Bổ quả dưa hấu trong xô đi, con gái về rồi."
Phí Nghê vào nhà, lại một lần nữa cảm thấy căn nhà này quá nhỏ. Trước kia gian trong treo mành nên không thấy được rõ lắm, hiện tại thay bằng cửa gỗ, nhìn lại càng thêm chật chội.
Lâm Mai đang đạp máy may, thấy Phí Nghê về thì nở nụ cười chào hỏi.
"Anh trai em đâu ạ?"
"Đi sang nhà bạn học rồi. Bạn học của anh ấy có em gái sắp lấy chồng, nhờ anh em làm giúp ít đồ nội thất. Không phải chị nói chứ, nhưng cái cậu bạn kia của anh ấy đúng là khó hiểu, dạo này ngày nào cũng gọi anh em sang đóng đồ hộ. Anh trai em đâu phải không có việc làm, cả ngày làm việc mệt rồi, tan làm còn phải đi đóng bàn ghế giúp người ta, đến tối muộn mới về nhà, hôm nào cũng mệt muốn ngất, về là dính lấy giường luôn. Bộ bọn họ không thể tìm thợ mộc được hay sao?"
Phí Nghê toan hé môi hai lần, song cuối cùng vẫn ngậm miệng. Bây giờ cô vạch trần lời nói dối của anh trai, cũng chỉ tổ dấn tới một trận cãi vã vô nghĩa mà thôi.
Chị Mai lại hỏi: "Cha mẹ chồng em đã ổn định nhà cửa chưa?"
"Rồi ạ."
"Mới chuyển về, chắc là còn nhiều đồ đạc cần mua lắm đúng không? Chỗ này của chị vẫn còn ít phiếu công nghiệp, cha mẹ chị vốn muốn mua TV, nhưng rồi cuối cùng là lại không dùng tới phiếu, cái phiếu này cứ để đó cũng vô dụng, hay em lấy dùng trước đi."
"Không cầu đâu ạ, đồ đạc nhà họ cũng đặt mua gần hết rồi."
"Nhanh thật nhỉ. Ông chú của cô đồng nghiệp chỗ chị về đây nửa năm, cả gia đình bốn người cũng chỉ được ở một căn nhà nhỏ. Cha mẹ chồng em có hai người mà đã được một căn là quá tốt rồi."Bonus
Sữa chua già Thanh Hải

Chương 75: Nhà cửa (2)

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Biết được chuyện cha mẹ nhà họ Phương được phân cho một căn hộ như thế, Lâm Mai khó nén được vẻ kinh ngạc trên mặt.
Sau khi đã hết kinh ngạc thì chị chuyển sang thấy mừng cho Phí Nghê. Lúc trước Phí Nghê vội vã kết hôn với Tiểu Phương không tiền để dành không công việc không nhà cửa, Lâm Mai còn không khỏi nghi ngờ Phí Nghê làm thế là vì muốn nhường nhà cưới cho Phí Đình, trong lòng vẫn luôn có chút băn khoăn. Hiện giờ biết cô đã lấy được một người gia cảnh không tệ, tự nhiên lòng cũng yên tâm lên nhiều. Hơn nữa tất cả đều là người nhà với nhau, người nhà sống tốt thì cũng chẳng hại gì cho bản thân mình. Nếu như Phí Nghê thực sự sống không tốt, chẳng nhẽ chị có thể trơ mắt ra nhìn mà không giúp gì hay sao?
Sau đó Lâm Mai hỏi Phí Nghê, gia đình Tiểu Phương có bao nhiêu anh chị em. Biết được anh chị của Phương Mục Dương đều không sống ở thành phố này, Lâm Mai lại tiếp tục thấy mừng cho mình. Cha mẹ chồng Phí Nghê sống trong một căn nhà lớn như vậy, đương nhiên sẽ để dành một phòng cho con trai út của họ. Lâm Mai Nghĩ, Phí Nghê chắc cũng bằng lòng chuyển sang ở với cha mẹ chồng, chỉ tính riêng phòng bếp với phòng vệ sinh độc lập thôi là cũng đáng để đi rồi. Những người tắm trong nhà tắm công cộng từ bé đến lớn như chị và Phí Nghê luôn khát khao có một phòng vệ sinh riêng, có lẽ cả đời này chị cũng sẽ không được ở trong căn nhà nào có phòng vệ sinh riêng như thế cả.
Nhưng dù sao Phí Nghê có thể sống trong một căn nhà như thế cũng tốt, bởi vì Phí Đình cũng sẽ được ở trong một gian nhà lớn hơn. Dựa vào tuổi nghề và cấp bậc của Phí Đình, việc phân nhà còn lâu mới tới lượt anh. Tuần trước, Lâm Mai vừa nhận được lương là đã đi mua hai bình rượu ngon, một bao thuốc lá chất lượng cùng loại điểm tâm cao cấp nhất trong cửa tiệm, bảo Phí Đình cùng mình đến nhà trưởng phòng Phó phụ trách quản lý hậu cần trong xưởng chế mũ, hỏi thăm một chút về tình hình phân nhà ở. Phí Đình vốn không thích những chuyện quà cáp như thế, nhưng ngày đó, chị thậm chí còn chưa phải dùng đến những lý do nghĩ sẵn để thuyết phục anh, anh đã cùng chị đi rồi.
Trước khi đi, Lâm Mai dặn Phí Đình chỉ cần ngồi nghe là được, anh chưa bao giờ đi nạp lễ đen, nhỡ chẳng may lỡ miệng nói gì sai lại đắc tội với người ta. Đến nhà của vị trưởng phòng Phó phụ trách phân nhà ở kia, Lâm Mai lặng lẽ tặng quà, sau đó mới từ tốn kể về tình hình nhà cửa khó khăn của gia đình mình hiện tại. Trưởng phòng Phó nhận quà, rất khách sáo với bọn họ, nhưng dù khách sáo thì vẫn giữ vững nguyên tắc. Ông ta nói bây giờ người chờ phân nhà rất nhiều, ông ta rất hiểu cho tình cảnh khó khăn của họ, nhưng trước mắt không có căn nhà nào trống cả, nếu như Phí Đình muốn được phân nhà thì chỉ có thể chờ gia đình nào đó dọn ra. Thấy vẻ mặt thất vọng của bọn họ, trưởng phòng Phó lại tiết lộ một vài tin tức, nói ông Viên phòng tài vụ vừa mới được trả lại ba căn nhà riêng bị tịch thu, theo như quy định thì ông ấy sẽ phải giao lại căn nhà xưởng phân trước đó. Nếu Phí Đình có thể thương lượng được với ông Viên, đợi khi ông ấy rời đi thì lập tức chuyển vào trước khi những người khác tới, căn nhà ấy sẽ thuộc về Phí Đình. Lâm Mai nghe xong kiến nghị của trưởng phòng Phó, đi tìm ông Viên, phát hiện trước chị đã có mười người xếp hàng, tất cả đều chờ ông Viên dọn ra để chuyển đồ đạc nhà mình qua đó, thậm chí còn có hai nhà trực tiếp đánh lộn ngay trước cửa nhà người ta. Rời khỏi nhà ông Viên rồi, Lâm Mai thấy thật sự đau xót vì đống rượu ngon thuốc lá ngon điểm tâm ngon mà mình cất công chuẩn bị, con mẹ nó chứ, mấy lời nhăng cuội kia mà cũng có thể gọi là kiến nghị được sao? Phí Đình càng tức giận hơn, nói về sau cho dù có ra đường ở cũng sẽ không tặng quà cái đám Tôn Tử(1) kia nữa.
(1) Tôn Tử (545 TCN - 470 TCN): Tên thật là Tôn Vũ, một danh tướng kiệt xuất của nước Ngô cuối thời Xuân Thu, nổi tiếng với cuốn "Binh pháp Tôn Tử" và 36 mưu kế.
Nhưng Phí Nghê thì không giống với ông Viên. Phí Nghê dọn ra ngoài, nhà không để lại cho anh chị, chẳng nhẽ lại để lại cho người khác?
Song Lâm Mai cũng không nói chuyện nhà cửa với Phí Nghê, chị cảm thấy Phí Nghê sớm muộn gì thì cũng sẽ chuyển sang sống cùng với cha mẹ chồng. Bây giờ mạo muội đề cập, nghe sẽ giống như là đang bức ép người ta.
Bởi vì phấn khởi, giọng điệu của Lâm Mai khi nói chuyện cũng xen lẫn chút vui mừng.
Phí Nghê có thể lập tức đoán ra sự mừng rỡ của chị dâu là từ đâu tới, lại không nỡ lòng khiến chị thất vọng, cho nên cũng không nhắc tới chuyện nhà cửa. Cô không cách nào giải thích với người chị dâu đang chen chúc trong căn nhà ở bé tẹo với cha mẹ mình lý do tại sao mình không muốn ở cùng với cha mẹ chồng.
Lâm Mai đột nhiên nói với Phí Nghê: "Chị có em bé rồi."
Niềm vui của Lâm Mai cũng lây sang người Phí Nghê, cô cười hỏi: "Bao lâu rồi? Sao không thấy anh trai nói gì với em nhỉ?" Không riêng gì anh trai, trong nhà cũng chẳng có ai nói gì với cô.
"Anh em vẫn chưa biết đâu, tối nay anh ấy về chị sẽ nói cho anh ấy biết."
Lâm Mai gần ba mươi tuổi, năm hủy bỏ thi đại học cũng đúng là năm cuối cấp ba của chị. Thành tích học tập của chị không ưu tú lắm, biết tin kỳ thi đại học bị hủy thậm chí chị còn thấy vui, bởi vì cho dù không hủy thì chị cũng chưa chắc sẽ đỗ được, mà bây giờ chị sẽ không còn cần viện cớ khi trượt đại học nữa rồi, bởi chẳng có ai đỗ cả. Chị vốn tưởng mình có thể vào xưởng làm công nhân giống như cha chú, nhưng rồi cuối cùng chị lại đi xuống nông thôn cắm đội, gặp được Phí Đình. Rất lâu về sau Lâm Mai mới thấy tiếc nuối khi việc thi đại học bị hủy bỏ, lúc ấy chị đã quay về thành phố, Phí Đình vẫn còn đang ở nông thôn. Chị biết, bằng vào khả năng của Phí Đình, năm đó chắc chắn anh có thể đỗ đại học. Hồi tiểu học anh chỉ học trường thường, nhưng lên cấp hai cấp ba anh đều được học trường chuyên. Khi Phí Đình quay trở về thành phố làm việc và kết hôn với Lâm Mai, chị đã rất thỏa mãn rồi, nếu như lần này không có thai ngoài ý muốn thì có lẽ chị sẽ vẫn còn thỏa mãn lâu nữa. Ba thế hệ ở chung trong căn nhà nhỏ như thế này, quả thực là không dễ dàng. Thực ra cũng không phải chị chưa từng thấy nhà nào ba thế hệ cùng chung sống trong một gian nhà nhỏ, ngay chính nhà cha mẹ đẻ của chị của chị bây giờ cũng là tam đại đồng đường, cha mẹ, chị gái, anh rể, và cả cô cháu gái nhỏ của chị nữa. Cũng chính vì điều kiện sinh hoạt khó khăn như thế, cho nên bọn họ mới không dám sinh thêm con. Nhà ở của chị hiện tại vẫn còn tốt hơn nhà mẹ đẻ một chút, ở bên kia đến cái vách ngăn đôi nhà ra cũng không có, chỉ có mỗi một cái mành.
Chị vốn định đợi phân nhà rồi mới sinh con, nhưng dụng cụ tránh thai không phát huy tác dụng, chị lại lỡ có bầu. Tuần trước chị đã nhận được kết quả khám thai ở bệnh viện, nhưng chị vẫn chưa định nói chuyện với Phí Đình. Chị không biết bản thân mình có muốn đứa nhỏ này hay không. Lý do muốn thì rất nhiều, chẳng hạn như chị thích trẻ con, hay chị cũng đã có tuổi. Nhưng chị lại không muốn con mình chào đời trong một hoàn cảnh thế này.
Tuy nhiên hiện tại em chồng mang đến một tin tức tốt, chị lại cảm thấy đứa bé tới vừa đúng lúc
"Cha mẹ cũng không biết ạ?"
Lâm Mai cười: "Ngoài chị và bác sĩ ra thì em vẫn là người đầu tiên đấy." Chị tìm tờ giấy khám thai, đưa cho Phí Nghê xem. "Hơn một tháng chị không thấy chu kỳ tới, tuần trước đến bệnh viện kiểm tra thử, quả nhiên là đã có rồi."
Phí Nghê thầm nghĩ trong lòng, anh trai em cũng biết rồi, cho nên anh ấy mới muốn đóng nội thất kiếm tiền thuê. Mấy cái lý do kiếm tiền mà anh trai nói với cô đều là sự thật, nhưng vẫn chưa phải lý do quan trọng nhất. Quan trọng nhất là vợ anh đã mang thai, mà vì nhà ở quá chật cho nên vẫn chưa xác định muốn giữ đứa bé hay không. Lòng tự trọng và tinh thần trách nhiệm buộc anh ấy phải tìm một nơi ở rộng rãi hơn cho vợ mình.
Phí Nghê lấy ba trăm tệ từ túi ra. Đây là tiền thuê nhà cô chuẩn bị cho anh trai và chị đâu mình, nhưng cô không nói ra mục đích sử dụng cụ thể của nó.
Lâm Mai kiên quyết không nhận, vẫn dùng câu từ chối kia của Phí Đình: cứu nguy chứ không cứu nghèo. Hơn nữa chị cũng không cho rằng mình nghèo, tiền lương hiện tại của họ đủ để hai người sinh sống, sau này có con thì lương cũng tăng theo số tuổi của con. Vấn đề duy nhất chính là nhà ở, nhưng hiện tại nhà ở cũng không còn là vấn đề lớn nữa rồi.
"Tiền lương của chị và anh em vẫn đủ dùng, khi nào chị cần tiền gấp thì chắc chắn sẽ tìm em. Giờ em cứ cầm tiền về đi đã."
Phí Nghê đành phải cất tiền lại.
Phương Mục Dương đã đến nhà cha mẹ anh nên Phí Nghê cũng ở lại đây ăn cơm tối.
Nấu cơm xong, Lâm Mai bảo mọi người ăn trước, không cần phải chờ Phí Đình. Nhưng Phí Nghê lại nói cứ chờ thêm một chút.
Lâm Mai nói: "Anh ấy chắc chắn là ăn bên nhà bạn học rồi, người ta nhờ anh ấy đóng đồ hộ, đã không cho tiền thì thôi, chẳng nhẽ còn mặt dày không thèm mời cơm nữa ư? Để mai chị bảo anh ấy đừng đi nữa, đi làm không thôi đã đủ mệt rồi. Phí Đình đúng là chẳng biết nghĩ gì cả, ở xưởng cũng thế, lấy có một phần tiền lương, lại làm việc của hai người." Những lúc Lâm Mai xót chồng mình nhất, chị luôn mắng anh không biết nghĩ.
Phí Nghê nói: "Nãy em ăn dưa hấu nhiều quá, giờ vẫn chưa ăn cơm được, hay cứ đợi lát nữa rồi ăn sau nhé."
Khi Phí Đình quay trở về thì cả đầu đầy mồ hôi, trong tay còn xách theo một túi mơ vàng. Sáng nay Lâm Mai nói với chồng là muốn ăn mơ, không ngờ tối anh mua thật. Phí Đình cũng bảo em gái ăn chung với chị.
Phí Nghê nói: "Anh, anh mau đi rửa tay đi, khi anh trở lại em và chị dâu có tin vui muốn thông báo với mọi người."
Lâm Mai kể chuyện mình đã có thai trên bàn cơm, mọi người trong nhà đều rất vui mừng. Bọn họ kết hôn muộn nhất, nhưng lại có con sớm nhất. Phí Nghê cũng cảm thấy rất mừng cho họ. Tuy rằng trong mừng có lo, nhưng cô cũng không biểu hiện sự lo âu ra bên ngoài.
Lúc ăn cơm, Lâm Mai nói rất nhiều.
"Mẹ, con còn một ít vải may quần áo chưa dùng, mai mẹ đưa cho cha mẹ chồng của em gái để làm quà gặp mặt nhé. Chỗ con còn ít phiếu điểm tâm nữa, mẹ mua cho họ một hộp điểm tâm to vào, không thể để nhà họ coi thường chúng ta được."
Phí Nghê cười: "Chị dâu, chị cứ để lại cho mình dùng đi, chị đang mang thai, chỉ sợ quần áo cũ sắp mặc không được nữa rồi. Phiếu điểm tâm lần trước chị cho em vẫn thừa nhiều, lần này chưa cần phải lấy thêm đâu."
Mẹ Phí nói: "Hai đứa đều không cần can thiệp vào, mẹ đã chuẩn bị hết rồi."
Phương Mục Dương tới đón Phí Nghê, mang theo chiếc quạt điện mà anh mua.
Cha Phí bật quạt, cảm thán: "Quạt điện đúng là tốt hơn quạt nan thật nhỉ."
Phương Mục Dương ngồi hóng gió với cha vợ, tiện thể truyền đạt lại sắp xếp của ông già nhà mình.
"Ông... cha mẹ con định là tới nhà thăm hỏi mọi người trước, sau đó sẽ đón cả nhà ra tiệm ăn cơm, ăn cơm xong rồi lại đến nhà mới của họ tham quan, cuối cùng tài xế sẽ đưa mọi người trở về."
Cha Phí nghe nói còn có cả tài xế thì cả kinh, nhịn không được hỏi: "Ông thông gia đang làm công việc gì thế?"
Phương Mục Dương nói: "Ở nhà chờ sắp xếp việc làm thôi ạ, xe cũng là xe taxi thuê."
Mặc dù người quen cũ của ông Phương có nói với ông nếu cần xe thì cứ bảo, nhưng ông Phương thực sự chưa dùng lần nào, việc công còn không cần đến, nói chi là việc riêng như gặp gia đình thông gia. Phương Mục Dương đã trực tiếp gọi điện thoại đến công ty xe taxi, đặt trước giúp ông hai chiếc xe Warszawa. Xe thuê phải đặt trước một ngày, một chiếc xe Warszawa thuê một ngày hai mươi tệ, đi quá bốn mươi kilômét tính thêm tiền. Ông Phương cũng rất buồn bực, nghịch tử xuống nông thôn rèn luyện biết bao nhiêu năm, vừa trở về có mấy ngày mà đã tiêu tiền thuận tay thế rồi.
"Sao phải tốn kém thế, chắc mất nhiều tiền lắm hả?"
"Chuyện tiền nong cha không cần phải lo đâu. Ngày mai cha bảo anh cả chị dâu, chị hai anh rể cùng đi luôn nhé. Không phải là con và Phí Nghê vẫn chưa làm tiệc cưới sao? Nhân dịp này chúng ta tụ tập một chút."
Lâm Mai cười nói: "Một cái xe có thể ngồi được nhiều người như thế à? Không ngồi được là chị không đi đâu đấy."
"Chắc chắn ngồi được."
Thống nhất xong vấn đề gặp mặt, Phí Nghê và Phương Mục Dương cùng rời khỏi nhà họ Phí.
Phí Nghê không đưa tiền cho anh trai, cô biết có đưa anh cũng không cầm.
Lâm Mai vừa ăn mơ Phí Đình mua cho, vừa luôn miệng phát biểu suy nghĩ của mình: "Lúc trước em đã nói với anh rồi, em gái không phải là vì muốn giúp anh về nên mới kết hôn bừa đâu, con bé cẩn thận lắm đó, hiện tại còn tốt hơn những gì em tưởng tượng nhiều. Mà Phí Nghê cũng sắp chuyển qua ở cùng cha mẹ chồng rồi. Căn nhà hiện tại để trống, chắc chắn em ấy cũng sẽ không để người ngoài chiếm mất, chúng ta cũng có nhà ở. Giờ cứ nghĩ đến mấy thứ đồ tốt biếu cho bọn họ là em lại tức, chẳng thà để lại cho em gái mình còn hơn."
"Em ấy nói chuyện với em rồi à?"
"Chưa nói, nhưng chẳng phải là sẽ thế sao? Nhà của xưởng may mũ các anh sao có thể so với nhà cha mẹ chồng Phí Nghê được phân cho chứ, bếp thì ở ngoài hành lang, đến cái phòng vệ sinh riêng cũng không có."
"Phí Nghê tự có cân nhắc của mình mà, em ấy chưa chắc đã muốn ở cùng với cha mẹ chồng đâu. Những lời vừa nói với anh, em chưa nói với con bé đấy chứ?"
"Em đâu có thiếu suy nghĩ như vậy, làm thế chả hóa ra ép người ta nhường nhà lại cho mình à? Nhưng em không nghĩ ra được vì lý do gì mà em ấy lại không muốn ở cùng nhà chồng cả."
"Chuyện Tề đại phi ngẫu(2) chắc em biết chứ?"
(2) Thời Xuân Thu, Tề Hi Công muốn gả con gái cho Thái Tử nước Trịnh, nhưng vị Thái tử kia đã từ chối bằng câu "Nhân các hữu ngẫu, Tề đại, phi ngô ngẫu dã" (Mỗi người đều có phối ngẫu thích hợp với mình, Tề Quốc là nước lớn, không phải phối ngẫu thích hợp với ta). Về sau câu nói "Tề đại phi ngẫu" cũng thường được dùng khi người ta muốn từ chối kết hôn vì địa vị thấp hơn đối phương, không dám trèo cao.
"Ý anh là gì cơ?"
"Trước khi nghỉ học em không học trung học hay sao, câu ấy mà cũng không biết?"
Lâm Mai có hơi xấu hổ: "Anh không thể nói thẳng hơn một tí à?"
"Em ở nhà cha mẹ chồng không giống em ấy ở nhà cha mẹ chồng, em lấy anh là cưới thấp, cha mẹ anh cảm thấy em về đây phải chịu khổ, đối xử với em còn tốt hơn đối với anh..."
Lâm Mai cười: "Anh không cần phải khiêm tốn như thế đâu, hai chúng ta cũng xem như môn đăng hộ đối mà. Chúng ta tuổi tác tương đồng, đều tốt nghiệp cấp ba như nhau, ngay cả công việc của cha mẹ cũng không khác nhau là mấy. Mà trùng hợp nhất chính là, bố cục nhà ở cũng y chang nhau nữa chứ."
Phí Đình nhịn không được mà bật cười, bọn họ quả thật là rất môn đăng hộ đối.
Anh lại tiếp tục nói: "Em gái anh và Tiểu Phương cũng không chênh lệch gì, nhưng em không thể không thừa nhận, hiện tại khoảng cách giữa hai nhà chúng ta rất lớn. Nếu em ấy trả lại nhà cho xưởng, cũng chính là giao nhà cho chúng ta, dọn qua ở cùng bọn họ, chẳng may có gì mâu thuẫn thì cãi nhau cũng sẽ không được tự tin. Tới lúc đó, em bảo em ấy biết đi đâu về đâu chứ?"
"Có gì mà không tự tin? Có mâu thuẫn cũng không đi, cứ ở lì trong nhà họ, chiếm luôn cái phòng tốt nhất. Phải rồi, Phí Nghê cưới Tiểu Phương chính vào lúc cậu ta sa sút nhất, lúc cậu ấy nằm viện Phí Nghê còn đi chăm sóc, mà khi bọn họ lấy nhau Tiểu Phương còn chưa có công việc nữa cơ. Tranh liên hoàn của Tiểu Phương cũng là Phí Nghê viết cảm nghĩ cho, còn mua không ít quyển về ủng hộ. Làm người thì có ân phải báo chứ. Nếu cậu ta không báo, chúng ta cũng bắt cậu ta phải báo." Lâm Mai nghĩ ngợi một thoáng, lại nói: "Cái người này, chưa biết chừng cũng thật tâm đấy. Mấy hôm trước em vừa gặp Vương Văn Học ở điểm thanh niên trí thức của chúng ta đến chỗ bọn em mua điểm tâm, cậu ta đã ly hôn người vợ ở quê, trở về thành phố rồi. Hồi trước để được ăn một quả trứng gà mỗi ngày mà theo đuổi người ta gắt gao, còn bây giờ thì sao nào, chỉ vì một cái chỉ tiêu về thành phố, không kèm nhà ở công việc mà cũng bỏ vợ bỏ con. Nếu như có thể phát đạt giống nhà Tiểu Phương, còn chẳng biết sẽ điên rồ tới mức nào. Nhưng mà em thấy gia đình Tiểu Phương cũng được, chẳng phải hôm nay còn tặng quạt điện cho cha mẹ chúng ta sao?"
Lâm Mai tự giả thiết mình là Phí Nghê, nói rất nhiều lời xả giận. Nhưng trên thực tế, chị không phải là Phí Nghê. Chị phát hiện nhà ở cũng không gần như mình tưởng tượng. Nói không chừng, con của chị vẫn sẽ phải chào đời trong căn nhà này.
Phí Đình an ủi Lâm Mai: "Nếu thật sự không được phân nhà, anh sẽ đưa em ra ngoài thuê. Em đừng buồn vì chuyện này nữa."
"Trong nhà có phòng anh còn muốn ra ngoài thuê? Thế mà anh cũng nghĩ ra được à? Anh là địa chủ hay là nhà tư bản hả? Ở chật thì ở chật thôi, tiền còn khối việc để làm, em còn đang tiết kiệm tiền để mua cái TV xem đấy."
Phí Nghê ngồi sau xe đạp, chuyện nhà cửa chiếm trọn tâm trí của cô. Gió đêm luồn vào cổ áo của Phương Mục Dương, khiến chiếc sơmi trắng phồng lên trong nháy mắt. Phí Nghê ôm eo Phương Mục Dương, dán đầu lên lưng anh, đẩy ngược gió ra ngoài.
Người này thật tốt. Nhưng anh càng tốt, cô càng không thể khảo nghiệm anh. Gửi gắm mọi hi vọng về cuộc sống lên con người trước mắt này, bất kể đối với cô hay với anh thì cũng đều là một gánh nặng lớn. Chị dâu của cô, thậm chí là cha mẹ cô cũng nghĩ cô lấy được Phương Mục Dương thì chính là cô may mắn. Nói cách khác, ở trong mắt người ngoài, hiện tại điều kiện của cô và Phương Mục Dương không hề bình đẳng với nhau...
"Sao hôm nay em lại không vui thế?"
"Đâu có, em vui lắm chứ, chị dâu có em bé rồi, chẳng mấy nữa là em sẽ được làm cô."
"Em vẫn thấy tiếc căn nhà này à?"
Phí Nghê im lặng. Bất kể thế nào, cô cũng vẫn phải giữ lại căn nhà ở của mình. Một khi đã từ bỏ, sau này xưởng may mũ phân nhà chỉ sợ sẽ không có phần của cô nữa, mà anh trai cô tuy rằng trước mắt chưa có nhà ở được ngay nhưng mà sau này thể nào cũng có... Nhưng bây giờ chị dâu lại mang thai rồi, bọn họ quả thực cần một chỗ ở rộng hơn một chút.
"Căn nhà này em cũng không ở được lâu đâu, mai sau kiểu gì em chẳng rời khỏi xưởng may mũ."
Phí Nghê cười: "Rời xưởng may mũ thì em đi đâu được chứ?"
"Em có thể làm được nhiều thứ như thế, nhất thời anh đoán không ra là em sẽ đi đâu."
"Anh chỉ biết trêu em thôi."
Phí Nghê để cho Phương Mục Dương ôm vai mình vào khu nhà. Trông thấy thông báo đổi nhà ngoài hành lang, cô kìm không được mà tiến về phía ấy một bước.
Hầu hết người dân ở thành phố này đều sống trong những ngôi nhà công cộng, chỉ có quyền sử dụng chứ không có quyền sở hữu. Nếu bọn họ cảm thấy nhà quá chật, giao thông đi lại bất tiện, không thích tầng mình đang ở, muốn đổi từ một gian sang hai gian hay hai gian sang một gian thì chỉ có thể đến trạm đổi nhà đăng ký thông tin đổi nhà, hoặc dán thông báo muốn đổi nhà ở nhiều nơi. Nếu như hai bên thống nhất, họ chỉ cần ký vào một biên bản đổi nhà là sẽ có thể đổi nhà cho nhau.
Bên cạnh thông báo đổi nhà còn có một tờ thông báo đổi chỗ công tác.
Tuy nhiên trong mắt Phí Nghê chỉ có mỗi thông báo đổi nhà mà thôi. Có người đang muốn đổi căn nhà hai gian hiện tại thành hai căn nhà độc lập bởi vì con trai lấy vợ, trên thông báo cũng ghi rõ đây là một căn nhà có phòng vệ sinh riêng.
Phí Nghê bóc thông báo xuống, đọc kĩ lại một lần nữa từ trên xuống dưới, trong lòng thầm mắng mình ngốc, đáng nhẽ cô phải nghĩ tới chuyện đổi nhà từ lâu rồi mới phải.
Căn nhà này của cô và căn nhà của cha mẹ có thể đổi được một căn nhà hai gian, hai phòng ngủ, còn có phòng vệ sinh riêng. Nếu như đổi nhà thì xưởng sẽ không thể nào thu hồi nhà của cô được, biên bản đổi nhà đương nhiên cũng viết tên cô, anh trai cô có thể vào ở trước, chờ phân nhà sau cũng được. Đợi đến khi anh trai cô được phân nhà, căn nhà hai gian kia vẫn sẽ thuộc về cô và cha mẹ, tới lúc đó cho dù cô muốn về ở với cha mẹ hay là đổi lại thành hai nhà đơn thì đều khả thi.
Cô có thể giữ được căn nhà của riêng mình, lại giải quyết được khó khăn trước mắt của anh chị.
Phí Nghê mang tờ thông báo về nhà, định bụng ngày mai sẽ liên hệ với đối phương qua số điện thoại đơn vị ghi ở trên đó. Thông báo này cũng đã nêu rõ rằng bảy ngày trong tuần, có thể liên lạc lúc nào cũng được.
Phương Mục Dương có vẻ cũng đoán được ý định của Phí Nghê, anh hỏi cô: "Chuyện thuê nhà em đã quyết định xong xuôi rồi à?"
Phí Nghê gật đầu: "Nhưng mà căn nhà như lúc trước anh nói thì đắt quá, chúng ta vẫn nên tìm một căn nhà nhỏ hai gian thì hơn, một gian làm phòng ngủ, một gian để anh làm phòng vẽ tranh." Cô vẫn cần phải có ít tiền tiết kiệm trong tay. Hiện tại nguồn thu ổn định duy nhất của cô chỉ có tiền lương, cô không thể đổ toàn bộ lương tháng vào tiền thuê nhà được. Loại nhà riêng một mình mình một vùng trời mà Phương Mục Dương nói, đối với cô quá xa xỉ.
"Nếu vẫn chỉ là kiểu nhà như thế thì chúng ta cần gì phải chuyển?"
"Tất nhiên là cần chứ, có thêm một gian phòng, có thể dùng làm phòng khách kiêm phòng vẽ tranh của anh. Căn nhà này quả thực hơi bé, anh vẽ tranh không tiện. Hơn nữa nếu có khách đến, chỉ cần liếc mắt một cái là trông thấy giường, cũng chẳng hay ho gì. Em biết anh thích nhất là tiền trảm hậu tấu, em phải nói trước cho anh biết, nhà ở mà vượt quá tiêu chuẩn của em thì anh không cần tìm đâu, có tìm được thì em cũng không ở."
"Nhưng mà anh không muốn chuyển."
"Anh phải chuyển. Nếu không phải là anh đề cập trước thì em đâu có nghĩ tới việc chuyển nhà cơ chứ."
"Anh không chuyển, chẳng nhẽ em lại ném anh ra ngoài được à?"
Phí Nghê nhéo tai anh: "Em sẽ bảo bên chuyển nhà chở cả anh lẫn đồ đi, phí chở anh chịu."
Tuy rằng căn nhà này có vô số khuyết điểm, nhưng vì sắp sửa phải từ biệt nó, Phí Nghê hiện tại chỉ có thể nhìn thấy điểm tốt của nó mà thôi. Đây là căn nhà đầu tiên thuộc về cô, là ngôi nhà nhỏ mà cô và Phương Mục Dương cùng nhau vun đắp. Cô nhớ tới những ngày mới dọn vào ở, trong nhà chẳng có thứ gì, chỉ có thể tạm gọi là một chỗ ở mà thôi. Sau đó cô mua thêm vài món đồ cũ, nơi này mới có thể miễn cưỡng gọi là nhà. Sau đó nữa, Phương Mục Dương trở về, nhà càng lúc càng hoàn thiện. Cô đã quá quen với nó, cho dù có nhắm mắt lại cũng không thể bước nhầm được.
Hôm nay bọn họ lại quên không mua nhang muỗi, vì đề phòng muỗi đốt nên chỉ có thể bôi nước hoa. Phí Nghê không mấy tình nguyện mà bôi qua loa cho Phương Mục Dương, song Phương Mục Dương lại bôi cho cô rất cẩn thận.Bonus
Xe FSO Warszawa

Chương 76: Họp gia đình

Buổi sáng, Phí Nghê dậy soi gương, chăm chú nhìn vào những vết hồng hồng trên cổ. Cũng may là cúc áo sơmi trên cùng có thể miễn cưỡng che kín được hết những dấu vết đó.
Cô nghĩ, hôm nay nhất định phải đi mua nhanh muỗi thôi.
Mùa hè cà chua giá rẻ, hai người bọn họ ai cũng mua một ít. Khi nấu mì, Phương Mục Dương bỏ rất nhiều cà chua vào. Ăn mì cà chua xong, Phí Nghê bảo Phương Mục Dương lấy xe đạp đèo cô sang nhà cha mẹ.
Chuyện đổi nhà liên quan tới cả nhà của cha mẹ, cô phải bàn bạc trước với bọn họ.
Vì nhà thông gia chuẩn bị tới chơi nên từ sáng sớm nhà họ Phí đã bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lúc Phí Nghê rời nhà, bọn họ mới đang ăn sáng. Mẹ Phí đã về hưu, giờ chỉ ở nhà nên cơ hội kiếm thêm thu nhập rất ít, chỉ có thể nghĩ cách tiết kiệm, toàn bộ trí tuệ của bà đều tập trung cho việc làm thế nào để tiêu thật ít tiền mà cả nhà vẫn ăn ngon. Bà không đi mua đồ ăn ở cửa hàng thực phẩm phụ mà chỉ mua đồ ở chợ, hơn nữa còn rất chú ý thời gian, luôn canh được lúc các mặt hàng giảm giá nhưng vẫn chưa hư hỏng hẳn. Đương nhiên, cũng có những lúc bà cố ý dậy từ sớm để đến chợ mua rau tươi. Mẹ Phí chưa bao giờ bỏ phí đồ ăn mình mua, rễ cần tây cho vào xào, mà lá cần tây cũng cho vào trộn.
Bữa sáng ngày hôm nay cũng đòi hỏi nhiều trí tuệ của mẹ Phí. Dưa hấu hôm qua đã ăn hết ruột, phần cùi dư lại bà mang đi rửa sạch, cho thêm gia vị, thế là đã có món nộm dưa hấu lạnh trên bàn. Dạo này Lâm Mai thích ăn chua, cho nên cùi dưa hấu bà cũng trộn thêm nhiều giấm. Kể từ khi mang thai, Lâm Mai chẳng những không ốm nghén như những người khác mà khẩu vị còn tốt lên nhiều. Sáng nay chị ăn một bát cháo và một cái màn thầu lớn, màn thầu thì bẻ ra từng miếng nhỏ rồi chấm nước đậu phụ lên men. Chị cũng có trí tuệ đời sống giống với mẹ chồng, mỗi lần đi mua đậu phụ lên men đều bảo người ta rưới thêm cho ít nước, mà đối phương thì luôn rưới nước nhiều hơn yêu cầu của chị. Thường thì ăn xong đậu phụ lên men, phần nước dư lại vẫn có thể ăn thêm một ngày nữa. Lâm Mai làm việc tại tiệm điểm tâm, lúc người bán đậu phụ lên men mua điểm tâm thì chị cũng cho thêm ít vụn bánh thừa. Chỗ vụn bánh ấy chẳng đáng bao nhiêu, chủ yếu là giao tình giữa đôi bên, có qua có lại. Những người ở cửa hàng thực phẩm phụ hay xưởng chế biến thịt cũng có cùng loại giao tình như thế với Lâm Mai, mà cũng chính nhờ mấy mối giao tình này, chị không chỉ có thể xin nước đậu phụ lên men thoải mái mà còn ăn được trứng gà chưa hư, lấy được nội tạng lợn miễn phí khi tổ chức tiệc cưới. Từ khi Lâm Mai có em bé, mẹ Phí cũng đã quyết định toàn bộ lượng trứng gà cung ứng mỗi thành đều để dành hết cho chị, đảm bảo mỗi ngày chị đều ăn được ít nhất một quả trứng gà. Hôm nay Lâm Mai luộc năm quả trứng, những người khác mỗi người một quả, riêng chị thì được ăn hai.
Ăn hết một quả trứng rưỡi, Lâm Mai không ăn nổi nữa, định nghỉ ngơi một chút rồi ăn tiếp.
Phí Đình lấy nửa quả trứng trên tay chị: "Em đừng ăn nữa, quả trứng của anh để lại, tối em lại ăn."
Lâm Mai vươn tay, muốn lấy lại trứng gà của mình: "Không được, phần của anh anh ăn đi, em sẽ ăn nốt quả này."
Phí Đình không nghe lời chị, trực tiếp bỏ thẳng nửa quả trứng của Lâm Mai vào miệng.
Mẹ Phí đưa quả trứng chưa bóc vỏ của mình cho con dâu, nhịn không được mà dạy dỗ con trai: "Mai Mai ăn hai quả trứng thì làm sao nào? Ăn thì ăn thôi, chỗ mẹ vẫn còn. Nếu con thích ăn trứng gà thì sau này bữa nào mẹ cũng mua cho, cửa hàng thực phẩm phụ mà hết chỉ tiêu, mẹ về quê mua trứng gà ta là được."
"Chẳng nhẽ con lại sợ cô ấy ăn trứng gà à? Mẹ nhìn cô ấy đi, làm sao nuốt trôi được nữa?"
Lâm Mai tỏ vẻ thực sự không ăn thêm nổi.
"Dạo này sáng nào con cũng ăn rất no, nhưng chưa tới giờ cơm trưa đã đói bụng, cứ thấy đồ ăn lại thèm. Bình thường thì cũng không vấn đề gì, nhưng chẳng phải hôm nay cha mẹ chồng của em gái mời cơm sao? Vậy nên con mới nghĩ sáng cứ ăn nhiều một tí, buổi trưa có nhìn thức ăn cũng quản được cái mồm mình, chỉ tùy tiện động đũa một chút thôi, như thế mới thể hiện là chúng ta chẳng hiếm lạ gì mấy món đó, nhà bọn họ cũng không thể coi thường nhà ta được nữa."
Phí Đình cười nhạo Lâm Mai: "Có hiếm lạ thì cũng chẳng có gì mất mặt, buổi trưa ăn nhiều một chút thì làm sao nào? Gia đình Tiểu Phương hiện tại điều kiện tốt hơn nhà ta, nhưng chỉ cần chúng ta không lợi dụng gì họ thì cũng tuyệt đối không thấp hơn họ một cái đầu."
Cha Phí nói: "Thằng cả nói đúng đấy, cha rất tán thành."
Lúc Phí Nghê tới nơi thì bữa cơm cũng vừa kết thúc.
Lâm Mai ra cửa đón họ: "Hai đứa ăn sáng chưa? Nếu chưa thì vào nhà ăn chút đi, trong nhà còn màn thầu đấy, để chị đi rán lên cho mấy đứa ăn."
"Không cần đâu chị dâu, bọn em ăn rồi ạ. Hôm nay em đến từ sớm, là có việc muốn bàn với cả nhà."
Phí Nghê đi thẳng vào vấn đề đổi nhà. Ngay từ lúc mở đầu, cô đã nhắc tới tờ thông báo kia, nói gần đây có một gia đình con trai sắp sửa lấy vợ nên muốn đổi căn nhà có phòng vệ sinh riêng thành hai nhà đơn độc lập. Nhà của Phí Nghê, cộng thêm với căn nhà này, vừa hay thỏa mãn điều kiện của họ.
"Căn nhà kia ở ngay gần nhà chúng ta, anh trai chị dâu đi làm vẫn tiện, mà cha mẹ chuyển qua đó rồi nếu muốn nói chuyện cùng hàng xóm cũ thì cũng chỉ cần đi hơn mười phút thôi. Nhà con không ở, nhưng trên biên bản vẫn viết tên con và tên cha, như thế sau này anh trai con vẫn có thể tiếp tục chờ phân nhà ở xưởng."
Cha Phí tức khắc nghĩ đến một vấn đề: "Thế hai đứa ở chỗ nào?"
"Bọn con ra ngoài thuê nhà."
Phí Đình lập tức nói: "Em không cần vì bọn anh..."
"Em đã nghĩ tới chuyện đổi nhà từ lâu rồi." Còn về lý do đổi nhà, Phí Nghê nói Phương Mục Dương không thể nào yên tâm vẽ tranh trong căn nhà hiện tại được, nhưng bọn họ sợ chuyển ra ngoài thì xưởng sẽ thu lại nhà, cho nên mới nghĩ đến việc đổi nhà để giữ lại căn nhà kia. Hiện tại đã tìm được một phương án đẹp cả đôi đường, vừa bảo vệ được căn nhà của cô, vừa giúp cha mẹ và anh chị ở được rộng rãi hơn một chút.
Lâm Mai là người đầu tiên không đồng ý.
Việc đổi nhà quả thực có lợi cho chị, có thể được ở trong một căn phòng ngủ độc lập, dùng nhà vệ sinh độc lập. Đương nhiên cũng vẫn có một số nguy cơ tiềm tàng, chẳng hạn như sau khi đổi nhà Phí Nghê và Tiểu Phương cũng chuyển tới căn nhà hai phòng ngủ đó, như thế đối với chị và Phí Đình mà nói, chẳng thà duy trì tình trạng hiện tại còn hơn. Tuy nhiên, Lâm Mai tin tưởng vào nhân phẩm của Phí Nghê, cho nên nguy cơ đó coi như không tính.
Thế nhưng chị không thể vì việc đổi nhà có lợi cho mình mà để Phí Nghê ra ngoài thuê nhà sống được. Nếu Phí Nghê ở cùng với cha mẹ chồng, chị sẽ đồng ý đổi nhà. Thực ra những vấn đề mà Phí Đình nói đúng là có tồn tại, nhưng Lâm Mai vẫn cho rằng Phí Nghê mà ở với cha mẹ chồng thì sẽ được nhiều hơn mất. Nếu không phải sợ Phí Nghê hiểu lầm mình muốn chiếm nhà ở của em ấy, Lâm Mai nhất định sẽ khuyên Phí Nghê đến sống với cha mẹ chồng. Chị luôn cảm thấy cô em chồng này là một cô gái rất được lòng người, nếu cha mẹ chồng em ấy là người hiểu lý lẽ thì chắc chắn sẽ không làm khó em ấy. Mà cho dù có mâu thuẫn thật thì cũng có sao đâu, sáu ngày làm một ngày nghỉ, thời gian đụng mặt nhau chẳng bao nhiêu, nhịn một chút là qua hết. Nếu ngay cả Chủ nhật cũng không muốn thấy mặt đối phương thì có thể lấy tiền tiết kiệm được đi dạo phố mua sắm, vui vẻ biết bao nhiêu, hà cớ gì phải ném tiền qua cửa sổ chứ.
Đối với Lâm Mai mà nói, đi thuê nhà chính là ném tiền qua cửa sổ.
Từ trước đến nay Lâm Mai chưa bao giờ đồng tình với việc bỏ tiền riêng ra thuê nhà, chị luôn cho rằng việc làm đấy không có lợi. Trong mắt chị, tiền mua trứng gà, mua cá hố, mua TV, thậm chí là mua điểm tâm trong cửa tiệm chị làm, đều là những đồng đáng tiêu. Duy chỉ có tiền thuê nhà trong khi đang có nhà là không đáng.
Hơn nữa, đi ra ngoài thuê nhà thì có thể thuê được căn nhà nào tốt cơ chứ? Hiện tại những căn nhà có thể dùng tiền thuê được đều là nhà đất nhỏ, mà trong mắt chị nhà đất bất kể thế nào so ra cũng kém nhà tầng. Lâm Mai là một trong số những người nhiệt thành ủng hộ nhà tầng, đối với nhà đất thì phải nói là căm ghét tới tận xương tủy. Hồi bé chị đã từng sống trong một căn nhà đất nhỏ một thời gian, mùa hè mới mưa một tí mà nhà đã dột, hở ra là lại phải gọi người bên Cục Quản lý Bất động sản tới sửa chữa, còn mùa đông thì không thể ấm áp như nhà tâp thể, buộc phải bật bếp lò lên, mà cái loại bếp lò kia thì dễ trúng độc khí than vô cùng. Ngay cả phòng vệ sinh cũng nằm tít tận ngoài cổng, nhà tập thể cho dù có dùng phòng vệ sinh công cộng thì vẫn tiện hơn nhà đất rất nhiều. Khoảng thời gian xuống nông thôn, chị cũng phải ở nhà đất. Trong ký ức của chị, bất cứ cái gì mà gắn liền với nhà đất thì đều chẳng liên quan gì tới tốt đẹp. Nếu là chị, người ta mời chị đến ở nhà đất miễn phí chị cũng sẽ không đồng ý, nói gì bỏ tiền ra thuê.
Hôm qua chị đã nói những suy nghĩ ấy cho Phí Đình, hôm nay chị lại lặp lại một lần nữa.
"Chị dâu, nhà đất cũng không tệ như chị nói đâu." Phương Mục Dương định nói, nhà đất cũng có thể sửa chữa để cho phòng vệ sinh vào trong, mùa đông muốn ấm thì có thể dùng nồi hơi của mình cũng được. Nhưng có Phí Nghê ngồi cạnh, anh không tiện nói ra kế hoạch cải tạo nhà thuê của mình, bởi vì cái kế hoạch ấy vượt xa dự chi của cô, nếu như để cô biết trước thì cô chắc chắn sẽ không đồng ý.
Lâm Mai nói với Phí Nghê: "Em chưa ở bao giờ nên chưa biết đó thôi, chị nói cho em hay, ở rồi thì kiểu gì em cũng hối hận."
Phương Mục Dương vẫn ở nhà đất từ bé tới lớn, anh cũng chẳng cảm thấy có gì bất tiện. Nhưng bây giờ anh chẳng tiện trình bày gì, chỉ có thể lẳng lặng uống trà cha vợ pha cho mà thôi.
Mà Phí Nghê thì quả thực chưa ở nhà đất bao giờ, nhất thời không tìm ra cơ sở nào để phản bác.
Lâm Mai cảm thấy lựa chọn tốt nhất của Phí Nghê là đổi nhà rồi chuyển sang nhà cha mẹ chồng ở, tốt nhì là duy trì tình trạng hiện tại, còn ra ngoài thuê nhà đất thì dĩ nhiên xếp cuối cùng.
Nếu như Phí Nghê không muốn ở cùng cha mẹ chồng, lựa chọn tốt nhất chính là duy trì tình trạng hiện tại.
Lâm Mai mơ hồ cảm thấy Phí Nghê đột nhiên đưa ra ý kiến đổi nhà là vì mình, để chứng minh mình không phải một bà chị dâu độc ác, chị phản đối cũng gay gắt hơn bình thường. Chị còn bày ra một phương án mới để giúp Phương Mục Dương giải quyết vấn đề vẽ tranh: "Tiểu Phương, cậu có công việc chính thức, thỉnh thoảng còn phải vẽ tranh liên hoàn, không thể ngày nào cũng đi vẽ loại tranh rắc rối tốn kém kia được. Khi nào cậu muốn vẽ mấy bức tranh phiền phức đó thì có thể đến nhà cha mẹ, bọn họ chắc chắn sẽ bằng lòng thôi. Mọi người đã nhiều năm không gặp nhau rồi, họ hẳn là cũng nhớ cậu không chịu nổi."
Mẹ Phí vốn cũng không mấy đồng ý để con gái ra ngoài thuê nhà, lúc này cũng phụ họa cho quan điểm của con dâu: "Mẹ thấy Mai Mai nói có lý lắm, chuyện nhà ở con cứ suy nghĩ thêm đi."
Phí Nghê cứ ngỡ rằng đây đã là một biện pháp đẹp cả đôi đường, không ngờ người nhà lại chẳng có ai ủng hộ. Người chị dâu đang cần nhà gấp của cô còn phản đối quyết liệt hơn.
Cô nhìn về phía Phương Mục Dương, chỉ thấy anh đang cúi đầu uống trà.
Phí Đình gọi Phí Nghê ra ngoài cửa, thấp giọng nói: "Chuyện lúc trước anh muốn đi thuê nhà chỉ là hứng chí nhất thời thôi, hôm qua chị dâu của em đã phê bình anh, nói là chị ấy thực ra rất thích nơi này. Những gì ban nãy chị dâu em nói cũng không phải không có lý, chuyện nhà ở em cứ suy nghĩ lại, đừng có quyết định vội vàng. Em cứ nghĩ kỹ xem nhu cầu của mình là gì, không cần vì bọn anh mà làm khó bản thân đâu."
"Em không hề làm khó bản thân. Anh, anh cũng đừng đóng đồ cho người ta nữa, anh đâu thể nào lừa gạt chị Mai mãi được."
Thỉnh thoảng quen miệng Phí Nghê vẫn gọi chị dâu là chị Mai, trước khi Lâm Mai kết hôn với Phí Đình, cô đã gọi như thế nhiều năm rồi.
"Làm nốt hai nhà này anh sẽ không làm nữa, đã giao hẹn trước với người ta xong xuôi rồi, bỏ ngang thì không được. Chuyển đổi nhà em đừng gấp gáp, cứ cân nhắc cho thật kỹ, dù sao muốn đổi thì lúc nào đổi cũng được mà." Làm xong hai cái nhà này, cũng vừa đủ tiền mua một chiếc TV chín inch.
"Nhưng muốn đổi được căn nhà thích hợp như thế thì đâu dễ dàng. Hai gian phòng ngủ, còn có phòng vệ sinh riêng, lại còn gần đây. Lần sau không biết bao giờ mới chờ được một căn nhà như thế."
"Nếu em thực sự muốn đi thuê nhà thì thuê căn nào tốt tốt một chút, anh sẽ trả tiền thuê nhà cho em."
"Nhà là em thuê, anh trả tiền làm gì?"
"Không phải anh ở trong nhà của em rồi sao?"
"Anh không ở thì nhà cũng để trống thôi."
"Đâu thể nói như vậy được."
Đến khi chị gái và anh rể Phí Nghê xuất hiện, cô vẫn chưa thống nhất được chuyện đổi nhà với mọi người.
Ông Phương ngồi ô tô nghịch tử thuê cho đi gặp gia đình thông gia, tiền thuê xe quả nhiên ông vẫn phải trả. Lát nữa sẽ còn một chiếc xe khác tới.
Ông cũng cảm thấy thuê xe ô tô đi đón gia đình nhà gái ăn cơm có vẻ hơi quá khoa trương, nhưng nghịch tử lại tiêu tiền quá thành thạo. Ông lẩm bẩm với bạn già: "Cái thằng bé này, chẳng biết là giống ai nữa."
"Đúng là không biết giống ai," bạn già đáp lại.
Ông Phương cảm thấy nghịch tử quả thực có hơi giống mình, nhưng cha của ông và cha của nghịch tử không phải là cùng một tầng lớp giàu có như nhau. Bản thân ông là thành phần vô sản, không nắm giữ bất cứ tư liệu sản xuất nào, cho dù tiền lương có cao hơn người khác một chút thì đó cũng là vinh quang của giai cấp vô sản. Phương Mục Dương có cha thuộc giai cấp vô sản, về sau còn xuống nông thôn tiếp nhận sự tái giáo dục của tầng lớp bần nông và trung nông, sao có thể ưa hưởng thụ giống ông hồi đó cơ chứ.
Ngày xưa ông không biết tiết kiệm là do nguyên nhân lịch sử lưu truyền, hơn nữa sau này ông cũng đã sửa chữa khuyết điểm ấy rồi.
Ông Phướng vốn đã định cho nghịch tử sáu ngàn tệ để bồi thường. Mặc dù con trai cả và con gái thứ hai cũng bị ông liên lụy một chút, nhưng dù sao ông cũng đã kết thúc nghĩa vụ nuôi nấng chúng nó. Chỉ có với con trai út, bọn họ vẫn chưa hoàn thành được nghĩa vụ này.
Nhưng lòng ông vẫn nghi ngờ, đưa nghịch tử sáu ngàn tệ, chỉ cần không đến nửa năm là nó sẽ xài hết trơn. Mà con dâu lại rất mềm lòng với nghịch tử, cho dù có trực tiếp đưa toàn bộ tiền cho con dâu thì nghịch tử cũng sẽ có thể lấy số tiền ấy bất cứ lúc nào.
Thế là ông tạm thời từ bỏ ý định cho tiền.
Trước lúc chuẩn bị quà gặp mặt, ông Phương từng hỏi nghịch tử xem có ý tưởng gì không, nghịch tử nói tốt nhất là đừng có viết thơ tặng người ta. Ông Phương nghe xong thì vừa phẫn nộ vừa kinh ngạc, bởi vì ông thực sự đã viết một bài thơ, tuy không định mang ra thật. Sau đó nghịch tử lại nói, cũng đừng tiêu tiền quá mức, tránh cho người ta áp lực, cha mẹ vợ nó đều là người coi trọng thể diện, không thích lợi dụng người khác. Vậy là cuối cùng ông mang cho thông gia một sọt dưa hấu và một sọt dưa vàng, dưa vàng là cố ý nhờ một đội vận chuyển mang từ quê lên. Ngoài ra còn có cả một ít vải nhỏ còn xanh, vải là người khác tặng cho, họ chỉ giữ lại cho mình vài quả.
Ông Phương tự nhận mình vẫn trẻ trung khoẻ mạnh, tự vác cả sọt dưa hấu, còn sọt dưa vàng ông nhờ tài xế vác hộ, sải bước về phía khu nhà. Đúng lúc này, Phương Mục Dương xuống dưới sân, thấy vậy thì liền nhận lấy sọt dưa trong tay cha mình: "Để con bê cho."
"Tôi tự làm được."
Phương Mục Dương cũng không quan tâm ông có làm được hay không, trực tiếp vác sọt dưa lên vai, đi về phía trước.
Chiếc ô tô Warszawa đỗ dưới sân, nhất thời thu hút sự chú ý của một số người. Ông Phương cũng không muốn khiến cho người ta để ý, nhưng ông không thể không tới thăm hỏi thông gia, sau đó mời gia đình họ cùng mình đi ăn cơm được.
Hội hàng xóm cũng không biết chiếc xe này là do ông Phương đang ở nhà đợi sắp xếp công việc thuê tới, còn tưởng ông có xe chuyên dùng cho lãnh đạo. Trong số đó có một chàng thanh niên trông rất hoạt bát năng động, thấy ông Phương đang chuẩn bị đi lên gác thì trực tiếp ngăn ông lại, nhờ ông giải quyết vấn đề khó tìm việc của những thanh niên trí thức mới về thành phố. Ông Phương cũng đang ở nhà chờ việc làm, có thể hiểu được cái cảm giác không ai cần mình này, cho nên đã nói sẽ giúp bọn họ phản ánh lên với cấp trên, song ông không phải lãnh đạo, chỉ có thể phản ánh, không thể giải quyết, ông chỉ đến gặp gia đình thông gia mà thôi.
Ngay cả những người ngoài cuộc cũng không tin ông không phải là lãnh đạo, có cái xe kia làm chứng. Người bình thường sao có thể đi ô tô được chứ?
Mãi đến khi thấy ông dẫn theo người vác trái cây đến trước cửa nhà họ Phí, mọi người mới tin là ông thật sự đang đi thăm nhà thông gia.
Thì ra cái cậu Tiểu Phương từng giúp bọn họ dựng lều chống dư chấn có một người cha có cả ô tô chuyên dụng.
Đối với những người hàng xóm trong khu tập thể mà nói, sau khi ngạc nhiên qua đi, mọi chuyện lại trở nên hợp tình hợp lý đến lạ. Số phận của những cô gái xinh đẹp, chung quy luôn khó đoán hơn người bình thường.
Ông Phương bước vào cửa nhà họ Phí trong sự hiểu lầm của một đám người. Căn nhà này đã từng trang hoàng lại một lần khi Phí Đình kết hôn, những món đồ quá cũ đều bị vứt đi, vậy nên cho dù hơi bé nhưng không có vẻ tồi tàn, thậm chí trong khoảng không gian hữu hạn này còn trồng rất nhiều hoa cỏ. Mẹ Phí cũng rất biết cách làm đẹp mặt con gái, mặc dù thường xuyên ra ngoài chợ mua rau héo nhưng đồ chiêu đãi thông gia thì không hề cắt xén để tiết kiệm tiền chút nào. Hai cái xô thiếc ở nhà cũng đang chứa đầy nước lạnh, một xô để đựng dưa hấu, xô còn lại đựng nước ngọt vị quýt và thanh mai. Phí Nghê mở một chai nước ngọt vị thanh mai, mời tài xế uống: "Nhà chật quá, không mời anh vào trong ngồi được ạ."
Cha mẹ nhà họ Phương đến, căn nhà vốn đã nhỏ bé lại càng trở nên chật chội hơn. Mùa hè đúng là khoảng thời gian nóng nhất trong năm, cha Phí bật chiếc quạt điện con rể mới mua về.
Phương Mục Dương giới thiệu hai bên gia đình với nhau.
Hai nhà trao đổi quà tặng, đều nói đối phương đã tốn kém rồi. Mẹ Phí chuẩn bị hai cuộn vải lụa và một tráp điểm tâm, bà đã tốn rất nhiều công sức mới mua được hai cuộn vải này.
Lâm Mai nhanh nhẹn vớt dưa hấu trong xô lên, bổ rồi bê ra ngoài bàn, còn những người khác thì cũng lấy nước ngọt ra. Nước ngọt ngâm trong nước lạnh, uống cũng không khác với để tủ đá là mấy. Trên bàn còn có kẹo Lâm Mai mua từ cửa tiệm của mình về, chị đã mua loại đắt nhất theo yêu cầu của mẹ chồng.
Người nhà của Phí Nghê đều muốn giữ thể diện cho cô.

Chương 77: Gặp phụ huynh

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Hai nhà khen ngợi lẫn nhau.
Cha mẹ nhà họ Phương đều nói con dâu rất tốt, đồng thời ngỏ ý cám ơn ông bà thông gia vì đã dạy dỗ ra một đứa con tốt như vậy, mà cha mẹ nhà họ Phí cũng khen con rể không ngớt miệng.
Khi khen người nhà mẹ Phí có sở thích mượn lời người khác, bà không nói con rể của mình tốt đẹp thế nào, mà toàn bảo những người khác đều ghen tị với bà vì có một cậu con rể tốt như thế. Để chứng minh cho cách nói của bạn già, cha Phí còn nêu ra nhiều nhiều ví dụ, chẳng hạn như khi Phương Mục Dương giúp nhà họ dựng lều chống dư chấn, không chỉ giúp mỗi gia đình bên vợ mà còn giúp cả hàng xóm xung quanh. Chuyện này ông Phương chưa từng nghe con trai nhắc đến, giờ biết được qua miệng của thông gia thì liền cảm thấy thằng bé rất giống với mình, vừa khiêm tốn vừa trượng nghĩa, thích giúp đỡ người khác, tác dụng của gen di truyền quả nhiên mạnh mẽ khôn tả. Lúc này ông Phương cũng coi Phương Mục Dương như tài sản riêng của mình, trực tiếp thay con trai tỏ ra khiêm tốn, nói những chuyện đó đều không có gì đáng kể, toàn là chuyện nó nên làm, gia phong nhà họ vốn là như thế.
Cha Phí lại khen Phương Mục Dương vẽ đẹp, năm "con dơi"(1) treo ở cửa phòng khách cũng là Phương Mục Dương vẽ, khách đến nhà ai thấy cũng khen. Đối diện với năm "con dơi" ở cửa chính là bức vẽ "hồng hồng" như ý(2), cũng là tác phẩm của Phương Mục Dương. Ông Phương nhìn hai bức tranh vẽ năm con dơi cùng với với một đống quả hồng, thở dài thườn thượt. Với tiêu chuẩn của ông Phương, hai bức tranh này đương nhiên không lọt nổi vào mắt ông, nghịch tử đúng là mất hết mặt mũi trước mặt cha vợ mất rồi. Ông thầm mắng con trai không biết cố gắng trong lòng. Năm xưa nghịch tử phá hỏng hết tường trong nhà, ông không còn cách nào khác nên đành phải mời cho nó một vị thầy giáo đến từ Quốc họa viện, để sau này nó có bôi bẩn tường thì cũng bôi đẹp hơn một tí. Thế nhưng học tranh truyền thống chưa được bao lâu, nó đã tự chuyển sang tranh sơn dầu. Nếu nó chịu khó học lâu hơn một chút nữa thì đã chẳng đến mức vẽ vời tệ lậu như vậy.
(1) Chữ "dơi" (蝠 - fú) đồng âm với chữ "phúc" (福- fú). Năm con dơi tượng trưng cho ngũ phúc trong "Kinh Thư" của Khổng Tử, bao gồm: trường thọ; phú quý; khang ninh (thân thể khỏe mạnh, tinh thần yên ổn); hiếu đức (tính cách thiện lương, điềm tĩnh); và thiện chung (ra đi nhẹ nhàng, có thể tiên liệu cái chết của mình).
(2) Chữ "hồng" (柿 - shì) đồng âm với chữ "sự" (事 - shì). "Hồng hồng như ý" là cách chơi chữ của "sự sự như ý", tức là vạn sự như ý, cho nên quả hồng cũng được coi như điềm lành vào đầu năm mới.
Ông vừa bỏ tiền, vừa nợ ân tình người khác để con trai học vẽ tranh. Vậy mà ngày Tết đến, ông không thèm chê nó vẽ xấu thì chớ, bảo nó vẽ hộ mình mấy cái thiệp chúc Tết thôi mà nó cũng nhất định không đồng ý, khăng khăng đòi mua giày trượt băng mới cùng ăn cơm Tây một bữa thì mới chịu cầm bút lên. Ông không quen với tật xấu của con trai mình, vì muốn cho thằng nhóc biết thế giới này không vận hành theo ý muốn của nó nên mua mỗi giày trượt băng, không cho nó đi ăn cơm Tây mà chỉ đến nhà hàng Trung Quốc. Sau đó ông lại cảm thấy cách giáo dục của mình chưa đủ nghiêm khắc, vì muốn con trai biết tự thỏa mãn nên đã đưa nó đi học nội trú ở trường, không cho về nhà ăn cơm. Sau khi trải nghiệm phương pháp giáo dục đó một thời gian, nghịch tử cũng trở nên ngoan ngoãn hơn, không yêu cầu bậy bạ nữa, thậm chí còn chủ động tỏ ý giúp ông vẽ thiệp chúc Tết. Ông Phương cảm thấy cách dạy dỗ mới của mình đã có tác dụng, hỏi nghịch tử có muốn phần thưởng gì không, nghịch tử nói không cần phần thưởng, được vẽ tranh cho cha là đủ rồi. Ông Phương cực kỳ vui mừng, vì muốn khen thưởng con trai nên đã dẫn nó tới tiệm cơm Tây ăn một bữa no nê, còn tặng cho nó một cây đàn tốt.
Đã bao nhiêu năm trôi qua, vậy mà so với đống thiệp chúc Tết ông đang giữ kia, những bức tranh này chẳng có tiến bộ gì đáng kể. Nó không học được cách vẽ sao cho tốt hơn, chỉ học thêm được mấy trò khôn vặt. Tranh truyền thống vẽ xấu thì thôi đi, lại còn không chịu giấu dốt, không biết xấu hổ mà treo thành phẩm tệ hại của mình lên trước phòng khách kiêm phòng ngủ nhà người ta.
Nếu những bức tranh trước kia ông sưu tập vẫn còn thì ông nhất định sẽ tặng cho thông gia hai bức, đổi tranh của con trai về. Treo ở nhà mình, có mất mặt thì cũng không sao.
Song hiện tại tất cả tranh vẽ ông có đều đã thất lạc, trước mắt chỉ còn mỗi cách lấp li3m khuyết điểm thay nó: "Từ nhỏ nó đã học tranh sơn dầu, tranh Trung Quốc vẽ không đẹp lắm."
Mẹ Phí nói: "Tôi chẳng hiểu tranh Trung Quốc với tranh nước ngoài có gì khác nhau, nhưng cứ nhìn mấy bức tranh này là tôi lại thấy vui vẻ."
Ông Phương rất hài lòng với nhà thông gia, nhưng đồng thời ông cũng nhìn ra gia đình này không giàu có. Nhà thông gia đã về hưu, chỉ ở nhà lĩnh chút lương hưu ít ỏi, vất vả lắm mới dành dụm được một phần hồi môn cho con gái, cuối cùng lại bị nghịch tử dụ tiêu hết lên người nó, không chỉ tiêu lên người nó mà còn tiêu cả lên người mình, thật là nực cười biết mấy. Hồi trẻ dù có tiêu xài hoang phí đến cỡ nào thì ông cũng chỉ dùng tiền trong nhà, sau đó tuy có những lúc vì việc nghĩa mà phải ngửa tay xin gia đình, nhưng ông cũng chỉ xin mỗi cha ruột và ông nội, chưa từng nhăm nhe của nả nhà cha mẹ vợ bao giờ, cho dù bọn họ có giàu nứt đố đổ vách. Cái thằng nghịch tử này, không biết học từ ai nữa. Ông vừa cảm thấy buồn cười, lại vừa thấy nghịch tử hiếu thảo đáng khen, dù sao thì nó lấy tiền cũng để mua thêm đồ cho cha mẹ.
Gia đình thông gia càng không dư dả, ông Phương lại càng cảm thấy lấn cấn. Bởi vì lấn cấn, ông càng khách sáo với họ, biết người ta cố ý chuẩn bị đồ ăn mời mình thì liền liên mồm khen ngợi, ngay cả dưa hấu cũng khen ngon hơn dưa hấu mình mua.
Sau khi khen nhau một hồi thì cũng đã gần tới giờ cơm trưa, ông Phương đề nghị cả nhà ra ngoài tiệm cơm dùng bữa.
Hai chiếc ô tô taxi Phương Mục Dương đã sớm sắp xếp xong xuôi, cha mẹ và cha mẹ vợ ngồi chung một chiếc, anh chị ngồi một chiếc, còn anh với Phí Nghê thì sẽ không chen chúc lên đó, hai người bọn họ tự đạp xe đến tiệm ăn.
Phương Mục Dương vừa nói xong, mọi người chưa kịp từ chối thì Phí Nghê đã nhảy lên sau xe anh. Phí Nghê vẫn nhớ khi còn nhỏ cô từng ngồi xe từ nhà bà ngoại Phương Mục Dương về nhà mình, thân của chiếc xe ngày đó còn dài hơn cả hai chiếc xe hôm nay.
Phương Mục Dương đạp xe theo sau, tuy tốc độ không hề chậm nhưng vẫn bị ô tô bỏ lại.
"Hôm trước ông già nhà anh biết chuyện anh đạp xe đạp của em, nói nhất định phải mua cho anh một cái xe mới. Nhưng anh đã bảo là không cần mua xe rồi, cứ trực tiếp đưa tiền cho anh là được. Nếu như anh mua xe mới, ai sẽ làm tài xế chuyên dụng cho em đây?"
"Vị tài xế này, anh có thể đạp nhanh hơn một chút được không?"
"Tuân lệnh."
Phí Nghê bật cười, cô bàn bạc chuyện đổi nhà với Phương Mục Dương: "Gia đình em chẳng ai đồng ý đổi nhà cả, anh xem phải làm thế nào bây giờ?"
Nói là không đồng ý đổi nhà, thực ra là không đồng ý cho bọn họ đi thuê nhà.
"Em muốn đổi nhà lắm hả?"
"Không phải anh cũng muốn chuyển ra ngoài ở sao?"
"Anh đúng thật là muốn chuyển, nhưng em cứ vội vã như thế, chúng ta sẽ ở chỗ nào?" Anh đã sớm tính xong chuyện ra ngoài thuê nhà, nhưng anh không ngờ Phí Nghê lại sấm rền gió cuốn như vậy, hôm trước anh vừa mới nêu ý kiến, hôm sau cô đã đòi đổi nhà luôn.
Phí Nghê cũng cười: "Anh đừng có giả vờ, em thừa hiểu anh ấy chứ. Anh chắc chắn đã đi xem mấy cái nhà, có khi còn quyết xong rồi cũng nên."
Anh quả thật đã đi xem mấy căn nhà, hơn nữa còn xác định được ngôi nhà nào họ sẽ thuê, tuy nhiên ngôi nhà ấy lại không thể vào ở ngay được.
Ngôi nhà mà anh chọn là một ngôi nhà có ba gian phòng nhỏ, tuy không phải là biệt viện nhưng cũng có nguyệt môn(3), cũng tạm xem như ngăn cách với thế giới bên ngoài. Chủ nhà đã đồng ý để anh phá cái nguyệt môn này, trổ một cái cửa nhỏ ở phía đông, hơn nữa cũng sẵn lòng cho anh thuê nhà dài hạn. Bọn họ là một đôi vợ chồng già, mới lấy lại quyền sở hữu ngôi nhà chưa lâu, mà gia đình sống trong nguyệt môn cũng phải đợi một tháng nữa mới dọn vào căn nhà mới mà Cục Quản lý Bất động sản tìm cho được. Hơn nữa cho dù người bên trong có rời đi, anh cũng không thể lập tức chuyển vào ở, bởi vì ngôi nhà kia quả thực có mấy khuyết điểm giống như Lâm Mai đã nói, cần phải được cải tạo lại.
(3) Nguyệt môn (cổng mặt trăng): Lối đi hình tròn dành cho người đi bộ, một đặc trưng trong kiến trúc Trung Quốc.
Phí Nghê muốn đổi nhà gấp như thế, chỗ ở kế tiếp của họ chính là một vấn đề.
Phương Mục Dương cười: "Sao em lại hiểu anh thế nhỉ? Anh đã lựa được một nơi để ở, nhưng không mấy phù hợp với yêu cầu của em, không chỉ nhiều hơn em cần một gian phòng mà còn đắt hơn hai tệ. Nhưng nếu cha mẹ và anh chị em nhìn thấy căn nhà đó, họ sẽ bằng lòng cho chúng ta đến ở thôi."
Phương Mục Dương mô tả sơ qua căn nhà, đồng thời cũng nêu rõ tiền thuê nhà.
"Rẻ như vậy á? Anh lại lừa em chứ gì?"
"Chủ nhà muốn tìm người trung thực, đáng tin cậy để cho thuê, gặp được người đánng tin cậy thì cho thuê rẻ một tí cũng được."
"Anh mà trung thực đáng tin cậy à?"
"Không phải là vì anh trung thực đáng tin cậy nên em mới lấy anh sao? Còn chuyện anh có lừa em hay không, đến lúc đó em xem hợp đồng thuê nhà là biết. Chỉ có điều, phải hơn tháng nữa căn nhà này mới để trống. Nếu như em không muốn anh lại đi tìm thêm xem, nhưng mà căn nhà thích hợp như thế chắc là không thể nào tìm thấy trong một sớm một chiều, mà cho dù có tìm thấy thì cũng chưa chắc có thể dọn vào ngay được."
"Nhưng em thấy người muốn đổi nhà sốt ruột lắm, chắc họ sẽ không cho chúng ta nhiều thời gian đâu."
"Nếu như thật sự không được thì mình qua nhà cha mẹ anh ở tạm mấy ngày. Khi nào nhà bên kia sẵn sàng, chúng ta lại chuyển ra là được."
"Cứ chuyển vào chuyển ra như thế có được không?"
"Mẹ anh chắc chắn sẽ hiểu thôi. Còn cha anh ấy à, hiện tại ông ấy không có việc làm, muốn chứng minh sự tồn tại của mình nên chỉ ước gì anh vào ở để dạy dỗ thôi. Đến khi nào ông ấy có việc làm trở lại, người thăm hỏi đạp vỡ cả ngạch cửa để chen vào nhà, kiểu gì cũng sẽ chê anh phiền phức cho xem. Khi ấy chúng ta lại dọn ra ngoài. Anh không ở nữa, cũng tương đương với làm được một việc thiện, ông ấy sẽ thấy biết ơn anh lắm."
Phải đến lúc vào thăm nhà mới của thông gia, mẹ Phí mới chính thức ý thức được sự chênh lệch giữa hai gia đình. Thuê xe đương nhiên là đắt, nhưng với một người hấp tấp ra chợ bán hàng như bà, nếu thật sự quyết tâm thổi phồng con cái thì món tiền kia cũng không phải không thể chi. Nhưng nhà ở thì quả thật là không thể.
Chỉ riêng cái phòng khách nhà người ta đã to bằng cả gian nhà của mình. Phòng bếp cũng không hề nhỏ, thậm chí còn ngăn ra được một không gian để ngồi ăn.
Mẹ Phí tuy âm thầm kinh ngạc trong lòng, nhưng ngoài mặt vẫn không tỏ ra quá mức sửng sốt, chỉ khéo léo khen căn nhà này tầng đẹp mà hướng cũng tốt. Điều khiến cho bà vui vẻ chính là, bên thông gia cũng không hề vì mình được ở nhà tốt mà kiêu căng một chút nào.
Ông Phương rất tự hào về tài văn chương của mình, nhưng bị người ta phê phán là kẻ vô dụng ngần ấy năm, hiện tại cũng cảm thấy một văn nhân vô dụng như ông không xứng đáng được ở căn nhà to thế này. Thế nên ông chỉ nói căn nhà này vốn là phân cho vợ ông, ông chẳng qua là hưởng ké chút phúc của bà mà thôi. Mười mấy năm trước, ông không hề cảm thấy nhà mình rộng rãi, chẳng qua chỉ là đủ ở. Nhưng sau nhiều năm cải tạo trong xưởng sản xuất máy móc nông nghiệp, ông bây giờ đã học được thế nào là biết đủ.Bonus
Biểu tượng "ngũ phúc" hình 5 con dơi
Tranh vẽ "hồng hồng như ý" mừng năm mới
Nguyệt môn

Chương 78:

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Giáo sư Mục không phải là một nữ chủ nhà giỏi việc giao tiếp, ngày xưa những lúc khách khứa đầy nhà, bà cũng chỉ lánh mặt trong phòng sách, bên ngoài nói gì làm gì đều chẳng liên quan tới bà.
Nhưng hôm nay thông gia tới, trong nhà lại không có người giúp việc, bà đành phải tự mình thu xếp. Kẹo đã mua sẵn từ hôm qua, giờ chỉ cần pha trà. Bình thường uống trà bà không để ý gì nhiều về loại trà hay dụng cụ pha trà, cho dù là uống Chính Sơn Tiểu Chủng, Đại Hồng Bào hay Bích Loa Xuân thì đều dùng một cái ấm tráng men như nhau. Gần đây chuyển nhà, bắt đầu có khách tới thăm, bà cũng chỉ mang ra một bộ cốc thủy tinh để mời họ uống trà xanh. Nhưng hôm nay bà đã cố ý chuẩn bị hai loại trà, còn mua một bộ trà cụ riêng cho Đại Hồng Bào nữa.
Phí Nghê tự nhận nhiệm vụ pha trà, giáo sư Mục cũng không khách sáo, chỉ dạy luôn cách thức pha trà mà mình thường dùng cho cô.
Giáo sư Mục bảo Phương Mục Dương đạp xe đi lấy cái bánh kem trái cây hôm qua bà đặt trước, hình như là sợ con trai quên địa chỉ, bà còn đột nhiên dặn thêm một câu: "Cái tiệm mà hồi còn sống bà ngoại con thích ăn nhất ấy."
Tiệm đã đổi tên, cũng đã đổi người làm bánh, nhưng mỗi khi cần mua bánh kem, bà sẽ lập tức nhớ tới cái cửa tiệm đó.
Phương Mục Dương nghi ngờ mình đã nghe nhầm, theo như những gì anh nhớ, quan hệ giữa mẹ và bà ngoại không tốt lắm. Hai người phụ nữ gần như công khai tuyệt giao với nhau, mà hiển nhiên, đấy chỉ là sự tuyệt giao đơn phương từ phía mẹ anh.
Song anh vẫn nhanh chóng phản ứng lại, đáp một tiếng "dạ".
Trước khi đứa con út chào đời, giáo sư Mục và mẹ đã công khai từ mặt nhau, cho dù xã hội thời bấy giờ vẫn còn đối xử khá ưu đãi với mẹ bà. Tuy nhiên bà không cấm con trai qua lại với mẹ, anh trai bà sống tại nước ngoài xa xôi, con trai út chính là niềm an ủi duy nhất của mẹ bà. Hơn nữa người ngoài đều biết, con trai bà thuộc thành phần bất hảo, tuy bọn họ quản lý và giáo dục đứa con này rất nghiêm khắc, nhưng nó vẫn chẳng nghe lời ai trong nhà cả.
Sự thận trọng khiến bà luôn chú ý tới những gì mình nói trước mặt các con. Đến khi chính bản thân bà cũng xảy ra vấn đề, bà nghiễm nhiên cho rằng con cái cũng sẽ tuyệt giao với mình, hơn nữa còn cảm thấy hẳn là nên như thế. Bọn nó muốn có tiền đồ xán lạn, ít nhất cũng phải vạch rõ ranh giới với bọn họ trên giấy tờ. Trước khi mưa gió ập tới, bà uyển chuyển nói với ba đứa con của mình, khi buộc phải lựa chọn giữa lẽ phải và cha mẹ, cần phải cố gắng để đứng về phía lẽ phải. Như thế cho dù bà xảy ra chuyện, bà cũng không phải lo lắng về tương lai nữa. Thế nhưng đứa con út này lại không hiểu được cái lợi và hại trong đó, ngay cả ranh giới trên giấy tờ cũng lười viết. Điều ấy đã trở thành tâm bệnh của bà, cũng khiến bà nảy sinh một nỗi áy náy chưa từng có.
Mãi đến khi Phương Mục Dương cưới được vợ, tìm được công việc để sống, bà mới hoàn toàn yên tâm. Con trai đi làm phục vụ, bà cũng chẳng có gì không hài lòng.
Đối với Phí Nghê, người bằng lòng kết hôn với Phương Mục Dương, đồng thời còn đưa nó trở lại quỹ đạo bình thường, bà vô cùng cảm kích.
Bánh kem được mang về nhà, giáo sư Mục cắt bánh, Phí Nghê rất tự nhiên mà chia bánh cho mọi người.
Trong nhà không có người giúp việc, nhiệm vụ phục vụ khách liền rơi xuống đầu Phương Mục Dương.
Ai bảo công việc chính của anh là bồi bàn cơ chứ?
Cha Phí khen chữ treo trên tường đẹp, ông Phương thấy rất phấn khởi, vì đó là chữ ông viết.
Ông rất khách sáo nói nếu như nhà thông gia thích, ông có thể viết một bộ chữ đưa qua đó.
Trong toàn bộ quá trình tiếp khách, cha mẹ nhà họ Phương đều luôn có vẻ cực kỳ khách sáo như thế. Điều này khiến cha Phí thấy rất khó hiểu, ông không biết tại sao những người tốt như bọn họ lại phải cải tạo nhiều năm đến vậy.
Lúc đang trò chuyện, ông Phương lại nhắc tới việc muốn con trai về ở cùng.
Nếu con trai và con dâu cũng sống ở đây, ông liền có lý do để tìm người giúp việc.
Ông Phương tự biết mình không phải người giỏi quán xuyến việc nhà, tuy đã cải tạo nhiều năm nhưng khi cải tạo cũng chỉ ở trong một gian phòng nhỏ, không nhiều việc cần xử lý, cho nên cũng chẳng rèn luyện thêm được gì. Ông rất không hài lòng với lớp sàn gỗ trong nhà, nếu là sàn xi măng thì chỉ cần tùy tiện quét qua là được, nhưng sàn gỗ thì lại phải lau thêm nữa. Hai ngày nay ông lúc nào cũng nghĩ tới chuyện thuê giúp việc, chủ yếu lo việc quét dọn nhà cửa, nấu cơm cho ông, còn quần áo thì ông có thể tự mình giặt cũng được. Phần lớn các hộ gia đình trong khu nhà này đều có người giúp việc, chỉ là công việc cụ thể thì hơi khác nhau mà thôi. Cũng đã từng có người giới thiệu giúp việc cho ông, nhưng ông cũng tự nhận thức được hiện tại mình đang thất nghiệp, lo liệu việc nhà cũng chẳng có gì bất tiện, nên đã uyển chuyển từ chối. Nếu như con trai và con dâu chuyển vào đây, một gia đình bốn người cần thêm người giúp việc cũng là chuyện chấp nhận được.
Đồng thời, ông cũng sẽ có lý do để mua TV, tủ lạnh và máy ghi băng cassette. Con trai đã tặng ông một chiếc máy quay đ ĩa và vài đ ĩa nhạc, căn nhà này cũng không thiếu âm thanh, nhưng chỉ một cái máy quay đ ĩa thì còn lâu mới đủ với ông. Mấy món đồ ngày xưa cũng chưa được trả lại hết, nhưng đối với ông chúng đều là tất yếu. Khi ông hỏi bà xã nhà mình có muốn mua TV để xem tin tức hay máy quay đ ĩa để nghe đ ĩa nhạc hay không, giáo sư Mục luôn đáp là ông muốn thế nào cũng được. Chính do những lời này, ông vẫn luôn chần chừ chưa dám mua gì, bởi vì ông cảm giác tất cả những thứ đó đều có vẻ như chỉ mình ông hưởng thụ. Tuy rất nhiều người trong khu nhà này cũng đang hưởng thụ như thế, nhưng ông vẫn cảm thấy mình cần một lý do toàn vẹn hơn. Nếu con trai và con dâu chuyển đến đây, mấy món đồ điện kia đương nhiên phải mua thêm về.
Hơn nữa con trai ở đây, ông còn có thể giám sát và giáo dục nó.
Tóm lại, ông rất cần bọn nó đến đây sống với mình.
Phương Mục Dương gật đầu: "Cha xem tuần sau bọn con có dọn qua được không?"
Ông Phương không ngờ con trai đồng ý thoải mái như thế, thầm nghĩ xa nhau nhiều năm, chắc là nó cũng nhớ mình, thế nên sảng khoái nói "được".
"Nhưng phòng của hai đứa vẫn chưa đặt mua đồ đạc gì đâu."
"Bọn con sẽ chuyển đồ từ căn nhà đang ở tới."
Nhà họ Phí thấy thông gia gần gũi và hiểu lý lẽ, hơn nữa nhà ở còn tốt như vậy, liền tán thành chuyện để cho Phí Nghê chuyển sang. Chuyện đổi nhà cũng nhờ thế mà thống nhất.
Phí Nghê và người nhà đi xem qua căn hộ đang cần đổi kia, thấy rất hài lòng, đúng thực là có hai phòng ngủ cùng một phòng vệ sinh riêng. Thế nhưng đối phương lại không hài lòng với nhà của họ Phí cho lắm, bởi vì nhà bọn họ so về diện tích thì vẫn nhiều hơn một cái phòng vệ sinh, tuy phòng vệ sinh này không tắm rửa được, nhưng cũng cảm thấy nhà mình thiệt hơn nhà họ. Phí Nghê bỏ thêm hai trăm tệ để bù vào, song thái độ rất cứng rắn, muốn đổi thì đổi, không muốn thì chúng tôi tìm nhà khác. Gia đình bên kia đang vội vì sắp kết hôn, thế nên cũng đành phải nhận, dù sao bọn họ cũng không tìm thấy nhà nào thích hợp hơn cả.
Trước ngày chuyển nhà một ngày, Phí Nghê theo Phương Mục Dương đi xem nhà ở tương lai, phía bên trong nguyệt môn là ba gian phòng nhỏ, trước sân có một cây đào, một cây hòe, đằng sau còn có một cái sân khác thông ra một căn bếp nhỏ.
Phí Nghê hỏi chủ nhà căn nhà này bao nhiêu tiền.
"Cái căn nhà ba gian này à?"
Phí Nghê nói "vâng".
Chủ nhà nói một con số, không hề khác với con số Phương Mục Dương bảo chút nào.
Phí Nghê không ngờ căn nhà này lại có thể rẻ đến vậy.
Chủ nhà chưa từng gặp ai giống như Phương Mục Dương, nhà ở với sân còn muốn tách riêng ra tính tiền, tách riêng ra viết hợp đồng. Nhưng tổng số tiền phải trả thì vẫn như nhau, còn phương thức trả thế nào, bọn họ đều nghe Phương Mục Dương cả.Bonus
Máy ghi băng cassette

Chương 79: Mưa

Trước ngày chuyển nhà một ngày là thứ Bảy, theo như thông lệ, Phương Mục Dương yêu cầu Phí Nghê hoàn thành nghĩa vụ với anh.
"Đừng, mai còn phải dậy sớm mà." Ngại lý do này không đủ, cô lại nói thêm: "Hôm nay cũng là ngày cuối cùng rồi, đừng làm phiền người ta nữa." Đêm nay chắc hẳn ấn tượng bọn họ để lại sẽ càng khắc sâu trong lòng hàng xóm hơn bình thường, nếu trước ngày chuyển nhà bọn họ còn hoạt động đến nửa đêm, cái ấn tượng ấy một hai năm chắc cũng không phai nhạt nổi, có khi còn lâu hơn chưa biết chừng.
Hơn nữa Phương Mục Dương còn mượn hộ cô rất nhiều sách, cứ đọc xong một quyển là ngay lập tức có quyển tiếp theo, quyển nào cô thấy hay cũng đưa cho anh đọc cùng. Hôm nay cô cũng muốn đọc sách thêm một lát.
"Chúng ta lúc nào cũng im lặng, không nói tiếng nào, sao có thể làm phiền người ta chứ? Có làm phiền cũng là người ta làm phiền chúng ta."
"Người ta bao lâu, anh bao lâu hả?"
Phương Mục Dương vươn tay quệt mũi Phí Nghê, cười nói: "Anh bao lâu nào? Em thấy anh lâu quá hả? Vậy mà anh luôn thấy đêm đẹp mà quá ngắn, anh còn tưởng em cũng nghĩ giống như anh chứ."
Phí Nghê cúi đầu, không để anh nhìn thấy khuôn mặt ửng đỏ của mình. Cô hất ngón tay anh ra: "Ngồi xa em một chút, em còn muốn đọc sách nữa."
Bình thường Phương Mục Dương chắc chắn sẽ không đồng ý, bởi vì hôm nay là thứ Bảy.
Nhưng lần này anh lại không phản đối: "Cũng được, anh bằng lòng ngồi xa em một chút, cũng bằng lòng để em đọc sách, chỉ có điều em phải giúp anh một chuyện."
"Chuyện gì?"
Phương Mục Dương tiến đến bên tai cô, nói nhỏ một câu.
Phí Nghê vẫn cúi đầu.
Phương Mục Dương hỏi cô: "Em có bằng lòng giúp anh không?"
Ánh mắt của anh rất đứng đắn, giọng điệu rất đứng đắn, động cơ nghe cũng có vẻ rất đứng đắn.
Hơn nữa anh nói cô có thể dùng áo sơmi che đi những chỗ quan trọng. Sau một hồi im lặng, Phí Nghê gật đầu. Cô biết bộ môn này trong hội họa là bắt buộc, hơn nữa bọn họ còn là vợ chồng chính thức, anh muốn tìm người khác giúp thì chính là yêu râu xanh.
Thấy Phí Nghê đã đồng ý, Phương Mục Dương liền tới cửa sổ kéo rèm. Động tác của anh rất thong thả, lúc kéo rèm hoàn toàn quay lưng về phía Phí Nghê, cho cô thời gian để cởi qu@n áo. Anh nghe thấy tiếng sột soạt rất khẽ của vải vóc khi va chạm với thân thể. Đến khi tất cả những âm thanh ấy biến mất, Phương Mục Dương mới xoay người. Phí Nghê đang nằm dưới chiếc chiếu trên mặt đất, trên người chỉ còn độc một cái áo sơmi, ngay cả đồng hồ trên tay cô cũng tháo ra. Cô nằm đọc sách trên chiếu, tay cầm sách giơ rất cao, che khuất toàn bộ gương mặt của cô.
Phương Mục Dương vẫn chưa vội vẽ, anh đốt nhang muỗi, sau đó lại tắt đèn trần đi, bật đèn bàn lên.
Ánh sáng trong nhà nhất thời tối đi, phần da thịt hở ra dưới ánh đèn của Phí Nghê trông càng trắng trẻo hơn trước, trong trắng còn phiếm chút hồng, cũng không biết là do đèn bàn ánh hồng hay là nguyên nhân gì khác.
Phương Mục Dương quan sát cô dưới ánh đèn, có lẽ đang phân vân không biết nên hạ bút từ đâu. Đôi mắt Phí Nghê dán chặt vào những hàng chữ, nhưng tốc độ giở sách của cô lại chậm hơn bình thường rất nhiều. Cô không nhìn Phương Mục Dương, song vẫn biết Phương Mục Dương đang nhìn cô. Phí Nghê nhịn không được mà kéo áo sơmi lên một chút, nhưng độ dài của cả chiếc áo chỉ có vậy, che trên thì lại hở dưới, hai bắp đùi của cô không khỏi càng dán sát vào nhau hơn. Từ đầu ngón chân tới những sợi tóc trên đầu cô đều căng lên. Phí Nghê chỉ mong sao chuyện này qua thật mau, để cô còn có thể an lòng mà đọc sách. Lúc này trong sách cô chỉ nhìn thấy toàn chữ, dù có cố gắng cách mấy cũng không thể gắn chúng lại thành câu hoàn chỉnh được.
Phương Mục Dương vẫn chưa bắt đầu vẽ, anh chỉ đi rót một cốc nước cho mình, sau đó vừa uống nước vừa ngắm cô, còn mở lời giải thích: "Không biết tại sao mà cổ họng đột nhiên khô khốc. Em có muốn uống nước không?"
"Không cần đâu."
Ánh mắt Phí Nghê trộm liếc từ những câu chữ trong sách sang Phương Mục Dương, cô thấy yết hầu của anh nảy lên.
"Anh mau vẽ đi."
"Trước khi vẽ dù sao cũng phải có thời gian quan sát đã chứ. Em nằm nghiêng người đi, đối diện với anh."
Phí Nghê làm theo lời anh nói, các ngón tay bám chặt vào áo sơmi, cứ như thể nếu không bám thì chiếc áo của cô sẽ tuột ra vậy.
Phương Mục Dương ngồi ở trên ghế, người khẽ nghiêng về phía trước, quan sát cô càng kỹ lưỡng hơn.
Phí Nghê một tay túm lấy áo sơmi, tay khác cầm sách, cố gắng không xoắn hai chân vào nhau.
Đã vậy Phương Mục Dương còn chẳng sốt ruột tẹo nào. Anh ghé đầu tới, hỏi cô: "Em đang đọc gì thế, kể anh nghe một tí đi."
"Anh mà không vẽ nữa thì em đi ngủ đây."
Phương Mục Dương liền bắt đầu lấy dao ra gọt bút chì, anh gọt rất chậm.
Phí Nghê có chút khó chịu: "Sao trước lúc vẽ anh không chuẩn bị bút đi?"
Phương Mục Dương chủ động nhận lỗi: "Lần sau vẽ em, anh nhất định sẽ gọt bút chì trước."
Khoảng thời gian này với Phí Nghê như kéo dài vô tận. Ngày hôm nay quá oi ả. Trời rất nóng, chiếc quạt điện trong nhà lại không được bật. Giờ cửa sổ đang kéo rèm, khiến cho căn nhà lại càng trở nên bức bối hơn.
Một lớp mồ hôi mỏng dần dần thành hình trên sống mũi và trán cô. Người cô cũng toát mồ hôi, cả người dinh dính, chẳng hề dễ chịu chút nào. Bàn tay đang túm chặt áo sơmi của cô cũng bị ướt mồ hôi, tạo thành một vết tay mờ mờ trên vạt áo.
Phí Nghê đọc sách ngắt quãng, nhưng lật sách thì lại rất mau lẹ. Âm thanh lớn nhất trong nhà chính là tiếng lật sách của cô.
Cô càng lúc càng bực bội. Đối với Phí Nghê mà nói, việc khó khăn nhất không phải giữ nguyên tư thế, mà là cố gắng kiềm chế không nghĩ về mình trong bức tranh của Phương Mục Dương. Cô nhịn không được mà hỏi: "Vẽ xong chưa?"
Phương Mục Dương không trả lời cô.
Một lát sau, đôi mắt của Phương Mục Dương chuyển từ giấy vẽ tới Phí Nghê: "Em có muốn xem không?"
Phí Nghê đương nhiên muốn, nhưng lại ngượng không dám xem. Song cuối cùng, mong muốn xem tranh đã lấn át hết tất thảy: "Anh đưa cái chăn trên giường cho em."
Cô nhận lấy chiếc chăn mỏng từ tay Phương Mục Dương, nhanh chóng quấn mình lại. Sau khi đã che chắn bản thân kín mít, Phí Nghê quên cả xỏ dép, trực tiếp đi tới chỗ cây quạt điện, bật quạt lên. Gió mát dần dần thổi bay mồ hôi và hơi nóng trên mặt cô.
Khi người không còn nóng nữa, cô mới đi xem bức tranh Phương Mục Dương vẽ.
Cô nghi ngờ bản thân đã nhìn nhầm, xong lại nghi ngờ Phương Mục Dương vừa mới động tay động chân.
"Đây chính là bức tranh anh vừa vẽ xong à?"
Trên tranh nào có Phí Nghê. Không chỉ không có Phí Nghê, ngay cả một cái bóng người cũng chẳng thấy, chỉ thấy mưa rơi xối xả. Những giọt mưa đáp xuống lòng sông khô cạn, khiến cho lòng sông lăn tăn gợn sóng.
"Em có thích không?"
Phí Nghê vừa thẹn lại vừa bực, dùng chân trần đá mạnh vào chân Phương Mục Dương một cái: "Anh lại lừa em."
Chỉ vì cái bức tranh này mà cô đã duy trì tư thế suốt cả một thời gian dài, mồ hôi trên người cũng đã thấm ướt nửa cái áo sơmi.
Phương Mục Dương cười: "Anh sao dám lừa em chứ? Nếu không phải em truyền cảm hứng cho anh, anh thật sự không vẽ được màn mưa này đâu. Lúc trước vẽ chỉ toàn cảm thấy không thích hợp thôi."
Nếu như Phương Mục Dương thành thật tả thực, chỉ vẽ mỗi Phí Nghê thì chắc cô cũng sẽ không đỏ mặt, bởi vì cô đã sớm có chuẩn bị trong lòng rồi. Nhưng Phương Mục Dương lại cố tình vẽ có mỗi một cơn mưa. Cơn mưa này không thể nào dập tắt ngọn lửa đang cháy hừng hực của cô mà chỉ khiến nó càng bùng lên dữ dội hơn, đốt từ mang tai tới tận khóe miệng.
"Sao anh không nói thẳng ra là anh muốn vẽ cái gì?"
Phương Mục Dương nhìn cô cười: "Thế thì đâu còn ý nghĩa gì nữa."
Phí Nghê lại đến trước quạt điện hứng gió. Phương Mục Dương bước tới sau lưng cô, cấu vào vai cô một cái.
"Đừng đứng gần em như thế, nóng!"
Phương Mục Dương tựa như chẳng nghe thấy gì, vẫn hôn lên vành tai cô: "Anh rất thích màu đỏ tôm này."
Anh kéo mặt cô sang, hôn lên môi cô, bàn tay thuần thục di chuyển tới chỗ anh muốn. Phí Nghê ban đầu còn tránh anh, nhưng rồi cũng dần cam chịu.
Gió từ cây quạt vẫn vù vù thổi. Phí Nghê kiễng chân, ôm lấy cổ Phương Mục Dương, chiếc chăn trên người cô rơi xuống đất.
Thôi nóng thì nóng vậy!
Mồ hôi hai người dính cả vào nhau, không phân biệt được là của ai với ai nữa.
Đúng là vẽ cái gì thì cái nấy tới, sau nửa đêm, trời bắt đầu đổ mưa. Mưa càng rơi càng nặng hạt, không ngừng va lộp bộp vào cửa sổ. Song Phí Nghê vẫn hi vọng cơn mưa này có thể càng lớn hơn nữa, như vậy sẽ át được tất thảy những thanh âm trong nhà.
Bởi vì cần phải chuyển nhà, Phí Nghê thức dậy sớm hơn nhiều so với những Chủ nhật khác. Cô mặc một chiếc áo sơmi mới, còn váy thì vẫn là chiếc váy may từ năm ngoái, có thể che khuất toàn bộ vết bầm tím trên đầu gối.
Phương Mục Dương hôm qua hoạt động tới hơn nửa đêm, vậy mà sáng sớm vẫn rất có tinh thần.
Anh mở ngăn kéo, lấy thuốc nước ra, nói với Phí Nghê: "Đêm qua có phải đau lắm không? Em ngồi xuống đi, anh thoa chút thuốc lên đầu gối cho em."
"Không cần đâu." Phí Nghê nói rất nhỏ, nhỏ đến mức chỉ có Phương Mục Dương mới có thể nghe thấy được.
"Chuyện này có gì mà phải xấu hổ đâu." Phương Mục Dương ấn Phí Nghê xuống ghế, bắt đầu xoa thuốc lên đầu gối cô.
Tủ quần áo, bàn làm việc, máy may và đàn đều sẽ được chuyển tới nhà họ Phương, tạm thời chưa chuyển tới chỗ nhà thuê của họ. Chủ nhà cũng đã đồng ý để dành cho họ nửa gian phòng để chứa đồ.
Những người làm dịch vụ chuyển nhà đến từ rất sớm. Trưởng phòng Từ nhà bên cạnh thấy họ sắp sửa chuyển đi, bỗng nhiên nhiệt tình hiếm thấy, hỏi bọn họ có cần hỗ trợ gì không.
Khi Phí Nghê cảm ơn rồi nói không cần, trưởng phòng Từ cười nói: "Khách sáo gì chứ."
Uông Hiểu Mạn đang tựa người vào cửa thấy trưởng phòng Từ cười toe toét với Phí Nghê thì dằn sự không vui trong lòng xuống, lớn tiếng gọi: "Lão Từ, vào nhà đi, em có việc muốn nói với anh."
Trưởng phòng Từ vào nhà rồi, Uông Hiểu Mạn liền nhéo tai anh ta: "Cái điệu cười của anh đúng là làm tôi ghê tởm, anh đang thấy tiếc Phí Nghê chứ gì?
"Anh tiếc gì bọn họ? Anh còn ước gì họ đi thật nhanh ấy chứ! Bọn họ mà không đi, anh sẽ đi."
Phí Nghê có đi hay không cũng không sao cả, nhưng chồng Phí Nghê thì phải đi. Nếu bọn họ không chuyển đi, trưởng phòng Từ sẽ đổi nhà với người ta, anh ta chịu đựng đủ rồi.
Uông Hiểu Mạn thả tay, cười nhạo một tiếng: "Vậy mà anh còn hăng hái thế?"
"Đấy là phép lịch sự! Phép lịch sự em hiểu không!"
Vì phép lịch sự, Uông Hiểu Mạn ra khỏi nhà, nói lời tạm biệt với Phí Nghê.
"Sao tự nhiên cô lại muốn đổi phòng?"
"Bọn em định ở cùng với cha mẹ."
"Thế không chật à?" Uông Hiểu Mạn trực tiếp coi "cha mẹ" là cha mẹ của Phí Nghê.
"Cũng tạm ạ."
"Chuyển đi rồi, thỉnh thoảng có rảnh thì cứ về chơi một tí. Bọn tôi làm hàng xóm với cô cũng chưa đủ lâu, cô đi tôi còn thấy tiếc đó."
Phí Nghê biết chị ta đang khách sáo, cũng chỉ mỉm cười đáp lại.
Nhưng thực ra Uông Hiểu Mạn cũng không hẳn là khách sáo. Chị ta không lưu luyến gì Phí Nghê, nhưng cô dọn đi thì chị ta cũng chẳng có gì vui, bởi vì dù sao Phí Nghê cũng là một hàng xóm chuẩn mực, đổi lại thành người khác đến thì chưa chắc sẽ tốt hơn bọn họ. Hơn nữa, thời điểm bọn họ chuyển nhà cũng không mấy thích hợp. Tuần trước Uông Hiểu Mạn đến nhà cô mình, trông thấy em họ đang xem tranh liên hoàn trên báo, mà bộ tranh liên hoàn ấy lại là Phương Mục Dương vẽ. Chị ta nhịn không được, buột miệng khoe: "Đây là hàng xóm nhà chị vẽ đấy." Cũng bởi vì những lời này, cô em họ đột nhiên quan tâm đặc biệt tới Uông Hiểu Mạn, cứ bám theo chị ta hỏi chuyện miết, hỏi từ tuổi tác đến diện mạo của Phương Mục Dương, cuối cùng còn nói chiều Chủ nhật này sẽ qua xem hàng xóm nhà chị ta một cái. Chị ta khi ấy cũng không từ chối.
Phí Nghê và chồng chuyển đi buổi sáng, buổi chiều cô nhóc kia còn đến xem ai được chứ? Chưa biết chừng còn tưởng chị ta khoác lác cũng nên. Mà thật ra cái này cũng có gì để khoác lác đâu, cũng đâu phải chị ta nói mình làm hàng xóm với xưởng trưởng.

Chương 80:

Phương Mục Dương nhờ người ta chuyển chiếc giường cao của mình đến chỗ chứa đồ của chủ nhà.
Phí Nghê nhỏ giọng hỏi anh: "Chuyển đi rồi thì chúng ta ngủ chỗ nào?"
"Lát nữa dọn nhà xong anh đưa em đến cửa hàng nội thất mua một cái giường mới, cái giường này ngủ một người còn được, hai người ngủ hơi bất tiện."
Phí Nghê không trả lời, xem như chấp nhận. Cái giường này tuy tiết kiệm không gian nhưng quả thực không tiện lắm.
Đồ đạc chuyển đến nhà họ Phương không chỉ có nội thất mà còn cả hoa cỏ trồng trong nhà. Phòng ngủ của bọn họ không bé lắm, có thể để được tủ quần áo, bàn làm việc và máy may, còn cả chỗ để chứa thêm một cái giường lớn nữa. Đàn dương cầm thì được kê ngoài phòng khách.
Cha mẹ nhà họ Phương biết nghịch tử không thích dương cầm, cây đàn này không cần đoán cũng biết là của con dâu.
Giáo sư Mục hỏi Phí Nghê học đàn với ai, Phí Nghê biết mẹ chồng cũng không phải đang hỏi cô giáo dạy đàn ở trường là ai. Cô cười nói mình chỉ biết đàn chơi chơi, ngay cả cách đàn cũng là hồi tiểu học học với cô giáo dạy đàn, trình độ hoàn toàn nghiệp dư. Cô không giống Phương Mục Dương, khi học vĩ cầm còn có người đứng đầu dàn nhạc tới dạy.
Ông Phương nói: "Mẹ con đàn cũng khá lắm, sau này cứ để bà ấy dạy con."
Ông Phương mời phu khuân vác uống nước ngọt, ông nói với con trai: "Nước này chẳng mát gì cả, nếu trong nhà có tủ lạnh thì tiện hơn nhiều." Phòng khách vẫn không có TV. Ông Phương có thể lấy được phiếu TV nếu như hạ mình một chút, nhưng ông không muốn mặt dày đi xin xỏ người ta cho mình một chỉ tiêu mua TV, vậy nên TV, tủ lạnh hay đài cassette đời mới đều nằm ngoài tầm với của ông.
Những món đồ gia dụng ông muốn mua đều cần có phiếu mới mua được, thế nên ông đành phải cầm tiền đi mua tranh chữ. Tất cả những gì ông mua đều được đặt trong phòng sách, ông không kìm lòng được mà muốn khoe hết chúng ra. Vậy nên phu khuân vác vừa đi, con trai và con dâu còn chưa kịp sắp xếp đồ đạc, ông đã vội vàng gọi họ vào trong phòng sách, lấy một bức tranh sơn thủy của Thạch Đào(1) ra cho họ xem. Ông Phương trước nay đều phản cảm với việc gắn thi họa vào tiền bạc, nhưng vì cảm thấy mình đã mua được một bức tranh giá trị với giá rất rẻ, ông bảo bọn họ đoán giá.
(1) Thạch Đào (1642 - 1708): Họa sĩ nổi tiếng vào cuối thời nhà Minh đầu thời nhà Thanh, được xưng là một trong là "Tứ Tăng" thời kỳ Minh mạt Thanh sơ.
Phương Mục Dương cố ý nói một cái giá thật cao, ông Phương vui sướng, cười tủm tỉm không nói gì. Ngày xưa cứ hễ có lương là ông Phương lại đi mua tranh chữ, điều duy nhất nghịch tử làm khiến ông cảm thấy vui mừng chính là, tuy nó thường xuyên mang đồ trong nhà ra cửa hàng ủy thác bán lấy tiền, nhưng chưa từng động vào tranh chữ của ông. Tuy nhiên, những bức tranh chữ đó dù không biến thành màu vẽ, điểm tâm và giày trượt băng của con trai, nhưng đến giờ cũng chẳng giữ được, có thể thấy vật ngoài thân khó tin cậy đến cỡ nào. Năm ngoái ông Phương vẫn còn rất thờ ơ với mấy vật ngoài thân như thế, nhưng năm nay lại có tiền, lại bị tư bản dụ dỗ, trông thấy liền nhịn không được mà mua về. Trải qua nhiều năm rèn luyện, giờ ông đã học được cách mặc cả, chuyện này trước kia ông luôn xấu hổ không làm. Ông lại cho con trai xem thêm một bức tranh cuộn mình mua, nghịch tử tuy học vẽ tranh truyền thống chẳng đâu vào đâu, nhưng năng lực giám định và thưởng thức thì vẫn phải có. Ông Phương bây giờ chẳng có ai khác để giao lưu, đành phải gọi con trai vào nói chuyện.
Ông đưa cho Phí Nghê một bức tranh họa hoa cỏ và chim chóc, bảo cô mang sang nhà thông gia, đổi bức tranh vẽ năm "con dơi" ngoài cửa về.
Không ngờ Phương Mục Dương lại tăm tia bức tranh sơn thủy của Chu Đạp(2) thay cha mẹ vợ của mình: "Cha, đổi mỗi một bức thì hơi khó coi thì phải, hay là dứt khoát đổi cả hai, đem tặng cả bức này đi."
(2) Chu Đạp (1626 - 1705): Một bậc thầy hội họa khác thời kỳ Minh mạt Thanh sơ, cũng được xưng là một trong "Tứ Tăng" giống Thạch Đào.
Ông Phương nghe thấy nghịch tử nói thế thì đau lòng một chập, thầm nghĩ sao mình có thể nuôi được một thằng con hoang đàng đến vậy cơ chứ. Thế nhưng trước mặt con dâu ông lại không tiện ra vẻ, chỉ đành giữ nguyên nụ cười trên mặt, vắt óc nghĩ cách chối từ.
Phí Nghê cũng biết Chu Đạp, cảm thấy món quà này quá quý báu, vội nói: "Bức tranh này cha cứ giữ lại đi ạ. Phòng khách nhà cha mẹ con không thiếu tranh, chữ thiếu mỗi ít chữ thôi, bọn họ vẫn còn đang đợi cha viết cho mấy chữ đó."
Ông Phương nhớ mình quả thực đã nói sẽ viết cho nhà thông gia một bức tranh chữ, may mà con dâu cũng nhớ, nếu không phải mang tặng bức tranh này mất rồi. Giữa tranh Chu Đạp và chữ của mình mà con dâu chọn cái sau, cũng khiến ông rất cảm động.
Ông bảo Phí Nghê đợi thêm một thời gian nữa, bởi vì hiện tại ông không có giấy tốt hay mực tốt, tạm thời vẫn chưa viết được, đợi đến khi nào mua được giấy mực vừa ý thì ông sẽ viết, viết rồi lại mang qua nhà thông gia sau.
Sau đó ông Phương lại bảo con trai và con dâu xem qua một quyển sách cổ ông mới mua về. Ông đã sớm đoán hai đứa nó sẽ không hiểu, cho bọn nó xem cũng chẳng khác nào đàn gảy tai trâu, nhưng có trâu làm khán giả thì vẫn tốt hơn là không có khán giả nào cả. Song Phí Nghê lại có thể hiểu một chút. Những năm vừa qua cô luôn ở trong tình trạng đói chữ, bất cứ cuốn sách nào đào được ở bãi phế liệu cũng cầm về đọc, không kén chọn một tí nào. Cô không rành về văn cổ, nhưng nếu đào được một cuốn sách cổ thì cô vẫn sẽ đọc không sót chữ nào.
Chút hiểu biết ít ỏi của Phí Nghê đã đủ để khiến ông Phương giật mình. Ông biết rõ nền giáo dục trung học của thế hệ Phí Nghê thiếu trung thực, vậy nên khả năng đọc hiểu hiệu đính của cô thực sự nằm ngoài dự kiến của ông. Ông Phương kiếm được được một khán giả vừa ý, liền hứng chí chỉ thêm một số thông tin vụn vặt, mặc kệ nghịch tử có thích nghe hay là không.
Phương Mục Dương biết ông già nhà mình bị tảng lờ suốt nhiều năm, bây giờ có cơ hội để thể hiện thì chắc chắn sẽ không ngừng lại. Anh ngả người trên ghế, lật giở cuốn tranh phong cảnh mà cha mình mua. Nếu Phí Nghê muốn vào đại học, trong nhà có người gấp rút dạy bù cũng tốt.
Nhà vẫn chưa thuê thêm người giúp việc, bình thường ông Phương vẫn hay ra tiệm ăn cơm hoặc ăn đồ ăn mà giáo sư Mục mang từ nhà ăn về. Nếu một mình đi ra tiệm, ông thường chỉ gọi mỗi một bát mì, thỉnh thoảng mới gọi thêm một món ăn kèm, cho dù có ăn được nữa thì ông cũng sẽ ngại không dám ăn, đi có một mình mà gọi tận hai món ăn thì đúng là quá xa xỉ.
Hiện giờ con trai và con dâu đã về đây, ra ngoài tiệm ăn cũng có thể gọi tới mấy món một lúc. Ông Phương lên tiếng nói trước, bữa cơm này nhất định phải là ông mời. Đầu tiên ông đưa thực đơn cho bà bạn già của mình, bạn già lại đưa thực đơn cho con dâu, con dâu lại đưa lại thực đơn cho cha mẹ chồng. Nhường nhau một hồi, Phương Mục Dương liền trực tiếp cướp thực đơn về tay mình.
Anh cười: "Cứ đưa đẩy mãi thế thì rốt cuộc là chúng ta có ăn không đây? Thế này đi, cứ để con làm chủ, mọi người có gì không hài lòng thì lại nói."
Phương Mục Dương cũng không hỏi bọn họ muốn ăn gì, trực tiếp gọi hai món ăn dựa theo khẩu vị của họ, sau đó lại chọn thêm một món canh. Ông Phương thấy rất cảm động, không ngờ xa nhau nhiều năm như thế mà nghịch tử vẫn nhớ rõ mình và bạn già thích ăn gì.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro

Tags: #readoff