Chương 4: Tôi vẫn còn một khoảng trống

Chương 4: Tôi vẫn còn một khoảng trống

Bà nội của tôi không dịu dàng theo kiểu người ta vẫn thường nhắc về một người bà. Nội hay cằn nhằn, giọng lúc nào cũng hơi lớn, có phần khô khan. Nhưng lạ kỳ thay, chính cái sự cộc cằn ấy lại làm tôi cảm thấy bình yên. Bởi vì tôi biết, sau từng tiếng la là một tình thương âm thầm mà bà ấy chẳng cần nói ra.

Hồi còn nhỏ, tôi gắn bó với ông bà nội nhiều hơn cả ba mẹ. Vì ba mẹ đi làm suốt ngày, người ở bên tôi từ sáng tới tối là bà và ông. Tôi lớn lên trong vòng tay họ, trong tiếng cải lương mỗi tối, trong những lần nội ép ăn, trong giấc ngủ trưa với bàn tay bà xoa lưng đều đều. Khi ông còn sống, ông hay cõng tôi trên vai đi quanh nhà, còn bà thì nấu ăn, giặt giũ, chăm sóc cả nhà mà chẳng hề than mệt. Tuổi thơ của tôi là những ngày giản dị như thế, không sang trọng nhưng đủ đầy.

Rồi một ngày, ông đột ngột ra đi. Tôi còn quá nhỏ để hiểu cái chết là gì. Tôi chỉ thấy nhà đông người lạ, thấy tiếng trống tang inh ỏi khiến tôi hoảng sợ, và thấy nội ngồi lặng yên thật lâu ở một góc, không khóc thành tiếng mà chỉ lặng lẽ đưa tay lau nước mắt. Cái dáng ngồi nghiêng nghiêng ấy in sâu vào ký ức tôi như thể bà nội đang cố gồng lên để không sụp đổ trước mặt cháu mình.

Sau ngày ông mất, tôi vào lớp 1. Bà vẫn đều đặn đưa tôi đi học, vẫn cằn nhằn tôi chuyện ăn uống, chuyện học hành. Nhưng ánh mắt bà đã khác, sâu hơn, mệt mỏi hơn. Tôi không biết nội buồn thế nào, cũng chẳng đủ lớn để hỏi han, tôi chỉ cảm nhận được rằng nội im lặng nhiều hơn trước.

Khi ba tôi làm ăn thua lỗ, căn nhà nơi tôi lớn lên bắt đầu bị mang đi cầm cố. Tôi không hiểu gì nhiều, chỉ biết nội thở dài nhiều hơn, bước đi chậm hơn, và hay nhìn quanh nhà bằng ánh mắt xa xăm. Ngôi nhà ấy là cả một đời nội – nơi bà sống với ông từ khi mới cưới, nơi nuôi lớn các con, nơi bồng bế từng đứa cháu nội ngoại. Từng món đồ trong nhà đều có bàn tay bà chạm qua. Vậy mà bỗng dưng, mọi thứ phải rời xa.

Ngày mẹ đưa tôi về ngoại sống, nội không giữ lại. Bà chỉ gói ghém ít đồ cho tôi mang theo, dặn dò vài câu. Nhưng đến giây phút tôi sắp bước ra khỏi cửa, bà bỗng ôm tôi thật chặt và bật khóc. Lần đầu tiên tôi thấy nội khóc thành tiếng như vậy. Tôi cũng òa khóc theo. Dù chúng tôi vẫn có thể gặp nhau, nhưng việc không còn được ở cùng mỗi ngày là một sự chia cắt rất thật, rất sâu.

Từ ngày đó, tôi chỉ về thăm nội mỗi dịp lễ Tết. Căn nhà xưa không còn, nội phải chuyển đi nơi khác. Mỗi lần về, tôi thấy nội gầy hơn, tóc bạc nhiều hơn. Bà vẫn thương tôi như xưa, vẫn hỏi han từng chút một, vẫn để dành món tôi thích. Nhưng giữa chúng tôi đã có một khoảng cách, không phải vì tình cảm nhạt dần, mà vì thời gian và hoàn cảnh đã khiến mọi thứ đổi thay.

Tôi nhớ rõ cái ngày căn nhà ấy chính thức bị bán. Tôi đứng trước cánh cổng sắp khóa lại lần cuối, tay run run, tim nghẹn ứ. Tôi chỉ là một đứa cháu từng sống ở đó chưa tới mười năm, mà lòng đã nặng trĩu. Vậy còn nội – người đã dành cả đời nơi ấy, đã phải "chết" đi bao nhiêu lần trong tâm trí mới cảm thấy nguôi ngoai?

Tôi sống tốt, được học hành đàng hoàng, có những điều kiện đủ đầy hơn. Nhưng ở sâu trong tim, tôi vẫn luôn mang theo một khoảng trống. Một khoảng trống không lấp đầy được bằng vật chất, không thay thế bằng điều gì khác. Khoảng trống của những ngày từng có ông, có nội, có tiếng nạt yêu thương và bàn tay già xoa đầu dỗ dành.

Và có lẽ… đó là lý do mà đến tận bây giờ, dù đang sống trong một thế giới tưởng như ổn thỏa, tôi vẫn luôn cảm thấy lạc lõng, chênh vênh.

Bởi vì tôi chưa bao giờ là ổn trong thế giới này.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro