Chương 4: Cái giá phải trả khi làm vai chính

Tôi đã có một đêm khó ngủ thật.

Chính xác hơn là một đêm thức trắng với combo mộng mị, lạnh sống lưng và cảm giác có ai đó leo lên giường mình. Là con ma kia chứ còn ai vào đây nữa! Trong lúc đấu tranh thầm lặng với cái điều hòa nhiệt độ sau lưng, tôi thử tóm tắt lại sự việc và rút ra được vài kết luận.

Thứ nhất, tôi, là nhân vật chính. Thứ hai, có con ma ám tôi. Thứ ba, câu chuyện này sẽ đi về đâu? Tôi bỗng suy nghĩ. Phải rồi, nếu đây là tiểu thuyết của XXX thì XXX là ai nhỉ? Việc thay đổi nhân vật chính có phải do người ấy, hay đây là một sự kiện ngẫu nhiên? Liệu người ấy có quan sát không? Câu chuyện này ban đầu có cái kết không, và cái kết có bị thay đổi không. Càng nghĩ càng rối, tôi thở dài rồi lại nhận ra thở dài cũng không giải quyết được gì.

Sáng hôm sau, đúng sáu giờ tôi lê cái xác rệu rã ra khỏi giường. Khi nhìn vào gương, tôi phải chấp nhận sự thật.

"Mình không còn là con người nữa. Mình là gấu trúc."

Đôi mắt thâm quầng cỡ này panda phải gọi bằng cụ.

Tôi chỉ muốn ngủ tiếp nhưng không đi học thì không được, hôm nay khai giảng, tôi mà đến trễ chắc lại có cả đống rắc rối phát sinh. "Diệp Chi ơi, giá mà cậu không nghĩ ra cái ý tưởng thăm nhà kho ngu ngốc đó thì có phải bây giờ tớ đã được thanh thản không?" Tôi tức tốc thay đồng phục. Đồng phục nữ của trường rất đẹp: sơ mi trắng cộc tay với chân váy ca rô đỏ, theo cà vạt đỏ cùng màu, tất và giày cũng đồng bộ theo quy định. chải tóc cho ra dáng học sinh trường quý tộc (mà thực ra, càng chải càng giống tổ quạ), rồi ra cửa với một lát bánh mì ngậm trên miệng như một nhân vật anime kinh điển.

Ơ?

Bình thường phải thay lâu lắm mà? Và tại sao tôi lại ngậm bánh mỳ như nữ chính trong phim anime thế này, con xe đạp rẻ rách của tôi đâu?

Với tâm trạng hoang mang, tôi lôi điện thoại ra nhắn tin cho Diệp Chi:

[Cậu đi chưa? Đến nơi chưa? Nay tớ không tìm thấy xe...] Thường thì Diệp Chi thích bắt xe đến chỗ tôi và tôi sẽ đạp xe chở cô ấy đến trường, theo như cách cô ấy miêu tả thì 'nó rất là lãng mạn'. Thế nhưng hôm nay mọi chuyện có chút thay đổi. Cô ấy trả lời.

[Đi trước đi, tớ lỡ xe buýt rồi.]

Tôi đứng khựng lại giữa đường. Diệp Chi lỡ xe buýt? Cô ấy? Lỡ? Xe buýt? Không thể nào. Chẳng lẽ… mất hào quang xong là mất luôn may mắn? Kết hợp với việc hành động của tôi sáng nay trong vô thức cũng có hơi kì lạ, lúc này thì tôi mới biết hào quang vai chính nó mạnh cỡ nào.

Tôi đành phải đi một mình. Trên đường đi, tôi cảm giác mọi người ngoái lại nhìn mình nhiều hơn bình thường. Tôi kiểm tra xem trên mặt có dính gì không, nhưng không, mặt tôi vẫn láng bóng. Lông mi dài, đôi mắt lấp lánh, kiệt tác của tạo hóa... Là nó! 'Vẻ đẹp của cô ấy hoàn mỹ không ai sánh được, khi cô ấy khóc, trời cũng đổ mưa...'

"Chết tiệt! Chết tiệt"

Tôi bước chân nhanh hơn. Một người vốn nhạt nhòa như tôi vậy mà có ngày trở thành tâm điểm của sự chú ý.

Đến gần ngã tư đường, tôi để ý thấy một nhóm đông người đang tụ tập trên vỉa hè. Bản tính hóng hớt khiến tôi chen vào xem chuyện gì đang xảy ra; sau khi lách được sâu bên trong, thứ đầu tiên lọt vào tầm mắt của tôi là một thiếu niên trẻ. Trẻ quá. Chắc bằng tuổi tôi hoặc ít hơn. Diện mạo của hắn không kém con ma đang bám theo tôi là bao. Tôi biết trong tiểu thuyết thì không thiếu trai đẹp, nhưng những người đặc biệt như thiếu niên này và con quỷ kia cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cậu ta cao khoảng 1m7, tóc đen tuyền, mắt màu xanh lục, cả người thoải mái tựa vào con siêu xe bóng loáng bên cạnh. Quan trọng hơn hết... Cậu ta đang mặc đồng phục của trường Next Generation, vậy là đồng môn với nhau sao? Đối diện với cậu ta là một bà cụ bán rau già nua ốm yếu. Cả hai đang khẩu chiến dữ dội.

Bà cụ có một sạp rau nhỏ ngay góc đường, chỗ vỉa hè gần ngã tư. Nhìn cách bài trí thì có vẻ cụ bán ở đây lâu rồi, khách quen còn đang đứng mua chiếm cả một phần lòng đường. Nhưng có vẻ thiếu niên kia đi với tốc độ quá nhanh và suýt nữa tông vào sạp rau, khiến vài bó rau rơi vãi ra đường.

"Này bà, bà có biết xe tôi bao nhiêu tiền không? Chỉ cần bà chạm nhẹ một cái thì số tiền bồi thường cũng đủ để bà trả tới khi xuống suối vàng đấy. Mà xuống suối vàng xong còn chưa hết đâu."

Tôi hóa đá. Bà cụ kia cũng chẳng vừa, bà nhìn cậu ta rồi lại nhìn xe của cậu ta, đáp.

"Cậu có biết số rau này bao nhiêu tiền không? Chỉ cần xe cậu chạy thêm một chút nữa, tôi sẽ mất tiền ăn cả tuần đấy."

...Cuộc cãi vã này hài hước thật.

Thực ra thì việc bà cụ bán ở đây nó... Không đúng lắm. Nhưng đúng sai tầm này không còn quan trọng nữa, quan trọng là ai cãi thắng.

"Bà có biết đây là lấn chiếm lề đường không?" Thiếu niên kia khoanh tay, nhìn xuống bà cụ với vẻ mặt khó chịu.

"Tôi buôn bán bao năm rồi có làm sao đâu." Bà cụ chống nạnh. "Cậu phi lên suýt đâm trúng tôi, tôi còn chưa nói cậu đấy!"

"Ơ, bà..."

"Tầm tuổi này đã học đòi lái xe ra đường, chưa chết là may rồi."

"Hừ" Cậu ta cười lạnh, quay đầu ra hiệu với người đàn ông trung niên mặc vest phía sau. "Quản gia Trần, nhanh chóng thu mua lại mảnh đất này cho tôi."

Cái lời thoại kinh điển trong tiểu thuyết ngôn tình! Tôi há hốc mồm. Bà cụ nghe vậy thì lăn ra khóc lóc ăn vạ.

"Bớ làng nước ơi. Có thằng đâm xe vào tôi này! Nó còn định đánh tôi này. Ôi giời ơi!"

Cái quái gì đang diễn ra vậy?

"... Mình đòi hỏi cái gì ở một cuốn tiểu thuyết nhỉ?" Tôi vỗ trán. Đám đông xung quanh chỉ lo hóng drama, tai nạn được mười phút rồi mà chưa thấy công an đâu. Có phải tất cả các loại tiểu thuyết đều có logic bất thường không, hay chỉ mỗi cuốn này là như thế? Hết cứu thật rồi, càng nhìn càng thấy vô vọng. Tôi đành bỏ qua vụ này và tiếp tục đến trường dự lễ khai giảng. Thế nhưng thật bất ngờ, câu chuyện chưa dừng lại ở đó...

Miệng tôi bỗng nhiên đã phản chủ, tự động tham chiến.

"Tôi rất ngứa mắt cái thái độ ngạo mạn của anh!"

Thiếu niên với bà cụ: "Hả?"

Tôi che miệng lại. Thế nhưng vẫn không kìm được, câu từ bắn ra từ miệng tôi như văn mẫu: "Tôi biết nhiều người ghét hàng rong lấn chiếm vỉa hè, nhưng đường này rộng rãi, chỗ bà cụ ngồi không ảnh hưởng đến ai, còn anh thì ngang nhiên đỗ xe chắn ngay lối đi. Vậy mà vẫn đứng đó hạch sách?...

... Anh không thấy mình hơi vô lý sao? Người ta đáng tuổi bà anh mà nói chuyện kiểu vậy à?"

Thiếu niên kia nhíu mày. "Cô là ai? Đây không phải chuyện của cô."

"Nhưng tôi đứng đây, tôi thấy, tôi có quyền ý kiến. Nếu không muốn người ta nhìn, sao anh không lái xe đi chỗ khác?"

"Tôi chỉ đang yêu cầu bà ấy không để rau lấn chiếm lòng đường và vỉa hè. Xe của tôi có giá trị gấp mấy trăm lần sạp rau này, bà ấy làm trầy một cái, ai chịu trách nhiệm?"

Xong rồi, xong thật rồi! Tôi toan chạy đi nhưng chân của tôi lại một lần nữa niêm phong tại chỗ, khiến tôi không di chuyển được. Trong khi tôi cứ mở miệng là một đống từ ngữ mất não lại tràn ra.

"Vậy xe của anh đắt thì anh cất luôn trong kho đi. Anh biết luật không? Bán rong trên vỉa hè không phạm luật, nhưng tông người thì có đấy!"

Mặt cậu ta đỏ lên. Tôi không chắc là vì tức hay vì ngại. Nhưng tôi thì chắc chắn một điều: tôi chọc nhầm người rồi. Cùng lúc đó hai chân tôi lấy lại được cảm giác, tôi liền làm ngay điều duy nhất mà một người có trí tuệ sẽ làm trong tình huống này: Chạy. Tôi ba chân bốn cẳng chạy trối chết khỏi hiện trường.

-----

Sau khi Kiều Hoàng Anh chuồn mất dạng, quản gia kiêm tài xế của Dạ Vô Thần nhanh chóng thu dọn tàn cục. Chuyện thu mua mảnh đất chỉ là cậu ta tùy hứng nói, nhưng không phải là không thể. Với thế lực nhà họ Dạ thì...

"Quản gia Trần." Cậu bỗng dưng bật cười. Người đàn ông trung niên lập tức cúi người cung kính.

"Vâng, thưa cậu chủ?"

Cậu ta nhìn theo hướng của Hoàng Anh rồi nhếch môi nói:

"Bộ đồng phục đó... Trong năm phút phải tìm được thông tin của cô ta. Cô gái này... thật thú vị."

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro