Ngày 19: Ghép cánh anh đào
- Về Kashuu Kiyomitsu và Yamatonokami Yasusada -
* Nội dung: Câu truyện này lấy bối cảnh tại một đô thị Nhật Bản sau cải cách Minh Trị năm 1868. Cuộc cải cách Minh Trị dẫn đến những thay đổi to lớn trong xã hội, nổi bật trong số đó là chính sách "tứ dân bình đẳng" xóa bỏ sự phân biệt về địa vị xã hội giữa các tầng lớp và lệnh "phế đao" (cấm người dân tự ý mang đao kiếm), dẫn đến sự suy yếu của tầng lớp Samurai (Võ sĩ) và các Daimiyo (lãnh chúa phong kiến). Điều này gây nên sự bất bình ở tầng lớp Samurai, họ phản đối nhiều đến mức khiến triều đình buộc phải dùng biện pháp bồi thường tiền để trấn áp, cùng với số tiền bồi thường, tri thức và quyền tự do buôn bán, họ nhanh chóng chọn con đường tiếp thu văn minh và giao thương với người phương Tây. Bên cạnh đó, cuộc cải cách cũng dẫn đến sự thay đổi địa vị của các gia tộc Samurai, dẫn đến sự suy yếu của một bộ phận gia tộc bảo thủ và đẩy các thành viên gia tộc vào hoàn cảnh sống khó khăn.
Trong câu truyện này, Kashuu là tộc nhân của một gia tộc Samurai bảo thủ thất thế, tình trạng bần cùng về kinh tế buộc anh phải chọn làm công việc Houka (Nam kỹ) để có chi phí chi trả cho sinh hoạt. Yamatonokami Yasusada là một trong những thành viên ít nổi tiếng của phái Kondou Shinsengumi (Tân đảng), sau khi chủ tướng bị xử tử tại Itabashi và tổ chức này tan rã, anh mở một quầy hàng bán sách gần bến cảng, gần nơi làm việc của Kashuu.
---
Phần lớn các câu chuyện thú vị được kể lại, phần nhỏ trở thành không gì cả. Cuộc đời của một Samurai như một đóa anh đào nở rộ. Dưới gốc anh đào có xác người, ẩn dụ sự hi sinh của những thế hệ nằm lại nuôi dưỡng sự sống nảy mầm.
"Chiến binh.
Thanh xuân liệu đáng tiếc?
Những phiến hồng lãng du trả lời."
Hòa phục xanh di sản của một thời đại nằm lại, lặng lẽ sau sạp bán sách vệ đường. Khi sự kiêu hãnh mang mùi kim loại tạm thời nhường chỗ cho vị tiền giấy, người ta đổ xô đi làm thương nhân. Thủ đô lao vào một cuộc chiến mới ồn ào và dữ dội. Một sợi chỉ kiên trì dệt vào tấm vải tri thức. Cậu thanh niên biết rằng không phải hiện tại, nhưng sẽ sớm, chiếc áo khoác cao quý của sự hiểu biết sẽ bảo hộ cho một cường quốc giàu sang.
Trưởng thành khi gia tộc suy tàn, những nghề như Houka(1) từng bị rẻ rúng giờ trở thành bát cơm của kẻ bị đẩy xuống đáy vực trong cuộc thanh trừng nội bộ. Lăn lộn như tiếng đàn Shamisen(2), vui và trào phúng, hơi rượu trong tiếng cười, phiến quạt giấy đỏ che nốt ruồi duyên bên khóe miệng kéo cao gậm trùng đứt gãy. Sự kiêu ngạo được xây dựng từ huyết thống. Khi những chiếc đèn lồng đỏ thế chỗ ánh tịch dương, tìm lại sự yên tĩnh trong con sóng cuốn ồn ào.
Kẻ khinh bạc nghề ca kĩ gieo trụy lạc cho tân thế hệ. Kẻ khao khát tri thức khước từ thế hệ hủ bại. Trong vô số những phiến anh đào đi lạc thời kì cải cách, là hoàng kim hay đất bùn còn lại của những năm tháng tối tăm cán lại vết xe đổ. Kiếm đạo và vũ khúc Kouta(3) đều là thành tố dệt nên lịch sử một đất nước vận động tiến lên duy tân. Trang phục truyền thống phá cách. Với những cánh hoa đào rời rạc ghép lại cũng thành một đóa hoa hoàn hảo.
- Thi phong hoàn -
1, Houka: Cách gọi nam giới làm nghề (Geisha) ở phố hoa.
2, Shamisen: Một loại nhạc cụ loại dây thường được Geisha sử dụng.
3, Kouta (Bài hát ngắn): Là một phong cách nhạc thường được học bởi Geisha.
(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Shamisen)
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro