2. Tuổi thơ
Liếc nhìn đồng hồ, 4 giờ sáng. Dường như cơn ác mộng tối qua sẽ không phải lí do chính đáng để tôi viết vào đơn xin nghỉ việc hôm nay. Tôi xốc lại tinh thần, chuẩn bị đi làm.
Tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội đến giờ đã được hai năm, hiện đang là giáo viên hợp đồng tại một trường cấp ba ở "tiểu vương quốc" Long Biên, cũng được hơn một năm rồi.
Bố mẹ li hôn từ khi tôi còn nhỏ. Bố tôi vốn thất nghiệp, lại nghiện cờ bạc nặng. Trước khi bước chân vào con đường ấy, bố đã từng là một người đàn ông mẫu mực của gia đình, chỉ vì kiếp đỏ đen mà tay trót nhúng chàm.
Lúc bé, tôi thường hay lui tới mấy sòng bài cùng bố bởi mẹ quá bận rộn với mớ công việc ở xưởng may. Bố tôi nghiện đến mức vay tiền bọn xã hội đen để chơi bài nhưng rồi mất trắng, phải nghe theo lời bọn họ mà buôn ma túy.
Lúc mẹ biết chuyện, bố tôi đã buôn trót lọt vài ba vụ. Bà khuyên ông hãy nghĩ cho bà, nghĩ cho tôi nhưng ông không nghe, còn đánh bà túi bụi. Cảnh tượng man rợn ấy hằn lên tâm trí của một đứa bé mới bảy tuổi. Tôi còn nhớ, khi ấy, ông rống lên:
- Con mẹ mày, mày làm ra bao nhiêu mày ôm hết. Nếu mày đưa tao trả nợ thì tao đã không ra nông nỗi này. Đời tao khốn nạn như này là do mày, do mày cả. Thứ đĩ điếm. Mày giấu nhẹm đi rồi mang cho thằng chó nào chứ gì? Đừng có bảo là mày nuôi con. Dồn tiền vào cái thứ ăn hại, bỏ đi như nó, mày nói xem có đáng hay không?
Ông cứ vậy, vừa gào rú vừa nắm đầu mẹ tôi đập liên tiếp vào tường. Tôi hoảng sợ nhìn quanh. Điện thoại bàn đã bị ông đập nát, di động cũng tan tành. Tôi run rẩy lê từng bước đi gọi hàng xóm sang giúp. Mọi người can ngăn không được. Hết cách, họ đành nhấc máy lên gọi báo công an.
Một lúc sau, công an đến áp giải bố tôi đi. Họ cũng tìm thấy trong người ông vài túi ma túy đá khiến đường dây ma túy bị tóm gọn.
Mẹ tôi thì bị thương nặng, nhập viện với cơ thể bầm dập, tím tái. Khi tỉnh dậy ở viện, mẹ nhìn tôi, căm phẫn tột cùng. Khuôn mặt tôi giống bố y đúc, có lẽ điều đó khiến mẹ bất giác nhớ lại nỗi đau vừa trải qua. Ánh mắt của mẹ làm tôi chợt hiểu ra, cuộc sống sau này của tôi sẽ khác đi nhiều.
Với những tội danh khác nhau cùng thái độ không hợp tác, chống đối cơ quan có thẩm quyền, bố tôi lĩnh án tù chung thân. Thật may mắn khi ông chịu kí vào đơn ly hôn. Đó là sự giải thoát đối với mẹ tôi, bà có thể bắt đầu cuộc sống mới.
Tôi tiếp tục sống cùng mẹ trong căn nhà cũ - căn nhà từng có bóng dáng một nhà ba người giờ chỉ còn hai, dưới cái nhìn dị nghị của bà con lối xóm. Có người đồng cảm với mẹ con tôi, cũng không ít người xì xào bàn tán. Áp lực vô hình đè nặng lên vai mẹ, khiến bà cứ vậy đay nghiến tôi trong vô thức. Nhưng bà chưa từng vứt bỏ đứa con này, một đứa trẻ như tôi luôn thấy mừng vì điều đó.
Một thời gian sau, mẹ tôi tìm được bến đỗ mới. Tôi với mẹ chuyển đến ở cùng chú Sang, bỏ lại quá khứ.
Chú Sang là người đã có một đời vợ. Nghe bảo vợ chú đoản mệnh, không may qua đời trên bàn phẫu thuật lúc sinh đứa con đầu lòng. Chú cứ vậy sống cảnh gà trống nuôi con trong khoảng năm năm gì đó. Có lẽ vì vậy mà chú đồng cảm với một người mẹ đơn thân, mẹ tôi cũng đồng cảm trước hoàn cảnh của chú Sang và rồi quyết định về bên nhau bất chấp sự phản đối quyết liệt từ phía gia đình chú.
Khác với mấy câu chuyện mẹ ghẻ con chồng mà tôi thường nghe kể như Tấm Cám, Lọ Lem..., mẹ tôi thương con chú Sang vô cùng. Thằng bé cũng thuận theo tự nhiên mà tiếp nhận bà, dù sao chăng nữa nó cũng chỉ là một đứa trẻ thuần khiết. Tôi thì giống hệt kẻ dư thừa trong bức tranh gia đình đáng ngưỡng mộ ấy.
Sau khi nhận được giấy báo trúng tuyển đại học, tôi vội lấy đó làm cái cớ, xin phép chú và mẹ cho tôi chuyển ra ở riêng. Chú Sang không nói gì, có vẻ tôn trọng quyết định của tôi. Mẹ tôi thì không còn mấy mặn mà với đứa con cùng người đàn ông làm mẹ đau nên chẳng để tâm cho lắm.
Thu dọn đồ đạc, tôi chuẩn bị lên đường. Ra đến cổng, tôi thấy mẹ đã đứng đó từ bao giờ. Đưa tôi một số tiền không quá nhiều, cũng không quá ít, mẹ bảo:
- Chú Sang nhờ tao đưa cho mày. Thứ nghiệp chướng, lúc nào cũng để người khác phải lo. Mày đi luôn đi, đừng về nữa có khi lại càng hay.
Tôi chỉ biết im lặng, bởi tôi nhận ra mình đang làm phiền đến mái ấm của mẹ. Nhìn mẹ, tôi chợt cảm thấy chua xót lạ lùng. Ánh nhìn của mẹ hệt như năm ấy, ghẻ lạnh, phẫn uất. Trong ánh mắt ấy, tôi thấy hết thảy nỗi lòng của bà. Bà mong tôi cút đi, càng xa càng tốt.
Rồi tôi chào mẹ, có lẽ là lần cuối. Đến trạm xe buýt, tôi ngắm nhìn mấy toà nhà cao vút bên đường. Càng nhìn lên cao càng chỉ thấy ánh nắng. Nó gắt gỏng chiếu rọi lên tôi, như thể ôm lấy tôi mà vỗ về nhưng lại vô tình khiến tôi cảm thấy ngột ngạt đến khó thở.
Bỗng có tiếng nói khàn khàn vang bên tai:
- Phương Chi à.
Tôi quay lại nhìn. Là chú Sang. Tôi không ngờ chú sẽ đến tận đây để gặp tôi vào giây phút cuối. Tôi chào chú. Chú nhìn tôi. Khuôn mặt chú hoà vào ánh mặt trời, chói chang mà ấm áp, cái ngột ngạt ban nãy cũng bớt đi phần nào. Chú ngồi xuống cạnh tôi, mắt nhìn xa xăm:
- Khổ thân con, còn bé như vậy mà phải...
- Không đâu chú, là cháu lựa chọn cuộc sống như vậy mà.
- Con sợ phiền đến chú và mẹ con, phải không?
Tôi im bặt, chú cứ vậy nhìn thấu tim đen của tôi. Như thể nhận ra điều đó, chú nhẹ ôm tôi vào lòng, giọng chú nghèn nghẹn:
- Trời ơi, sao một đứa trẻ lại hiểu chuyện đến mức này cơ chứ.
Tôi vẫn im lặng. Chú nói tiếp:
- Chú biết chú không phải là bố của con, không thể đòi hỏi bất kì thứ tình cảm gia đình nào từ con. Nhưng chú thật lòng thương mẹ con con. Chú biết mình không có tư cách ngồi đây nói những điều này bởi có lẽ chú chính là lí do khiến bà ấy hắt hủi chính con mình. Chú thương mẹ Chi, thương cả Chi nữa. Nhưng chú không biết làm gì để giúp cho con cả. Mẹ con khẩu xà tâm phật, con đừng để ý nhé. Bà ấy cũng thương con lắm.
Chú vẫn vậy, vẫn ân cần và nhẹ nhàng như ngày đầu mẹ dẫn tôi về nhà chú. Tôi từng nghĩ sẽ hận người đàn ông trước mặt vì đã cướp đi tình thương của mẹ. Nhưng sự ấm áp của chú khiến tôi không tài nào ghét nổi. Chú thật sự quá tốt. Vậy cũng hay, tôi không cần quá lo lắng cho mẹ nữa rồi.
Tôi vỗ nhẹ vai chú, cười đáp:
- Chú Sang, chăm sóc mẹ cháu giúp cháu nhé. Cháu biết chú là một người tốt, cũng biết chú thương cháu và mẹ. Nhưng cháu không tài nào tiếp nhận nổi hiện thực, không tài nào đón nhận tình yêu thương của chú dù biết chắc rằng chú là một người đàn ông tuyệt vời. Có lẽ mọi thứ đều vượt quá suy nghĩ của cháu. Cháu nói vậy mong chú đừng buồn.
- Không sao, chú biết trước giờ con chịu nhiều tổn thương. Chi à, rời xa vòng tay gia đình sẽ rất khó khăn. Cứ gọi cho chú bất cứ khi nào con cần nhé.
Nói rồi, chú đưa tôi một mảnh giấy ghi số điện thoại. Tôi nhận lấy, vốn biết bản thân sẽ không dùng đến nó nhưng tôi cũng không muốn từ chối tấm lòng của chú.
Tôi chợt nhớ đến số tiền khi nãy, quay sang nói với chú:
- À chú ơi, số tiền chú nhờ mẹ cháu đưa cho cháu...
- Cái bà này, đã dặn đi dặn lại đừng nói là chú đưa rồi. Thế mà cứ nói huỵch toẹt hết cả ra.
Tôi gượng cười:
- Mẹ cháu vốn không biết nói khéo, không trách được bà ấy chú ạ.
- Chú sợ con không nhận nên dặn mẹ con không được nói ra. Vậy mà...
- Chú Sang này, cháu cảm ơn chú nhiều lắm. Cháu thật sự rất cần số tiền này để trang trải cuộc sống. Cháu hứa sẽ sớm trả lại chú.
- Không không, không cần khách sáo vậy. Con cứ giữ lấy mà lo cho bản thân. Số tiền ấy coi như là quà sinh nhật suốt mười năm qua, cả những năm chú chưa gặp con nữa. Mười năm sống cùng nhau, con chưa năm nào nhận mấy món quà chú tặng cả.
- Không đâu ạ, cháu nhất định sẽ trả lại.
Chú cười trừ, khẽ xoa đầu tôi:
- Cái con bé cứng đầu cứng cổ này.
Xe buýt đến trạm, tôi từ biệt chú rồi lên xe rời đi. Tôi thấy bóng dáng chú nán lại trạm rất lâu, rất lâu, bỗng cảm nhận được thứ tình thương lâu nay tôi đánh mất.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro