Chương 4: Bóng người trong giấc mộng

Trân Ni từ cái ngày được cứu khỏi dòng sông lạnh buốt hôm ấy, trong lòng cứ mãi lẩn quẩn hình bóng của người con gái lạ. Lạ từ ánh mắt, dáng đi, tới cả cách mà nàng nói: "Cô không nên đến đây." Nói rồi đóng sập cửa như muốn xóa sạch mọi mối liên kết mong manh vừa kịp dệt.


Mà Trân Ni, từ trước đến nay đâu phải người dễ bỏ qua điều gì chưa rõ ràng. Càng không phải dạng người để người khác xua đuổi là chịu lui bước. Nhất là khi trong lòng nàng... lại bắt đầu thấy nhột nhột một thứ cảm giác không tên.


Sáng hôm ấy, nàng lấy cớ qua làng bên thăm ruộng giống cậu Hai mới đem về, nhưng kỳ thực là để ghé ngang một lần nữa. Trân Ni bước chân nhẹ như lướt, tới trước nhà Trí Tú, không gõ cửa. Nàng chỉ đứng sau bụi tre rậm, mắt dõi theo khe cửa hé hở.


Trí Tú đang ngồi vo gạo bên hiên. Mái tóc búi gọn, áo bà ba bạc màu, bàn tay gầy nhưng nhanh nhẹn. Ánh nắng xiên qua vạt lá, đậu lên sống mũi cao và đôi môi khẽ mím. Cái vẻ đẹp ấy không còn hoang hoải như hôm gặp dưới sông, mà lại mang nét gì đó... buồn. Như chiếc bóng không chịu nhập hồn.


"Không phải mày nói mày không nhớ người ta sao?" – Trân Ni tự trách mình. "Vậy mà đứng đó nhìn người ta như con ngẩn."


Đột nhiên, Trí Tú ngước lên. Không biết là vô tình hay hữu ý, ánh mắt hai người chạm nhau qua kẽ lá. Trân Ni giật mình, quay lưng bỏ đi, lòng rối như tơ vò. Còn Trí Tú, nàng khựng lại, đôi mắt chớp nhẹ... rồi tiếp tục vo gạo như chưa từng thấy gì.


Tối đó, Trân Ni trằn trọc không ngủ được. Nàng mơ. Trong mơ, có một căn nhà nhỏ, có giọng người gọi nàng từ xa: "Cô có biết mình đang tìm cái gì không?" Nàng quay lại, thấy Trí Tú đứng giữa làn khói trắng, mái tóc rối bời, tay vẫn ướt sũng nước sông.


Trân Ni choàng tỉnh, mồ hôi ướt lưng áo. Lần đầu tiên trong đời, nàng thấy mình sợ. Không phải sợ bóng ma hay lời đồn, mà sợ chính bản thân mình đang bắt đầu... quan tâm.


Sáng bữa sau, nàng đến tìm Ngọc Kỳ. Cô bạn thân từ thuở nhỏ nay đã theo học nghề thuốc với thầy lang họ Bùi.


"Kỳ," Trân Ni ngập ngừng, "ta muốn biết rõ hơn về Trí Tú."


Ngọc Kỳ vừa phơi dược vừa liếc bạn:

"Rồi, giờ mới chịu nhận là có hứng thú ha? Biết liền à."


Trân Ni lườm một cái:

"Không đùa."


Kỳ nghiêm giọng lại, đặt rổ lá thuốc xuống:

"Người đó không đơn giản đâu. Trước giờ ai cũng né, không phải vì ghét mà vì sợ. Cô Tú có số xui từ nhỏ. Hễ ai lại gần, nhà cửa cũng gặp tai họa. Người thì gãy chân, người mất mùa, có người còn nói thấy oan hồn theo sau cổ nữa..."


Trân Ni chau mày:

"Là lời đồn hay thật?"


"Không ai biết chắc," Kỳ đáp, "Nhưng ai cũng tin. Vì lạ lắm. Cổ đi tới đâu, chuyện tới đó. Mà cổ sống kín tiếng lắm. Cha là người gác cửa phủ huyện, mẹ còn sống nhưng hay đau yếu nên ít ra ngoài. Bà hiền lắm, thấy ai tới nhà cũng niềm nở, nghe nói bữa gặp Trân Ni còn khen đẹp người đẹp nết. Không bạn bè, không thân thích. Cái gì cũng một mình."

Trân Ni lặng thinh. Một mình. Cái chữ ấy nghe sao mà lạnh buốt.


Chiều hôm đó, trời vừa nhá nhem, Trân Ni đội nón lá, mang theo một hũ bánh đậu xanh tự tay làm, quay lại nhà Trí Tú. Lần này, nàng gõ cửa ba lần. Không có tiếng trả lời.


Nhưng cánh cửa khẽ mở. Trí Tú đứng đó. Vẫn ánh mắt ấy – vừa cứng rắn, vừa muốn lùi.


Trân Ni không nói gì, chỉ đưa hũ bánh ra, nhẹ giọng:

"Cảm ơn cô... lần đó. Dù cô có muốn hay không, tôi cũng phải nói."


Trí Tú đón lấy hũ bánh, môi run nhè nhẹ:

"Tôi đã bảo đừng đến nữa."


"Vì sao?" – Trân Ni hỏi, mắt không chớp.


Trí Tú cúi đầu, thì thào:

"Vì cô không nên dây vào tôi. Sẽ không ai yên ổn khi lại gần tôi."


Nói xong, nàng định đóng cửa. Nhưng Trân Ni bước tới, một tay giữ chặt cánh cửa.


Nàng nói, giọng rắn rỏi, có phần ngang bướng:


"Vậy thì thử xem, tôi có xui không."

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro